Mục lục
Sơn Hà Bất Dạ Thiên
Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Thời điểm được vinh danh bảng vàng, ruổi ngựa dạo phố, Đường Thận từng nghĩ chức quan mình muốn làm nhất là một chức quan thuộc bộ Công.

Sau đó cậu bước vào con đường hoạn lộ, trải sáu năm đổi dời, đã đảm nhiệm nhiều vị trí. Lúc lên chức Hữu phó ngự sử ty Ngân Dẫn, cậu còn nói với Đường Hoàng rằng: “Anh muốn làm quan ở bộ Công nhất.” Nhưng Đường Thận chỉ nói thế mà thôi, cậu chưa từng nghĩ mình có thể vào bộ Công thật.

Đâu ai ngờ, sự đời khó đoán trước, hiện giờ cậu đã thành quan bộ Công.

Hai mươi hai tuổi đã là quan tam phẩm, trong thời gian trị vì của hoàng đế hiện nay không phải hiếm. Vương Trăn hai mươi ba tuổi đã là Thượng thư bộ Hộ, xét ra còn phi thường hơn cả Đường Thận.

Kể ra thì chức Hữu thị lang bộ Công cũng rất thú vị. Người tiền nhiệm của Đường Thận chẳng phải ai khác, chính là Tô Ôn Duẫn – người mới được thăng chức gần đây. Hai mươi tư tuổi, Tô Ôn Duẫn đã là Hữu thị lang bộ Công. Trong thời gian Tô Ôn Duẫn tại chức, vì đảm nhiệm cả chức Thiếu khanh Đại lý Tự, anh ta chủ yếu nghe theo sự sai phái của hoàng đế chứ không thường xuyên đến bộ Công làm việc.

Hiện giờ đổi sang Đường Thận, việc đầu tiên cậu làm là chuyển về điện Cần Chính.

Điện Cần Chính về cơ bản vẫn giống trước kia. Không có quá nhiều thay đổi trong hai năm Đường Thận rời khỏi đó.

Trong bốn vị tướng công chỉ có Từ Bí vốn là Hữu thừa nay đã thành Tả tướng, Thượng thư bộ Hình cũ Cảnh Thiếu Vân lên chức Hữu thừa. Đường Thận quay về điện Cần Chính khiến nhiều quan đồng liêu bùi ngùi xúc động mọi người đều chúc mừng cậu. Chỉ trong vòng một ngày, phủ Hữu thị lang đã chất đống quà cáp.

Triều đại này không cấm đoán việc quà cáp giữa các quan, chỉ cần không thái quá thì chẳng sợ bị Ngự sử đài để mắt.

Mùa xuân năm Khai Bình thứ hai mươi ba đã trôi qua trong không khí bình yên vui vẻ.

Đến mùa hè, lũ lớn xảy ra ở sông Hoàng Hà, tứ hoàng tử Triệu Kính gửi thư về kinh, xin triều đình cử người đến cứu trợ thiên tai. Đường Thận nhậm chức Hữu thị lang bộ Công suốt nửa năm mới có dịp đi công cán. Triệu Phụ sai cậu đến Ký Châu đối phó với nạn lụt lội. Bên cạnh đó còn có bộ Hộ, bộ Binh phối hợp cứu giúp nạn dân.

Đường Thận lập tức sửa soạn đến Ký Châu ngay.

Lúc biết tin anh trai mình phải đi khắc phục nạn lụt, Đường Hoàng ngạc nhiên vô cùng: “Này anh, em không biết anh có tài trị thủy từ bao giờ đấy?”

Đường Thận nhướng mày: “Anh cũng có biết đâu.”

“Hả?”

“Em nghĩ quan bộ Công thì làm gì?”

Đường Hoàng ù ù cạc cạc.

Đường Thận cười nói: “Tuy anh không hiểu rõ việc chống lụt lội, nhưng anh là Hữu thị lang bộ Công, không phải thợ của bộ Công. Trên bàn cờ, em đã bao giờ thấy người ta dí tướng xông pha, giữ tốt ở lại chưa?”

Quan cao là thế đấy, quyền thần là thế đấy.

Kiếp trước Đường Thận là sinh viên ngành kỹ thuật, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cậu biết đối phó với lụt lội. Những gì cậu biết về lũ lụt chỉ giới hạn ở những thông tin đại chúng hằng năm, mà những bản tin đó cũng chỉ loanh quanh mấy câu về phòng chống lụt lội, như phải khơi thông thay vì ngăn chặn, xây dựng hệ thống thoát nước chất lượng cao, song những điều này quá khó để thực hiện trong bối cảnh cổ đại. May thay, dân cư cổ đại không quá đông đúc, chỉ cần di dời khỏi vùng thường xuyên xảy ra lụt lớn hằng năm nên tình hình thiên tai có thể không nghiêm trọng như thời hiện đại.

Tháng bảy, Đường Thận dẫn đoàn đến Ký Châu, mãi đến tận tháng chín mới trở về.

Cậu về tới nơi, Vương Trăn cứ ngắm nghía mãi, rồi xót xa ôm ghì vào lòng: “Gầy rồi, còn đen đi nữa.”

Đường Thận nhoẻn cười, cậu đẩy chàng ra, hỏi: “Huynh có biết ta gặp ai ở Ký Châu không?”

“Ai thế?”

“Tiên sinh đó.”

Vương Trăn ngạc nhiên quá đỗi.

Đường Thận nhịn lâu như thế, cốt là để thấy vẻ mặt bất ngờ của Vương Trăn. Giờ cậu đã thỏa mãn, bèn kể hết đầu đuôi: “Tiên sinh du ngoạn miền Nam một năm, thăm thú hết sông rộng núi dài. Vì đã có tuổi nên dù còn nhiều chỗ chưa từng đặt chân, người cũng không thể ghé thăm hết mà đành phải quay về Xương Châu. Đúng lúc người đến gần Ký Châu thì nghe tin ta đang ở đó, thế là người bèn tới Ký Châu gặp ta. Theo hầu tiên sinh vẫn có hai tiểu đồng Ôn Thư và Phủ Cầm đó.”

Vương Trăn khoan thai ôm gọn cậu vào lòng mình lần nữa: “Phủ Cầm ấy à? Lẽ nào ta không phải Phủ Cầm ư?”

Đường Thận: “Huynh gảy đàn có êm tai bằng Ôn Thư không?”

Trong hai đồng tử theo hầu Phó Vị, Ôn Thư thì giỏi chơi đàn, Phủ Cầm lại giỏi đọc sách, đây là giai thoại thú vị mà ai ai cũng biết.

Vương Trăn bật cười: “Thế là tiểu sư đệ muốn nghe ta dạo một bài phải không?” Nói đoạn, Vương Trăn dắt cậu tới thư phòng, “Muốn nghe khúc nào? Phượng cầu hoàng, hay Trường tương tư?”

Đường Thận cười hì hì: “Suốt ngày chỉ biết đánh cờ chơi đàn, huynh có thể nói chuyện gì hay hơn được không?”

Vương Trăn ra chiều buồn bã, thở dài: “Quả nhiên là em thấy ta tẻ ngắt mà. Phải đó, ta đọc sách từ nhỏ, chỉ học mỗi cầm kì thi họa chứ đâu được như em, gặp cơ man điều hay chuyện lạ. Ta nghe nói em từng bán một loại nước trái cây, chua ngọt tươi mát, vậy mà ngay cả việc tưởng tượng ra nó thôi ta cũng chẳng tài nào tưởng tượng nổi.”

Đường Thận ngỡ ngàng: “Từ đâu mà huynh biết chuyện đó?”

Vương Trăn nháy mắt với cậu, tuyệt nhiên không hé răng.

Đường Thận đời nào buông tha cho chàng dễ thế, nào hăm dọa, nào dụ dỗ, thậm chí viện tới cả kế mĩ nhân. Cuối cùng, Vương Trăn bị cậu trêu dữ quá, chàng ghì đầu cậu lên ngực mình bằng một tay, khẽ giọng bảo: “Yên, trời còn chưa tối, em thích ngang nhiên ‘hành sự’ giữa ban ngày hử?”

Đường Thận lập tức ngoan ngay: “Thế huynh nói cho ta biết, rốt cuộc huynh nghe chuyện ấy từ đâu đi.”

Vương Trăn thầm than, cả đời này mình đã bị chàng trai trong lòng cho vào “rọ” mất rồi. Nét cười trên gương mặt dịu đi, chàng nói: “Từ gia bộc Diêu Tam nhà em chứ đâu.”

Đường Thận trố mắt.

Khoan khoan, Vương Tử Phong và Diêu Tam quen biết nhau từ bao giờ?!

Đường Thận chưa kịp hoàn hồn, Vương Trăn đã kề môi lên cổ cậu, vừa hôn nhè nhẹ vừa thủ thỉ nghe đến tội: “Lúc nghe anh ta nói, ta chỉ nghĩ đời mình sao mà vô vị, buồn tẻ quá đỗi. Em thấy đấy, ta chẳng biết giặt giũ quét tước, chẳng biết xuống bếp nấu canh. Vương Tử Phong này sống hơn ba chục năm nay, giờ ngẫm lại, rõ là một cuộc đời tầm thường nhạt thếch!”

Đường Thận cứ thấy có gì đó sai sai. Ra đường mà nói Vương Tử Phong tầm thường nhạt thếch, người ta lại chẳng cười cho thối mũi.

Vương Trăn nói tiếp: “Em thấy đấy, chớ kể tới việc vi vu khắp núi non, nếm trăm loài cây cỏ1, ngay đến nước trái cây ta còn chẳng biết là cái gì kia mà.”

[1] Xuất phát từ tích Thần Nông nếm hàng trăm loài cây cỏ để tìm hiểu dược tính của chúng

Đường Thận rốt cuộc cũng hiểu ra: “Thế tức là, huynh muốn uống nước trái cây chứ gì?”

Vương Trăn tròn mắt ngạc nhiên, sung sướng ồ lên: “Cảnh Tắc, em bằng lòng làm nước trái cây cho ta ư?”

“…Khoan đã, ta có nói thế đâu.”

“Ôi ta mừng quá đi mất!”

Đường Thận: “…”

Món nước trái cây này thực ra chẳng ngon mấy, với điều kiện sản xuất của thời cổ đại và hiểu biết sơ sài của Đường Thận về phương pháp lên men hoa quả, thứ nước này có thể bán chạy ở thôn Đường gia chẳng qua là vì người dân trong thôn chưa được nếm những thức uống ngon lành bao giờ. Vương Trăn sống trong nhung lụa từ bé, chẳng có loại rượu quý hiếm nào chàng chưa từng thưởng thức, ấy thế mà mới nhấp thử một ngụm nước hoa quả, chàng đã khen ngay: “Ngọt ngào sảng khoái, dư vị khó phai, uống một hớp thôi đã thấy hương thơm vấn vương trong miệng.”

Đường Thận hết sức ngạc nhiên, cậu uống một ngụm: “Tuyệt như huynh nói thật sao?”

Vương Trăn thơm lên trán cậu: “Vì tay em làm đấy, vì em làm cho ta.”

Lần này về kinh, cứ mười ngày thì phải đến tám ngày Đường Thận ngủ lại phủ Thượng thư, hai người quyến luyến nồng nàn, gắn bó keo sơn. Vương Tử Phong giỏi nói ngọt lắm, Đường Thận bị chàng làm cho say như điếu đổ, đến nỗi một ngày nọ cậu bỗng hoài nghi bản thân: Mình phải may mắn đến nhường nào mới chiếm được lòng yêu của Vương Tử Phong kia chứ?

Cậu chỉ thiếu điều thấy mình không xứng với Vương Tử Phong nữa thôi.

Sau khi biết chuyện này, Vương Trăn hối hận ghê gớm.

“Trong mọi việc, phải hết sức lưu ý ‘tốt quá hóa lốp2’,” đặt bút viết ba chữ “Chậm mà chắc3“, Vương Tử Phong thở dài: “Bao giờ mới có thể khiến em ấy chủ động hơn một chút đây…Hừm, lúc nào, ở đâu nhỉ?”

Vương Trăn sai người gọi thợ đến, khắc ba chữ này thành tấm biển để treo trong thư phòng, ngày ngày nhắc nhở bản thân.

Công việc của Đường Thận rất suôn sẻ, chuyện yêu đương cũng mĩ mãn, có thể nói là bội thu về cả tình cảm lẫn sự nghiệp.

Thế rồi đến ngày mười hai tháng mười năm Khai Bình thứ ba mươi ba, chỉ mấy hôm sau ngày mừng thọ của hoàng đế. Trước khi lên triều, trong lúc Vương Trăn và Đường Thận đang mặc triều phục, Vương Trăn vừa chỉnh vạt áo cho Đường Thận, vừa giả vờ như lơ đãng, nói: “Mấy hôm trước Lý Cảnh Đức gửi quân báo từ U Châu về chuyện hai quân Tống Liêu đánh một trận nhỏ, có nói một câu.”

Không dưng lại nhắc đến Lý Cảnh Đức và quân báo U Châu, Đường Thận hơi ngạc nhiên: “Nói gì?”

“Lúc ấy lửa chiến trận ngút trời, người Liêu tràn lên hết lớp này đến lớp khác, ùn ùn bâu vào xâu xé. Em có biết quân Tống đã làm thế nào để đột phá vòng vây không?”

“Làm thế nào?”

“Quyết tiến không lùi, trừ phía trước ra, không quản gì khác.”

Đường Thận mới nghe câu đầu tiên đã biết đây không thể nào là quân báo do Lý Cảnh Đức viết được rồi, Vương Trăn nói thế này ắt có dụng ý khác. Cậu nắm tay chàng, ngước lên hỏi: “Sư huynh, rốt cuộc là có chuyện gì?”

Vương Trăn cúi đầu nhìn cậu, nếu là trước kia, chàng sẽ muốn nói với Đường Thận rằng “Chớ nghe chớ hỏi, không liên quan gì đến đệ”, nhưng giờ đây chàng nhớ đến tấm biển trong phòng mình, lại nghĩ đến những lời Vương Thuyên từng nhắc và những gì chàng từng nói với Vương Thuyên.

Người chàng yêu, chưa bao giờ là một Đường Cảnh Tắc núp dưới sự che chở.

Vương Trăn ôm cậu vào lòng, nhẹ nhàng nói ba chữ: “Ty Ngân Dẫn.”

Đường Thận trố mắt.

“Cảnh Tắc, hiện giờ nhất thiết không được hành động khinh suất.”

Lòng Đường Thận hiểu rõ, nhưng nỗi lo cứ như lửa rừng lan giữa đồng hoang, chớp mắt đã cháy ngùn ngụt khắp núi.

Khi lên triều, mọi sự vẫn êm ả.

Đứng trong hàng ngũ quan văn tam phẩm, Đường Thận ngẩng đầu, nhìn về phía Vương Trăn trên hàng quan nhất phẩm. Chàng vẫn đứng đó cạnh Vương Thuyên, ngỡ như chưa hề có chuyện gì phát sinh, chưa có những lời Vương Trăn nói vào sáng sớm, chưa có gì khiến bọn họ phải quyết tiến không lùi. Ngay khi sắp tan triều, Triệu Phụ giơ tay lên, ra lệnh cho Quý Phúc tuyên đọc thánh chỉ.

Giọng nói the thé cao vút của Quý Phúc vang lên trong đại điện.

“…Từ năm tới, trẫm suy xét đến nỗi vất vả của bách tính và việc Ngân khế trang bộ Binh đem lại hiệu quả rất cao, với tâm nguyện thiên hạ được sung túc yên vui, chung sức đồng lòng với nhân dân…”

“Bãi bỏ Ngân khế trang bộ Binh ở ba mươi sáu châu, sửa thành Ngân khế trang Đại Tống.”

“…Trẫm để Ngân khế trang Đại Tống phục vụ muôn dân, mang tiện ích đến cho thiên hạ.”

Tuyên đọc xong, Quý Phúc siết chặt hai bàn tay trên rìa thánh chỉ, trán lão đẫm mồ hôi.

Cả Điện Tử Thần im phăng phắc.

Người Đường Thận căng cứng, cậu không dám thở to tiếng. Không ai biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, chỉ khi nghe tiếng bước chân nhè nhẹ cất lên, mọi người mới ngẩng đầu. Phía xa xa, Đường Thận thấy một bóng người cao ráo bước lên trước toàn thể các quan. Dáng người ấy hệt núi xanh, mang sẵn trong mình chất ngạo nghễ và cứng cỏi, vươn lên thẳng tắp.

Vương Tử Phong giơ cao hốt ngọc, cất tiếng nói sáng trong ấm áp: “Thần lĩnh chỉ.”

Ty Ngân Dẫn U Châu, Thịnh Kinh và toàn thể Ngân khế trang bộ Binh trong thiên hạ đều thuộc quyền quản lí của Vương Trăn, chàng tiếp chỉ là điều không phải bàn cãi.

Lúc này, chỉ còn thiếu người đứng đầu ty Ngân Dẫn Giang Nam – Thượng thư bộ Hình Dư Triều Sinh.

Dư Triều Sinh đứng như trời trồng, gương mặt thảng thốt, mãi không phản ứng gì. Sau một khắc, có bóng người tiến lên từ phía trái Vương Trăn. Tả tướng Từ Bí cũng giơ cao hốt ngọc, nét mặt trầm lắng như giếng cổ im lìm, giọng rất đỗi khoan thai: “Thần cho rằng, việc này không thể thực hiện.”

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK