Cảnh sắc trong khu vườn Phó phủ có thể miêu tả bằng câu “xuân về hoa đua nở, chỉ nghe tiếng chim ca.” Bóng liễu xòa lên hòn giả sơn, hòn giả sơn lại ngả bóng lên ba người Đường Thận. Câu nói của Đường Thận rơi tõm vào bầu không khí tĩnh lặng trong vườn.
Đường Thận gặp khó ló cái khôn mà bật ra câu thơ ấy, Ôn Thư đồng tử chưa nghe lần nào, còn Vương Trăn lại đăm chiêu nhìn cậu. Một lát sau, chàng mới cất lời: “Lai như lôi đình thu chấn nộ? Sao tiểu sư đệ vừa thấy ta lại đột nhiên nói thế?”
Đến tựa thiên lôi thâu sấm sét, dừng múa ánh ngời tỏa biển sông1.
Đây là câu thơ Đỗ Phủ viết để tả cách múa kiếm của Công Tôn đại nương, thế giới này cũng có.
Đường Thận đã kịp bình tĩnh lại, cậu bịa ngay: “Lâu lắm rồi không thấy Tử Phong sư huynh, hôm nay gặp lại, trông thần thái huynh vẫn rạng rỡ ung dung hệt như trong trí nhớ của đệ, chẳng khác nào giọt nắng giữa dòng Trường Giang, lấp lánh chói lọi. Đệ thấy sư huynh liền nhớ ngay tới câu thơ ấy, thế nên mới vô thức thốt thành lời.” Trước tiên cứ phải xoa mông ngựa cái đã.
Vương Trăn nhìn Đường Thận một hồi, nói: “Không ngờ mới bảy ngày không gặp nhau mà Cảnh Tắc đã nhớ nhung ta dường ấy.” Đoạn chàng trách thư đồng nhà mình: “Cảnh Tắc không sang phủ Thượng thư suốt bảy ngày, sao ngươi không đi mời đệ ấy hả? Nếu không nhờ hôm nay tiên sinh gọi hai huynh đệ chúng ta tới thì chẳng biết bao giờ mới gặp lại Cảnh Tắc! Ngươi đã biết tội chưa?”
Cậu thư đồng không dưng bị đổ oan: “?” Chuyện hai vị vừa nói có liên quan gì đến tôi chứ?
Đường Thận: “…”
Thư đồng ngoan ngoãn thưa: “Là lỗi của tiểu nhân ạ.”
Vương Trăn răn đe: “Cấm có lần thứ hai đấy.”
Thư đồng: “… Thưa vâng.”
Vương Trăn kéo tay Đường Thận, nhẹ nhàng vỗ về. Hai người như một đôi huynh đệ chí thân, như những quân tử thời Xuân Thu, dan tay thả bộ ra khỏi vườn hoa. Vương Trăn thủ thỉ: “Chúng ta là sư huynh đệ đồng môn, từ rày những việc như vậy nhất định sẽ không tái diễn nữa. Nếu Cảnh Tắc nhớ ta, bất lúc nào cũng có thể đến chơi phủ Thượng thư, nghe không?”
Đường Thận gật đầu, thở phào nhẹ nhõm, nghĩ bụng Vương Tử Phong cũng chỉ đến thế mà thôi, nói linh tinh mấy câu là qua mặt như bỡn. Mãi đến lúc vào phòng khách, Đường Thận mới ngớ người. Ban nãy cậu chỉ bảo mình thấy Vương Trăn thì ngợi ca theo phản xạ, chứ có bảo nhớ anh ta đâu? Sao Vương Tử Phong dám đổ điêu cho cậu kia chứ!
Đường Thận thiếu điều tức ói máu như trong phim truyền hình.
Vương Trăn dắt tay Đường Thận vào phòng khách, Đường Thận giận mà không dám nói, cứ dỗi dằn lườm sư huynh. Đến khi Vương Trăn ngó sang cậu thì Đường Thận lại liếc qua chỗ khác, đứng đắn gọi: “Sư huynh.”
Vương Trăn: “Đúng là sư đệ nhớ ta quá rồi, từ nãy đến giờ cứ nhìn ta suốt thôi.”
Đường Thận: “…”
Đúng lúc đó Phó Vị đi tới, ông ồ lên: “Cảnh Tắc nhớ Tử Phong à? Xem ra những lúc vi sư không có mặt, hai sư huynh đệ chung sống vui vẻ hòa thuận phết nhỉ!”
Vương Trăn: “Tiên sinh.”
Đường Thận tiu nghỉu: “Tiên sinh.”
Hai người cùng nhau chắp tay hành lễ với Phó Vị.
Trong phòng khách đã đặt sẵn một chiếc bàn tròn làm bằng gỗ sưa, trên bàn bày biện nhiều món ăn Giang Nam được chế biến công phu. Đường Thận và Vương Trăn đều là người Giang Nam, ẩm thực nơi đây chú trọng vào sự tinh tế và khéo léo, mỗi phần ăn chỉ vừa đủ, nêm nếm thiên về thanh đạm. Tuy ăn uống chung nhưng mục đích chính của bữa cơm là để trò chuyện nên ba thầy trò không ăn nhiều lắm, Phó Vị cũng không mấy khắt khe với quy tắc không được nói khi đang ăn. Ông hỏi Đường Thận: “Tân khoa Thám hoa lang, cảm giác ấy mới sung sướng làm sao nhỉ?”
Khổ quá! Đường Thận chớp mắt đầy oan ức: “Tiên sinh chế nhạo con!”
Phó Vị cười ha hả, trỏ đũa về phía Vương Trăn: “Trạng nguyên năm Khai Bình thứ mười tám kìa.” Đoạn lại chỉ bản thân: “Vi sư cũng phải chào thua. Hồi ấy Chung Thái Sinh thi cùng khoa với vi sư, xui tận mạng. Ông ta đỗ Trạng, còn ta chỉ được Bảng nhãn thôi.” Nói rồi ông lại nhìn Đường Thận: “Khéo sao con lại đỗ Thám hoa, sư môn ta ôm cả đệ nhất giáp, thật không gì vẹn tròn bằng!”
Vương Trăn chỉ bình thản lắng nghe Phó Vị chứ không lên tiếng.
Đường Thận liếc chàng, lại nảy ra một ý: “Thế mà Tử Phong sư huynh từng nói với con theo kiểu khác cơ.”
Phó Vị: “Ồ, nói kiểu gì?”
Vương Trăn ngước mắt liếc Đường Thận.
Đường Thận trong bụng hí hửng, người ta mới mười sáu nè, huynh cứ chống mắt lên mà coi, chẳng ai bắt bẻ lời trẻ con cả! “Hồi trước con thi Hương đỗ Á nguyên, Tử Phong sư huynh mới bảo con rằng, huynh ấy là Giải nguyên, con là Á nguyên, hai người chúng con chẳng khác nào long phượng trình tường, sư môn ấy mới vẹn tròn. Con nghĩ bụng, Tử Phong sư huynh là Trạng nguyên, tiên sinh là Bảng nhãn, thầy với huynh chẳng phải cũng là long phượng trình tường sao, quả đúng là điềm lành!”
Phó Vị: “…”
Vương Trăn mỉm cười.
Trong bữa cơm, Phó Vị lườm Vương Trăn mấy cái liền, Vương Trăn lờ đi như không, đến cuối bữa thì châm rượu cho Phó Vị.
Ăn cơm xong, ba thầy trò mỗi người một chén Bích Loa Xuân Minh Tiền nóng hổi, ngồi trong phòng khách ngắm hoa thưởng trà. Ánh trăng khoác lên cho khu vườn Phó phủ một vẻ đẹp mới mẻ diệu kì, nghe đâu đây còn có tiếng ếch ộp vọng về từ phía hồ. Ba người chuyện trò không dứt, chủ yếu là Phó Vị căn dặn Đường Thận đủ điều.
Phó Vị nói: “Quan trường khác với đời thường, vi sư chỉ có thể dìu dắt con đến đây thôi, về sau giỏi lắm thì chỉ điểm được cho con phương hướng, còn xoay xở thế nào phải dựa vào sức con. Là Thám hoa, con khác với hai tiến sĩ còn tại trong đệ nhất giáp, được bổ nhiệm chức Biên tu ở viện Hàn Lâm, hàm thất phẩm. Vi sư tuy là Thừa chỉ viện Hàn Lâm, nhưng chẳng qua là do hoàng thượng ưu ái giữ lại, chứ rất ít khi đến viện Hàn Lâm. Mấy hôm nữa con nhậm chức, còn gì không hiểu không?”
Đường Thận lần đầu ra làm quan, còn là quan thời cổ đại, dĩ nhiên có rất nhiều điều thắc mắc, bèn đem ra hỏi hết.
Phó Vị giải đáp một số điều, Vương Trăn cũng trả lời thêm vài cái khác.
Trăng lên đỉnh đầu, Đường Thận và Vương Trăn cùng nhau từ biệt Phó Vị.
Sư huynh đệ hai người ra đến cổng chính Phó phủ, Đường Thận định về luôn, đang chuẩn bị tạm biệt Vương Trăn thì phát hiện Vương Trăn đang say sưa ngẩng đầu ngắm trăng rằm, còn chỉ lên bầu trời. Đường Thận nhìn theo hướng chàng chỉ. Thường thường trăng sáng thì sao thưa, nhưng ở thời cổ đại, không có ánh đèn thị thành, không có khói bụi ô nhiễm, xung quanh vầng trăng sáng vằng vặc trên bầu trời vẫn có thể nhìn thấy hơn mười vì sao sáng lấp lánh.
“Giơ tay với được trăng sao trên trời. Tiểu sư đệ còn nhớ câu thơ đệ viết không?”
Đường Thận mặt dày nói: “Nhớ chứ ạ. Sao Tử Phong sư huynh lại nhắc chuyện này?”
Vương Trăn: “Dám đâu to tiếng nói cười, chỉ e kinh động đến người thiên cung.”
Đường Thận chưa kịp phản ứng thì Vương Trăn đã trỏ lên trời mà rằng: “Tiểu sư đệ phúc trạch dài lâu, kinh động đến người trời rồi đấy.”
Đường Thận chợt hiểu ngay ý Vương Trăn.
Người trời chỉ có một, chính là Triệu Phụ chứ chẳng còn ai.
Hóa ra Triệu Phụ nâng cậu lên một giáp, từ hàng đệ ngũ lên hàng đệ tam, chính là bởi bài thơ cậu từng viết trong kì Quán khóa ở Quốc Tử Giám! Đường Thận hồi tưởng về con đường khoa cử của mình từ khi đến Thịnh Kinh; xem ra, sự kiện Thiên tử lâm ung chính là yếu tố then chốt để cậu đỗ Thám hoa. Nhưng mối liên hệ giữa kì quán khóa và Thiên tử lâm ung, lời nhắc nhở rằng nhất định phải lọt vào ba hạng đầu, vốn bắt nguồn từ Vương Tử Phong cả.
Đường Thận vã mồ hôi, cậu không tài nào ngờ nổi chuyện này lại có dây mơ rễ má với Vương Tử Phong.
Đường Thận chắp tay: “Đa tạ Tử Phong sư huynh.”
Vương Trăn cười: “Ta không hiểu sư đệ đang cảm ơn cái gì.”
Đường Thận không nói huỵch toẹt ra, chỉ nghĩ bụng huynh nói đến thế chẳng phải là để ta cảm ơn huynh hay sao, đuôi sói xù lên thế kia còn vờ vĩnh! Nhưng cậu chỉ nói đơn giản: “Đệ vô cùng biết ơn sư huynh đã có lòng dạy dỗ, chỉ bảo!”
Vương Trăn cười, hai người đi vài bước, chợt chàng nói: “Bài thơ đó của đệ viết rằng muốn vươn tay hái sao trời. Vậy đệ có biết ở Thịnh Kinh, và thậm chí là trên toàn cõi Đại Tống, tòa lầu cao nhất nằm ở đâu không?”
Đường Thận suy nghĩ một lát, đáp: “Phải chăng là lầu Thiên Lý?”
Vương Trăn lắc đầu: “Là lầu Hư Cực!”
Lầu Hư Cực nằm ở phía Bắc kinh thành. Ngồi trên xe ngựa của phủ Thượng thư, Đường Thận và Vương Trăn đi tới tận chân lầu Hư Cực. Đường Thận ngẩng đầu nhìn, ngạc nhiên phát hiện tòa lầu ấy cao tận chín tầng!
Thời cổ đại, các kiến trúc cao tầng thường là tháp trong chùa miếu. Kiến trúc của các công trình Phật giáo khác với nhà lầu thông thường, dù xây cao cũng vẫn chắc chắn, không sợ gió lay đổ. Nhưng từ khi đến thời đại này, Đường Thận chưa thấy tòa lầu nào cao quá sáu tầng cả, huống chi là một tòa lầu cao chín tầng! Trước đây, cậu chưa bao giờ đến khu Bắc nên mới không thấy tòa lầu này. Dẫu vậy, dù cậu có dịp đi qua, chỉ e cũng chẳng vào được.
Xung quanh lầu Hư Cực là lớp lớp vệ binh mặc giáp trụ sáng lóa!
Vương Trăn: “Lên xem tí nào.”
Đường Thận không nghi ngờ lời Vương Trăn một chút nào. Chàng đã bảo được thì chắc chắn là họ có thể vào. Cậu đi theo Vương Trăn tới lầu Hư Cực. Quả nhiên, dàn lính canh thấy Vương Trăn thì dẹp ra nhường đường cho chàng đi vào.
Chín tầng lầu cao. Nếu còn ở kiếp trước, Đường Thận sẽ đi thang máy ngay không ngần ngại. Lâu lắm rồi cậu không leo cao đến vậy. Kiếp này càng chẳng cần nói, hai người leo lên tầng trên cùng, ngay cả Vương Trăn cũng thấm mệt. Trông vầng trán lấm tấm mồ hôi của Vương Tử Phong, Đường Thận chợt nhận ra sư huynh của mình cũng chỉ là một người phàm thôi.
Cậu chỉ vừa kịp nghĩ anh Vương cũng giống như người trần mắt thịt, thì bất chợt, màn mây đen được vén lên bởi bàn tay chị Hằng. Trong ánh trăng tuôn trào, dáng hình Vương Tử Phong như được dát lên một vầng hào quang huyền ảo, như thể chỉ trong chớp mắt, chàng trai ấy sẽ vụt thoát khỏi xác phàm, giang rộng đôi cánh chạm tới cõi tiên2!
Đường Thận chợt thấy tim mình hơi mỏi.
Đường Thận: “Sao tự nhiên đêm nay Tử Phong sư huynh lại muốn tới đây? Dưới kia có nhiều lính gác như vậy, lúc đầu đệ cứ tưởng chúng ta không vào được.”
“Đệ hiểu ý nghĩa của lầu Hư Cực không?”
Nếu đổi người đối thoại, có lẽ ngay cả tân khoa Trạng nguyên Diêu Thiện cũng chưa chắc trả lời được câu hỏi của Vương Trăn. Nhưng Đường Thận là ai kia chứ? Cậu là người có bàn tay vàng đọc một lần là nhớ. Chẳng những Tứ thư Ngũ Kinh, cậu đã thuộc lòng tất cả những tác phẩm kinh điển. Suy ngẫm giây lát, Đường Thận đáp: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc3.”
Xuất xứ từ Đạo Đức kinh của Đạo gia.
Vương Trăn xem chừng rất hài lòng, nói: “Không sai, chính là câu “Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh.” Năm năm trước, Thánh thượng muốn xây một tòa lầu cao thông lên trời để tìm đạo. Bốn năm trước thì bộ Hộ bắt đầu xây dựng tòa lầu này, tháng sau hoàn thành. Thánh thượng sẽ đích thân tới đây, cử hành đại lễ Hư Cực.”
“Thì ra là vậy.”
Nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến cậu?
Vương Trăn trông về phía nam, hiện giờ họ đang đứng ở vị trí dựa bắc nhìn nam, giống như Thiên tử vậy, phóng tầm mắt là thu trọn cả Thịnh Kinh. Vương Trăn bỗng vươn tay lên bầu trời, diễn cảm ngâm lên bài thơ Đường Thận viết: “Chênh vênh trăm thước lầu cao, giơ tay với được trăng sao trên trời. Dám đâu to tiếng nói cười, chỉ e kinh động đến người thiên cung. Đứng ở đây, tiểu sư đệ, đệ nói xem có thể hái được sao trời không?”
Chả cứ đứng trên tòa lầu cao chín tầng này, dẫu huynh có đứng trên mặt trời cũng không hái nổi một ngôi sao nhé!
Chủ nghĩa lãng mạn làm sao mà thẩm thấu nổi vào bộ não vận hành bằng toán, lý của Đường Thận! Nhưng cậu không thể làm một bài diễn văn giải thích cho Vương Trăn rằng “sao” là một khối cầu nằm ở xa tít tắp mù khơi ngoài Trái Đất. Ngẫm nghĩ hồi lâu, Đường Thận bèn đáp bằng một câu mà tự cậu cho là lãng mạn ghê gớm: “Chỉ cần trong lòng có sao, tự khắc sẽ hái được sao xuống.”
Vương Trăn chợt quay lại nhìn Đường Thận.
Đường Thận thấy nghèn nghẹn ở cổ.
… Thái độ gì thế này?
Vương Trăn bật cười.
Đường Thận:???
Ủa, anh ta cười nhạo mình à?
Dưới ánh trăng, Vương Tử Phong trong bộ bào gấm trắng tuyền thủng thẳng nói: “Khổng Tử từng giảng, đồng môn gọi là bằng, đồng chí gọi là hữu. Cảnh Tắc, đệ nói xem, chúng ta đã là bằng, nhưng có phải là hữu không?”
Đường Thận thầm hoảng hốt, chuông báo động reo liên hồi kì trận. Cậu ngước nhìn Vương Trăn.
Vương Trăn ấy thế mà đang cười tủm tỉm nhìn lại, ánh mắt rất đỗi trong trẻo ẩn chứa bao điều thâm thúy mà Đường Thận không tài nào lí giải.
Trò cùng thầy thì gọi là bằng, người cùng chí hướng thì gọi là hữu!
Vương Tử Phong… đang vấn lòng cậu đấy ư?