Mấy lần trước đi thăm Thái hậu, ta đều giả làm cung nữ, riêng lần này phục sức như thường, ngồi một chiếc kiệu nhỏ, cho Tố Khiết đi theo bên cạnh.
Đêm nay ánh trăng sáng sủa, ta mơ hồ nhìn thấy cỏ dại um tùm mọc ra hai bên con đường lát đá dẫn vào cung Tinh Huy. Nếu là cung Trường Tín trước đây, sao có thể như thế? Xem ra đám cung nhân sớm đã hiểu tình thế hiện tại của Thái hậu, nên chẳng buồn chăm chút gì nữa.
Đến trước cửa cung, đoàn kiệu gặp hai cung nữ canh đêm, thấy ta tới, bèn chạy lại hành lễ rồi dẫn đường vào trong. Ta cảm thấy hơi lạ, Thái hậu năm lần bảy lượt câu kết với người ngoài cung mưu đồ xấu, vậy mà Hạ Hầu Thần vẫn không giam lỏng, có lẽ thế lực trong ngoài cung của bà sớm đã tan tác không đáng kể, nên hắn mới lơi lỏng như vậy? Thật không ngờ kẻ hay chấp nhặt như Hạ Hầu Thần về phương diện này lại hành xử rất khoáng đạt.
Tẩm cung của Thái hậu trong cung Tinh Huy nằm ở phía đông nam, vẫn là vị trí tốt nhất trong cung, nhưng cả tòa cung điện xét cả về kiến trúc lẫn vị thế dĩ nhiên không thể nào so sánh với cung Trường Tín, số lượng cung nhân rõ ràng ít hơn hẳn, ta cùng Tố Khiết đi từ ngoài vào đến nơi, chỉ gặp lác đác vài ba cung nga. Cung Tinh Huy vẫn đèn đuốc sáng tỏ, nhưng chỉ càng tôn thêm cái vắng lạnh bên trong.
Tới trước cửa tẩm cung, chưa kịp qua cửa, đã bên trong có người ho húng hắng liên hồi, lại có giọng ai đó khuyên nhủ ỉ ôi: “Thái hậu nương nương, người nghỉ một chút đi, trời lạnh thế này, hay người uống một chén trà nóng cho ấm bụng?”
Lại có người nói: “Thượng Cung cục hẹn mang canh thuốc đến, sao giờ này vẫn chưa thấy?”
Sau một trận húng hắng nữa, giọng nói của Thượng Quan Thái hậu vang lên: “Ai gia giờ đến nông nỗi này, bọn chúng tránh đi còn chẳng được, canh thuốc mang đến thế nào chẳng bớt xén, nấu ẩu, uống vào có tác dụng gì?”
Có cung nữ lại khuyên: “Thái hậu nương nương, cho dù thế nào người cũng là Thái hậu, bọn họ không nên làm thế.”
Ta nghe giọng điệu cung nữ này cũng nhạt nhẽo, chẳng có mấy phần thật lòng, nói không chừng trong số những đứa ăn bớt bổng lộc của Thái hậu có cả nó.
Những đồ ban thưởng cho các quý nhân trong cung, phải qua tay đám cung nhân mới đến được với chủ tử, chuyện vụng trộm nhũng nhiễu trong đó nhiều không kể xiết. Lúc này Thái hậu thế cô, bị kẻ khác đối đãi tệ bạc cũng không có gì lạ.
Cung nga dẫn đường kia đã sớm một bước bẩm báo với bên trong: “Bẩm Thái hậu nương nương, Ninh nương nương giá đáo.”
Thái hậu sững sờ nói: “Vẫn còn có người đến thăm ai gia kia à? Là Ninh nương nương nào thế?”
Ta lập tức sải bước qua cửa, cúi mình hành lễ: “Thái hậu nương nương, thần thiếp mang canh đến cho người đây.”
Thái hậu đang ngồi bên bàn sách gỗ đàn múa bút viết gì đó, nghe thấy giọng của ta, bèn ngẩng đầu lên, rồi lập tức cúi xuống như cũ, nắn nót một nét bút sau cùng, mới cất giọng: “Không ngờ người còn nhớ đến ai gia.”
Thái hậu có vẻ gầy đi nhiều, gương mặt thấp thoáng nếp nhăn, tinh thần xem ra vẫn minh mẫn, mái đầu điểm bạc chải mượt mà không rối một sợi nhỏ, trên người mặc chiếc áo dài làm bằng gấm Vân Nam màu đỏ đun, ngoài khoác áo lụa màu nâu nhạt có thêu hình chim liệng, trên đầu cài một viên trân châu tròn to bằng ngón tay cái, phục sức vô cùng giản tiện.
Ta nói: “Thần thiếp trước nay nhận ân huệ của Thái hậu, nào dám quên?”
Thái hậu đặt cây bút lông sói xuống, chầm chậm bước tới, khi chỉ còn cách ta chừng hai xích thì dừng lại: “Ai gia từ lâu đã biết Ninh Chiêu Hoa thông minh tuyệt đỉnh, nếu không nhiều năm về trước chẳng thầm quan sát rồi đề bạt cho chức cao bổng hậu. Có điều ai gia không ngờ, mà không, ai gia đáng lẽ nên nghĩ đến rồi, bản tính của Ninh Chiêu Hoa chính là thứ ta yêu thích đó ư? Ứng biến mau lẹ, đó là sở trường của ngươi.”
Ta đã tiên liệu lần gặp mặt này, Thái hậu hoặc sẽ ngọt nhạt mỉa mai, hoặc sẽ phũ phàng thẳng mặt, nhưng chẳng ngờ bà ta lại bình thản ngồi đó thuật lại ngọn nguồn cứ như kể chuyện bữa ăn giấc ngủ. Điều này thực khiến ta có đôi phần bối rối, đành đáp: “Thái hậu nương nương, đều là vì thần thiếp thân bất do kỷ.”
Thái hậu chậm rãi bước ra chỗ khác, vừa đi vừa nói: “Mấy ngày gần đây ai gia thường ngồi chép kinh Phật. Phật nói lục đạo luân hồi, thiện ác đều có căn nguyên của nó, ngày nào ai gia cũng tụng kinh niệm phật, mà vẫn thấy chưa đủ để chuộc lại tội nghiệt ngày xưa. Ninh Chiêu Hoa cũng nên thử kiểm điểm bản thân, tội nghiệt chồng chất, không những mệt mỏi thân mình, mà còn liên lụy người khác.”
Ta biết Thái hậu ám chỉ điều gì. Cái chết của đại nương có thể nói do một tay ta gây nên, bà ta tất không thể biết ân oán riêng giữa chúng ta, vẫn đang nghĩ cái người chết dưới tay sát thủ là thân mẫu của ta.
Tụng kinh niệm Phật ròng rã bao ngày tháng, mà lão bà tóc mai điểm sương này từ đầu chí cuối vẫn không buông bỏ được chấp niệm.
Ta quay lại nhìn lên bàn, chỉ thấy trong nghiên mực lấp lánh ẩn hiện sắc vàng kim, từng trang kinh thư viết xuống có lẽ như dát vàng nạm bạc, đáng tiếc những tiếng niệm Phật cầu kinh ra rả suốt ngày kia chẳng hóa giải nổi oán giận trong lòng người đàn bà này.
Người sống trong cung, có ai mà không vậy?
Ta nói: “Thần thiếp mang canh thuốc đến, trong tiết trời giá lạnh thế này có lẽ bệnh tình người không mấy dễ chịu. Thái hậu nương nương hãy uống nhân lúc còn nóng, sẽ ấm người hơn đôi chút.”
Tố Khiết đặt hũ canh lên bàn, lấy một chiếc bát sứ, định múc.
Thái hậu liền cười nhạt: “Canh thuốc do Ninh nương nương mang đến, ai gia sao dám uống. Ở vào cái tuổi này, ai gia đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, Ninh Chiêu Hoa vẫn còn trẻ, con đường sau này còn dài, ai gia vừa nhắc đến thuyết luân hồi, chẳng biết bao giờ đến lượt Ninh Chiêu Hoa phải chịu án luân hồi đây.”
Ta cười không ra tiếng, ngoảnh nhìn vầng trăng ảm đạm phía xa: “Thái hậu nương nương, người còn nhớ thần thiếp đi lên từ nơi thế nào không? Cũng một đêm đông, thần thiếp phải quỳ trên đất giặt áo, tuyết trắng trời ngập đất, chẳng nhìn thấy trăng sao. Có luân hồi thế nào, chẳng qua cũng đến thế mà thôi.”
Gương mặt Thái hậu ánh lên vẻ khen ngợi: “Không sai, trong cung này chẳng mấy kẻ tài trí sánh kịp ngươi, đấu lại ngươi. Nếu là người bình thường, sớm đã bị những cực nhọc tủi nhục chốn này đè bẹp rồi, ngươi thì khác, bao giờ cũng khiến cái bất lợi trở thành có lợi cho mình, người như ngươi…”
Bà ta đột nhiên khẽ cười, cầm bát canh Tố Khiết đặt trên bàn lên, múc một muỗng đưa lên miệng, nói như thở than: “Chốn này vốn dĩ không phải là nơi dung thân cho ai gia. Nhưng ai gia lại muốn xem xem, ngươi sẽ khuấy động gió mưa ra làm sao?”
Ta cười khổ trong bụng, ta lấy đâu ra bản lĩnh lớn như bà nói, tình hình như hiện nay, ngay cả đến danh phận Chiêu Hoa cũng sắp sửa lung lay.
Hôm nay ta đến là có mục đích khác. Xem ra tâm trạng Thái hậu vẫn rất tốt, có lẽ bà quá nhiều kình địch, mấy việc ta làm chẳng qua là trò trẻ con, bà ta sớm đã chằng coi vào đâu, nghĩ vậy bèn thận trọng cất tiếng hỏi dò: “Mấy ngày nay Hoàng thượng đến nghỉ tại Lan Nhược hiên, đêm đến thường sực tỉnh khỏi giấc mộng, cảm thán tình nghĩa thời niên thiếu Thái hậu dành cho mình, lại nhớ những ưu phiền của Thái hậu trong trận biến cố ngày đó, xem ra Hoàng thượng vẫn còn nhớ thương Thái hậu nhiều lắm.”
Thái hậu hơi biến sắc, nhìn ta chằm chằm, chợt nở nụ cười: “Ninh Chiêu Hoa muốn biết chuyện gì?”
Mấy ngày gần đây câu chuyện của Ninh Tích Văn cứ trở đi trở lại trong đầu ta, Hạ Hầu Thần khi thiếu thời nếu đích thực từng lánh nạn ở nhà họ Ninh, nếu phụ thân ngày đó đích thực đã trao cho hắn một phần ân huệ, thì đó sẽ là vốn liếng quý báu của ta. Khổ nỗi ngày đó cơ ngơi sản nghiệp của phụ thân to lớn, nô bộc thành đoàn, chuyện lại xảy ra ở khu nhà của đại nương, ta hoàn toàn không hề hay biết.
Trong lòng số ruột, ngoài mặt ta chỉ chầm chậm mở hũ canh ra múc thêm vào bát dâng cho Thái hậu, thấy bà ta thong dong uống tứng muỗng một, cũng không tiện thúc giục.
Hồi lâu, Thái hậu mới đặt bát xuống: “Ai gia nuôi nấng Hoàng thượng bao năm, sao lại không hiểu tính tình con trẻ. Hoàng thượng là kẻ chóng quên tình nghĩa, làm gì có chuyện mơ thấy ai gia? Nếu Ninh Chiêu Hoa định dùng ân tình cũ để níu kéo lòng thương xót của Hoàng thượng, thì thất bại là chắc.”
Ta thoắt mừng, nghe giọng điệu này có lẽ chuyện năm xưa là thật? Gương mặt giữ vẻ ủ ê, đáp: “Thần thiếp đã vọng tưởng rồi.”
Sau khi uống hết hai bát canh, Thái hậu nhắm hờ đôi mắt, thấy bà ta có vẻ mệt, ta liền đứng dậy cáo từ.
Về được nửa đường, ta liền lệnh cho phu kiệu kéo ngược trở lại, men theo con đường lát đá xăm xăm đạp ánh trăng mà đi. Đến Ngự Hoa viên kiệu chậm rãi vòng lại, tới trước cửa phía đông nam, tình cờ gặp Khổng Văn Trân đang vội vã đi ngược chiều, thấy người trong kiệu là ta, sắc mặt ả hơi lộ vẻ kinh ngạc, dĩ nhiên vẫn khiêm cung cúi mình hành lễ. Nhìn dáng điệu Khổng Văn Trân vội vàng, ta bèn lên tiếng hỏi: “Trời đã tối rồi, Khổng Thượng Cung định đi đâu vậy?”
Khổng Văn Trân đáp: “Dung phi nương nương muốn ăn canh hoa cúc tươi, nô tỳ thấy cúc trong Ngự Hoa viên đang nở rộ, nên định đến hái một ít.”
Lòng ta thầm kinh ngạc, Dung phi kia chẳng qua là một mỹ nhân phẩm vị kém, vậy mà Khổng Văn Trân lại phải đích thân đi hái hoa phục vụ, thật chẳng giống tính cách bình sinh của cô ta, thấy trên tay ả đích thực cầm mấy bông hoa cúc tươi, nên không tiện hỏi thêm, đành để người đi.
Xuyên qua Ngự Hoa viên về Lan Nhược hiên quãng đường sẽ gần hơn nhiều, nhưng Ngự Hoa viên vốn là nơi đám phi tần nghĩ đủ chiêu trò gây sự chú ý, Hạ Hầu Thần thường qua lại ở đó, nên ta có hơi ngần ngại. Trước khi hiểu rõ những mưu toan của Hạ Hầu Thần, ta không dại gì đi chọc tổ kiến lửa, rốt cuộc quyết định đi đường vòng, Tố Khiết đang nóng lòng muốn vào Ngự Hoa viên, thấy ta ra lệnh rẽ, đành tiu ngiu đi theo.
Thấy Tố Khiết như vậy, ta càng không muốn bước chân vào Ngự Hoa viên. Kiệu vòng sang đường khác, đi một hồi lại rẽ qua góc tường, bổng thấy Tố Hoàn tay cầm giỏ mây, cắm cúi tiến thẳng về phía ta. Khi đụng độ, vẻ mặt nó hơi luống cuống, vẫn hành lễ như thường. Thời còn ở Lan Nhược hiên, Tố Khiết với Tố Hoàn tuy không mấy thân thiết, nhưng tối nay bất ngờ trùng phùng,Tố Khiết tỏ ra vô cùng mừng rỡ, bèn tiến lên hỏi: “Tố Hoàn tỷ tỷ, tỷ vội vã định đi đâu thế? Trong làn mây đựng thứ gì vậy?”
Nói xong định thò tay mở làn, Tố Hoàn lập tức lấy tay che đi, nghiêm mặt: “Thứ này để dâng lên Hoàng hậu nương nương mà cô cũng dám mở xem?”
Tố Khiết vốn sợ Tố Hoàn, nghe thấy bèn dừng tay. Thật lạ, Tố Hoàn trước nay rất thận trọng, không phải đứa ba hoa bừa bãi, sao lại cất giọng dọa nạt ngớ ngẩn như vậy?
Ta ngầm quan sát chiếc làn giờ đây đã bị hé ra một góc, vừa đủ để nhìn ra bên trong có một thứ gì màu vàng kim, đoạn liếc nhìn Tố Hoàn một cái, gương mặt nó vẫn bình thản như thường, nói: “Ninh nương nương, nô tỳ ra ngoài đã lâu, e quản sự sốt ruột, nô tỳ xin cáo lui ạ.”
Nói dứt lời, bèn đậy cái làn lại cho ngay ngắn, tiếp tục xăm xăm đi về phía trước.
Tố Khiết nói: “Hừ, giờ bay được lên cành cao nên chẳng coi ai ra gì nữa rồi.”
Trong lòng ta ăm ắp nghi ngờ, đột nhiên tình cờ gặp gỡ hai kẻ có liên hệ mật thiết với mình, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Trời đang lúc rét đậm, về đến Lan Nhược hiên, trông vào trong vườn lá cây đều nhuộm vàng, những loại hoa cỏ quý giá đều được các nghệ nhân mang cả vào phòng giữ ấm. Tố Khiết thấy ta tâm thần bất định, ngây người nhìn vào vườn không lên tiếng, bèn nói: “Nương nương, người yên tâm, nô tỳ sớm đã kêu người mang cây lan Nhụy Điệp mà nương nương yêu thích vào phòng giữ ấm rồi. Tuy thời tiết đang lúc khắc nghiệt, nhưng các nghệ nhân vốn dĩ khéo léo tài tình, nghe người ở Ty Chế Phòng kể, mấy ngày trước Nhụy Điệp còn nở ra mấy bông hoa!”
Ta bất giác hiểu ra thứ màu vàng kim trong làn của Tố Hoàn là gì, chẳng chính là hoa của giống lan Nhụy Điệp trứ danh đó sao?
Chỉ nó mới có cái sắc vàng bóng mượt, sáng láng lại hơi tai tái xanh như vậy, cho dù là nghệ nhân nhuộm vải tài giỏi nhất cũng không thể làm ra được thứ màu sắc như vậy.
Ta tin những chuyện này có uẩn khúc, nhưng không thể hiểu được Hoàng hậu sai Tố Hoàn mang mấy bông hoa Nhụy Điệp kia về làm gì?
Nhụy Điệp có mùi hương rất kỳ lạ, Hoàng hậu vốn không mấy thích hương hoa quá nồng đượm, chắc sẽ chẳng dùng nó để lấy hương đâu?
Đến nửa đêm, trời đổ mưa nhỏ, nhiệt độ giảm đột ngột, Tố Khiết nhóm lửa trong phòng, tuy ta không cảm nhận thấy gió lạnh bên ngoài đang thổi ra sao, nhưng vẫn trở mình mãi không ngủ được. Trong lòng càng thấy kỳ quặc, khi Hạ Hầu Thần nằm bên cạnh ta ngủ không ngon, tính ra đã hai ba ngày ngủ không đủ giấc, sao hôm nay vẫn cứ không ngủ được?
Không cách nào đi vào giấc ngủ, ta đành sai Tố Khiết thêm mấy viên thuốc an thần vào lư hương, đến khi cả gian phòng tràn ngập mùi thuốc, mới mơ màng thiếp đi.
Dường chi vừa ngủ được vài canh giờ, đã nghe tiếng Tố Khiết ở bên ngoài giục: “Nương nương, nương nương, ngươi tỉnh chưa ạ?”
Trong lòng ta có chuyện khúc mắc, vốn đã khó ngủ, nghe tiếng gọi lập tức tỉnh cả người, đưa tay sờ lên trán, thấy ướt đẫm mồ hôi, mới đáp: “Có chuyện gì mà hốt hoảng thế, còn đợi gì nữa mà không vào giúp ta rửa mặt chải đầu?”
Tố Khiết nghe thế vội bước vào, nhún người bẩm báo: “Nương nương, mới sớm tinh mơ thái giám quản sự đã tới báo rằng, Thái hậu vừa tạ thế, yêu cầu chúng ta không được mặc y phục sặc sỡ, đầu không được cài trâm hoa. Nương nương, bàn ghế vật dụng bên ngoài đều phủ gấm trắng cả rồi, đến tường thành cũng treo đầy vải tang!”
Ta thất kinh, lập tức ngồi dậy khỏi giường, cảm thấy mồ hôi lạnh trên trán túa ra dữ dội. Đêm qua ta vừa đi gặp Thái hậu, tuy bà ta oán nộ trùng trùng, nhưng tinh thần vẫn còn minh mẫn, cớ gì sớm nay đã chết được? Một vấn đề lớn nữa là, bà ta chết vào khi nào, cách lúc ta rời khỏi bao lâu?
Không hiểu sao từ khi nghe thấy tin này, tim ta dồn dập liên hồi, mô hôi lạnh rướm đẫm sống lưng, Tố Khiết sợ quá phải lay gọi: “Nương nương, nương nương?”Ta sực tỉnh, nhận ra mình đang ngồi bên mép giường, ngón tay bấu chặt lấy thành giường, mạnh đến nỗi các đầu móng sắp sửa đứt cả.
Ta vội đứng dậy, trấn tĩnh tinh thần, nói: “Tố Khiết, giúp ta chọn lấy một bộ y phục màu sắc trầm dịu một chút, thay hết mành trướng trong phòng, còn nữa…”
Tố khiết đáp: “Nương nương, những điều người căn dặn nô tỳ đã lo liệu cả rồi, nương nương không cần phải quá bận tâm.”
Một đứa cung nữ nhỏ dâng chén trà lên, ta trượt tay, chén trà vỡ tan dưới đất. Cung nữ sợ quá quỳ rạp xuống đất, toàn thân run lẩy bẩy.
Nhìn xuống, chỉ thấy lá trà bám đầy mặt sàn, cái tách Thanh hoa vỡ làm hai mảnh lăn lông lốc. Thật là tiệc tàn người tan, phồn hoa lụn bại. Ta quay sang hỏi Tố Khiết: “Mấy ngày trước ta sai đưa tin ra ngoài cung, ngươi đã làm chưa?”
Tố Khiết thưa: “Nương nương, nô tỳ sớm đã thu xếp ổn thỏa rồi ạ.”
Ta gật đầu, nhìn ra bầu trời sầm sập mây đen ngoài cửa sổ, thầm nghĩ, nếu sự việc đúng như dự đoán, thì tổ rơi trứng phải vỡ, ta gặp chuyện, người ấy cũng đừng hòng thoát thân!
Nếu người coi ta như con cá nằm trên thớt, thì người đã lầm.
Vừa tảng sáng, sắc trời mờ mịt, từng không giăng kín khói sương, những màu sắc tươi sáng của tường đỏ ngói xanh hôm nay bỗng trở nên cũ bạc, cả hậu cung như bị vây trong một đám mây đen khổng lồ. Các cung nhân qua lại không dám nói chuyện lớn tiếng, gấm đào trên ghế đều cất đi, thay bằng gấm trắng in hoa văn thanh đạm. Nội Thị Giám bắc thang treo vải trắng rợp tường thành, ai nấy bận rộn căng thẳng, nhưng không ở đâu phát ra tiếng động.
Tình hình đương rối ren, ta chỉ có cách ở lì trong Lan Nhược hiên, mặc vào chiếc áo bạc màu, búi tóc trống trơn, lặng lẽ chờ đợi. Tiếp theo sẽ có chuyện gì xảy ra đây?
Vừa dùng xong bữa trưa, chợt nghe ngoài vườn tiếng người láo nháo, Tố Khiết luýnh quýnh chạy vào, vẻ mặt hoảng hốt, bẩm: “Nương nương, Lý công công dẫn theo một đám người đang đến…”
Ta đứng bật dậy, nheo mắt nhìn về phía góc mái hiên, nơi mưa gió mịt mờ, lòng nghĩ rốt cuộc điều đó đã tới?
Người bước vào là Lý công công, quản sự ở cung Hoàng hậu, thời quan hệ giữa ta và Hoàng hậu đương tốt đẹp, đã từng đem biếu không ít món đồ quý giá tinh xảo cho y. Ngày thường nếu tình cờ gặp mặt, thế nào y cũng nở nụ cười rạng rỡ, vậy mà hôm nay gương mặt đanh lại như thép, hành lễ xong bèn nói ngay: “Ninh nương nương, Hoàng hậu có lời mời.”
Theo sau y có mười mấy tên thái giám, xem ra không đơn giản là mời ta đến cung Chiêu Thuần, lần này không lộn ngược cả Lan Nhược hiên lên, chắc họ không chịu dừng tay.
Đến ngây ngô như Tố Khiết còn cảm thấy sát khí từ phía mấy vị khách không mời bốc lên ngùn ngụt, bất giác tựa vào người chủ: “Nương nương…”
Ta quay lại nói với nó: “Lý công công xem chừng phải khám xét Lan Nhược hiên, Tố Khiết, ngươi nhớ dặn đám nô tài thuận ý.”
Ta biết rằng chuyện tiếp theo bản thân không thể điều khiển được, ngăn sao nổi người ta lĩnh chỉ bề trên hành sự? Những trò ma mãnh bên trong dĩ nhiên không cần nói cũng hiểu. Ta chỉ có thể nhắc Tố Khiết cảnh giác, nhưng con a đầu này vốn ngốc nghếch, sao địch lại được Lý công công giảo hoạt lại lão luyện?
Ta đứng dậy, sai Tố Khiết mang cái áo khoác lông chồn tía ra, cẩn thận mặc lên người, để Tố Khiết cài cho chiếc đai lưng cùng màu. Áo lông chồn này màu đen ánh tím, không phải quá sặc sỡ, Lý công công trông thấy đương nhiên không thể nói gì được.
Khi ta rời đi, đám cung nhân trong Lan Nhược hiên đều đã bị dồn vào một góc đình viện, bắt quỳ cả xuống. Ta chỉ biết thầm cười khổ, cô ta ra tay quả thực chớp nhoáng.
Dưới sự hộ tống của đám thái giám, ta bước lên một chiếc kiệu bốn mặt che kín, nghĩ bụng quanh kiệu chắc chắn toàn là thủ hạ của Lý công công. Để tránh ta có lòng khác, y còn sai một bà vú cẩn thận khám người một lượt. Từ đầu chí cuối ta ngoan ngoãn phục tùng không bộc lộ bất kỳ động thái phản kháng nào.
Ngồi trong chiếc kiệu nhỏ bị phong kín bằng trướng xanh, không một tia sáng lọt vào, ta chỉ có thể theo dõi tình hình bên ngoài qua đôi tai. Nghe những âm thanh trò chuyện râm ran ngoài kia truyền lại nghe không rõ nội dung, chỉ cảm thấy những giọng nói ấy rất thản nhiên, khiến người ta sợ đến lạnh người.
Ta quàng lại áo lông chồn cho kín cổ, vuốt ve nhẹ bề mặt mềm mại ấm áp của nó, hơi mỉm cười. Trận giông tố này sẽ đem lại cho ta những gì đây?
Ta khẽ nhắm đôi mắt, không cố sức nghe tiếng người bên ngoài nữa, chỉ cảm thấy chiếc kiệu hơi lắc lư, có lẽ vừa ngoặt qua một ngả đường hoặc đang đi gấp. Khá lâu sau, kiệu được hạ xuống, có lẽ đã đến nơi nó cần đến.
Một tiểu thái giám vén màn lên, bầu trời tuy hơi u ám, nhưng đột nhiên thoát khỏi cảnh tối tăm khiến ta bị chói mắt. Hai hàng cung đăng lưu ly ở lối ngoài cung Chiêu Thuần được thắp sáng trưng, vẻ âm u ngoài trời bị đẩy lui hoàn toàn. Ta vừa bước xuống kiệu, một đám tiểu thái giám đã vây xung quanh, cung nữ dẫn đường đi phía trước, như thể đang áp giải phạm nhân. Tình thế đã xấu đến mức không thể xấu hơn được nữa. Ta nghĩ thầm, còn có gì tệ hơn được cái đêm gió tuyết năm nào? Khi ta vùng vẫy ngay bên bờ vực giữa sự sống và cái chết.
Bao nhiêu ngày tháng ở trong cung, có lúc nào ta không vùng vẫy trên bờ vực sống chết đâu?
Cung nữ dẫn đường đi thẳng tới chính điện. Hoàng hậu sớm đã ngồi trên ghế phượng, tay lồng ống áo, trên tóc cài trâm phượng màu tím. Bởi Thái hậu vừa mất, cô ta phải tránh dùng màu đỏ, chỉ mặc trên người một chiếc áo bào màu sắc lãnh đạm, sắc mặt nghiêm cẩn không hề có ý cười. Ta không liếc nhìn hai bên, cung kính hướng về phía cô ta hành lễ, khi được kêu bình thân, mới đứng dậy đưa mắt thăm dò những người khác trong điện, quả không ngoài dự liệu, Khổng Văn Trân nép trong góc, còn Tố Hoàn đứng hầu ngay cạnh Hoàng hậu, tay cầm cái ấm sứ, đang rót trà.
“Hôm nay bản cung cho gọi Ninh Chiêu Hoa tới quả thực là bất đắc dĩ, mong Ninh Chiêu Hoa không lấy làm phiền lòng.” Thời Phượng Cần chậm rãi nhấp một ngụm trà xong mới cất lời.
“Bất cứ lúc nào được Hoàng hậu nương nương triệu kiến đều là vinh dự cho thần thiếp, sao dám ‘phiền lòng’?”
Ta cúi đầu khẽ khàng đáp, Hoàng hậu nương nương không còn gọi ta là “muội muội”, xem ra đao đã rút khỏi vỏ, không thể thu hồi được nữa.
“Bản cung trước nay có giao tình với Ninh Chiêu Hoa, hôm nay không thể không cho gọi đến để căn vặn vài điều, đây là điều bất đắc dĩ, chỉ vì sự việc can hệ trọng đại, bản cung lãnh trách nhiệm quản lý tam cung lục viện, không thể không tra xét cho rõ ràng, tránh lòng người ngờ vực, khởi cuộc giao tranh, ảnh hưởng tới gốc rễ của quốc gia.”
Nghe cô ta nói ra một tràng lập luận lưu loát, kín kẽ không có lấy chỗ hở, ta chỉ biết cúi đầu, đáp dạ liên hồi.
Thấy ta không buồn tranh biện, Thời Phượng Cần bèn hỏi: “Ninh Chiêu Hoa, giờ thân đêm qua, có phải ngươi dẫn người đến thăm Thái hậu không?”
Ta đáp ngay: “Thần thiếp nghe Khổng Thượng Cung nói bệnh tim của Thái hậu phát tác, nên mang theo canh thuốc do Ty Thiện Phòng nấu đến thăm Thái hậu, vội đi quên cả giờ giấc.”
Khổng Văn Trân lúc này đột ngột chen lời: “Canh thuốc do Ninh nương nương mang đi đích thực do nô tỳ sai Ty Thiện Phòng nấu, đưa cho người của Ninh nương nương, nhưng từ đó về sau phát sinh thêm chuyện gì, nô tỳ quả tình không rõ.”
Ta biết Hoàng hậu sớm đã hạ quyết tâm, cho dù có biện giải ra sao, cô ta cũng sẽ chĩa mọi mũi giáo về phía mình. Cô ta sớm đã bày binh bố trận đâu vào đó từ trước khi tất cả mọi việc xảy ra, phần ta chỉ được tin Thái hậu khuất núi, còn những diễn biến cụ thể không hề hay biết, bởi vậy không rõ mình nên thanh minh ra sao, đành phải đi bước nào hay bước đó.
Giọng điệu Hoàng hậu nghe hòa nhã dễ gần, nhưng câu nào câu nấy khí thế bức người: “Ninh Chiêu Hoa, Thái hậu tuy có bệnh, hễ ho là khó dứt, nhưng thân thể trước nay an khang. Đêm nay vừa uống canh ngươi mang đến, không quá hai canh giờ thì đau thắt tim, đột ngột qua đời. Các thái y khám nghiệm trong những thứ Thái hậu nôn ra, phát hiện trong dạ dày bà có độc. Sau bữa ăn tối Thái hậu không dùng thêm gì khác, chỉ uống canh do ngươi dâng đến, ngươi còn lời nào để nói nữa không?”
Ta sớm đoán biết Hoàng hậu sẽ đem chuyện bát canh thuốc đêm qua ra thêu dệt, nhưng không ngờ lại quyết liệt cực đoan đến thế, đem tất cả mọi tội lỗi đổ lên đầu ta, chỉ rõ ta là hung thủ đầu độc Thái hậu.
Ta vội quỳ xuống biện bạch: “Hoàng hậu nương nương, thần thiếp bị oan, canh thuốc ấy thần thiếp uống thử rồi mới dâng lên Thái hậu, thần thiếp không sao, cớ gì bát canh ấy lại có vấn đề được?”
Hoàng hậu lạnh lùng cười, chẳng còn chút nào dáng vẻ hiền từ mọi khi, nói: “Bản cung biết ngươi sẽ giảo biện như thế. Bản cung không quên Ninh Chiêu Hoa trước đây từng là Thượng Cung, thủ đoạn đương nhiên cao siêu, người khác sẽ cho rằng ngươi không đời nào hại người bằng phương cách thô lậu lộ liễu, chính thế ngươi càng làm cho ẩu tả vụng về… Không sai, trong canh không có độc, nhưng Ninh Chiêu Hoa vốn hiểu biết sâu rộng, chắc hẳn biết về một loài lan ở Lan Nhược hiên có tên là Nhụy Điệp?”
“Thần thiếp dĩ nhiên là biết, mấy tháng trước đúng vào mùa nở rộ của Nhụy điệp, thần thiếp còn mời Hoàng hậu nương nương cùng đến thưởng ngoạn, lẽ nào Hoàng hậu nương nương đã quên?” Ta cúi đầu tiếp, “Thần thiếp không ngờ rằng, tay nghề của các nghệ nhân trồng hoa trong cung lại cao siêu đến thế, đem Nhụy Điệp trồng trong phòng giữ ấm, lại có thể khiến hoa nở như giữa mùa xuân. Đáng tiếc loài hoa cỏ bị con người thúc nở, chẳng thể nào có dáng vẻ xinh đẹp như ngoài tự nhiên.”
Đám nghệ nhân trồng hoa chẳng hơi đâu tốn công như thế, chắc phải có người ngầm ra lệnh. Ta vẫn chưa nắm rõ thế trận mà Thời Phượng Cần bày bố, Nhụy Điệp nở, mùi hương có hơi nhức mũi, nhưng loài hoa này vốn không có độc.
Hoàng hậu cười nhạt mà rằng: “Với thủ đoạn của Ninh Chiêu Hoa, dĩ nhiên không dùng đến thứ bày ngay ra trước mắt được…”
Cô ta phất tay, một vị ngự y bước lên trước, nhỏ giọng bẩm cáo: “Khởi bẩm Hoàng hậu nương nương, nước canh nếu đứng riêng một mình vốn là thuốc chữa bệnh tim rất lành tính, nhưng Thái hậu mấy hôm nay cảm lạnh ho nhiều, thần đã kê lên mấy thang thuốc trị lạnh, gồm có thục địa hoàng, nam khung, bạch thược, phục linh trắng, đương quy, gừng khô, thạch xương bồ hoàng kỳ, nhân sâm, cam thảo… Bởi Thái hậu chưa hết lạnh, mấy ngày nay trời lại rét đậm, nên thần đã thêm vào trong thuốc một ít cung quế, nhưng Ninh Chiêu Hoa lại tự tiện cho Thái hậu dùng canh có chứa mấy vị thảo dược gây xung đột với thuốc của hạ thần, tuy nhiên không quá đáng ngại, chẳng qua chỉ khiến Thái hậu bụng dạ khó chịu mà thôi…”
Cung nữ quản sự cung Thái hậu lại bước lên tâu: “Hoàng hậu nương nương, sau khi Ninh Chiêu Hoa đi khỏi, Thái hậu đi ngoài hai ba lần, thứ bài tiết ra màu vàng trắng hôi thối khó tả. Nhớ ra cái túi thơm mà tháng trước Ninh Chiêu Hoa đem biếu, Thái hậu bèn sai nô tỳ lấy ra đeo lên mình nhằm trừ khử mùi hôi, không ngờ chưa đến hai canh giờ sau, người phát tác bệnh tim, vô phương cứu chữa.”
Ngự y đứng bên cạnh tiếp lời chứng thực: “Thái hậu nương nương bị tiêu chảy, người đã suy nhược, lại thêm khí lạnh thấm vào, hoa Nhụy Điệp vốn dĩ không có độc, tuy nhiên nếu hít phải mùi hương sẽ có tác dụng kích thích dạ dày. Thái hậu tuổi tác đã cao, đáng lẽ có canh thuốc trợ lực mà cơ thể được bảo vệ, nhưng canh thuốc bị bài tiết ra hết mất rồi, lúc này bệnh tim tái phát, thật hết thuốc chữa.”
Ta cười nhạt trong bụng, nếu Hoàng hậu đã muốn giăng bẫy ám hại, dĩ nhiên phải suy tính chu toàn mọi lẽ, ta có biện bạch thế nào cũng chỉ uổng công. Xem ra lúc này Khổng Văn Trân đã về phe Hoàng hậu, từ miệng ả ắt sẽ có vô số chứng cứ buộc tội ta. Cuộc gặp gỡ đêm qua đâu phải là tình cờ, lát sau với Tố Hoàn lại càng không, nó cầm làn mây cố tình để ta trông thấy, rõ ràng là định cảnh tỉnh chủ cũ.
Ta cúi đầu nói: “Nếu vì sơ suất của thần thiếp khiến Thái hậu nhiễm phải quái bệnh, thần thiếp chẳng còn lời nào để nói.”
Trong điện đột nhiên im ắng, Hoàng hậu không ngờ ta nhận tội mau như vậy, có lẽ trong bụng còn nhiều lời chuẩn bị sẵn chưa kịp thốt ra, đâm không biết nên tiếp tục chất vấn ra sao.
Im lặng hồi lâu mới nghe cô ta cất giọng: “Vậy là ngươi thừa nhận có liên quan đến cái chết của Thái hậu?”
Ta lạnh nhạt đáp: “Thần thiếp không thừa nhận điều đó, nhưng tất cả là do ý trời, lòng thành của thần thiếp lại gieo đại họa cho Thái hậu, thần thiếp rất hổ thẹn, dù cho Hoàng hậu vì thế mà xử thần thiếp tội chết cũng đáng!”
Hoàng hậu cười nhạt nói: “Bản cung vốn nghe Ninh Chiêu Hoa giảo hoạt như cáo, hôm nay thực được mở rộng tầm mắt. Ngươi có biết trong gian phòng nhỏ kia là ai hay không?”
Ở góc đại điện có một cánh cửa bằng gỗ nhỏ, vốn được sơn son lúc này đã phủ khăn trắng. Ta cúi đầu đáp: “Thần thiếp không biết.”
Hoàng hậu phất tay một cái, cánh cửa gỗ mở ra không một tiếng động, có người từ bên trong bước ra. Người này mặt mày diễm lệ như trăng rằm, còn ai khác ngoài Ninh Tích Văn? Con bé nhìn thấy ta, hấp tấp bước tới mấy bước, hô một tiếng: “Tỷ tỷ?” liền bị mấy cung nữ ngăn lại.
Ta nghi ngại nhìn Ninh Tích Văn một cái, trông vẻ mặt nó ngơ ngác, rõ ràng bị bắt về, chẳng biết đầu đuôi sự việc ra sao. Mong nó đừng nói câu nào gây họa.
Hoàng hậu trở lại vẻ mặt hiền hòa, quay sang hỏi Ninh Tích Văn: “Tích Văn muội muội, đừng sợ, bản cung và tỷ tỷ của muội trước nay có thâm tình. Nay tỷ tỷ của muội rước họa vào thân, bản cung vì mong giúp cô ấy thoát tội, nên muốn hỏi muội mấy việc cho tường tận, muội chỉ cần thuật lại y hệt những lời cô ấy nói với muội trước đây là được.”
Ninh Tích Văn không hay biết việc xảy ra trước đó, tưởng Hoàng hậu định giúp ta thật, bèn do dự đáp: “Hoàng hậu nương nương, lời nói của nô tỳ sẽ giúp tỷ tỷ thoát tội thật chứ?”
Lòng ta nóng như lửa đốt, nhưng biết ra hiệu bằng mắt phen này vô ích. Đầu óc ngốc nghếch của nó vốn dĩ không thể hiểu được, đành cầu trời cho con a đầu vụng dại không nói ra lời nào bất lợi.
Ninh Tích Văn do dự lúc lâu, hết nhìn ta, lại nhìn gương mặt hiền từ của Hoàng hậu, mới ấp úng nói: “Cách đây không lâu nô tỳ nhập cung, trong lúc hàn thuyên trò chuyện, tỷ tỷ từng nhắc đến Thái hậu nương nương, nói nếu năm xưa không nhờ Thái hậu cưu mang, tỷ tỷ sớm đã mất mạng.”
Ta thầm thở phào một tiếng, mấy lời này vô hại, không để kẽ hở nào.
Hoàng hậu cười hỏi: “Ninh Chiêu Hoa bình sinh là người ân oán phân minh, biết Thái hậu có bệnh tim thường lui đến thăm hỏi, điều này có hay không có?”
Ninh Tích Văn gật gật đầu: “Tỷ tỷ cũng nói với nô tỳ như vậy.”
Hoàng hậu tiếp: “Vậy ngươi có biết cuối cùng Ninh Chiêu Hoa vì đại nghĩa diệt thân, đã tiết lộ tin tức Thái hậu câu kết với ngoài cung cho bản cung biết hay không?”
Ninh Tích Văn bối rối nhìn ta một cái, vội vã đáp: “Không, nô tỳ không biết, tỷ tỷ luôn nhớ ơn Thái hậu nương nương, tỷ ấy sẽ không làm như vậy.”
Hoàng hậu bật cười, vẫy vẫy tay, có hai Nội Thị Giám từ ngoài điện giải một người vào, người này cúi gằm mặt, sắc diện tiều tụy, rõ ràng vừa phải chịu nghiêm hình tra khảo.
Ninh Tích Văn vừa nhìn thấy y đã trở nên kích động, lạc giọng hô hoán: “Hắn chính là tên sát thủ đã giết chết mẫu thân!”
Hoàng hậu nói: “Tích Văn muôi muội dường như có chuyện chưa biết rõ, tên sát thủ này qua tra khảo đã khai là được thái thú An Định phái đi, mà thái thú An Định chính là cháu họ xa của Thái hậu.”
Ta cụp mắt im lặng, mọi chuyện thế là rõ, cô ta quả tốn nhiều công sức, giờ đây tất cả chứng cứ đã như một tấm lưới to siết chặt lấy ta, bịt kín mọi đường thoát. Diễn biến tiếp theo không nghe cũng biết, Hoàng hậu sẽ nói ta sở dĩ đầu độc Thái hậu là vì bà ta phái người giết hại đại nương, động cơ giết người rõ như ban ngày. Cô ta sắp xếp chu đáo thế này, có lẽ không phải chuyện một sớm một chiều mà hoàn tất được, chắc là định liệu từ lâu rồi. Có lẽ ngay từ ngày đầu xưng tỷ gọi muội với ta, Hoàng hậu đã ngấm ngầm vạch ra kế hoạch. Thật kỳ lạ, ta chẳng qua là một phi tần thấp kém không có gia thế chống đỡ, chẳng thể uy hiếp đến địa vị của cô ta, có ta bên mình, cô ta chỉ thêm lợi mà vô hại, hà cớ gì phải đuổi cùng giết tận?
Ninh Tích Văn lảo đảo sắp ngã, nhìn ta trân trối, gương mặt đầy vẻ thê lương: “Tỷ tỷ, vì báo thù cho mẫu thân muội mà…”
Câu này của nó như thêm dầu vào lửa, càng khiến tội danh của ta thêm vững chắc. Hóa ra cô em gái này chẳng ngây ngô như vẻ ngoài.
Ta thở dài một tiếng ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào Hoàng hậu: “Hoàng hậu nương nương, thần thiếp xuất thân ti tiện, vì mong được yên ổn khó trách phải dùng thủ đoạn. Nhưng thần thiếp tự thấy mình đối với Hoàng hậu nương nương không bạc, chẳng dễ gì mới làm người cảm nhận được tấm chân tình, tìm đủ mọi cách giúp mình thoát tội. Thần thiếp cảm kích trong lòng, có điều vốn không thích tranh đua, đã gây ra họa lớn thế này, may mắn không làm liên lụy đến Hoàng hậu nương nương, coi như đã là đoái công chuộc tội. Thần thiếp có tội, mong nương nương hạ chỉ nghiêm trị. Phải rồi, thần thiếp có bệnh phong thấp, mùa đông năm nay rét giá bất thường, e chẳng chống chọi nổi, Hoàng hậu nương nương từng thưởng cho chiếc ghế tử đàn để ủ ấm, thần thiếp vẫn chưa được ngồi lên bao giờ, ghế ấy bây giờ ở chỗ Sư quý phi có lẽ cũng chẵng cần đến nữa, thần thiếp cầu xin Hoàng hậu nương nương gia ân, được mang cái ghế tử đàn vào phòng giam cùng mình có được chăng?”
Hoàng hậu sững người, rõ ràng không hiểu tại sao ta vô cớ nhắc đến ghế tử đàn, hồi lâu không thấy cất lời, ta bèn ngước nhìn cô ta, khóe miệng khẽ nhếch lên, nói: “Nhắc đến mới nhớ, chiếc ghế tử đàn này do nhà ngoại Hoàng hậu nương nương chế tác, nương nương và thần thiếp trước nay tình như tỷ muội, dẫu phải vào nhà ngục, cũng còn chiếc ghế kỷ vật, để thần thiếp ngày ngày tưởng nhớ đến nương nương chứ?”
Hoàng hậu ngồi trên ghế phượng trơ phỗng như tượng, ta biết trong khoảng khắc cô ta đã chấn động, chỉ cười thầm trong bụng. “Lời nói đầu” có lẽ nên dừng lại ở đây là đủ? Ta hiểu đạo lý giành ăn với lang sói thì phải có tâm địa như lang sói, Hoàng hậu cai quản hậu cung, động một chút là lấy mạng người ta, có khác chi lang sói? Cô ta bề ngoài tỏ ra tình thâm ý trọng với ta, nhưng chỉ hơi khiến cô ta mất lòng, liền khống cho là bất nghĩa, xếp cùng một hạng với Sư Viên Viên. Cô ta không ra tay, thì ta cũng chẳng động vào!
Hoàng hậu trầm ngâm hồi lâu mới thở dài mà rằng: “Ninh Chiêu Hoa thật có tình, chỉ trách bổn cung không đủ sức cứu Ninh Chiêu Hoa khỏi cơn nước lửa. Yêu cầu này của ngươi ta dù thế nào cũng phải làm cho được.”
Mặt ta lộ vẻ cảm kích, quỳ xuống hành lễ tạ ơn.
Hoàng hậu rời khỏi ghế phượng, bước tới gần, than: “Ninh Chiêu Hoa, hai ta một thời là tỷ muội, bản cung sao có thể nhẫn tâm chính tay giáng hình, bản cung đã cầu Hoàng thượng hạ chỉ. Ngươi yên tâm, bản cung sẽ xin Hoàng thượng niệm tình nghĩa mà giảm nhẹ tội hình.”
Người trong điện tuy không đông, nhưng nghe mấy lời này của Hoàng hậu, có lẽ ai nấy đều ngầm gật đầu tán thưởng. Ta cúi đầu nhìn xuống mũi hài, chiếc áo bào màu trắng làm bằng gấm in hoa văn chìm buông rủ trên mặt sàn không một chút bụi, hòa với màu hài thành một mảng trắng như tuyết, cứ như trở lại trân mưa tuyết nhiều năm về trước, trắng đến vô cùng vô tận, nhuốm đầy tuyệt vọng.
Ta bị tước hết trâm cài áo tang, đưa vào Tông Nhân Phủ, biệt giam một mình trong căn ngục nhỏ. Không giống như những nhà ngục khác, nơi này tương đối sạch sẽ, trên giường phủ vải thô, lại có một tấm chăn mỏng gập sẳn, không có vẻ gì là rách nát bẩn thỉu. Ta biết đây là đặc ân của Hoàng hậu, ta bị dồn đến nước này, xem ra vĩnh viễn không thể tìm cách trở mình được nữa, nên cô ta mới vui mừng đâm phóng khoáng, vừa được tiếng hiền đức với người ngoài vừa giữ hình tượng với Hoàng thượng.
Cột lại suối tóc đen dài ba xích, chẳng trâm chẳng vòng, ta cứ đễ vậy đi ngủ, để nguyên đai lưng, phấn sáp trên mặt. Nhà ngục để sẵn một bộ y phục mùa đông chuyên dành cho phạm nhân, đưa lên mũi hít thử, mùi ấm mốc xộc thẳng vào phổi, ta nghiến răng mặc vào, cảm giác lạnh lẽo thấu xương mới hơi giảm đi một chút.
Từ lỗ cửa bé xíu nhìn ra, ngoài trời vẫn sương khói âm u, không thấy bóng dáng một tia nắng nào, hay sắp có tuyết thật nhỉ? Ta thầm nghĩ, trận bão tuyết ngày ấy xảy ra khi mình còn nhỏ, không hề có khả năng tự bảo vệ mình nên mới để kẻ khác mặc sức chà đạp. Còn lúc này mọi thứ đã khác, cho dù ta không thể giữ lại cái mạng nhỏ của mình, cũng phải kéo kẻ khác cùng xuống hoàng tuyền một lượt.
Có điều, tốt nhất người ấy nên bảo vệ ta thì hơn. Nhìn những bông tuyết đầu tiên bay qua cửa sổ, ta khe khẽ nhoẻn cười.