Thanh Y lúc này bắt đầu đứng dậy khỏi ghế, hồng y nam tử thuận thế đến núp phía sau bóng lưng nàng.
Dù vậy Thanh Y cũng không hề chấp nhất, ai bảo trí tuệ tên này chỉ tương đương với một đứa hài tử. Cái nàng đau đầu nhất bây giờ là tìm giải pháp mà giúp hắn. Nếu nói toạc thân thế ra thì hẳn sẽ dễ dàng nhưng Thanh Y lại không muốn.
Bởi nàng, chỉ là dưỡng nữ của hầu gia mà thôi! Có gì đáng để mà khoe khoang?
Khi mà kẻ toàn thân nồng nặc mùi rượu thịt hằm hằm lao tới thì nàng đã nhỏ nhẹ can ngăn hắn lại:
- Vị hán tử này, đừng vội kích động, có gì thì từ từ nói được không?
Hắn đâu để nàng vào trong con mắt, gương mặt to bè đầy vẻ hách dịch:
- Hừm! Tên thư sinh kia, mau tránh ra! Có tin là ta đánh cả ngươi không?
- Ta..
Thanh Y phút chốc không biết nên làm gì, bảo nàng thoái lui mặc kệ nam tử ngốc, tiện bề cho người ta khi dễ thì nàng không đành.
Trong khi tên bặm trợn này to cao lừng lững ví như thân cây đại thụ, nếu hắn động thủ thì nam tử ngốc nghếch làm thế nào mà chịu đựng nổi?
Tâm Lam khẽ lắc đầu, ra hiệu với nàng rằng nên tránh đi. Nhưng Thanh Y cứ thế đứng chôn chân một chỗ không nhúc nhích, cũng không dịch chuyển.
Cứ thế cho đến khi kẻ đó cho nàng một cú đạp như trời giáng, thì nàng cảm tưởng như lục phủ ngũ tạng liền cứ thế mà rời rụng.
Thanh Y nhanh chóng ngã văng ra đất, nàng đưa tay chạm đến nơi vừa bị người ta lộng thương, cảm giác đau đến muốn thổ huyết!
Thì ra công lực của người có võ công là như thế này đây! Thanh Y đã chân chính được thể nghiệm.
- Công tử!
Tâm Lam sợ hãi thét lên một tiếng.
Hán tử thản nhiên bước ngang qua người nàng, hắn man rợ bẻ những khớp xương nơi ngón tay tạo thành những tiếng kêu răng rắc. Thanh Y phảng phất còn nghe thấy tiếng cười nhạo báng:
- Hay cho một tên thư sinh không biết thức thời!
Tâm Lam chạy đến gào lên với hắn:
- Sao ngươi dám đánh công tử nhà ta? Sao ngươi dám?
- Sao lại trách cứ ta? Muốn trách thì trách công tử nhà ngươi ấy, đã trói gà không chặt, lại còn thích đi lo chuyện thiên hạ nữa cơ?
Thanh Y gắng gượng đứng dậy, cảnh tượng này làm nàng chợt nhớ lại những chuyện ngày xưa.
Hồi nhỏ, nàng cũng đã từng bị tam tỷ giày vò ức hiếp như thế!
- Đừng bao giờ đánh hắn! Hắn chỉ là một tên ngốc..
Chẳng biết lấy dũng khí từ đâu ra, nàng lại thêm một lần nữa chắn trước mắt hắn.
Có thể người ta sẽ nghĩ là nàng ngốc nghếch nhưng 'thánh nhân thường hay đãi kẻ khù khờ' mà.
Tâm Lam đỏ mắt dùng sức mà kéo nàng ra nhưng không ngăn được một Thanh Y giàu lòng gan dạ.
Trước khi mà hán tử kịp đả thương nàng lần nữa thì ngoài cửa lớn vọng đến một tiếng nói thế này:
- Dừng tay!
Tất cả đồng thời đều ngưng mọi động tác, ngoái lại dõi theo từng hành vi cử trỉ của kẻ vừa phát ra tiếng nói. Trong đó, có cả Thanh Y.
Người đó dáng vẻ thật khoan thai lắm, mỗi một bước chân là một lần toát lên khí phách hiên ngang khiến cho người khác buộc phải nể trọng.
Ánh tịch dương xuyên qua ô cửa chiếu rọi từng đường từng nét trên gương mặt của y, phác họa lên một ngũ quan tương xứng, không có nét nào để chê.
Người ta vẫn thường gọi y là - Diệp đại công tử.
Vẫn với dáng người dong dỏng nhưng xuất chúng, Diệp Huyền xuất hiện trước tầm mắt nàng y như một vị cứu tinh.
Toàn kinh thành này, nhiều năm ròng, có mấy ai không biết đến thanh thế của y?
Một người là trưởng tử của vị đại tướng quân oai phong lẫm liệt.
Một người với tiếng sáo ma mị, có thể khiến người ta đến chết mà vẫn chưa rõ, rằng tại sao mình chết?
Dù có một đoạn thời gian y vắng mặt thì nội trong kinh thành người ta vẫn cứ nhớ như in người thiếu niên âm u ngạo kiều ấy.
Tên hán tử thấy y thật gần trong gang tấc thì đã biết thế nào là sợ, máu huyết trong người như ngưng đọng lại, hắn cúi thấp đầu, tỏ vẻ hối tội:
- Thứ lỗi cho tôi! Tôi vốn không biết đây là người quen của Diệp đại công tử!
Diệp Huyền tiến tới đâu, thì hắn lùi tới đó. Y nghiêng đầu, nhìn hắn với vẻ quắc thước:
- Hay cho một tên mãng phu!
Nói rồi, Diệp Huyền một tay chế ngự hắn, một tay bóp chặt lấy cổ tên bặm trợn khiến hắn như ngạt thở.
Hắn cứ một mực giãy dụa, không thể ngờ bàn nhìn thon dài tinh tế của Diệp Huyền lại có thể tài tình, khiến hắn muốn sống không được, mà muốn chết cũng không xong, cứ ú ớ không nói được gì.
Đứng ở góc độ của Tâm Lam có thể thâu gom được những biểu cảm tinh vi nhất trong con mắt sâu xa của Diệp Huyền, điều ấy làm ảnh hưởng đến tâm hồn ngây thơ non nớt của nàng.
Nó làm cho nàng thấy có chút rùng mình, nỗi sợ hoàn toàn khác xa nỗi sợ mà tên hán tử đem lại, hoặc nói đúng hơn là họ ở cảnh giới khác biệt.
Đúng lúc mà tên hán tử sắp tiêu đời thì Thanh Y mới vội vàng ngăn Diệp Huyền lại:
- Thôi, công tử tha cho hắn ta đi! Trừng trị như thế là đủ rồi!
Ngay lập tức, y buông tay. Sau đó chậm rãi lấy khăn tay từ trong y phục, kiên nhẫn lau sạch từng ngón, từng ngón. Khóe miệng ấy hơi nhếch lên, dõng dạc cất lời:
- Đi nhanh chút! Chớ làm bẩn mắt ta!
Hán tử với chiếc cần cổ tím tái gật đầu liên tục, rồi hắn cùng cả một bàn người nhanh chóng mất dạng.
Trước khi chúng đi, Thanh Y còn nghe loáng thoáng tiếng chúng trách nhau:
- Từ đầu đệ đã khuyên huynh là đừng gây chuyện ở đây rồi! Ai biểu huynh không nghe?
Lúc này, Diệp Huyền mới quay lại nhìn vào mắt Thanh Y, trong đôi mắt đen huyền dấy lên ý cười nhẹ bẫng:
- Công tử, vừa rồi không sao chứ?
Thanh Y cau mày, giọng nói có chút ảo não:
- Có sao chứ! Ban nãy hắn có đạp vào bụng ta một phát, giờ vẫn đau lắm này!
- Sao cơ? Vậy ta thả hắn đi như vậy có tính là dễ dãi quá không?
- Thôi, không sao! Để ta ngồi nghỉ một chút xem thế nào!
Nói rồi nàng cùng nha hoàn lại ngồi xuống chiếc bàn cũ. Tên tiểu nhị đớn hèn nãy giờ vẫn núp vào một góc, nay mới lần lượt bưng mỹ thực ra cho nàng, cất giọng đon đả:
- Đồ mà công tử gọi đây ạ!
Lúc này, Thanh Y mới chợt nhận ra không thấy tên ngốc đâu nữa, kể ra hắn lặn cũng nhanh, nhưng nghĩ đến việc hắn không bị thương tổn gì thì nàng thấy mình bị thương cũng đáng.
- Đa tạ Diệp công tử, huynh thực sự đã giúp ta rất nhiều!
Diệp Huyền nhìn nàng đang nhịn đau mà có phần lo lắng:
- Thôi đừng ăn uống gì cả, ta dẫn công tử đi gặp đại phu nhé?
Thanh Y nhanh chóng lắc đầu. Nàng cảm thấy đã dần dần đỡ hơn, chắc vì tên hán tử ấy không phải người có nội công thâm hậu. Ngẫm đến những việc mà Diệp Huyền đã giúp cho nàng, mặc dù cả hai có duyên gặp mặt chưa quá ba lần thì Thanh Y thấy mình tăng thêm với y rất nhiều hảo cảm.
Nàng nói một cách tha thiết:
- Ta thật sự, thật sự rất đa tạ Diệp công tử!
Chỉ bằng một việc y cứu Nam Cung Tĩnh Như thôi, là nàng đã biết ơn y nhiều lắm!
Diệp Huyền không mặn không nhạt đáp:
- Lần này ta không muốn nghe lời cảm tạ suông đâu!
Thanh Y nhìn y mà cảm thấy buồn cười, ai mà mắc nợ ân tình của Diệp Huyền thì cũng khổ ghê đấy!
Nhân vào việc thân thể đã nhẹ nhõm hơn, nàng hướng y mà buông lời đề nghị:
- Vậy ta mời công tử ngồi xuống dùng bữa với bọn ta luôn nhé, không lại mất công bảo ta là chỉ biết cảm tạ suông!
- Vậy Diệp Huyền đành cung kính không bằng tuân mệnh!
Y đồng tình toại ý ngồi xuống cạnh nàng, lịch duyệt mà gắp cho nàng rất nhiều đồ ngon. Diệp Huyền ăn rất ít, phần lớn thời gian y chỉ ngồi nhấm nháp rượu trắng.
Thi thoảng lại rót mời nàng một ly.
Thanh Y uống có chút đỉnh mà đã thấy đầu óc chuếch choáng, gương mặt bầu bĩnh đỏ rực như ráng chiều, ánh mắt nàng có chút mê man. Nàng thấy một cô nương yếu ớt như mình, vẫn thích hợp với việc thưởng trà hơn.
Đang lúc bầu không khí hơi hòa hợp thì bỗng có một nam tử xa lạ không mời mà đến, thân thiết quàng tay lên vai của Diệp Huyền mà hỏi y:
- Huyền ca, vị công tử này là ai vậy? Lần đầu đệ mới thấy đấy!
Diệp Huyền đặt chén rượu trên tay xuống, mỉm cười:
- Đây là, ừm.. Thanh công tử, bằng hữu của huynh.
Thanh Y không biết nên miêu tả biểu cảm của Diệp Huyền lúc này ra sao, chỉ biết rằng khi mà người ấy cười lên một cách tự nhiên thoải mái thì khiến đối phương như được đằm mình trong làn nước mát.
Còn lúc y nghiêm trang thì là cả một bầu trời cao xa diệu vợi.