Sáng nay, vẫn như thường lệ, cả bốn người lại cùng vào trường. Khi huấn luận viên vừa có mặt ở sân thì Huy nhận được cuộc điện thoại khẩn cấp của bệnh viện tỉnh. Bác sĩ báo tin ba Huy đang trong tình trạng nguy kịch, cậu phải nhanh chóng về quê ngay.
Hành lang của bệnh viện tỉnh đã chật hẹp, nay lại thêm người nhà bệnh nhân ngồi trải dài dọc theo các phòng khiến nơi đây trở nên thật ngột ngạt. Người thì ngồi đờ đẫn chờ người thân trước phòng cấp cứu, nước mắt lưng tròng, chốc chốc trông thấy có bác sĩ nào đó đi ra liền chạy đến hỏi han tình hình; người thì sắc mặt tái xanh cầm hồ sơ bệnh án trên tay; có người thì ánh mắt lộ rõ vẻ lo sợ nhìn vào phòng khi y tá tiêm từng mũi thuốc vào cơ thể người bệnh. Có lẽ đã đi đi lại lại nơi đây nhiều năm, Huy đã quen dần với những hình ảnh này. Nơi đây như một thế giới hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, đa phần mỗi người vào đây đều gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu bất hạnh nên không gian đầy vẻ ảm đạm. Huy nhớ đến lời nói của một bác sĩ thực tập mà cậu đã gặp hai năm trước đây: “Làm nghề như chúng tôi cũng khổ sở lắm, nếu như mọi người đều bình an thì có nghĩa là chúng tôi không có việc để làm, nhưng nếu có quá nhiều việc phải làm suốt ngày thì lại đồng nghĩa với việc có nhiều người xảy ra tai nạn hay bệnh tật. Ngày ngày đối diện với những người khác nhau, những căn bệnh khác nhau, lại phải là người đầu tiên đối diện với người thân của họ tuyên bố rằng họ sẽ sống hay chết, không thể dùng lời nào để diễn tả được cảm xúc.”
Huy bước vào, nhưng phòng bệnh trống trơn, ba không ở trên giường, một cảm giác sợ hãi trào dâng trong lòng. Thường thì ba rất ít khi ra khỏi phòng, mỗi lần cậu về thăm, ông đều ngồi buồn bã trên giường nhìn ra ngoài cửa sổ có vẻ như rất nhiều tâm sự, nhưng khi gặp Huy ông lại tỏ ra vui mừng, bình thản. Linh tính mách bảo có việc chẳng lành, Huy chạy ra khỏi phòng, tình cờ nhìn thấy người y tá trực ở khoa này, cậu vội hỏi.
“Cho tôi hỏi, cô có thấy ba tôi không?”
“Bệnh nhân trong phòng này là ba của anh à?”
Huy gật đầu.
“Ông ấy vẫn còn ở phòng cấp cứu. Sáng nay bỗng dưng ông ấy bị xuất huyết tiêu hóa nặng, bác sĩ nói có thể sẽ không qua khỏi…”
Cô y tá nhìn vào phòng bệnh nói với giọng buồn bã, quay lại thì đã không thấy Huy đâu.
Cửa phòng cấp cứu vẫn còn đóng kín, Huy căng thẳng tìm chỗ trống ở khe cửa để nhìn vào nhưng vẫn không thấy gì. Đợi đến khoảng mười lăm phút sau mới có bác sĩ từ trong bước ra.
“Bác sĩ, cho tôi hỏi, ba tôi sao rồi ạ?”
“Ba cậu là…” Người bác sĩ thắc mắc.
“Nguyễn Minh An.”
“Thì ra cậu là con trai của ông An à? Sáng nay chính tôi đã nhờ y tá liên lạc với cậu.” Ông nhìn Huy buồn rầu, rồi lắc đầu. “Xin lỗi, cậu hãy vào trong gặp mặt ông ấy lần cuối. Chúng tôi đã làm hết khả năng nhưng ông ấy vẫn không qua khỏi.”
Ông An mắt nhắm nghiềm nằm trên giường, đôi lúc mí mắt giật giật. Mái tóc bạc trắng, gương mặt hốc hác, thân hình gầy trơ xương. Huy bước đến bên giường, ngồi xuống cạnh ông, nắm lấy cánh tay xương xẩu, đôi mắt đã đỏ hoe.
“Ba…”
Bàn tay ông khẽ nhúc nhích, đôi mắt từ từ mở.
“Huy…ba cứ sợ sẽ không được gặp con nữa…”
“Bác sĩ nói ba không sao cả, ba đừng lo, nghỉ ngơi rồi sẽ khỏe lại thôi.” Huy giả vờ khuyên nhủ ông, cũng là tự an ủi bản thân mình.
“Con đừng nói dối ba…ba biết bệnh tình của ba…Ba không sợ chết, ba chỉ sợ không còn được ở bên cạnh con.” Ông nói giọng nặng nề, khó khăn. Có lẽ trong giây phút giữa sự sống chết, con người đã không còn sợ lưỡi hái tử thần, cũng như ông, chỉ sợ rằng khi nhắm mắt lại đã không còn được nhìn thấy người mình thương yêu.
“Ba đừng nói nữa, nghỉ ngơi đi ba.” Huy không kiềm nén được cơn xúc động, nước mắt lăn dài trên má.
“Con đừng khóc…ba có chuyện cuối cùng…muốn nói với con.” Ông An như dốc hết mọi sức lực của mình nắm tay Huy thật chặt, giọng nói đã khó nghe dần. Huy phải cúi sát người mới có thể nghe được. “Những năm qua…ba chỉ say mê rượu chè…bỏ bê con cái…khi bệnh tật lại khiến con phải cực khổ chăm sóc…ba cảm thấy thật có lỗi với con...Dưới chiếc gối trên giường bệnh…có một quyển nhật kí…cuộc đời ba…gói gọn trong những dòng chữ đó…hy vọng con sẽ thông cảm cho ba…”
Giọng nói thều thào nhỏ dần, cái siết tay cũng từ từ nới lỏng, một giọt lệ rơi xuống cũng là lúc đôi mắt ông nhắm lại, trút hơi thở cuối cùng. Huy chỉ kịp gọi một tiếng ba lần cuối. Cậu ôm chặt lấy ông, khóc nức nở. Ngoài trời bỗng đổ mưa, dường như cũng muốn khóc thương cho một người về bên kia thế giới.
Ngày 2 tháng 6 năm 1983
Thời gian qua vất vả vì công việc, cuối cùng mình cũng đã thành công, mọi nỗ lực đã được các cổ đông công nhận và bỏ phiếu tán thành việc nhậm chức. Ngày mai sẽ là ngày chính thức trở thành chủ tịch, bắt đầu vào việc cải cách công ty thêm lớn mạnh. Nguyễn Minh An, cố lên!
Trang mở đầu là những dòng chữ ngắn gọn, có lẽ là vừa tập tành chuyện viết nhật kí. Huy lật trang tiếp theo.
Ngày 5 tháng 6 năm 1983
Vừa nhậm chức nên thật bận rộn, phải đi khảo sát những ngành nghề của các cổ đông, lên kế hoạch cho việc mở rộng thêm các cổ phần, thâu tóm thêm nhiều công ty. Lên kế hoạch thì dễ nhưng thực hiện lại quá khó, không biết nên bắt đầu từ đâu, bên cạnh mình lại không có ai giúp đỡ, chắc là phải tìm thêm một trợ lý thôi.
Ngày 12 tháng 6 năm 1983
Hôm nay anh Văn đưa một người đến làm trợ lý. Cô ấy đã có kinh nghiệm làm việc năm năm, vì công ty cũ đã bị thâu tóm, đến giờ vẫn chưa xin được việc làm mới. Anh Văn nói cô ấy là bạn thanh mai trúc mã của anh nên hoàn toàn tin tưởng. Mình tạm thời đồng ý, dù sao cũng đang cần người gấp.
Ngày 20 tháng 7 năm 1983
Hơn một tháng làm việc cùng người trợ lý, mình bỗng để ý đến cô ấy nhiều hơn. Những ngày mới bắt đầu cùng làm việc, mình có phần lạnh lùng với cô ấy, chỉ tập trung vào sổ sách, có hôm đến tận khuya mình còn ở công ty, cô ấy đã chịu ở lại để giúp đỡ. Mỗi khi nhắc đến cô ấy lòng mình lại có chút bồi hồi, ngay lúc viết những dòng chữ này, không hiểu sao tim mình lại có cảm giác hồi hộp. Chẳng lẽ mình…không…có thể chỉ là ngộ nhận.
Những trang tiếp theo, ông An viết đều đặn hơn, đều là những tình tiết xảy ra giữa ông và người trợ lý đó. Huy đọc theo dòng cảm xúc của ông như lạc vào một bộ phim tình cảm thời xưa. Cậu sực nghĩ, có thể nào người trợ lý đó chính là mẹ của mình? Huy tiếp tục đọc.
Ngày 5 tháng 8 năm 1983
Thật đê tiện! Tối qua mình đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng. Mình đã hành động hết sức tồi tệ. Tại sao mình lại không kiềm chế bản thân, uống quá nhiều rượu khiến đánh mất cái quý giá nhất của người con gái, lại là người mình vô cùng yêu thương. Cô ấy khóc rất nhiều, ngay lúc ấy mình vô cùng hoảng sợ và lo lắng, mình đã bỏ đi, để mặc cô ấy lẻ loi trong căn phòng ở khách sạn. Mình chẳng khác nào những loại đàn ông chơi bời. Không! Nguyễn Minh An này không phải là người bạc nghĩa, mình phải chịu trách nhiệm!
Ngày 10 tháng 8 năm 1983
Năm ngày rồi cô ấy không đến công ty, mình đã tìm cô ấy mọi nơi, anh Văn đã đi công tác ở tỉnh khác, mình không cách nào liên lạc được. Thật sự trong lòng rất bất an! Lệ Xuân! Em đang ở đâu?
Lệ Xuân? Cuối cùng Huy cũng đã biết tên của người trợ lý ấy.
Ngày 12 tháng 8 năm 1983
Mình đã nhận được thư của cô ấy, bất an trong lòng đã giảm dần. Thì ra cô ấy không hờn trách mình, chỉ là phải về quê nhà đột xuất vì mẹ trở bệnh. Mình phải thu xếp mọi công việc đi tìm cô ấy ngay lập tức.
Giữa hai trang này có kẹp một phong thư, có lẽ là bức thư ông An đã nhắc đến trong nhật kí. Huy mở ra xem.
“Anh An!
Xin lỗi vì những ngày qua em không đến công ty. Bệnh viêm phổi của mẹ em trở nặng, bà phải vào bệnh viện tỉnh cấp cứu nên em phải về ngay. Anh cho em xin nghỉ thêm vài ngày, mẹ em khỏe hơn em sẽ lập tức về công ty. Còn chuyện hôm trước…em không trách anh…chúng ta đã là người trưởng thành và em tin tưởng anh không phải là người bội bạc. Anh nhất định sẽ ở bên cạnh em chứ? Mong thư của anh!
Lệ Xuân”
Nét chữ mềm mại, giọng thư chứa đầy sự dịu dàng và tình cảm. Ba đã có tất cả, tiền tài, sự nghiệp và một tình yêu đẹp như thế, tại sao sau này lại trở nên nhếch nhác, bê tha? Huy thầm nghĩ.
Cậu đóng quyển nhật kí lại, cất vào balo. Mấy ngày hôm nay lo chuyện hậu sự của ba, Huy đã mệt mỏi rã rời. May mà có hàng xóm xung quanh giúp đỡ, ba người bạn thân cũng vất vả từ Sài Gòn về phụ, cậu cũng được an ủi một phần nào. Nhưng trong lòng nỗi cô đơn vẫn cuồn cuộn như sóng biển. Những dòng chữ về tình yêu của ba khiến Huy nhớ đến tình yêu của bản thân mình. Huy lấy điện thoại, bấm đến số máy của Gia Nhi, chợt dừng lại.
“Người ta đã là vợ, là mẹ. Mình gọi điện chỉ thêm phiền phức cho cô ấy.” Huy thở dài, nước mắt lại rơi. “Nhi, anh thật sự rất nhớ em!”
_