• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

[*Thừng quấn cổ, dùi đâm chân: ý chỉ dùng mọi biện pháp để tập trung tinh thần, là hai tấm gương dụng tâm khắc khổ trong học tập.]

Tháng chạp tuyết rơi lả tả, cả nhà Trình lão thái công lạnh đến khó chịu, Trình Khiêm và Tô Trường Trinh là khó chịu hơn cả. Bạn hỏi vì sao à? Thì phương Nam ẩm hơn đất Bắc, Bắc khô hanh trái lại dễ chống chọi hơn, Nam rét mướt, ở bên ngoài lâu một chút thì cả người như bị tưới nước đá, quả thật lạnh thấu xương.

Lúc còn ở trong kinh, Tô Trường Trinh vui vẻ họp mặt cùng hai ba người bạn cũ, quét tuyết đun trà, nâng chén bàn việc nước, tới Giang Châu, ông Trình muốn bắt chước nhã sĩ, cũng quây một cái đình nhỏ trong vườn hoa nhà mình lại, bày rượu, mời Tô Trường Trinh thưởng rượu ngắm mai. Tô Trường Trinh thít áo khoác da dê, lạnh từ đầu tới chân, thấy ông Trình ôm lò sưởi tay, run chả bằng mình thì không kìm được ngượng ngùng. Trình Khiêm dẫu sao cũng còn trẻ, lại trú tại Giang Châu được vài năm nên vẫn đỡ hơn Tô Trường Trinh một chút, nhưng mỗi năm tiết này, cũng thường ở lỳ trong nhà.

Ba người vào đình ngồi, đều không dùng trà mà nhấc bình rót đầy một chén rượu hâm uống trước, thế mới thấy ấm hơn chút. Chân lại tê tái cả, cảm giác khó mà tả nổi. Qua một tuần rượu, Tô tiên sinh chợt nhận ra vùi đầu vào sách chẳng có gì là không tốt, vào phòng hưởng lò sưởi thế vượng, lên lớp giảng bài cho cô trò nhỏ kia thì khỏe biết bao.

Vừa vào đông, Trình Khiêm đỡ việc hơn nhiều, đã thu xong thuế đất lúc trời còn thu, có vài tá điền khất lại, nhà họ Trình lúc nào cũng châm chước vài phần tình cảm, vào đông hiếm khi ép trả. Ngày đông thuyền bè khó xuôi ngược, việc ở kho thóc cũng bớt đi kha khá, chỉ cần kết toán hết việc còn thừa cuối năm của cửa hàng là xong.

Đúng dịp học.

Trình lão thái công thấy cháu rể và cháu cố cùng lên lớp thì mừng lắm, không quấy quả Tô Trường Trinh nữa. Tô tiên sinh thở hắt ra một hơi, lại xấu hổ vô cùng: Cụ Trình có ý tốt mà! Thế nên lúc dạy học càng chuyên tâm hơn nữa.

Mãi cho đến những ngày cuối năm, nhà nhà chuẩn bị đồ tết mới cho nghỉ. Trình Khiêm ra ngoài xã giao cùng quản sự khắp nơi, bàn chuyện năm sau lại tiếp tục hợp đồng với thương gia đã thuê kho thóc của Trình gia, lại gặp các tá điền chưa kịp dứt thuế, nếu quả thực do thiên tai nhân họa thì miễn một hai phần, còn mà lười nhác không chịu thu hoạch thì lấy lại ruộng không cho thuê nữa. Thầy Tô cũng nhàn rỗi hơn, bèn bảo với ông Trình rằng mình muốn đi dạo phố.

Ông Trình kinh hãi: “Trời rét đất lạnh, thầy lại muốn ra ngoài?” Trời quang nắng ráo còn khó tìm được thầy, giờ tuyết bay lả tả, nhỡ mà lạc mất thì biết phải làm sao? Lại không dám cản thầy, đành chọn một trong số tiểu tư của mình, bảo Bình An đi theo Tô Trường Trinh: “Ngươi và Minh Trí cùng hầu thầy ra ngoài. Đến chỗ Tú Anh lĩnh hai mạch tiền*, cứ bảo là lệnh của ta, ra ngoài dễ kiếm rượu uống.” Minh Trí là thư đồng mới mua về để hầu hạ Tô tiên sinh.

[*Khoảng trăm hai trăm tư đồng.]

Trình Tú Anh đang ở chỗ Lâm lão an nhân, vì được nghỉ lễ nên bà Lâm chộn rộn tay chân, ôm rịt lấy Ngọc Tỷ mà dạy cách thu xếp việc nhà: “Trời lạnh, trái gió dễ bệnh, cháu đừng ra ngoài, ở với bà nhé.”

Ngọc Tỷ không vui cho lắm, tuy không nói gì nhưng môi đã trề cả ra. Trình Tú Anh thấy thế bèn nói: “Thời tiết thế này, là người tốt thì không ra khỏi nhà, con còn quấy, coi chừng bị ăn mày bắt đi đấy, cho làm ăn mày luôn!” Ngọc Tỷ đã từng gặp ăn mày, nhăn mũi.

Chẳng ngờ Bình An đứng ngoài cửa bẩm vào: “Nương tử, Tô tiên sinh muốn ra ngoài bát phố, thái công lệnh con lĩnh hai mạch tiền ạ.”

Trình Tú Anh để Ngọc Tỷ xuống, về phòng lấy tiền, Lâm lão an nhân nói: “Trời rét thế ra ngoài lạnh lắm, tiền chỗ bà có, cầm mà dùng.” Đoạn lấy chìa khóa mở tủ, mở hộp lấy hai mạch tiền ra, lại nhặt vài đồng lẻ, gọi Nghênh Nhi: “Đưa hết cho Bình An đi, hầu thầy dạo phố giờ này, cũng khổ cho ngươi quá.”

Ngọc Tỷ nhếch cặp môi đang trề, mỉm cười. Cả nhà đều biết Tô tiên sinh vừa ra khỏi cửa là lạc, nhưng không thể buộc dây dẫn đi, nên tiền thưởng phải nhiều hơn một chút. Lâm lão an nhân cho tiền rồi thì không quản chuyện này nữa, việc đàn ông, giao cho thái công là ổn. Lại bế Ngọc Tỷ lên, nhìn bé viết chữ: “Đây là cho nhà ông cậu của cháu, đây là cho nhà Kỷ chủ bộ…” Bảo Ngọc Tỷ viết từng mảnh ghi chú, đỡ quên.

Ngọc Tỷ ngừng một chút, nhảy xuống ghế: “Bình An ơi?”

Trình Tú Anh hỏi: “Con muốn làm gì?”

Giọng trẻ con cao vút, Bình An sớm đã đứng lại, đứng ngoài rèm cung kính đáp: “Tiểu nhân đây, đại tỷ có gì dặn dò ạ.”

Trình Tú Anh ngắt lời: “Ngươi đi đi, nó muốn đi chung đấy.” Lại mắng Ngọc Tỷ, “Vào xuân dắt con đi dâng hương hay về quê gì cũng được, còn trời lạnh như này, không được ra ngoài.”

Ngọc Tỷ nói: “Con đâu có đi, mẹ và bà giám sát thế, muốn ra cũng ra không nổi. Con sợ thầy lại lạc mất mới nghĩ ra một cách.” Bình An đứng lại, nghe Trình Tú Anh hỏi: “Con thì có cách gì? Lo mà luyện chữ đi.”

Ngọc Tỷ rất không vui, ra vẻ như sắp khóc, Lâm lão an nhân đau lòng: “Cháu mắng con bé làm gì, có cách thật thì sao.”

Ngọc Tỷ quả thật có cách, bé rút khăn tay của mình ra, cầm bút viết “Mong người hảo tâm đưa về nhà họ Trình ở ngõ Hậu Đức, xin biếu hai xâu tiền” rồi lệnh Bình An: “Cầm thắt lên cổ áo của thầy, khi lạc thì lấy ra.”

Bà Lâm đập bàn cười: “Con từ đâu học được cách này vậy?”

Ngọc Tỷ đáp: “Lúc nãy ấy, bà cố bảo con viết giấy nhớ.” Trình Tú Anh vừa tức vừa buồn cười: “Bình An lui đi, tiền thừa cho ngươi mua rượu uống,” lại véo mặt Ngọc Tỷ, “Thầy của con cũng có phải vật đâu, sao có thể dán giấy nhớ?” Vừa dứt lời mới thấy mình nhỡ miệng, có phải vật hay không, đến cả học giả cũng khó mà phân rõ chỉ trong một chốc được —– bèn ngậm miệng, lại hung dữ chọc chọc trán Ngọc Tỷ.

Bà Lâm bế Ngọc Tỷ lên: “Đúng là bà mẹ độc ác, véo mặt cháu thế đấy, không để ý đến nó nữa, chúng ta viết chữ tiếp.”

Cuối cùng thầy Tô không vắt cái khăn viết địa chỉ lên cổ, người cũng đã về, chỉ hành hạ Bình An và Minh Trí đến nỗi mặt trắng như tuyết. Hai người họ đã lạc Tô tiên sinh một lần, đều nhờ bám theo dấu vết của con lừa mà thầy cưỡi mới dẫn được người về.

•••••

Tô tiên sinh lạc thêm một lần, lúc về đến nhà vẫn chưa nhận ra. Hai người Bình An và Minh Trí do đã nhận được tiền thưởng, cũng không thấy khổ cực gì lắm. Lâm lão an nhân trái lại nghi ngờ: “Ông bảo thầy ấy vốn là quan lớn trong kinh, học rộng hiểu nhiều, sao đến cả đường mà cũng không phân biệt được? Lúc làm quan mỗi ngày phải thượng triều, lẽ nào thầy ấy cũng đi lạc? Lẽ nào ông nhận nhầm người, mời phải một kẻ giả mạo về?”

Trình lão thái công lau mồ hôi miết: “Tôi là người bình thường, tại sao thầy ấy mù đường, tôi cũng chả biết.”

Ông lại không biết, lúc Tô Trường Trinh lên triều, trống mới đánh năm tiếng, trời còn tối, chẳng nhìn rõ cái gì, đương nhiên không có việc gì mới mẻ thu hút thầy. Vợ thầy trời nắng thì chuẩn bị cho một con ngựa già thuộc đường, trời mưa thì thuê sẵn kiệu nhỏ quen đường, dặn dò tên dắt ngựa, người cáng kiệu ngàn vạn lần: “Đừng nghe lời ông ấy, bãi triều, chỉ cần đưa ông ấy về thẳng đây.”

Nhưng khi có chuyện quan trọng, Tô Trường Trinh cũng biết nặng biết nhẹ, chỉ nhắm đường đúng mà lủi, không dám nhìn quanh, bởi thế mới đến được nơi nên đến, đúng giờ.

Trước thềm năm mới, nơi nơi vẩy nước quét nhà, nhà nhà chuẩn bị tiệc tất niên, treo đèn lồng đỏ, đi khắp chốn thăm người thân họ hàng, Ngọc Tỷ phải theo bề trên đến khắp nơi. Vì trời tuyết đường trơn, lúc đến nhà Kỷ chủ bộ chơi Ngọc Tỷ đã trượt ngã, may mà Nga Tỷ nhanh tay lẹ mắt, lại đứng bên cạnh đỡ lấy, bảo vệ được răng cửa. Ngọc Tỷ sợ mướt mồ hôi, từ đó lúc đi đường luôn chú ý dưới chân, dù lúc chơi đùa có vui vẻ đi nữa, cũng không thể không chú ý.

Về đến nhà, Tố Tỷ thấy quần áo bé dính bùn, hỏi xảy ra chuyện gì. Biết bé suýt nữa đã ngã, lo cho cháu ngoại bèn đeo chuỗi một trăm linh tám hạt châu vào tay trái cho bé, một vòng tiếp một vòng, tỉ mỉ quấn gần nửa cánh tay nó: “Đây là chuỗi tràng hạt bà thường dùng lúc niệm kinh hằng ngày, số kinh đã đọc khi vê nó không đến một vạn thì cũng một ngàn quyển, con đeo cẩn thận, phù hộ bình an.”

Trình Tú Anh thấy cánh tay nhỏ của Ngọc Tỷ bị chuỗi hạt quấn đến mập ra hai vòng, muốn tháo ra lại sợ phạm húy, đành phải vừa niệm “A Di Đà Phật” vừa cởi, quấn làm ba vòng, đeo lên cổ cho Ngọc Tỷ.

Nói đến cũng lạ, từ khi đeo tràng hạt, Ngọc Tỷ đi đường rất ổn, không ngã nữa.

Ba ngày trước tết, căn nhà cũ của Liễu gia vì cha chết mà ra riêng bỗng bị dán niêm phong, ra ra vào vào mấy người quét dọn, nửa ngày trôi qua, lại có dăm ba cỗ xe la kéo đến. Dân ngõ này ai nấy mở cửa, không khỏi thò ra vài cái đầu quan sát tình hình.

Trình Phúc quay về báo với ông Trình: “Là nhà Du Đại Hộ lần trước đòi ra riêng, vợ sau của lão đem con trai đến ở. Tiểu nương tử họ Lục, trên dưới hai mươi, có con trai bốn năm tuổi, nghe gọi là Niệm Lang.”

Trình Tố Tỷ nói: “Thế thì nhẫn tâm quá, đến Tết mà cũng không cho đón cùng, cô nhi quả phụ. Nhà chúng ta vẫn nên sai người đến chào một tiếng, xem có gì cần giúp không.”

Bà Lâm trách: “Đừng vội nhiễu sự, trước cửa quả phụ nhiều thị phi, trốn còn không kịp, con còn bướng bỉnh thò đầu ra làm gì? Nó đã mua được nhà họ Liễu, vậy tất trong tay có tiền, không thiếu ăn thiếu mặc, con trai cũng không phải không có, cần con giúp cái gì? Nếu nó không đủ ăn đủ uống, hoặc có người đến bắt nạt, khi ấy sai người đến giải vây vẫn còn kịp.”

Trình Tú Anh không kiên nhẫn: “Nào cần chúng ta đến cứu! Du Đại Hộ cũng chả phải chết lúc trai tráng, quả phụ trẻ bỏ lại thì có gì đáng thương. Du Đại Hộ cũng đã lấy vợ cho cháu rồi, sao lại phải kiếm vợ nhỏ hơn mình mấy chục tuổi, làm thế để làm gì? Thiếu nữ còn trẻ, dạng lang quân gì mà gả không nổi, lại bám theo một lão già đã bước nửa chân vào quan tài? Người háo sắc, kẻ tham của thôi! Thị đã theo lão già này thì hẳn phải biết có hôm nay, có khi thị còn mong ngày này mau đến ấy chứ. Loại người này, dễ trêu vào chắc? Bị thị bám vào, muốn dứt ra e là phải lột mất miếng da.”

Nói đến mức Tố Tỷ không hừ được một tiếng.

Không riêng gì nhà họ Trình, mà Kỷ, Vương gì cũng chỉ sai những người như nha hoàn bà hầu đến chào Lục thị: “Nghe bảo nương tử vừa dọn đến nên sai tôi đến chào, cuối năm bận bịu, không có thời gian tự mình đến gặp, nương tử vạn lần tha thứ.” Lại biếu bánh trà hoa quả, làm quà gặp mặt.

Mọi nhà đều nghĩ như nhau: Trước cửa quả phụ lắm thị phi. Mà nhà họ Du cũng thuộc loại giàu có trong thành, gia chủ đã không ưa, ai lại nhàn rỗi đến làm đệm lưng cho thị? Cũng có một bộ phận phụ nữ nghĩ như Tú Anh, khinh thường Lục thị, một đóa hải đường lại dâng mình lên cửa cho cây lê sai quả đè —– Vô cùng không muốn qua lại với thị.

Lục thị lại đóng cửa dạy con trai học, tự thân mà sống.

Năm mới đến, mọi nhà ăn cỗ đoàn viên, Trình lão thái công cố chấp kéo Tô tiên sinh cùng ngồi bàn: “Nhà tôi neo người, cùng ăn cho vui.” Lão an nhân lại đùa Ngọc Tỷ: “Đón giao thừa không được ngủ, thức không đến giờ tý*, ông trời không cho cháu lớn thêm một tuổi, năm sau vẫn ba tuổi thôi.”

[*Khoảng từ 11 giờ đến 1 giờ đêm.]

Ngọc Tỷ tin là thật, cơm ăn cũng chẳng còn ngon nữa, tròn mắt chờ đến giờ Tý. Tới đầu giờ Hợi, thực sự không chịu nổi nữa rồi, lại sợ không được lớn thêm một tuổi, bèn cho tay trái vào miệng cắn, đau đến òa khóc: “Oa, huhu…”

Tố Tỷ đau lòng: “Làm sao thế cháu, cả bàn toàn thức ăn ngon, cháu cắn tay làm gì?”

Ngọc Tỷ khóc thút thít đáp: “Đầu huyền lương, trùy thứ cổ, đau có thể vực dậy tinh thần, cháu cắn để biết đau mà thức đến giờ tý, nhưng không ngờ nó đau tới vậy…”

Cả phòng không kìm nổi, vừa cười vừa rửa tay cho bé. May mà cả hàm toàn răng sữa, cắn không sâu, chỉ để lại trên dưới hai vết răng, không chảy máu.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK