Những ngày nắng cực nóng đã thúc đẩy sự phát triển của một ngành nghề —– bán băng ướp, thường có phú thương đào hầm băng to, ngày đông cất băng, đến hạ lại gọi xe đến kéo vào thành bán. Nhà nào dư dả sẽ thỉnh thoảng mua về giảm nhiệt. Kinh sư phồn hoa, ngày càng có nhiều người theo nghề này, chỉ cần có tiền trong tay thì chẳng gì là không mua được. Nhưng nguồn khách chính vẫn chỉ là những gia đình bậc trung, nghèo hơn thì không mua được, còn giàu hơn, ở nhà tự đào hầm băng, cũng đông cất hạ dùng.
Nhà Tế Nam hầu là huân quý khai quốc, đến nay đã gần trăm năm, chuyện gì khác không nói chứ hầm thì đúng là có đào, chẳng cần ra ngoài mua băng. Thái phu nhân Hoa thị, mẹ của Tế Nam hầu vốn cũng thuộc dòng huân quý, hai nhà liên hôn, đã mấy chục năm giữ chức nữ chủ nhân của hầu phủ, nơi ở không thể thiếu băng giảm nhiệt.
Phòng chính của thái phu nhân có năm gian, ba sáng hai tối. Bấy giờ cụ bà không ra sảnh giữa mà an vị ghế gập gian phụ, Tế Nam hầu Chu Lôi và người em đại lý tự khanh của mình ngồi dưới, đối diện nhau. Trong phòng mát rượi, nhưng ba người lại hơi nóng. May mà đều là những người đã trải mấy chục năm mưa gió, vẫn còn bình tĩnh nổi.
Thái phu nhân cũng như bao bà cụ khác trong thiên hạ, càng già càng tin tăng đạo, trong cung sùng Đạo, bà lại tín Phật, lần tràng hạt trong tay, hạt tràng bằng gỗ, đến nay đã nhẵn bóng, hẳn là do được dùng thường xuyên. Cụ bà không ngơi tay, hỏi Chu Chấn trước: “Thực sự là Bái Ca?” Cụ đã gần tám mươi, bạc trắng mái đầu, song tinh thần hãy còn tốt, tuy không tai thính mắt tinh, nhưng đầu óc vẫn chưa đến hồi mờ mịt.
Chu Chấn ngẩng đầu nhìn mẹ mình, đến khi đôi khuyên vàng cẩn đá to của cụ lướt qua trước mắt, mới cúi đầu khẽ đáp: “Con thấy giống lắm ạ.”
Chu Lôi vội hỏi: “Phải thì bảo phải, sao lại nói giống hay không?”
Thái phu nhân bảo: “Con cũng có thượng triều mà, dứt khoát nói xem phải hay không.”
Uy thế thái phu nhân đã gây dựng nhiều năm, cụ vừa lên tiếng, Chu Lôi không dám đón lời nữa. Chu Chấn nói: “Cũng đã gần hai mươi năm…” Chu Lôi không dám tiếp chuyện mẹ, nhưng vẫn mở mồm khiển trách em trai được: “Giờ nói chuyện đó thì ích gì? Phải hay không, để còn kịp nghĩ cách nữa,” chắp tay vái thái phu nhân, “Mẹ, con cũng từng nhìn qua vị Hồng ngự sử ấy, vừa thấy đã giật nảy mình, cũng có cảm giác đấy là Bái Ca. Nhưng cậu ta lại không nhận, tự xưng mình là người Giang Châu.”
Chu Chấn nói: “Con đã tìm cách qua lại đôi lần với Hộ bộ thượng thư và Lại bộ thượng thư, nhờ họ thân chinh kiểm tra sổ vàng. Chỗ Lại bộ báo Hồng Khiêm là người Giang Châu. Bên Hộ bộ thì nói ở Giang Châu có người tên Hồng Khiêm, từ ở rể rồi chuyển sang gia đình bình thường. Mười lăm năm trước đã trú lại Giang Châu, khi ấy Bái Ca đã mất tích được hai, ba năm. Hồng Khiêm đến Giang Châu là do nạn lưu vong, nguyên quán ở phủ Bắc Định. Phủ Bắc Định liên tiếp gặp hạn hán lũ lụt, người dân trôi giạt tứ xứ, triều đình vừa vỗ về vừa diệt trừ, cho phép xuôi nam kiếm ăn, Hồng Khiêm theo dân chạy nạn đến Giang Châu. Trên sổ vàng miêu tả tướng mạo con người nhưng không có hình vẽ, phủ Bắc Định thực sự có người tên Hồng Khiêm, cũng chỉ ghi tên, tả rằng mặt trắng không râu này nọ…”
Chu Lôi sốt ruột: “Nói mấy thứ này ích gì? Phải hay không, cha ruột như đệ phải cho chúng ta câu trả lời chính xác đi chứ, đặng còn ứng phó kịp thời. Giờ cứ lưng chừng thế này thì ra thể thống gì nữa? Muốn phân trần cũng không tiện, muốn mặc kệ lại bị miệng đời chỉ trỏ sau lưng,” Nói đoạn nổi điên, “Ả nhà đệ đúng là phường yêu quái quấy phá gia đình! Đệ cũng vậy, lúc đầu hẳn nên quản chế thị mới phải.” Ấy là mắng Đoàn thị, hoàn toàn không nhớ lúc Đoàn thị mới được gả vào, ông ta và vợ mình đã khen bà dịu dàng hiền thục ra sao.
Thái phu nhân không lần tràng hạt nữa, buông tiếng thở dài “Chuyện này không trách nổi Nhị Ca, việc này ta sai, con cũng có lỗi. Người vợ kế này là ta chọn cho nó, lúc ấy thấy thị sáng sủa thẳng thắn lại giỏi quản gia, là duyên lành. Lại tự ý đón Bái Ca sang đây nuôi để em con được gần gũi với thị, sinh con đẻ cái, có con rồi thì thị cũng sẽ an tâm. Nào ngờ lòng người thay đổi, nếu Bái Ca sớm được thị dạy dỗ, có lẽ tình hình sẽ tốt hơn. Từ nhỏ đã không có tình cảm, đến lúc thị có con trai ruột, đương nhiên sẽ chướng mắt Bái Ca.”
Chu Lôi biết điều thái phu nhân nói là tình hình thực, cụ thương con thứ còn trẻ đã góa vợ, lại sợ nhà Chu Chấn không có chủ mẫu thì chẳng ra sao, Chu Chấn vừa hết tang vợ đã cưới ngay vợ kế Đoàn thị cho. Lại thương Chu Bái mất mẹ, đón sang nuôi. Khi Đoàn thị vào làm dâu, e thị còn trẻ không biết cách chăm sóc con nít, lại muốn thị bầu bạn với Chu Chấn nhiều hơn, sớm ngày sinh con đẻ cái. Đoàn thị cũng giỏi, vừa gả đến được một năm đã có mang, khi ấy dù có muốn chăm sóc Chu Bái thì thái phu nhân cũng không tiện đồng ý.
•••Đường phân cách chuyện cũ•••
Đoàn thị có bản lãnh, sau khi ở cữ sinh con trai xong, chẳng bao lâu sau lại có mang, đến tháng thứ sáu thứ bảy, do sơ ý trượt ngã mà sảy một thai nam, cơ thể tổn thương, phải tĩnh dưỡng.
Chu Bái lại lớn lên bên bà nội và bác gái. Thái phu nhân thương cậu, bác gái cũng xót cậu còn nhỏ đã mất mẹ, vì là con trẻ cùng chi, lại mồ côi mẹ, xem ý của Chu Chấn thì cũng muốn cậu cố gắng học hành, sau này thi đỗ nhập sĩ theo nghiệp mình, với cả cậu cũng là em họ của đám con nhà mình, có thể đỡ đần lẫn nhau, dẫu sao “gà cùng một giống chẳng hoài đánh nhau”, nên rất tốt với cậu.
Hồi bé Chu Bái khá thông minh, nhưng lại xa cách cha mẹ ruột, thêm bác gái cưng chìu, tuy biếtchữ thuộc bài nhanh nhưng tính cách lại hơi xấc láo. Đến hồi Chu Bái lên năm, lão Nghĩa An hầu qua đời, sau tang lễ, thái phu nhân bèn quyết định chia gia sản cho hai đứa con trai này, miễn cho sau này rối reng, hai anh em mất cảm tình với nhau. Chuyển đồ gia dụng, chia tiền, hai anh em nhường nhau mãi, cũng khá êm xuôi. Chu Bái đành phải sống với bà nội đến năm lên sáu, về tới nhà mình, tình hình hoàn toàn khác với lúc trước.
Đoàn thị hồi trẻ đã khôn khéo vô cùng, nói chuyện làm việc cực thẳng thắn, thái phu nhân ưng thị cũng là vì cái tính ấy. Lúc mới gả vào đã rõ mình chỉ là vợ kế, vì Chu Chấn là con thứ, thị cũng biết sẽ không có tước vị, thôi thì cứ nuôi con trai vợ trước rồi tự sinh thêm vào đứa, chiếm cảm tình của chồng, sống cho thoải mái. Đến khi chia gia sản, thị nhiều con trai thì cũng sẽ được chia nhiều một chút. Nếu có thể nuôi dạy tốt con vợ trước, thì có khi còn thêm nguồn trợ lực.
Thái phu nhân thương thị, để thị sinh một mụn con trai cho Chu Chấn an ủi lòng mình, khi ấy Chu Bái cũng chỉ mới hơn một tuổi, thị thực sự sợ cậu chết vì nuôi không đúng cách, thành ra mình có tội. Bèn để mẹ chồng nuôi Chu Bái vài năm, con nít tuổi ấy đã không dễ xảy ra chuyện nữa, thị cũng có con trai riêng, đôi bên cùng có lợi. Thị chỉ cần mỗi ngày sang hầu mẹ chồng thì ngắm Chu Bái đôi lần, thể hiện rằng mình không quên còn có đứa con này.
Nào ngờ lần lữa một thôi một hồi, đến khi Chu Bái hiểu chuyện rồi mới đón về. Tình hình đã khác. Chu Chấn xót con trai mới lọt lòng đã mất mẹ ruột, không khỏi coi trọng hơn, xếp con thứ của Đoàn thị ra sau, đích thân dạy dỗ Chu Bái. Lúc sống với thái phu nhân, Chu Bái chỉ cần hiểu lễ nghi thôi là được, mọi chuyện còn lại đều tùy ý cậu. Người mẹ kế này chỉ mỗi ngày liếc qua một cái, nói chuyện cũng mềm mỏng, nào ngờ cậu vừa rời khỏi bà nội, bà ta đã muốn quản thúc.
Lại thêm Chu Chấn đặt hy vọng rất nhiều vào đứa con cả này, thấy cậu đã sáu tuổi, hồi còn ở với thái phu nhân thuộc chữ cũng nhanh, bèn đích thân dạy vỡ lòng cho cậu, quản càng nghiêm hơn. Vì con trai thứ nhỏ hơn Chu Bái đến hai tuổi, chưa đến lúc dạy dỗ nghiêm túc nên gạt sang bên, Đoàn thị trông thấy thì khá xót lòng. Từ lúc thị về làm dâu, mẹ chồng sáng suốt, chồng cũng giữ lễ, chẳng một ả thị thiếp đắc sủng nào dám tỏ thái độ với thị, lại được nắm quyền xử lý việc nhà, đã có phong phạm quản gia, cũng nuôi dạy con vợ trước như mẹ ruột, muốn cậu yêu thương anh em, nên nhắc đến Chu Thanh trước mặt Chu Chấn nhiều hơn.
Khi ấy trong lòng Chu Bái nghĩ, cha nghiêm, mẹ kế lạnh nhạt lại hay ép uổng mình, lại thường nghe mấy lời đồn kiểu mẹ ghẻ không tốt, thử kiểm chứng thì, đây chẳng phải hệt câu “Có mẹ ghẻ thì có luôn cha dượng” đấy thôi? Sao mà thèm nghe lời Đoàn thị dạy? Tuy không gây gổ nhưng lại chẳng xem Đoàn thị ra gì. Chu Chấn không cho phép con trai bất hiếu với mẹ kế, không khỏi nghiêm mặt giảng đạo. Chu Bái từ lâu đã khó chịu trong lòng, càng bướng hơn. Ấy mà lại chạy sang chỗ thái phu nhân ở liền mấy ngày, với cụ thì Đoàn thị không đến nỗi, Chu Chấn càng chẳng có vấn đề, Chu Bái tính tình trẻ nít cũng không sai, ba người chỉ đang có mâu thuẫn nhỏ ấy mà. Bèn giữ Chu Bái lại vài ngày, nói lý với cậu, chờ hết giận thì đưa về nhà.
Ngờ đâu người bác Chu Lôi của cậu cũng khá quan tâm đến cháu mình, được Chu Chấn nhờ bèn dạy cậu cưỡi ngựa bắn cung, huân quý lập nghiệp quá nửa đều nhờ quân công, con cháu cũng có người không quên nguồn cội, tập luyện món này. Chu Bái chán mớ lý lẽ đao to búa lớn của Chu Chấn, nhưng lại khá hợp với người bác này. Lúc về nhà đã vác theo một đống vũ khí. Từ đấy lại càng ngang tàng, chẳng vừa mắt kẻ sĩ.
Cậu giận dỗi cha mình, Chu Chấn lại không thể không quản, tuy bận nhưng vẫn thường xuyên dạy dỗ răn đe, cũng chẳng thiếu roi vọt, cái mớ “mực đen” thuở thiếu thời đều do Chu Chấn rót vào bụng cậu không chứ ai. Vì Chu Chấn chỉ quan tâm Chu Bái, con trai mình không có dịp lượn lờ trước mặt ông, Đoàn thị chua xót. Dần tỏ thái độ, không giảm cái ăn cái mặc của Chu Bái, nhưng đương nhiên không thể đối xử với cậu tốt như con ruột nổi. Tôi tớ trong nhà nhận ra, khoảng cách đôi bên càng lớn, ngay cả giữa tôi tớ hầu hạ đôi bên cũng thường lời qua tiếng lại.
Cứ hễ không vui là Chu Bái lại sang chỗ bà, tìm bác cả, anh họ luyện võ. Chu Chấn giận dữ, thái phu nhân lại bảo: “Từ bấy quân công là cao nhất, nó cũng chẳng ra làm lính mà là làm quan, đâu nhất thiết phải thi cử. Hiện thời phương bắc đang rối, phải cần một thời gian mới có thể bình định, đến lúc thằng bé trưởng thành, vừa khéo có thể nhận việc lập quân công.” Chu Chân không muốn con trai trở thành kẻ thiếu kiến thức, dẫu có làm quan võ cũng phải biết lễ nghĩa căn bản đặng được cái danh nho tướng, nếu không, võ quan không biết chữ, dù có công lập triều cũng bị sỉ nhục coi khinh. Không cấm cậu đến chỗ bác cả, nhưng lại ép học hơn.
Khoảng cách giữa hai cha con càng lớn.
Chu Bái lên tám, Đoàn thị lại có mang, Chu Thanh cũng bắt đầu lên lớp, hai anh em không thân thiết gì mấy. Con nít cãi nhau là chuyện thường, tuy Chu Bái chả bõ công bắt nạt thằng em bé hơn mình nhiều này, nhưng Chu Thanh lại cứ khoe khoang mẹ ruột Đoàn thị thương mình cưng mình thế nào trước mặt cậu, Chu Bái nghe mà bực, đưa tay đẩy Chu Thanh ngã, tay rách miếng da. Về bị Đoàn thị trông thấy, thị không rầy Chu Bái mà đi thẳng đến trước mặt Chu Chấn bảo: “Thiếp rốt chẳng phải mẹ ruột thằng bé, nặng nhẹ gì cũng khó mà quản nổi, hai đứa đều là con cùa quan nhân, xin chàng đối xử bình đẳng với chúng.”
Chu Chấn lại trách Chu Bái ghét bỏ em trai, Chu Bái chả thèm giải thích rằng nó chọc mình trước. Cậu cứ tầm ngầm như thế, Chu Chấn phạt quỳ từ đường một canh giờ. Xong xuôi Chu Bái lại sang chỗ thái phu nhân, không nói rõ nguyên nhân, chỉ bảo chán ở nhà. Lúc quay về, Đoàn thị lại cười lạnh với cậu, cậu không hành lễ chào thị, thị nữ của Đoàn thị ngăn lại bị cậu đá vào đùi té ngã, cậu đẩy Đoàn thị ra định đi, ai ngờ Đoàn thị lại trượt chân.
Chu Chấn về nhà, nghe bảo con mình đẩy mẹ kế có mang, không khỏi lại đập cho một trận. Từ đấy lời đồn Chu Bái tính tình ngang ngược hung tàn cứ thế truyền ra, lại thêm cậu thích luyện võ, thi thoảng lại đi diễn luyện, ra tay mạnh mẽ, nên rất nhiều người tin. Đoàn thị đối đãi với nhà Nghĩa An hầu như với nhà mẹ đẻ, chỉ kể cái tốt giấu cái xấu của Chu Bái, lúc thành thân cũng từng sang phủ Nghĩa An hầu kết nghĩa, nhận Đổng thị làm chị.
Thế nên nhà cậu Chu Bái cũng gọi cậu sang bảo phải kính trọng mẹ kế, khiến cậu chán cả bên này. Đoàn thị trở tay bèn bán nhũ mẫu Chu Bái, vì cậu tám tuổi rồi, không cần nhũ mẫu nữa. Chu Chấn cũng có ý đó, thấy con trai trưởng không nên chung đụng với đàn bà quá lâu, bèn mua tiểu tư hầu cậu. Nhũ mẫu là thị tỳ bồi giá mẹ ruột Chu Bái, ra ngoài lấy chồng rồi lại lo lắng cho cậu chủ nhỏ, xin thái phu nhân cho trở về hầu hạ. Dù không hầu trong phòng Chu Bái nữa thì vẫn có thể trông chừng gần đấy. Sau do mẹ chồng mất, đành theo chồng về quê thủ hiếu, ấy mới bặt tin.
Ban ngày Chu Chấn phải đến nha môn điểm danh và xử lý vài công vụ, Đoàn thị bèn không cấm Chu Bái ra ngoài, dẫu sao Chu Bái có ra ngoài cũng không muốn báo thị, thị vờ không biết, dù có xảy ra chuyện gì cũng là do Chu Bái trẻ nít không hiểu chuyện, không thưa cha mẹ đã ra ngoài chơi. Nhưng lại diễn tròn vai, mọi thứ Chu Bái nên có đều có đủ, mặc cậu tiêu xài phung phí bên ngoài, thỉnh thoảng còn cho thêm một khoảng.
Đến nỗi thái phu nhân cũng phải than thở rằng đứa cháu này lúc nhỏ thông minh, càng lớn càng hỏng. Đến năm mười ba mười bốn tuổi, Chu Bái đã nổi danh cậu ấm toàn thành, mọi người đều biết sáng cha không có ở nhà, mẹ kế không quản nổi, lại thêm đám Chu Thanh hiếu học làm nền, trông cậu càng bất kham. Cậu trời sinh lanh lợi, chỉ cần muốn học thì học gì cũng nhanh, học cái tốt nhanh, đương nhiên học cái xấu cũng không kém gì, chưa tới nửa năm đã đầy đủ mọi ngành. Cũng vì khôn khéo mà từ đầu tới cuối, ngoại trừ lần đầu đi đánh bạc thua người ta ba trăm lượng, về nhà Đoàn thị lại thoải mái chi trả cho chủ nợ đến đòi tiền thì sau đấy, cậu chưa từng thua tiền bất cứ trò nào nữa.
Người người bảo cậu hư hỏng, lại thêm Tô Trường Trinh rỗi việc kiếm chuyện hạch tội, tự dưng quảng bá tên tuổi cho cậu, người ta có bêu cũng là bêu tên tốt, cậu lại được bêu tiếng xấu. Chu Bái không phục, cũng bực mình, nhưng không lấp nổi miệng đời.
Chợt có một ngày, Chu Bái nổi hứng ra ngoài đi săn, rồi không quay về nữa. Chẳng bao lâu sau, Đoàn thị lại dắt một con nha đầu về, bảo là đã được Chu Bái thu dụng, có mang. Bấy giờ Chu Bái chưa về nhà, gia đình thực sự tin rằng một người hư hỏng hay ghé ngõ hoa phố liễu như cậu dám làm ra chuyện như vậy lắm. Thái phu nhân quyết định sẽ giữ cái thai này, Đoàn thị can ngăn, bảo: “Cũng nên hỏi qua ý Đại Ca, không nó về lại nổi giận nữa.” Dứt lời khóc ngay, ý rằng cậu gây chuyện thì giỏi, còn mình lại khó xử rồi. Chu Bái hư hỏng chẳng trách ai, phải trách thị.
Thái phu nhân biết tính Chu Bái, đành phải hoãn lại, còn an ủi Đoàn thị. Ngoài kia chả biết khi nào lại có người đồn Chu Bái chưa vợ đã có con rơi, khiến thị nữ có thai rồi trốn. Chu Chấn thất vọng vô cùng, mãi đến ngày Oanh Nhi thị nữ của Đoàn thị nhỡ miệng, gọi Chu Thanh là “Đại Ca”.
Khi ấy Chu Chấn nghe ả gọi “Đại Ca” thì lấy làm kích động, cho rằng Chu Bái đã về, câu “thằng con trời đánh” còn chưa thốt ra đã trông thấy Chu Thanh. Tuy Chu Chấn thi thoảng cũng có ý “Cái thằng trời đánh ấy nên bóp mũi chết từ lúc lọt lòng mới phải”, nhưng cũng chỉ giận cậu không có lòng cầu tiến, chứ không muốn cậu chết thật. Ả thị nữ này lại xem thằng con đích trưởng của mình như đã chết, Chu Chấn sao không giận cho nổi? Mà Đoàn thị lại không cản, cứ như ngầm cho phép.
Chu Chấn không rõ chuyện nhà cửa, chưa từng cho rằng trong nhà lại không hòa thuận, nhiều lắm cũng chỉ nghĩ Chu Bái còn trẻ không hiểu chuyện, trưởng thành lấy vợ rồi thì khác —– Có ai khi không lại nghĩ xấu cho vợ mình chứ? Ông không ngốc, nếu không cũng chẳng lên được tới chức đại lý tự khanh. Nhưng chuyện trước mắt đây không khỏi khiến ông phải suy xét đôi điều. Nhất là Chu Bái lại mất tích luôn từ đấy.
Chu Chấn lập tức đánh chết Oanh Nhi, tuy Oanh Nhi là thị nữ của Đoàn thị nhưng Chu Chấn lại là chủ nhân, ông làm việc không để lại sơ hở, cũng nằm lòng các lý do để giết người. Với người nhà thì bảo là do ả coi khinh Chu Bái, với người ngoài thì bảo con thị tỳ này trộm đồ, nhỡ tay đánh chết. Đoàn thị muốn xin tha, Chu Chấn lại chả thèm gặp thị, lại cắt chức hết đám quản sự mà Đoàn thị cất nhắc, quá nửa số người nắm chức quản sự sẽ bòn rút nọ kia, ông tra xét một hồi, đánh cho chết dở rồi bán đi xa. Lấy lại quyền quản lý việc nhà của thị, mọi chuyện giao cả cho tôi tớ cũ, nếu mẹ con Đoàn thị có ý chèn ép họ sẽ bắt Chu Thanh đến đánh cho một trận. Chẳng bao lâu sau, mọi chuyện tạm lắng xuống.
Đoàn Hựu em trai Đoàn thị vốn muốn nhờ anh rể lo lót hộ chức quan, Chu Chấn đã chuẩn bị xong đâu đó cho ông ta rồi, vì ông ta cũng xuất thân từ quan võ, ra ngoài kiếm chút công lao, về sẽ được thăng chức. Chuyến này không giúp nữa, Đoàn Hựu cứ thế kẹt mãi với chức chính thị đại phu, không có thực quyền, cứ phí thời gian như vậy.
Đoàn thị vốn không hay tin, thực ra là do Đoàn Hựu làm quan xa, khi ấy lại đầy lưu dân do nạn đói hoành hành, Đoàn Hựu phụng mệnh đi tiễn trừ. Vì muốn lập quân công nên giữa hai đường an ủi và tiêu diệt, quan võ đương nhiên chọn vế sau. Hôm vây quét ấy lại nhặt được một chiếc thắt lưng, Đoàn Hựu lấy làm quen mắt, cầm lên xem thì thấy trên ấy có vết máu, ngọc bội khắc gia huy họ Chu. Bình tĩnh cất lại, về báo với Đoàn thị, Đoàn thị còn tưởng em trai đã xử lý giúp mình. Giết người thì đã sao? Chu Bái chết rồi, Chu Chấn vẫn phải nhờ vào con bà phụng dưỡng. —– Đây là điều đám Chu Chấn không biết.
Sau này do Chu Chấn ngày càng mạnh tay, thị mới nhận ra, đành cẩn thận gầy dựng lại cảm tình. Mới đầu không dám nói Chu Bái đã chết, sau lại vãn hồi được một tý tình cảm của Chu Chấn, ông mới cho thị thêm hai đứa con một trai một gái.
•••Trở về thực tại•••
Thái phu nhân nói: “Nếu thị là vợ đầu vợ cả, hẳn có thể êm xuôi qua ngày. Mọi thứ chẳng qua là do tạo hóa trêu ngươi, chỉ xót thay Bái Ca nhà ta.” Dứt lời bèn khóc. Hai anh em vội khuyên lơn.
Thái phu nhân nghẹn ngào: “Từ đầu đã có lỗi với Bái Ca, cũng có lỗi với mẹ nó, con bé mất rồi mà mình lại không chăm sóc tốt được cho thằng nhỏ, trái lại khiến nó không thể sống nổi trong chính nhà mình. Lại vì Bái Ca mất tích, Nhị Ca vẫn phải có con nối dõi, không thể không… Lại có lỗi với nó lần nữa, đều tại ta cả.”
Chu Chấn cuống cuồng quỳ xuống thưa: “Là con trai bất tài, không nắm rõ chuyện nhà, không dạy dỗ được Bái Ca. Nó rời nhà rồi, trái lại nên người. Nào cần chứng cứ gì chứ? Vừa nhìn đã biết đấy là con trai con. Tìm chứng cứ, chẳng qua chỉ là để có cái ăn nói với người đời.”
Chu Lôi vốn đã xem Hồng Khiêm là Chu Bái, sau vì Chu Chấn không có chứng cứ nên lại nghi ngờ, giờ đây buột miệng hỏi: “Là Bái Ca thật ư?”
Thái phu nhân nói: “Cha con một lòng, sao có thể nhận nhầm được? Nốt ruồi son bên tai nó ta nhận ra, trên ót có hai xoáy tóc, là đứa trẻ thông minh. Bảo cái gì mà trên tai thằng bé nhà họ Thẩm cũng có nốt ruồi, trên tay có sẹo, ta đã từng gặp thằng bé ấy hồi nó còn nhỏ rồi, nốt ruồi thế nào đã quên, nhưng chỉ gương mặt thôi đã khác xa Bái Ca, sao mà nhầm được? Lại còn mượn danh nó nữa chứ? Hai người chẳng có điểm chung, ai nấy đều biết là hai đứa khác nhau, cũng chỉ miễn cưỡng qua mắt mọi người, hòng chứng minh câu ‘cùng đặc điểm nhưng chưa chắc là người nọ’ thôi. Nếu nó thực sự không phải Bái Ca thì chẳng đã ầm lên rồi đấy, làm gì có chuyện thảnh thơi, điềm tĩnh chửi nhau với Trương ngự sử? Vợ của nó cũng là một cô gái tốt, biết bảo vệ chồng, câu nào câu nấy mắng Đoàn thị bất lương, nếu thực sự không phải, thì cần gì phải để tâm như vậy? Nếu chồng con bé không phải là Bái Ca thật thì đã chẳng mắng kiểu này, mà sẽ mắng chúng ta điên, con cháu lông bông mất tích không lo tìm lại nhận vơ tiến sĩ nhà người ta, con bé là đang bất bình, trút giận hộ chồng.”
Chu Chấn không khỏi vừa ăn năn vừa giận mình. Chu Lôi bảo: “Vậy…”
Thái phu nhân nói: “Đừng bảo không bằng không chứng, dẫu có chứng cứ cũng không thể ép nó nhận đâu. Nếu nó nhận thì tàn đời ngay, vợ nó, con cái nó cũng vậy. Trước kia đã có lỗi với nó, lần này phải bảo vệ nó thôi, có lẽ còn chuộc lại được cái nghiệp khi ấy. Phải giải thích rằng do nhà mình không có phúc, tham có con cháu đỗ đạt tiến sĩ, vậy thôi. Đúng là tự tạo nghiệt.”
Ba mẹ con ôm nhau khóc ròng, Chu Lôi hờn Đoàn thị đến cực cùng, nhưng đấy lại là em dâu, không tiện động vào, bèn tính dời mục tiêu sang em trai Đoàn Hựu và mấy đứa cháu trai thị, muốn lột sạch chức quan của chúng. Tiếc nỗi bây giờ không thể hành động thiếu suy nghĩ, lập chí chờ tin tức lắng xuống sẽ ra tay.
Ba mẹ con bên này đã quyết định bưng bít vụ việc. Thái phu nhân bèn bảo Chu Lôi sai người truyền ra, bảo Hồng Khiêm không phải Chu Bái, nhưng tướng mạo giống thật, còn bảo nếu Hồng ngự sử rỗi rãi thì xin quá bộ đến nhà viếng thăm, an ủi nỗi lòng mong mỏi cháu trai của thái phu nhân. Lại bảo vợ của Chu Lôi là Hàn thị sang bên Nghĩa An hầu, dù có chứng cứ cũng xin dằn lại, nếu nhận nhau thì thanh danh Hồng Khiêm sẽ hỏng cả.
•••••
Vợ chồng Chu Lôi theo lệnh mà làm, Chu Chấn thì ra vẻ chẳng có việc gì, vẫn vào chầu điểm danh như cũ. Tế Nam hầu và Nghĩa An hầu đều công bố ra. Bên phía Nghĩa An hầu nghe đồn đãi gần đây về Đoàn thị, nghĩ bụng, chẳng nhẽ thế thật? Gần như không muốn gặp Hàn thị, Hàn thị phải quanh co lắm mới gặp được thái phu nhân nhà Nghĩa An hầu, bà thuật lại đầu đuôi câu chuyện, thái phu nhân Nghĩa An hầu cũng khóc to một trận, hai bên trái lại hòa giải, chỉ mắng mỗi Đoàn thị: “Lòng dạ đen tối, thể nào cũng sẽ bị quả báo.”
Con cái nhà mình luôn là đứa ngoan nhất, nếu nó có không ngoan, thì cũng phải tìm cho ra cái lý do khiến nó hư hỏng.
Cụ bà nhà Nghĩa An hầu khóc xong, lại hỏi: “Vậy Dư Ca rốt cuộc có phải con trai cháu ngoại ta không? Cháu ta từ nhỏ đã chịu bao ấm ức, không thể lại để nó ấm ức sang đến cả chuyện con cháu nữa. Ta thấy Hồng ngự sử chẳng có vẻ gì là muốn nhận, quá nửa chắc không phải rồi.”
Hàn thị đáp: “Dư Ca chưa được vào gia phả, là do Nhị Ca định dành ra cho Bái Ca xử lý. May mà còn chưa cho vào, dễ xử lý, cho nó vài mẩu ruộng, đuổi đi thật xa là được. Con của thị tỳ, bác cũng biết rồi đấy ạ, dù có là con ruột, cũng chẳng là gì. Dòng của em dâu, nếu bác đồng ý, mẹ chồng cháu sẽ nhận một đứa cháu từ nhà mình sang làm con thừa tự, nối dõi tông đường. Của hồi môn của em dâu, xin trả lại cho bác sui.”
Thái phu nhân Nghĩa An hầu vội phất tay: “Đừng làm thế đừng làm thế.” Nếu mà đòi của hồi môn lại, thì tình cảm hai nhà mất bằng sạch. Dù có máu mủ ruột rà cũng còn có thể trở mặt vô tình, thái phu nhân Nghĩa An hầu vẫn xót đứa con gái mất sớm lắm.
Hàn thị nói: “Thực ra còn một nguyên nhân nữa. Hồng ngự sử có một đứa con trai theo họ vợ, cũng là máu mủ của cậu ấy. Thằng bé năm nay sáu tuổi, đang theo học bên nhà Lương tướng, ngoan ngoãn nghiêm ngắn. Phủ mình có đứa nào hòm hòm tuổi thằng bé không ạ? Hứa hôn cùng của hồi môn vậy.”
Thái phu nhân Nghĩa An hầu cảm kích: “Ta sẽ bàn lại với chúng nó.” Không kể đến quan hệ huyết thống, chỉ riêng việc kết thông gia với nhà tiến sĩ thôi cũng đã có lời. Con gái đích trưởng của cụ chịu lấy một thằng con thứ, chính là vì Chu Chấn tự dốc sức nỗ lực đỗ tiến sĩ.
Thế là thái phu nhân hai họ cùng mời Hồng Khiêm đến gặp mặt một lần, Hồng Khiêm đang chuẩn bị tinh thần đương đầu với rắc rối, lập tức ngẩn ra. Kiệu của hai cụ đến ngay trước ngõ nhà chàng, gặp hay không đây? Chàng cũng chỉ đành bịt mũi đưa chân tới viếng thôi.
Hai người mỗi người nắm một tay chàng, không ngừng bảo: “Giống, thực sự rất giống!” Sau lưng Hồng Khiêm là Kim Ca, lúc tan học cậu được cha đích thân đến đón về nhà, thấy hai bà cụ này mau nước mắt còn hơn bà ngoại mình thì giật thót.
Cụ bà Tế Nam hầu nắm lấy tay Hồng Khiêm, vì ở sát bên nên thì thầm bên tai chàng: “Đỉnh đầu hai xoáy đúng không? Trên eo có nốt ruồi nhỉ?” Cụ bà Nghĩa An hầu bên còn lại mới hỏi: “Trời nóng, vẫn ngứa gang bàn chân chứ cháu?” Hồng Khiêm giật mình.
Hai người cùng nói: “Nếu cháu ta còn sống, chắc cũng lớn cỡ này.” Không nhận chàng là cháu ruột. Lại xin thất lễ, một người cầm tóc chàng bảo: “Trên đầu cháu ta có một cái xoáy, thằng bé này lại hai, đúng là không phải thật.” Người còn lại xòe tay chàng ra, bảo lòng bàn tay Chu Bái có cái bớt, Hồng Khiêm không có. Rửa sạch hiềm nghi cho Hồng Khiêm, Trương ngự sử bên kia toi công làm rùa, lại bị bãi chức quan, xám xịt về nhà.
Bên này Hồng Khiêm cũng xám ngắt mặt mày được hai bà cụ kèm cặp đưa về, gọi Tú Anh, Ngọc Tỷ ra chào. Đám Chu Lôi, Hàn thị, Nghĩa An hầu Đổng Cách, phu nhân Nghĩa An hầu Vu thị tháp tùng, hai bên ngồi vào chỗ của mình, thái phu nhân Nghĩa An hầu cứ ôm riết lấy Ngọc Tỷ, gọi mãi: “Đại Tỷ nhà bà.” Ngọc Tỷ giống cha, tuy có đôi chỗ giống mẹ nhưng đường nét chính lại giống Hồng Khiêm như tạc, Hồng Khiêm thì lại giống mẹ, một đời hai đời, giờ tuy không y hệt nhưng bà cụ lại chắc chắn con bé là cháu mình.
Vu thị lại an ủi mẹ chồng, ai nấy biếu quà gặp mặt, vừa muốn kết thông gia, vừa muốn kết nghĩa. Tú Anh không dám đồng ý ngay, luống cuống nhìn Hồng Khiêm. Ngọc Tỷ thì thoải mái tự nhiên, dịu dàng vỗ về thái phu nhân Nghĩa An hầu, lại cầm khăn tay mình khẽ khàng chấm nước mắt cho cụ. Quen tay rồi, vì xưa giờ Tố Tỷ khóc nhiều quá mà.
Thái phu nhân Tế Nam hầu thì xem xét Tú Anh, cứ luôn miệng khen tốt với Hàn thị.
Hồng Khiêm chợt thở dài, vái mọi người: “Chư vị quá yêu thương cháu rồi. Vài ngày nữa, có lẽ cháu sẽ làm chuyện có lỗi với mọi người. Không phải việc tư mà là việc công, đã cưỡi lên lưng cọp thì phải truy cho tận ngọn nguồn.” Thái phu nhân Tế Nam hầu hỏi: “Nói thế là thế nào? Việc công sao lại chúng ta lại trách cháu được?” Lại định làm mai, hứa hôn đích tôn của Đổng Cách cho Kim Ca.
Hồng Khiêm không dám từ chối nữa, lập tức rút cây trâm vàng cài tóc của Tú Anh ra, làm tín vật. Chu Lôi vỗ vai Hồng Khiêm, không nói gì. Hồng Khiêm bảo: “Đồn đãi dạo trước quá cấp bách, vãn bối đã mỉa mai trả đũa, giờ đây các tiền bối lại quá bộ đến giải vây hộ, ôi lúc trước uổng công cháu làm tiểu nhân rồi.”
Tuy Chu Lôi không xuất thân tiến sĩ nhưng cũng nghe ra được chàng đang ám chỉ chuyện Đoàn thị. Động vào Đoàn thị sao có thể không mắc míu đến nhà họ Chu, bét lắm cũng phải liên đới sang Chu Chấn. Nhưng Chu Lôi biết Chu Bái cứng đầu, dù Hồng Khiêm có tự nhận mình là Chu Bái đi nữa thì Đoàn thị vẫn là kẻ thù của chàng, hôm nay hai gia đình họ giải vây cho Hồng Khiêm, thực tế đã đặt chàng vào thế khó đôi đường. Những người tỉnh táo lại không khỏi bật thốt một câu: Ông không phải thì thôi, cứ cắn chặt mẹ kế nhà người ta làm gì? Thành ra lòi đuôi.
Chu Lôi lúng túng, Hồng Khiêm cười bảo: “Vãn bối tự có tính toán, chỉ e không xứng với lòng yêu thương bảo vệ của tiền bối thôi.” Đổng Cách trái lại cảm thấy Hồng Khiêm nên cho Đoàn thị một bài học, nghiến răng bảo: “Mấy năm nay dỗ bọn ta như dỗ đám khờ ấy! Nếu không phải vì của hồi môn của em gái, bọn ta há lại nhịn để thị lộng hành…” Vu thị hắng giọng một tiếng.
Chu Lôi bèn thuật lại ý của hai nhà. Mắt Hồng Khiêm ươn ướt, Tú Anh cũng đã phải gạt lệ. Nhưng mọi người thực sự không rõ Hồng Khiêm muốn làm gì Đoàn thị, và sao lại liên lụy đến nhà họ Chu. Chuyện xảy ra sau đó, hai nhà mới nghĩ lại mới thấy sợ, bắt đầu nằm lòng câu “Người tốt sẽ được báo đáp, may mà lúc đầu không có ý xấu”.
Ba gia đình quây quần lại, hai vị thái phu nhân và lão an nhân đều đã cao tuổi, ngồi trò chuyện với nhau. Cụ Lâm tinh ý đến mức nào chứ? Bèn kể hồi còn ở Giang Châu Hồng Khiêm đã tốt bụng ra sao, hai người nghe đến là vui vẻ. Cụ Lâm nhủ thầm, mối hôn sự này khá tốt, nhà mình còn yếu, Kim Ca có người vợ như vậy, cũng vững vàng hơn —– Chỉ không biết tính cách thế nào? Lại nghĩ, cô bé ấy hãy còn nhỏ, vẫn có thể dạy được.
Lại không ngờ rằng, người được lợi từ chuyến viếng thăm đầu tiên của thân thích hai nhà không phải là Kim Ca, mà là Ngọc Tỷ. Mấy ngày sau, Hoàng thái hậu trong cung truyền lời cho Thân thị, bảo bà tiến cung, dắt theo Lục Tỷ, Thất Tỷ và Ngọc Tỷ. Xét ra thì Hoàng thái hậu là bác gái họ của Thân thị, muốn gặp mặt vợ tương lai của cháu họ mình cũng là chuyện hợp lẽ.
Hoàng thái hậu đang đầy một bụng giận dỗi, chiêu này là Hoàng hậu xúi. Không gọi Tú Anh vào cung là do nàng là ngoại mệnh phụ, vợ kẻ sĩ, Ngọc Tỷ cũng là con kẻ sĩ, không dưng lại gọi vào cung, cẩn thận tấu chương hạch tội chôn luôn cả cấm cung. Nhưng nếu lấy cớ Hoàng thái hậu muốn gặp cháu dâu, tuy hơi khập khiễng nhưng ai dám dèm pha? Hoàng thái hậu đã đi một nước rất hay. (Thịt: Thực ra tui muốn nói là, đã đi một nước ngu si gợi đòn)