Hôn nhân trên đời, luôn phải căn cứ theo lục lễ* mà làm, đầu tiên là nạp thái sau đó vấn danh, hai nhà trao đổi thiếp canh, so bát tự.
[*Gồm lễ nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp tế, thỉnh kỳ và thân nghinh.
Nạp thái: là một lễ đến nhà gái để ngỏ ý về việc đã chọn một người con gái gia đình ấy.
Vấn danh: theo đúng nghĩa chữ vấn danh, lễ này cốt để nhà trai hỏi rõ tên, tuổi người con gái và mẹ đẻ người ấy, để biết rõ hơn về thân thế cũng như sự giáo dục của người này.
Nạp cát: lễ này có nghĩa là nhà trai đã bói được quẻ tốt về hôn nhân giữa đôi trai gái.
Thỉnh kỳ: lễ này có mục đích xin nhà gái ấn định ngày làm lễ cưới dựa theo ngày tháng tốt xấu.
Nạp tế: đưa sính lễ tới nhà gái.
Thân nghinh: là lễ đón dâu về nhà trai.]
Bấy giờ Thân thị mới biết đại danh của Ngọc Tỷ là “Thành Huyền”, còn khen tên này khá có khí phách, so ra thì tên của Cửu Ca lúa hơn nhiều. Chuyện là cậu chàng Cửu Ca này vừa khéo thuộc lứa chữ lót là “Minh”, tám ông anh trên y, lúc mới sinh Đại Ca đã được đặt tên là Lệ Minh Càn, Nhị Ca bèn đặt luôn là Minh Khôn, tên mấy đứa sau cứ lần lượt được đặt theo thứ tự bát quái* như thế.
[*Theo thứ tự là Càn, Khôn, Khảm, Ly, Chấn, Cấn, Tốn, Đoài.]
Âu cũng là bất đắc dĩ, gia đình Ngô vương quá đông người, nếu đặt tên không theo thứ tự, một là lộn xộn khó nhớ, hai là sợ trùng tên. Bát quái đã bị tám ông anh dùng sạch, đến phiên Cửu Ca, đành phải gọi là “Minh Sinh”. Tình này cảnh này, Thân thị cũng chẳng tiện nói điều chi, ai bảo… Lệ Ngọc Đường mắn đẻ chứ? Còn hơn nhà huynh trưởng của Lệ Ngọc Đường, lúc ấy cảm thấy sinh năm trai hai gái là đẹp nhất, bèn đặt tên theo thứ tự ngũ thường*, nào ngờ sinh đến mười thằng con trai, nghĩ tên cho năm thằng sau nghĩ đến muốn toác đầu.
[*Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.]
Một việc không phiền đôi đàng, bèn dứt khoát cầm thiếp canh lên chùa Từ Độ xin phần an tâm, đương nhiên xin được quẻ đại cát, mọi việc thông thuận, là duyên trời định. Thế là bèn viết giấy đính hôn, trao lễ vật. Sau khi trao lễ vật xong, lại chọn ngày lành hoàn hôn, vì con cái cả hai nhà đều còn nhỏ, Cửu Ca lại còn anh chị chưa cưới gả, không cần quá gấp gáp.
Tên của người làm chứng, cũng phải viết vào hôn thư cùng tên cha và con cái hai bên, nắn nót nghiêm chỉnh, xong lễ phải đem đến nha môn đóng dấu. Cửu Ca là tông thất, ngoài chuyện này ra Lệ Ngọc Đường còn phải viết thư gửi vào kinh báo gia đình biết, để họ đến Tông Chính báo cáo, thành hôn xong sẽ thêm tên của Ngọc Tỷ vào ngọc điệp*. Chờ đến hạn mười năm biên soạn ngọc điệp một lần, lại chỉnh lần nữa, đóng vào quyển.
[*Là thư tịch ghi tên Hoàng đế cùng tông thất.]
Trước mắt không vội chuyện trong kinh, chỉ cần chuẩn bị xong giấy tờ ở đây là ổn. Cha mẹ hai bên và người làm chứng đều đến nhà họ Hồng, viết giấy đính hôn, đóng ấn, người khác còn phải đến nha môn, nhưng Lệ Ngọc Đường đã là phủ quân Giang Châu, chuyện này tiện hơn nhiều.
Cửu Ca cũng theo cha mẹ đến, len lén đưa mắt nhìn quanh, không thấy Ngọc Tỷ, lại bị Bát Ca chọt cho mấy cái. Ngọc Tỷ đang ở trong mành, chỉ chờ viết giấy đính hôn xong, Thân thị biếu quà đính hôn cho nhà họ Hồng, tự tay cài đôi trâm đầu phượng lên cho Ngọc Tỷ, mới gọi là xong lễ —– Không tiện để y gặp mặt.
Mọi người lần lượt viết tên, người làm chứng đáng thương, vốn nên dẫn đầu hai bên, giờ chỉ đành làm quần chúng. Người làm cha, con trai đính hôn, đương nhiên phải kiểm tra hôn thư, mở ra xem, Lệ Ngọc Đường chỉ thấy cả người như bị ngâm vào nước sôi, tới mức xương cũng muốn rục ra luôn rồi. Cầm tờ giấy mỏng ấy lên, rà kỹ lại lần nữa, thoắt cái đã nhảy vọt lên, đạp đổ cả ghế!
Tô Chính!
Hồi bé Lệ Ngọc Đường sống trong kinh, khi ấy Tô Trường Trinh chưa vào kinh, đến khi thầy vào kinh thì Ngô vương đã vì kế sinh nhai mà dắt cả gia đình đi nơi khác nhậm chức. Lệ Ngọc Đường lớn rồi cũng chỉ sống ngoài kinh, chưa từng diện kiến chân nhan của Tô Chính, thường lấy làm thất vọng vì mình không được đích thân gặp Tô Trường Trinh. Ông nhận ra được nét chữ của Tô tiên sinh, so xét kỹ càng, sao có thể không vừa hoảng vừa mừng vừa ngờ?
Trạng thái này, vừa khéo y như Cửu Ca con ông. Cửu Ca biết người trong lòng là nữ không phải nam, mẹ lại lập tức muốn gả nàng cho mình, khi ấy cũng có tâm trạng ấy —– Vui đến nỗi chẳng biết phải làm sao!
Lệ Ngọc Đường run lẩy bẩy, chỉ đưa mắt nhìn thầy Tô: “Tiên, tiên, tiên sinh chính là Tô Chính Tô Trường Trinh?”
Tề đồng tri cũng là người chưa từng gặp qua Tô tiên sinh trong kinh kia, nghe Lệ Ngọc Đường hỏi thế cũng hoảng: “Tô Chính này, chính là Tô Trường Trinh kia?” Lệ Ngọc Đường rút bút tích thực của họ Tô mà ông đã mua lại với giá cao ra, nâng niu như bảo bối: “Nhìn xem nhìn xem, còn có thể là giả được sao?” Dễ dàng đưa thứ này ra như vậy, vì ấy là buổi trao lễ của con út, thông gia Hồng Khiêm lại là người được lòng mình, ông mới nghiến răng đem thư họa trân tàng ra để Cửu Ca được nở mặt nở mày.
Chữ của Tề đồng tri đẹp hơn cấp trên, nhưng tài giám định và thưởng thức thư pháp lại không bằng Lệ Ngọc Đường, phụng mệnh sui gia cấp trên đến làm chứng, chính sự phải làm, nghe Lệ Ngọc Đường nhắc mới tra kỹ lại. Tra xong mới thở hắt ra vì kinh ngạc, mắt trợn trắng, suýt nữa đã ngất đi. Ông xuất thân tiến sĩ, trí thức có thể lọt vào mắt ông cực ít, đáng để sùng kính cực ít, Tô tiên sinh vừa khéo là một trong số ấy.
Tô Chính Tô Trường Trinh, rất nổi tiếng trong giới sĩ lâm, tài học thì khỏi bàn, nhân phẩm cũng đáng được kính trọng, trên dưới cả triều, đương nhiên không phải ai nấy đều thích thầy, nhưng dù có ghét thầy đến đâu, cũng không thể bảo rằng đức hạnh thầy không tốt. Xa xôi chẳng nói, gần thì có một ví dụ. Hồng Khiêm ghét Tô Trường Trinh như hạch, hận nỗi không bẻ gãy cổ thầy được, ghét đến độ miệng mồm luôn giễu thầy là Tô bán tiên, nhưng cũng phải công nhận lão Tô tiên sinh này chưa từng làm chuyện xấu, chưa từng nảy ý xấu. Trái lại, thầy hay giúp người khác, cương trực công chính, không sợ quyền quý, còn chân thành đối đãi, rõ ràng là một người tốt.
Một người như vậy còn là Đế sư, không ngại thế lực ngoại thích mà dốc lòng tận trung, một dạ giữ gìn dòng chính, rành rành là danh sĩ thiên hạ. Có thể cứng cổ thỉnh Quan gia tống Lỗ vương con kế hậu ra khỏi cung, có thể không dè chừng tâm trạng của Thái hậu và Hoàng hậu, cần tố cứ tố cần chửi cứ chửi, rành rành là một chính nhân quân tử. Chữ lại đẹp, dù cho có mai danh ẩn tích, dù cho bây giờ chỉ là dân thường, một bức chữ đẹp vẫn có thể bán với giá vài trăm lượng bạc.
Đích thực nổi danh thiên hạ. Chỉ tiếc là dù đắc tội ngoại thích Trần thị, lại chẳng ai vẽ chân dung truy nã thầy khắp chốn, mặt mũi thầy thế nào, người chưa từng gặp đương nhiên không biết.
Hai sui gia Lệ Ngọc Đường và Tề đồng tri, ông nhìn tôi tôi nhìn ông, vẫn chưa dám tin! Lệ Ngọc Đường bèn hỏi Hồng Khiêm: “Cậu, cậu, cậu sui, vị này có phải vị Tô tiên sinh ấy không?”
Hồng Khiêm nhàm chán đáp: “Nhà ta chỉ có một Tô tiên sinh này, chả biết Tô tiên sinh kia là ai.” Thầy Tô thấy lễ đính hôn của học trọ mình sắp biến thành lễ nhận thân, bèn rút ấn riêng giắt bên hông ra: “Nghiệm chính thân, có thể trao lễ chưa?”
(Thịt bắt buộc phải chen vô: Cha con nhà họ Lệ & Ông sui Tề: = O =! Cứu mạng! Cầm chữ của thầy nhà người ta tới biếu làm quà đính hôn gì gì kia, đúng là ngu tới bùng cháy!)
Tề đồng tri nói mà cứ lắp bắp, mắt nhìn đăm đắm, hỏi thầy Tô: “Đúng đúng đúng đúng, ngài chẳng phải là gia sư của nhà, nhà, nhà này, dạy, dạy, dạy tiểu nương tử quý phủ còn gì?”
Lệ Ngọc Đường nhũn chân ra, Tề đồng tri vội vã đỡ ông dậy.
Lệ Ngọc Đường quýnh quáng chà hai bàn tay vào áo mình đôi lần: “Trao trao trao! Nhất định phải trao!” Mấy chữ cuối cùng nghe như tiếng thét. Đoạn kéo con trai Cửu Ca sang, bảo y chào hỏi Tô tiên sinh. Hồng Khiêm suýt nữa đã tức đến mức bóp chết hai ông sui và lão thầy kia.
Cửu Ca đương nhiên biết tiếng Tô Trường Trinh, cung cách làm người của thầy Tô, có ai không khen một chữ tốt? Nghe đến ngơ ngẩn từ lâu, may mà không lộ ra mặt, lảo đảo mấy cái rồi trụ vững người, mặt mày tỉnh bơ nhìn sang Lệ Ngọc Đường, chỉ thấy cha mình gò má ửng hồng, người hiểu còn biết ông đã gặp được Tô tiên sinh, người không hiểu, chắc sẽ nghĩ ông… Khụ khụ! Đúng là hơi vô duyên!
Vội đỡ cha đứng vững, đầu tiên bước đến trước mặt Hồng Khiêm lạy một cái, Hồng Khiêm nhướng mày, cười khen: “Đứa trẻ ngoan.” Cửu Ca “Vâng” một tiếng, rồi mới xá dài Tô tiên sinh, tỏ ý kính thầy của vợ mình. Bên trong, Thân thị vỗ ngực, mặt đầy vui mừng, kéo tay Ngọc Tỷ, mừng rỡ không thôi. Lục Tỷ, Thất Tỷ cũng vui lây, Thất Tỷ nói: “Cửu Nương có thầy tốt như thế, lại không kể với bọn muội.”
Từ lúc gặp Cửu Ca, Ngọc Tỷ chẳng rõ trong lòng mình có cảm giác gì, nhưng hẳn là không ghét y. Hồng Khiêm và Tú Anh chọn Cửu Ca, vẻ ngoài của Cửu Ca, tuy Lệ Ngọc Đường không thích nhưng lại là kiểu mà cha mẹ vợ ưa. Tú Anh cũng từng lén hỏi Ngọc Tỷ: “Thế nào?”
Có thể hỏi câu này thì cha mẹ đã phải tân tiến lắm rồi, thực tế có rất nhiều người như Lục Ca, hãy còn chưa biết bạn đời của mình tròn méo thế nào, đã bị ép cưới. May mà Ngọc Tỷ không nhỏ mọn, nhớ khi ấy cướp thỏ, Cửu Ca cũng mau lẹ nhanh gọn, giờ gặp lại lại cao hơn một chút, hành vi cử chỉ cũng hợp lễ, còn nữa… Tai y màu đỏ.
Ngọc Tỷ cười ngay, khẽ nói: “Y giống cha.” Hồng Khiêm nghe thế suýt nữa đã giận nghiêng trời, Hồng Khiêm phong lưu lỗi lạc, có tướng công tử quyền quý, nào phải mặt chữ quốc, nào giống phán quan như Cửu Ca?! Con gái không thích con rể, chàng sẽ sốt ruột, còn mà khen người ta, chàng lại ghen ghét. Ngọc Tỷ chắp tay chữ thập, nói: “Thí chủ,trước tướng* rồi.” Đoạn cười, xách váy chạy ra ngoài.
[*Là một quan niệm trong Phật giáo, ý chỉ đánh giá vẻ ngoài, vẻ ảo mà xa rời cái tâm, cái thực.]
Vì kết duyên trước Phật, được quẻ đại cát, Ngọc Tỷ cũng tạm gọi là thoải mái, chẳng ngờ mình vừa ý chồng chưa cưới, lại bị chính thầy của mình làm phiền lòng!
Cái gọi là Đứng dưới chân đèn thì tối, chính là tình huống trước mắt đây, Ngọc Tỷ theo người thầy này cũng đã sắp mười năm, Tô tiên sinh còn thoải mái giới thiệu họ tên, thế mà nàng lại không biết thầy mình là nhân vật nổi tiếng như thế!
Chuyện này cũng khó trách, nàng không nhập sĩ, lại còn nhỏ, xung quanh chẳng ai kể cho thì sao nàng biết được? Chuyện Tô tiên sinh, nhà họ Trình giấu nhẹm, Hồng Khiêm thì lười bôi vàng dát bạc dùm thầy, ai mà nghĩ tới chuyện mách vanh vách trước mặt nàng? Thế là nàng không rõ đầu đuôi. Thầy nhà mình, sắp sẵn họ tên ngay trước mặt, nàng lại chẳng hay biết gì, Ngọc Tỷ thực sự cảm thấy khó chịu.
Thất Tỷ nói thế, Ngọc Tỷ còn có thể đáp gì được nữa, đành phải cúi đầu, dù sao hôm nay là ngày đính hôn của nàng, ngượng ngùng một chút cũng là chuyện nên xảy ra. Trong lòng đã quyết cúp luôn phần chân gà ba ngày liên tiếp của thầy Tô!
Ngoài kia, vì được thầy Tô nhắc nhở mà rốt cũng đã cử hành xong lễ. Bên trong, Thân thị cũng đã cài đôi trâm đầu phượng lên mái đầu Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ vẫn chưa cập kê, cũng búi tóc lên để cài trâm. Phong tục thời này, nghi thức cũ đã mai một rất nhiều, rất nhiều gia đình đã không tổ chức lễ cài trâm, lễ đội nón*. Trai gái thời này, khối người mười hai mười ba tuổi đã thành thân, cưới gả rồi còn quan tâm đến lễ cài trâm đội nón làm gì? Vài gia đình tổ chức lễ này, người ta còn liếc xéo cho. Nhà Trời hãy còn giữ tục, nhưng chỉ tổ chức trong nội bộ gia đình giữa cung cấm, mà cũng chẳng kỹ lưỡng gì cho lắm. Ví như lễ đội nón, nếu có biến, thì chưa đến hai mươi cũng đã phải cố ép nón vào đầu rồi.
[*Lễ trưởng thành dành cho gái và trai.]
Bên ngoài, Hồng Khiêm kĩ tính, thỉnh đám người Lệ Ngọc Đường và Tề đồng tri tạm thời giữ bí mật chuyện hành tung của Tô tiên sinh, mọi người cân nhắc, tuy không biết tại sao thầy Tô lại đến được Giang Châu, nhưng ngọn nguồn trước đó thì rõ, đúng là không nên gióng trống khua chiêng. Lập tức răn đe con cái nhà mình, không được rêu rao ầm ĩ. Nữ quyến bên trong cũng biết nặng nhẹ, đều ngậm miệng không nói. Thất Tỷ thầm nhủ, chả trách Cửu Nương chẳng thốt lời nào.
Xong lễ, trong ngoài bày tiệc, mời láng giềng, thân thích đến ăn cỗ. Các láng giềng vốn cũng có chút ít gia sản, cũng muốn làm dáng làm vẻ, nhưng gặp gia đình Lệ Ngọc Đường đông người, tôi tớ theo hầu vây kín, Thân thị lại muốn thể hiện mình coi trọng cô cậu sui, giục Lệ Ngọc Đường bày nghi trượng, thế là chen không lọt. Chờ lễ hoàn mới dẹp hết mấy thứ rườm rà kia đi, mời khách vào dự tiệc. Lệ Ngọc Đường để ý mới thấy chòm xóm chẳng ai biết thân phận Tô tiên sinh. Thế cũng đúng, ai nấy trong nhà đều gọi thầy là thầy Tô, mọi người đều biết thầy là thầy Tô, từ bấy chưa từng nghĩ đến chuyện thầy tên Tô Chính, tự Trường Trinh.
Trong số khách thì vợ chồng Kỷ chủ bộ là hoan hỉ nhất, vì chơi thân với nhà họ Hồng, thầy Tô cũng bảo vợ chồng ông lương thiện trước mặt phủ quân để cấp trên nhớ tới, lại khen nhân phẩm Kỷ chủ bộ cực tốt, nên nhận nhiều trọng trách hơn, yêu thương răn đe dân chúng. Kỷ chủ bộ có thể tiến thêm một bước, thăng chức huyện lệnh, vì ông không có hậu thuẫn nên trở thành chủ quan đã là đỉnh cao trong sự nghiệp, có thể đạt được thành tựu này, mừng rỡ lắm thay.
Lệ Ngọc Đường rề rà mãi chẳng muốn đi, láng giềng ai nấy về cả, mình lại không chịu rời mông khỏi ghế. Cửu Ca và ông cha con một lòng, nhưng vẫn hơi ngượng. Hiếm khi lại muốn níu kéo cái ghế đôi chút.
Lệ Ngọc Đường không kìm nổi hỏi Tô tiên sinh: “Láng giềng ngõ này chỉ gọi ngài là Tô tiên sinh, ngài ở lại đây, là dùng tên thật chăng? Nếu vậy, hẳn sẽ hơi phiền phức.” Cửu Ca chịu thua, thầm bảo gia đình người ta đã sớm biết thân phận Tô tiên sinh, còn chờ đến lượt cha phát hiện chắc?
Thầy Tô ấy thế mà đáp: “Đi không đổi tên, ngồi không thay họ. Ta lại chẳng phải họ Tô tên Tiên Sinh, họ tên thật của ta cũng chẳng phải xấu xa đến mức không dám gặp ai.”
Hồng Khiêm thầm khinh bỉ thầy.
Lệ Ngọc Đường lại khen Tô tiên sinh là quân tử đứng đắn, đoạn xin thầy: “Nếu ngài rỗi rãi, xin viếng thăm hàn xá. Con trai nhà tôi vẫn đang theo nghiệp học, nếu ngài không chê, tôi sẽ lệnh nó đích thân đến cửa cầu học, chỉ ngại quấy quả sự thanh vắng của tiên sinh.”
Cửu Ca nghe vậy, cuối cùng cũng chịu đứng dậy khỏi ghế, nhanh hơn con thỏ béo bị y bắn hạ ngày hôm ấy nhiều, đến trước mặt thầy Tô vái dài một cái, lại đưa mắt sang nhìn Hồng Khiêm. Hồng Khiêm thấy y mím chặt môi, ánh mắt đáng thương thì lấy làm buồn cười lắm, bèn gật đầu, cho phép đến nhà.
Tô tiên sinh soi kỹ Cửu Ca, thấy y tướng mạo đường đường, trông đoan chính hơn ngữ Hồng Khiêm, lại cương nghị hơn bọn Thịnh Khải, càng nhìn càng có vẻ hiền lành đáng tin thì ra chiều yêu thích, cũng muốn xem xem chồng chưa cưới của Ngọc Tỷ là người thế nào. Bèn gật đầu đồng ý, đoạn hẹn ngày: “Công tử nhà phủ quân lại ngày ngày tất tả thì không hay, mà quý phủ cũng có gia sư, ta làm sao có thể quấy quả bài giảng người khác? Nếu rỗi rãi, thì cứ dăm ba ngày lại đến.”
Cha con họ Lệ đều vui mừng.
Bên trong, Thân thị cũng mời Ngọc Tỷ năng đến nhà mình hơn. Ngọc Tỷ lại lén trò chuyện với Lục Tỷ, Thất Tỷ, hỏi kỹ số đo của Thân thị, Lệ Ngọc Đường, để tiện đóng giày may tất cho hai người. Lục Tỷ cười trộm, nói: “Hai ngày nữa, ta sai người đưa tới cho muội.”
•••••
Lại nói, hai nhà Lệ, Hồng đính hôn, tuy chưa tổ chức hôn lễ ngay nhưng ngoài mặt đã thành thông gia rồi. Từ đó, không chỉ trong ngõ Hậu Đức mà cả thành Giang Châu đều kính Hồng gia hơn vài phần, cả Trình gia khi được nhắc đến cũng kèm theo tiếng tán tụng. Đều khen cụ Trình nhà này có đôi mắt huệ, thu nhận Hồng Khiêm, chấn hưng họ Trình.
Bên kia, thầy Tô đi quanh thư phòng, đã hai ngày rồi thầy không được xơi chân gà! Lại ngại không muốn nhắc, quân tử dù sao cũng không nên háu ăn, nhưng trong lòng thực sự khó chịu, thầy mà khó chịu thì sẽ muốn bới móc Hồng Khiêm, Hồng Khiêm bị châm chích thì càng không để lộ rằng, thầy ấy là đã đắc tội Ngọc Tỷ.
Chỗ châu phủ thì vui mừng lắm thay, Lục Tỷ về nhà cố ý bảo muốn lấy số đo của Thân thị, Thân thị nói: “Số đo của ta mà con lại còn không biết?” Lục Tỷ đáp: “Con biết, nhưng có người không biết mà.” Đoạn kể chuyện Ngọc Tỷ muốn xin số đo. Thân thị cười bảo: “Con bé đúng là người có lòng.” Lục Tỷ ghé tai nói: “Cả số đo của cha nữa ạ, nhanh chậm gì thì trước Tết cũng xong. Con muốn lén đưa cả số đo của Cửu Ca nữa, muội ấy thấy, hẳn sẽ đoán ra được…”
Thân thị liếc cô một cái, cân nhắc hồi lâu, nói: “Cũng đã đính hôn, khỏi phải ngại rồi, con đừng giở trò làm gì. Cứ nói là của Cửu Ca, mà khoan đã, cứ cộng thêm tấc, tấc rưỡi vào số đo của nó, Cửu Ca đã tới tuổi lớn rồi.”
Lục Tỷ vâng lời, Thân thị nói: “Cửu Ca là em trai con, đính hôn cho nó trước không phải là ta không thương con, con và Thất Tỷ đều là máu thịt của ta, nào có chuyện không thương chứ? Ta đã bảo cha các con báo vào kinh rồi, chuyện của hai đứa, ta và cha mấy đứa sẽ làm chủ. Thịnh tiểu tú tài kia tuy tính tình không tệ, nhưng con cũng gặp mẹ và em gái cậu ta rồi đó, chuyện này chỉ là không có duyên.” Lục Tỷ ngượng ngùng thưa: “Con hiểu mà, mẹ, con đi lấy số đo Cửu Ca đây, có lẽ còn được dịp ngắm nó đổi màu nữa đó.” Thân thị bị cô chọc cười, vỗ lưng cô một cái: “Lại láu cá rồi.”
Lục Tỷ đến phòng Cửu Ca, Cửu Ca đang ngồi nghiêm ngắn trước bàn, trước mặt bày một tờ giấy, mắt đang dán chặt vào tờ giấy đó. Lục Tỷ bước vào, Cửu Ca vươn tay ra, ung dung gấp đôi, rồi gấp tư tờ giấy ngay trước mặt cô. Lục Tỷ chun mũi, nói lý do mình đến. Cửu Ca bảo: “Lục tỷ vốn biết số đo của ta mà.”
Chàng Cửu Ca này vì nhầm thiếu nữ thành thiếu nam, tự làm khó bản thân hơn nửa năm trời, thế là sau này gặp chuyện gì đều sẽ hỏi thêm đôi câu “Rốt cuộc là sao?” Nếu có người bảo ai đó tốt, y sẽ hỏi tốt ra làm sao, nói ở đâu đó trổ quả bí đao cực lớn, y cũng sẽ hỏi rốt cuộc lớn tới mức nào.
Lục Tỷ đáp: “Ta biết nhưng người khác thì không, mau đưa chân ra đây, chuyện tốt đến rồi.” Cửu Ca rục rịch lỗ tai, nhìn Lục Tỷ chằm chằm. Lục Tỷ vỗ ngực: “Trừng ta làm gì?” Cửu Ca nói: “Nàng ấy làm cho cha mẹ đã tốn rất nhiều công sức rồi, chỗ ta…”
Lục Tỷ kinh ngạc hỏi: “Nàng ấy? Nàng ấy nào?” Lại thấy Cửu Ca nhìn mình đầy ý vị, bèn hừ một tiếng: “Ta cóc thèm nhìn cái chân thối nhà đệ!” Xoay đầu đi mất. Cửu Ca lại lôi tờ giấy kia ra, vuốt phẳng ngắm tiếp, Lục Tỷ có số đo của y mà.
Ngày hôm sau, Cửu Ca được cha gọi sang. Lệ Ngọc Đường đem bức tranh chữ của Tô Trường Trinh đi làm quà đính hôn, khi ấy đau như cắt da lóc thịt, giờ thì hết đau rồi, trông thấy Cửu Ca cũng mày vui mắt cười, hỏi: “Khi nào con sang nhà nhạc phụ?” Cửu Ca đáp: “Vài ngày nữa.” Dứt lời khép ngay miệng lại, Lệ Ngọc Đường săm trái soi phải, chợt thấy mất hứng.
Cửu Ca chắp tay, lui ra ngoài.
Về đến phòng bèn sai Thư Đồng cầm một mạch tiền ra phố mua bông vụ. Thư Đồng suýt nữa đã rớt cằm xuống đất: “Cửu, Cửu Ca, mua bông vụ làm gì ạ?”
Cửu Ca chẳng thèm đáp lời nào, chỉ đưa mắt nhìn Thư Đồng một lúc, Thư Đồng cầm tiền chạy đi như ma đuổi, chẳng bao lâu sau đã ôm bảy, tám con bông vụ về. Cửu Ca nhón từng con lên xem xét kỹ càng, chọn ra ba con bỏ vào một cái hộp, thưởng số còn lại cho Thư Đồng. Thư Đồng thưa: “Em lớn rồi, không chơi cái này nữa.” Cửu Ca ra vẻ không nghe: “Cậu lui xuống đi.”
Thư Đồng mặt như đưa đám, ôm đống bông vụ ra ngoài. Cửu Ca nhìn trái ngó phải thấy không có ai, đóng cửa lại, lấy một con bông vụ ra, quấn tuốt rồi đánh xuống đất, bông vụ lao như bay luôn! Tiếng vù vù vang lên, Thư Đồng ngoài cửa cất tiếng gọi: “Cửu Ca.”
Cửu Ca nhíu mày, cứng nhắc bảo: “Không được nói chuyện!” Lại nhặt bông vụ lên quấn tuốt, tay ước chừng sức, để cổ tay hơi nghiêng, dần dà cũng nắm được cách chơi, đánh từng con từng con.
Thư Đồng bên ngoài nghe mà lòng dạ run rẩy, cậu đã lờ mờ đoán được Cửu Ca đang làm gì, song không hiểu sao Cửu Ca lại như vậy, thế là bắt đầu sợ hãi. Khó khăn lắm bên trong mới không còn tiếng động, Cửu Ca kéo cửa ra, lại trở về vẻ thường ngày. Hôm sau, trong thư phòng thỉnh thoảng lại vang lên tiếng động rồi lại ngừng. Đến ngày thứ ba, Cửu Ca thưa với cha mẹ: “Đến thăm Tô tiên sinh.”
Lệ Ngọc Đường vui lắm: “Nên đi, phải vấn an cả nhạc phụ nhạc mẫu nữa.”
Lần đầu đến nhà sau lễ đính hôn, Thân thị chuẩn bị quà hộ Cửu Ca, dặn: “Sau này quen rồi thì tốt, con cũng đừng đến quá thường xuyên, đồn ra thì không hay.” Cửu Ca gật đầu, đánh mắt sang, vài cậu sai vặt cầm quà, cùng đến ngõ Hậu Đức.
Bên kia, Hồng Khiêm trở thành cậu sui của phủ quân, số người đến viếng nhà bỗng tăng mạnh, Hồng Khiêm rất phiền lòng, hôm sau đã lấy cớ phải đóng cửa đọc sách đặng năm sau vào kinh đi thi, trước cổng mới yên ả được một chút. Cửu Ca đến nhà, vừa khéo lúc thanh tịnh. Đến chào hỏi Hồng Khiêm trước, dâng quà mà Thân thị chuẩn bị lên. Hồng Khiêm hỏi: “Sao phải khách khí thế này?” Cửu Ca thưa: “Nên thế ạ.” Lại hàn huyên khách sáo vài lời, đoạn bảo: “Con, con sẽ luôn đối tốt với Ngọc Tỷ.” Hồng Khiêm thấy y như thế, cũng mừng trộm trong lòng, gật đầu cái nữa.
Cửu Ca lại ngồi chơi chỗ Hồng Khiêm một chập, cặp cha vợ con rể này, cha ngồi im thì con bất động, ngớ ngẩn hai khắc. Đến tận khi Tú Anh sai Tiểu Hỉ đến thưa: “Giữ Cửu Ca lại dùng bữa.” mới thôi.
Cửu Ca đồng ý, đoạn nói: “Gia phụ ngưỡng mộ Tô tiên sinh, tiểu tế bạo gan xin gặp một lần.” Hồng Khiêm phải ngồi không với y cũng bực mình, hờn dỗi bảo: “Đi đi, sai người về nhà báo một tiếng.” Cửu Ca đáp: “Vâng.” Hồng Khiêm thầm ân hận, cái thằng khờ này, có khi nào ngộp chết Ngọc Tỷ của mình không? Lại vuốt tay áo, bảo Lai An dẫn Cửu Ca đến gặp thầy Tô, mình thì sang chỗ Ngọc Tỷ.
Bên này, Hồng Khiêm bảo Ngọc Tỷ: “Thằng nhóc kia là hồ lô hàn miệng, con tính thế nào đây, để cha ‘dọn dẹp’ nó nhé?” Ngọc Tỷ chỉ cười: “Chẳng nhẽ lúc mới đầu cha lại nhiều chuyện à?” Hồng Khiêm hờn dỗi: “Con gái đúng là bát nước hắt đi mà!” Ngọc Tỷ chỉ nghiêng đầu nhìn chàng, cũng chẳng cáu, trái lại khiến Hồng Khiêm phải trề môi: “Cha tới chỗ Tô Trường Trinh nghe ổng lại dè bĩu thêm những gì đây!”
Ngọc Tỷ bảo Đóa Nhi: “Em cũng lén đi theo, xem xem chuyện rốt cuộc là thế nào.” Đóa Nhi đi đoạn về, cười bẩm: “Tiểu thư không biết đấy thôi, vị kia đang chơi với Kim Ca nhà mình ạ.” Tiểu Trà cười bảo: “Thế mới hay, từ bấy muốn nịnh vợ thì phải lấy lòng cha mẹ vợ với em vợ trước, ai cũng kêu vị ấy không thích nói cười, em còn sợ ngài ấy quá khờ, hóa ra lại lanh ngầm. Có lẽ vì còn trẻ, chiêu trò trước mặt mẹ vợ thì chi bằng ra tay chỗ cậu em, mẹ vợ chỉ có một đứa con trai, đối xử tốt với Kim Ca, cũng như đã lấy được lòng mẹ vợ rồi.”
Ngọc Tỷ rầy: “Tiểu Trà tỷ hôm nay nhiều chuyện thật ý.” Nói xong đứng dậy: “Mà không biết cha với thầy đọ võ mồm xong chưa.” Tiểu Trà và Đóa Nhi nhìn nhau cười trộm, lại giả vờ nghiêm túc, đi theo Ngọc Tỷ. Vừa ra cổng sân, Đóa Nhi bước nhanh lên trước, ấy lại đưa Ngọc Tỷ đến chỗ Kim Ca.
Bên ấy, Cửu Ca đang dạy Kim Ca đánh bông vụ. Hôm nọ trông thấy Kim Ca, y yêu ai yêu cả đường đi, rất thích cậu em vợ này. Cửu Ca biết rõ mình không quá hiểu phụ nữ, đến cả nương tử trong lòng còn chưa hiểu gì, làm sao có thể lấy lòng được nhạc mẫu? Chi bằng ra tay với tiểu cữu tử, lúc nhỏ y thỉnh thoảng bắt gặp nhũ mẫu chơi với trẻ con, trong lòng cũng thích, lén chơi cùng một hôm lại bị Lệ Ngọc Đường cấm tịt. Giờ nhớ lại, hình như lúc ấy đánh bông vụ thì phải.
Kim Ca cũng chẳng thân thiết gì với vị tỷ phu này lắm, đương nhiên là do bản mặt của Cửu Ca thực sự quá đè ép người. Nhưng bông vụ lại thú vị, chơi một lúc, ông anh rể mặt lạnh lại vén vạt áo dưới lên nhét vào đai lưng, chơi với y, nhóc cũng thấy vui, bèn cùng Cửu Ca đánh bông vụ.
Mợ Hồ thấy thì trong lòng cười mãi: Kim Ca bình thường cũng ít nói, hai cu cậu ấy vậy mà giống anh em thật. Đưa mắt lên nhìn, lại thấy Ngọc Tỷ đang đứng bên cạnh, Cửu Ca như cảm nhận được, cũng trông sang, thấy Ngọc Tỷ đứng đấy. Tay vẫn cầm cây tuốt bằng gai mềm, vạt áo nhét eo. Thư Đồng đứng hầu bên cạnh, phiền muộn hộ y, tình cảnh này, cầm lên không phải, đặt xuống lại sai, làm sao mới ổn đây?
Thấy Tiểu Trà và Đóa Nhi cũng ở đấy, mợ Hồ bèn bước tới bảo Kim Ca: “Công tử đi rửa tay với tôi nào, sắp đến giờ cơm rồi.” Rồi dắt nhóc đi. Trước khi đi Kim Ca còn liếc Cửu Ca một cái: “Lần tới chúng ta lại cùng chơi.” Cửu Ca cúi đầu bảo: “Lần tới đệ làm xong bài đưa ta xem, lại mang thứ khác tới cho đệ.” Kim Ca ngửa cổ, khinh khỉnh nhìn y: “Thành giao.” Theo mợ Hồ đi, song lúc ngang qua Tiểu Trà lại bảo: “Không được rời tỷ ta.” Tiểu Trà cười run cả vai, vội gật đầu.
Chỉ thấy Cửu Ca và Ngọc Tỷ cách nhau chẳng mấy bước, bên này Ngọc Tỷ không tiện bước đến, bèn đưa khăn lên che nửa mặt, để lộ đôi mắt cười cong cong. Bên kia Cửu Ca vân vê sợi tuốt trong tay, vì cố nén cảm xúc mà mặt mày lại càng nghiêm trang hơn, chợt thong dong buông tuốt, sửa sang áo xống, dường như kẻ vừa đánh bông vụ với Kim Ca khi nãy không phải là y.
Ngọc Tỷ ngạc nhiên, bỗng bật cười.
Thư Đồng thấy thế, chừng sắp bật khóc, lên tiếng gần như nức nở: “Cửu Ca, cười một cái, cười một cái.” Ấy là Cửu Nương, không phải phủ quân đâu ạ!
Cửu Ca cũng muốn cười, nhưng chẳng biết sao lại sợ nụ cười của mình quá ngu sẽ khiến Ngọc Tỷ chán ghét, càng cố kìm lại, cuối cùng không nén nổi nữa mới gắng nở một nụ cười. Ngọc Tỷ lại ngoảnh mặt đi mất. Thấy gót sen giai nhân dần khuất, Cửu Ca buồn bã như đánh mất điều gì. Chợt nghe tiếng bước chân, Ngọc Tỷ lại quay về: “Tô tiên sinh thích chân gà, cấm thực cũng đã ba ngày, mai chàng mang đến biếu thầy đi.”
•••••
Tuy Cửu Ca được giữ lại dùng cơm, nhưng ăn là ăn cùng Hồng Khiêm và thầy Tô, không gặp Ngọc Tỷ nữa. Hồng Khiêm lẳng lặng quan sát, Cửu Ca quả đúng là tuân quy củ “ăn không nói”, không khỏi nhủ thầm thằng nhóc này đúng là giỏi giả khờ, vừa đánh bông vụ lấy lòng Kim Ca, giờ lại ra vẻ trước mặt thầy Tô. Xong bữa, Cửu Ca cáo từ quay về, vì Kim Ca còn nhỏ nên Hồng Khiêm đành phải tự ra tiễn y.
Hai mẹ con Ngọc Tỷ và Tú Anh chưa gặp Cửu Ca được bao lần, đều lén ra xem, Ngọc Tỷ trông thấy Tú Anh thì nhăn mặt ngoảnh bước. Hồng Khiêm chợt thấy sai sai, song thấy Cửu Ca vẫn đứng im, hai chân chẳng mảy may nhúc nhích, đầu cũng chẳng ngoái lại, nhưng tai lại nghiêng theo hướng bước chân của Ngọc Tỷ. Rũ rượi trông như vỏ chuối bị tay ai lột ném xuống đất. Không khỏi cười to: “Tô tiên sinh thích ăn chân gà, ngày mai con mang tới biếu thầy đi.”
Cửu Ca nghe hai cha con dặn như nhau thì vững dạ, hôm sau chẳng những đem chân gà mà còn xách một vò rượu ngon đến. Lại thưa với Hồng Khiêm: “Tiểu tế thấy Kim Ca đã sắp lên năm nhưng lại chưa học vỡ lòng, chẳng hay…” Bây giờ, thực sự không tiện phiền thầy Tô nữa. Hồng Khiêm đáp: “Con có lòng rồi. Ta sẽ dạy vỡ lòng cho nó trước, thằng bé còn nhỏ, chưa cần nặng nề. Xuân năm sau lại dạy nó làm toán.”
Cửu Ca bèn không hỏi nhiều nữa. Trong lúc trò chuyện cũng không gặp Ngọc Tỷ, không khỏi hơi thất vọng, bụng bảo dạ chẳng có nhẽ hôm qua cười sai mất rồi? Thì ra hôm qua y về đến nhà, Thư Đồng tâu lại tất tần tật những gì y đã làm, đế thêm: “Cửu Ca cười rất… đáng sợ ạ.” Thân thị nghe đoạn vừa tức vừa buồn cười: “May mà ta ra tay nhanh, tóm chặt Ngọc Tỷ, không thì cái kiểu cười kia của con chắc chắn sẽ dọa người ta chạy mất!”
Cáo từ Hồng Khiêm về nhà, Cửu Ca bèn soi gương, ráng nhếch mép lên cười. Lại chẳng hay lúc mình ngắm tờ giấy trắng nọ, nụ cười ấy dịu dàng lắm thay.