Thân thị và Lệ Ngọc Đường nên nghĩa vợ chồng đã bao năm, hiểu rõ tính cách của Lệ Ngọc Đường, mềm mỏng vỗ về đứa con trai duy nhất: “Tính tình cha con từ bấy đã thế, con cũng chẳng phải không rõ, nhìn mấy đứa anh của con xem, đứa nào mà chả bị cha quở? Ông ấy đã có thể gọi là tốt với Lục Ca rồi đấy, mà thường ngày vẫn chê đông mắng tây. Mấy đứa là con ông ấy, cha mình dạy bảo thì phải nghe.”
Cửu Ca biết thế, nhưng Lệ Ngọc Đường là cha ruột, làm con ông ấy lại không được khen ngợi, thể nào cũng sẽ cảm thấy khó chịu. Cửu Ca buồn bực đáp: “Con biết.” Thân thị thở dài: “Làm khó con trai ta rồi. Con phải nhớ, dù cha mẹ có đối xử thế nào với con, thì đấy vẫn là cha mẹ! Dẫu cha mẹ có sơ suất điều chi, ấy cũng không phải là cố ý làm khó các con. Chỉ cần không can hệ đến luân thường, đều phải nghe lời cho ta!”
Lục Ca, Cửu Ca cung kính ghi nhớ, lời dạy dỗ của mẹ còn đáng tin hơn mấy câu quở trách của cha. Thân thị rầy các con xong lại nghĩ đến chồng mình, đầu không khỏi lên cơn đau nhức, mà thôi, dù gì ông ấy hãy còn biết lý lẽ, chỉ có mỗi một tật xấu kia. Đích trưởng tử Đại Ca tướng mạo gần giống Cửu Ca, Thân thị đã bỏ biết bao tâm sức nhưng Lệ Ngọc Đường vẫn đối xử không mặn không nhạt với Đại Ca, thể diện đích trưởng nên có đều có cả, cũng quan tâm dạy dỗ, nhưng nếu bảo thân thiết, thì lại không đến mức đó. Ông ấy đã quen như thế, Thân thị cũng chẳng tranh luận nữa, ông ấy không dạy, nàng dạy! Đàn bà con gái khó tránh khỏi hơi thiếu sót chuyện đối ngoại, Thân thị lại không thấy có vấn đề gì, Á Thánh* còn chẳng có cha kia kìa!
[*Mạnh Tử.]
Cho hai đứa Lục Ca Cửu Ca về, Thân thị bèn xếp chuyện của Ngũ Tỷ lên đầu, Ngũ Tỷ dù sao cũng là con gái, người trong kinh kia khó tránh chẳng xem trọng con bé, Ngũ Ca là con trai, vương phủ dẫu có tùy tiện cũng sẽ không bắt nó lấy một người vợ không ra gì. Nghĩ đến Thân thị lại rầu rĩ, chuyện cưới gả đào đâu ra nhiều ứng cử viên tốt để mình chọn như thế? Đối tượng mà Thân thị ưng chỉ có hai, một là cháu trai Lý thị lang, đã hứa hôn cho Tứ Tỷ, người còn lại là Thịnh Khải, tiểu tú tài này nàng lại muốn để dành cho Lục Tỷ. Nhưng cha mẹ người ta vẫn đang chịu tang, nếu tới cửa bàn chuyện cưới gả con cái, thì quá vô duyên rồi. Nếu không chọn Thịnh Khải, bảo tìm người khác, đúng là muôn vàn khó khăn.
Thân thị cân nhắc tới cân nhắc lui mấy cậu chàng tốt ở khắp cái Giang Châu này, không quyết định được, gần như đã hướng tầm mắt đến nhà mẹ đẻ, nàng có một đứa cháu trai tầm tuổi Ngũ Tỷ, cũng có thể xem là giàu có. Nhà họ Thân thực sự là hào phú, không phải lái buôn mà là hương thân —– Chỉ tiếc không có công danh, chẳng biết Lệ Ngọc Đường chịu không. Nếu đồng ý, cuộc sống về sau của Ngũ Tỷ sẽ khá giả sung túc, nhưng chồng lại thua anh em cột chèo có công danh, cuối cùng lại thành ra không hoàn hảo.
Bên này Thân thị đang rầu rĩ, bên kia Lệ Ngọc Đường càng nghĩ càng vừa lòng Thịnh Khải, chẳng mấy ngày sau đã về bảo với Thân thị: “Ta thấy Thịnh Khải ổn lắm, lần trước mình còn phiền chuyện cưới gả con mình nhỉ? Tứ Tỷ đã có nơi có chốn, chi bằng hứa gả Ngũ Tỷ cho cậu ta?”
Thân thị nghe mà ngẩn ra, kìm cơn giận, hỏi Lệ Ngọc Đường: “Mình bàn với nhà họ rồi?”
Lệ Ngọc Đường đáp: “Chưa, ta không tiện lắm.” Trước giờ chuyện dựng vợ gả chồng toàn do một tay Thân thị xử lý, chu toàn mọi thứ. Lệ Ngọc Đường ngó thì thấy, lúc Thân thị mối mai luôn phải mời người làm chứng, lấy thiếp canh, lại phải chuẩn bị xong lễ hỏi mới có thể hành sự. Lệ Ngọc Đường từ bấy luôn quên trước quên sau mấy chuyện ấy, lại xem trọng Thịnh Khải, không muốn qua loa, bảo là bàn bạc với Thân Thị, thực ra là muốn giám sát nàng làm việc.
Thân thị mới an tâm bảo: “Tiểu tú tài ấy mới mãn tang ông nội, trước giờ hôn nhân là lệnh cha mẹ, cha mẹ cậu ấy còn đang chịu tang, sao chúng ta có thể tới nhà bàn chuyện cưới gả được?” Lệ Ngọc Đường đỏ mặt: “Ta thực sự rất thích Thịnh tiểu tú tài, không mồi về làm rể được thì tiếc lắm. Cậu ấy còn nhỏ mà đã thông minh, phong độ nhẹ nhàng, lại khá có tương lai…” Thân thị nói: “Nếu mình thực sự luyến tiếc, thì hai năm sau, cha mẹ cậu ta mãn tang, ta phái người đề thân cho Lục Tỷ ngay, được không? Trước mắt thì không ổn, Ngũ Tỷ lại không lần khân được, cứ nghĩ đến người trong kinh là ta lại giật thót mình.”
Lệ Ngọc Đường bảo: “Thôi cũng đành vậy. Còn hôn sự của Ngũ Tỷ, mình tính sao?”
Thân thị đáp: “Ta vẫn đang nghĩ, những đối tượng tốt trên đời đều đã có nơi có chốn cả, đâu ra chuyện dễ tìm như vậy? Chỗ mình thì sao? Có thiếu niên nào có tinh thần cầu tiến không?”
Lệ Ngọc Đường nói: “Để quan sát thêm vậy, mấy ngày sau ta đến phủ học, huyện học xem thử.”
Thân thị dặn đi dặn lại: “Đừng nhanh mồm nhanh miệng thoáng cái đã để lộ cho người ta biết, khiến con gái nhà mình trông như chẳng ai thèm.” Thực ra thì tông nữ khó gả thật.
Lệ Ngọc Đường đồng ý, thỉnh thoảng lại đi rà soát quan học, ai ngờ thu hút phải loạn thần, khiến mấy nhà giận dữ chửi mắng, chuyện này kể sau.
•••••
Lúc Thân thị và Lệ Ngọc Đường bàn về Thịnh tiểu tú tài, thực sự không ngờ rằng, những gia đình có con gái ở thành Giang Châu, quá nửa sẽ nhắm những nhân vật kiểu Thịnh Khải làm mục tiêu. Tú Anh tất nhiên là một trong số đó.
Vì khi về thành, Thịnh Khải đã cầm thư tay đến viếng nhà họ Hồng, Tú Anh vừa khéo mượn cơ hội thu vén vài món quà biếu, sai Hồng Khiêm đến thăm hỏi đôi điều. Vì hai nhà qua lại với nhau cũng bắt nguồn từ vụ Tố Tỷ, những thức mà Tú Anh chuẩn bị khá hậu, Hồng Khiêm thấy cũng chẳng bảo không thỏa. Trong mắt Hồng Khiêm, Thịnh Khải thiếu niên đắc chí nhưng con người lại khiêm tốn hòa nhã, tuy hơi yếu đuối nhưng cũng chẳng có chỗ nào đáng chê trách. Tục ngữ nói “Chớ ức thiếu niên nghèo“, huống chi Thịnh Khải cũng chẳng thể gọi là nghèo, giao hảo với những nhân vật kiểu này trước khi họ lên đời, thực ra không phải là chuyện gì xấu.
Hồng Khiêm sai Lai An xách mấy hộp quà, Bổng Nghiên dắt ngựa, chủ tớ ba người đến nhà họ Thịnh ở phố Đông. Khỏi cần hỏi thăm, Thịnh gia cũng có chút danh tiếng ở phố này. Trước đó đã đưa thiệp, hôm nay đến, Thịnh Khải đang ở trong nhà đợi. Cậu biết phủ quân vừa ý mình nhưng không biết nương tử phủ quân cũng thế, chỉ biết phủ quân sai người biếu nhà mình bốn cuộn lụa trắng và văn phòng tứ bảo thôi. Em trai Thịnh Nhị Lang đang quấn lấy cậu mà đòi, Thịnh Khải bảo: “Hôm nay còn có khách đến, đệ đừng ầm ĩ. Ta về rồi nói.”
Thịnh Nhị Lang và Thịnh Đại Tỷ là một cặp long phượng thai cùng mẹ với cậu, vì khéo sinh mà được mẹ là Phan thị cưng chiều, hễ muốn thứ gì, Phan thị sẽ cho nó cái đó. Giờ thấy nhà phủ quân biếu một cái nghiên Đoan Khê rất đẹp, nó bèn muốn đòi để bày trên bàn học. Đòi không được thì ấm ức.
Hồng Khiêm mang theo một hộp bốn món trà quả, một hộp văn phòng tứ bảo, một cuộn lụa trắng, một hộp thịt heo dê ngỗng và rượu, cũng gọi là thịnh soạn. Thịnh Khải ra đón, hai người đến thư phòng Thịnh Khải trò chuyện. Hồng Khiêm đã biết chuyện Thịnh Khải lọt vào mắt xanh của Lệ Ngọc Đường, không tiện qua lại thân thiết lắm với cậu, chỉ xã giao như những mối quan hệ bình thường.
Trái lại là Thịnh Khải, vì thấy Hồng Khiêm là nhân vật tài ba, tới lui thỏa đáng, với cả Hồng Khiêm còn có một ưu điểm, nói tiếng quan thoại rất chuẩn. Đất Giang Châu, tuy có người giao tiếp bằng tiếng quan thoại, nhưng già nửa lại mang khẩu âm. Nếu xét kỹ Hồng Khiêm, ngay cả lúc ngâm thơ vịnh văn, đến cả một chữ trại âm cũng chẳng có. Nhớ lại thì, cô bé mà cậu gặp ở nhà chàng, tiếng quan thoại cũng cực chuẩn. Còn cha Thịnh đã chẳng phải tú tài thì chớ, từ lúc lo tang cha đến khi bán nhà mua đất, thực sự không phải là tấm gương tốt để con trai noi theo. Hồng Khiêm tướng mạo khá, nhân phẩm tốt, lại còn cầu tiến. Thịnh Khải quen Hồng Khiêm, thực sự rất muốn làm thân. Trái lại khuyên Hồng Khiêm: “Mấy ngày liền tôi đến phủ học, không gặp Hồng huynh, chẳng hay Hồng huynh ở nhà khổ luyện chăng? Tôi còn trẻ, nói lời thiếu sót mong chớ trách —– Thi cử nhân không như thi tú tài, tự dùi mài kinh sử chỉ có thể đỗ tú tài, thi cử nhân phải làm thơ viết văn, nên có danh sư hướng dẫn, đồng môn luận bàn dẫn dắt mới tốt.”
Hồng Khiêm nhủ thầm, cậu gặp Tô Trường Trinh rồi còn muốn ta vào quan học, Tô Trường Trinh mà biết chắc khóc bù lu bù loa lên mất. Nhưng miệng thì lại nói: “Ta đã già, hẳn khác với thiếu niên. Các cậu còn trẻ, kinh nghiệm ít, văn khó mà sâu sắc, thường cần danh sư chỉ điểm. Ta từ nhỏ thất học, phải nắm chắc căn cơ đã, bây giờ đang ở nhà luyện chữ đấy thôi.”
Thịnh Khải nghe chàng bảo thế, nghĩ lại cũng có lý, ngượng ngùng đáp: “Rốt cuộc cũng là Hồng huynh nhìn xa trông rộng hơn.” Cậu biết sơ về việc lúc trước Hồng Khiêm đi ở rể nhà người, cho rằng thất học cũng là vì thế, hợp tình hợp lý.
Hai người lại hàn huyên đôi câu, Hồng Khiêm đang muốn đứng dậy, chợt nghe bên ngoài vang tiếng tíu tít, là giọng một cô bé khoảng mười tuổi hơn: “Đại ca, đang bận hả? Lụa hôm nay nhà đó biếu huynh tốt thật, cho ta được không?” Một cái đầu thò vào. Vì Thịnh Khải mời Hồng Khiêm vào phòng trong xem kho sách của cậu, sách được bày trên giá kê sát tường, cô bé đưa đầu vào quá vội, nhìn lướt qua thì chưa thấy.
Em gái nhà mình vừa mở mồm đã đòi hỏi này kia, thứ mà nó đòi lại là quà của vị khách trước đó biếu, trong thư phòng còn một vị khách khác đang ngồi, Thịnh Khải giận tái mặt. Quát bảo: “Trong phòng có khách, muội con gái con đứa cứ thế xông vào à!” Cô bé nghe bảo có khách, mới vội vã lui ra ngoài. Thịnh Khải xin lỗi Hồng Khiêm, Hồng Khiêm cười lắc đầu, “Ta ra ngoài cũng đã lâu, phải về ôn bài thôi.” Rồi cáo từ rời khỏi.
Về đến nhà Tú Anh ra đón, cởi áo bưng trà cho chàng, đoạn hỏi: “Nhà cậu ấy thế nào?” Hồng Khiêm đáp: “Nàng còn không biết à? Cha cậu ta là một người cổ hủ, ta không thích gặp.” Tú Anh vừa muốn hỏi những người khác trong gia đình ấy, sực nhớ ra trong nhà họ Thịnh chỉ còn nữ quyến và em trai Thịnh Khải, Hồng Khiêm chẳng cách nào gặp được, không khỏi tiếc rẻ.
Tú Anh cũng chẳng canh cánh được bao lâu, hôm nay nàng khá rảnh, sai Hồ thị bồng Kim Ca đến thăm cụ Lâm, cụ Lâm đã già, ngày càng lười đi lại —– Tú Anh đã âm thầm chuẩn bị tươm tất áo quan cho cụ, chỉ e có gì đột ngột. Cụ Lâm gặp Kim Ca thì vui vô cùng, Tú Anh thấy sắc mặt cụ vẫn còn tốt thì dắt Ngọc Tỷ đến cửa hàng kim chỉ.
Cụ Lâm hỏi: “Cháu vẫn mở cái cửa hàng ấy à? Chẳng không lo chính sự đi!”
Tú Anh biết chính sự trong lời cụ Lâm là gì, ấy là nhân lúc còn sớm sinh thêm một thằng cu, đặng có người thêm hương hỏa cho nhà họ Hồng. Có con gái ở đây, Tú Anh vội chen ngang: “Cháu rể của bà còn đang bận học, không còn sớm nữa, cháu dắt Ngọc Tỷ đi một chuyến đây. Buổi chiều nương tử phủ quân còn mời đi đánh mạt chược.” Rồi dắt con gái chuồn khỏi chỗ cụ Lâm.
Ra khỏi cửa Tú Anh mới thở phào nhẹ nhõm, bên kia Trình Thực đã thuê hai chiếc kiệu, Tú Anh và Ngọc Tỷ ngồi riêng, mỗi người dắt theo một thị nữ. Tú Anh dẫn Tiểu Hỉ theo, còn Ngọc Tỷ dắt Tiểu Trà. Đến tiệm kim chỉ, Tú Anh, Ngọc Tỷ vào ngồi gian trong, chưởng quỹ định vào báo cáo thì nghe Tú Anh bảo: “Ông làm việc đi, ta đưa con gái đến thăm thú, tiện bề tìm hiểu đôi chuyện kinh doanh, không vì chuyện khác.”
Nói thì nói vậy nhưng chưởng quỹ biết, cửa hàng này trên danh nghĩa là Trình Thực mở ra làm ăn, song chủ nhân đứng sau lại là nhà họ Hồng, vẫn tới thưa: “Làm ăn khá lắm ạ, cửa hàng chúng ta cũng thường qua lại với hai ba chục tú nương, mỗi ngày thu được mấy mươi chiếc khăn tay, có cả đai lưng, yếm, màn thêu. Mỗi tháng lãi hai mươi lượng. Nếu có khách Hồ đến, thì một vụ kiếm được mấy trăm lượng. Tiểu nhân đã chú ý, mỗi lần sẽ để lại một ít hàng, đặng khi Hồ thương đến, không cần giục tú nương thêu ngay, bán thẳng hàng tồn là được. Tiết kiệm thời gian.”
Tú Anh nói: “Ông là người buôn bán có thâm niên, kinh nghiệm hơn chúng ta.” Lại bảo Ngọc Tỷ: “Gắng mà học hỏi.”
Chưởng quỹ liên tục thưa “Không dám,” lại hỏi, “Bà chủ đã hợp tác với phủ ấy, sao không kinh doanh lớn một tý? Hồ thương mà đến nữa, chúng ta cũng có thể mua hàng hóa của bên ấy bán lại, sang tay cũng kiếm được một mẻ to.” Tú Anh liếc Ngọc Tỷ, đáp: “Nhà ta có vốn bán kim chỉ, không hẳn đã có vốn mua hương liệu, trân châu, bảo thạch.”
Ngọc Tỷ bật cười: “Nào có chuyện hốt trọn một mẻ như thế? Nhà ta quan hệ tốt với phủ ấy, chẳng nhẽ ngoài mình ra chẳng còn ai khác quan hệ tốt với bên ấy nữa rồi? Không dưng đừng thu hút chú ý khiến người ta ghét, với cả thạo một đường làm ăn, có tên tuổi rồi, lo gì không kiếm ra tiền? Còn về chuyện vốn, dù cho có đủ đi nữa, thì mua về bán lại cho ai? Ông buôn kim chỉ lâu năm, khắc có người đến tìm mua, những chuyện khác thì không dám chắc nổi.”
Chưởng quỹ nghe mà chẳng đáp lại được lời nào, bên ngoài có người đến mua kim chỉ, là mẹ của Thịnh Khải – Phan thị dắt Thịnh Đại Tỷ và hai nha đầu đến, cũng hai kiệu. Mẹ con hai người ở nhà đến phát mốc lên, Thịnh Đại Tỷ hiếu động, Phan thị không yên tâm nếu để nó một mình ra ngoài, bèn đi theo. Chưởng quỹ thấy phụ nữ búi tóc chịu tang bước vào đã hơi ghét bỏ, thầm nhủ: Đúng là mất khuôn phép.
Nhưng vẫn tươi cười đón khách: “Khách quen muốn xem món gì ạ?”
Phan thị hất mặt một cái, khắc có một tiểu nha đầu cầm hai chiếc khăn trùm đến, mẹ con hai người đội lên, lại tỉ mẩn ngắm màn thêu. Cũng chỉ có thị nữ đáp lời chưởng quỹ: “Nương tử, tiểu thư nhà ta rỗi rãi đến chơi, thích thứ gì tất sẽ gọi ông.” Chưởng quỹ bèn lui sang bên, đưa mắt ra hiệu cho đồ đệ mình. Tiểu nhị chần chừ tiến lên định bắt chuyện với tiểu nha đầu, chẳng ngờ nó lại lách người tránh, còn hất hất vai.
Chưởng quỹ đứng im luôn.
Bên kia Phan thị và Thịnh Đại Tỷ săm tới soi lui, Thịnh Đại Tỷ thích màu sáng, ánh mắt lưu luyến mãi song Phan thị lại không cho phép nó mua. Mẹ con hai người đều chấm cùng một bức màn thêu, nhưng cứ chê này chê nọ. Thịnh Đại Tỷ bảo: “Con dơi này nhìn mà khiếp.” Phan thị đáp: “Ấy mới là điềm lành.” lại chê màn thêu hơi tục.
Chưởng quỹ thưa: “Khách hàng khen chê là chuyện thường ở huyện, hai vị thích món nào, tôi đóng gói rồi chuyển đến quý phủ giúp hai vị. Cửa hàng chúng tôi còn có thể tự chọn mẫu làm riêng, ngài muốn thế nào thì bảo tú nương thêu thế ấy, chẳng không tiện sao?”
Phan thị hất mặt, thị nữ nhanh chóng đáp: “Nương tử tiểu thư ngắm nãy giờ chắc hơi lâu đấy nhỉ, ông nín hơi kìm tiếng chắc cũng ngột ngạt lắm ha?”
Chưởng quỹ cười bồi đáp: “Thế nương tử và tiểu thư có ưng món nào chưa ạ? Quý phủ tọa lạc nơi nào? Để tôi chép lại đặng gửi đi.”
Giục đến giục lui, Phan thị mới chọn được kiểu, ấy lại là tranh chữ của tiền nhân, đòi thêu vào. May mà người nọ cũng nổi tiếng, người tiếp xúc với tranh ông ấy không một ngàn thì cũng tám trăm, bản phác thảo cũng dễ tìm. Chưởng quỹ đảo tròng mắt: “Giá của đơn hàng này khác với những món thông thường trong tiệm đấy ạ.”
Phan thị không tiện trả giá, bèn đáp: “Ngươi cứ việc hoàn thành rồi gửi tới nhà họ Thịnh ở phố Đông là được.”
Chưởng quỹ lại thảo luận trước tiền đặt cọc: “Một giá đỡ làm bằng gỗ tốt, nền lụa trắng, chỉ thượng hạng, cộng thêm tiền công, tổng hai mươi lượng, xin trả trước một nửa đặng mua giá nền sang cho tú nương thêu ạ.” Phan thị đã trót bảo mua, không thể rút lại bèn đưa mắt ra hiệu đặt cọc tiền, sờ túi tiền thấy chẳng còn là bao, vốn định dắt Thịnh Đại Tỷ đi mua hoa kết nhung, giờ không đi nữa.
Chưởng quỹ chép địa chỉ lại. Chờ đám Phan thị đi mất, ông mới phỉ phui một tiếng, bảo tiểu nhị sắp đồ rồi đem màn trắng, kim chỉ, bản mẫu đến chỗ tú nương.
Tiểu Hỉ bước từ phòng trong ra, xin chưởng quỹ địa chỉ nọ, Tú Anh xem, chẳng phải nhà họ Thịnh kia thì còn ai vào đây nữa? Lòng chợt do dự: “Nhà đấy ‘quy củ’ thật.”
Ngọc Tỷ nghe thì cười: “Cũng không quá đáng lắm, con và mẹ ra ngoài, chẳng cũng không tự trả lời người khác mà sai chúng nó đáp à? Nhưng nhà họ đúng là soi mói thật. Có điều vị nương tử kia vẫn đang chịu tang, trông cũng chẳng phải dạng bắt buộc ra ngoài làm ăn kiếm sống, đúng là mất khuôn phép.”
Tú Anh nói: “Thôi đừng bàn chuyện người khác nữa, chúng ta về nhà, dùng xong bữa trưa vẫn còn chuyện phải làm.” Ngọc Tỷ đứng dậy, đi về cùng Tú Anh. Trùm khăn lên đầu, Ngọc Tỷ rút túi tiền từ tay áo ra, đưa hai hào bạc cho Tiểu Trà, bảo nó gửi chưởng quỹ: “Lần đầu ta đến, mời mọi người xơi trà.”
Chưởng quỹ vội vã cảm ơn. Tú Anh bảo: “Đừng cảm ơn nó làm gì, con nít con nôi, lễ nghĩa là chuyện phải làm. Sau này quen thuộc rồi, có đến cũng không biếu tiền nữa, mọi người không bảo nó keo kiệt là được.”
Chưởng quỹ cười thưa: “Sao có thể ạ.”
Về đến nhà, Tú Anh thở ngắn than dài, Ngọc Tỷ tưởng nàng vẫn đang nghĩ chuyện cửa hàng, bèn khuyên: “Vốn là một, có khiến người khác ghen ghét không là hai, ba là chẳng biết vị phủ quân này ở đây bao lâu, ngụ lại lâu dài thì ổn, còn nếu không, sau này chẳng có mấy vụ buôn với Hồ thương nữa, khi ấy làm sao nuôi nổi mặt hàng ấy? Thoắt làm thoắt nghỉ, nhà mình không phải chuyên về kinh doanh, tội gì tự làm khổ bản thân?”
Tú Anh nói: “Con không hiểu thì đừng lắm mồm. Dọn cơm ra ăn đi, chiều theo mẹ đến châu phủ, phải đi đánh mạt chược rồi.” Ngọc Tỷ đáp: “Con không biết đánh. Nhà người ta giàu có, chúng ta lại năng đến quá, không hay.”
Tú Anh bảo: “Con thì biết gì? Ai bảo con xu nịnh người khác đâu? Ngắm khung cảnh nơi ấy nhiều một chút để nâng cao tầm mắt, sau này đỡ bị gọi là quê mùa.” Ngọc Tỷ mới đồng ý đi cùng, đến phủ châu, bé cũng chỉ tới trò chuyện cùng chị em Lệ gia, chẳng phải nhìn trước ngó sau làm gì.
Chẳng ngờ đến nơi, Thân thị lại bảo bé vào bàn đánh chung, Ngọc Tỷ từ chối mãi: “Con không biết chơi.” Thân thị đáp: “Vậy thì học. Con hỏi họ xem, đều nhà nghề cả đấy.” Lại hỏi thường ngày ở nhà Ngọc Tỷ làm những gì, tại sao không biết chơi mạt chược, chẳng nhẽ chưa từng chơi cùng trưởng bối?
Ngọc Tỷ thưa: “Con đi học, thêu thùa, hoặc xuống bếp nấu ăn. Bà ngoại ưa yên tĩnh, thường tụng kinh, nên trong nhà không ai đánh mạt chược cả.” Ở nhà họ Trình lo đủ thứ chuyện, ai còn tâm trạng? Chuyển đến Hồng gia, thiếu tay sao đánh?
Thân thị “Ừ” một tiếng, bảo bé đến ngồi cạnh mình: “Nào, ta dạy con. Cái này không cần phải giỏi, nhưng nên biết. Mấy người già bọn ta, vừa tục vừa ồn, khá thích trò sôi nổi này. Trong kinh cũng thế, thường đánh mạt chược, nghe hí kịch, xem tạp kỹ, con học một vài ngón để sau này còn dùng.”
Tú Anh thầm nhủ, sau này, chắc là sau khi gả đi rồi. Thì ra làm dâu còn có món này. Nàng chưa từng thực sự đi làm dâu nhà ai, tất nhiên chẳng biết những chuyện ấy, cũng ít khi đến nhà Lâm tú tài, thế nên biết đánh bài nhưng chưa từng nghĩ đến chuyện phải dạy con gái.
Thân thị vừa đánh vừa dạy, Ngọc Tỷ thông minh, nhanh chóng quen tay, Thân thị vui vẻ khen: “Là một đứa lanh lợi.” Nhưng Ngọc Tỷ mới học, số đỏ nhưng vẫn kém những tay chơi quen, thua một xâu tiền thì ngừng không đánh nữa. Ngồi hai bên Thân thị là Ngọc Tỷ và Lục Tỷ, Ngọc Tỷ lớn lên ở thành Giang Châu, không hiểu nhiều chuyện ở kinh thành, bèn lắng nghe mẹ con Thân thị tán gẫu.
Thân thị lại hỏi thăm Tú Anh chuyện nhà họ Thịnh.
Chính Tú Anh cũng rục rịch trong lòng, bèn hiểu ngay ý của Thân thị, vì Thân thị bảo: “Cha mẹ cậu ấy đang chịu tang, không tiện gặp mặt, ta vốn muốn hỏi nhà họ sao dạy được một đứa trẻ giỏi như thế. Bọn em ở cùng một thành, chắc cũng biết đôi điều?”
Tú Anh bèn kể chuyện Thịnh Khải, nói thêm: “Là một cậu chàng tốt, nhưng em chưa từng gặp người nhà cậu ấy. Đều là tú tài khóa mới, chưa kịp qua lại thì gia đình cậu ấy đã xảy ra chuyện rồi. Nương tử muốn biết chuyện nhà cậu ấy, thì nên tự gặp mới được.” Nàng cũng chẳng biết Thân thị để ý Ngọc Tỷ, vẫn cho rằng chỉ vì hai nhà có quan hệ làm ăn nên mới thân thiết, bèn không nhiều lời, nhỡ mai này người ta thành sui, nàng lại nói xấu Phan thị, chẳng phải tự làm bẽ mặt mình à?
Chơi được một lúc, Tú Anh cũng thua một xâu tiền, trời đã chập tối, nàng bèn cáo lui: “Trong nhà vẫn còn người chờ cơm.” Thân thị không giữ. Lục Tỷ lại khá lưu luyến Ngọc Tỷ.
Ngọc Tỷ về nhà dùng bữa, trên bàn ăn nhắc đến: “Đánh mạt chược thua một xâu, họ có ý muốn thua, con thì thua thật. Cứ thế này, con lại trở thành người ga lăng nhất bàn mất.” Tú Anh nghe mà bật cười, sợ Hồng Khiêm là người đọc sách, không thích nói chuyện bài bạc, bèn đỡ lời cho Ngọc Tỷ: “Nương tử phủ quân bảo, sau này còn cần tới, người già thích món này.”
Hồng Khiêm ngẫm, đúng là thế thật, bèn bảo Ngọc Tỷ: “Sao con lại thua? Thua bao nhiêu? Thua từ đầu tới cuối à?”
Ngọc Tỷ đáp: “Con thua một xâu rồi nghỉ ngay.”
Hồng Khiêm cười: “Vậy để cha dạy con.” Khiến Tú Anh kinh ngạc tới trợn tròn mắt.
Hồng Khiêm tinh thông món này, nhác thấy mười ngón tay chàng lướt như bay, Ngọc Tỷ ngẩn ngơ, Hồng Khiêm bảo: “Đây mới chỉ là chiêu quèn thôi, chờ khi quen rồi, mặt mày tỉnh bơ càng dễ thắng.” Lại dạy Ngọc Tỷ đảo bài, đổ xúc xắc, thế nào để giam bài, tính bài…