Trình Khiêm giải quyết việc lần này rất tốt, ông Trình hài lòng, song gặp phải những chuyện cụt hứng như vậy thì chẳng vui vẻ gì cho cam.
Huống hồ ở nhà vẫn còn một nhân vật tên là Tố Tỷ, bà nghe tin Ngô gia đến là lại không kìm được nước mắt. Sau khi ly hôn với Ngô nhị lang, bà liền ăn chay niệm Phật, cất hết áo quần sặc sỡ, dẹp cả trang sức. Vì gần đây cháu ngoại ra đời, bà mới thay một lượt đồ mới, áo ngắn màu cam, váy thêu, áo ngoài thêu hồng tím quấn cành trên vải chìm hoa văn hình sen, trên tóc hiếm lắm mới cài trâm rũ bằng vàng, đóa hoa lụa đính lệch.
Vốn đang vui vẻ bàn chuyện với bà Lâm: “Phải đặt tên cho đại tỷ rồi.” Mọi người đều hy vọng đấy là con trai nên đã nghĩ sẵn một đống tên nam, nhưng đứa bé lại là con gái, đương nhiên phải nghĩ lại tên.
Lâm lão an nhân lại chẳng nghĩ đến chuyện này, cau mày đáp: “Tối nói với cha con, để ông ấy lo chuyện đấy.”
Đương lúc chuyện trò thì ngoài cửa báo lại rằng có người nhà họ Ngô đến quậy, Trình Tố Tỷ ngồi mà bồn chồn mãi, bà Lâm thấy được bèn mắng cho: “Con chả khá lên được tý nào!”
Trình Tố Tỷ nói: “Ngày vui thế này, bọn họ cũng khó khăn, thôi thì cho vài xâu tiền rồi đuổi đi là được.”
Khiến Lâm lão an nhân điên lên, đánh bà mấy cái: “Con cứng rắn một chút được không?!” Thấy Tố Tỷ sắp khóc, Lâm lão an nhân lại xìu xuống, “Chuyện này chả đến lượt con lo, về nghỉ ngơi đi. Con có muốn lo cũng chẳng lo nổi đâu!”
Trình Khiêm về thuật lại chuyện trước cửa cho vợ, Trình lão thái công về gặp bạn già, cũng kể lại một lượt.
Bà Lâm không đánh nhưng lại không thể không lo cho Tố Tỷ, khóc lóc: “Con của mẹ, nếu mẹ chết rồi thì con phải làm sao đây?!!!” Tuy bà không thích tính cách yếu đuối của Tố Tỷ nhưng lại vô cùng yêu thương con gái, miệng thì nói gắt, lòng thì buồn đau. Thằng Ngô nhị lang này cũng chẳng phải do chính Tố Tỷ chọn mà là hai người bọn họ, nhất thời mờ mắt không điều tra lại gây ra biết bao chuyện phiền phức, lại để con gái lỡ làng cả đời, cháu ngoại bị khinh khi, Lâm lão an nhân càng nghĩ càng đau lòng.
Trình lão thái công lại không an ủi vợ mình, nghe Lâm lão an nhân than vãn xong, lòng không khỏi lo lắng —– Nỗi lòng của ông là đây: Ông đã già rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu, một ngày nào đó tự dưng lăn đùng ra chết cũng không phải việc không thể xảy ra. Nhà cửa nên làm thế nào mới phải? Cả nhà ba, à không, giờ đã là bốn đời đều là phụ nữ, Trình Khiêm giỏi giang thật đấy, nhưng con rể thì làm gì có tiếng nói đâu. Bây giờ chỉ có mỗi họ Ngô lùm xùm, song vẫn sợ có kẻ thấy ngay cả Ngô gia mà mình còn không quản chế nổi, sẽ thừa dịp sinh sự.
Dù có chết cũng phải xử lý xong vụ này mới chết được!
Bà Lâm chẳng nghe được lời an ủi của ông Trình, lòng sinh giận dỗi, ngước mắt lên định gắt vài câu thì thấy sắc mặt khó coi của chồng, lửa giận tắt ngóm, khẽ hỏi: “Ông lại ngẩn ra làm gì?” Vừa nói vừa cầm khăn chấm khóe mắt.
Trình lão thái công đáp: “Tối nay lại nói rõ với bà.” Hai người bèn xử lý ổn thỏa chuyện nhà trong ngoài, lại sai người phát trứng đỏ, bàn nhau đi xin bách gia y* vân vân. Cả nhà không ai nhắc lại chuyện Ngô gia, tuy Tú Anh vẫn buồn phiền, song cũng không muốn bàn việc xúi quẩy vào ngày lành.
[*Đây là phong tục của người Hán, nhà mới sinh con thường đi xin các miếng vải vụn của nhà bạn bè người thân hàng xóm rồi may lại thành áo cho đứa bé mặc, ngụ ý đứa bé sẽ nhận được lời chúc phúc của trăm nhà, lớn lên bình an, chiếc áo ấy được gọi là “bách gia y”.]
Lâm lão an nhân nhớ khi sáng Trình lão thái công bảo có việc phải bàn, chờ tiễn hết khách về, sai tôi tớ đóng cửa quét dọn, dặn dò vài lời đại loại như cẩn thận củi lửa xong, bèn chong đèn vào phòng nói chuyện với Trình lão thái công. Ông nghe vợ nhắc thì nghiêm túc hẳn: “Nhà họ Ngô này là tai vạ, phải khiến bọn chúng không thể quậy nữa mới ổn.”
Bà Lâm phun nước miếng : “Xì, tôi còn tưởng là chuyện gì!”
“Bà không hiểu bà không hiểu,” ông Trình dài giọng, “bà với tôi bây giờ vẫn còn thì không sao, đến lúc chúng ta về chầu tổ tiên rồi, Tố Tỷ làm được gì đây? Đám Tú Anh thì ổn, nhưng vẫn là bề dưới, lần này là dâu nhà họ Ngô đến, nếu đổi thành Ngô nhị, Tú Anh còn có thể làm gì?”
Chữ hiếu to bằng trời, tuy chỉ là rể bị đuổi nhưng vẫn là cha ruột của Trình Tú Anh, bà Lâm trầm mặc.
Ông Trình tiếp: “Khi xưa không muốn xử lý dứt điểm chuyện này, một là để tích chút công đức cho nhà mình, xin một người kế tục. Hai là vì Ngô nhị là cha ruột Tú Anh, làm thế thì khó mà nhìn mặt nó. Giờ tôi và bà đã già, tôi mà đi, e rằng một nhà toàn cô nhi quả phụ chả chống đỡ nổi với cái đám khốn nạn ấy —– Tú Anh có mạnh mẽ cỡ nào, cuối cùng vẫn là phụ nữ. Thừa dịp tôi còn sống, trừ bỏ hậu họa này mới được.”
Bà Lâm không sốt ruột nữa, day day khăn tay: “Chỉ e khó mà làm được.”
Ông Trình bật cười: “Bà nghe tôi nói, ngày trước đậu tú tài rồi tôi mới chuyển đến phủ thành này, sau này tuy đại lang mất sớm, tôi cũng không đưa bọn bà về quê, bà biết vì sao không? Một là người ở đấy quá chất phác, thấy tôi với bà không có con trai thì sẽ lên tiếng can thiệp, không dễ sống chung. Hai là vì nơi này chính là phủ Giang Châu! Nơi này nối liền cả đông tây nam bắc, xảy ra chuyện gì cũng có thể nhờ miệng khách thương mà truyền đi bốn phương. Dù là huyện hay phủ, làm việc gì cũng phải công bằng liêm chính mới yên thân! Chính vì điều này, mình mới không bị thiệt thòi nhiều.”
Bà Lâm nghĩ một chút đã hiểu: “Mọi chuyện không thể nào đến nỗi chẳng ai hay.” Lòng lại nhớ kỹ, nếu bị ức hiếp thì cứ truyền ra ngoài, quan phủ sẽ không thể không quản đến. Tốt hơn ở quê nhiều, có xảy ra chuyện gì cũng im hơi lặng tiếng.
Ông Trình tiếp: “Học vấn của tôi không bằng đại lang, nhưng chuyện đời thì cũng biết một hai, trên đời có một loại quan tên là ngự sử, sở thích chính là hóng chuyện thiên hạ, có chuyện hay không cũng cứ dâng tấu, ha!”
Bà Lâm nói: “Tôi vẫn hơi lo, chỉ e quan phủ nhòm ngó cái nhà này, thừa cơ rút của.”
Ông Trình khinh thường đáp: “Mấy chục năm nay, tuy tôi và các lão ấy không thân thiết nhưng cũng chẳng đến nỗi xa cách, quen hết chủ bộ phủ này cơ mà. Với cả đại lang từng là cử nhân, năm đó đỗ đạt có không ít người đồng lứa, tôi cũng có qua lại với một vài đứa, bà nói vì cái gì đây? Tôi cũng còn vài người bạn đồng môn, tuy không phải nhân vật lớn gì nhưng vẫn có thể can gián được vài lời.”
Bà Lâm đã hơi yên lòng: “Chuyện này trước hết đừng để Tố Tỷ biết được, tôi đi dỗ nó đây! Lại viết bức thư cho anh trai cùng cháu trai nữa.” Anh trai Lâm lão phu nhân cũng là cử nhân, tuy không làm quan nhưng cũng là thân sĩ địa phương, cháu trai cũng là người có học vấn, là những người có thể đỡ giúp vài lời.
Hai ông bà già quyết định xong thì tiết lộ một ít cho vợ chồng Tú Anh, tâm trạng Tú Anh phức tạp, bà Lâm đúng lúc kéo Tố Tỷ đến nói chuyện với nàng. Trình Khiêm tự động đi theo ông Trình viết đơn cáo trạng, chuẩn bị một lượt, tống cả nhà họ Ngô lên công đường.
•••••
Năm ấy Tố Tỷ và Ngô nhị ly hôn, Trình lão thái công lừa gạt khiến Ngô nhị lang và ả đào kia tự nhận tội. Hôm nay cũng làm y như thế, nhử bằng sự kiện đại tỷ đầy tháng, nhà họ Ngô vừa khéo là loại nhớ được ăn chứ chẳng nhớ bị đòn, lại đến làm tiền. Lần này, Ngô nhị lang bị anh trai và chị dâu ép đến, có cả hai thằng cháu theo cùng.
Trình Khiêm làm mặt dữ, tay cầm roi ngựa trấn ngay cửa, lệnh tôi tớ đưa hai mươi xâu tiền ra: “Ta biết các người vì cái gì mới đến, đưa tiền cho các người đấy, biến đi cho ta!”
Người nhà họ Ngô thấy tiền thì mắt chẳng rời được, Ngô nhị lang vẫn muốn lên cơn: “Tao đến thăm cháu ngoại, mày chỉ là chồng của con gái Tú Anh của tao, vậy mà còn lớn lối như vậy. Làm ầm lên không sợ người ta cười cho à!”
Trình Khiêm trở tay gọi hai gã sai vặt đến, ra vẻ muốn lấy lại tiền: “Bớt dong dài đi, vui vẻ cầm tiền đi thì thôi, bằng không bắt cả đám lên quan bây giờ. Lần trước các người quậy một trận, cũng đã trở thành chuyện cười từ lâu rồi!” Lại có thêm hai gã gia đinh cường tráng xách gậy ra.
Lần trước từng nếm gậy, thằng cháu nhà họ Ngô thông minh hơn: “Được được được, hảo muội phu, cậu bảo sao thì là vậy. Đưa tiền đây, chúng ta đi ngay.” Đoạn bước lên định lấy tiền.
Trình Khiêm lại giơ tay cản: “Đưa cho ngươi, chỉ sợ ngươi cầm rồi lại kiếm chuyện, phải lập bằng chứng mới được! Hôm nay cầm tiền rồi đi ngay, ngày đại tỷ một tuổi không được đến nữa!” Ngô nhị lang muốn trở mặt, Trình Khiêm sai người lấy tiền về, hai đứa cháu nhà chúng vội vã thay nhau đồng ý, đều nghĩ: Cứ cầm tiền trước đã, đợi cháu gái một tuổi, cậu họ lại đến nhận chút tiền rượu.
Ngô nhị lang cũng đang túng thiếu, bị đám cháu chặn miệng thì miễn cưỡng đồng ý, lòng cùng ý nghĩ với chúng: Vài đồng tiền bẩn mà muốn đuổi người, các ngươi xem thường ta rồi! Chỉ có hai mươi xâu tiền mà bảo người ta không được nhận mặt con gái ruột, các ngươi cứ ở đấy mà mơ tưởng viễn vông đê!
Ngô nhị lang cũng đọc sách biết chữ, viết vài chữ làm bằng chứng ngay tại chỗ, ghi rõ ngày tháng năm nào nhận hai mươi xâu tiền, hứa đến ngày đại tỷ một tuổi sẽ không đến nhà. Trình Khiêm lại mời lý chính* làm chứng, ký tên điểm chỉ đầy đủ, Trình gia do Trình lão thái công điểm chỉ.
[*Có thể hiểu nôm na là trưởng khu phố.]
Một xâu tiền là một ngàn đồng, xâu lại thành chuỗi thì khó mà bê nổi, huống chi là hai mươi xâu? Tiền đồng mấy chục cân, ba người chia nhau mà vác, hãy còn tranh nhau ta ít ngươi nhiều, người qua đường thấy rõ cả.
Đến đây thì tuồng đã hạ màn, ông Trình điền xong đơn cáo trạng, gọi Trình Khiêm đến: “Thay đồ rồi đi với ta, tống đám họ Ngô kia lên công đường thôi!”
•••••
Tục ngữ nói đúng, “Tiền sinh bất thiện, kim sinh tri huyện; tiền sinh tác ác, tri huyện phụ khoách; ác quán mãn doanh, phụ khoách tỉnh thành”*, chốn này là huyện An Thuận, là một huyện phụ khoách. Huyện lệnh và tri phủ ở cùng một thành, làm chuyện xấu tốt gì cũng đều vào mắt quan trên cả. May mà đất này trù phú, huyện lệnh cũng là người khôn khéo nên nhẫn nại ở lại, sống an ổn cùng tri phủ.
[*Càng làm việc xấu thì thăng tiến càng nhanh. Phụ khoách: đặt hai hoặc nhiều bộ máy chính trị ở cùng một vùng.]
Gần đây, vị huyện lệnh này vô cùng khó ở, lão vốn có quan hệ với Đông cung, nhưng cũng chẳng tài cao công lớn gì, chẳng thể chen chân vào đội ngũ nòng cốt. So ra thì lão cũng như “đệ tử ký danh” của danh sư thôi. Gần đây Đông cung trắc trở khiến huyện lệnh cũng cáu kỉnh theo, mấy việc vặt vãnh đều đẩy cho chủ bộ xử lý.
Nhận được cáo trạng của Trình lão thái công, huyện lệnh bất giác chau mày, lão đã từng gặp ông Trình này rồi, lễ tết gì ông ấy đều quà cáp sang cả. Cũng biết ông là người có công danh, đơn cáo trạng này không thể không tiếp.
Nhà họ Trình không có đàn ông, Trình lão thái công bèn bỏ công qua lại với một số sai dịch, có gì dễ bề nhờ vả. Ông vốn là tú tài, con trai đã chết cũng là cử nhân, lại có gia sản, cũng được xem là thân sĩ. Huyện lệnh nhìn ông, râu tóc bạc trắng, áo bào lụa nâu, bên trong mũ sa là một cây trâm vàng, giắt thắt lưng là dải lụa mảnh kết ngọc bích, vô cùng chỉnh tề, lòng khắc thêm vài phần hảo cảm.
Lại nhìn đám bị can Ngô gia, áo vải đầu rơm, chân tay lóng ngóng, mũi vẹo mắt lệch, khó mà thích cho được.
Đến khi đọc xong cáo trạng, huyện lệnh đã chuyển từ khó-mà-thích sang trạng thái tức giận. Tờ đơn viết rằng: Ngô nhị vốn ở rể, vì trộm tiền nhà vợ đi bao gái nên bị trục xuất, bây giờ lại bày trò tống tiền. Nhà chúng tôi họ Trình, gã họ Ngô, là người dưng nước lã, hôm nay đòi mười xâu, mai lại muốn mười xâu, có ý đồ góp gió thành bão, chiếm đoạt gia sản nhà chúng tôi, xin minh công rũ lòng.
Trên công đường còn có chủ bộ, là người quen của Trình lão thái công. Lúc Trình Chí còn sống đã từng nói tốt cho lão, dù gì cũng đã nhận ân tình, đương nhiên biết phải làm sao —– Dọn dẹp đám người họ Ngô kia chẳng phải tốn kém hay mạo hiểm gì, lại có thể bán ơn cho ông Trình, đòi một ít quà biếu, cớ sao không làm?
Chủ bộ lâp tức bước lên nói nhỏ: “Điêu dân ức hiếp thân sĩ, liếc qua đã rõ, với cả… ngài là phụ khoách, vạn lần không thể khiến thanh danh thân sĩ bị tổn hại được!”
Lời này rất hợp với tiếng lòng của huyện lệnh! Lại giả vờ lật giở hồ sơ.
Khế ước quả thật đã giải, bên sai là Ngô nhị lang. Huyện lệnh chẳng thoải mái gì, kết án nhanh hơn ngày thường nhiều lắm, đúng là một nhát đứt phăng. Huyện lệnh là dân trí thức, chẳng có thiện cảm gì với cái loại lúc đầu vứt bỏ họ tổ tông, sau đó lại lầm lỗi với nhà vợ. Lại đọc tường trình của ông Trình và giấy bằng chứng do Ngô nhị viết, gộp với cáo trạng, rõ mười mươi là Ngô gia tống tiền.
Huyện lệnh lại quay sang lý chính, lý chính cũng biết ý góp lời: “Nhà họ Ngô năm lần bảy lượt đến hà hiếp người già cả yếu đuối, lần nào cũng ôm tiền đi, tiêu hết lại đến, quả có ý không lấy sạch tiền Trình gia thì chưa chịu thôi!”
Huyện lệnh giận dữ: “Trước đến gửi rể, con cháu chả có phần của ngươi. Người dưng nước lã, chẳng nghĩa chẳng tình, còn mặt mũi nào đến nhà người ta?! Quốc gia không yên là vì có đám vô lại chẳng biết bản thân mình là ai bọn ngươi, nhòm ngó gia sản người khác, thật đáng trách! Đã có ý sinh sự, không thể không dạy bảo một hai!” Đoạn rút thẻ, tẩn họ Ngô một trận ra trò.
Người đời thường khinh bọn gửi rể, thường ngày còn bắt nạt vài bận, huống chi giờ lại có lý do chính đáng? Đám người này, đánh cứ đánh, đến cả xong việc cũng chẳng báo thù được, cái đệm trút giận ngon nghẻ thế này, hiếm có —– Lúc vào công đường tâm trạng huyện lệnh không tốt, khiến cả đám nhân viên chịu khổ theo, ai nấy đều ních lửa đầy bụng rồi.
Ngô gia lại chẳng có tiền đút lót nên bị đánh thật nặng, lần này quả là trầy da tróc vảy. Nha dịch trên dưới đều vui vẻ góp sức, Trình Khiêm từng đãi một bữa rượu thịt, họ thầm hiểu trong lòng, xuống tay càng chẳng nể nang gì. Tuy chẳng chết người nhưng lại phải tĩnh dưỡng vài tháng mới hết đau.