Cảm xúc vui buồn xen lẫn, đáp án mà tôi muốn biết còn có ý nghĩa gì nữa đây, tình yêu đúng là thứ tình cảm khiến người ta không biết nên làm thế nào khi chưa đạt được thì tìm mọi cách để có nó, khi có nó rồi thì lại hy vọng có nhiều hơn và muốn vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.
Hứa Khả
1
Rất nhiều người, ngoài việc thích vuốt ve, xoa má trẻ con thì họ còn thích hỏi một câu thật tàn nhẫn và nhàm chán: “Cháu yêu nố hơn hay mẹ hơn?”
Lúc còn nhỏ, đã có người đến hỏi những câu như vậy và tôi luôn trừng mắt lên nhìn họ, không chịu trả lời. Bọn họ nghĩ tôi xấu hổ, rụt rè, nhưng thực ra tôi đang suy nghĩ nghiêm túc. Chỉ tiếc một điều là tôi không thể đưa ra câu trả lời nào, vì họ đều là bố mẹ của tôi, tôi cần phải yêu họ, tuy thích là tình cảm phù hợp hơn cả, nhưng đối với cả hai người, ngay từ đầu tôi đã không thích.
Khi lớn lên, tôi mới bắt đầu dần dần kính trọng, thậm chí thương mẹ, và cảm nhận được tình yêu của mẹ đối với tôi. Đồng thơi, tôi cũng bắt buộc phải thừa nhận một thực tế là: mối quan hệ giữa tôi và bố không tốt chút nào.
Không thể trách bố được vì từ nhỏ tôi đã sống cùng với ông bà ngoại ở miền Bắc, gần gũi, thân thiết với dì hơn cả mẹ. Đến độ tuổi đi học, tôi mới được đón về ở cạnh bố mẹ. Họ đối xử với tôi rất tốt, nhưng không bao giờ tỏ ra gần gũi, thân thiết với tôi. Khi tôi đã bước qua giai đoạn có thể tâm sự, trò chuyện vô tư với người khác thì không có cách nào bù đắp lại được nữa.
Bố mẹ tôi đều không phải là những người dễ gần, và tính cách của hai người cũng hoàn toàn khác nhau. Tính tình bố tôi rất cứng nhắc, ông ấy có thể vỗ đùi cười ha hả trước những cảnh vui nhộn trong phim nhưng không bao giờ bày tỏ chút tình cảm yêu thương nào với người nhà. Ông là người sống khuôn phép, đặc biệt đối với tôi và em trai tôi là Tử Đông, tính ông nghiêm khắc đến nỗi chúng tôi không thể hiểu được. Ông chưa bao giờ ngồi tâm sự với hai chị em tôi, có chuyện gì không hài lòng là mắng mỏ nghiêm khắc, hay hầm hầm tức giận. Mẹ tôi lúc đó chỉ biết im lặng, lầm lũi và nhẹ nhàng giải thích. Mẹ tôi không giống các bà mẹ thông thường, mà giống người chấp nhận thực tế về một sự uỷ thác bí mật nào đó để chăm sóc con cái cho hết trách nhiệm. Dù là công việc gia đình hay công việc bận rộn ở cơ quan, mẹ đều sống rất có trách nhiệm, đến nỗi tôi cảm giác nếu có muốn yêu cầu mẹ thể hiện sự yêu thương với mình thì đó thực sự là một ảo tưởng, một suy nghĩ viển vông.
Dù sao không có ai trên đời này là hoàn hảo cả!
Cuối mùa đông năm ngoái, mẹ tôi đi khám và phát hiện bị mắc bệnh ung thư phổi. Căn bệnh phất triển rất nhanh, từ lúc phát hiện ra đến lúc mẹ mất chỉ trong vòng năm tháng. Mẹ tôi mới chưa đến năm mươi sáu tuổi, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ lại ra đi sớm như vậy nên người cứ thất thần đờ đẫn mãi. Việc ma chay hoàn toàn do chồng tôi là Tôn Á Âu và em trai là Hứa Tử Đông lo liệu, tôi không đủ sức đưa ra bất cứ ý kiến nào.
Vào ngày cuối tuần sau khi mẹ mất, tôi lấy lại tinh thần, về qua nhà bố, định giúp ông lo liệu việc nhà, quét dọn sạch sẽ nhà cửa.
Nhà cửa rất bề bộn, bẩn thỉu đúng như tôi đoán, nhưng điều làm tôi bất ngờ là cô tôi, em gái của bố, đang ngồi giữa phòng khách với một đống túi rất to, bên trong nhét đầy đồ, đến kéo khoá còn khó. Cô tôi từ dưới quê lên dự đám tang, chắc đang chuẩn bị về. Tôi liếc nhìn qua thì thấy phía trên cùng của cái túi chưa kéo khoá hết kia là chiếc áo choàng lông màu tím than của mẹ. Giật mình, tôi bước đến lật lên, bên dưới còn có chiếc khăn choàng tôi mang từ Ý về. Trong túi còn có mấy cái áo len được xếp ngay ngắn với mọt chiếc chăn lông cừu mà trước đây tôi vác từ New Zealand về, vì mấy chuyện mua đồ lỉnh kỉnh này, tôi còn bị Tôn Á Âu trêu cho một trận.
“Cô đang làm cái gì vậy?”
“Mang về nhà, ở đây cũng có ai dùng đến đâu!”
Tôi tức đến nỗi càu nhàu thốt lên: “Nhưng cô đã được cháu đồng ý đâu?”
Bà cô ấy làm như không hiểu gì, vặn lại: “Tại sao tôi phải được sự đồng ý của cô? Cô ăn nói kiểu gì đấy hả? Tôi lấy ít đồ chẳng đáng tiền này mà cũng phải xin phép một đứa đáng tuổi cháu hay sao?”
Bố tôi nghe tiếng ầm ĩ thì bước ra, cau mày, nói: “Cãi cọ cái gì thế?”
Tôi quay sang bố, chấy vấn: “Cô ấy dựa vào cái gì mà lấy quần áo của mẹ con mang đi?”
“Để lại cũng có ai mặc đâu.”
Nước mắt đã ứa vòng quanh chỉ chực trào ra ngoài, tôi trách móc: “Bố thật tàn nhẫn. Mẹ mất mà đến một giọt nước mắt bố cũng không chảy, còn tuỳ tiện cho người khác những di vật của mẹ.”
Bố tôi không nói không rằng, nhưng bà cô đã nhảy chồm lên. “Mày cũng chẳng phải là người nhà này, làm gì có tư cách mà nói câu ấy!”
“Im ngay!”
Người nổi cáu không phải là tôi, mà là bố tôi, bà cô sợ giật bắn người, lắp bắp nói thêm: “Con gái lấy chồng như bát nước hắt đi, ý em muốn nói là như vậy đấy.”
Bà cô tôi từ trước đến nay luôn có ý gây rối, tôi cũng chẳng muốn nói qua nói lại với cô làm gì. Tôi chỉ thầm nghĩ, cô cũng là con gái nhà họ Hứa đã đi lấy chồng, thế mà chuyện gì của nhà anh trai cũng muốn xen vào như chuyện của mình, đúng là mâu thuẫn đến nực cười! Lúc này, tôi chỉ bực mình nhìn bố. Hình như bố cũng chưa bao giờ nhìn thấy tôi nổi nóng như lúc này. Vả lại, dù sao tôi cũng đã trưởng thành và kết hôn rồi, ông không thể nào mắng tôi là “mất dạy” như trước kia được nữa. Ông chỉ né tránh ánh mắt của tôi, nói với bà cô: “Đừng đứng đấy nói linh tinh nữa, để tôi đưa cô ra ga.”
Cô tôi bước ra mà mặt vẫn hầm hầm, tuy không mang theo cái túi vừa nãy nhưng trong tay vẫn xách một túi hành lý và hai chiếc túi to chẳng kém gì.
Cánh cửa bị bà cô đóng rầm một cái, căn phòng bỗng trở nên yên tĩnh đến đáng sợ.
Đây là căn hộ gồm hai phòng khách, ba phòng ngủ mà bố mẹ tôi mua lại của cơ quan, cách bệnh viện nơi mẹ làm việc rất gần. Phòng ốc cũng khá rộng rãi, nhưng cách bài trí lại đơn giản, cũ kỹ, giống hệt như những năm 80 của thế kỷ XX.
Bố tôi làm cán bộ trong một doanh nghiệp lớn, mẹ là bác sĩ, hai người họ có chế độ đãi ngộ rất tốt, nhưng mua lại một căn hộ với giá phúc lợi như vậy vẫn còn phải cắn răng cố gắng lắm mới mua được. Nói ra chắc cũng chẳng ai tin, chỉ có tôi và em trai là hiểu rõ. Quê bố tôi là một vùng núi nghèo, bố lại đông anh chị em, hơn nữa chỉ có một mình ông ở thành phố, thế nên mọi việc chăm sóc ông bà nội khi ốm đau hay ma chay ông đều phải lo liệu. Sau đó ông còn phải gửi tiền về giúp đỡ anh chị em ở quê, thậm chí cả cháu chắt và một số bà con họ xa. Thế nên mười mấy năm qua, gia đình tôi dường như chẳng dành dụm được gì.
Mẹ vốn là người tiết kiệm, sau khi tôi đi làm, có ít tiền dư dả, tôi bắt đầu mua sắm một ít quần áo đẹp và đồ trang sức biếu mẹ, nhưng mẹ lúc nào cũng kêu ca, trách mắng tôi lãng phí. Tuy thế, mẹ cũng là người thích đẹp và có địa vị trong cơ quan nên khi mặc những bộ đồ tôi mua, khuôn mặt mẹ cũng ánh lên niềm vui và mẹ cũng tỏ ra rất nâng niu, quý trọng những món đồ đó.
Nghĩ đến đồ trang sức, tôi liền chạy ào vào phòng ngủ, mở ngăn kéo đầu giường, bên trong trống không đúng như tôi dự đoán.
Trở ra phòng khách, tôi cầm chiếc áo choàng lên, nhớ rất rõ đây là món quà tôi đã tặng mẹ nhân dịp sinh nhật năm mươi lăm tuổi. Gia đình tôi từ trước tới nay không để ý, không coi trùng sinh nhật. Thế nên, đừng nói đến thổi nên, ăn bánh ga tô, mà ngay cả bát mì trường thọ cũng chẳng bao giờ có. Khi tôi đưa túi quà tặng mẹ, mẹ còn lúng túng khó xử, và tỏ ra lạnh lùng khiến tôi thầm thở dài. Nhưng một tháng sau, mẹ bỗng bảo tôi: “Đồng nghiệp bảo mẹ mặc chiếc áo này rất vừa, rất đẹp.”
Nói xong, khoé miệng mẹ còn vương nụ cười, gương mặt mẹ bỗng bừng sáng, sinh động hẳn lên. Giữa hai mẹ con tôi rất ít khi có những lúc nói chuyện tâm sự như vậy, nghĩ đến đó, nước mắt tôi cứ thể chảy ra, rơi lã chã xuống chiếc áo.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu, đến lúc Tử Đông đi làm về, nó ngồi xuống bên cạnh tôi, hai tay nắm lấy vai tôi. “Chị, sao chị khóc thế?”
Nghe tôi kể những chuyện vừa xảy ra, nó thờ dài, chẳng nói câu nào. Ttôi hỏi nó: “Chắc em thấy chị sống mềm yếu, ích kỷ lắm phải không?”
“Ích kỷ á? Đương nhiên là không rồi. Trước đây, em họ chả tự ý lấy cái máy tính xách tay chị mới mua, thế mà chị có nói gì đâu. Em biết tâm trạng chị đang buồn, em cũng vậy. Có điều, dù sao họ cũng là người thân của chúng ta…”
Tôi bực mình, nói: “Mười mấy năm nay, bọn họ qua lại như mắc cửi, xin hết cái nọ đến cái kia, từ cái nhỏ là hạt giống gieo trồng, đến cái lớn là tiền đóng học, tiền xây nhà, tiền khám bệnh, tiền mừng con trai lấy vợ, con gái gả chồng, thậm chí cả tiền phạt sinh đẻ vượt kế hoạch và bọn họ đều được đáp ứng đầu đủ thông qua bố. Đến khi mẹ bị bệnh, nhà mình vẫn phải tiếp đón họ, sắp xếp nơi ăn chống ở cho họ, chỉ sơ suất một chút là họ đã phàn nàn, trách móc. Đừng có bảo chị là em cũng coi họ là họ hàng đúng nghĩa đấy.”
Tử Đông cười khổ sở. “Đúng vậy, em thấy mấy người trong họ quả thật là đáng sợ, mẹ mình đã phải hi sinh rất nhiều. Nhưng bao nhiêu năm qua, em nghĩ chị cũng phải quen với việc đó như em. Em đoán chị vẫn bất mãn với bố lắm.”
Em trái kém tôi sáu tuổi có lẻ nhưng lại phân tích rất tài tình nguyên nhân ẩn chứa phía sau tình cảm mà tôi bộc lộ qua nét mặt, bình tĩnh nhìn thấu được vấn đề, có được khả năng này có lẽ là do quá trình đào tạo, rèn luyện để giúp nó trở thành một bác sĩ nội khoa như bây giờ. Những ngày qua, sự bất mãn của tôi đối với bố đã tích tụ đến mức độ ko thể coi nhẹ.
“Mẹ vì ông ấy, gia đình ông ấy mà hy sinh, chịu đựng tất cả, nhưng ông ấy chẳng coi ra gì, ko có một chút thương tiếc, đau đớn nào, thậm chí còn có tâm trạng để tính toán xem mua loại thuốc lá nào để tiếp đón những người đi đưa đám, phải đặt nhà hàng ở đâu để mời họ ăn cơm, cảm tạ họ cho khỏi thất lễ.”
“Chị...dù gì những chuyện đó cũng phải có người lo liệu chứ!”
“Điều làm chị minh ngạc nhất là, khi từ mộ mẹ trở về, ông ấy bước vào nhà là bật ti vi lên xem rất chăm chú.”
“Không phải chị không biết bố ít giao tiếp, ko có nhiều sở thích, cũng ít bạn bè, đến trò chơi cờ qua mạng cũng không thích, bao nhiêu năm nay xem ti vi là trò giải trí duy nhất của bố mà.”
“Điều chị không thể chấp nhận được là ông ấy lại có tâm trạng giải trí ngay được.”
“Không thế thì biết làm sao? Chị thích nhìn thấy bố lúc nào cũng khóc lóc, không ăn không ngủ túc trực bên bàn thờ của mẹ, không nói không rằng, tuần nào bất kể mưa nắng cũng đến mộ mẹ thăm viếng, rồi sống lặng lẽ cô độc đến chết ư? Có lẽ làm như vậy sẽ phù hợp với cách nghĩ của chị, nhưng bố ko phải là người như thế, liệu có miễn cưỡng được không?”
Tôi giận dữ trừng mắt lên nhìn Tử Đông.“Em coi chị là kẻ ngốc đấy à? Chị không yêu cầu ông ấy phải như vậy, nhưng con người ông ấy, trái tim cứng như đá của ông ấy, lẽ nào là hợp lý ư?”
“Bố không phải là loại người như chị nói. Trong thời gian mẹ bị ốm, bố đã chăm sóc mẹ hết lòng.”
“Họ là vợ chồng, chăm sóc lẫn nhau không phải là bổn phận, trách nhiệm ư?”
“Chị, em là bác sĩ nội trú, đã nhiều lần chứng kiến người nhà bệnh nhân vì nhiều lý do khác nhau mà ko muốn chăm sóc bệnh nhân đấy.”
“Em không thể lấu những trường hợp đặc biệt đó ra để bao biện cho hành vi của bố là tốt đẹp, cao quý được.”
“Em chỉ nói sự thật thôi. Chị tin em đi, bố đã quen sống như vậy rồi, chị không thể yêu cầu ông ấy từ bỏ thói quen bao năm và dùng tư duy của chị để xử lí những vấn đề ông ấy gặp phải được.” Sau đó, nó dịu giọng nói: “Em biết những uất ức, bực bội trong lòng chị bao năm nay giờ mới bộc phát. Còn chuyện mấy chiếc áo, chị cũng không thể mang hết về treo ở nhà làm kỷ niệm được, cũng phải có cách xử lí chứ, chị hà tất phải tức giận về chuyện ấy làm gì.”
Tôi mệt mỏi dựa vào ghế xô pha. “Hôm đó, chị đã nói với bố là không nên tính toán giá cả mua phần mộ làm gì, anh Á Âu cũng bảo chị đòi hỏi quá khắt khe, có lẽ đàn ông bọn em sống thực tế hơn nên mới nghĩ chị hay chuyện bé xé ra to.”
“Ngay cả anh rể mà chị cũng trách thì thật không công bằng, thời gian qua bao nhiêu việc nhờ có anh ấy đã cố gắng hết lòng hết sức mới xử lí được ổn thoả như thế.”
Nghĩ đến mối quan hệ gần đây giữa tôi và Á Âu, tôi nhất thời chẳng thể nói được câu nào.
Tử Đông nắm chặt vai tôi, chân thành nói: “Chị, em biết chị có yêu cầu rất cao đối với mọi việc, chị hãy sống thoải mái, khoan dung một chút. Em cũng nhớ mẹ như chị, nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, chúng ta vẫn phải đối mặt với hiện thực. Tháng sau, các chú thím sẽ đến, chi bằng chị em mình dọn dẹp, sắp xếp di vật của mẹ một chút, chị muốn giữ lại đồ gì của mẹ thì mang về nhà chị, tránh để...”
Em trai không nói tiếp, nhưng tôi hiểu nó muốn nói gì bèn gật đầu.