Kể tới chuyện sau khi Trần Tín cầu hôn Văn gia bị từ chối, còn rất hẹp hòi áp dụng biện pháp chiến tranh lạnh, ngoài mặt nói rằng muốn quán triệt quân quy của quân Phá Lỗ, quy định tướng sĩ tới thôn Thanh Khê làm việc công, dù muốn ăn cơm cũng phải tới nhà thôn dân mua về. Vậy còn chưa đủ, mặt khác hắn còn bổ sung thêm một luật: Người đứng đầu quân Phá Lỗ không được tới nhà thôn dân. Quy định này rất có tính đâm chọt, bởi vì đứng đầu quân Phá Lỗ hiện nay chỉ có sáu người. Mặt Thẹo, Hạ hắc tử và Hồng đại hồ tử tự nhiên bị liệt vào. Quy định này vừa ra làm cả bọn than thở đau đớn, nhưng chỉ biết giận suông chứ chẳng dám phàn nàn. Ai cũng biết hiện tại lão đại đang cực kỳ khó ở, dù người ngốc cũng không dám chạy ra hứng xui.
Không ai tới ăn chùa, Văn Đan Khê và Lý Băng Nhạn cũng thảnh thơi hơn rất nhiều. Hai người vẫn làm việc bình thường như mọi khi, cần gì làm nấy. Bẵng qua mấy ngày, cây khoai lang giống trong sân đã lớn, hai người bắt đầu đào luống để dời giống khoai lang vào trồng. Tuy nhiên xét cho cùng sức hai người cũng có hạn, tới khi trời sụp tối mới đào non phân nửa. Nhưng điều làm cho người ta ngỡ ngàng chính là, hôm sau quay lại thì từng luống đất ngay hàng thẳng lối đã lù lù trước mắt hai người. Không cần phải bàn cãi, đây nhất định là do bọn Mặt Thẹo làm. Văn Đan Khê áy náy, bèn đi tìm hai người cảm ơn. Kết quả chẳng ai dám nhận.
Sau đó lại liên tiếp xảy ra những chuyện tương tự, Văn Đan Khê bèn noi theo cách trước đây mời họ tới nhà ăn cơm. Mặt Thẹo và Hạ hắc tử ấp úng không chịu qua, Văn Đan Khê khó hiểu nên gặng hỏi tới cùng. Rốt cuộc Hạ hắc tử chịu thua đành nói cho cô hay: “Khụ khụ, Văn đại phu, cấp trên đó đó, không thích bọn ta tới nhà cô ăn cơm. Nếu biết được thế nào bọn ta cũng bị dạy dỗ.”
Văn Đan Khê xám xịt mặt mày, sao tên này ấu trĩ thế! Cầu hôn không được, thì vạch rõ ranh giới với cô!
Ngay sau đó cô nói thêm: “Vậy các huynh cũng đừng làm việc giúp ta nữa, bằng không về lại phải chịu giáo huấn.”
Hạ hắc tử đáp vội: “Ngài ấy chỉ nói không cho ăn chứ chưa nói không cho làm.”
Văn Đan Khê: “…”
Qua tiếp mấy ngày, Văn Đan Khê đang tới sân đập lúa thì vô tình gặp Trần Tín, cô nghĩ dù gì hai người cũng quen biết, cứ im thin thít mà đi một nước thì cũng không hay. Vì thế cô mỉm cười chào hỏi hắn như mọi hôm.
Ai ngờ đối phương cứ như chẳng nhìn thấy cô, lưng thẳng tắp, mặt căng cứng, xoay ngoắc đầu hệt như bị trẹo cổ bước phăm phăm đi luôn.
Văn Đan Khê ngượng chín mặt, cô lấy lần này làm bài học, lúc gặp lại hắn, việc làm trước nhất là hất đầu sang chỗ khác. Mấy lần gặp sau, lúc hai người vô tình gặp nhau thì lại đấu xem ai hất đầu đi trước tiên.
Vân Đan Khê cảm thấy vừa bực mình vừa tức cười, hình như chỉ số thông minh của cô cũng tụt xuống theo người này luôn rồi, chỉ lúc bé cô mới chơi cái trò ghi thù này thôi.
Bầu không khí quái đản này kéo dài mãi tới mùa gặt lúa mạch tháng năm.
Bởi vì thu hoạch lúa mạch nên quân Phá Lỗ cho binh sĩ trong dân đoàn tạm nghỉ, để họ quay về nhà gặt lúa. Nhưng chính họ cũng rõ hơn ai hết thời điểm này khác xa với bình thường, nói không chừng bọn mã phỉ không có mắt sẽ tới cướp lương thực. Vì thế trên núi Nhạn Minh, ngoại trừ lính canh phòng thủ ra, phần lớn đều xuống núi tỏa ra các thôn tuần tra gõ mõ cầm canh, để đề phòng bọn mã phỉ đánh lén. Đôi khi những người này còn giúp đỡ hương dân làm việc.
Thôn Thanh Khê trở thành tổng bộ của quân Phá Lỗ, do Trần Tín đích thân dẫn người trấn thủ.
Đất của nhà Văn Đan Khê đã cho mướn, cô thấy nhàn rỗi cũng hoàn nhàn rỗi, bèn đội mũ rơm cùng Lý Băng Nhạn tới ruộng mót lúa, hai đứa trẻ cũng đi theo. Bốn người thong thả khoan thai, vừa đùa vừa nhặt, mấy ngày liền cũng nhặt được kha khá.
Văn Đan Khê bóc vỏ lúa mạch, định bụng dùng số lúa mạch mới để làm món Mạch Nhân Tao. Món ăn vặt này là cô học từ bà ngoại ở Trịnh Châu. Trước đây vì sức khỏe mẹ không tốt nên cô chủ động học nấu ăn để báo hiếu cha mẹ. Cơ mà, vì trong nhà cô có vú nuôi, nên chuyện rửa rau xắt thức ăn không cần cô động tay vào, cô chỉ lo mỗi chuyện bắt nồi lên bếp là xong. Khác hẳn ở đây, chuyện gì cũng phải tự tay làm.
Văn Đan Khê lắc lắc đầu, tạm thời đuổi hết chuyện cũ ra khỏi óc, chăm chỉ làm việc tiếp. Trước tiên cô ngâm lúa mạch mới vào nước nửa canh giờ, lọc ra phơi cho ráo nước, rồi dùng cối đá giã vỏ ngoài, sau đó bỏ vào trong nồi đun sôi, đổ vào lượng rượu gạo vừa phải, quấy đều rồi đậy kín, lên men hai ba ngày sau là có thể ăn được. Vì dạo này trời nóng, không thể để lâu mà phải tranh thủ ăn hết thật nhanh, nên Văn Đan Khê mang tặng một ít cho hàng xóm nếm thử.
Ngờ đâu lũ trẻ hàng xóm ăn hết rồi lại tụ tập trước cửa sân Văn gia ngó vào trong với ánh mắt tội nghiệp, cuối cùng Văn Đan Khê dứt khoát bưng cái chậu lớn ra cửa, xới vào từng cái chén mà lũ trẻ con tự cầm tới. Bọn nhỏ bưng cái chén con ăn tới ngon lành. Mạch Nhân Tao còn ngọt hơn đường nữa, thả xuống giếng làm lạnh, lúc ăn vị tinh khiết thơm lừng xông vào mũi, chua ngọt khoái khẩu. Đứng ở tít đằng xa cũng ngửi được mùi nhàn nhạt của rượu nếp và lúa mạch.
Mặt Thẹo và Hạ hắc tử hít hít mũi, đã thèm chảy nước dãi từ đời nào. Nếu như trước đây thì thể nào Văn Đại phu cũng gọi họ vào ăn từ lâu. Bây giờ thành ra thế này… Đại ca thật là, một đại nam nhân sao lại nhỏ mọn vậy chứ!
Mọi người nghĩ rồi đồng loạt ngó về phía Trần Tín bằng ánh mắt ai oán, dù Trần Tín là đại ca nhưng cũng không chịu nổi loại cáu giận hội đồng này.
Sau cùng Tần Nguyên còn rất không phúc hậu nhóm thêm một que diêm đốt nhà: “Chẳng lẽ đại ca vì yêu mà sinh hận? Hiện tại hương thân cũng nhìn ra chút chút rồi đấy.”
Trần Tín vừa nghe thì vẻ mặt càng mất tự nhiên hơn. Rốt cuộc hắn vung tay nói: “Ta mặc kệ, các ngươi thích làm gì thì làm.”
Dứt lời dắt ngựa đi thẳng. Mọi người thoát khỏi lệnh cấm thì giải tán ngay lập tức. Mặt Thẹo và Hắc tử càng sốt ruột hơn, nhanh chân đi tới trước cổng sân Văn gia.
Mặt Thẹo chen lên đằng trước, đứng trước mặt Văn Đan Khê cười hề hề nói: “A, Văn đại phu, đại ca vừa nói bọn ta thích làm gì thì làm.”
Văn Đan Khê bị chói nắng nên hơi lơ mơ, nhất thời không phải ứng kịp, chỉ xuôi miệng đáp một câu: “A, vậy rất rốt.”
Mặt Thẹo: “…”
Hạ hắc tử đổi cách thức, hắn ngọt ngào hỏi đứa nhỏ bên cạnh: “Bé Ngưu, ăn ngon không?”
Bé Ngưu phồng quai hàm gật đầu lia lịa: “Tất nhiên rất ngon rồi, huynh coi ta ăn ngon ghê chưa!”
Hạ hắc tử: “…”
Cuối cùng nhóc Tuyết Tùng vẫn là người đầu tiên phát hiện ra, nhóc vui vẻ chạy lại giơ cái chén nhỏ lên, nói giọng giòn tan: “Hắc thúc thúc, thúc muốn ăn không? Cháu cho thúc nè.”
Đến đây Văn Đan Khê mới tỉnh táo lại, hóa ra họ đang muốn nói với mình là có thể ăn cơm ở nhà mình rồi. Thế là cô đứng dậy vào nhà cầm chén đũa ra cho họ.
Bọn nhỏ thấy có đối thủ mạnh tới cạnh tranh nên đứa nào đứa nấy lập tức tăng nhanh tốc độ, còn đồ trong chén mà mắt thì vẫn nghía cái chậu to. Ăn xong rồi lại chìa cái chén không tới, liếm cái miệng nhỏ nhắn trơn hồng, mở to mắt nhìn Văn Đan Khê đầy chờ mong.
Văn Đan Khê xìu mặt nói: “Bé Ngưu, bé Cẩu mấy đứa đã ăn hai chén rồi, ăn nữa bụng sẽ phình to ra cho xem, nghe lời đi, lần tới cô cô làm thêm cho mấy đứa ăn.”
Mấy đứa bé xị mặt ra nhưng đành phải nghe lời.
Mặt Thẹo chén sạch một phần còn chưa đã ghiền, bồi thêm câu nữa: “Văn đại phu, lát nữa ta khiêng cho cô hai bao lúa mạch, cô làm thêm được không.”
Văn Đan Khê có hơi khó xử: “Mấy bữa trước ta đập lúa cả buổi, giờ tay vẫn còn mỏi.”
Hạ hắc tử quẹt miệng nói: “Chút chuyện thôi mà, cứ giao hết cho bọn ta, để bọn ta đập cho.”
Văn Đan Khê thấy hai người hứng chí bừng bừng nên đành phải dặn dò vài vấn đề cần chú ý, để cho họ rửa sạch lúa mạch trước, rồi mang vào sân giã.
Hoàng hôn dần tắt phía sau đồi, ánh tà chiều trải đỏ góc trời Tây. Chẳng bao lâu sau màn đêm đã buông xuống, trăng non mới nhú trong làn gió đêm hiu hiu.
Bên ngoài sân phơi thỉnh thoảng vẳng lại tiếng bọn trẻ dí nhau tíu tít và tiếng cười nói sang sảng của người lớn.
Văn Đan Khê ngồi trong sân hóng mát, Lý Băng Nhạn thì dắt hai đứa trẻ ra ngoài chơi, tỷ ấy còn kiên nhẫn với trẻ con hơn cả vị cô cô này nữa.
Văn Đan Khê đang mải nghỉ tới mức nhập thời, thì bỗng nghe thấy đằng sau phát ra một giọng cứng nhắc thiếu tự nhiên: “Cô than thở cái gì?”
Văn Đan Khê giật bắn quay vụt đầu lại, chợt thấy Trần Tín đã đứng sau lưng mình từ lúc nào không hay.
Văn Đan Khê kinh ngạc thấy rõ: “Ngài tới đây khi nào thế?” Chẳng phải tên này đang ghi thù với cô sao?
Trần Tín chếch đầu sang bên theo thói quen: “Tới lâu rồi, chỗ này mát.”
Văn Đan Khê: “…”
Hai người cùng im thin thít, chẳng ai biết nên nói gì tiếp.
Cuối cùng Trần Tín vẫn là người lên tiếng trước: “Tại sao mấy hôm nay cô phớt lờ ta?”
Văn Đan Khê buồn cười trong lòng, đây là vừa ăn cướp vừa la làng phải không?
Văn Đan Khê đáp theo sự thật: “Là ngài lờ ta trước. Ngài vừa ngó thấy ta là hất đầu đi y hệt cái cây trẹo gốc ở đầu thôn.”
Trần Tín ho húng hắng mấy tiếng, vẫn còn cãi chày cãi cối: “Cô không hất đầu đi à? Hơn nữa người sai chính là cô.”
Văn Đan Khê nhướng nhướng mày: “Có ai ra luật là người ta tới làm mai thì mình phải nhận lời đâu? Buôn bán mà không được phép chọn lựa sao! Không ngờ ngài là người có đầu óc hạn hẹp như vậy!”
Trần Tín vừa nghe thấy hai chữ “Đầu óc” thì nhất thời mất bình tĩnh.
Hắn căm tức hỏi: “Cô nói rõ cho ta, có phải cô cho là ta thiếu đầu óc thật không?”
Văn Đan Khê tức giận hỏi vặn lại: “Lẽ nào ngài không thiếu sao?”
“Ta…” Trần Tín lập tức nổi điên.
Cặp mắt hắn trợn trừng, nổi giận đùng đùng trừng Văn Đan Khê. Bầu không khí trở nên lạnh cóng.
Đột nhiên hắn như sực nhớ ra điều gì, nhảy phắt tới một bước, từ từ ép sát cô.
Văn Đan Khê lùi lại mấy bước theo phản xạ, thế nhưng sải chân của cô đâu nhanh bằng hắn, chỉ trong tích tắc Trần Tín đã tới sát bên cô, khoảng cách hai người quá gần, Văn Đan Khê có thể nghe thấy rõ tiếng hít thở có phần nặng nề của hắn.
Văn Đan Khê dùng quạt hương bồ chắn giữa hai người, giận dữ nạt: “Ngài muốn làm gì? Còn như vậy ta sẽ gọi người tới!”
Quả nhiên Trần Tín dừng lại, đứng bất động, rồi bỗng cười khì một tiếng: “Nếu ta thiếu đầu óc thật, thì ta sẽ làm quá đáng hơn hồi nãy nhiều.”
Văn Đan Khê chỉnh hắn với bộ mặt nghiêm túc: “Nếu ngài làm vậy, thì ngài chẳng những thiếu đầu óc, mà còn thiếu nhân tính, thiếu lương tâm.”
“…” Trần Tín tức tới nỗi xém nữa lăn đùng ra đất.