Ông cụ Thẩm biết Thịnh Minh Trản là con gái của trò cưng, lúc mới gặp Thịnh Minh Trản, ông khá thích, mọi việc rất bình thường.
Nhưng trò chuyện được một lúc, không biết nghĩ đến chuyện gì, nụ cười trên mặt cụ dần mất đi, bắt đầu lạnh nhạt với Thịnh Minh Trản, còn lớn tiếng quát mắng Thẩm Đại, tỏ thái độ khó chịu với bà, chỉ vì sự việc nhiều năm trước mà làm lớn chuyện, lại còn là lúc cả nhà đang quây quần ăn cơm.
Thịnh Minh Trản và Thẩm Nhung, hai đứa trẻ không biết cụ bị làm sao, nhưng Thẩm Đại hiểu rõ.
Chẳng qua là năm đó bà và ba của Thịnh Minh Trản đã từng có một đoạn tình cảm, nhưng cuối cùng không thành.
Giữa đường cô bị tên khốn nạn họ Bạo lừa gạt, sau đó hôn nhân cũng thất bại.
Đây là nỗi đau của ông cụ, cũng là nguyên nhân khiến ông không ngẩng đầu lên được trước mặt bạn bè, thân thích và cả đám đối thủ cũ trên giang hồ.
Nhìn Thịnh Minh Trản, từ ngũ quan của cô bé thấy được bóng dáng của cha khiến ông không kiềm chế được mà liên tưởng đến "nỗi nhục của nhà họ Thẩm", rồi phát bệnh không phân biệt trường hợp.
Bà không khuyên được, cũng lười khuyên.
Thẩm Đại thấy phiền muốn chết, mặc kệ cha già.
"Hồi trẻ ông con không như vậy đâu."
Thẩm Đại cũng không ở lại lâu, ăn cơm xong là đưa Thẩm Nhung và Thịnh Minh Trản về nhà.
Trên đường về, Thẩm Đại hơi đau đầu, vừa xoa huyệt thái dương vừa nói với Thịnh Minh Trản: "Có lẽ là mấy năm gần đây có quá nhiều người rời xa ông ấy... Ba của con, dì của Thẩm Nhung, đều là những người ông ấy rất tự hào và kỳ vọng."
Khi nhắc đến dì của Thẩm Nhung, Thịnh Minh Trản nhận thấy ánh mắt Thẩm Nhung có chút u ám.
Thịnh Minh Trản nhớ ra, dì của Thẩm Nhung quả thực đã qua đời vài năm trước.
Thẩm Đại tiếp tục: "Người thân lần lượt rời xa ông, mà dì cũng không như ông ấy mong muốn. Còn bản thân ông ấy thì sao, già rồi, những người trước đây vây quanh nịnh bợ, từ sau khi ông bị tai biến cũng chẳng thấy xuất hiện nữa, dịp lễ Tết có thể gửi tin nhắn gọi điện thoại đã là có lương tâm rồi. Ông phát hiện ra đời này ngày càng không nhớ đến ông ấy, cảm giác bất lực đó không dễ chịu đâu, có thể hiểu được."
Thịnh Minh Trản gật đầu.
Nói xong, Thẩm Đại cũng tự cảm thấy mình quá nghiêm túc. "Ôi, mẹ nói với con những chuyện rắc rối này làm gì, thôi không nói, sau này cũng không đưa con đến nhà ông bà nữa, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con. Bây giờ, việc cấp bách của chúng ta là lên kế hoạch thật tốt để đón Tết!"
Kỳ nghỉ đông bắt đầu, Tết cũng sắp đến.
Trước Tết, Thẩm Đại vội vàng giải quyết hết mọi việc trên thương trường, chỉ còn lại một số chuyện cần theo dõi, mỗi ngày ở nhà xem tiến độ và ký tên là được.
Đây là cái Tết đầu tiên Thịnh Minh Trản đón ở nhà họ.
Hơn nữa cánh tay của Thẩm Nhung vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, Thẩm Đại nghĩ sẽ cố gắng dành nhiều thời gian hơn để ở bên hai cô con gái.
Trước đó, khi đi họp phụ huynh cho Thịnh Minh Trản, Thẩm Đại đã nghe giáo viên chủ nhiệm nói, với thành tích của Thịnh Minh Trản thì việc vào trường trung học trọng điểm không thành vấn đề, hơn nữa cô bé là một đứa trẻ rất chủ động trong học tập, nên trong kỳ nghỉ Thẩm Đại sẽ không thúc giục cô bé học hành.
Ngược lại, thấy cô bé cứ ru rú trong phòng cả ngày, sợ học quá nhiều sẽ mệt mỏi, thỉnh thoảng Thẩm Đại lại gọi cô bé ra ngoài ăn chút gì đó, vận động tay chân, hoặc ra đường dạo chơi.
Dì Tưởng đã trở lại, mọi năm, việc chuẩn bị Tết đều do dì đảm nhiệm, sau khi làm xong dì ấy sẽ về nhà mình, đến mùng Bảy mới quay lại nhà họ Thẩm làm việc.
Năm nay Thẩm Đại ở nhà từ sớm, lại có thêm hai đứa trẻ phụ giúp, dì Tưởng đỡ vất vả hơn nhiều.
Có lẽ vì đổi cách xưng hô với Thẩm Đại, nên Thịnh Minh Trản cảm thấy mình đã hòa nhập vào Thẩm gia hơn, tự nhiên cũng nảy sinh nhiều trách nhiệm hơn.
Mặc dù Thẩm Nhung tuyên bố sẽ không gọi cô là "chị", nhưng trong lòng Thịnh Minh Trản đã coi cô bé như em gái ruột.
Khi ở bên Thẩm Nhung, cô luôn muốn chăm sóc cô bé.
Thẩm Nhung tự cao, đã thể hiện rõ từ khi còn nhỏ.
Những đứa trẻ khác bị gãy tay, chỉ muốn được nuông chiều như vua như chúa.
Còn Thẩm Nhung, cô bé sợ người khác nghĩ mình vô dụng.
Khi đi mua đồ Tết, Thẩm Nhung dù chỉ có một tay nhưng vẫn cố gắng cầm nắm, xách đồ khắp nơi, khiến Thịnh Minh Trản đứng bên cạnh lo lắng, sợ cô bé làm vỡ đồ mới mua, nên luôn đi theo sau giúp đỡ.
Càng gần Tết, người đi sắm Tết chật như nêm, chen chúc với nhau. Ngày nào cũng nghe tin đứa trẻ nhà ai đó bị lạc, cha mẹ phát điên, khiến Thẩm Đại lo lắng không yên. Mà Thẩm Nhung lại đang ở độ tuổi dễ bị bắt cóc nhất, dáng người nhỏ nhắn đáng yêu, con nổi bật trong đám đông, làm mẹ lo muốn khùng, lúc nào cũng phải dành một chút sự chú ý cho cô bé, sợ quay đi quay lại con gái yêu biến mất.
Thịnh Minh Trản trấn an Thẩm Đại: "Con sẽ trông chừng Thẩm Nhung, không để em ấy bị lạc đâu."
Nói xong, không cho đương sự cơ hội phản đối, Thịnh Minh Trản liền nắm lấy tay Thẩm Nhung. "Em đi theo chị, đừng nói chuyện với người lạ."
Thịnh Minh Trản nghiêm túc dặn dò.
Thẩm Nhung nhìn hai bàn tay nắm chặt của họ.
Ôi, cảm thấy mình bị coi như học sinh tiểu học, xấu hổ, muốn giãy ra.
Nhưng lòng bàn tay của Thịnh Minh Trản khô ráo và ấm áp, năm ngón tay trắng nõn thon dài, lại cao thêm một phân nữa, đứng bên cạnh đúng là rất an toàn.
Dù đi đến đâu, chiều cao và ngoại hình của Thịnh Minh Trản cũng sẽ thu hút sự chú ý. Thẩm Nhung cũng không biết tại sao, cô bé không muốn Thịnh Minh Trản thu hút sự chú ý của người khác như vậy.
"Ai thèm nói chuyện với người lạ chứ."
Cuối cùng Thẩm Nhung không giãy ra, cứ để Thịnh Minh Trản nắm tay.
Cho dù có bao nhiêu người nhìn Thịnh Minh Trản đi chăng nữa - Thẩm Nhung nghĩ thầm, họ cũng thấy chị ấy đang nắm tay mình.
Nhận được sự đồng ý ngầm của Thẩm Nhung, Thịnh Minh Trản dần dần hình thành thói quen. Chỉ cần đến nơi đông người, cô sẽ nắm chặt tay Thẩm Nhung để tránh cô bé bị lạc. Thẩm Nhung cũng mặc nhiên để cô nắm tay.
Vì nắm tay Thẩm Nhung, Thịnh Minh Trản chỉ còn một bên tay để sử dụng, thế nên đã rèn luyện được các kỹ năng như một tay mở ô, gấp ô, xách túi lớn túi nhỏ,...
Mỗi lần thấy Thịnh Minh Trản chống cán ô vào eo, những ngón tay thon dài, linh hoạt di chuyển dọc theo khung ô, Thẩm Nhung đều nhìn thêm một chút.
Cho đến khi Thịnh Minh Trản nhấn nút, "cạch" một tiếng, một tay gấp ô lại, Thẩm Nhung mới giả vờ như không có chuyện gì, quay đi chỗ khác.
Tại sao ngón tay của Thịnh Minh Trản lại đẹp và khéo léo vậy chứ?
Ban đầu Thẩm Nhung đã âm thầm khám phá những điểm khác biệt của Thịnh Minh Trản, dần dần có cái nhìn khác về đối phương, không ngờ còn có những chiêu thức lợi hại hơn.
Hôm đó đến cửa nhà, Thẩm Nhung không cẩn thận suýt ngã, tay trái Thịnh Minh Trản đang xách một chậu hoa, mắt nhanh tay lẹ, vòng tay phải qua eo cô bé, vững vàng ôm lấy.
Thẩm Nhung cảm thấy vòng quanh eo mình không phải là cánh tay của ai đó, mà là một dây thép được bọc trong lớp da mềm mại.
Mạnh mẽ, và đáng tin cậy.
"Cẩn thận." Thịnh Minh Trản dùng lực ở eo, cùng Thẩm Nhung đứng thẳng dậy.
"Chị, sức khỏe tốt ghê." Thẩm Nhung có chút ngưỡng mộ, nhìn Thịnh Minh Trản nói.
"Cao hơn em 20cm, phải vậy chứ."
"... Không có 20 đâu nhé, em 1m55 rồi, mà em đã dậy thì đâu. Sau này chắc chắn em sẽ cao hơn chị."
Thịnh Minh Trản sửa lại kính, cười nói: "Được rồi, miễn là em không bị ngã gãy chân nữa là được. Nếu không, với tình trạng gãy tay gãy chân này, em thực sự không có cơ hội vượt qua chị đâu."
"..."
Đôi khi Thẩm Nhung cảm thấy Thịnh Minh Trản có cái miệng chỉ để chọc tức mình.
Thịnh Minh Trản không trêu cô bé nữa, "Đường trơn, giày của em không chống trượt. Nếu không được thì em nắm lấy vạt áo chị nhé."
Thẩm Nhung: "..."
Lại đôi khi Thẩm Nhung lại cảm thấy, cái miệng của Thịnh Minh Trản ngoài việc chọc tức, dường như thỉnh thoảng cũng có thể nói ra những lời dễ nghe.
Ban đầu tưởng rằng em bé Thẩm Nhung sẽ lại có một tràng lý lẽ ngang ngược, không ngờ lại không nói gì, nghe theo lời Thịnh Minh Trản, nắm lấy vạt áo của cô.
Có chút ngoan ngoãn.
Thịnh Minh Trản hơi bất ngờ, len lén nhìn cô bé đi bên cạnh qua bóng hình phản chiếu trên cửa kính.
Thì ra Thẩm Nhung cũng có thể ngoan như thế.
Cảm xúc quen thuộc nào đó đang trỗi dậy trong lòng, ác ý cọ xát trái tim cô.
Trán Thịnh Minh Trản dần dần toát ra mồ hôi lạnh mỏng.
Cô cố gắng bình tĩnh lại, đưa Thẩm Nhung vào nhà.
Thẩm Đại dẫn hai đứa trẻ đi dạo phố liên tục ba ngày, mỗi ngày đều nhét đầy cốp xe mới chịu dừng.
Thịnh Minh Trản không hiểu tại sao Thẩm Đại lại mua nhiều đồ như vậy chỉ để đón Tết.
Cứ như thể muốn đổi tất cả mọi thứ trong nhà vậy.
"Đúng vậy, nếu không phải chuyển nhà quá phiền, em nghĩ mẹ có thể sẽ đổi một căn nhà mới mỗi năm."
Mua được nửa chặng đường, Thẩm Đại đang để lại địa chỉ giao hàng cho nhân viên cửa hàng, Thẩm Nhung ăn kem ốc quế sô cô la mà Thịnh Minh Trản mua cho, ngồi trên chiếc ghế cách đó không xa, vừa gặm vừa "giải đáp thắc mắc" cho Thịnh Minh Trản.
"Đừng thấy mẹ mạnh mẽ thế, thực ra mẹ rất sợ cô đơn."
"Chị cũng thấy rồi đấy, mẹ và bố mẹ không hòa thuận, không thể về nhà đón Tết. Chỉ cần ở bên nhau hơn ba tiếng, họ sẽ không kiềm chế được, nói những lời khó nghe, móc mỉa, chọc tức đối phương để thỏa mãn bản thân. Nếu đón Tết cùng nhau, e rằng không ai có thể nhìn thấy mặt trời ngày mùng Một."
Thẩm Nhung tưởng tượng ra cảnh đó, cười, tiếp tục nói: "Trước đây có hai mẹ con em ăn Tết với nhau thôi, mẹ thích bật tivi thật to, ồn ào muốn chết. Rồi mua một đống đồ linh tinh chưa chắc đã dùng đến, tự mình dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại nhà cửa, thay đổi vị trí của tất cả mọi thứ. Nhà chất đầy đồ, có cảm giác mới mẻ, chỉ vậy mẹ mới cảm thấy có không khí."
Phần lớn thời gian, trong mắt Thịnh Minh Trản, Thẩm Nhung cũng chỉ là một đứa trẻ 13 tuổi ngây thơ.
Thỉnh thoảng, cô bé lại không chỉ là một đứa trẻ 13 tuổi, mà giống như 23, thậm chí là 33 tuổi.
Ví dụ như khi nói về Thẩm Đại.
Quả thực như Thẩm Nhung đã nói, Thịnh Minh Trản cũng nhận ra.
Khi đi dạo trung tâm thương mại, Thẩm Đại thấy gì cũng muốn mua, gần như là tiêu xài để bù đắp, như thể muốn bù lại sự thiếu hụt cả năm bận rộn mà không có thời gian mua sắm.
Thêm yếu tố mới mẻ cho cuộc sống, đó là nguồn gốc của cảm giác an toàn của Thẩm Đại.
"Còn em?" Thịnh Minh Trản ăn kem ốc quế cùng loại với Thẩm Nhung, quay đầu hỏi cô bé:
"Em có sợ cô đơn không?"
Thẩm Nhung chìm vào suy nghĩ, dường như đang tự vấn bản thân, một lúc sau mới nói: "Có lẽ... một chút. Nhưng em không sợ bản thân cô đơn, em chỉ sợ sự cô đơn khiến mẹ không vui. Em sợ tất cả những điều khiến mẹ không hạnh phúc."
Sau khi bước vào nhà họ Thẩm, Thịnh Minh Trản dần dần hiểu rõ về hai mẹ con. Càng hiểu rõ mối quan hệ thân thiết hơn cả mẹ con bình thường của họ, là sự ăn ý đạt được sau khi cùng nhau trải qua những năm tháng đen tối.
Vì vậy, Thịnh Minh Trản nghĩ thầm, Thẩm Nhung có thể chấp nhận mình, là vì mẹ sao?
Vì mẹ thương mình, muốn cho mình một mái ấm, dù Thẩm Nhung không vui, cũng vì không muốn mẹ buồn mà phải làm một đứa trẻ tận tâm. Phải chấp nhận chia sẻ tình yêu thương của mẹ với người khác.
Khi đó, cả Thẩm Nhung và Thịnh Minh Trản đều không biết, họ có sự tương đồng đáng kinh ngạc, trong trái tim non nớt chưa trải sự đời, lo lắng bất an dựa vào kinh nghiệm sống còn hạn hẹp, bị sự xao động của tuổi dậy thì cuốn đi, không ngừng suy đoán.
Và trong những suy đoán đó, họ dần dần đến gần nhau hơn.
Đêm giao thừa.
Ba người ăn xong bữa cơm tất niên do Thẩm Đại đích thân làm, vừa cắn hạt dưa, ăn hoa quả, vừa ôm một đống đồ ăn vặt, ngồi trên ghế sofa xem Gala Chào Xuân.
Thẩm Đại rất hài lòng, "Đây mới là không khí của Tết!"
Thẩm Nhung và Thịnh Minh Trản hoàn toàn không thể thưởng thức được cái đẹp của Gala Chào Xuân.
Đối với những điểm hài hước kỳ lạ của Thẩm Đại và Gala Chào Xuân cũng hoàn toàn không thể hiểu được.
Nhưng cả hai đều không nói muốn chuyển kênh, cũng không muốn làm gì khác, chỉ cùng Thẩm Đại xem, vừa xem vừa trò chuyện vừa ăn uống.
Thỉnh thoảng bị chương trình chọc cười vài tiếng, cũng khá vui vẻ.
Có một tiết mục hài kịch thực sự không thú vị, ngay cả Thẩm Đại cũng không xem nổi, nói đi vào nhà vệ sinh.
Thẩm Đại vừa đi, Thẩm Nhung liền nói với Thịnh Minh Trản: "Chuẩn bị xong chưa?"
Thịnh Minh Trản: "Chuẩn bị gì?"
"Chuẩn bị nói vài lời nịnh nọt, tiện thể biểu diễn tình cảm mẹ con sâu đậm."
"?"
Thẩm Nhung quá hiểu rõ mẹ yêu.
Thẩm Đại không đi vệ sinh gì ráo, mà là lén đi lấy lì xì.
Thẩm Đại trở lại với nụ cười bí ẩn trên mặt, hai tay giấu sau lưng, gọi hai cô con gái đến trước mặt.
Thẩm Đại còn chưa kịp trêu đùa đủ thì Thẩm Nhung đã vạch trần bà.
"Cảm ơn cô Thẩm của con, chúc mừng năm mới, mãi mười tám tuổi - muazzz"
Thẩm Nhung không cho Thẩm Đại cơ hội phản ứng, dùng tay trái còn cử động được của mình để ôm lấy cổ Thẩm Đại hôn mạnh lên má mẹ.
Tay phải Thẩm Nhung vòng ra sau lưng Thẩm Đại, nhanh chóng rút phong bao lì xì giấu ở sau eo.
Thẩm Đại bất mãn: "Nè, ranh con, mẹ chưa nói gì mà!"
Thẩm Nhung đã ngồi lại trên ghế sô pha, phong bao lì xì chưa mở, nhưng chỉ cần bóp nhẹ độ dày là biết bên trong có 2000 tệ.
"Không cần nói, mẹ muốn nói gì con còn không biết sao? Quay đi quảnh lại cũng mấy câu, nào là "học hành chăm chỉ", "năm sau phải ngoan ngoãn". Con đã nói thay mẹ rồi, giúp mẹ tiết kiệm sức lực, mẹ phải cảm ơn con mới đúng."
Thẩm Đại: "..."
Con mắm này giống ai vậy?
Vừa đáng yêu vừa đáng ghét.
Tay Thẩm Đại vẫn còn một phong bao lì xì giống hệt, đương nhiên là để dành cho Thịnh Minh Trản.
Bà vừa quay người lại đã thấy Thịnh Minh Trản lúng túng đứng sau lưng mình.
"Cái đó, mẹ, năm mới, vui vẻ."
Thịnh Minh Trản giống như một AI vừa nhận được lệnh, một câu ngắn ngủi như vậy mà nói lắp bắp.
Cánh tay khẽ dang ra, nhớ đến hành động vừa rồi của Thẩm Nhung, có chút do dự.
Không phải muốn lì xì.
Chỉ muốn nói với Thẩm Đại một câu mà mọi người thường nói với gia đình vào đêm giao thừa.
Cô không biết mình có nên học Thẩm Nhung không, như một cô con gái đáng yêu chạy đến ôm Thẩm Đại, rồi hôn lên má một cách thân mật, làm nũng một chút không.
Đã quá lâu cô không làm con gái.
Không biết một cô con gái đáng yêu ở độ tuổi của cô nên như nào.
Thấy sự luống cuống của Thịnh Minh Trản, Thẩm Đại, người đã uống một chút rượu trước đó, bật cười, mặt đỏ bừng.
Bà chủ động ôm Thịnh Minh Trản, vỗ nhẹ vào lưng cô hai cái, nói lớn:
"Mẹ không tạo áp lực cho con. Chúc mừng năm mới, con gái ngoan. Chỉ cần con vui vẻ là được, thật đấy!"
Ban đầu Thịnh Minh Trản còn ngại không dám nhận lì xì của Thẩm Đại, Thẩm Đại trực tiếp nhét vào túi con gái, nói đây là một trong những quy tắc của nhà họ Thẩm, không được từ chối.
"Một trong những quy tắc? Vậy, những quy tắc khác là gì?"
Thịnh Minh Trản hỏi rất chân thành.
Một lần nữa, Thẩm Nhung giải đáp thắc mắc: "Thứ nhất là dù bận đến đâu cũng phải cùng nhau xem Gala Chào xuân. Thứ hai là phải chúc Tết và nhận lì xì vào đêm giao thừa."
"Hóa ra là vậy, vậy con xin nhận. Cảm ơn mẹ."
Thịnh Minh Trản thực sự rất muốn hòa nhập vào nhà họ Thẩm, trở thành một phần của gia đình.
Thẩm Đại đính chính: "Tiểu Nhung, con có bỏ sót gì không? Còn một điều nữa."
"Sao mẹ còn dám nói vậy chứ, thưa bà Thẩm." Thẩm Nhung khinh bỉ nói: "Vốn dĩ có điều thứ ba, là đốt pháo hoa. Nhưng cả hai chúng ta đều không dám đốt, mẹ không nhớ điều này đã bị gác lại bao nhiêu năm rồi sao?"
"Haiz..." Thẩm Đại nói, "Mặc dù chưa bao giờ thực hiện được, nhưng đó cũng là truyền thống của gia đình chúng ta."
Thẩm Nhung mỉm cười: "Đúng vậy, một truyền thống chưa bao giờ được thực hiện."
Thẩm Nhung rất thích đốt pháo hoa, nhưng chỉ khi còn rất nhỏ, khi ông cha họ Bạo còn là một người bình thường, ông ấy mới đốt cho cô.
Sau đó, họ Bạo lăng nhăng bên ngoài, cuốn gói ra khỏi nhà, không còn ai đốt pháo hoa trong nhà họ Thẩm vào dịp Tết nữa.
Nói xong, Thẩm Nhung cảm thấy khá chán nản.
Tại sao cô lại nhắc đến chuyện này, khiến Thẩm Đại thêm buồn lòng chứ.
Thẩm Nhung vừa định nói "Thôi bỏ đi".
Nhưng lại nghe Thịnh Minh Trản lên tiếng: "Pháo hoa, con có thể."
Thẩm Đại và Thẩm Nhung nhìn về phía cô.
Thịnh Minh Trản nói: "Con không sợ, con có thể đốt!"