Trước khai giảng một ngày, Thạch Nghị bày vài cuốn vở lên bàn, cẩn thận xếp chồng lên, sau đó bỏ vào cặp sách. Anh nhìn mấy cuốn vở mà suýt nhảy dựng lên – không ngờ lại làm hết bài tập hè trước khi kỳ nghỉ chấm dứt!
An Thừa Trạch hết biết nói gì, tổng cộng chỉ có hai sách bài tập văn toán, cùng mấy đề thi toán cuối kỳ, dăm bài tập đọc và chép chính tả, hắn vừa làm vừa mơ màng mà hai ngày đã làm hoàn tất. Học sinh tiểu học những năm 90 quả thực chính là những cô cậu học trò sung sướng và thoải mái nhất trong lịch sử, nào giống đồng sinh thời xưa phải học tập không ngừng nghỉ, hơn nữa còn học bằng cách thuộc lòng và bị đánh bản tử; cũng không như học trò sau thế kỷ hai mốt, thành tích không những phải tốt, mà còn phải phát triển năng khiếu sau giờ học. Hắn nhớ rõ khi đó con gái An Chí Hằng năm tuổi, chưa đến tuổi đi học mà đã được đăng ký cho bốn lớp ngoại khóa gồm thư pháp, đàn tranh, piano và hội họa, ấy là do con bé khóc quá nên lớp học múa mới bị gạch bỏ, bằng không còn nhiều nữa. Vả lại, đây mới là giáo dục trước nhập học, vào tiểu học còn phải học hình thể và cưỡi ngựa. Dẫu An Thừa Trạch không ưa An Chí Hằng, nhưng cũng có chút thương hại cô bé kia. Đương nhiên sau này lớn lên, cô bé hoàn toàn quên sạch những môn năng khiếu đã học ngày bé. Ngược lại, đứa con riêng của Lâm Đức Cửu lại chẳng tham gia lớp ngoại khóa nào, cả ngày chỉ mân mê di động chụp hình linh tinh, còn từng dùng điện thoại chụp hình Lâm Đức Cửu ăn vụng và khơi dậy một cuộc đại chiến gia đình. Thế mà cuối cùng, cậu ta lại trở thành nhiếp ảnh gia quốc tế hàng đầu.
Đối lập với quá khứ và tương lai, tiểu học hiện tại chỉ học văn toán, không có lớp năng khiếu ngoại khóa, cộng thêm chút ít bài tập hè, nhiệm vụ trong ngày nghỉ chỉ có chơi và chơi. Thời bấy giờ cũng nhiều trẻ con, môi trường trong lành, xe cộ ít, bọn nhỏ mặc sức chạy chơi khắp đường mà chẳng lo bị xe đụng. Chúng thậm chí có thể đến vùng quê bơi lội bắt cá, đặt bẫy bắt thỏ, không có sân bóng rổ hay bóng đá thì cứ ghép hai cái bàn lại là có thể đánh bóng bàn. Quả là thuở thiếu thời vô tư lự, vui vẻ và ung dung không gì sánh bằng.
Được ôn lại những năm tháng ấu thơ ấy, An Thừa Trạch dần cảm thấy tuổi nhỏ không thể thi triển khát vọng kỳ thật là một loại may mắn, thời niên thiếu vô vị kiếp trước được mấy ngày nay bù đắp trọn vẹn. Đời trước, trước năm mười một tuổi luôn vì khốn cùng mà tự ti, chưa từng chơi đùa cùng chúng bạn đồng trang lứa, sau mười một tuổi đến An gia làm kẻ hạng hai, tiếp tục bị gia tộc khinh thường, địa vị thấp không được gặp mặt bề trên, khi ấy chỉ nói chuyện được với mỗi cô con gái nuôi Đỗ Vân của nhà họ Đỗ, cô là bến dỗ tâm hồn duy nhất của An Thừa Trạch thuở thiếu niên, thế nên mới có mối tình đâu sâu đậm và đau khổ nhường ấy.
Bây giờ ngẫm lại, quá khứ như vậy đa phần cũng tại mình. Tự ti lại quá tự tôn, hắn tự xây nên một bức tường cao vây quanh chính mình, người ngoài không thể đi vào, bản thân càng không thể bước ra. Chỉ mở một cánh cửa hông nho nhỏ cho An Chí Hằng và Đỗ Vân. Trước kia, An Thừa Trạch lấy bi kịch của mình để đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, hiện tại sau khi tiếp xúc với Thạch Nghị, hắn phát hiện nếu truy cứu nguyên nhân, phần lớn đều do hắn tự làm tự chịu.
Kiếp này hắn vẫn nghèo khó như trước, Liễu Như vẫn là công nhân thất nghiệp, dù trong tay có chút tiền, con đường tương lai cũng rất xa vời, căn bản chẳng thể so với gia đình Thạch Nghị, nhưng tiền bạc và địa vị không cách nào bù đắp cho sự thỏa mãn trong tâm hồn.
Dẫu túng quẫn, cũng có một nhóc đen nhẻm sẵn lòng làm anh trai bảo bọc hắn; Dẫu không thể tự nhiên hòa đồng, nhưng lạ thay vẫn bảo trì được phong cách và ở chung hòa hợp với đám bạn đồng trang lứa; Dẫu vẫn kênh kiệu như ngày trước, vậy mà lại có người chấp nhận sự kênh kiệu ấy.
Thì ra người phân rõ giới hạn với người khác là chính bản thân mình.
Giúp bạn cùng lớp học phụ đạo, thỉnh thoảng vẽ cái khung thành để chơi trò bóng đá vô quy tắc với đồng bọn nhỏ, thuận tiện tham gia hướng đạo được cho thêm cái bằng khen vô dụng, trước khai giảng thức đêm giúp nhóc con đen nhẻm chỉ lo chơi làm bài tập, tất thảy đều là những kinh nghiệm ngây thơ không có ý nghĩa mà hắn chưa từng trải qua, ấy mà lại có thể góp thêm sắc màu rực rỡ cho miền ký ức chỉ toàn đen trắng. An Thừa Trạch nhận ra mình bắt đầu thích sưu tầm hình chụp, dù tiêu tốn kha khá tiền, hắn cũng muốn rửa thêm một tấm hình và mua quyển album để lưu giữ lại toàn bộ những trải nghiệm trong thời gian qua. Sống qua một đời, hắn hiểu rất rõ những hình chụp ấy vào mấy chục năm sau sẽ là bằng chứng duy nhất in dấu năm tháng xưa cũ.
Mới một năm mà An Thừa Trạch đã nhét đầy một album ảnh, hắn để dành tiền tiêu vặt tính mua thêm quyển nữa. Bên cạnh mỗi tấm hình đều ghi chú ngày tháng và giới thiệu vắn tắt tình huống, những hồi ức ấy mới là tài sản đáng giá nhất của hắn.
Phải chăng hắn thật sự già rồi, bằng không sao đã sớm bồi hồi về năm xưa. Nhưng già thì có sao, trẻ già hay trẻ nhỏ cũng như nhau cả.
An Thừa Trạch không gấp gáp đi gom góp vốn liếng để đạt được thế lực tài sản nữa, vì vinh quang là thứ mà tiền cũng chẳng mua được. Nếu đã là thiếu niên thì nên tận tình hưởng thụ cuộc sống thong dong tự tại của trẻ thơ, không nên quan tâm tới những chuyện chưa phát sinh. Thiếu niên du, chim non giương cánh, chí khí ngút trời, cứ mặc ý vui tươi, còn gì mà nuối tiếc.
Kéo suy nghĩ ra khỏi hồi ức, không chút khách khí cốc đầu nhóc thầy giáo đã dạy hắn đạo lý đời người này: “Có từng đấy bài tập mà dây dưa đến tận cuối kỳ nghỉ mới làm xong, vậy mà làm như vui lắm, không biết quê hả.”
Thạch Nghị đâu thèm để ý hắn “lấy hạ phạm thượng”, mừng rỡ hớn hở ôm sách bài tập, đáp: “Đây là lần đầu tớ làm xong hết đó, chẳng những không sợ bị phạt đứng, mà còn có thể cho đám Lâm Vạn Lý Trình Phi mượn chép, cậu không biết đâu, trước kia toàn là tớ chép của tụi nó…”
Tuy rằng cảm thấy chép bài tập là không hay, nhưng học sinh tiểu học không cóp pi bài tập cũng giống như sinh viên chưa từng trốn tiết, đều là của quý hiếm thấy, hắn không nên nghiêm khắc quá, thôi thì mặc kệ bọn Thạch Nghị đi. Dù sao tương lai bất kể Lâm Vạn Lý hay Trình Phi cũng là nhân vật có tiếng tăm tại Trung Quốc. Lâm Vạn Lý là họ hàng với Lâm Đức Cửu, quan hệ tuy không gần lắm, mà chi này cũng đã hơi xuống dốc, thế mà Lâm Vạn Lý lại quyết đoán thành lập một công ty giữa thời điểm giới giải trí đang đình trệ và trở thành ông trùm giải trí nhất nhì cả nước sau mười mấy năm phấn đấu, bao nhiêu siêu sao hàng đầu cuối cùng vẫn phải nhìn mặt mũi hắn.
Đàn em số một Lâm Vạn Lý khéo đưa đẩy lấy lòng cấp trên, là người thích hợp với giới giải trí phức tạp. Đàn em số hai Trình Phi tâm tư ngay thẳng, làm việc luôn chậm nửa nhịp, trình độ nịnh hót không bằng Lâm Vạn Lý, nhưng dùng tính tình ổn trọng cẩn thận đi học pháp luật, rồi trở thành kiểm sát trưởng nghiêm cẩn xuất sắc nhất Trung Hoa, phải nói là xét nét đến mức một sợi tóc cũng đừng hòng qua lọt, biết bao án oan án giả án sai được giải quyết trong tay hắn.
Hai người như thế có cóp pi bài tập thời tiểu học… cũng vô tư đi.
Ngược lại, lão đại của hai người lại lâm vào kết cục như vậy. Nếu chỉ bị hủy khuôn mặt, Thạch Nghị vẫn còn cơ hội dùng năng lực để trèo lên, chờ đến khi kỹ thuật thẩm mỹ phát triển, nhất định có thể dựa vào kinh nghiệm tích lũy để bay vọt lên trời. Song, khi chim ưng có thể vỗ cánh bay lượn trên bầu trời bao la thì lại vướng vào tàn phế cả đời…
An Thừa Trạch nhéo lỗ tai nhỏ hơn người thường rất nhiều của Thạch Nghị, trong đầu chợt lóe lên một đoạn hồi ức.
Thạch Nghị mặc quân phục không nhận rõ màu sắc vẻ mặt nghiêm khắc, không lộ ý cười, kéo tay một chàng trai đặt lên tai mình, trầm giọng nói: “Chuyện quá khứ tôi không trách cậu, trẻ con thôi mà, là do tôi dùng hung khí dọa dẫm cậu trước. Nhìn tai tôi này, vành tai rất nhỏ đúng không, dân gian có câu tai to tất nhiều phúc, tôi trời sinh tai nhỏ lại không có vành tai, hồi bé bác tôi từng cay nghiệt bảo tôi tai nhỏ vô phúc, là kẻ mệnh khổ. Khi đó ba tôi rất tức giận, từ đấy không qua lại với bác nữa, nhưng hiện tại… có lẽ đúng là vô phúc thật.”
Lời ấy là nói với ai? Người được Thạch Nghị nắm tay ấy, là ai?
An Thừa Trạch bám lấy đoạn hồi ức này, muốn cố gắng nhớ lại nhưng không bắt được đầu mối, càng nhớ càng rối. Hắn lơ mơ đoán được người kia có thể là mình, đó là chuyện xảy ra trong hai năm ở quân doanh – quãng ký ức thất lạc của hắn. Nếu là kiếp trước, thậm chí có nhớ lại hắn cũng không vòng vèo làm gì, nhưng giờ quan hệ với Thạch Nghị ngày càng thân mật, cảm giác nhớ lại có chút buồn phiền.
Ba cô sáu bà nào lại cay độc đến mức rủa một đứa trẻ trời sinh số khổ vô phúc chỉ vì lỗ tai lớn nhỏ. E là do không ưa đứa nhóc không mẹ, đồng thời ghen ăn tức ở với địa vị của Thạch Lỗi đây mà. Thạch Nghị từng kể trước đây chỉ ăn Tết ở nhà ông nội một năm liền dứt khoát không đi nữa, Thạch Lỗi mặc kệ phải chăng cũng bởi nguyên nhân này. Suốt hai tháng hè, Thạch Nghị thà chịu nhàm chán đến làm bài tập với hắn, chứ nhất quyết không nhắc tới chuyện đi nhà ông nội thăm người thân, chắc hẳn cái kiểu gia đình như vậy khiến Thạch Nghị đau đầu.
*ba cô sáu bà: những người đàn bà làm nghề bất chính, lừa đảo
Để Thạch Nghị rời xa nơi đó là đúng, một quân nhân kiên cường mà bị nhốt trong nhà cả ngày đấu đến đấu đi mới thực sự hủy hoại đứa bé này.
Nắm tai Thạch Nghị, An Thừa Trạch bỗng dưng nảy sinh tâm tư giống Thạch Nghị. Thạch Nghị muốn nhận hắn làm em trai, muốn bảo bọc hắn, mà hắn cũng muốn thế. Hắn rất chắc chắn với tương lai, có thể trải cho Thạch Nghị một con đường thông thoáng nhất, không có phúc thì hắn cũng có cách đoạt lấy.
Người hắn che chở, người nhà của hắn, kẻ nào dám can đảm minh trào ám phúng chỉ cây dâu mắng cây hòe, một chưởng đập chết hết.
*minh trào ám phúng: ngoài tươi cười trong chế giễu
Không được không được, phải đùa chết kẻ đó mới phải. Thế giới tốt đẹp đến thế, hắn lại táo bạo như vậy, nhất định đều là lỗi của Thạch Nghị.
Vì thế, ngón tay nắm tai hạ độc thủ, Thạch Nghị đau đến kêu gào lại chẳng nỡ đánh em trai mình. Cậu em trai xinh xắn học hành giỏi giang thể thao cừ khôi hạng nhì hướng đạo của anh [khụ khụ, Thạch Nghị tin chắc nếu không có Dương tiện nhân mình khẳng định đứng nhất, An Thừa Trạch đứng nhì], em trai xuất sắc nhường ấy, che chở còn không kịp, làm sao nỡ đánh chứ.
Đợi khi vào học, nhất quyết phải khoe khoang bằng khen của Tiểu Trạch một chút mới được, cộng năm điểm lận nha, Tiểu Trạch chắc chắn có thể thi được điểm cao nhất từ trước tới nay, văn 100, toán 110 [10 điểm câu hỏi phụ], cộng thêm 5 điểm là 215, ai có thể vượt qua An Thừa Trạch đây, trước không có sau này cũng chẳng lần ra!
Khai giảng đối với các học sinh khác và Thạch Nghị những năm trước là bi kịch, giờ anh lại vô cùng chờ mong ngày đó, hay là học kỳ sau lại lọt vào top mười nhỉ? Đâu thể làm Tiểu Trạch mất mặt nha.
—–
Tác giả có lời muốn nói: Tui thấy hướng đạo dừng ở đây được rồi, chuyện thực tình chả có gì lớn, hơn nữa nếu hai vị kia không tự tìm chết thì hạng nhất làm sao đến tay An Thừa Trạch. Còn phản ứng á, đương nhiên là mở rộng tầm mắt rồi, Thạch Nghị với Dương Phong đều là anh em với hồ ly nên sẽ không để bụng cái gì, mấy tiểu đệ còn lại thì… đấu vật không lại người ta, dám nghĩ gì mới lạ ╮(╯_╰)╭
Về phần thiếu niên du, tui nghĩ thời thơ ấu thì phải mặc sức chơi đùa cho thỏa những tiếc nuối ngậm ngùi, biết bao người trưởng thành luyến tiếc bản thân ngày bé chưa chơi đủ, học hành không đàng hoàng, để rồi day dứt cả đời. Đã sống lại mà còn tự đày đọa bản thân như kiểu 6 tuổi mở nhà máy, 10 tuổi thành lập công ty, 12 tuổi đưa công ty ra thị trường, 16 tuổi giàu nhất địa phương, 20 tuổi lắm tiền nhất nước, mấy cái đó sớm muộn gì cũng lọt vào tay nhân vật chính, ai tranh đâu mà lo, cho nên còn hôi sữa thì cứ lo chơi đi [An Thừa Trạch], có thể học thì lo học đi [Thạch Nghị], ha ha.
Thời gian như gấm, cảnh xuân dễ tàn, hãy đi mà quý trọng.