Tuy nhiên, Thạch Nghị vẫn hi vọng ba mình theo đuổi mẹ nuôi, suốt mấy năm trời ở chung, anh tiếp xúc với Liễu Như còn nhiều hơn Thạch Lỗi, ấn tượng cũng sâu đậm hơn so với người mẹ ruột chẳng mấy thân thiết. Thạch Nghị đã coi Liễu Như như mẹ từ lâu, tại thời điểm quan trọng nhất trong quá trình trưởng thành, cô gánh trách nhiệm làm mẹ cho hai đứa trẻ, nhờ vậy Thạch Nghị mới có thể khỏe mạnh vô tư mà lớn lên. Kiếp này, Thạch Nghị may mắn và hạnh phúc hơn kiếp trước rất nhiều.
Đối diện với đôi mắt như cặp bóng đèn lớn của Thạch Lỗi, Liễu Như bất động như núi, chỉ điềm đạm gắp sủi cảo cho con trai. Đáp án của An Thừa Trạch xem như cho cô chỗ dựa, cô nghĩ thông suốt rồi, chuyện quá khứ cứ để nó qua đi. Trước kia khổ sở cũng do cô quá ngốc, chẳng phải An Mục Dương không để lại gì cho cô, ít nhất vẫn có đứa con ngoan Tiểu Trạch gắn bó nhiều năm qua. Có đánh đổi bao nhiêu thanh xuân, bao nhiêu tiền của cũng không mua được những tháng ngày nương tựa lẫn nhau. Chỉ cần có An Thừa Trạch, Liễu Như có thể nhẫn nhịn mọi chuyện An Mục Dương gây ra cho mình lúc trước, miễn sau này bọn họ nước giếng không phạm nước sông.
Sở dĩ sai quản lý Triệu điều tra An Mục Dương, chủ yếu là để phòng ngừa chu đáo, nếu An Mục Dương hoặc người nhà hắn ta dám xuống tay với mình và Tiểu Trạch, Liễu Như không định khách sáo với bọn chúng nữa. Đầu tiên phải chuẩn bị sẵn sàng, biết người biết ta, đến khi sự tình ập lên đầu mới không hoảng loạn mà xử lý gọn gẽ.
Có điều, hình như sau khi gặp An Mục Dương, Thạch Lỗi biểu hiện cũng quá trắng trợn rồi!
Khi còn ở tỉnh Kiến, Thạch Lỗi chiếu cố mẹ con cô rất nhiều. Liễu Như đâu phải kẻ vong ân phụ nghĩa, cô chưa từng quên những người đã giúp đỡ và bày tỏ thiện ý với mình trong suốt quãng thời gian nhọc nhằn. Sáu bảy năm qua, ngoại trừ Thạch Nghị, Thạch Lỗi đích xác là người trợ giúp cô nhiều nhất.
Thạch Nghị với An Thừa Trạch lớn lên với nhau từ nhỏ, có một người bạn khỏe mạnh và bản lĩnh đồng hành cùng An Thừa Trạch, giúp hắn ở trường không phải chịu bắt nạt, ở nhà thì có người săn sóc, chỉ riêng điều ấy đã khiến Liễu Như vô cùng yêu mến thằng bé Thạch Nghị này. Hơn nữa, cũng biết ơn Thạch Nghị đã làm bạn và chăm nom An Thừa Trạch nhiều năm qua.
Bỏ qua Thạch Nghị, cả Thạch Lỗi cũng hỗ trợ cô không nhỏ. Năm đó lúc Như Ký chưa khai trương, người đầu tiên cho cô dũng khí để buôn bán điểm tâm chính là Thạch Lỗi. Cô vĩnh viễn nhớ mãi ngày ấy, cái ngày mà đơn đặt hàng trị giá hơn hai trăm đồng đã khai sáng con đường mới cho mình. Kế tiếp lúc Như Ký bắt đầu kinh doanh, một nhóm binh lính mang điểm tâm về nhà thăm người thân chính là nước cờ đầu giúp Như Ký mở rộng thị trường. Thời điểm Như Ký náo nhiệt hơn, sức cạnh tranh của thực phẩm nước ngoài trở nên lớn mạnh, Liễu Như chẳng sợ cạnh tranh, chỉ sợ người khác dùng thủ đoạn hèn hạ, cũng là Thạch Lỗi âm thầm lên tiếng bảo vệ Như Ký. Khi Liễu Như bắt tay xây nhà xưởng, rồi bị đám quan chức bất hợp pháp làm khó, vẫn là Thạch Lỗi bí mật tương trợ.
Quan trọng nhất là, nếu không phải Liễu Như cố ý đi thăm dò, thì Thạch Lỗi cũng chỉ ngầm làm tất cả trong bóng tối, chưa từng tranh công trước mặt cô, càng không nghĩ cách thông qua người khác tiết lộ với Liễu Như. Thạch Lỗi quả nhiên luôn đứng sau lưng giúp cô trong thầm lặng, có thể nói nếu không nhờ Thạch Lỗi, hiện tại Như Ký đại khái chỉ là một tiệm điểm tâm nổi tiếng ở tỉnh Kiến, tuyệt đối không có chuyện xây nhà xưởng và tiến quân toàn quốc như bây giờ.
Ở Bắc Kinh một thời gian, Liễu Như biết rõ việc khai thác thị trường gian nan tới mức nào, hiện cô đã đủ trưởng thành để đương đầu những những khó khăn ấy, nắm được đạo lý “biện pháp luôn luôn nhiều hơn rắc rồi”. Trở lại khoảng thời gian ở tỉnh Kiến, cô chẳng qua chỉ là dạng đàn bà con gái yếu đuối vừa mới thoát khỏi kiểu tư duy lối mòn, không có Thạch Lỗi lặng thầm ủng hộ, cô không thể nào có hôm nay.
Thi thoảng vào những lúc rảnh rỗi, Liễu Như cũng từng nghĩ Thạch Lỗi phải chăng có ý với mình. Nào phải cô tự mình đa tình, nam chưa vợ gái chưa chồng, lại đều một mình nuôi con giống nhau, tuy Thạch Lỗi lớn hơn cô khá nhiều, nhưng được cái thường xuyên rèn luyện nên nom khá trẻ trung, họ tương tối hợp nhau nếu xét về điều kiện. Nếu trước đây Liễu Như còn chưa xứng với tài sản nhà Thạch Lỗi, thì hiện tại dựa vào thân phận của cô, Thạch Lỗi lại có chút không xứng.
Thế nhưng, tròn trĩnh sáu năm, số lần cô gặp Thạch Lỗi gần như chỉ một bàn tay là đếm hết, cơ bản chỉ đến Tết mới gặp, mà Tết thì ai về nhà nấy. Qua Tết chưa kịp đi thăm hỏi Thạch Lỗi, thì người ta đã chạy về đơn vị. Cứ thế chung đụng thì ít mà xa cách thì nhiều, Liễu Như cũng bỏ cuộc. Thạch Lỗi giúp cô hẳn là vì quan hệ giữa Thạch Nghị với An Thừa Trạch, cô nghĩ vậy, nên chút ý niệm nảy sinh trong đầu liền tiêu tan.
Song, hiện tại hoàn toàn không giống thế nữa! Dạo trước sư đoàn trưởng Thạch im lìm như vậy là bởi không có thời gian gặp cô, xem đi, cách năm năm lại ngồi ăn chung lần nữa, Liễu Như bị hắn nhìn chằm chằm mà muốn nghẹn sủi cảo. May có con trai bên cạnh, có thể gắp sủi cảo cho thằng bé để che giấu chính mình, bằng không thì ngượng chết!
Dù Liễu Như có nữ vương đến mấy, nhưng đối mặt với lão lưu manh như lang như hổ thiếu vợ mười mấy năm giống Thạch Lỗi vẫn có chút chịu không thấu. Chủ yếu là lão lưu manh rất quan tâm cô, bản chất cũng vô cùng đứng đắn. Nhất là sau khi gặp An Mục Dương và nhớ lại quá khứ hắn lừa dối mình, Liễu Như bất chợt cảm thấy người với người vốn chẳng cách nào so sánh.
“Lần này tôi đến Bắc Kinh luôn, không đi nữa.” Thạch Lỗi đột nhiên mở lời, “Thường trú ở quân khu Bắc Kinh, có thể mỗi ngày đi làm như bình thường, còn được cấp một căn nhà nhỏ trong sân quân khu.”
Hắn giương mắt tha thiết nhìn Liễu Như, đợi người ấy đáp lại, An Thừa Trạch quay đầu không nỡ nhìn.
Liễu Như không phải người kênh kiệu, nhưng giờ thực sự chẳng hứng thú gì với đàn ông. Từng có lúc cô xao động trước sự chiếu cố của Thạch Lỗi, bởi lúc ấy Liễu Như vẫn khát vọng tình cảm gia đình, tình yêu, vân vân. Song Liễu Như giờ đây chỉ đặt tâm trí vào sự nghiệp, không như hồi trước mở tiệm chỉ vì muốn chăm sóc con trai tốt hơn, giờ cô mở công ty để chứng tỏ giá trị bản thân.
Nói cách khác, xao xuyến ngày trước là vì muốn cho con một gia đình hoàn chỉnh. Hiện tại hết hứng thú là do thực sự không cần. Người ta bảo phụ nữ ba bốn chục tuổi có khao khát mãnh liệt với ái dục, nhưng căn cứ theo tám giai đoạn tâm lý xã hội của Erikson (1), đây là độ tuổi sản sinh. Sản sinh này không chỉ trên sinh lý, mà bao gồm cả thành tựu, cũng chính là sự sinh sôi nảy nở về mặt sự nghiệp. Cái gọi là khao khát mãnh liệt, cũng do nhu cầu sự nghiệp không được thỏa mãn, thế nên mới cần bù đắp trên phương diện sinh lý. Về phần Liễu Như, cô rõ ràng không cần bổ sung.
Thanh tâm quả dục, đây có lẽ là trạng thái hiện thời của Liễu Như.
Không phải Thạch Lỗi chưa đủ tốt, mà Liễu Như đã qua cái tuổi cần yêu thương và che chở. Thời điểm vắng bóng người bảo bọc, cô đã học xong kiên cường.
Tóm lại, đối với Liễu Như bây giờ mà nói, muốn che chở cô á, hắc hắc, còn phải xem người ta có tình nguyện hay không.
Giá Thạch Lỗi biết năm đó mà dũng cảm ra tay thì đã có thể ôm mỹ nhân về, nhất định hối hận đến xanh ruột.
Quả nhiên Liễu Như làm như không hiểu ý tứ của Thạch Lỗi, gật đầu bảo: “Vậy thì tốt quá, sư đoàn trưởng Thạch cũng lớn tuổi rồi, mấy năm nay Thạch Nghị không có ba quan tâm cũng chẳng dễ dàng gì. Bây giờ có hoàn cảnh làm việc ổn định, sau này hôm nào Thạch Nghị về nhà cũng được gặp ba, chắc thằng bé vui lắm.”
Dứt lời, bèn sờ sờ đầu An Thừa Trạch, An hồ ly lại như tâm hữu linh tê, lập tức vỡ lẽ ý đồ của Liễu Như: Đừng nhiều chuyện.
Liễu Như đang sợ hắn vì muốn giữ chân đồng bọn nhỏ Thạch Nghị mà xen mồm quấy rối lời cự tuyệt uyển chuyển của mình đây mà, An Thừa Trạch lặng thinh nuốt sủi cảo, hắn còn lâu mới lắm miệng. Phải nhanh cho Thạch Nghị dọn ra ngoài mới được, cả ngày nằm lỳ trên giường hắn, đang mùa đông mà vẫn khỏe tới mức ngày ngày ở trần, mặc mỗi cái quần lót tứ giác rồi lang bang trong nhà, khiến lực nhẫn nại của hắn bị khiêu khích nghiêm trọng. An Thừa Trạch đời trước chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ xúc động đến thế, càng không ngờ mình sẽ hứng thú với thân thể con trai. Năm ấy, Lâm Đức Cửu bị hắn hung tàn dạy dỗ cả đêm, bày ra đủ loại tư thế, vậy mà An Thừa Trạch vẫn có thể vừa đọc báo vừa trải qua một đêm tương đối xấu hổ với Lâm Đức Cửu. Đứng trước Lâm Đức Cửu triệt để hóa thân thành dụ thụ, An Thừa Trạch chút xíu phản ứng cũng không có.
Khi đó, An Thừa Trạch cứ ngỡ mình thẳng đến không thể thẳng hơn, giờ xem ra, chỉ là gặp chưa đúng người mà thôi.
Trước khi Thạch Nghị chưa thấu tỏ lòng mình, An Thừa Trạch không định khiến hai người quá gần gũi với nhau. Cả hai kiếp, khó được một lần rung động, nhưng nếu Thạch Nghị thực sự có thể đi con đường bình thường, hắn sẵn lòng buông tay. Cho nên, giai đoạn này vẫn nên tách nhau ra thì hơn.
Thạch Nghị bên kia thì đần mặt, ý dì Liễu là sao! Lẽ nào từ nay về sau anh phải xa Tiểu Trạch? Còn cái gì mà mỗi ngày gặp ba sẽ vui vẻ? Giời ơi, một ngày ăn ba lần dây lưng quân dụng hai lớp, vui gì nổi mà vui. Nói ra thì bất hiếu, nhưng Thạch Nghị cảm thấy lâu lâu gặp một lần như hồi trước mới tốt. Cũng chả trách Thạch Nghị được, đều tại kỷ niệm thời thơ ấu quá đỗi tan nát cõi lòng, cứ hễ về nhà là Thạch Lỗi lại lôi sổ nợ ra thanh toán dứt điểm, dĩ nhiên không thể thiếu một trận dây lưng. Đối với Thạch Nghị nhỏ tuổi mà nói, ông ba về nhà = bị đánh, đối với Thạch Nghị hiện nay mà nói, ông ba về nhà = bị đánh + phải xa An Thừa Trạch… Chậc, ba mình về lại quân doanh thì hay quá, đừng ngày nào cũng về.
Thạch Nghị – đã phát triển thành chàng đen nhẻm – liên tục nháy mắt với An Thừa Trạch, Thạch Lỗi không ngừng liếc mắt đưa tình với Liễu Như, kết quả cả hai vị này đều che chắn cho nhau, hoàn toàn ngó lơ họ.
Vì vậy, tối ăn cơm xong, hai cha con đành ảo não xách hành lý về nơi ở quân khu xếp cho Thạch Lỗi, bi thương không thể tả. Do quân khu cách trường khá xa, nên sáu tháng cuối năm Thạch Nghị phải xin trọ ở trường. Vừa nghĩ không còn được ngủ chung giường với An Thừa Trạch, Thạch Nghị liền bi ai, rồi phẫn nộ nhìn ba mình, đến Bắc Kinh làm chi không biết, để một mình anh chuyển trường tốt bao nhiêu.
Ngược lại, Thạch Lỗi chẳng mấy khổ sở, hắn dù sao cũng là người trưởng thành, biết Liễu Như bao năm qua không tìm ai, khẳng định đã quen cuộc sống hiện tại, đón nhận một người đàn ông đâu chỉ là thêm cái chén đôi đũa, mà còn phải mở rộng tâm hồn dung nạp người ấy. Đã độc thân mười tám năm, giờ quá khó khăn để chấp nhận thêm ai khác. Nào có ai theo đuổi bà xã mà chưa bị từ chối. Nhớ năm ấy trong quân đội rặt một lũ lưu manh, đám chiến hữu xem mắt bảy tám lần mới rước được nàng về dinh. Thạch Lỗi cũng đi xem mắt mười mấy lần, mãi tới khi lên chức lữ đoàn trưởng mới gặp mẹ Thạch Nghị, bằng sẽ không có chuyện Thạch Nghị bằng tuổi An Thừa Trạch mà hắn lại lớn hơn Liễu Như khoảng mười tuổi.
Sư đoàn trưởng Thạch tỏ vẻ, cái chuyện cưa vợ ấy mà, bị từ chối hơn mười lần có là cái gì, dầu gì giờ hắn cũng dư thời gian, có thể đi làm về nhà hàng ngày, dốc toàn lực mà theo đuổi thôi!
Về phần con trai, ai thèm để ý tâm tư bé xíu của nó, từ nhỏ đến lớn cứ xem Tiểu Trạch nhà người ta như cô vợ nhỏ mà trông nom. Mấy năm qua, sư đoàn trưởng Thạch cũng thấy nhiều trường hợp giống vậy, cảm thấy con mình tạm thời chỉ thích chơi với An Thừa Trạch, chứ chưa kịp chơi ra chuyện lớn, phải nhân dịp ổn định này cho hai đứa tách ra. Trai tơ mười bảy mười tám sơ sẩy là cọ súng tóe lửa ngay.
Bởi thế, dưới tình huống ba chọi một, tâm tư nho nhỏ của Thạch Nghị hoàn toàn bị bác bỏ. Lúc anh xin ở với An Thừa Trạch hết nửa năm này, liền bị một câu của Thạch Lỗi làm tịt đường cãi: “Giờ khác trước rồi, lớn từng này mà cứ quấn lấy Tiểu Trạch thì còn ra cái gì, mau mau cút về trường cho ba.”
Thế là Thạch Nghị lơ ngơ, tại sao nhất quyết phải là An Thừa Trạch mới được?
—–
(1) Erik Erikson (1905-1994) là một nhà phân tâm, người sáng tạo ra một học thuyết khởi đầu và có tầm ảnh hưởng cao đối với sự phát triển tâm lý xã hội và khủng hoảng xảy ra trong những thời kỳ trải dài suốt toàn bộ cuộc đời. Ông chia quá trình phát triển con người thành 8 giai đoạn trong đó có 5 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội mô tả đặc điểm quá trình phát triển nhân cách trẻ. Tám giai đoạn và các mâu thuẫn đó là:
Giai đoạn 1: Từ khi mới sinh đến 1 tuổi rưỡi – Mâu thuẫn giữa niềm tin và nghi ngờ.
Giai đoạn 2: Từ 1 tuổi rưỡi đến 3 tuổi – Mâu thuẫn giữa tự chủ và tự hoài nghi và xấu hổ.
Giai đoạn 3: Từ 3 đến 6 tuổi – Mâu thuẫn giữa việc tự khởi xướng và mặc cảm thiếu khả năng.
Giai đoạn 4: Từ 6 tuổi đến lúc dậy thì 12 tuổi – Mâu thuẫn giữa tài năng và sự tự ti hay mâu thuẫn giữa sự chăm chỉ và sự thấp kém.
Giai đoạn 5: Thanh thiếu niên từ 13 đến 20 tuổi – Mâu thuẫn giữa cái chính mình và sự mơ hồ về vai trò bản thân.
Giai đoạn 6: Thanh niên từ 20 đến 35 tuổi – mâu thuẫn giữa gắn bó và cô lập trong các mối quan hệ hay mâu thuẫn giữa sự thân thiện với sự tách biệt.
Giai đoạn 7: Trung niên từ 35 đến 60 tuổi – mâu thuẫn giữa sản sinh và ngưng trệ.
Giai đoạn 8: Cao niên từ 60 tuổi trở lên – mâu thuẫn giữa hoàn thành và thất vọng.