Điều này cứ nghĩ đến lại khiến anh Phương cảm thấy buồn bực trong lòng, đã nhiều đêm không ngủ và nhiều ngày chìm trong suy nghĩ rối rắm không mấy khả thi khiến anh trở nên căng thẳng nặng nề. Những lúc ấy, anh thường hay đến nhà hàng Hồng Hương Trà để giải tỏa.
Như mọi lần người phục vụ quán hỏi, anh có uống rượu hay bia không thì anh luôn lắc đầu từ chối, thế nhưng lần này anh lại muốn. Lần đầu tiên uống nên tửu lượng của anh còn hạn chế, chỉ mới ba lon mà gục lên gục xuống như người thiếu ngủ.
Bỗng một người đàn ông ngồi xuống đối diện anh. Anh ta chừng bốn mươi tuổi nhưng sức khỏe có vẻ hơn người, vì khối cơ bắp đồ sộ và rắn chắc hiện rõ đằng sau lớp áo co dãn màu đen. Anh ta sở hữu một làn da rám nắng, một khuôn mặt lạnh như tiền và bám đầy râu ria.
Anh Phương cảm thấy khó chịu:
- Mẹ kiếp! Mày nhìn tao cái gì hả thằng khốn?
Anh ta im ỉm như một pho tượng.
Nhịn hết nổi, anh Phương hất tung bàn ghế lên, nồi lẩu đang sôi lụp bụp bắn tung tóe, ly thủy tinh vỡ loảng xoảng.. Nhưng anh ta vẫn không cử động.
Đột nhiên anh ta đứng dậy, thở ra một hơi dài thườn thượt:
- Mày quá ngạo mạn mà không biết bản thân mình quá yếu đuối.
Anh Phương loạng choạng lùi ra xa cảnh giác:
- Đừng giỡn, tao có thể giết chết mày đấy.
Anh ta nhép môi:
- Mày thử xem.
Đau quá!
Lồng ngực anh Phương như bị một mũi tên đâm xuyên qua khiến anh đau đớn ngã khụy xuống, hai tay anh ôm ngực, khắp cơ thể run lên bần bật.
Anh ta giơ tay phải lên, nắm lại thành hình nắm đấm rồi thọc mạnh xuống..
Anh Phương giật mình tỉnh dậy và ngơ ngác nhìn xung quanh căn phòng ngủ.
Thì ra chỉ là mơ, nhưng giấc mơ này đang muốn nhắc nhở mình điều gì hay sao?
Anh ngửi thấy một mùi thơm thoang thoảng của trứng gà. Hình như ai đó đang chiên trứng.
Khi mở cửa phòng, mùi thơm nồng nặc hơn. Không lẽ là ông Bình đang nấu ăn chăng?
Anh đi xuống bếp thì nhìn thấy thấp thoáng bóng dáng của một người phụ nữ, cô ấy mặc bộ váy màu đen để lộ cặp đùi trắng nõn.
Thì ra là Phan Mỹ Lệ.
Phan Mỹ Lệ vừa uyển chuyển đôi đũa trong tay vừa lỏn lẻn:
- Anh dậy rồi sao?
- Sao em lại ở đây?
- Tối qua, anh say quá nên em phải đưa anh về.
Anh Phương phì cười, trong lòng anh có một phần xấu hổ vì phải nhờ một cô gái dẫn về tới tận nhà.
Phan Mỹ Lệ đã nấu xong bữa sáng, cô bắt đầu đổ ra dĩa rồi đặt lên bàn. Thấy Phan Mỹ Lệ trán đã lấm tấm mồ hôi, anh đi đến phụ cô.
Món ăn cho bữa sáng đơn giản nhưng đạm bạc: Món cá kho với thơm, đậu miếng với sốt cà chua, thịt kho và trứng chiên. Mỗi món đều mang một mùi thơm phức.
Hai người cùng ngồi ăn với nhau, cảnh tượng này thường thấy trong những bộ phim tình cảm, có một nam và một nữ ngồi bên nhau cùng trò chuyện vui đùa, thỉnh thoảng lại đút cho nhau ăn trông thật hạnh phúc.
Phan Mỹ Lệ nũng nịu:
- Anh Phương này! Hay là em dọn qua nhà anh ở nhé!
- Trước giờ, em ở đâu?
Phan Mỹ Lệ dẫu môi:
- Trước giờ, em ở chỗ quán Hồng Hương Trà. Mặc dù buổi tối đông vui nhưng khi về khuya thì em lại cảm thấy cô đơn vì tất cả mọi người trong quán đều về nhà của mình hết, chỉ có em ở lại một mình thôi.
Anh Phương khi nghe đến từ "ngủ" thì giật nảy mình. Nếu như Phan Mỹ Lệ dọn qua đây ở, cả hai sẽ ngủ chung một giường, cùng ăn chung giống như thế này.. Một lô suy nghĩ xuất hiện trong đầu anh như một dải ngân hà. Càng nghĩ càng khiến mặt anh đỏ ửng lên.
Phan Mỹ Lệ nhìn thấy vẻ kỳ lạ của anh Phương liền lo lắng hỏi:
- Anh sao thế?
- Không có gì, không có gì..
Phan Mỹ Lệ phụng phịu:
- Chắc là đầu óc nghĩ đen tối chứ gì?
Anh Phương vội minh oan cho mình:
- Không phải vậy đâu mà..
Phan Mỹ Lệ ngước mắt nhìn lên trần nhà và cười khe khẽ:
- Mai sau, chúng ta sẽ sống trong căn nhà này rồi sinh hai đứa con, cùng nhau vượt qua bao sóng gió trên đường đời anh nhỉ?
Anh Phương đỏ mặt như muốn ngất trước câu nói "tương lai" của cô.
Phan Mỹ Lệ thấy khuôn mặt đỏ như gấc của anh làm cô thấp thỏm:
- Anh có sao không?
Cốc, cốc..
Có tiếng gõ cửa vang lên, âm thanh vang vọng đó đã cứu anh Phương, cứ như vừa mới được giải thoát khỏi một thứ rối ren trong lòng. Anh vội chạy ra mở cửa thì thấy ông Bình.
Ông Bình mở đôi mắt he hé của mình nhìn vào trong nhà, đột nhiên ông quay lưng lại nói với giọng ồ ồ, trong câu nói có ý trêu đùa và có phần cảm thấy nhẹ nhõm:
- Tôi xin lỗi! Tôi xin lỗi đã làm phiền hai người.
Anh Phương gãi gãi đầu, miệng nói lắp bắp:
- Xin lỗi bác! Không.. Không phải vậy đâu!
Phan Mỹ Lệ mỉm cười:
- Mời bác vào nhà ạ!
Ông Bình cười hì hì:
- Thế thì tôi xin phép được vào.
Anh Phương thở ra một hơi dài, đóng cửa lại rồi đi xuống bếp lấy khay trà lên:
- Ông Bình là người cha thứ hai của anh. Nhân tiện hai người có thể làm quen nhau.
Ông Bình ngồi đối diện với Phan Mỹ Lệ:
- Cậu Phương có phước lắm mới rước được một bông hoa mỹ miều như cô.
- Bác quá khen rồi!
Bỗng ông Bình nghiêm sắc mặt:
- Nhưng muốn làm con dâu của cậu Phương thì phải đủ tiêu chí đấy. Thứ nhất, đảm đang. Thứ hai, phải kém tuổi. Thứ ba, không đẹp ở ngoài cũng được nhưng phải đẹp ở cái tâm.
Anh Phương lay lay vai ông Bình với vẻ năn nỉ:
- Đừng như thế mà bác.
Ông Bình cười tủm tỉm:
- Nói đùa thôi! Chỉ cần cả hai cố gắng là được rồi.
Câu nói của ông Bình khiến Phan Mỹ Lệ cảm thấy yên tâm hơn, và cảm giác thấp thỏm như ban đầu đã tan biến.
Anh Phương cũng thở ra một hơi dài:
- Chúng ta tiếp tục làm một ván cờ nhé!
Ông Bình gật đầu đồng ý.
Cả hai người chơi đến tận trưa, tất nhiên người thua vẫn chính là anh Phương.
Sau khi ông Bình ra về, anh vội vã mặc cảnh phục rồi đi đến đồn công an, vì quá vội nên anh đã quên chào Phan Mỹ Lệ.
Dù có bận đến đâu, anh ấy vẫn luôn đặt những người thân lên hàng đầu và ưu tiên dành thời gian cho họ trước rồi mới đến các công việc khác. Có lẽ là vì quá khứ đơn độc nên anh rất coi trọng người thân, thực chất đều là những người không chung một dòng máu nhưng anh vẫn xem họ đều là những người máu mủ hay thậm chí hơn cả ruột thịt.
Tại đồn công an, anh gấp gáp đi nhanh lên phòng họp ở tầng hai. Một bầu không khí trao đổi sôi nổi giữa các thành viên của tổ trọng án. Người ngồi ở vị trí trung tâm là đội trưởng Gia. Ở vị trí bên trái dọc xuống là anh Nguyễn Văn Kỳ 25 tuổi: Phó đội trưởng đội cảnh sát cơ động, Ngô Nhật Quang 46 tuổi: Đội trưởng đội trinh sát, cấp bậc: Trung tá. Còn bên phải là Từ Thành Công 27 tuổi: Thành viên trong đội bác sĩ pháp y do Lê Thanh Vinh làm đội trưởng, Trương Hồng Hải 48 tuổi: Trưởng khu công an, từng giữ chức vụ đội trưởng đội cảnh sát hình sự.
Nguyễn Văn Kỳ thấy anh Phương bước vào liền đứng dậy và thành kính chào:
- Chào phó đội trưởng!
Anh Phương gật đầu:
- Có chuyện gì vậy? Phát hiện được gì rồi sao?
- Phải. – Đội trưởng Gia hất hàm về phía Ngô Nhật Quang. – Chú Quang.
Đối phương hiểu ý và vội nói:
- Tổ khám nghiệm hiện trường sau khi nhận lệnh khám xét lại nhà của nạn nhân thì chúng tôi phát hiện ra một cái máy ghi âm Sony ICD-TX650 16GB này. – Ngô Nhật Quang lấy từ một cái bị ni lông ra một vật màu đen đen. – Đây chính là thứ mà chúng tôi tìm thấy. À, có hơi tế nhị một chút khi ở đây có nhiều người.
Anh Phương xua xua tay:
- Chú không cần ngại đâu, cứ mở cho mọi người nghe đi. Mở to hết cỡ ra.
Ngô Nhật Quang run lên lẩy bẩy vì không muốn nghe cái thứ âm thanh kinh tởm ấy, nhưng phó đội trưởng đã nói vậy rồi thì ông không thể không mở cho mọi người cùng nghe.
Ông hít thật sâu vào để lấy lại bình tĩnh, sau đó dùng ngón cái ấn nút "play".
Một thứ âm thanh nhạy cảm vang lên, hình như là một nam và một nữ đang rên rỉ, thỉnh thoảng còn có tiếng khóc nức nở của một người phụ nữ. Thứ âm thanh này khiến cho cả căn phòng đều ngập trong bầu không khí sượng sùng, mặt của ai nấy đều nóng ran, còn có người không nghe được nữa đành bịt lỗ tai lại.
Kết thúc đoạn ghi âm đó là một tiếng nói khàn khàn của một người đàn ông vang lên "Ai? Kẻ nào ở ngoài cửa sổ?". Sau đó, một tiếng thở hổn hển, hình như pha vào đó là một cảm giác sợ sệt dâng lên đến tột độ. Có vẻ người ghi âm lén đang chạy bán sống bán chết để thoát mạng khỏi một thế lực tàn ác nào đó.
Đoạn ghi âm kết thúc cũng là lúc trán của mọi người trong phòng ai nấy đều lấm tấm mồ hôi.
Thế nhưng chỉ có đội trưởng Gia và anh Phương vẫn điềm tĩnh nghe hết đoạn ghi âm đó.
Đội trưởng Gia đan các ngón tay lại với nhau:
- Một vụ cưỡng bức tình dục hay là quan hệ vợ chồng?
Anh Phương cũng lên tiếng:
- Một là, người ghi âm lén chính là nạn nhân. Hai là cậu thanh niên bị mất tích đó. Anh thử nghĩ xem?
- Theo tôi thì có thể ý kiến thứ hai đúng vì người thanh niên đó theo lời kể của người dân gần hiện trường vụ án cho biết: Họ từng thấy một người thanh niên cầm một bị ni lông màu đen đến đưa cho nạn nhân, có khả năng rất lớn chính là chiếc máy ghi âm này. – Đội trưởng Gia nói.
Anh Phương gật đầu tán thành:
- Chú Quang! Chú tìm thứ này ở đâu trong ngôi nhà của nạn nhân vậy?
Ngô Nhật Quang nhíu đôi lông mày của mình lại:
- Ngay trong tủ đồ của nạn nhân, nó ở trong bị ni lông màu đen và được đặt ở một ngăn kéo bí mật, phải mất đến năm tiếng chúng tôi mới lấy được.
- Vậy là rất có thể như đội trưởng nói. Hung thủ đã lục soát tại nhà nạn nhân nhưng lại bỏ sót lại cái này.
Anh Phương nhắm nghiền mắt:
- Có lẽ sự việc là như thế này. Cậu thanh niên đó đã ghi âm và chụp nhiều tấm ảnh nhạy cảm của cái tên cuồng dâm đó lại, sau khi bị hắn phát hiện, cậu ta ngay lập tức chạy đi và đưa thứ này cho nạn nhân, không may cho cậu sau khi đã đưa xong và cách vài ngày thì bị hắn giết giấu xác.
Đội trưởng Gia gật gù cái đầu:
- Cũng khá hợp lý. Nào, còn một thứ mà chúng tôi đã tìm được nữa, mau đưa cho anh Phương xem.
Ngô Nhật Quang khệ nệ lấy từ dưới gầm bàn lên một cái laptop màu xam xám, mở nguồn rồi kích vào "Microsoft Word". Ông quay màn hình laptop lại và nói:
- Mọi người thử xem đi.
Mọi người đều xúm lại xem những dòng văn bản trong đó.
"Sử dụng thuốc kích dục để hãm hại những nạn nhân nữ.
Thuốc kích dục thỏa mãn nhu cầu sinh lý của con người, nhưng lại là thứ công cụ giết chết con người ta một cách man rợ và hết sức vô nhân đạo.
Mới đây, chúng tôi đã đột nhập vào hang ổ của một nhóm tội phạm đang tụ tập hãm hiếp một nạn nhân nữ một cách hết sức dã man.."
Anh Phương nhìn qua một lượt:
- Có vẻ đây là bài báo mà nạn nhân khi còn sống đã viết nhưng vẫn còn dang dở. Chú Hải, có thể phiền chú điều tra giúp cháu về quan hệ cậu thanh niên đó được không ạ?
Trương Hồng Hải đứng phắt dậy, tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ:
- Được thôi! Việc này cứ giao cho tôi.
Nói xong, Trương Hồng Hải chào cả đội rồi đi ra ngoài cửa chính của căn phòng.
Đội trưởng Gia gõ gõ ngón trỏ xuống mặt bàn, đôi mắt anh dừng lại ở phía anh Kỳ:
- Cậu Kỳ! Giúp tôi sàng lọc các đối tượng sử dụng thuốc kích dục tại các quán karaoke và các địa điểm ăn chơi đi. Hãy xem xét thời gian xảy ra vụ án, đối tượng đã ở đâu.
Nguyễn Văn Kỳ sắp xếp giấy tờ trên bàn lại và cho vào cặp rồi lập tức đứng phắt dậy:
- Rõ!
Vừa dứt câu thì đã không thấy bóng dáng đâu. Anh ta lúc nào cũng vậy, lúc ẩn lúc hiện khó mà phân biệt được là ma hay là người.
Từ Thành Công cảm thấy thấp thỏm:
- Còn tôi thì sao?
Đội trưởng Gia mỉm cười:
- Còn anh, tôi sẽ bố trí cho anh cùng với đội trinh sát tiếp tục truy tìm cậu thanh niên đó. Nếu cậu ta đã chết và tìm thấy xác thì lúc đó công việc của anh sẽ được tiến hành.
Từ Thành Công ảo não đứng dậy, chào hai vị đội trưởng rồi đi chao đảo về phía cửa.
Đội trưởng Gia thấy bộ dạng của đối phương như thế liền khích lệ tinh thần:
- Anh yên tâm, xong việc này tôi sẽ dẫn anh đi ăn lẩu. Tôi trả tiền.
Từ Thành Công hớn ha hớn hở nhảy dựng lên:
- Cảm ơn đội trưởng nhiều nhé!
Từ Thành Công khi xưa từng là sinh viên trong trường "Đại Học Cảnh Sát Nhân Dân". Nhưng vì lý do gì đó mà anh chỉ học một năm rồi chuyển qua ngành y. Nói về điểm số xét tuyển thì khỏi phải bàn vì anh ta thuộc hạng nhất nhì về điểm số khi còn học ở trường trung học phổ thông.
Đội trưởng Gia chưa kịp nói lại thì đối phương đã chạy huỳnh huỵch xuống cầu thang.
Trong phòng họp chỉ còn lại hai người đội trưởng Gia và anh Phương.
Đội trưởng Gia nghiêm sắc mặt:
- Anh có thể giúp tôi một việc không?
Anh Phương thắc mắc:
- Việc gì?
- Giúp tôi bắt năm tên này.
Đội trưởng Gia lấy từ trong túi áo ra năm tấm ảnh và đặt lên bàn. Trong các tấm ảnh hiện lên năm khuôn mặt hung dữ, cả năm người này đều có đặc điểm chung là cái đầu trọc toát lên cái tính giang hồ.
Đội trưởng Gia nheo mắt:
- Năm tên này đang bị truy nã, hiện tại đội trinh sát của Nguyễn Hữu Ái đã thông báo là ngày mai bọn chúng sẽ lên một chuyến tàu đi về Huế..
Anh Phương chen ngang:
- Tại sao đội cảnh sát cơ động không xử lý mà chọn tôi?
- Bọn chúng rất táo bạo trong việc đánh nhau, tôi e là chỉ cần vài giây vùng vằn bọn chúng có thể thoát khỏi tay của đội cảnh sát cơ động và cả đội trinh sát, nên tôi mới nhờ đến anh. Anh yên tâm, tôi không đánh giá thấp những cảnh sát cơ động đâu, họ có thể giỏi hơn anh gấp bội, nhưng tôi muốn sự có mặt của anh để giảm rủi ro.
Anh Phương gật đầu tỏ vẻ đồng ý rồi chào đội trưởng Gia ra về.
Đội trưởng Gia thở ra một hơi dài. Nguyễn Hữu Ái, thân phận của ông là gì?
Khi về đến nhà, anh Phương rất sửng sốt. Căn nhà thông thường khá bừa bộn, nay lại sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp. Quần áo thường ngày vẫn để ngổn ngang dưới đất, nay lại được treo lên và có một mùi thơm thoang thoảng của nước mềm vải Downy, nhà cửa được lau chùi sạch đến độ như một chiếc gương phản chiếu. Anh đi đến chỗ bàn tiếp khách thì thấy tập hồ sơ vụ án được sắp xếp thành một chồng đặt ở gốc bàn phía bên trái.
Đi xuống bếp, một mùi thơm của thức ăn đã chín lảng vảng xung quanh khiến bụng của anh sôi lên sùng sục. Ở ngoài nhà sau, Phan Mỹ Lệ đang rửa một thau chén đầy ắp nhưng trông vẻ mặt của cô không tỏ ra khó chịu, thay vào đó là vẻ mặt tươi tỉnh. Tim anh như co thắt lại và cảm thấy xúc động khi để một cô gái đảm nhiệm hết công việc nhà.
Anh đi đến vỗ nhẹ lên vai Phan Mỹ Lệ, giọng nói âu yếm:
- Để anh làm cho. Em vất vả rồi!
Phan Mỹ Lệ cười tủm tỉm:
- Hằng ngày anh rất bận, buổi tối cũng không ngủ được, mấy việc cỏn con này cứ để em làm là được.
Anh Phương ngồi xổm xuống, lấy từ trong cái hũ màu xam xám ra một miếng giẻ rửa chén màu vàng, nhúng xà phòng vào giẻ rồi chà lên khắp bề mặt cái chén:
- Em biết anh rất khỏe mà. Mấy việc này anh cũng nên phụ giúp em.
Thấy ngữ khí đối phương rất kiên định như đã nói ra rồi thì chắc chắn phải thực hiện, Phan Mỹ Lệ đành chấp nhận cho anh rửa phụ.
Hai người vừa rửa chén bát vừa trò chuyện trông vẻ vui tươi và hồn nhiên, cứ như hai đứa trẻ ngây ngô vậy.
Tối đến, sau khi đưa Phan Mỹ Lệ đến quán Hồng Hương Trà, anh nhanh chóng trở về nhà trông bộ dạng hết sức gấp gáp.
Theo lời đề nghị của đội trưởng đội cảnh sát hình sự Nguyễn Thế Gia, anh phải truy bắt một nhóm đối tượng đang bị truy nã, chúng đang ung dung ngoài vòng pháp luật sau một vụ cướp của giết người. Các đội trinh sát cũng đã theo dõi ngày đêm không nghỉ với bọn chúng nhưng cơ hội để tấn công thì không có, bọn chúng luôn cảnh giác và giấu rất nhiều vũ khí trong người, nhưng nhiệm vụ của họ là phải bắt sống các đối tượng đó để lấy cung, với vẻ táo bạo của chúng thì khó mà tiếp cận được.
Sau khi thu dọn đồ đạc xong, anh suy nghĩ một hồi mới lấy giấy bút ra hí hoáy viết một câu: Anh có nhiệm vụ quan trọng phải đi, đợi anh về nhé!
Cốc cốc..
Bỗng có tiếng gõ cửa vang lên, anh xách cái va li trên tay và bước đến mở cửa. Đứng trước mặt anh là Lê Hồng Thành, anh ta hôm nay ăn mặc rất chỉn chu, trên tay xách một chiếc va li màu đen đen, hình như anh ta cũng chuẩn bị đi đâu đó.
Anh Thành mỉm cười chào anh Phương rồi nói:
- Anh đang định đi đâu thế?
Anh Phương lúng túng nhưng vẫn cố che dấu nhiệm vụ bí mật:
- Đi đến Huế công tác một chút. Còn anh?
Anh Thành hào hứng:
- Trùng hợp thật, tôi cũng đang định chuẩn bị đi Huế.
Anh Phương hết cách trốn tránh đành đi cùng với anh ta trên chiếc xe taxi.
Anh Thành hất hàm về phía anh Phương:
- Chúc mừng anh đã sở hữu một cô nàng đẹp tuyệt trần.
Lời nói của đối phương khiến anh vừa cảm thấy ái ngại vừa cảm thấy hậm hực trong lòng, vì cái từ "sở hữu" chỉ sử dụng khi ta đã đạt được một mục đích gì đó rồi chiếm hữu, sử dụng và hưởng thụ nó, nhưng anh đến với Phan Mỹ Lệ hoàn toàn khác.
Anh Phương cau mày tỏ vẻ tức giận:
- Sở hữu gì chứ?
Anh Thành cười ha hả:
- Hình như tôi có chút động chạm nên thành thật xin lỗi anh!
Anh Phương lắc đầu quầy quậy coi như mặc nhận lời xin lỗi của đối phương rồi chuyển chủ đề:
- Chúng ta làm bạn bao lâu như vậy, anh chưa từng kể với tôi về con đường võ học của mình nhỉ?
Câu hỏi của anh Phương như liều thuốc khơi gợi lại trí nhớ của anh Thành khiến anh ta phấn chấn hẳn lên, dường như con người này sống rất nhàn nhã và luôn mỉm cười. Anh Thành ngồi ngay ngắn, chậm rãi nói rành rọt từng chữ:
- Thời ấy, tôi có một ước mơ giống như anh vậy. Muốn trở thành một cảnh sát, tôi đã cố gắng học tập đến nơi đến chốn sau nhiều năm được đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cuối cùng, tôi cũng thi đậu vào trường Đại Học Cảnh Sát Nhân Dân. Tại đó, tôi gặp rất nhiều bạn bè cũ của mình và cũng có những bạn bè mới, họ rất thân thiện, cứ nói chuyện với họ thì tôi chỉ biết cười đến toét cả hàm răng. Còn nhớ đó là cái ngày giá lạnh cuối năm. Bầu trời giá rét, lạnh đến độ tôi phải mặc đến năm lớp áo mà vẫn còn xít xoa thở ra hơi đông cứng, cứ như là phà khói thuốc lá vậy, có lẽ vì ở vùng nóng quen rồi nên tôi vẫn chưa chịu được cái giá lạnh này. Trong phòng ký túc xá, tôi thấy mình cứ ngồi học hoài cũng thấy chán mà đã lên Hà Nội rồi còn không được đi ngắm cảnh nữa. Đứa bạn thì đứa nào đứa nấy cứ tối đến đều đi chơi hết với bạn gái của mình, chỉ còn lại riêng tôi với một người bạn cùng phòng. Từ đó, tôi bắt đầu quyết định kiếm tiền thêm bên ngoài để có thể nhìn ngắm những cảnh vật đẹp đẽ ở đây. Hình như lúc ấy, tôi làm nhân viên phục vụ tại một quán Bar. Ở đó, tôi gặp rất nhiều loại người, đa phần là những phần tử ăn chơi, những tên đầu gấu, thậm chí tôi cũng từng phát hiện có ma túy tại đó nữa. Anh biết không? Lúc đó, tôi tự nghĩ mình là một cảnh sát nên đến ngăn cản một cô gái điếm hút ma túy. Nhưng tôi không ngờ rằng ở bên cạnh cô gái là một đám thanh niên côn đồ, tôi bấy giờ biết mình đã động chạm phải đầu gấu. Anh biết đấy, tôi của cái năm đó làm gì mà biết võ đâu nên mới bị bọn chúng đánh hội đồng. Bọn chúng đánh tôi một cách điên cuồng và dã man, có người còn lấy chai bia đập mạnh vào đầu của tôi nữa. Thế rồi, lại có một cao thủ xuất hiện..
Thấy đối phương đang kể nhưng lại ngập ngừng khiến anh Phương sốt ruột:
- Cao thủ ấy là ai?
Anh Thành cười hì hì:
- Đó cũng chính là người thầy taekwondo của tôi. Ông ấy đá túi bụi vào bọn chúng, mấy chốc đã khiến bọn chúng ngã nhào xuống đất rồi ông ấy nắm lấy áo của tôi, sau đó kéo tôi chạy nhanh ra khỏi cái quán Bar đó. Anh biết tại sao ông ấy lại có mặt tại quán đó không?
Anh Phương ngờ ngợ đoán:
- Ông ấy theo dõi cậu?
Anh Thành cười hớn hở:
- Không phải, không phải. Ông ấy là một cảnh sát ngầm đang điều tra ma túy tại quán Bar đó, hiện tại công việc ngoài là làm võ sư. Vì biết đây là một cao thủ vừa giỏi võ ra dáng của một đặc công, vừa giỏi về taekwondo nên tôi đã nảy ra một ý tưởng, tôi muốn học võ của ông ấy. Sau khi bị bọn người đó đánh đập, tôi cũng tức lắm chứ nhưng tức gì được trong khi tôi chỉ là một kẻ yếu đuối. Thế nên, tôi quyết định bái ông ấy làm thầy của mình. Ông ấy liền chấp nhận ngay. Kể từ đó, tôi đã quyết định một cách táo bạo là không học chuyên ngành cảnh sát nữa mà muốn làm một võ sư như ông ấy. Sau này, tôi về đây mở ra một câu lạc bộ võ thuật.
Anh Phương khẽ ồ lên một tiếng. Tại sao anh ta có triển vọng làm một cảnh sát như thế mà lại từ bỏ giữa chừng nhỉ?
Anh Thành như đọc được suy nghĩ của đối phương:
- Có phải, anh đang thắc mắc tại sao tôi lại từ bỏ con đường cảnh sát có phải không?
Anh Phương gật đầu mặc nhận câu hỏi của đối phương.
Anh Thành thở ra một hơi dài:
- Thời còn học cấp ba, tôi thật sự rất muốn làm cảnh sát. Nhưng sự xuất hiện của người thầy của tôi nên tôi mới hồi tâm chuyển ý tiếp nối ngọn lửa của thầy, làm võ sư khiến tôi thích hơn vì tôi có thể kiểm soát mọi thứ..
Hai người nói chuyện với nhau được một hồi lâu mà không biết mình đã tới ga tàu ở Tháp Chàm. Bác tài xế thấy hai người nói chuyện say xưa, trong khi xe đã dừng hẳn nên bác tài cảm thấy bực mình và quát:
- Hai người định nói chuyện với nhau đến bao giờ đây?
Tiếng quát của bác tài khiến hai người quay phắt lại, sáu ánh mắt nhìn nhau. Trong đó có ánh mắt giận dữ, lại còn có ánh mắt đầy tia máu như muốn nuốt chửng đối phương, còn có ánh mắt áy náy không biết cư xử như thế nào.
Sau khi thanh toán tiền xe, hai người vội vã chạy về phía ga tàu.
Vé tàu của anh Phương đã được đội trưởng Gia chuẩn bị từ trước. Hơn thế nữa, anh còn được trang bị một bộ đàm mini giấu trong túi áo và năm chiếc còng số tám.
Nhiệm vụ của anh là phải có mặt sớm trên một toa tàu nào đó, chờ Nguyễn Hữu Ái bố trí vài người theo dõi sát sao năm đối tượng phạm tội. Sau khi biết bọn chúng vào vị trí nào thì chính là lúc anh ra tay nhưng phải đợi đoàn tàu ngủ say để dễ bắt bọn chúng vì lúc ấy có khả năng bọn chúng cũng sẽ đánh một giấc, còn nếu bọn chúng thừa thời cơ mà muốn trộm đồ hoặc không ngủ thì sẽ sử dụng đến phương án thứ hai.
Anh Phương và anh Thành nhảy lên toa tàu số 7. Có rất nhiều người ngồi đối diện và trò chuyện với nhau xì xào. Anh Phương thấy cặp ghế gỗ bên tay phải gần cửa ra vào sang toa khác còn trống nên quyết định đi đến và ngồi xuống.
Đoàn tàu bắt đầu xình xịch chuyển bánh, ở trong các toa tàu hơi run lên như một trận động đất nhè nhẹ.
Anh Thành ngồi đối diện anh Phương:
- Hiếm khi thấy anh đi công tác ở xa như thế nhỉ?
Anh Phương cười hì hì:
- Anh cũng thế.
Anh Thành chợt nghĩ ra một điều gì đó rồi nói với giọng ngại ngùng:
- À, hồi nãy tôi có kể cho anh nghe về câu chuyện cuộc đời của tôi và bây giờ anh cũng nên kể về mình một chút nhỉ? Anh và cô gái đó đến với nhau như thế nào?
Anh Phương mỉm cười:
- Lúc đó, cô ấy bị cuốn vào một cuộc ẩu đả giữa đám thanh niên côn đồ say xỉn. Tôi thấy vậy liền chạy tới ngăn cuộc chiến đó lại, kết quả là đã ngăn thành công. Kể từ đó mà chúng tôi mới quen nhau.
Anh Thành ồ lên một tiếng:
- Anh hùng cứu mỹ nhân..
- Tôi chỉ làm vì công lý thôi.
Anh Thành cười hì hì:
- À, anh đến với võ thuật như thế nào?
- Chuyện kể ra cũng dài dòng..
Anh Phương bắt đầu thuật lại toàn bộ quá khứ của mình cho đối phương nghe.
Thời gian cứ thế trôi qua rất nhanh, mấy chốc đã khuya. Lúc này, dù cho ngủ trên cái ghế gỗ rất khó chịu nhưng mọi người trong toa tàu vẫn chấp nhận mà đánh một giấc thật say, hầu như khắp không gian đều chìm trong bầu không khí yên ắng, thỉnh thoảng vang vọng những tiếng ngáy của những vị khách và những tiếng thở êm đềm.
Anh Thành cũng xin phép cởi đôi giày màu nâu sẫm ra, gác chân lên ghế đối diện mà anh Phương đang ngồi, đồng thời khoanh tay và nhắm mắt.
Trong khi mọi người đang ngủ thì anh Phương dường như không hề chợp mắt, vì trong tai nghe của anh vọng lại tiếng của đội trưởng đội trinh sát Nguyễn Hữu Ái.
- Bọn chúng vẫn còn thức và đang chuẩn bị đi sang toa khác, chuẩn bị phương án hai nếu bọn chúng dám làm càn và ba nếu bọn chúng không làm gì hết.
Anh Phương kéo túi áo ở trên ngực bên phải của mình lên rồi nói "rõ".
Phương án hai là tấn công trực tiếp kết hợp với yếu tố bất ngờ. Các trinh sát viên và cảnh sát cơ động đã được cải trang thành những hành khách rải rác trên các toa tàu, nhằm mục đích giăng lưới để chờ đối phương mắc bẫy.
Phòng trường hợp bọn chúng vùng vằn và dùng đến vũ khí cất giấu trong người, đội bắn tỉa đóng giả làm hành khách trên tàu sẽ ra tay nhưng tuyệt đối không được giết chết bọn chúng vì nhiệm vụ là phải bắt sống các đối tượng để lấy cung. Nói là bắn tỉa nhưng thực ra dụng cụ không phải là súng mà chỉ là những chiếc dùi cui và gậy ba ton.
Phương án ba là theo dõi, khi năm tên đó không làm hại người dân đang ngủ trên toa tàu thì lúc này có thể an tâm đợi tàu dừng lại, cảnh sát ở Huế sẽ phối hợp với lực lượng chức năng đến vây bắt bọn chúng.
Anh nghe thấy tiếng mở cửa ở phía sau lưng thì giật nảy mình, bộ đàm trên túi áo vô tình rớt xuống đất. Anh không do dự mà ngay lập tức cúi khom người xuống tìm kiếm bộ đàm.
Vì bộ đàm mini rất nhỏ và không gian tối nên khi rớt xuống khó mà tìm thấy. Anh luống cuống lần mò tìm kiếm và không ngại nâng đôi giày của anh Thành lên khám xét. Bỗng anh thấy có một vệt đen nâu nho nhỏ đậm in trên một chiếc giày của anh Thành. Anh dùng ngón trỏ chạm vào nó và phát hiện không phải bộ đàm mà anh đang tìm kiếm, nhưng có gì đó thật kì lạ ở đây. Sau khi lần tìm trong vô vọng mà không có kết quả, anh đành bất lực giả vờ ngủ.
Cánh cửa bắt đầu mở ra, tiếng bước chân nặng nề vang lên. Bọn chúng rón rén bước vào và quan sát xem những hành khách đã ngủ hết chưa. Xong xuôi, bọn chúng đi đến chỗ một ông lão, ánh mắt đảo qua đảo lại nhìn khắp người ông ta.
Có lẽ là do những đồ trang sức bằng vàng trên người ông lão như: Đồng hồ vàng, dây chuyền vàng, nhẫn vàng.. Những thứ đó đã thu hút ánh nhìn thèm khát của bọn chúng. Bản thân bọn chúng đang là những đối tượng bị truy nã, sau khi tháo chạy lên toa tàu này thì chắc chắn sẽ không kịp đem theo tiền mà chỉ kịp mang vé tàu đã đặt mua từ trước. Đã hai ngày qua bọn chúng không ăn uống gì, bụng bây giờ đang sôi sùng sục và cảm thấy nhức nhối khó chịu. Thứ vàng ấy đã dấy lên một tia hy vọng trong lòng bọn chúng, nhưng điều đó cũng hết sức nguy hiểm nếu lấy trộm không thành công.
Hai giờ sáng, không khí se se lạnh bắt đầu bủa vây khắp không gian nơi đây. Có người thì mệt quá nên không còn ý thức để đắp chăn, ngoài ra còn có người chợt tỉnh dậy lấy áo khoác trùm lên người nhưng họ không để ý năm người thanh niên đang đứng sừng sững ở phía trước họ.
Bọn chúng xem xét và thấy ông lão đã ngủ say. Tên cầm đầu là một người thanh niên vạm vỡ, mặc bộ đồ màu trắng, trông dáng vẻ rất cao lớn, đặc biệt khuôn mặt của hắn vuông vuông và tiều tụy vì mấy ngày qua chưa có thứ gì lót bụng, hắn ta bắt đầu dấm dúi thò tay vào cổ ông lão.
Một viên cảnh sát ngụy trang làm hành khách ở phía đầu tàu thấy vậy lập tức phóng về phía trước chụp lấy một người thanh niên.
Anh Phương bất ngờ với tình huống này, không biết có phải là do Nguyễn Hữu Ái ra lệnh hay không nhưng cậu chàng cảnh sát đó đã quá vội vàng.
Đúng như dự đoán của anh, ông lão bất giác tỉnh dậy khiến cho tên cầm đầu hoảng hốt.
Tình thế đã thay đổi một cách đột ngột, các viên cảnh sát ngụy trang khác ở trên tàu cũng bắt đầu hành động. Nhưng họ đã quên mất đối phương có mang vũ khí, tên cầm đầu thả sợi dây chuyền vàng trên cổ ông lão ra và móc ra một chiếc dùi cui. Ngay lập tức, bọn chúng chích điện khiến ba viên cảnh sát ngã xuống sàn co quắp lại như con tôm.
Anh Phương gãi gãi đầu trước một sự việc rắc rối trước mắt và cúi xuống gầm bàn lấy một chiếc giày của anh Thành.
Đứng phắt dậy, anh lấy đà rồi ném mạnh về phía tên cầm đầu. Chiếc giày bị chệch hướng phóng ra khỏi cửa sổ đang mở toang.
Tên cầm đầu tỏ ra giận dữ, hắn lẩm bẩm:
- Mẹ kiếp!
Anh Phương bỏ ngoài tai câu nói văng tục của tên cầm đầu và nhanh chóng phóng đến chỗ đám người thanh niên đó.
Không do dự, anh thọc một cú đá ngang vào bụng của hắn rồi xoay người đá tạt vào mặt một tên trong số đó.
Bọn chúng cũng chẳng sợ anh trong khi tên cầm đầu đang nằm co ro dưới đất. Với vẻ tức giận và không ngần ngại giết người khi bị bại lộ, bọn chúng lao tới dí dùi cui vào người anh.
Nếu chỉ dính sơ qua một luồng điện cũng đủ khiến một người trưởng thành dù cho có sức khỏe cũng tê tái bất động, anh nhận ra điều này nên đã lùi về phía sau dụ bọn chúng đuổi theo để đội bắn tỉa bắt đầu ra tay.
Hầu hết những người trên tàu đều đã tỉnh giấc và kinh ngạc nhìn cảnh tượng trước mắt mình. Họ cứ tưởng rằng đám người đó là những tên côn đồ thích gây chuyện, nhưng sự thật thì đây là một cuộc chiến giữa cảnh sát và tội phạm ở trên tàu.
Đội bắn tỉa từ đầu tàu đổ nhào xuống đầy bất ngờ, những luồng điện lóe lên chọt vào người từng tên một, bọn chúng cũng đáp trả lại bằng luồng điện trong dùi cui của mình.
Bỗng một tiếng bốp vang đến chói tai. Tên cầm đầu bị một người đàn ông đá một cú vòng cầu vào mặt.
Người đàn ông đó chạy đến giúp cảnh sát đánh bọn chúng nhưng vẫn giữ khoảng cách để dùi cui không chạm được đến người.
Anh Phương nhận ra người đàn ông ấy chính là anh Thành, như được tiếp thêm động lực, anh nhào tới tấn công bọn chúng.
Chỉ mấy chốc, thế trận đã nghiêng về đội cảnh sát. Mặc dù đã thắng, nhưng những viên cảnh sát nằm bất động ở dưới sàn thì có vẻ đã tạt một gáo nước lạnh vào đầu của anh Phương và Nguyễn Hữu Ái. Nếu như người cảnh sát trẻ đó không vội vã ra tay thì thế trận có vẻ sẽ thành công hơn bây giờ.
Nguyễn Hữu Ái hầm hầm đi đến quát khiến cho những hành khách vô tội cũng phải khiếp sợ:
- Các cậu làm ăn cái gì vậy hả? Đã bảo là từ từ rồi cơ mà. – Ông ta thở ra một hơi dài. – Khi về tới đồn công an tôi sẽ kỉ luật các cậu sau, mau còng bọn chúng lại và đợi khi đến ga tôi sẽ cho người đem cáng tới.
Anh Thành cũng không muốn mình bị mắng lây nên cùng anh Phương đi về chỗ cũ. Vừa ngồi xuống, anh thấy một chiếc giày của mình đã bị mất liền hì hục tìm kiếm.
Anh Phương cười bẽn lẽn:
- À, xin lỗi anh! Hồi nãy tôi tức quá nên đã ném nó vào cái tên đó, ai ngờ nó không trúng mà bay qua cửa sổ luôn.
- Không phải ban đêm họ thường hay đóng cửa sổ lại sao?
- Cánh cửa sổ đó bị hư nên không đóng được. Rất xin lỗi anh!
Lời nói của anh Phương giúp anh Thành bớt lo lắng một phần:
- Lại thêm một trận thành công nữa nhỉ? Thật nhớ khi xưa quá.
Anh Phương gãi gãi đầu:
- Cuộc chiến này dù đã thành công nhưng tôi cảm thấy không an tâm lắm vì có nhiều cảnh sát bị thương như thế.
Ánh sáng vàng nhạt le lói vào khung cửa sổ, hơi ấm của ánh nắng mặt trời xua tan bầu không khí lạnh. Bình minh lên cũng là lúc mọi người đã đến Huế.
Ở đây đông đúc người nườm nượp qua lại, vẫn giữ nét truyền thống nên khắp xung quanh vẫn mang lại một cảm giác cổ kính như được trở về thời hoàng cung xưa.
Sau khi tàu dừng lại, các viên cảnh sát cùng với các vị bác sĩ mang cáng cứu thương lên tàu, còn các phạm nhân đều bị áp giải trở lại trên một chuyến tàu khác trở về Ninh Thuận.
Anh Phương nhìn ngắm dòng người xung quanh một hồi lâu thì cảm thấy trong lòng đang nhớ một người nào đó.
Anh hất hàm về phía anh Thành:
- Tạm biệt nhé!
Anh Thành sững sờ trước câu nói của đối phương:
- Là sao?
- Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, bây giờ tôi phải về đồn gấp để điều tra một vụ án.
Anh Thành biết một khi đối phương đã quyết định thì không thể nào thay lòng đổi dạ được, nên anh không miễn cưỡng:
- Tạm biệt!
Anh Phương vẫy vẫy tay:
- Chừng nào về, nhớ gọi cho tôi ra đón nhé!
Anh Thành cười hì hì:
- Phiền anh quá.
Anh Phương thấy đối phương đi chân đất, nhớ ra lúc nãy khi còn ở trên tàu, anh đã ném chiếc giày đó qua cửa sổ.
Thấy anh Phương cứ nhìn xuống chân của mình, anh Thành nháy mắt:
- Anh không cần lo cho tôi mấy đôi giày đó đâu, chiếc còn lại tôi để quên trên toa tàu đó luôn rồi. Tôi sẽ mua một đôi khác thay vào, không sao đâu.
Anh Phương không còn cảm giác áy náy nữa:
- Hẹn gặp lại!
Dứt câu, anh Phương đi về phía ngôi nhà màu đo đỏ, ở trên đầu có bản hiệu "Phòng bán vé – Chờ tàu". Anh biết mình ra đi làm nhiệm vụ mà vẫn chưa nói một lời từ biệt nào với cô ấy khiến lòng anh cảm thấy thấp thỏm lo lắng cho cô.
Không biết cô ấy có giống như cảm giác của mình bây giờ không nhỉ?
Và đó cũng chính là câu hỏi thúc giục anh phải trở về. Ở nơi đó, có một người con gái xinh đẹp đã chấp nhận anh.
Sau khi mua vé tàu xong, anh vội vã bước lên toa tàu số 8.
Anh ngồi ở vị trí giữa toa tàu bên tay trái, một người đàn ông thấy ghế còn trống nên đã xin phép được ngồi đối diện anh. Người đàn ông này khoảng 46 tuổi, làn da rám nắng, trên khuôn mặt hiện rõ mồn một các nếp nhăn, nhưng tướng đi của ông không hề chậm chạp, cứ như ông ấy đang trở về thời trai trẻ của mình vậy.
Ông ta chính là Đại Tá Nguyễn Hữu Ái, đội trưởng đội trinh sát hình sự. Nhiều năm qua, trong sự nghiệp của ông chưa bao giờ gặp thất bại nào trong việc trinh sát đối tượng, nhờ khả năng thiên phú, lòng dũng cảm và lên kế hoạch tài tình với nhiều phương án khác nhau, kể cả phương án dự phòng, ông đã thành công và được công nhận là một huyền thoại trong giới cảnh sát hình sự.
Đội trưởng Gia mời ông vào tổ trọng án để truy tìm năm đối tượng nhằm mục đích sớm đưa bọn chúng trở lại vào vòng pháp luật.
Anh Phương đưa người về phía trước:
- Chú quả thật rất giỏi!
Cứ tưởng Nguyễn Hữu Ái sẽ tỏ ý "cảm ơn" về lời khen của anh, nhưng lời nói của ông thì ngược lại:
- Tôi không chấp nhận tình thế này.
Anh Phương cố gắng động viên:
- Ai mà chẳng đôi khi mắc sai lầm, chú cũng nên thông cảm vì cậu ấy mới vào nghề nên chưa có kinh nghiệm lắm.
Nguyễn Hữu Ái lắc đầu quầy quậy:
- Đây chính là sai lầm của tôi.
Anh Phương không bỏ cuộc mà tiếp tục động viên ông:
- Nếu không để cậu ta làm thì lần thực tập này cũng không thể giúp cậu ta tiến bộ được. Không phải chúng ta là những bậc tiền bối thì phải giúp đỡ hậu bối của mình sao?
Lời nói của anh Phương cuối cùng cũng giúp Nguyễn Hữu Ái cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Ông thở ra một hơi dài như trút bỏ được gánh nặng trên vai của mình.
Thấy đối phương đã không còn lo lắng hay phiền muộn nữa, anh Phương vội chuyển chủ đề:
- Sao chú không tham gia cùng tụi cháu vào vụ án A9 - 123.3?
Vụ án A9 - 123.3 cũng chính là vụ giết người không dấu vết, nạn nhận là một nhà báo mà tổ trọng án đang đau đầu để tìm ra lời giải.
Nguyễn Hữu Ái biết về vụ án đó:
- Vụ án này, tôi nghe nói là rất phức tạp phải không?
- Dạ phải!
- Lúc đó, tôi cũng muốn lắm, nhưng tôi nghĩ nên để người bạn của tôi là Ngô Nhật Quang đảm nhiệm. Mặc dù thực lực của cậu ấy tuy có phần vẫn chưa được công nhận là giỏi nhưng đối với tôi thì cậu ta không thua kém gì tôi đâu, ngược lại có thể hơn tôi nữa.
Anh Phương cười hì hì:
- Chú khiêm tốn quá.
Nguyễn Hữu Ái xua xua tay:
- Khiêm tốn gì chứ? Tôi chỉ đang nói sự thật mà thôi. Anh ấy cũng có nỗi khổ riêng của mình. Chắc cậu cũng biết rồi đấy.
Anh Phương cũng từng nghe nói, vợ của Ngô Nhật Quang đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc bốn năm trước nên chú ấy đã trở thành "Gà trống nuôi con". Cũng chính vì thế mà chú ấy mới ít khi tham gia tổ trọng án, cũng vì vậy mà đội trưởng mới nhờ đến Nguyễn Hữu Ái.
Buổi tối se se lạnh, nhiều người mặc áo khoác vào trong niềm hân hoan sắp được về nhà hoặc thăm người thân của mình. Anh cũng là một trong số đó, có lẽ người phụ nữ đẹp như "tiên nữ" ấy đã xâm nhập và chiếm lấy một nửa trái tim của anh. Từ trước tới giờ, chưa một người con gái nào chịu tiếp xúc với anh, ngay cả các đồng nghiệp cũng ngại ngùng hoặc sợ sệt khi đứng gần. Chỉ có những con người trong con hẻm và cô gái ấy mới thực sự giúp anh vơi đi nỗi buồn và thoát khỏi sự cô độc.
Cũng vì cái ngày mà sư phụ của anh đã qua đời. Anh từ một chàng trai luôn là trung tâm của sự chú ý trong lớp, nay lại trở thành một người kiệm lời và lạnh lùng. Sự thay đổi đột ngột này cũng khiến cho những người bạn của anh, trừ đội trưởng Gia ra thì tất cả đều xa lánh.
Những ngày cận kề tết, anh không trở về nhà mà xin phép nhà trường cho mình được ở lại trường. Hiệu trưởng cảm thấy kì lạ nên hỏi anh:
- Sao cậu không trở về nhà?
Anh Phương rầu rĩ trả lời:
- Ở nhà có ai chờ em đâu mà về.
Khi nghe được câu nói này phát ra từ miệng anh Phương, thầy hiệu trưởng bắt đầu cảm thấy xót xa và thấu hiểu con người của anh hơn.
Những ngày tháng ấy cứ thế trôi đi rồi đến khi anh ra trường mới trở về căn nhà ấy.
Con tàu đã dừng lại, tiếng "xình xịch" cũng từ từ trầm xuống và biến mất. Anh đi về cùng chuyến xe buýt với Nguyễn Hữu Ái. Hai người nói chuyện rất thân mật cứ như là hai anh em vậy.
Một tiếng sau, chiếc xe buýt đã đến con hẻm. Sau khi tạm biệt Nguyễn Hữu Ái, anh xách va li của mình trên tay, lóc xóc cái chìa khóa rồi đi vào trong con hẻm.
Anh Ba khi thấy anh Phương đi qua liền hớn hở vẫy tay chào:
- Mừng cậu trở về!
Anh Phương vui vẻ vẫy tay chào lại, tiếp tục đi sâu vào con hẻm. Lúc này, anh Bách, chị Tám, chú Tư, bà Năm, chị Tú và ông Bình lần lượt vẫy tay chào cậu trong niềm hoan hỉ, cũng câu nói đó vang lên "Mừng cậu trở về!". Câu nói lặp đi lặp lại ấy như đã trở thành một trong phong tục không thể thiếu trong con hẻm này.
Đứng trước cửa nhà, anh thấy bên trong đèn bật sáng, cửa không khóa. Bây giờ là chín giờ ba mươi phút, có lẽ Phan Mỹ Lệ vẫn chưa ngủ nên anh đẩy cửa bước vào. Sau khi đóng cửa lại, do dự một hồi anh mới khóa trái cửa.
Vừa mới cởi giày và đặt va li xuống nền nhà thì đột nhiên Phan Mỹ Lệ từ trong nhà phóng ra. Cô nắm lấy cổ tay và hấp tấp kéo anh vào trong phòng ngủ rồi xô anh ngã xuống giường nệm.
Anh Phương kinh ngạc nằm bất động.
Bỗng Phan Mỹ Lệ cởi bỏ lớp áo ngoài ra để lộ chiếc áo ngực màu đen bên trong rồi cởi bỏ luôn chiếc quần đùi. Trên người cô chỉ có bộ đồ lót che phần nhạy cảm trên cơ thể.
Phan Mỹ Lệ nhào đến hôn lấy hôn để khắp khuôn mặt anh.
Chuyện gì đang xảy ra với cô ấy vậy nhỉ?
Phan Mỹ Lệ đưa tay xuống phần bụng dưới của anh.
Anh Phương trợn tròn đôi mắt và lấy lại tinh thần, nhanh như cắt cầm lấy cổ tay của Phan Mỹ Lệ và nhẹ nhàng hất cô nằm xuống giường rồi đứng thẳng người lên nói với giọng làu bàu nhưng vẫn có phần quan tâm:
- Em sao thế?
Phan Mỹ Lệ thở hổn hển:
- Em không biết mình bị làm sao nữa. Anh có thể giúp em.. không?
Anh Phương như hiểu ra được điều gì đó, nhanh chóng chạy ra khỏi phòng ngủ, quẹo trái xuống dưới bếp vắt một ít nước cam đặc. Sau đó, anh chạy lại vào phòng, nhẹ nhàng nâng ly giúp Phan Mỹ Lệ uống.
Sau khi Phan Mỹ Lệ uống một ngụm nhỏ, anh lấy ly ra khỏi đôi môi của cô.
Có vẻ Phan Mỹ Lệ đã quá mỏi mệt sau khi chống chịu với cơn thèm khát tình dục trong người. Cô nằm vật xuống giường rồi nói với giọng lí nhí:
- Sau khi làm ở quán xong, một vị khách với khuôn mặt trắng như tuyết cùng với đám người cao to đã mời em uống chút bia. Nhưng em đã từ chối và chỉ muốn uống nước lọc thay cho bia, người đàn ông đó liền tận tay rót nước cho em uống. Không hiểu tại sao sau khi được chị Yến trở về tới nhà, em lại không thể hiểu nỗi bản thân của mình. Em nghĩ chắc nước lọc đó có vấn đề.
Anh Phương tự trách mình ngu ngốc khi để cô ấy ở nhà một mình. Anh đã ngờ ngợ ra điều gì đó, có lẽ cô ấy đã bị đối phương ngấm ngầm thả thuốc kích dục vào trong cốc nước.
Mấy phút sau, Phan Mỹ Lệ đã chìm vào giấc ngủ. Anh đi ra ngoài trong bộ dạng hết sức giận dữ:
- Tao sẽ không tha cho lũ chúng mày đâu.