Lại nói, khi Giang Phong về đến Thiếu Quân Trấn, gặp bọn Mizu, Nori và Masashi.
Mọi người cùng nói chuyện vui vẻ.
Long nhi trở thành nhân vật chính, được mọi người ưu ái quan tâm.
Long nhi vừa đáng yêu vừa hiểu chuyện, nên đến đâu cũng đều gây hảo cảm.
Chuyện vãn một hồi, Long nhi chợt nói :
- Sắp tới là sinh nhật của Long nhi rồi.
Các vị cô cô cũng đến dự nha.
Masashi hứng thú hỏi :
- Khi nào vậy ? Tổ chức ở đâu ?
Long nhi nói :
- Còn bốn ngày nữa, tổ chức ở Nguyên Đô đó.
Long nhi ở Nguyên Đô mà.
Giang Phong mỉm cười nói :
- Thứ bảy tới là sinh nhật của Long nhi.
Tiểu huynh lần này đến đón các vị hiền muội cùng đến Nguyên Đô đó.
Chỉ không biết các vị hiền muội có rảnh không thôi ?
Bọn Mizu đồng thanh đáp :
- Rảnh chứ.
Rảnh chứ.
Đương nhiên là rảnh rồi.
Long nhi lại hớn hở khoe :
- Sinh nhật của Long nhi, phụ vương tổ chức lớn lắm nha, cử quốc đại khánh, chư quốc chúc mừng, Kinh Vương, Man Vương cũng đến dự nữa đó.
Bọn Mizu đưa mắt nhìn nhau.
Lớn thật đó nha.
Chắc chắn sẽ rất náo nhiệt.
Không thể vắng mặt được.
Masashi hỏi :
- Khi nào đi vậy ca ca ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Khi nào đi cũng được.
Miễn sao các vị hiền muội có thể thu xếp xong công việc ở đây thì thôi.
Mizu nghe nói lập tức chạy ra ngoài.
Masashi ngạc nhiên hỏi :
- Mizu.
Đi đâu đó ?
Mizu đáp với lại :
- Đi sắp xếp công việc trong trấn.
Xong sớm rồi theo ca ca đến Nguyên Đô chơi.
Masashi và Nori đưa mắt nhìn nhau.
Phải đó nha.
Xong sớm thì đi sớm.
Cả hai liền đứng dậy chạy theo Mizu.
Giang Phong chỉ khẽ cười, lắc đầu.
Đến giữa buổi chiều, một chiếc Lâu thuyền rời bến, chở Long nhi, bọn Mizu và cả Lân nhi đến Nguyên Đô, có Giang Thạch Khê và đội Cấm vệ hộ tống.
Giang Phong không đi theo, vì phải lên ‘tân lĩnh địa’ thu Nguyên lực.
Rồi sau đó có thể thông qua Thiên đàn trở về Nguyên Thành nhanh hơn.
Cứ mỗi ngày hai lần như thế thật là phiền phức, và Giang Phong chợt nhớ đến Năng lượng tháp, một đặc thù kiến trúc mà Giang Phong đã được tưởng lệ trước đây.
Sáng hôm sau, Giang Phong đã tích tụ được 15 Nguyên lực, liền khởi công xây dựng Năng lượng tháp.
So với Thiên đàn, Năng lượng tháp chỉ là một kiến trúc nhỏ, chiếm diện tích không lớn, nhưng đối với Giang Phong lại đặc biệt quan trọng.
“Năng lượng tháp (sơ cấp) : diện tích 5x5; linh mộc 10, linh thạch 5, Nguyên lực 10; cho phép tích trữ Nguyên lực.”
Năng lượng tháp là một tòa tiểu tháp hình lục giác, xây dựng trên một nền đá rộng 5x5 mét.
Bên trong tiểu tháp có một cột tích trữ năng lượng (Nguyên lực, Thần lực).
Do Giang Phong có giai vị tương đương trung vị thần, nên Năng lượng tháp chỉ là sơ cấp, có thể tích trữ 15 điểm Nguyên lực.
Kiến trúc này muốn thăng cấp sẽ phụ thuộc vào giai vị của Giang Phong chứ không phải cấp độ của lĩnh địa.
Xây dựng xong Năng lượng tháp, Giang Phong kết nối nó vào Thiên đàn.
Thế là từ nay có thể yên tâm, không sợ phí phạm vì không kịp thu Nguyên lực.
Năng lượng tháp có thể tích trữ số Nguyên lực mà Thiên đàn chuyển hóa trong 50 giờ.
Thành ra mỗi 2 ngày Giang Phong mới phải đến đây một lần.
Đặc biệt, khi Giang Phong có dư Nguyên lực, cũng có thể tích trữ một phần trong Năng lượng tháp này.
Nhìn vào cột năng lượng ở Thiên đàn, thấy rằng chỉ đến giữa buổi sáng là có thể thu thêm Nguyên lực, Giang Phong quyết định dùng 5 điểm Nguyên lực còn lại để xây Mỏ.
Muốn phát triển lực lượng quân sự cần phải có trang bị vũ khí, do đó cần phải có tinh kim khoáng (một thứ kim loại đặc biệt dùng để chế tạo thần khí), và cần có Mỏ để khai thác.
Nhưng trước hết cần phải điều tra xem trong lĩnh địa có quặng mỏ hay không đã.
Sử dụng chức năng của ‘Sổ tay lĩnh chủ’ để tìm, Giang Phong phát hiện trong lĩnh địa có đến 3 loại mỏ quặng : tinh kim khoáng, cao lanh khoáng và ngọc thạch khoáng.
Tuy rằng Tinh kim và Ngọc thạch trữ lượng không cao, nhưng có vẫn còn hơn không.
Các mỏ quặng này đều tập trung ở khu vực các ngọn đồi phía đông nam.
(chú : ‘cao lanh’ là tên một loại đất sét trắng dùng làm đồ gốm sứ; tên gọi có nguồn gốc từ ‘Cao Lĩnh thổ’, tức đất ở Cao Lĩnh, một khu đồi tại Cảnh Đức Trấn, Giang Tây, Trung Quốc, được các giáo sĩ dòng Tên người Pháp phiên thành ‘kaolin’ truyền vào châu Âu hồi thế kỷ 18, sau đó người Việt lại phiên từ tiếng Pháp sang tiếng Việt thành ‘cao lanh’.
Tên khoa học của loại khoáng này là kaolinit).
Có quặng mỏ, Giang Phong quyết định xây Mỏ để khai thác.
Trước mắt chỉ có thể xây 1 Mỏ, nên tinh kim được ưu tiên chọn lựa.
Sau đó 7 thôn dân được phái đến đây làm việc.
Toàn thôn lúc này có 31 thôn dân (Giang Phong và Long nhi là lĩnh chủ và thiếu lĩnh chủ, không tính là thôn dân), được phân công như sau : 1 người làm vườn, 2 người chăn nuôi (do có nhiều gia súc quá), 14 khai thác linh mộc, 7 khai thác linh thạch và 7 khai thác tinh kim.
Khi Giang Phong cần xây dựng gì đó thì 1 người khai thác linh mộc sẽ tạm dừng công việc, sung làm thợ mộc.
Công việc tạm ổn, Giang Phong trở lại Cung điện thì phát hiện vẫn còn một lượng đáng kể lương thực chất đống phía trước Cung điện, và chợt nhớ rằng hôm nay đã là ngày thứ ba sau thu hoạch.
Vậy nên, khi đã bổ sung Nguyên lực, Giang Phong xây dựng thêm 1 Kho lương, rồi mới rời lĩnh địa, đến Nguyên Thành.
Lúc này, bọn Mizu đã đến Nguyên Thành, và được Long nhi dẫn đi tham quan các nơi.
Thật ra Long nhi còn thông thạo Nguyên Thành và An Phú Thành hơn cả Giang Phong nữa, bởi Giang Phong có mấy khi ở đấy đâu.
Mà mỗi khi Giang Phong có mặt ở đấy thì đều phải lo giải quyết công việc.
Gặp gỡ bọn Mizu, Giang Phong thấy rằng cũng nên tặng cho bọn họ vài bộ y phục mới.
Ngoài Mizu vận bộ y phục mà Giang Phong tặng cho trước đây, Nori và Masashi vẫn mặc những bộ y phục dạng phổ thông mà mọi người chơi vẫn dùng.
Do đó Giang Phong đã đưa ba người bọn họ đến nhà của Đào Đại Nương.
Đào Đại Nương là đại sư cấp thợ may, gia cảnh sung túc, bình thường không nhận may y phục cho ai, chỉ làm việc khi có lệnh của triều đình.
Đào Đại Nương đặc biệt thiện trường may y phục cho phái nữ, kiểu dáng độc đáo và tuyệt đẹp.
Thậm chí còn có thể thiết kế riêng cho từng mẫu người.
Phái nữ thường đặc biệt mẫn cảm với những y phục đẹp.
Bọn Mizu được Đại Nương thiết kế cho vài bộ y phục, rất hứng khởi, không còn tâm trí đi đâu nữa, nhất quyết ở lại đó xem Đại Nương may và chờ đợi mặc thử.
Giang Phong đành để bọn họ lại đó, đưa Long nhi về cung.
Lân nhi lúc này đã tranh thủ đến An Phú Thành, vào Tử Long Học Viện học thêm một số kỹ năng cần thiết, như kỵ thuật chẳng hạn, thứ đó Giang Phong không thể dạy.
Nguyên Thành trên dưới hiện đều đang rất bận rộn.
Ba ngày nữa đã là ngày mừng sinh nhật thái tử, toàn quốc đại khánh, hơn nữa còn có chư quốc đến mừng, chư vương đến dự.
Mọi người dân sửa sang trang hoàng nhà cửa, treo đèn kết hoa như ngày tết đến.
Quan viên triều đình càng bận rộn hơn, vừa phải lo tổ chức đại lễ, vừa phải lo chuẩn bị đón tiếp khách mời.
Khách có nhiều loại, nên lễ nghi cũng chia nhiều thứ bậc.
Vương Nguyên soái thì khẩn trương thao luyện binh mã, chuẩn bị cho cuộc duyệt binh.
Lão quyết lần này duyệt binh phải oanh động hơn cả lần trước, nên đã vắt óc suy nghĩ hàng loạt kịch bản, rồi chọn lựa kịch bản hay nhất.
Đồng thời, hàng loạt binh chủng mới được lão mày mò chế ra thêm.
Thật ra thì cũng là những sĩ binh đó, nhưng sử dụng vũ khí khác nhau, chiến trận khác nhau, vũ kỹ khác nhau thì thành ra những binh chủng khác nhau thôi.
Vương Nguyên soái là lão tướng, kinh nghiệm phong phú, biết rộng hiểu nhiều, nên việc đó đối lão cũng không khó lắm.
Người xưa nói ‘trong nhà có lão như có được bảo’ quả không sai.
Giang Phong kiểm tra việc tổ chức đại lễ của triều thần, thấy bọn họ tổ chức rất tốt, nên rất hài lòng, hoàn toàn giao phó cho bọn họ lo liệu.
Giang Thạch Khê thì được phái đến nam cương phối hợp cùng lão Nguyên Phương thiết lập Truyền tống trận, tranh thủ để lão Nguyên Phương có thể về kịp dự lễ sinh nhật của Long nhi.
Dù sao cũng là toàn quốc đại khánh, cũng nên có đủ mặt quần thần.
Xong đâu đấy, Giang Phong đăng xuất nghỉ ngơi.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, Giang Phong lên mạng duyệt đọc tin tức trên diễn đàn, và một đoạn tin tức đã khiến Giang Phong chú ý.
(chú : ‘khánh’ là một dịp lễ tiết quan trọng cấp quốc gia thời xưa, còn được gọi là ‘quốc khánh”.
Ví dụ : thời Nguyễn, kỷ niệm ngày Gia Long lên ngôi gọi là ‘Hưng quốc khánh niệm’, ý nghĩa như ngày ‘quốc khánh’ hiện nay.
Ngoài ra sinh nhật vua cũng là ‘quốc khánh’; như ngày nay ‘quốc khánh’ của Thái Lan vẫn là sinh nhật nhà vua.
Đối với một số dịp lễ tiết quan trọng, tổ chức lớn hơn, thường là các năm tròn kỷ niệm 30, 40, 50 năm thì gọi là ‘đại khánh’.
Ví dụ : ‘Tứ Tuần đại khánh’ của vua Khải Định, sinh nhật vua 40 tuổi).
Danh Sách Chương: