Ta buông rèm, bảo phu xe: "Thôi, đi thôi."
Đi được một đoạn, ta dừng lại, gọi thị vệ đưa ít tiền về cho mẫu thân. Ta dặn: "Nói với bà ấy là con gái bà đã chết, đây là tiền phúng điếu chủ nhân gửi cho gia đình."
Thị vệ nhìn ta một cái rồi rời đi. Lát sau trở lại, trên tay vẫn còn cầm lại ít tiền.
Hắn nói: "Bà ấy nhất định bắt ta mang số tiền này đi, bảo mua giấy và quần áo đẹp đốt cho con gái đã chết."
Ta cắn răng nắm chặt số tiền: "Tiền cũng không chịu giữ, thật là ngốc."
Ra tới đầu làng, ta nhìn thấy một đứa trẻ đang nghịch bùn, liền gọi nó lại. Thằng bé có vài phần giống phụ thân ta.
Ta đưa nó ít tiền, dặn: "Mua năm cái bánh ngô mang về. Nhớ cái lớn nhất phải đưa cho tổ mẫu ăn trước, nghe rõ chưa?"
Thằng bé cầm tiền, chạy vụt đi.
Chiếc xe ngựa lăn bánh trên con đường quan đạo. Ta quay đầu nhìn lại, thấy vài người trong làng đứng lặng ở đầu thôn, hướng mắt về phía này, nhưng không ai dám đuổi theo.
Không có giấy thông hành, họ đâu dám rời làng.
Ta thấy mẫu thân đứng đó, tay vẫn ôm con gà. Bà giơ con gà lên cao, đôi cánh nó đập loạn, tựa như đang cố nói gì đó.
Giây phút ấy, ta bỗng thấy trong lòng thật trống rỗng.
Có lẽ bà đang hối hận vì buổi sáng hôm bán ta đi, ngay cả một quả trứng gà cũng chẳng nỡ cho ta ăn.
Nhưng nghĩ lại, ta cũng chẳng trách bà. Đều là người khổ mệnh, đến bản thân mình bà còn không làm chủ được, sao có thể làm chủ cho ta?
Nếu mẫu thân ta có được vận mệnh như tiểu thư, gả vào một nhà giàu sang, thì đời bà hẳn đã chẳng như bây giờ.
Khi tiểu thư tròn mười lăm tuổi, lễ cập kê được tổ chức rất nhộn nhịp. Các quý phu nhân khắp nơi đều hết lời khen ngợi nàng:
"Biết tiến biết lùi, am hiểu việc quản gia, biết đọc biết viết, lại thấu tình đạt lý, giữ đúng quy củ."
Tâm huyết của đại nương tử quả không uổng phí, những phẩm chất ấy đủ để giúp tiểu thư tìm được một tấm chồng tốt.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeyd.com.vn/mong-nguoi-mot-doi-vui-ve/chuong-4.html.]
Tựa như bước từ một hũ mật ngọt này sang một hũ mật ngọt khác, đời nàng sẽ là gấm vóc lụa là, giàu sang vinh hiển.
Cuối cùng, người được chọn là con trai độc nhất của một vị chủ quân làm việc ở Lại Bộ. Nghe nói chàng công tử ấy học vấn xuất sắc, người trong nhà cũng đơn thuần, chất phác.
Từ đó, từng cử chỉ của tiểu thư, từ cách gắp thức ăn, từ đường kim mũi chỉ trong nữ công, đến giọng điệu nói chuyện, đều bị đem ra soi xét:
"Phải nhẹ nhàng, phải nhu mì. Phụ nữ không có tài năng chính là đức hạnh, phải thuộc lòng "Nữ giới," "Nữ đức" mới được coi là lễ. Xuất giá rồi không thể như lúc ở nhà làm tiểu thư, lúc nào cũng phải thu mình, giữ lễ, phải khiến cha mẹ chồng và phu quân vừa lòng. Nếu ba năm không có con, phải rộng lượng để phu quân nạp thiếp. Làm chính thất phải có khí độ của chính thất, không được ghen tuông, không được tranh đoạt, hiểu chưa?"
Tiểu thư mỗi lần đều nhẹ nhàng đáp "Vâng," nhưng khoảng lặng sau đó lại kéo dài thêm chút nữa.
Đến lúc này, ta đã hiểu rõ nha hoàn thông phòng là gì, liền lén hỏi tiểu thư:
"Liệu nô tỳ chỉ có thể ở cùng phòng với tiểu thư thôi được không? Nô tỳ thật không muốn ngủ cùng cô gia đâu."
Tiểu thư bật cười, nhưng rồi thở dài, vỗ nhẹ vào vai ta: "Ngốc nghếch."
Ta hỏi nàng có muốn biết công tử nhà họ Doãn trông thế nào không, nàng lắc đầu.
Ta lén dò hỏi, nghe nói vị công tử đó trước kia cũng hay ăn chơi lêu lổng, nhưng sau này cải tà quy chính, muốn cưới một cô nương hiểu chuyện để giúp hắn tu tâm.
Thật kỳ lạ, một bên bảo phụ nữ phải mềm mỏng nghe lời, một bên lại mong họ biết cách uốn nắn những kẻ trác táng.
Tiểu thư ngày một gầy hơn, nhưng ánh mắt lại càng sáng lạ thường.
Sau tiết Thanh Minh, bên ngoài phủ có người thả diều, một hơi thả liền hai con. Sợi dây quấn vào nhau, cuối cùng cả hai con diều đều rơi xuống trong viện.
Tiểu thư bảo ta nhặt lên, ngắm nhìn hồi lâu rồi bảo ta mang đi đốt.
Trên diều có chữ, ta cảm giác quen mắt nhưng không biết đọc.
Ta ra tiểu hoa viên đốt xong thì thiếu Tướng quân trở về, người hắn vận chiến bào.
Tay ta còn dính tro, vội vàng đứng lên hành lễ.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Hắn cao hơn ta hẳn nửa cái đầu, đứng lặng không nói một lời. Ta ngẩng lên nhìn, bắt gặp ánh mắt hắn dừng lại nơi đôi chân ta. Đôi giày cũ từ năm ngoái đã chật, ta lại lười xỏ hẳn vào, chỉ tiện chân đạp gót mà mang.
Hắn hỏi: "Tại sao không mang đôi giày kia?"
"Giày hơi nhỏ..." Ta vô thức co chân lại. Thực ra là ta đã đem bán đi rồi.