Lưu Quảng nghe lời lập tức đi Quảng Châu, đến thẳng Bạch gia ở Tây Quan.
Lúc ông đến, vợ chồng Bạch Kính Đường Trương Uyển Diễm đang gây gổ với nhau ở trong phòng ngủ.
Hoặc đúng hơn là, là Trương Uyển Diễm đang nổi giận với chồng.
Nguyên do cãi nhau dĩ nhiên vẫn là chuyện trước đó Bạch Kính Đường cho mượn một ngàn lượng bạc.
Lúc trước người anh của Liễu thị đã đồng ý trả tiền, nào ngờ đến kỳ hạn rồi, chị dâu Liễu gia lại cùng Liễu thị lén lút đi gặp Bạch Kính Đường xin được thư thả, nói là cửa hàng bị ngập lụt nghiêm trọng nhiều nguyên liệu quý bị ngâm nước, tiền chưa lấy được. Chị dâu Liễu gia nịnh nọt cầu xin liên tục, Liễu thị đi theo lại không nói một câu nào, chỉ biết rơm rớm nước mắt xấu hổ vô cùng đáng thương.
Bạch Kính Đường cũng đã thoáng nghe nói đến trường nữ thục dạy quốc văn kia cũng không chiêu sinh được bao nhiêu nữ sinh, học kỳ mới cũng đã đóng cửa, giờ cô ấy chỉ biết ăn nhờ ở đậu vào anh chị mà thôi. Nay thấy cô ấy như thế, nhớ lại tình cũ thì thổn thức không ngừng, chỉ là một ngàn lượng bạc thôi mà, dĩ nhiên là đồng ý. Tuy nhiên sau đó lại sợ không giấu được Trương Uyển Diễm, sợ vợ lại làm căng với mình, bèn rút một ngàn lượng bạc ở chỗ khác về bù vào, nói là Liễu gia đã trả tiền rồi. Anh ta lại không nghĩ tùy tùng của mình đã bị Trương Uyển Diễm mua chuộc, hôm nay vừa về tức thì bị Trương Uyển Diễm trách móc một trận trong phòng, bắt anh ta phải đi đòi tiền về ngay lập tức, nếu không thì chị ta sẽ tự đi.
Bạch Kính Đường nói mình và Liễu thị đã không còn tình cảm từ lâu, trình bày hết nước hết cái nhưng Trương Uyển Diễm nào có tin. Anh ta nghĩ mình ra ngoài người nào cũng kính nể gọi một tiếng Bạch gia, về nhà ngay cả một ngàn lượng bạc cũng không tự quyết được, cũng bực, chỉ là một ngàn lượng bạc thôi, bao năm nay bố thí cho ăn mày cũng còn nhiều gấp mấy lần không đếm được, có cần vợ phải đồng ý đâu.
Trương Uyển Diễm phẫn nộ:
– Tôi vì một ngàn lượng bạc kia à? Anh thương hại cô ta chồng chết không có người nương tựa, nay cho cô ta mượn một ngàn lượng bạc, mai nếu cô ta tới bảo anh tìm đàn ông cho cô ta, có phải anh cũng lấy thân mà đáp ứng không?
Bạch Kính Đường cũng nổi giận đùng đùng, phất tay áo định bỏ ra ngoài thì bị vợ túm chặt lấy, đang giằng co thì người làm gõ cửa, nói Lưu Quảng được lão gia phái đến đây gặp họ có chuyện quan trọng. Bấy giờ Trương Uyển Diễm mới buông tay, hai vợ chồng mặt sầm sì ra ngoài, nghe Lưu Quảng nói xong, cả hai đều hết sức ngỡ ngàng.
– Lão gia nói, việc hôn nhân này là lão gia tự quyết định. Lão gia hết sức hài lòng với Nhiếp đại nhân, rất coi trọng hôn nhân này, bảo tôi chuyển lời cho thiếu gia với thiếu phu nhân lập tức chuẩn bị, mấy ngày nữa lão gia sẽ đưa tiểu thư đến Quảng châu.
Bạch Kính Đường một lúc thì bình tĩnh lại, nghĩ nghĩ một chút, nhớ tới chuyện lần trước Nhiếp Tái Trầm cứu em gái mà cha muốn cậu ta làm con rể mà chưa toại.
Cha luôn coi trọng thưởng thức Nhiếp Tái Trầm. Tuy không biết tại sao giờ Nhiếp Tái Trầm lại đồng ý, nhưng cha đã lên tiếng, khác nào việc đã quyết định hết rồi, người làm con anh ta phải tuân theo thôi. Huống chi bản thân anh ta cũng rất có thiện cảm với Nhiếp Tái Trầm. Cho nên dẫu chuyện tới quá đột ngột nhưng cũng chấp nhận rất nhanh, gật đầu nói:
– Cháu biết rồi, ngày mai sẽ bảo quản sự trong nhà bàn bạc chuẩn bị mọi việc. Cháu cũng muốn em gái cháu lấy chồng phải được tổ chức long trọng.
Trương Uyển Diễm cũng gác hết chuyện của chồng và Liễu thị lại, tuy trong lòng không tán thành, nhưng cha chồng đã quyết định, lời muốn nói đành phải nuốt vào, mà hôn sự của em chồng, làm chị dâu thì có gì để nói đây? Dẫu vậy vẫn không kìm được hỏi:
– Em ấy cũng bằng lòng ạ?
Nhiếp Tái Trầm tuy tuổi trẻ tương lai rộng mở, đã cứu em chồng, nhưng lại là người xuất thân nghèo hèn, trong mắt chị ta, em chồng vốn mắt để trên trán kiêu căng ngạo mạn, tại sao lại ưa Nhiếp Tái Trầm được.
Lưu Quảng cười nói:
– Dĩ nhiên là tiểu thư bằng lòng.
Trương Uyển Diễm không tin, nhưng cũng đành phải cười gượng:
– Vậy thì tốt rồi. Ngày mai cháu và Kính Đường sẽ chuẩn bị ngay ạ.
Đến tối, Trương Uyển Diễm và chồng bàn bạc xem chuẩn bị hôn sự cho em chồng như thế nào, đang bàn đến bày tiệc thì A Tuyên thò đầu vào.
– Nhìn gì mà nhìn, đi làm bài tập đi. Làm xong thì ngủ sớm. Nếu mẹ bắt được con còn lén đọc sách, mẹ sẽ lột da con ra đấy.
Trương Uyển Diễm quát con.
A Tuyên nhìn cha mẹ, vâng một câu, cúi đầu rầu rĩ ra ngoài, tiện tay đóng cửa lại.
Trương Uyển Diễm cũng không để ý, tiếp tục bàn bạc với chồng. Khi nghe chồng nói sẽ thông hai phòng lớn tầng trên sửa thành một phòng rộng để vợ chồng em chồng ở thì không tán đồng:
– Sao phải làm vậy. Không phải em nói gì đâu, nhưng tính cách Tú Tú em hiểu rõ, con bé ban đầu không ưa Nhiếp Tái Trầm, chẳng qua là sau đó thấy Đinh Uyển Ngọc thích cậu ta, con bé tính ngang bướng nổi lên đòi tranh đua với người ta mà thôi. Giờ dù đồng ý, nhưng cũng không hiểu chuyện, chỉ ham mới mẻ thôi, sợ là qua một thời gian rồi, anh xem đi, đảm bảo Nhiếp Tái Trầm sẽ bị vứt bỏ cho mà xem. Cha cũng thật là, sao lại đồng ý cơ chứ. Cô út trẻ tuổi nông nổi, cha lại chẳng suy xét cho cô ấy gì cả. Nếu hai đứa tan rã, thanh danh của cô út bị hủy hết còn gì. Ban ngày em nghe thế đã muốn đi Cổ thành khuyên cha rồi, nhưng nghe giọng chú Lưu thì rõ ràng không cho ai phản đối, em nào dám nói đây. Anh là anh của Tú Tú, nếu anh muốn tốt cho Tú Tú, anh đi về khuyên cha đi.
Bạch Kính Đường nghe mấy lời của vợ, nghĩ nghĩ một chút thấy cũng có lý, lòng thấy phiền não, nhíu mày:
– Em cứ quan trọng hóa vấn đề. Tú Tú làm sao mà giống lúc nhỏ đồ chơi chơi được hai ba ngày là vứt đi được, chuyện hôn nhân đại sự làm sao lấy ra làm trò đùa được.
Trương Uyển Diễm cười nhạt:
– Cũng đúng. Tiếc là, có người sắp bốn mươi tuổi rồi nhưng chuyện kiểu này vẫn dây dưa không dứt, huống hồ là cô út còn trẻ, biết cái gì đâu.
Bạch Kính Đường sửng sốt, biết vợ nhân chuyện này mà nói kháy mình, nén giận nói:
– Trong nhà có chuyện vui, anh không chấp với em. Anh hẹn Nhiếp Tái Trầm ngày mai ăn cơm, em chú ý thái độ cho anh.
Trương Uyển Diễm hứ một tiếng. Hai vợ chồng lại bàn bạc thêm một chút mới đi nghỉ.
Nhiếp Tái Trầm hôm qua trở về Tây doanh, nhưng chỉ trong một đêm, chuyện anh sắp làm con rể của Bạch Thành Sơn đã lan truyền nhanh chóng, toàn bộ Tây doanh đều chấn động vì chuyện này. Anh ở trong Tân Quân rất có uy vọng, mọi người vô cùng hâm mộ, đều lũ lượt đến chúc mừng. Đám Phương Đại Xuân, Trần Lập ngày thường kết giao thân thiết với anh thì còn mừng cho anh hơn. Dĩ nhiên, sau lưng cũng có đủ những lời dị nghị chẳng hay ho gì.
Nhiếp Tái Trầm vẫn như thường ngày, lúc chạng vạng, tây doanh kết thúc một ngày huấn luyện, anh tắm rửa, thay bộ quần áo sạch sẽ, chuẩn bị vào thành.
Sẩm tối hôm qua, Bạch Kính Đường phái người truyền lời với anh, mời anh hôm nay đi Bạch gia dùng bữa cơm, tiện thì bàn bạc hôn sự.
Anh đi ra ngoài, trên đường bắt gặp một số binh lính ai nấy cũng đều nhiệt tình chúc mừng anh, cuối cùng ra ngoài cổng lên ngựa, vào thành đi Bạch gia Tây quan.
Bạch Kính Đường đang chờ anh, thấy anh tới, bảo Lưu Quảng cùng mấy quản sự ra đón anh vào, nghe anh vẫn gọi mình là Bạch công tử thì mỉm cười:
– Sao còn gọi công tử khách sáo thế làm gì, sau này chúng ta là người nhà rồi. Anh là trưởng, gọi em là Tái Trầm, em thì theo Tú Tú gọi anh là anh cả đi.
Mấy người Lưu Quảng cũng cười tươi, Nhiếp Tái Trầm mỉm cười nghe theo. Bạch Kính Đường mời anh vào nhà, nói:
– Mau vào ăn cơm, đã chuẩn bị xong hết rồi.
A Tuyên từ phòng đi ra, cười sung sướng gọi “dượng”, Nhiếp Tái Trầm cười, xoa đầu cậu nhóc.
Trương Uyển Diễm đi ra, cau mày đuổi con trai đi. A Tuyên đi rồi, mới quay sang đánh giá Nhiếp Tái Trầm.
– Thiếu phu nhân! – Nhiếp Tái Trầm chào chị ta.
Chị ta mỉm cười, nói:
– Vừa rồi Kính Đường đã nói, người một nhà, sao khách sáo như thế. Cứ gọi chị là chị dâu đi.
– Thật không ngờ…
Chị ta dừng một chút, đầy cảm khái, sau đó đổi sang cười tươi:
– Đói rồi đúng không, còn đứng đây làm gì? Kính Đường, anh mau mời cậu ấy vào đi.
Nhiếp Tái Trầm cụp mắt, cảm ơn chị ta.
Trên bàn cơm, Trương Uyển Diễm bình thường hay nói nhất gần như không lên tiếng mấy, toàn bộ đều là Bạch Kính Đường cùng Nhiếp Tái Trầm trao đổi những vấn đề liên quan cho hôn sự mà ngày hôm nay đã bàn bạc với các quản sự.
– Tái Trầm, nếu em không có ý kiến, hoặc có chỗ nào chưa thỏa đáng, em cứ lên tiếng với anh.
Nhiếp Tái Trầm nói:
– Làm phiền anh cả và chị dâu với các quản sự lo lắng. Em không có ý kiến gì, anh cả và chị dâu làm rất tốt rồi ạ.
Hôm nay Bạch Kính Đường gọi anh tới, mục đích chủ yếu vẫn là dùng thân phận người nhà cùng nhau ăn bữa cơm, kết nối tình cảm mà thôi, biết anh cũng sẽ không phản đối gì, thì cười gật đầu, lại hỏi sang chuyện đón mẹ anh lên.
Hôm nay đi Nhiếp Tái Trầm cũng đã báo với Cao Xuân Phát việc xin nghỉ, ngày mai sẽ về quê, cả đi cả về ít nhất phải mất một tháng. Bạch Kính Đường nói:
– Nếu em bận quá vậy thì anh sẽ phái người làm việc cẩn trọng đến đó, đón mẹ em lên.
– Cám ơn anh, em không dám làm phiền, để em đích thân đi đón mẹ cũng được ạ.
Thấy anh từ chối, Bạch Kính Đường cũng không ép, chỉ liên tục mời rượu.
Khi bữa cơm sắp kết thúc, ông chủ Lưu của nhà hàng Đại Tam Nguyên đến nhà. Thì ra tin tức lan rộng, biết Bạch Thành Sơn sắp gả con gái thì lập tức tới nhà muốn lôi kéo mối làm ăn tổ chức bữa tiệc, không phải là để kiếm được bao nhiêu tiền, mà là nếu được tổ chức tiệc cưới cho con gái Bạch gia, với nhà hàng thì chả khác gì là mặt mày nở rộ, tăng thêm danh tiếng.
Quan hệ giữa Bạch gia với ông chủ Lưu vẫn rất tốt, người tới rồi, Trương Uyển Diễm bèn xin phép ra ngoài bàn bạc. Bạch Kính Đường cũng hơn ba mươi, uống chút rượu thì buồn đi vệ sinh, không nhịn được như người trẻ tuổi, cũng xin phép đi một chút, chỉ còn lại một mình Nhiếp Tái Trầm, khi đang thất thần, chợt nghe có tiếng gọi “dượng”, ngoái lại, thấy A Tuyên đi vào.
Anh mỉm cười, gọi cậu nhóc. A Tuyên chạy đến, ngó ngó người làm đang đứng hầu, ghé sát vào tai anh, thì thầm:
– Chú Nhiếp ơi, chú đừng cưới cô cháu.
Nhiếp Tái Trầm ngẩn ra.
– Tối qua cháu nghe cha mẹ nói chuyện. Mẹ cháu nói cô cháu vì không phục việc chú bị cô họ Đinh gia giành mất, nên mới muốn cướp chú về. Còn nói cô cháu có mới nới cũ, về sau sẽ bỏ chú đấy.
Cha mẹ dạo này hay cãi cọ, dĩ nhiên là không giấu được A Tuyên. A Tuyên vô cùng buồn rầu, trong lòng thấy sợ, bởi vậy vẫn luôn để ý tới cha mẹ. Tối qua bị Trương Uyển Diễm đuổi đi, lại sợ cha mẹ cãi lộn nhau nên không đi ngay mà nép sau cánh cửa tiếp tục nghe lén, không ngờ lại nghe được mấy lời của Trương Uyển Diễm, càng nghĩ càng thấy bất bình cho đại anh hùng trong lòng, nên nhân lúc cha mẹ không ở đây thì vội đến nhắc nhở anh.
– Chú Nhiếp ơi chú phải cẩn thận đấy, đừng để phụ nữ lừa. Họ đáng sợ lắm. Mẹ cháu đáng sợ lắm, cô út cũng thế.
Nói xong, lại sợ bị mẹ thấy mà mắng, cậu lại chạy tót đi.
Bạch Kính Đường trở lại, tiếp tục tiếp rượu Nhiếp Tái Trầm, uống thêm hai ly nữa, Nhiếp Tái Trầm xin được ra về.
Bạch Kính Đường thấy bữa cơm này cũng đã ổn, giữ lại vài câu rồi đứng lên tiễn.
Trương Uyển Diễm với chủ nhà hàng đang nói chuyện ở phòng khách, chủ nhà hàng thấy Bạch Kính Đường tiễn một người thanh niên trẻ tuổi mặc quân trang đi ra, cười nói thân mật thì biết đó chính là con rể của Bạch Thành Sơn, bèn đứng lên chào một câu Bạch gia, lại quay sang Nhiếp Tái Trầm, khom người cười nói:
– Vị này chắc là Nhiếp cô gia rồi? Quả đúng là tuấn tú lịch sự, vô cùng xứng đôi với Bạch tiểu thư.
Nhiếp Tái Trầm gật đầu đáp lễ với ông ta.
– Sao lại đi về nhanh thế? Kính Đường, sao anh không giữ Tái Trầm lại.
Trương Uyển Diễm trách chồng.
Nhiếp Tái Trầm nói:
– Cám ơn anh chị, tối nay em uống hơi nhiều rượu rồi, sáng mai em còn phải về quê nữa, cũng nên về nghỉ ngơi một chút.
Trương Uyển Diễm quay sang chủ nhà hàng:
– Về sau chú phải lấy lòng em rể nhà cháu nhiều vào đấy, lão gia nhà cháu rất thưởng thức cậu ấy, coi cậu ấy còn tốt hơn so với con trai đó.
Chủ nhà hàng vội khom người:
– Lưu Toàn Đại Tam Nguyên, sau này mong được Nhiếp cô gia chiếu cố.
Nhiếp Tái Trầm mỉm cười gật gật đầu, ra khỏi Bạch gia, cưỡi ngựa đi về.
Anh đi một mạch, về chỗ ở của mình ở Tây doanh, cũng chẳng bật đèn, để nguyên quần áo nằm xuống, nặng nề ngủ.
Năm giờ sáng hôm sau, khi trời còn tờ mờ sáng, Anh rời Quảng Châu đi về quê, cả chặng đường gấp gáp vất vả, nửa tháng sau thì về tới quê nhà Điền Tây huyện Thái Bình mà khi anh còn nhỏ từng ở.
Huyện Thái Bình là huyện nghèo, rất xa xôi hẻo lánh. Qua huyện thành, lại qua một ngọn núi, nơi con sông chín khúc, có thôn xóm mấy trăm hộ gia đình tụ tập, người trong thôn phần lớn là họ Nhiếp, đồng tông đồng tộc, đó là nơi mà anh sinh ra và lớn lên.
Cha anh lúc trẻ văn võ song toàn, cũng từng có chí lớn lập chí mượn thi đậu công danh dấn thân vào quan trường, cứu nước bằng cách phương tây hóa, là tiến sĩ trẻ tuổi nhất trong Khoa thi đình năm Quang Tự, hơn nữa lúc ấy còn được trưởng bối đồng tộc nhiều năm làm trong quan trường dìu dắt, khí phách hăng hái, tiền đồ thuận lợi, rất nhanh đã được đại thần Tổng đốc Lưỡng Giang trứ danh về phương tây hóa lúc bấy giờ coi trọng, trở thành phụ tá đắc lực. Nhưng sau mấy năm, nhiều lần thấy triều đình thối rữa, phe phái quan trường đấu tranh gay gắt, đủ loại đen tối, quân sự quốc phòng miệng cọp gan thỏ, mà bản thân thì lại không có lực để làm thay đổi được nửa phần, mất hết ý chí mà từ quan về quê, kết hôn với con gái nho gia cùng quê, lại được hương dân tôn làm tộc trưởng, sống nửa đời ở quê nhà, vui cuộc sống thanh bần hạnh phúc.
Khi Nhiếp Tái Trầm còn nhỏ, vào năm Giáp Ngọ, huyện Thái Bình bị một đám mã tặc lưu binh tập kích, hoạn mã tặc không chuyện ác nào không làm, dân chúng khổ không thể tả, huyện lệnh mời ông Nhiếp hỗ trợ chống đỡ. Cha tổ chức hương dân, lên kế hoạch tiêu diệt mã tặc, rồi bị thương nặng trong loạn chiến, không kịp thời chữa trị mà ra đi. Nhiếp Tái Trầm từ nhỏ đã mất cha, được mẹ một mình nuôi nấng lớn khôn, đến năm mười sáu tuổi thì từ biệt mẹ rời khỏi nơi núi rừng đó, rời khỏi huyện Thái Bình.
Bao năm nay, bởi vì đường xá xa xôi, số lần anh về thăm mẹ rất ít ỏi đếm được trên đầu ngón tay. Năm ngoái có một lần được phái đi Vân Nam làm nhiệm vụ tiện đường mà về thăm mẹ một chuyến. Bà Nhiếp ngày càng già nua, tóc bạc đầy đầu, trong lòng anh vẫn luôn áy náy với mẹ, cho nên lần này anh muốn đích thân đến đón bà, một là bù đắp, hai là, anh muốn chính mình giải thích hôn nhân này với bà.
Qua huyện thành, qua ngọn núi, tiếp tục đi trên sơn đạo nửa ngày cũng không có bóng người đi về nhà mình, càng đến gần, chân bước càng nặng, tâm trạng cũng nặng trĩu.
Tiếp tục qua một ngọn đồi nữa, đi xuống, chính là thôn xóm quê nhà rồi.
Anh đứng bên đầu ngọn đồi, nhìn xuống phía dưới xa xa.
Ngày đã hoàng hôn, thôn xóm xa xa có thể thấy được khói bếp lượn quanh. Một đàn trâu gầy trơ xương đang gặm cỏ bên bờ suối dưới cây cầu đá, một đứa bé chăn trâu bảy tám tuổi gầy đến mức có thể đếm được xương sườn đang mò ốc, bím tóc nhiều ngày chưa được chải được tết lung tung cuốn lên sau đầu, dùng chiếc đũa cắm ở đỉnh đầu.
Bao năm qua, nơi này vẫn y như trong ký ức của anh, không hề thay đổi.