| Xin vui lòng |
- Không nhặt lỗi/góp ý
- Không công kích tác giả/editor/nhân vật chính
- Chỉ bình luận liên quan đến nội dung truyện, KHÔNG CHẤM/HÓNG
_________________
Cảm ơn mọi người đã ủng hộ, nhờ còm vũ bão của mọi người ở chương trước mà nay hết bận việc là mình ngồi edit luôn chương 45 nè, hy vọng mọi người tiếp tục donate còm để mình lấy hứng cày 46 luôn hôm nay ạ 🙆♀️
_________________
Lúc Trường Ly và Yên Cửu tới chỗ Liên Nương thì cô ta vừa dỗ tiểu thiếu gia uống thuốc và ngủ xong, trông nét mặt cô ta cực kỳ hiền từ. Thấy Yên Cửu tới, Liên Nương đã chỉ tay ra phòng ngoài, ý bảo họ sang đó nói chuyện.
Yên Cửu nhìn tiểu thiếu gia lại chìm vào mộng đẹp với ánh mắt phức tạp rồi theo Liên Nương ra phòng ngoài.
Chàng hỏi thẳng Liên Nương: “Cô đã tiếp tay cho Miêu Nương à?”
Liên Nương rất bình tĩnh, nhẹ nhàng hỏi: “Tiên sư vừa nói gì thế? Sao ta chẳng hiểu gì cả?”
Yên Cửu liếc xuống cổ tay áo của cô ta, “Cô về rất vội nên chắc vẫn còn giấu miếng ngọc bội và bình thuốc đào được từ chỗ Miêu Nương trong người.”
Liên Nương vô thức rụt tay lại, đến khi tỉnh táo lại thì bất giác nở nụ cười khổ.
“Hóa ra tiên sư đã nhìn thấy hết.”
Rồi cô ta mím môi nói, “Thưa tiên sư, chẳng qua thiếp thân chỉ là thân gái yếu đuối, dù là lão gia hay Miêu Nương thì ta đều không phản kháng được, mọi chuyện ta làm cũng chỉ để hai mẹ con ta có cuộc sống tốt hơn mà thôi.”
Trường Ly nhìn Liên Nương, cảm thấy mình đã có cách hiểu mới về mấy chữ “phận gái yếu đuối”.
Yên Cửu cụp mắt, đang tính nói gì đó thì Liên Nương lại nói tiếp: “Tiên sư à, các ngài tới trấn Hồng Sơn là vì vụ án mất cắp mà. Nếu ta giúp các ngài tìm thấy những món đồ bị mất thì các ngài có thể nhắm mắt bỏ qua chuyện trong phủ ta được không?”
Trường Ly bừng tỉnh, suýt nữa thì nàng đã bị kéo vào chuyện ân oán tình thù lằng nhằng nhà Vương lão gia rồi.
Chẳng phải mục đích ban đầu của bọn họ khi tới trấn Hồng Sơn là để điều tra vụ án mất cắp sao?
Trường Ly: “Yên Tiểu Cửu, Vương lão gia bị sát hại là gieo nhân nào gặt quả nấy, bọn mình chỉ cần giải quyết vụ án mất cắp trong trấn là được rồi.”
Liên Nương lại nói tiếp: “Nếu tiên sư chịu giơ cao đánh khẽ, ta xin thề nhất định sẽ cố gắng nuôi Trường Mệnh khôn lớn, dùng một nửa gia tài trong phủ để làm việc thiện tích đức và ngày ngày cầu phúc cho tiên sư để ngài sớm chứng đại đạo.”
Khoé môi Yên Cửu giật giật, “Cầu phúc thì khỏi đi... Mấy món đồ bị mất đang ở đâu thế?”
Liên Nương vái chàng một cái, “Xin đa tạ tiên sư.”
Rồi cô ta chỉ vào thư phòng bên nhà chính, “Mời ngài đi theo ta.”
Liên Nương dẫn một người một kiếm quay lại nhà chính. Cô ta quen cửa quen nẻo đi vào thư phòng của Vương lão gia, nắm lấy cái bình hoa bằng sứ men xanh ở góc phòng xoay nhẹ sang phải nửa vòng.
Thế là viên gạch trước bàn làm việc kẽo kẹt dời sang một bên, để lộ đường hầm tối om phía dưới.
Liên Nương cầm giá nến dẫn đầu đi xuống cầu thang.
Yên Cửu và Trường Ly cũng bám theo ngay lập tức.
Dưới lòng đất có một căn phòng tối tăm rất rộng rãi. Liên Nương lần lượt thắp sáng giá nến trên tường để lộ toàn cảnh căn phòng bí mật.
Trường Ly vừa liếc mắt đã trông thấy mấy món đồ bị mất được xếp thành hàng dọc bức tường: Cái nồi sắt nhà đồ tể Tiền, bó củi của tiều phu, lu nước nhà tú tài Giang, đèn dầu của ông chủ Đàm và đôi giày cũ của khiêng kiệu Lộ.
Ngoài ra, trong căn phòng bí mật này còn bày một lò luyện đan bằng đồng thau, trên lò có dấu vết đã được sử dụng rất rõ ràng.
Liên Nương khẽ nói: “Lúc trước lão đạo sĩ tới phủ đã vào thư phòng của lão gia rồi ở lì trong đó suốt mấy ngày.”
Yên Cửu ghé sát tới lò luyện đan ngửi thử, một mùi lạ xộc vào mũi chàng.
Chàng lui phắt về sau, tuy không biết lão đạo sĩ kia luyện thuốc gì nhưng tám phần không phải thứ tốt lành.
Chàng nói với Liên Nương: “Ta sẽ trả mấy món này lại cho người mất đồ.”
Liên Nương xin lỗi: “Ta sẽ chuẩn bị 100 lạng bạc để bồi thường cho mỗi nhà, phiền tiên sư giao cho người mất đồ giúp ta.”
Trường Ly thầm thấy líu lưỡi. Ở một nơi nhỏ xíu như trấn Hồng Sơn bọn họ mua bánh rán bơ chỉ tốn vài ba đồng nên với một gia đình bình thường, 100 lạng bạc không phải là con số nhỏ.
Yên Cửu gật đầu đồng ý rồi gửi một lá bùa báo tin cho Dư sư huynh, bảo hắn chạy tới phủ họ Vương để cùng đi trả đồ bị mất.
Trường Ly nhìn lá bùa biến mất trong khoảng không, rầu rĩ hỏi: “Yên Tiểu Cửu, rõ ràng huynh có bùa đưa tin mà sao ban nãy còn bắt ta làm chân chạy thế? Có phải huynh tính làm chuyện xấu xa bí mật gì đó nên đã kiếm cớ đuổi ta đi không?”
Yên Cửu chợt thấy lạnh gáy, vội nói: “Vừa rồi ta quên mất, suýt thì khiến nàng chạy không công một chuyến, tất cả là lỗi của ta.”
Trường Ly nhìn chàng đầy nghi ngờ, “Huynh không giấu ta chuyện gì thật à?”
Yên Cửu thiếu điều giơ tay lên trời thề, “Không có, tuyệt đối không có!”
Sau khi Dư sư huynh vội vàng chạy đến, Yên Cửu bèn kể hết đầu đuôi sự việc cho hắn nghe khiến hắn thổn thức không thôi.
“Triệu nương tử kia đáng thương quá, khi không dẫn sói vào nhà rồi mất mạng oan.”
“Nếu Triệu nương tử dưới suối vàng mà biết Vương lão gia đã chết thì chắc cũng yên lòng nhắm mắt.”
Đoạn, Yên Cửu ấn lu nước to tướng vào lòng Dư sư huynh, ngắt mạch buồn bã của hắn.
“Sư huynh, lu nước này giao cho huynh nhé, huynh mau đi trả cho tú tài Giang đi.”
Dư sư huynh tốt tính nhận lấy lu nước rồi tiện thể vác bó củi lên vai luôn, “Để ta trả cả cái này cho, vừa khéo tiện đường.”
Còn Yên Cửu và Trường Ly thì chịu trách nhiệm trả cái nồi sắt, đèn đầu và đôi giày cũ lại cho chủ của chúng.
Lúc họ tới nơi, trời đã hửng sáng.
Đồ tể Tiền và khiêng kiệu Lộ đều là người chịu thương chịu khó nên mới sáng sớm đã dậy chuẩn bị đi làm.
Thấy đồ bị mất, hai người đều lộ vẻ vui mừng, cứ cảm ơn Yên Cửu rối rít.
Khi biết kẻ gây án là Vương lão gia thì khiêng kiệu Lộ vốn chất phác giật nảy mình.
Đồ tể Tiền thì đỡ hơn, mắng sa sả: “Tên Vương Tiến Bảo đó gian xảo từ nhỏ mà. Hồi xưa ông ta có một thằng em trai tên là Vương Chiêu Tài nhưng nhà nghèo quá không nuôi nổi hai anh em nên mẹ ông ta tính tống một đứa vào đạo quán để giảm bớt gánh nặng.”
“Vương Tiến Bảo mưu mô lắm, ông ta vừa dụ thằng em ngốc chủ động đòi vào đạo quán, vừa dụ mẹ thương tiếc mình, thế là được ở nhà ngon ơ. Sau này ông ta vào tiệm nhà họ Triệu học việc thì mới biến thành chưởng quầy này lão gia nọ đấy.”
Nghe đến hai chữ “đạo quán”, Trường Ly bất giác khua đuôi kiếm.
“Này, nếu lão đạo sĩ kia mà cởi đồ tu ra rồi để cùng kiểu râu như Vương lão gia thì trông hơi giống ông ta nhỉ?”
Yên Cửu cố tưởng tượng rồi gật đầu, “Đúng thế.”
Nhưng cả Vương lão gia và lão đạo sĩ kia đều đã chết nên chuyện lão ta có phải là Vương Chiêu Tài hay không đã không còn quan trọng nữa.
Sau đó, Trường Ly và Yên Cửu tới tiệm của ông chủ Đàm trả đèn dầu rồi tới phủ nha một chuyến.
Để tránh gây hoang mang dư luận, bọn họ giấu nhẹm chuyện Miêu Nương là yêu, chỉ kể rõ ngọn nguồn vụ án mất cắp.
Phủ nha ra mặt giải thích chân tướng với người dân trấn Hồng Sơn, khiến bầu không khí u ám trong trấn rốt cuộc cũng tan biến.
Trấn Hồng Sơn nho nhỏ lại náo nhiệt như trước, khắp phó lớn ngõ nhỏ bắt đầu có con nít chạy nhảy nô đùa réo gọi nhau ầm ĩ khắp chốn.
Biển hiệu phủ họ Vương đã được tháo xuống, thay bằng biển phủ họ Triệu.
Xác của Vương lão gia được Liên Nương lấy vải trắng từng mua quấn qua loa rồi khiêng tới một nơi vắng vẻ trong trấn đốt sạch sẽ.
Không ai chịu nhận xác của lão đạo sĩ kia nên phủ nha đành phải khiêng đi.
Trường Ly, Yên Cửu và Dư sư huynh cũng tính thu dọn hành lý, chuẩn bị lên đường về lại tông môn.
Trước khi đi, Trường Ly vẫn còn một chuyện cực kỳ quan trọng phải làm.
Tua kiếm của nàng.
Yên Tiểu Cửu còn nợ nàng những mười cái tua kiếm đấy.
Trường Ly gấp không chờ nổi mà kéo Yên Cửu ra phố.
Đường phố vốn hơi quạnh quẽ giờ náo nhiệt vô cùng, một người một kiếm mất kha khá sức lực để len vào tiệm bán các loại phụ kiện từ đám đông.
Tiểu nhị của tiệm vừa thấy Yên Cửu ăn mặc sang chảnh là vồn vã hỏi: “Quý khách muốn xem gì ạ?”
Yên Cửu liếc nhìn ngăn tủ xếp thành hàng ngay ngắn, “Chỗ các ông có bán tua kiếm không?”
Tiểu nhị của tiệm nhanh chóng dẫn họ đến trước một dãy tủ, rồi lấy chiếc hộp đựng tua kiếm được xếp cẩn thận ra khỏi quầy.
Hắn cười tít mắt hỏi: “Quý khách thích kiểu dáng ra sao?”
Trường Ly phấn khích kêu: “Hồng nhạt, bảo hắn lấy hết hồng nhạt ra cho ta xem!”
Thái dương Yên Cửu giật hai phát.
Chàng chật vật mở miệng: “Các ông có tua kiếm màu hồng nhạt không?”
Tiểu nhị của tiệm liếc chàng một cái, sau đó như ngộ ra điều gì đó, “Quý khách tính tặng người thương à? Bọn ta có hồng nhạt đấy.”
Tiểu nhị vừa nói vừa lấy tráp tua kiếm hồng nhạt trong ngăn kéo ra.
Yên Cửu vừa mở miệng phủ nhận, “Không phải...”
Thì ánh mắt tiểu nhị nhìn chàng để thay đổi ngay, hàm ý trong mắt như đang nói:
Cậu không mua màu hồng nhạt cho người thương chẳng lẽ mua để xài à?
Trước ánh mắt hoài nghi của tiểu nhị, Yên Cửu bất lực mấp máy môi, cuối cùng không giải thích gì cả.
Tiểu nhị lộ ánh mắt khoái chí.
Số khách hàng hắn từng tiếp có khi còn nhiều hơn số muối vị công tử trẻ này từng ăn, làm sao mà không đi guốc trong bụng chàng chứ?
Da mặt đám thanh niên này mỏng như giấy, đi mua quà cho người thương thôi mà cũng phải giấu giấu giếm giếm, ngượng không để đâu cho hết.
Yên Cửu không rảnh bận tâm xem tiểu nhị nghĩ gì, chàng vội giữ chặt đuôi kiếm Trường Ly để nàng đừng kích động quá mà chui luôn vào tráp đựng tua kiếm lăn lộn trong đó.
Lúc này đây, Trường Ly đang mắc một lỗi mà phụ nữ khắp thiên hạ đều mắc phải khi đi mua sắm.
Nàng đang rất rối rắm, phải chọn hai cái tua kiếm hồng nhạt trong đống này thật quá khó khăn.
Nàng thở dài một hơi, “Yên Tiểu Cửu, ta lấy hết không được à?”
Nhìn cái tráp hồng rực, Yên Cửu thấy đau hết cả mắt.
Chàng day huyệt Thái Dương đang giật bùm bụp, khẽ nói: “Nàng mau chọn đi, nếu không chịu chọn thì chẳng có cái nào đâu!”
Vì chàng nấn ná ở chỗ này đã lâu nên đám cô dì lựa đồ xung quanh bắt đầu giả đò lơ đễnh nhìn sang đây.
Một tên nhóc đi mua sắm một mình đã hiếm thấy rồi mà lại còn đứng trước cái tráp đựng toàn tua kiếm hồng nhạt thì lại càng hiếm thấy hơn.
Bác Trương và thím Tôn hàng xóm lặng lẽ nháy mắt với nhau.
Ê bà nhìn thằng bé xinh trai kia đi, nó lựa quà cho người thương nghiêm túc thế chứ lị.
Lại không à, nó đứng chôn chân ở đấy lâu lắm rồi còn gì. Nếu hồi theo đuổi ta mà ông nhà ta chân thành bằng nửa nó thôi thì hôm nay ta sẽ trồng cây chuối xào rau luôn.
Thì đó, chẳng biết con gái nhà ai mà có phúc quá chừng!
Bị đám đông đổ dồn mắt săm soi, Yên Cửu thấy nhột hết cả người, chỉ muốn cầm đại một cái tua kiếm rồi vứt tiền lại, xoay người chạy vọt khỏi tiệm.
Nhưng Trường Ly không thể đồng cảm với chàng như nàng cũng cảm thấy thế được.
Cái tua kiếm nào cũng đẹp nao lòng kiếm, rất khó quyết mua hay đừng.
Yên Cửu lại nhéo đuôi kiếm nàng thúc giục.
Trường Ly bực bội lắc thân kiếm, “Đừng có gấp, để ta xem thêm mấy cái.”
Hình như tiểu nhị bên cạnh cũng nhận ra gì đó khi thấy chàng chậm chạp chưa quyết được, bèn chủ động giới thiệu.
“Chiếc tua kiếm hồng phấn này được nhuộm bằng phương pháp hấp cổ xưa, phối với sáp ong trong, phải tốn hơn một tháng mới làm xong.”
“Cái này là sự kết hợp của ngọc trai trắng và hồng hoa đào, rất hợp với các cô gái xinh xắn hoạt bát.”
“Cái cậu đang xem có màu hồng khói, bên trên còn thắt nút cát tường ngụ ý vạn sự như ý nữa đấy.”
Nghe tiểu nhị của tiệm giới thiệu một tràng xong, Trường Ly lại càng cảm thấy mỗi tua kiếm đều có cái hay riêng.
Trường Ly bắt đầu giở giọng tham lam: “Yên Tiểu Cửu à, dù ta chọn cái nào thì cũng tiếc hùi hụi những cái khác thôi. Chẳng những ta đau lòng mà mớ tua kiếm bị vứt bỏ cũng khổ tâm dữ lắm.”
Yên Cửu nghiêm mặt đáp: “Không có đâu.”
Tiểu nhị đứng cạnh nghe thấy câu này thì hoang mang hỏi: “Quý khách vừa nói gì cơ?”
Yên Cửu vội xua tay, “Không có gì, ta vừa lẩm bẩm một mình ấy mà.”
Tiểu nhị gác lòng hiếu sang một bên, khuyên chàng: “Nếu ngài thấy khó chọn quá thì mua luôn một hộp mười hai cái đi, thế sẽ có thành ý lắm.”
Yên Cửu nghe hắn nói mà sốc ngang.
Thành ý gì?
Sao chàng phải tỏ thành ý?
Yên Cửu quyết đoán từ chối lời đề nghị này, “Khỏi, ta chọn hai cái được rồi.”
Tiểu nhị lập tức cười nói: “Chuyện tốt thường có đôi, đúng là điềm lành mà!”
Yên Cửu:...
Tiểu nhị này t0àn nói năng theo kiểu khiến chàng không đỡ được.
Sau một hồi đấu tranh tâm lý kịch liệt, rốt cuộc Trường Ly cũng bấm bụng nói: “Ta chọn cái hồng hoa đào và hồng khói.”
Nói xong, nàng xoay phắt kiếm đi, không dám nhìn mấy cái tua kiếm khác trong tráp nữa.
Sợ vừa nhìn một phát là lại thay lòng đổi dạ.
Yên Cửu lấy hai cái tua kiếm kia ra khỏi tráp, nói với tiểu nhị: “Ta lấy hai cái này.”
Tiểu nhị đồng ý ngay, “Vâng ạ.”
Hắn lấy một chiếc khăn vuông gói hai cái tua kiếm hồng nhạt lại thật cẩn thận, sau đó tri kỷ thắt một nút đồng tâm bên ngoài.
(*) Nút thắt đồng tâm ý chúc đôi lứa quấn quýt không rời, vĩnh viễn ở bên nhau.
Yên Cửu trả tiền. Lúc nhận bọc tua kiếm từ tay tiểu nhị, chàng bắt gặp ánh mắt đầy ẩn ý của hắn.
“Chúc mong ước của công tử sớm trở thành sự thật.”
Yên Cửu đi nhanh ra khỏi tiệm mới dám thở phào một hơi.
“Gã tiểu nhị này ăn nói quái gở quá đi mất!”
Trường Ly thuận miệng hùa theo: “Dân làm ăn hay thích chúc này chúc nọ ấy mà, nhưng hắn chúc gì mà máy móc ghê, còn phải luyện dài dài.”
Yên Cửu cực kỳ đồng ý với nàng.
- -----------
Tiểu nhị của tiệm: Hai người đang nghi ngờ tố chất nghề nghiệp của ta đó hả? (^-^)