- ---------
“Mọi chuyện là như vậy, thưa luật sư.” Nhật Minh kể lại tất cả những gì đã xảy ra ở khu Bình An vào ngày hôm ấy, và cả những việc vừa xảy ra gần đây.
Luật sư Hưng chậc lưỡi. “Nếu là vụ thảm họa ở khu Bình An, thì chuyện này xảy ra lâu rồi. Và họ biết cậu là người đã thực hiện CPR, nhờ vào vết son cậu viết trên tay, và nhân viên cứu hộ làm chứng.” Anh nhíu mày. “Gần đây cậu có đắc tội với ai không?”
Nhật Minh chưa hiểu lắm. “Không, thưa luật sư.”
Luật sư Hưng giải thích vì sao mình lại hỏi như vậy. “Thật ra chuyện này tôi chỉ ngầm đoán vô căn cứ mà thôi. Vì nếu người ta muốn kiện, họ sẽ kiện ngay từ lúc đó. Sao lại để một thời gian dài như vậy mới khởi kiện.”
Nhật Minh cũng thắc mắc về điều này từ lâu. Tại sao lại là bây giờ.
“Sau nữa, đội ngũ luật sư biện hộ cho họ, vô tình lại là công ty luật lớn nhất Thanh Hải, Niềm Tin.” Luật sư Hưng nói. “Chi phí để họ tư vấn pháp lý, nghe bảo rất, rất cao. Vậy, theo như những gì cậu tìm hiểu, hoàn cảnh của họ hiện đang rất khó khăn. Nếu xét về mặt tài chính, rất có thể họ không có khả năng đáp ứng chi phí, để thuê đội ngũ của Niềm Tin.”
Mỹ Hạnh thấy những gì luật sư phân tích cũng đúng.
“Khi bên phía bệnh viện đề nghị lên Ủy ban Y tế để hòa giải, họ cũng từ chối. Cậu muốn bãi nại và bồi thường, mặc dù chưa kết luận đó là lỗi của cậu. Nhưng họ cũng lắc đầu.” Luật sư Hưng chậc lưỡi. “Lạ nhỉ?”
Mỹ Hạnh muốn biết. “Chúng ta có cơ hội thắng không, thưa luật sư?”
Luật sư Hưng thú thật. “Nói thật với hai người, trước giờ tôi ít khi tham gia tranh tụng các vụ kiện y tế. Nếu xét về kinh nghiệm, thì tôi không bằng những luật sư khác. Do vậy, tôi nghĩ hai người nên suy nghĩ lại về việc chọn lựa luật sư đại diện.”
Nhật Minh khẳng khái nói. “Anh Tuấn đã tin tưởng giới thiệu, thì tụi em một mực tin tưởng theo luật sư.” Anh biết vị luật sư này từng là công tố viên. Ngay cả mẹ anh khi thấy tên của luật sư, cũng liền mỉm cười đồng thuận. Ắt hẳn là năng lực của vị luật sư này rất cao, nên mới được nhiều người tin tưởng như vậy.
“Nếu cậu đã nói vậy thì.” Luật sư Hưng khẽ cười. “Chúng ta hãy ký hợp đồng đại diện. Để tôi có thể trao đổi với phía luật sư bên nguyên đơn, và thực hiện những hành động pháp lý tiếp theo.” Anh nhìn sang chị Ly, người trợ lý vừa ăn gà lúc nãy cùng anh. “Chị Ly, giúp em lấy thông tin của cậu ấy.”
Khánh Ly đứng dậy. “Mời anh chị ra phía này.”
Trên đường lái xe về nhà, Mỹ Hạnh muốn đả thông suy nghĩ của anh mình. “Anh đừng lo lắng quá, trước khi gặp anh ta, em đã tìm hiểu trước rồi.” Không phải cô không tin anh Tuấn, mà cô chỉ muốn khẳng định lại mà thôi. “Anh ấy xuất thân là công tố viên, từng tham gia phá nhiều vụ trọng án nổi tiếng. Sau khi chuyển sang làm luật sư, anh ấy cũng tham gia tranh tụng nhiều phiên tòa hình sự. Nghe nói tỷ lệ thắng rất cao.”
Nhật Minh khẽ cười. “Anh biết mà.” Anh kể lại. “Anh ấy là vị công tố viên từng khiến bác của chúng ta vướng vào lao lý. Cũng như khiến anh Tuấn khốn đốn trong một thời gian dài.”
Mỹ Hạnh mơ hồ nhớ lại. “Anh ấy là vị công tố viên từng tới nhà bác Hai?” Sao lúc trước cô tìm hiểu không thấy việc này nhỉ.
Nhật Minh gật đầu. “Vâng, chính là anh ấy.” Tuy đã nhiều năm nhưng ký ức ấy vẫn còn vẹn nguyên.
Mỹ Hạnh thắc mắc. “Thế rốt cuộc vì sao hai người họ, cuối cùng lại thân nhau?” Nghe cách luật sư Hưng gọi anh Tuấn là tên khốn, cô khá tò mò về cách xưng hô và mối quan hệ của họ.
Nhật Minh đáp. “Anh cũng không biết nữa.”
Thế rồi ngày hôm sau, Nhật Minh lại tìm tới luật sư Hưng để bàn thảo với nhau về vụ kiện. Có vẻ đúng như những gì anh nghĩ, mọi chuyện khá khó khăn, khi tỉ lệ thắng dường như thuộc về phía bên nguyên đơn.
“Theo như những gì tôi tìm hiểu.” Luật sư Hưng nói. “Người ký đơn DNR hình như có đeo vòng tay cảnh báo phải không nhỉ?”
Nhật Minh gật đầu. “Vâng, đúng rồi luật sư. Tụi em gọi đó là vòng cảnh báo y tế, hay còn gọi là Medical Alert. Có thể đeo bằng vòng tay, hoặc vòng cổ, tùy mọi người lựa chọn. Thông thường thì mọi người sẽ lựa chọn đeo vòng tay.”
“Vậy khi bác sĩ hay nhân viên y tế tiến hành chăm sóc, cấp cứu bệnh nhân. Người ta sẽ dựa vào các vòng cảnh báo y tế đó?” Luật sư Hưng gặng hỏi.
“Vâng, luật sư.” Nhật Minh trả lời đúng theo luật y tế quy định.
Luật sư Hưng nhíu mày. “Thế lúc cậu tham gia cứu hộ ở Bình An. Cậu có tiến hành kiểm tra các vòng cảnh báo ấy không?”
Nhật Minh trầm lặng đáp. “Thật sự là em không nhớ. Em nghĩ mình đã có kiểm tra, nhưng cũng có thể em đã bỏ sót.” Tâm trí lúc này rất hỗn loạn, những ký ức hôm ấy hình như không còn nguyên vẹn trong trí nhớ của anh.
Luật sư Hưng giải thích. “Vì việc này rất quan trọng. Bà ấy đã ký đơn DNR từ lâu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ. Lúc cậu thực hiện CPR, thì trên người bà ấy có vòng cảnh báo y tế hay không? Nếu có thì rõ ràng cậu vi phạm y lệnh. Nhưng nếu không.” Anh gật đầu. “Thì cậu vô tội.”
Vì dĩ nhiên khi không có vòng cảnh báo y tế, người tham gia cấp cứu xem như được miễn trừ. Vì tình hình lúc đó đang ở trong thảm họa, và đặc biệt nạn nhân hiện ở ngoài bệnh viện nên không thể tiến hành kiểm tra. Mà người nhà lại không có ở bên cạnh để thông báo.
Mỹ Hạnh thắc mắc. “Vậy giờ làm sao để chúng ta biết được, thưa luật sư?”
Luật sư Hưng chậc lưỡi. “Đó là việc chúng ta cần phải tìm hiểu.” Nhưng rõ ràng anh cũng thừa biết, phía bên kia ắt hẳn đã nắm được gì đó mới dám khởi kiện. “Vòng cảnh báo ấy thường làm bằng gì?”
Nhật Minh vội đáp. “Nhiều loại lắm ạ. Tùy thuộc vào nơi bác ấy làm đơn DNR. Hoặc người nhà mua vòng cảnh báo ở đâu. Có thể làm bằng giấy Tyvek, giấy nhựa TNP, nhựa dẻo PVC, bằng cao su, hoặc vải, nhiều chất liệu lắm.”
“Chắc hẳn không dễ rách, hoặc dễ rớt đâu nhỉ?” Luật sư Hưng gặng hỏi.
Nhật Minh nói ngay mối nguy mình có thể gặp phải. “Vâng, nhưng rất dễ tháo.”
Để điều tra, tìm kiếm bằng chứng cho vụ kiện, Vĩnh Hưng nhanh chóng nhờ các “điều tra viên” tự do của mình nhanh chóng hành động. Bản thân luật sư cũng tìm tới khu Bình An, nơi đã diễn ra thảm họa. Tất nhiên mọi CCTV quanh khu vực đều bị phá hủy bởi vụ nổ và sự sập đổ của những tòa nhà. Những chiếc camera còn hoạt động thì lại cách quá xa nơi Nhật Minh thực hiện CPR cho nạn nhân.
Trong khi đó trở lại với Anh Phương, việc Nhật Minh bị khởi kiện, cô nhanh chóng nắm được thông tin. “Bác sĩ Minh vừa bị kiện vì sai sót y tế.”
Quang Vinh nghe vậy liền nhếch môi. “Vậy sao?” Anh chàng lúc này đang ở trong phòng cùng với Anh Phương.
“Hình như anh không ngạc nhiên lắm?” Anh Phương quay lại khi nghe thấy tông giọng hơi mang tính giễu cợt.
Quang Vinh phì cười. “Hắn ta bị kiện thì có gì mà ngạc nhiên. Anh đi tắm trước đây.”
“Nam bác sĩ X sai sót trong công việc”, “Bác sĩ X nghiệp vụ yếu kém, gây thương tật cho bệnh nhân”, “Một người phụ nữ hôn mê bởi sai lầm của một bác sĩ”, “Bác sĩ ở Hoàng Gia, danh tiếng đi trước năng lực”, hay “Cần phải trừng phạt bác sĩ X”. Rất nhiều bài báo công kích được lan truyền trên mạng, và tất cả đều nhắm vào Nhật Minh.
Ngày tham dự phiên tòa gần đến và truyền thông lúc này không ngừng đưa tin về vụ sai sót y tế của anh. Mặc dù phía bệnh viện đã lên bài đính chính từ trước. Nhưng trước sự công kích, bạo lực mạng của cộng đồng, không những bệnh viện, mà ngay cả anh đều bị ảnh hưởng. Khi vụ kiện còn chưa bắt đầu, nhưng có vẻ truyền thông đã gán ép định tội anh thay cho tòa án.
“Cậu sẵn sàng chưa?” Luật sư Hưng ngồi ở ghế phụ quay lại hỏi.
Anh lúc này đang ngồi sau xe. “Rồi ạ.” Bên phải anh là tòa án và hiện đang có rất đông phóng viên chực sẵn. Như thể đàn linh cẩu đang chầu chực để cắn xé anh,
“Có thật là bác sĩ đã sai sót trong lúc cấp cứu không?” Một phóng viên nữ ập tới hỏi.
Một phóng viên nam khác nhanh tay giơ máy ghi âm tới trước. “Xin bác sĩ hãy nói vài lời.”
“Bác sĩ thấy thế nào khi khiến bệnh nhân phải nằm liệt giường?” Một phóng viên khác nói lớn.
Luật sư Hưng cùng Nhật Minh bước lên bậc thang, một tay cầm cặp xách, tay còn lại giơ lên chặn những người phóng viên đang áp sát. “Chúng tôi xin phép không bình luận.” Anh liên tục nói. “Không bình luận.” Mặc dù đã nhờ những “điều tra viên” lực lưỡng đi theo hộ tống, nhưng có vẻ họ không thể ngăn được những lớp người này.
“Luật sư Hưng, xin luật sư hãy nói vài lời.” Một phóng viên khác nhanh chóng nhận ra người luật sư tai tiếng.
Một người khác cố gắng bước theo. “Luật sư Hưng, vụ kiện này anh có tự tin mình nắm chắc phần thắng không?”
Luật sư Hưng khẽ cười. “Hiện tại chúng tôi không thể nói gì. Xin mọi người hãy chờ đợi phiên tòa diễn ra.”
Khi anh bước lên khỏi bậc thang và vừa đặt chân lên sảnh của tòa nhà, lực lượng tư pháp bảo vệ tòa án nhanh chóng lao ra can thiệp. Nhờ vậy anh và Nhật Minh mới thoát khỏi sự bủa vây của họ.
“Đừng lo lắng quá.” Đứng trong thang máy thấy vẻ mặt của Nhật Minh hơi chùng xuống, anh liền an ủi. “Lần đầu ai cũng vậy cả.” Câu này là anh nói để khích lệ.
Nhật Minh muốn gượng cười nhưng chả thể nhấc nổi khóe môi. “Chắc luật sư quen rồi nhỉ?”
Luật sư Hưng nhếch môi cười. “Cái này đã là gì.” Có lúc đi cùng bị cáo anh còn bị ném cả trứng gà.
Ở tại Phòng xử án số 3, nơi diễn ra vụ tranh tụng của Nhật Minh. Thư ký tòa án nói lớn. “Mọi người đứng dậy.”
Mọi người trong phòng xử án nghe vậy liền đứng dậy chào.
Thẩm phán Bảo ngồi nghiêm nghị trên bục tòa. “Vụ án TH2020DS0719, trước khi bắt đầu.” Thẩm phán Bảo vẫy tay gọi. “Mời luật sư hai bên bước lên hội ý.”
Luật sư Hưng trong trang phục quần âu đen, áo sơ mi trắng, đại diện bên bị. Phía bên kia, luật sư bên nguyên trong bộ âu phục đắt tiền, cà vạt màu cùng tông, nhìn rất chỉnh tề và lịch lãm.
Thẩm phán Bảo nhìn luật sư Hưng khẽ cười. “Lâu ngày không gặp.” Vị công tố viên trẻ tuổi xuất chúng năm nào.
Luật sư Hưng cúi nhẹ đầu đáp lại. “Vâng, thưa ngài.”
“Thật sao? Vi phạm y lệnh DNR trong lúc cấp cứu thảm họa ở Bình An?” Thẩm phán Bảo nhíu mày. “Sao hai bên không tự hòa giải cho nhanh. Tránh làm tốn thời gian của tòa, cũng như tiền thuế của người dân.” Trước giờ ông đã xử nhiều vụ kiện dân sự, nhưng vụ kiện này ông thấy như thể đang đùa vậy.
Luật sư Hưng khẽ cười. “Chúng tôi rất muốn thưa quý tòa, nhưng phía bên nguyên không đồng ý.”
Luật sư Phước, đại diện đội ngũ luật sư biện hộ cho bên nguyên. “Thưa quý tòa, mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật.” Nụ cười tự tin trên môi, như thể luận điểm này không thể chối bỏ. “Thân chủ của tôi cũng vậy, bác ấy cũng được pháp luật bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Thẩm phán Bảo gật đầu. “Nếu anh đã nói như vậy thì chúng ta bắt đầu thôi.” Đợi luật sư Phước về chỗ, ông liền nói. “Mời luật sư bên nguyên.”
Luật sư Phước khí khái đứng phát biểu. “Thưa quý tòa, căn cứ theo Khoản 1, Điều 33 của Bộ luật Dân sự. Mọi cá nhân đều có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể. Quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng, xâm phạm thân thể trái luật.”
Mở đầu rất bài bản, luật sư Hưng phải công nhận đối thủ của mình làm quá tốt.
“Theo Khoản 3, Điều 11 của Luật Y tế. Chấp nhận, hoặc từ chối y lệnh không hồi sức, y lệnh không đặt nội khí quản, y lệnh điều trị duy trì sự sống. Khoản 4, Điều 10, quyền không bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh.”
Luật sư Hưng bây giờ có thể hiểu, y lệnh không hồi sức là DNR, tức là Do Not Resuscitate. Y lệnh không đặt nội khí quản là DNI, tức là Do Not Intubate. Và y lệnh điều trị duy trì sự sống là POLST, tức là Physician Orders for Life - Sustaining Treatment.
“Thân chủ của chúng tôi, bà Phan Thị Hường hiện vì lý do sức khỏe nên không thể có mặt ở đây. Do vậy, bà đã ủy nhiệm lại cho con dâu của mình, là bà Đỗ Mỹ Trinh đứng ra làm đại diện ở phiên tòa.”
Nhật Minh nhìn sang phía bên nguyên đơn. Như lời luật sư bên kia nói, người bác mà anh hồi sức, hiện không có ở đây. Người con dâu cũng liếc mắt nhìn sang anh như thể muốn đòi lại công bằng cho mẹ chồng.
“Để khởi kiện ông Nguyễn Nhật Minh.” Luật sư Phước chỉ tay qua phía bên bị đơn. “Theo Khoản 1, Điều 7 của Luật Y tế, vì đã xâm phạm quyền của người bệnh. Khoản 7, Điều 7, vì đã không tuân thủ quy định về y lệnh của người bệnh. Do vậy, theo Điều 14 của Luật Y tế, về quyền kiến nghị và bồi thường.”
Mỹ Hạnh ngồi sau lưng anh mình thì thầm. “Lúc hòa giải không chịu, giờ lại đòi bồi thường.”
Yến Nhi cũng tham dự phiên tòa để an ủi, khích lệ, động viên người yêu của mình. Từ hôm bị khởi kiện tới giờ, cô thấy anh như mất hẳn sức sống. Người còn không còn tràn đầy năng lượng và những nụ cười không còn vui tươi như trước kia. Không ai ngờ rằng, vì làm một việc tốt mà giờ lại được báo đáp như thế này.
“Chúng tôi muốn kiến nghị ông Nguyễn Nhật Minh phải bị đưa ra xét xử. Và bồi thường thỏa đáng cho những thiệt hại về thể xác, lẫn tinh thần của thân chủ tôi.” Luật sư Phước kết thúc phần kiến nghị của mình. “Xin hết, thưa quý tòa.”
Thẩm phán Bảo nhìn sang phía luật sư Hưng. “Xin mời phía bị đơn.”
Luật sư Hưng đứng dậy. “Không có tội, thưa quý tòa.”
Thẩm phán Bảo không ngạc nhiên lắm. “Vẫn như mọi khi và mọi ngày. Vậy, hai bên có đưa ra kiến nghị gì không?” Ông đan hai bàn tay vào nhau. “Nếu không, thì chúng ta hãy gặp lại vào một ngày đẹp trời hơn.”
Luật sư Hưng nói nhanh. “Thưa quý tòa, tôi xin phép thay mặt thân chủ, kiến nghị phiên tòa xét xử bởi bồi thẩm đoàn.”
Luật sư Phước cũng đã đoán trước được điều này. Bên bị đơn muốn thắng thì họ chỉ còn trông mong vào sự thương xót của bồi thẩm đoàn. Ông có quyền phản đối nhưng lập luận ông đưa ra, không đủ vững chắc để thẩm phán bác bỏ kiến nghị của bên bị. Do vậy, ông nghĩ mình nên im lặng.
Thẩm phán Bảo hỏi. “Bên nguyên có ý kiến gì không?”
Luật sư Hưng khẽ cười. “Hiến pháp quy định quyền được xét xử bởi bồi thẩm đoàn trong một vụ kiện dân sự tại tòa án. Nên bên nguyên không có ý kiến gì, thưa quý tòa.” Ông không thể xúc phạm đến tính công bằng của bồi thẩm đoàn, bôi nhọ điều hiến pháp đã quy định. Hơn hết, ông muốn thẩm phán có cái nhìn thiện cảm về mình hơn.
Thẩm phán Bảo đi đến quyết định. “Vậy, hẹn gặp lại hai bên ở phiên tòa kế tiếp.” Ông gõ búa xuống ấn định kết thúc phiên tòa.
“Phiên tòa bồi thẩm đoàn có đem lại cơ hội thắng nhiều hơn không, thưa luật sư?” Mỹ Hạnh ngồi trên xe thắc mắc. Trong xe ngoài cô và anh trai, thì còn có luật sư, chị Yến Nhi, và tài xế là chị Ly trợ lý.
Lúc đầu cô cũng khá thắc mắc về việc một nữ trợ lý lại đảm nhận công việc lái xe. Nhưng khi ngồi lên và cảm nhận sự êm ái trong việc chuyển làn, đánh lái, thì công việc này quả không ai khác ngoài chị này là hợp nhất. Thú thật mặc dù đã lái xe nhiều năm, nhưng kỹ năng của cô vẫn còn quá thấp so với bà chị này.
Luật sư Hưng nghĩ mọi chuyện không dễ dàng. “Không, họ sẽ chất vất nhân chứng. Họ sẽ tìm mọi cách xoáy sâu vào vấn đề bác sĩ Minh làm tổn thương nguyên đơn. Họ sẽ hạ thấp, bêu xấu hình ảnh của cậu ấy trong mắt bồi thẩm đoàn. Họ sẽ lợi dụng việc thay vì cậu ấy CPR nguyên đơn. Nếu cậu ấy dùng thời gian đó cho người khác, thì có lẽ nhiều người khác đã được cứu sống.”
Nhật Minh nghĩ, nếu anh dùng thời gian đó vào việc cứu người khác, thì có thể họ sẽ được sống lại. Vẫn đủ thời gian để CPR và thực hiện các thủ thuật cấp cứu khác. Sau khi rời tòa án, anh không về lại nhà, mà tới thẳng căn hộ của Yến Nhi. Có thể anh buồn vì vụ kiện, buồn vì có thể sẽ bị đình chỉ, treo bằng vài tháng, nhưng tình yêu của Yến Nhi là những gì khiến tâm trạng của anh tốt hơn. Việc tâm sự, trải lòng với cô, cũng khiến anh nhẹ nhõm đi vài phần. Càng lúc, anh càng nhận ra, cuộc sống anh tốt hơn khi cô ở bên cạnh.
Trong khi đó nói về phía Quang Vinh, tin tức anh mới nhận được thật sự khá bực bội. “Em can thiệp vào truyền thông?”
Anh Phương đang ngồi lướt điện thoại trong phòng khách. “Ừm, em ra lệnh cho mọi người lên bài ủng hộ bác sĩ Minh, và bêu xấu gia đình nạn nhân.”
“Tại sao em làm vậy?” Quang Vinh hậm hực.
“Tụi em là bạn.” Anh Phương đứng dậy. “Hơn hết, một bác sĩ tài năng không nên bị hủy hoại bởi một điều không đáng.” Kèo này, bác sĩ Minh nhất định phải thắng. Như vậy thì cô cũng mới có thể nằm ở thế thượng phong.
Đôi lúc mãnh thú phải bị kiểm soát, để nó nhận ra ai mới là chủ nhân của mình.