“Không phải là không cho em đọc truyện tranh, mà là đừng áp vào thực tế.” Trần Vụ nhẹ giọng.
Yến Vi Sí mím môi: “Là do em nghĩ nhiều.”
“A Sí, thật ra bình thường anh không nghĩ theo hướng này, mà em nói với anh, anh mới biết… Chỉ là quan điểm cá nhân anh, thôn chúng ta có cháu ngoại sinh ra giống hệt như cậu ruột, như cậu tự sinh vậy.” Trần Vụ vuốt ve đường nét khuôn mặt của thanh niên, ngón tay xoa nhẹ từ thái dương đến gò má hắn, ngập ngừng nói: “Nhưng hai người chẳng có gì giống nhau cả. Trước khi biết hai người có quan hệ họ hàng, anh còn tưởng là người lạ không liên quan.”
Trần Vụ cẩn thận bổ sung: “Ý của anh là, không phải tất cả cậu cháu đều giống nhau, không cần gò ép áp đặt theo cách nói này. Hồi trung học có thể chiều cao của hai người tương đương, nhưng bây giờ chiều cao cũng khác nhau rồi, em cao hơn một chút.”
Yến Vi Sí nhíu mày, đúng không, không để ý nữa.
Trần Vụ cân nhắc rồi nói một câu: “A Sí, có phải em bị ảnh hưởng bởi tiếng nói xung quanh trước, sau đó mới liên tưởng đến nội dung trong truyện tranh không?”
Ánh mắt Yến Vi Sí hơi lảng tránh, hắn không phủ nhận.
“Có nhiều người nghĩ vậy thế cơ à?” Trần Vụ nhíu mày: “Cậu ta không chỉ có một người cậu là em, mà còn cả bác hai cậu sáu cậu bảy nữa, ai cũng có ngoại hình khác biệt, sao lại chọn em? Chẳng lẽ vì hai người bằng tuổi nên buộc với nhau? Phải chăng có ai đó cố ý dẫn dắt theo hướng này?”
Suy nghĩ chôn sâu trong tình yêu của Yến Vi Sí chợt bật lên: “Có ý gì?”
“Trước đây Khương Hi từng nói trước mặt anh mấy lời như em và Quý Minh Xuyên tạo cảm giác tương tự gì đó. Lúc ấy anh còn nghi ngờ tại sao cô ta lại có nhận thức kỳ lạ và kiên định như vậy, kỳ quái như thể bị người ta tẩy não.” Trần Vụ lẩm bẩm: “Dù sao từ góc nhìn của anh, hai người hoàn toàn là hai gương mặt, hai kiểu ngoại hình khác n hau.”
Sự khó chịu tích tụ của Yến Vi Sí biến mất không tăm hơi, lời nói của ai cũng không đáng tin cậy bằng lời của Trần Vụ.
“Nhưng tại sao lại cố ý dẫn dắt…” Trần Vụ lẩm bẩm.
“Không nghĩ nữa.” Yến Vi Sí nghiêng đầu hôn lên khớp ngón tay của anh: “Đi nào, em dẫn anh đến nơi em từng sống.”
Mỗi lần có tiệc gia đình, con cái đều ở lại qua đêm.
Không phải là người lớn ngồi túm tụm tán gẫu chuyện nhà, bàn luận chuyện thú vị xung quanh, chia sẻ thành tựu trong công việc, thiếu niên cười đùa xem phim buôn chuyện hoặc cầu giải đáp những băn khoăn bối rối trong cuộc sống, trẻ con ê a chạy nhảy chơi đùa.
Mà là trở về khuôn viên nhà mình, đóng cửa tính toán đề phòng, cho đến ngày hôm sau ăn sáng xong rồi rời đi.
Không giống như người thân, chẳng qua chỉ là cư dân mua nhà trong cùng một khu.
Chưa đầy một giờ sau bữa ăn, vườn hoa, đình viện, hành lang, rừng cây và các khu vực công cộng khác trong nhà tổ đã không còn bóng người.
Nhiều người hầu như vậy không biết đã đi đâu.
Kiều Minh Viên nằm ở phía Đông nhà tổ, con đường chính không thông đến bên đó, xem như là nơi yên tĩnh khác ngoài Lang Nguyệt Các.
Trần Vụ vừa đi vừa đổ mồ hôi, bàn tay đang được nắm cũng ẩm ướt “A Sí, bọn em ăn xong trở về nhà mình, thì trên đường đã tiêu hóa hết rồi.”
Yến Vi Sí đường đường chính chính nói: “Vì thế đều tự chuẩn bị đầu bếp, quay về ăn thêm một bữa.”
Trần Vụ há hốc miệng: “Vậy là phải ăn thêm một chút…”
Yến Vi Sí cười ôm anh đến mức không đứng thẳng được.
“Em cũng có à?” Trần Vụ lấy điện thoại trong túi ra.
“Em đã bao lâu rồi không trở về, chẳng phải toàn theo anh sao?” Yến Vi Sí liếc tin nhắn anh đang đọc, cụ Dư gửi tới hỏi có ai tỏ thái độ với anh không.
Trần Vụ trả lời bằng tin nhắn thoại: “Không đâu, thầy đừng lo.” Anh cất điện thoại đi, “A Sí, nhà em thích hợp cho người sợ giao tiếp xã hội sinh sống.”
“Nói cái gì mà thích hay không thích.” Yến Vi Sí dẫn Trần Vụ đi xuyên qua một con đường nhỏ nở đầy hoa tươi, bước vào căn nhà cũ của hắn.
Cái gọi là khuôn viên, không phải là kiểu sân nhỏ với vài căn gian nhà trệt ở nông thôn.
Mà là cách sắp xếp của thế gia vọng tộc thời xưa.
Hơn chục phòng rộng, ao cá, bốn đình nghỉ mát được chạm trổ thực vật đại biểu cho mỗi mùa để trang trí, hồ sen mới chớm nở, rừng trúc xanh mướt… Chẳng khác nào một phủ đệ cổ đại thu nhỏ.
Dưới ánh chiều tà loang lổ màu sắc, chim tước đậu trên đầu cành, sắc xanh biêng biếc và dòng nước chảy róc rách vẽ lên một vẻ đẹp tự nhiên nhân tạo như thơ như tranh.
Trần Vụ đứng dưới một cổng vòm đá: “Nếu chơi trốn tìm ở đây thì tìm cả ngày cũng không thấy.”
“Chơi trốn tìm? Nhà tổ không có trò đó.” Yến Vi Sí kéo Trần Vụ vào sảnh chính với vẻ mặt mệt mỏi: “Phần lớn thời gian mẹ em đều ở cùng Yến Đình Sinh, nếu đến đây thì sống ở phía đối diện em.”
Trần Vụ quay đầu nhìn về tòa lầu các khác trong sân, có một chiếc xích đu giữa những khóm hoa rực rỡ.
Một vật rất bình thường, nhưng trông rất bắt mắt trong nhà tổ.
Rẽ vào từ phía bên phải của sảnh chính rồi đi đến cuối là phòng ngủ, bên trong toàn bộ là đồ nội thất bằng gỗ.
Không có bụi bặm, đã được quét dọn sạch sẽ.
Tầm mắt Trần Vụ tập trung vào chiếc giường gỗ lớn, thiết kế có trần che khá khép kín, tông màu tối u ám giống quan tài.
Cũng giống như đồ vật trong cổ mộ.
Anh sờ sờ tấm rèm vải gạc đã được buộc lại, nuốt nước miếng: “A Sí, anh thấy chiếc giường này thật đáng sợ.”
Khuôn mặt Yến Vi Sí co giật: “Bạn trai anh đã ngủ rất nhiều năm rồi đấy.”
Dứt lời, hắn tháo kính của Trần Vụ ra, ôm anh lăn lên giường, kéo chiếc chăn xám trùm lên, họ hôn nhau trong thế giới tối tăm và yên tĩnh.
Trần Vụ không thở nổi nên nhoài ra khỏi chăn. Yến Vi Sí buông anh ra, chờ anh bình thường trở lại thì hôn tiếp.
Không làm gì khác cả, chỉ hôn nhau. Sự thân mật khăng khít không ai quấy rầy.
Yến Vi Sí đè Trần Vụ xuống, luồn đôi tay thon dài mạnh mẽ vào tóc anh, lưu luyến hôn lên cổ, xương quai xanh, cùng với yết hầu rung động biên độ nhỏ khi nuốt của anh.
Trần Vụ bị hôn đến mức ướt đẫm và nóng bừng, anh ngửa mặt nhìn những con vật được khắc trên trần giường: “Em nằm trên giường sẽ nghĩ gì?”
Yến Vi Sí khựng lại.
Trong những năm đó hắn sống rất kỷ luật nghiêm ngặt, thời gian bị dồn nén rút ngắn tối đa để sử dụng, khi nằm xuống giường đã là nửa đêm về sáng, còn đâu sức để nghĩ ngợi gì.
Bây giờ nhìn lại, Yến Vi Sí cảm thấy mình thật trâu bò.
Sống nhàn tản tự tại ở miếu nhỏ, trở về lại có thể thích nghi được với một cuộc sống khác, vậy mà cũng không cảm thấy ngột ngạt áp lực.
Dù là năm đầu tiên sống trong thời kỳ bị bắt cóc liên tục, thường xuyên có nguy cơ bị giết hại.
Có lẽ thật sự nằm trong gene.
Tuy rằng Yến Vi Sí ghét loại lý luận mang tính cưỡng ép này.
Trên gò má của Yến Vi Sí truyền đến cảm giác ấm áp mềm mại, hắn chăm chú nhìn ý hỏi thăm trong mắt Trần Vụ: “Muốn an ủi em mà hôn má, qua loa.”
Trần Vụ co chân đẩy đẩy cơ bụng của Yến Vi Sí: “Chỉ hôn được mặt thôi, lưỡi anh đau.”
Năm ngón tay của Yến Vi Sí ôm lấy đầu gối của anh, hắn cúi đầu dụi mặt lên: “Vậy ôm em một lát đi, tổ tông ơi.”
Thế là có một đôi tay vòng qua ôm lấy hắn.
Yến Vi Sí tự giác nắm lấy tay Trần Vụ, di chuyển nó từ eo lên cổ mình, để anh ôm chặt.
“Tối nay ngủ ở đây.” Yến Vi Sí nói.
Trần Vụ giật mình: “Chúng ta không mang theo quần áo để thay.”
“Đã cho người chuẩn bị rồi, cái gì cũng có.” Trong mắt Yến Vi Sí lóe lên sự cáu kỉnh: “Chỉ một đêm thôi. Lần sau khi nào anh muốn xem dược liệu, chúng ta sẽ quay lại.”
Trần Vụ vuốt mái tóc vàng xoăn của hắn: “Vậy được rồi.”
Người hầu trong nhà cũ bắt đầu chia nhau đi các sân hỏi về việc sắp xếp bữa sáng ngày mai, ghi chép lại hết các món muốn ăn hoặc không muốn ăn, sau đó tập hợp và giao cho nhà bếp.
Có những món ăn đòi hỏi công đoạn rườm rà, yêu cầu tỉ mỉ, phải chuẩn bị suốt đêm.
Kiều Minh Viên cũng có người hầu đến. Yến Vi Sí đi ra, Trần Vụ nằm nhoài người bên cửa sổ gỗ dày của phòng ngủ, vươn cổ ra nhìn xuống.
Đập vào mắt là một ao cá chép gấm, dù khu sân vườn này đã lâu không có ai sống, song vẫn có người đến dọn dẹp chăm sóc định kỳ.
Trần Vụ lục lọi trong túi quần áo, lấy ra điện thoại cùng một gói khăn giấy nhỏ. Anh quay đầu nhìn quanh, hái vài lá gần héo úa từ một chậu hoa trên băng ghế dài rồi ném xuống hồ.
Lá cây nhẹ nhàng bay vào ao, làm xao động đàn cá chép đang sống trong hình thức dưỡng lão.
Yến Vi Sí trở về phòng ngủ, Trần Vụ vẫn đang nằm bên cửa sổ ngắm những con cá chép béo tốt xinh đẹp.
“Bữa sáng lúc năm giờ.” Yến Vi Sí cầm một quả đào không biết từ đâu tới đưa cho Trần Vụ: “Đến lúc đó anh gọi em.”
“Sớm thế sao?” Trần Vụ nhận lấy quả đào cắn một miếng, lúng búng nói: “A Sí, tối nay em phải đến thư phòng của cha em để mở họp à?”
“Họp gì chứ, bàn về ngày cưới của em và anh à?” Yến Vi Sí đút một tay vào túi quần, tay kia ôm lấy eo anh.
Trần Vụ ngậm một miếng đào, quên cả nhai.
Yến Vi Sí liếc anh, phản ứng gì thế này, chẳng lẽ vẫn chưa muốn, định chờ đến khi tốt nghiệp?
Ngay khi Yến Vi Sí suy nghĩ lung tung lộn xộn, định lành làm gáo vỡ làm muôi kể hết những việc mình đã âm thầm chuẩn bị, Trần Vụ chậm rãi nhai và nuốt miếng đào xuống: “Chúng ta còn phải kết hôn à?”
“…”
Tạo phản rồi.
Vì câu nói kia, mặt Trần Vụ bị Yến Vi Sí cắn ra một vết hickey không nặng không nhẹ.
Anh bảo Yến Vi Sí tìm băng dán cá nhân, nếu không ngày mai không có cách nào ra ngoài.
“Không tìm.” Yến Vi Sí cảm thấy mất mát: “Anh chưa từng nghĩ đến chuyện kết hôn.”
Trần Vụ bối rối nói: “Trong nước đâu có cho phép.”
“Vậy thì ra nước ngoài.” Yến Vi Sí nói: “Nhẫn anh cũng đã đeo rồi, đùa à?”
Trần Vụ khẽ co ngón áp út đeo nhẫn, dè dặt thăm dò: “Em đã chuẩn bị rồi sao?”
Yến Vi Sí giấu đầu hở đuôi trầm mặc không nói.
“Ban nãy anh không hỏi gì, anh không biết gì.” Trần Vụ như đang dỗ dành trẻ con, “Em cũng không nghe thấy gì hết.”
Yến Vi Sí dở khóc dở cười.
Chi bằng cầu hôn bây giờ luôn? Không được, chẳng có gì cả.
Yến Vi Sí giận dữ lau mặt.
Bên tai hắn vang lên giọng nói, “A Sí, hình như nhà em không có cổ vật gì, chỉ toàn đồ sứ bình thường.”
Rất giống như đang cố gắng tìm chủ đề mới, động vật nhỏ duỗi xúc tu bé ra chờ hắn vuốt ve.
“Còn biết phân biệt đồ cổ, lợi hại ghê.” Yến Vi Sí tiếp lời, “Có đồ cổ chứ, ở trong viện bảo tàng ấy.”
Trần Vụ chưa kịp phản ứng đã bị Yến Vi Sí xoay sang một bên, kéo đi ban công lộ thiên trên tầng ba. Hắn ôm mặt anh quay về một hướng.
Một khu kiến trúc lớn bao phủ trong ánh sáng mờ mờ, cũng không biết là tòa nào. Anh ngơ ngác: “Nhà em còn có bảo tàng à?”
“Yến Đình Sinh thích sưu tầm đồ cổ.” Yến Vi Sí ôm Trần Vụ từ đằng sau, “Ở đây còn có thư viện, nếu muốn thì em dẫn anh đi.”
Trần Vụ ngậm lại cái miệng đang hơi há: “Có phải không thể tùy tiện đi lại bên ngoài không?”
“Không sao.” Yến Vi Sí cúi người, nhắm mắt ngửi mùi hương và nhiệt độ cơ thể anh: “Muốn, hay là không muốn?”
Trần Vụ nói: “Vậy đi xem thử đi.”
“Sẽ không gặp phải cậu ta chứ?” Lúc này Trần Vụ vẫn chưa thoát khỏi sự việc xảy ra ở sảnh chính.
Yến Vi Sí cười nhạo: “Cậu ta mang họ khác, không vào được.”
“Anh cũng là họ khác.” Trần Vụ nói, “Em giúp anh giành đặc quyền à? Giống như vụ chỗ ăn ấy.”
Yến Vi Sí vò tóc anh, ngốc ạ, là tự anh có được đó.
Phong cách của thư viện độc đáo nổi bật nhất nhà tổ, gần giống Thủ Thành hơn, mỗi cấu trúc đều phủ đầy cảm giác công nghệ cao.
Đứng ở tầng một của thư viện nhìn lên, cảm giác choáng ngợp như ảo mộng.
Giống như thành phố tương lai.
Phóng tầm mắt nhìn lên không đếm nổi có bao nhiêu tầng.
Tòa nhà cao như vậy, song khi đến đây Trần Vụ lại không chú ý tới sự tồn tại của nó.
Có thể thấy khắp nơi trong nhà tổ đều hút mắt.
“Yến Đình Sinh còn thích sưu tầm sách không còn xuất bản thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.” Yến Vi Sí nói cho Trần Vụ Sơn vị trí thang máy: “Xin phép hút điếu thuốc.”
Trần Vụ chạm vào bộ xương động vật bên cạnh, ánh mắt bận rộn: “Được rồi, em hút đi.”
Yến Vi Sí ấn bật lửa: “Trước đây ba tầng đầu của nơi này toàn là truyện tranh.” Đó là phần thưởng của hắn, nhưng chưa bao giờ được nhận. Luôn luôn là cạm bẫy.
Yến Đình Sinh am hiểu thuần dưỡng và khống chế nhất, con cái là thuộc hạ, thuộc hạ là máy móc.
May mà hắn đã đến Xuân Quế.
Lúc đó hắn phát phiền vì mẹ khóc lóc nên không buồn phản kháng, sau này mới nhận ra đó là bước đi đúng đắn nhất của mình.
Về lần tính toán sai lầm duy nhất trong đời Yến Đình Sinh, hắn chẳng quan tâm.
Trần Vụ nói: “Hiện tại thì sao?”
“Vẫn y nguyên.” Yến Vi Sí đi đến trước một bức tường, dùng bàn tay không cầm thuốc để xác nhận vân tay, trên tường hiện ra một màn hình, hắn thao tác trên sơ đồ chỉ dẫn, “Tầng sáu là sách về y học.”
Yến Vi Sí nói xong thì Trần Vụ rời đi luôn.
Yến Vi Sí châm lửa, chậm rãi theo sau.
Mỗi bước hắn đi, bóng dáng cậu bé cô đơn từng mệt mỏi khóc trộm vì hoàn thành nhiệm vụ dần mờ đi, còn hình ảnh chàng thanh niên đang dũng cảm tiến về phía trước theo hạnh phúc của mình lại ngày càng rõ nét.
— Thời gian có thể đắng đến mức muốn nôn, cũng có thể ngọt ngào đến mức muốn cười.
Sắc trời dần tối, ngôi nhà tổ không có ánh sáng rực rỡ mà chỉ có những chiếc đèn lồng đỏ treo rải rác dưới mái hiên và những mảng bóng lớn. Gió thổi cỏ lay cũng có thể khiến người ta căng thẳng, toàn thân nổi da gà.
Đoàn làm phim kinh dị đến đây quay không cần phải dựng cảnh, cứ thế mà dùng.
Trần Vụ bị Yến Vi Sí cưỡng ép kéo ra khỏi thư viện, miêu tả hoàn toàn không phóng đại.
Yến Vi Sí vác anh đi, trong giọng nói đè thấp xen lẫn tức giận: “Bảo anh đọc sách, không phải là kêu anh không ngủ, đến bạn trai cũng không cần. Cho dù anh có thức cả đêm thì anh có thể đọc được bao nhiêu?”
Hai chân của Trần Vụ co lại giữa không trung, cơ thể lắc lư theo bước đi của hắn, anh yếu ớt biện hộ: “Nhưng anh còn chưa đọc xong quyển đó mà, ít nhất hãy để anh…”
“Để anh cái gì?” Yến Vi Sí đánh vào mông anh: “Người lớn rồi, không biết kiềm chế bản thân à?”
Trần Vụ: “…”
“Em thì giỏi rồi.” Anh cúi đầu, “Chắc em biết ha.”
Yến Vi Sí mặt không đỏ tim không hẫng: “Đừng quanh co lòng vòng nói móc em, chuyện trên giường là tình huống đặc biệt, hơn nữa, quanh năm suốt tháng chỉ có dịp lễ tết em mới có thể…”
Những lời sau đó nghẹn lại trong cổ họng, Yến Vi Sí nhíu mày nhìn phía trước.
Người quản gia trẻ tuổi cầm một chiếc đèn lồng đi về hướng này. Quầng sáng tỏa ra tôn lên khuôn mặt và cảnh vật xung quanh anh ta, vô cùng quỷ dị.
Yến Vi Sí đặt Trần Vụ xuống, giờ thì biết tại sao hắn lại sợ những thứ cõi âm rồi đấy.
Ở lâu trong nhà tổ, dù dương khí có mạnh đến đâu cũng sẽ bị hao tổn.
“Tiểu thiếu gia, anh Trần.” Quản gia nhẹ giọng nói, “Hai người định về Kiều Minh Viên à? Để tôi cầm đèn cho.”
“Không cần.” Yến Vi Sí lười biếng từ chối.
Quản gia không nói nhiều, cúi đầu đáp lời rồi lướt qua họ, tiến vào bóng tối.
Trần Vụ chỉnh lại chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt trên người: “A Sí, có đèn lồng chẳng phải dễ đi hơn sao?”
Yến Vi Sí nói: “Cầm đèn lồng đi đến âm tào địa phủ à?”
Trần Vụ: “Em sợ…” Chữ “ma” còn chưa kịp phát ra, anh đã bị Yến Vi Sí bịt miệng.
“Có mấy lời có thể không nói.” Yến Vi Sí bất đắc dĩ: “Được không, cục cưng?”
Trần Vụ đỏ mặt: “Được.”
Hồi bé Yến Vi Sí không sợ như vậy, nhưng lớn lên thì tin vào ma quỷ. Có lẽ do trời xui đất khiến nhờ may mắn mà có được thứ quý giá, nên muốn nắm giữ lâu hơn.
Khi thành lập công ty thực phẩm ở London thì thành lập cả quỹ từ thiện, tích đức hành thiện.
Nhà tổ thật sự có quá nhiều âm hồn.
Yến Vi Sí dẫn Trần Vụ tránh khỏi chiếc đèn lồng đỏ giống như ma trơi, bất giác đã đến gần ngôi chùa.
Trần Vụ ngửi thấy mùi nhang thoang thoảng như có như không.
Lư hương lớn trước cửa cắm những nén nhang dài ngắn khác nhau. Trần Vụ đẩy đẩy kính: “A Sí, anh muốn vào vái một cái.”
Yến Vi Sí không dễ nhận thấy mà hơi nghiến chặt quai hàm. Đêm hôm khuya khoắt còn bái Phật làm gì chứ, gió lạnh âm u thổi suốt đoạn đường rồi.
“Vái xong thì đi ngay.” Yến Vi Sí day ấn đường.
Trong chùa thắp một chiếc đèn lồng, điện Phật tối om, có một tượng Phật đứng rất cao, Trần Vụ không nhìn rõ là ai.
Yến Vi Sí ném bồ đoàn đến trước mặt Trần Vụ.
Trần Vụ quỳ xuống, thành kính bái Phật, không lẩm nhẩm mà rất yên tĩnh.
“Cốc cốc cốc.”
Tiếng gõ mõ vọng ra từ trong điện Phật, xen lẫn tiếng khóc của người phụ nữ.
Thê thảm, ai oán, dường như còn có một chút sám hối không thể nguôi ngoai.
“Là chị ba của em.” Yến Vi Sí kéo Trần Vụ đang ngây ngốc quỳ trên bồ đoàn, dắt anh ra ngoài, tay siết chặt: “Trước đây đêm nào chị ấy cũng đến đây ở lại đến khuya, xem ra bao năm nay vẫn như vậy.”
Trần Vụ nói: “Bên trong có Phật đường à?”
“Ừ.” Yến Vi Sí bước những bước lớn, nhanh chóng bỏ xa ngôi chùa phía sau.
Tiếng khóc của người phụ nữ cũng không bay tới được.
“Chẳng phải chị ba của em đã tìm được con trai rồi à?” Trần Vụ khó hiểu: “Sao vẫn… Chị ấy khóc rất đáng thương.”
Yến Vi Sí dửng dưng: “Ai mà biết.”
Gần mười giờ, Yến Vi Sí rửa mặt xong vẫn chưa muốn ngủ, hắn dẫn Trần Vụ đi thăm những nơi khác mình từng sống.
Văn phòng, phòng gym, thư viện, phòng tài liệu…
Cho đến khi dừng lại ở phòng piano.
Yến Vi Sí dùng một tay mở nắp đàn, đặt năm ngón tay lên phím đàn, đánh từ âm đầu đến âm cuối.
Để rèn luyện thể lực và tránh cái chết khi bị bắt cóc, hắn đã tham gia trại huấn luyện dành riêng cho người thừa kế, cộng thêm ba năm làm công nhân bán thời gian ở Xuân Quế khiến khớp xương gồ lên và lòng bàn tay đầy vết chai.
Một bàn tay thô ráp chạm vào phím đàn được đặt làm riêng, chỉ sau vài khoảnh khắc, âm thanh piano trôi chảy và thanh thoát vang lên.
Sự tái sinh và nảy mầm, niềm hy vọng tràn đầy sức sống và ấm áp cùng chung tay lấp đầy toàn bộ căn phòng piano.
Một đoạn kết thúc, lại một đoạn khác, từ mùa xuân ấm áp đến mùa hè nóng bức.
Dường như có thể nghe thấy tiếng ve kêu, gió nóng phả vào mặt, lá cây ngô đồng khô nắng rụng xuống, trong miệng là nước có ga chua ngọt mát lạnh.
Đột nhiên mưa to như trút nước, có đôi tình nhân che áo đồng phục chạy đến dưới mái hiên trú mưa, cười nhìn dáng vẻ nhếch nhác của đối phương.
Sau đó, cánh đồng lúa chín vàng, lá cây rụng đầy, những thiếu niên giẫm lên lá khô, đi qua vô lo vô nghĩ bước vào những hoang mang ưu sầu, chẳng biết đi về nơi nao.
Có người đến đón hắn, dẫn hắn đi xem cảnh mặt trời không bao giờ lặn.
Kế tiếp là thế giới mênh mang trắng tuyết, những con chim lạc bầy trong cuộc di cư được một đôi tay đón lấy, ấp vào lòng.
Hoa tuyết hôn lên các ngón tay đông cứng, hôn lên khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, lên đôi mắt hơi đỏ.
Trong thế giới trắng xóa vang lên tiếng cười vui vẻ, mong chờ sau tuyết trời sẽ hửng nắng.
Yến Vi Sí một hơi đàn bốn đoạn, vẽ lên bốn mùa xuân, hạ, thu, đông bằng những ngón tay của mình và gửi tặng Trần Vụ.
Đứng trước cây đàn piano, hắn biến trở về thành người thừa kế của Yến thị, bộ đồ ngủ cotton đơn giản cũng không che được vẻ thanh lịch cao quý trong xương cốt.
Tiếng đàn dừng lại.
Yến Vi Sí ngước lên, ánh mắt chăm chú nhìn Trần Vụ vẫn chuyên tâm và thuần khiết như trước, vẫn là người bình thường chỉ muốn về quê gặt lúa mạch với anh.
Trần Vụ chậm rãi vỗ tay, đôi mắt sau kính tràn ngập lời khen ngợi đơn giản: “A Sí, em biết chơi piano sao? Đàn hay lắm.”
“Chỉ học qua loa thôi.” Yến Vi Sí bâng quơ: “Mẹ em là giáo viên piano.”
Trần Vụ lấy làm kinh ngạc.
Yến Vi Sí nhàm chán vuốt mái tóc ướt mấy lần, chợt nói: “Muốn thử không?”
Trần Vụ xua tay: “Anh không biết đàn.”
“Lại đây.” Yến Vi Sí vẫy tay: “Em dạy anh.”
Trần Vụ mặc bộ đồ ngủ giống hệt, bị Yến Vi Sí kéo ôm vào lòng, vụng về đặt tay lên phím đàn dưới sự hướng dẫn của hắn.
Tiếng đàn trúc trắc ngắt quãng kéo dài một lúc, mang chút cảm giác vui tươi.
Trần Vụ ngoái đầu nhìn Yến Vi Sí, mái tóc sau đầu sượt qua cằm hắn, lưu lại hương chanh thanh mát giống anh: “A Sí, đây là bài gì vậy?”
Yến Vi Sí nghiêm mặt: “Đừng đùa em, ngay cả cái này mà anh cũng không biết à?”
Đây chẳng phải là hành khúc đám cưới phổ biến đến mức không thể phổ biến hơn hay sao?
Nhất thời không nghĩ ra bài nào đơn giản, dễ đàn mà có ý nghĩa, nên hắn đã chọn bài này.
Trần Vụ nghiêm túc đáp: “Anh thật sự không biết.”
Yến Vi Sí lại đàn thêm một lần nữa, vào khoảnh khắc ấn xong phím đàn cuối cùng, hắn nói: “Bài này tên là…”
“Em yêu anh.” Hắn nói.