Lấy cây ngọc tiêu giắt ngang lưng ra cầm tay, Lâm Yên Bích nhún đôi chân, cô tung mình lên cao, nhẹ nhàng đáp xuống trước Hoàng Dung, thân pháp khinh công giống Liễu Như Lãng, dáng khoan thai như oanh bay yến lượn. Một tay đưa phía trước, tay kia hướng ngọc tiêu ra sau, cô nhìn Hoàng Dung, mỉm cười nói:
- Xin mời Quách phu nhân.
Khởi thủ thức đó cùng hình dạng với kiếm chiêu mở đầu của Liễu Như Lãng!
Hoàng Dung cười, nói:
- Lâm cô nương cùng Liễu công tử đúng một đôi người ngọc, không những dung mạo hoà hợp, sở học võ công xem chừng có cùng nguồn gốc, cùng lộ số! Lâm cô nương ở Bích Vân cung, chắc đã có gặp sư phụ của Liễu công tử? Hay đã từng nghe tên bà?
Lâm Yên Bích lắc đầu, đáp:
- Tiểu nữ chưa gặp, cũng chưa từng nghe tên. Ngày đó, trên tiểu đảo, ấy là lần đầu diện kiến Hà tiền bối. Quách phu nhân nếu nghi ngờ, sau này có thể kiểm chứng cùng Hà tiền bối, hai vị vốn thân quen!
Hoành Đả Cẩu bổng trước mặt. Hoàng Dung nói:
- Được! Mời cô nương xuất chiêu!
Lâm Yên Bích tả chưởng khua một vòng, điểm ngọc tiêu vào ngang mặt Hoàng Dung, miệng khẽ quát:
- Vãn bối xin đắc tội!.
Hoàng Dung sử quyết chữ "triền" trong Đả Cẩu bổng pháp, bà nhẹ nhàng quét gậy ra, khi nó chạm vào ống tiêu, dường có sức hút dính vào đấy. Ngọc tiêu điểm thẳng, quét ngang, đều không sao tránh khỏi bị gậy trúc xoắn vào như keo dính. Một trong những công phu xảo diệu đệ nhất thiên hạ, Đả Cẩu bổng pháp qua vận dụng thông minh lanh lợi của Hoàng Dung, đã phô diễn những chiêu thức lăng lệ, hoa mỹ, đưa gậy xoắn xuýt vũ khí đối thủ. Ngày đó, Liễu Như Lãng đánh bại bổng pháp, ngoài võ công, nội lực gã thâm hậu hơn Hoàng Dung, gã còn phải nhờ Tiêu Phong đứng ngoài liên tục mách nước. Lâm Yên Bích tuy được chân truyền cuả Bích Vân cung chủ, võ công cô xếp hạng siêu quần bạt tuỵ, nhưng cây bổng của Hoàng Dung dường như có mắt, nó cứ quấn chặt lấy ngọc tiêu, bất kể cô xuất sử chiêu thức nào, vẫn cứ bị cây bổng kiềm chế, không sao thi triển trọn vẹn chiêu số. Dần dần, cô bị động. Trong lòng Lâm Yên Bích hoảng hốt, cô chưa từng chiết chiêu cùng Hoàng Dung, từ khi xuất dạo đến giờ, tranh đấu cùng người, cô chưa gặp đối thủ lợi hại như bà, lúc này, cô đang lạc hạ phong trước Hoàng Dung. Đó nhờ bà từng xem cô quá chiêu chiến đấu người khác, bà biết võ công cô không kém mình bao nhiêu, nên đã quyết định tốc chiến tốc quyết, sử ngay quyết chữ "triền" từ đầu, chiếm được ưu thế, bà nhất quyết ra sức đánh bại cô thật sớm.
Lâm Yên Bích không thi thố trọn các chiêu thức, trong lòng cô nóng nảy, chưa biết làm sao phá thế công của Hoàng Dung, càng lúc cô càng sa hiểm cảnh. Chợt trong tai cô, có tiếng nhỏ như muỗi vo ve, bảo:
- Quyết chữ triền này của Đã Cẩu bổng pháp, chuyên tá lực đả lực, muội tả thủ xuất chưởng, hữu thủ sử tiêu, hai bên tả hữu đồng lúc xuất sử, sẽ làm bà ta phân tâm, sẽ không xoắn vào tiêu được nữa!.
Mách nước là Tiêu Phong, ngày đó trên Tuý Tiên các, Lâm Yên Bích đã dùng truyền âm nhập mật ám trợ Tiêu Phong đánh bại Lý Phong Lam, hôm nay, Tiêu Phong cũng lại dùng ngón nghề cũ đó, ông ngầm lên tiếng chỉ điểm. Lâm Yên Bích nghe được, bèn nhamh chóng khoa tay trái, xuất chưởng. Hoàng Dung bất ngờ bị cô tung chưởng, vội vàng kéo bổng về đỡ. Từ đó, Lâm Yên Bích tiếp tục sách lược, cô kết hợp chưởng cùng tiêu, phá giải được bổng thức chữ triền. Ngày đó, cung cách mách nước Tiêu Phong dùng cho Liễu Như Lãng không giống hôm nay, kiếm pháp Liễu Như Lãng sẵn cao siêu, gã không cần phối hợp chưởng, cũng thừa sức đánh bại Hoàng Dung. Khi được chỉ điểm cốt lõi các biến hoá của Đả Cẩu bổng pháp, gã đã dùng những chiêu kiếm lăng lệ để thủ thắng. Giờ đây, ngọc tiêu của Lâm Yên Bích khí thế kém xa trường kiếm Liễu Như Lãng, nếu đơn độc sử tiêu, cô sẽ không thể trội hơn các biến hoá trong Đả Cẩu bổng pháp. Nhờ Tiêu Phong từng chứng kiến cách thức chưởng pháp Bích Vân cung, ông cũng đã có dịp xem qua cô sử dụng nó, nên ông đã linh động mách bảo cô phối hợp tiêu và chưởng nhằm phá quyết chữ triền, Một khi ngọc tiêu không còn bị bổng chế ngự, nó tung hoành dọc ngang, điểm thẳng, quét xeó, không cho Hoàng Dung cơ hội tiếp cận như trước nữa.
Hoàng Dung thấy quyết chữ triền kém hiệu lực, lập tức bà chuyển sang dùng quyết chữ "phách", chiêu thức tối ư lăng lệ trong Đả Cẩu bổng pháp, xảo diệu khôn tả. Lâm Yên Bích mắt thấy gậy nhẹ nhàng, tà tà quét tới, phương hướng, bộ vị đột ngột thay đổi, mang khí thế chết người, khắp các ba mươi sáu đại huyệt cô đều bị phong toả. Nếu lãnh một bổng, cô không chết cũng bị trọng thương. Tiêu Phong không dám xem nhẹ, ông ngưng thần theo dõi hướng tấn công của ngọn bổng, luôn miệng chỉ vẽ Lâm Yên Bích cách né tránh, phản công. Tại trước tỉ thí, không ai phát biểu ý kiến cấm người ngoài chỉ điểm, Tiêu Phong vẫn có thể quang minh chính đại lớn tiếng mách nước, nhưng ông sợ Hoàng Dung nghe được, tất có lợi thế thay đổi chiêu thức, hơn nữa, võ công Lâm Yên Bích không bằng Liễu Như Lãng, chỉ cần Hoàng Dung lưu tâm đề phòng, Lâm Yên Bích sẽ phải kiến chiêu sách chiêu, cô khó lòng phản công cho có hiệu quả.
Tự lúc Lâm Yên Bích được Tiêu Phong chỉ vẽ, cô đã miễn cưỡng đấu ngang tay Hoàng Dung. Chỉ thấy cô thi triển khinh công như yến bay oanh lượn, ngọc tiêu trổ chiêu thức linh động nhẹ nhàng, đồng lúc vận dụng yếu nghĩa chưởng pháp Bích Vân cung. Môn hạ Bích Vân cung thường giỏi khinh công, các chiêu thức do đó phiêu dật, lăng lệ , đưa họ nổi danh võ lâm. Lúc này, Lâm Yên Bích vận dụng hết sở học bình sinh, Hoàng Dung nhất thời muốn thủ thắng cũng không dễ.
Hoàng Dung trong lòng bất ổn, "Nha đầu sao bỗng dưng thành thục Đả Cẩu bổng pháp quá ? Hồi ban sơ, thấy cô ả hoảng hốt , luống cuống một lúc, rồi, sau đó như được thần thánh phù hộ, cô ả chiết chiêu Đã Cẩu, chiêu nào vào chiêu nấy?" Bà chợt hiểu, quay đầu nhìn sang Tiêu Phong, thấy ông ngưng thần quan sát, vẻ mặt quan thiết, bà đoán Lâm Yên Bích nãy giờ đã được Tiêu Phong mách nước. Tuy điều đó không sai quy định, nhưng đã khiên bà động nộ, do đó trở nên sốt ruột! Bà than thầm, vô phúc đụng một địch thủ rành rọt Đả Cẩu bổng pháp như biết rõ các ngón trên bàn tay. Bà bắt đầu hối hận đã ưng chịu đề nghị tỉ thí ba trận của Lâm Yên Bích! Thấy Đả Cẩu bổng pháp không còn làm gì được Lâm Yên Bích, bà xoay chuyển tròng mắt, hữu thủ quét một bổng, tả chưởng nhẹ nhàng vỗ một chưởng vào tiền diện Lâm Yên Bích. Ngọn chưởng đó là ngón gia truyền Đào Hoa đảo, dùng tuyệt kĩ "Lạc Anh thần chưởng", bà nghĩ bụng, " Tiêu Phong ngươi rành biết Đả Cẩu bổng pháp, vậy chờ xem ngươi đối phó Lạc Anh thần chưởng ra sao?"
Nhưng bà không sao tưởng tượng nổi! Là kỳ tài bẩm sinh về võ học, Tiêu Phong chỉ nhìn qua một lần, đã suy đoán đúng chỗ ảo diệu của chưởng pháp này. Ngày xưa, bang chủ đời trước của Cái Bang Uông Kiếm Thông đem khẩu quyết Hàng Long thập bát chưởng cùng Đả Cẩu bổng pháp truyền cho ông, ông chỉ học qua một lần, đã nắm vững mọi biến hoá ảo diệu bên trong, sau đó nhờ ra công dùi mài tập luyện, cuối cùng ông đạt đến mức tối cao tuyệt đỉnh, bình sinh chưa gặp đối thủ. Hồi trên tiểu đảo, ông quyết tử, dẫu chỉ còn bảy, tám thành công lực, đã đem tất cả quyết đấu Hoàng Dược Sư. Trận đấu đó là trận chiến tạo cho ông nhiều thống khoái nhất từ ngày đặt chân vào Trung nguyên. Hoàng Dược Sư thi triển Lạc Anh thần chưởng đến tột độ, hai người đấu một trận trời long đất lở, từ lúc đó, Tiêu Phong đã mang ấn tượng sâu sắc các chiêu thức, lộ số của Lạc Anh thần chưởng. Bây giờ, khi thấy Hoàng Dung sử dụng tới, ông lập tức tìm ra phương thức đối phó, mách bảo Lâm Yên Bích đường lối phản ứng thích hợp.
Khi Lâm Yên Bích thấy Hoàng Dung hốt nhiên xuất chưởng, kình phong cực kỳ lăng lệ, biến hóa vô cùng, cô còn đang thất kinh, đã nghe Tiêu Phong mách bảo:
- Môn Lạc Anh thần chưởng này, ta đã được xem Hoàng Dược Sư sử qua rồi. Chưởng pháp bà ta kém xa thân phụ, muội chớ nên hốt hoảng, ngọn chưởng sắp tới nhắm đánh vào đầu vai là hư chiêu, muội phải coi chừng, cây bổng sắp quét vào eo lưng!
Quả nhiên cô thấy Hoàng Dung tả chưởng quài ngược lại, hữu thủ huơi bổng quét ngang eo cô, Lâm Yên Bích sớm đã có phòng bị, cô lui nhanh ra sau, . tránh thoát đòn bổng. Lúc bổng thuận đà quét vào, Hoàng Dung khẽ di chuyển thân mình, áp sát vào Lâm Yên Bích, năm ngón tay bên tả thủ bà chợt xoè ra, nhắm vào huyệt Tiểu Hải nơi tay Lâm Yên Bích, năm đầu ngón tay cong cong hệt năm cánh hoa lan, tư thế rất mỹ lệ. Liễu Như Lãng nhìn thấy, gã run sợ trong lòng, thất thanh hô lớn:
- Lan Hoa Phất huyệt thủ! Lâm muội cẩn thận!.
Lâm Yên Bích tung tả chưởng nghênh đòn, hữu thủ chặt mạnh mấy ngón tay. Tả chưởng Hoàng Dung bỗng quay ngược, bên hữu thủ nhẹ nhàng vỗ mạnh vào Lâm Yên Bích. Khi đòn đó chưa đến nơi, bà chuyển nó từ chưởng sang chỉ, nhắm huyệt Khuyết Bồn giữa vai và cổ Lâm Yên Bích .
Lâm Yên Bích không sao cử hữu chưởng ngăn đón làn chỉ phong, cô vụt tung mình lên cao, quét song cước từ trên tấn công chính diện Hoàng Dung, hai cước vừa bung ra, thân mình cô phiêu hốt, dùng khinh công đáp nhanh ra xa.
Hoàng Dung trước sau vận dụng hết "Đả Cẩu bổng pháp ", "Lạc Anh thần chưởng" đến "Lan Hoa phất huyệt thủ ", từ bổng biến sang chưởng, từ chưởng hoá thành chỉ, vẫn không sao thủ thắng. Trận này nếu bà thua, Quách Tĩnh cùng Tiêu Phong không cần giao đấu nữa. Vốn giỏi ứng biến, so bản lĩnh cùng võ công, Lâm Yên Bích hãy còn kém bà, cô ít kinh nghiệm lâm địch, trong khi Hoàng Dung đã trải hơn trăm trận, kết quả nhằm thủ thắng của bà có cơ sở! Nhưng cô nương Lâm Yên Bích này, dường như được thần thánh phù hộ, cô càng đấu càng hăng, chiêu thức ban đầu rời rạc, bây giờ đã nhu nhuyễn như nước chảy mây trôi. Kỳ thực, là người rất thông minh, Lâm Yên Bích khi được Tiêu Phong chỉ vẽ bổng pháp, chưởng pháp cùng chỉ pháp của Hoàng Dung, cô lập tức lĩnh hội, đã có thể tự tuỳ cơ ứng biến, khi sử tiêu, khi xuất chưởng, nhờ thêm thân pháp linh hoạt, cô đã làm Hoàng Dung càng lúc càng gặp khó!
Hoàng Dung vừa hãi sợ, vừa nóng nảy, vừa giận dữ, cậy võ công cao hơn, bà đinh ninh thừa sức thắng Lâm Yên Bích, nhưng cuộc chiến kéo dài dai dẳng, khiến bà không đạt kết thúc mong muốn . Bà chợt lấy quyết định, lui thân mình ra một bước, kịp tránh đòn cước Lâm Yên Bích. Rồi bà nhập nội, quát lên một tiếng, vận kình vào song thủ, nhắm kích thẳng vào ngực Lâm Yên Bích. Bà nghĩ rằng, Lâm Yên Bích tuổi nhỏ, nội lực cô nhất định kém mình, bây giờ, chiêu thức xảo thủ không đạt công dụng, nếu thi đấu nội lực, thể nào cũng thắng. Song cước Lâm Yên Bích chưa về yên vị, cô đã nghe kình phong ồ ạt tới, không kịp tránh né, không kịp suy nghĩ, cô chỉ còn mỗi cách cũng vận kình, quát to một tiếng, ngạnh tiếp chưởng đó.
Cùng lúc đó, nghe một tiếng thét của hai người:
- Đừng!
Hai thân ảnh tức tốc xuất hiện.
Lâm Yên Bích thấy thân mình nhẹ hẫng, cô đã bị ai đó ôm, kéo lùi về sau, tai cô đồng lúc nghe một tiếng "bộp" của hai quyền đầu chạm nhau.
Thông thường, khi hai nhân vật võ lâm đối chưởng, tiếng phát ra thanh và sắc, đàng này, âm thanh đó trầm đục, hệt tiếng kim loại chạm vụt xuống đất bằng! Đôi bàn chân cô bỗng có cảm giác mặt đất đang rung chuyển!
---- Xem tiếp hồi 96 ----
Danh Sách Chương: