Thoạt đầu, tôi ngờ rằng mình hơi bị ảo giác, tôi bèn kéo cái ghế sang bên cạnh để ngồi sao cho tiện quan sát Mông Nhân và cả anh ta nữa. Rồi tôi nhận ra mình không hề có ảo giác nào hết, mỗi khi Mông Nhân có một động tác nào đó thì sau đó khoảng hai phút, anh ta cũng bắt đầu mô phỏng, tức là sau một khoảng thời gian nhất định. Động tác mô phỏng của anh ta không giống như chúng tôi vẫn đùa vui với nhau bằng cách cố ý “lặp lại” động tác của bạn, anh chàng này rất tự nhiên mô phỏng động tác của Mông Nhân.
Sau khoảng hơn mười phút, thì động tác của anh ta bắt đầu có sự biến đổi, toàn thân cũng quay sang phía tôi. Tôi hơi sửng sốt, bất giác vung tay trái lên không trung, rồi ngón tay phải gõ nhịp lộc cộc xuống mặt bàn, sau đó đưa bàn tay lên chống cằm, mắt nhìn sang nơi khác nhưng vẫn chú ý đến anh ta. Khoảng một phút sau, anh ta làm các động tác y hệt tôi vừa rồi và cũng đưa tay lên chống cằm. Tôi ngẩng nhìn Mông Nhân, rõ ràng Mông Nhân cũng nhận ra tất cả. Sau đó tôi và Mông Nhân nói là phải đi báo cáo lãnh đạo xem sao, rồi bước ra khỏi phòng hút thuốc.
Trở về phòng làm việc, hai chúng tôi bàn nhau rồi quyết định sẽ giao anh chàng kia cho cảnh sát, vì lý do anh ta mất trí nhớ, hoặc vì anh ta có liên quan đến cái xưởng gia công kia, dù sao chúng tôi cũng cứ giao cho cảnh sát. Khi hai chúng tôi trở lại phòng hút thuốc, thì không thấy anh ta đâu nữa, đám thẻ chứng minh thư và cái ba lô vẫn còn ở đây. Tôi vội chạy ra hỏi các đồng nghiệp ở các phòng bên cạnh, họ nói vừa nãy thấy có một người từ phòng hút thuốc đi ra, lượn quanh một lượt rồi không thấy đâu nữa.
Mông Nhân và tôi vội đi một vòng các khu vực trong đài truyền hình, không thấy bóng anh chàng kia đâu. Chúng tôi ra cổng hỏi anh bảo vệ. Bảo vệ nói vừa nãy có một nam giới đi ra, vai khoác một cái túi, gọi tắc-xi rồi đi luôn. Mông Nhân vội hỏi các anh có nhớ biển số xe không, anh nói không nhớ, nhưng có nghe rõ người ấy nói với lái xe tắc-xi rằng muốn đến khách sạn Giá Nhật. Khách sạn này cách đài không xa lắm, Mông Nhân bèn vẫy luôn tắc-xi ngồi lên đuổi theo.
Tôi vội quay vào đài, rồi sắp xếp các thứ còn lại trên bàn cho gọn. Vừa làm xong thì thấy Lưu Cương là một đồng nghiệp từ phòng làm việc đi ra, nói là anh bị thất lạc một cái túi đeo vai, trong đó có một máy DV mới mua, thẻ công tác... Tôi nhớ lại, anh bảo vệ ở cổng vừa nói anh chàng kia vai đeo túi đi ra, chắc là anh ta đã thó cái túi của Lưu Cương rồi, tôi liền gọi điện cho Mông Nhân, nói rõ sự việc, sau đó tôi bảo Lưu Cương nên gọi điện 110 báo cảnh sát ngay. Sau đó chúng tôi ra đi cổng đài, trách anh bảo vệ tại sao không ngăn chặn người lạ đeo túi đi ra khỏi cơ quan.
Anh bảo vệ nói cũng rất lạ lùng: “Anh ta là anh Trương, phóng viên mới về đài công tác, mấy hôm nay sáng nào tôi cũng nhìn thấy anh Trương!” Nghe anh bảo vệ nói thế, tôi giật mình. Đúng lúc này cảnh sát đến đài, hỏi rõ tình hình là gì, tôi bèn giao đống chứng minh thư và chiếc ba lô của anh chàng kia cho cảnh sát. Sau đó cảnh sát bảo tôi và Lưu Cương cùng đến trụ sở để tìm hiểu thêm về sự việc. Chúng tôi vừa bước lên xe cảnh sát thì thấy Mông Nhân xuất hiện ở cổng đài, mặt mũi lấm tấm mồ hôi, nói rằng không tìm thấy người đàn ông lúc nãy. Tôi cũng đã đoán chắc Mông Nhân sẽ không tìm thấy, vì khách sạn ấy khá lớn, dù muốn tìm khắp lượt các phòng thì cũng phải tốn kha khá thì giờ. Vả lại, cũng chưa biết lúc này anh ta tự xưng mình là người như thế nào, phóng viên chúng tôi đâu phải cảnh sát, khách sạn không cần thiết phải hợp tác với chúng tôi.
Mông Nhân kéo tôi ra một chỗ, nói: “Tôi cảm thấy sự việc này chắc chắn có liên quan đến cái xưởng gia công kia; lão Trương Quân đang bị tạm giam, tôi sẽ đến đó xem có thể khai thác được thông tin gì từ lão không.”
Cảnh sát chở tôi và Lưu Cương về trụ sở. Ngồi chưa ấm chỗ, họ đã dẫn chúng tôi sang một phòng làm việc, và ghi biên bản rất tỉ mỉ. Biên bản chưa ghi xong, thì một cảnh sát khác đẩy cửa bước vào, nói rằng phần lớn chứng minh thư là đồ giả, trình độ làm giả rất siêu. Tôi bèn hỏi về đám tiền trong ba lô, anh ta nói đều là tiền thật, và có một chứng minh thư là đồ thật: chứng minh thư ghi họ tên Trương Ái Dân, quê quán, địa chỉ cũng đều đúng cả, chỉ hiềm không rõ “gã đàn ông kỳ quái” kia có giống Trương Ái Dân trong ảnh không.
Tôi nghĩ ngợi, rồi hỏi: “Địa chỉ ghi trong chứng minh thư đó, là nơi nào?” Thực ra tôi đã đoán ra rồi. Anh cảnh sát nói ra địa chỉ, tôi liền đập tay xuống bàn “rầm” một cái, khiến anh cảnh sát giật mình. Địa chỉ đó cũng là địa chỉ của cái xưởng gia công kia, cũng tức là gã tên là Trương Ái Dân phải có liên quan đến cái xưởng ấy. Tôi liền kể với cảnh sát toàn bộ những điều đã tìm hiểu được, kể cả chuyện Trương Ái Dân bắt chước chữ viết và các động tác của tôi. Tôi nói xong, anh cảnh sát ghi biên bản cũng cảm thấy hoàn toàn không ngờ, bèn hỏi: “Anh có chắc mình không nhầm đấy chứ?” Tôi liền cầm tờ giấy trong cái xắc của người đàn ông kia đưa cho anh. Nhìn xong, anh bảo tôi thử viết ra mấy chữ, sau đó anh so sánh, rồi bảo: “Đúng là chữ của một người viết ra.”
Tôi thề sống thề chết cam đoan rằng mấy chữ kia là của gã Trương Ái Dân viết, nếu chưa tin thì anh cứ hỏi Mông Nhân vì lúc đó Mông Nhân cũng có mặt. Anh cảnh sát kẹp tờ giấy đó vào tập biên bản, nói: “Các anh cứ về đi, nếu có tin gì lạ, chúng tôi sẽ thông báo đến các anh.”
Tôi và Lưu Cương ra khỏi trụ sở công an, đang định trở về đài truyền hình thì Mông Nhân gọi điện đến: “Có chuyện rất kỳ lạ, à không, có chuyện nghiêm trọng, cậu về đài ngay!”
Về đến nơi, Mông Nhân kéo tôi vào phòng hút thuốc, chỉ vào cái bàn rồi nói: “Chắc không phải tôi đang ngủ mê? Vừa nãy có một nam giới ngồi đây đúng không?” Tôi gật đầu. Mông Nhân lại lắc đầu nói: “Tôi đến trại tạm giam gặp lão Trương Quân, vừa tự giới thiệu mình là phóng viên thì anh cảnh sát phụ trách tiếp khách nói: vừa rồi cũng có một phóng viên đến đây, có cả thẻ công tác hẳn hoi. Nhưng vì chưa đủ thủ tục khác nên chúng tôi không cho anh ta gặp Trương Quân. Sau đó anh ta đi luôn. Tôi bèn hỏi anh cảnh sát rằng trông anh ta như thế nào, anh bèn miêu tả đại khái về người ấy; cũng tức là người đàn ông vừa ngồi đây lúc trước. Thật là kỳ lạ làm sao!”
Tôi kể với Mông Nhân các chuyện ở trụ sở công an và tình hình về gã Trương Ái Dân. Mông Nhân châm điếu thuốc lá, nửa cười nửa không, nói: “Cậu đoán xem, cảnh sát nói họ tên người trên tấm thẻ công tác đó là gì?”
Lưu Cương bị gã Trương Ái Dân lấy cắp cái túi, thế thì quá đơn giản: họ tên trên thẻ công tác phải là Lưu Cương. Nhưng tôi cảm thấy không ổn, vì Lưu Cương béo đậm, còn Trương Ái Dân thì gầy gò, không khớp với tấm ảnh dán trên thẻ, cho nên tôi lắc đầu.
Mông Nhân rít một hơi thuốc lá, rồi nói: “Cảnh sát bảo, họ tên trên thẻ công tác ghi là Đường Tiểu Bạch!”
Gì thế? Tôi suýt ngã khỏi ghế. Là tên tôi ư? Đâu có thể như thế? Tôi trở về phòng làm việc, mở ngăn kéo tìm tấm thẻ công tác của mình, sau đó cầm đến phòng hút thuốc đưa cho Mông Nhân, nói: “Thẻ công tác của tôi đây! Chưa mất! Cho nên không thể có chuyện đó.”
Lúc này tôi chợt nhớ ra anh bảo vệ ở cổng đài truyền hình nói rằng gần đây anh ta nhìn thấy Trương Ái Dân, tôi bèn ra hỏi anh ta. Anh ta nói, kể từ tuần trước, người đàn ông ấy đến đài từ sớm, đến khi tan tầm buổi chiều mới ra về. Anh ta cũng từng trò chuyện với anh bảo vệ rằng mình là phóng viên mới, được điều từ đài truyền hình khác đến... Trong những lần tiếp xúc, anh ta còn kể đủ thứ chuyện vớ vẩn xảy ra trong đài. Mông Nhân hỏi anh bảo vệ, “đủ thứ chuyện vớ vẩn” ấy là gì, anh bảo vệ kể lại vắn tắt. Nghe xong, hai chúng tôi đều tái mặt, vì trong đó có cả mẩu chuyện Mông Nhân và một người bạn to tiếng trong phòng làm việc chỉ vì một chuyện nhỏ bằng cái móng tay. Tại sao gã Trương Ái Dân lại biết được những chuyện đó? Tôi và Mông Nhân quay lại phòng làm việc, và hỏi các đồng nghiệp về vài mẩu chuyện, họ cũng công nhận rằng những mẩu chuyện mà Trương Ái Dân nói với anh bảo vệ là đã từng xảy ra thật. Tôi và Mông Nhân đều ngẩn tò te.
Hai chúng tôi ngồi trong phòng làm việc, hồi lâu sau mới trấn tĩnh lại được. Mẹ kiếp, đúng là quái dị, không sao tưởng tượng nổi. Nó đâu phải là phim ảnh? Khi chúng tôi đang bàn xem sau đây nên thế nào, thì anh bảo vệ tay xách cái túi bước vào, nói: “Vừa rồi có một thằng bé đưa tôi cái túi này dặn tôi giao tận tay các anh, rồi đi luôn.” Chúng tôi xem cái túi, vì nó chẳng phải của chúng tôi, và cũng không rõ bên trong có những gì. Trong túi có một tờ giấy A4 viết “Tôi lấy 200 tệ, sau này tôi sẽ trả lại”. Bên dưới còn ghi rõ họ tên, nhưng nét chữ hệt như chữ của tôi. Tôi giữ lại tờ giấy, sau đó cùng Mông Nhân đem cái túi trả cho Lưu Cương, hỏi anh ta có mất thứ gì không. Lưu Cương hết sức ngạc nhiên, vội mở túi ra xem, thấy thiếu mất 200 tệ, các thứ khác thì vẫn còn nguyên vẹn.
Lưu Cương hỏi chúng tôi thế này là chuyện gì, tôi và Mông Nhân nhất trí trả lời anh ta: “Để sau hãy hay.” Rồi tôi gọi điện cho cảnh sát, kể cho họ biết sự việc này. Cảnh sát nói họ đã điều tra: Trương Ái Dân đúng là con trai của Trương Quân, nhưng nghe nói anh ta vẫn đang ở nước ngoài chưa trở về; họ cũng đang tra cứu các ghi chép về xuất nhập cảnh, nhưng còn phải chờ kết quả.
Tôi và Mông Nhân ngồi đờ đẫn trong phòng làm việc hơn một tiếng đồng hồ. Mông Nhân bỗng đập bàn: “Đi! Ta đi gặp Trương Quân. Chắc chắn lão ta phải biết thực chất mọi chuyện là gì.”