Tôi và Mông Nhân đều mù tịt về thuốc men, cũng không biết người bạn ấy nói thế là thật hay không; nhưng chúng tôi cảm thấy hễ đụng đến thuốc đông y thì đều có vẻ rất bí hiểm. Đây cũng là điều khiến chúng ta hay bỏ qua những thứ của phương Tây, để chuyên nghiên cứu những thứ trong nước mà mình vẫn chưa hiểu rõ. Các sản phẩm trong nước, mình còn chưa hiểu nổi, mà lại đi nghiên cứu các thứ của nước ngoài, thì rõ ràng là chuyện hão huyền còn gì?
Tôi lại hỏi người bạn, có thể tìm mua bốn vị thuốc này ở đâu, anh ta bảo “tử náo sa” khó có thể tìm thấy trong các hiệu thuốc đông y; dù họ có thì họ cũng không bán, cho nên có thể thử hỏi các xưởng dược phẩm xem sao, rất có thể họ có sản phẩm “tử náo sa” công nghiệp. “Khổ đậu thảo” thì có thể tìm thấy, nhưng hai thứ còn lại thì đều là chất kịch độc, nếu không có đơn thuốc thì không thể mua nổi.
Nghe xong, tôi giật mình. Gã Dương Sạn định dùng những thứ này để làm gì? Anh ta đã chủ tâm đi tìm mà còn tìm không ra, thì tôi và Mông Nhân tìm sao nổi? Hai chúng tôi cứ vật vờ như thế cho đến cuối tuần, sáng thứ bảy, tôi và Mông Nhân ngồi thu lu ở nhà, tôi xem đĩa DVD, Mông Nhân thì đang tí tửng ngồi trước máy tính giao lưu với một cô tự xưng là “nữ văn sĩ trẻ”, đề tài là những bài viết về “nửa dưới của con người”. Di động của tôi bỗng “tít tít tít”, tôi cầm lên xem, đó là tin nhắn của lão Phó. Nội dung đơn giản ngắn gọn: thôn Thiên Trì xã Thệ Thủy thị trấn Thiết Nham thành phố M. Mau đến ngay, càng nhanh càng tốt. Khẩn cấp!
Đọc xong tin nhắn, tôi liền đưa cho Mông Nhân. Xem xong, Mông Nhân nói: “Đồ con lừa ấy sao lại chạy đến tận nơi xa như thế? Thành phố âm cách đây ít nhất là hai giờ xe chạy. Chúng ta còn chưa biết cái thị trấn ấy ở đâu...”
Mông Nhân lập tức ngừng cuộc giao lưu, rồi tra cứu trên mạng về các địa danh kia. Những năm ấy, đã có thể tra mạng nhưng thông tin không đầy đủ như hiện nay. Về địa phương đó, chỉ có thể tra thấy thông tin có thị trấn Thiết Nham, các xã thôn thì không tra được. Tóm lại, chỉ biết rằng từ Bắc Trạm của thành phố có thể đi xe buýt mi-ni về xã đó, và hành trình khoảng hai giờ xe chạy...
Thành phố J chúng tôi đang ở cách thành phố âm không xa. Tôi cũng từng nghe nói ở đó có cái thị trấn này với đặc sản nổi tiếng là hoa quả. Tuy thuộc vùng núi nhưng đến mùa thu hoạch hoa quả thì nơi ấy cũng đông nghịt người; vào mùa hoa nở thì đương nhiên là tuyệt vời.
Tôi và Mông Nhân thử tính toán, nếu xuất phát ngay bây giờ thì sớm nhất là khoảng 6 giờ chiều chúng tôi mới đến được thị trấn Thiết Nham. Dù sao lão Phó cũng là bạn nối khố của Mông Nhân, còn tôi, từ ngày quen lão Phó cũng rất thân tình, chỉ chưa cắt tiết gà đốt vàng mã ăn thề kết nghĩa anh em mà thôi. Tuy gã rất “xấu tính” nhưng hễ tôi và Mông Nhân có việc gì thì gã luôn sẵn sàng đứng ra giúp đỡ tài lực, sức lực, thậm chí bảo gã hiến thận cũng xong ngay. Cho nên lần này lão Phó có việc, thì dù phải xông pha hòn tên mũi đạn chúng tôi cũng chẳng nề hà. Không chậm trễ, hai chúng tôi giản đơn thu xếp vài thứ rồi lập tức đi ra bến xe.
Trên đường cao tốc đến thành phố M, Mông Nhân vừa nhìn ra ngoài cửa kính có những chiếc xe du lịch vượt lên xe buýt đang ngồi, vừa ca cẩm chẳng rõ đến khi nào mình mới có xe riêng mà đi, sẽ tiện biết mấy, đỡ phải ngồi xe tập thể như thế này, chỉ cần nhấn ga phóng thẳng đến thành phố M, thích đi nhanh đi chậm kiểu gì cũng được.
Sau khi đến thành phố M, tôi và Mông Nhân lập tức vẫy xe đi Bắc Trạm, đến Bắc Trạm, lập tức chuyển xe chạy đến thị trấn Thiết Nham. Lúc lên xe, hai chúng tôi bị lèn chặt gần chết ngạt. Nếu nói là đi ngắm hoa đào thì cũng không có ai đi vào buổi chiều như hai chúng tôi. Trên đường đi Bắc Trạm, bị tắc đường, chờ khi đến được Bắc Trạm thì đã gần 7 giờ tối. Tôi và Mông Nhân xuống xe, rồi đi tìm xe chạy về xã Thệ Thủy nhưng không có, mà chỉ có một số xe máy túc trực, dân địa phương gọi là “xe ôm”. Ngoài xe ôm ra, không có xe bốn bánh nào đi nổi, vì đường rất xấu. Chúng tôi đành tìm một xe ôm, anh tài xế này chừng 19 tuổi là cùng. Sau khi nói rõ các địa danh, anh ta nói có thể chở cả hai chúng tôi đến thẳng thôn Thiên Trì, vì nhà anh ta ở thôn bên cạnh. Thỏa thuận giá cả xong xuôi, tôi và Mông Nhân ngồi lên xe rồi xuất phát ngay.
Đi được một hồi, tôi hỏi anh ta: “Độ bao lâu thì đến thôn Thiên Trì?”
Nhưng vì gió quá mạnh nên anh ta không nghe rõ, tôi bèn nhắc lại, anh ta đáp: “Không xa mấy! Xe của tôi chạy cực nhanh, vào khoảng hơn một trăm phút sẽ đến nơi.” Tôi tạm yên tâm, vừa tiếp tục “hưởng thụ” xe xóc ra sao, vừa nhìn những xóm thôn hoa đào thấp thoáng ở hai bên đường.
Rốt cuộc, khi chúng tôi đến thôn Thiên Trì thì đã 9 giờ tối. Tôi và Mông Nhân trả tiền xe, anh xe ôm phóng xe đi luôn. Tôi nhìn theo bóng anh ta, lầu bầu: “Thằng khỉ ấy dám nói là khoảng một trăm phút! Rõ ràng là hai tiếng đồng hồ!”
Mông Nhân nói luôn: “Hai giờ là 120 phút, thằng cha ấy đâu có nói dối cậu?” Tôi day mông nắn đùi, rồi bắt đầu quan sát thôn Thiên Trì. Khắp xung quanh chẳng thấy nhà cửa cũng không thấy hoa màu trồng trọt gì, tất cả chỉ là một vùng núi hoang vu. Tôi thầm nghĩ: gay rồi, thằng nhãi xe ôm đã lừa chúng tôi, hắn thả chúng tôi xuống một nơi vớ vẩn rồi vù ga biến luôn. Rất có thể còn có mai phục cướp đường cũng nên.
Trời thì tối đen như mực không thể nhận rõ địa hình ra sao, xung quanh chúng tôi toàn là cây cối um tùm, nhưng cũng có một con đường mòn dẫn vào núi. Tuy lúc này chúng tôi đã đứng ở núi rồi, nhưng ngọn núi thật sự đồ sộ thì vẫn ở phía trước, ngẩng đầu nhìn là thấy ngay. Giờ này, dù muốn quay ra cũng không thể, tôi và Mông Nhân chỉ còn cách đánh liều bước đi. Đi chưa được bao lâu, Mông Nhân bỗng dừng lại, bước đến bên một gốc cây nói: “Chắc đã đến đầu thôn rồi đây!”
Tôi hỏi: “Sao cậu biết? Cậu đã từng đến đây à?”
Mông Nhân chỉ tay vào gốc cây to bên cạnh, lấy bật lửa ra bật, soi mấy giây. Trên cây có gắn tấm biển gỗ viết ba chữ: Thôn Thiên Trì.
Chúng tôi chuẩn bị tiếp tục bước đi, thì bỗng nhiên phía sau gốc cây có một người đi ra. Mông Nhân lại bật lửa lên soi, thấp thoáng nhìn thấy người ấy ăn mặc theo lối cổ điển, cách ăn mặc chỉ nhìn thấy trong các bộ phim chứ hiếm khi nhìn thấy trong thực tế. Người ấy tay xách một vật trông tựa như chiếc đèn lồng, bước đến hỏi: “Trong hai vị, có một vị tên là Mông Nhân phải không?”
Mông Nhân gật đầu, rồi lại nhìn sang tôi, sau đó anh ta bước lên chắp vòng hai tay, nói: “Tại hạ chính là Mông Nhân.” Nhìn Mông Nhân ứng phó như thế, tôi nghĩ bụng “chết dở rồi, gã này cũng dại dột quá...”
Người kia xách vật đó bước lại gần, tôi đã nhìn rõ tay người ấy xách một cái đèn bão nhưng đèn không sáng, người ấy ăn mặc như kiểu đạo sĩ.
Không dài dòng, người ấy vẫy tay, nói gọn lỏn: “Đi theo tôi, bạn của các vị đang chờ ở trong kia.”
Tôi và Mông Nhân hơi lưỡng lự. Mông Nhân nháy mắt với tôi, tôi chỉ im lặng, sau đó hai chúng tôi đi theo sau người ấy. Cứ thế chấp chới đi mãi không rõ bao lâu, chắc là đã lên đến sườn núi, lúc này tôi mới nhìn thấy một chỗ khá bằng phẳng có một ngôi nhà mái ngói. Đi đến gần, thấy ngôi nhà rất xập xệ, chắc đã xây cất từ lâu lắm rồi, vì trời tối quá nên không thể nhìn rõ chi tiết. Người ấy dẫn chúng tôi vào nhà, vừa bước vào thì nhìn thấy ngay lão Phó đang ngồi xếp chân bằng tròn trong đó. Chính giữa ngôi nhà đặt một pho tượng, dưới ánh nến leo lét không thể nhận ra là tượng ai. Chỉ biết nơi đây tựa như một cái miếu gì đó.
Tôi và Mông Nhân bắt đầu tháo các thứ hành lý trên người xuống, rồi rảo bước đến chỗ lão Phó định tẩn cho hắn một trận, nhưng bị anh ta đẩy ra, và nói rất nghiêm túc: “Đừng có đùa! Ngay trên đỉnh đầu là thần nhìn xuống, hai cậu biết không? Nơi này đâu có thể tùy hứng làm nhộn cả lên?”
Nghe nói thế, Mông Nhân điên tiết: “Này, cậu vẫn giả vờ à? Không được làm nhộn lên chứ gì? Lúc này bọn tôi không tùy hứng mà là cố ý đấy! Cậu nói cho rõ xem, cậu đến đây làm gì? Và còn gọi bọn tôi đến cái chốn đồng không mông quạnh gió thổi mịt mùng này!?”
Lúc Mông Nhân đang mắng mỏ lão Phó, thì tôi nhìn thấy từ phía sau pho tượng có một người cũng ăn mặc kiểu đạo sĩ bước ra, đi đến trước bàn thờ. Dưới ánh nến, tôi nhận ra đó là Dương Sạn! Tôi vội mạnh tay kéo giật Mông Nhân, Mông Nhân ngẩng đầu lên nhìn thấy Dương Sạn, nhưng Dương Sạn vẫn cứ thản nhiên đứng đó, hệt như một pho tượng thứ hai đứng bên pho tượng kia. Tôi vừa định mở miệng hỏi thì Dương Sạn đã hô lên: “Đón tiên!” Sau đó anh ta quỳ xuống. Anh chàng lúc nãy xách chiếc đèn bão từ từ đi đến, phía sau lại có thêm một người nữa, là một ông già vóc người tầm thước, để bộ râu rất dài. Ông già chầm chậm bước ra từ bên trong, sau đó ngồi xuống trước bàn thờ, chỉ tay vào tôi và Mông Nhân, hỏi lão Phó: “Hai vị này là người đến cầu tiên mà ngươi nói à?”
Lão Phó liền gật đầu: “Vâng! Xin mời lão quân điểm hóa cho!” Tôi và Mông Nhân nghe rồi cứ ngẩn tò te, lão Phó và Dương Sạn đang bày trò gì vậy? Vừa nói là tiên, vừa bảo là lão quân, rồi thì điểm hóa, cầu tiên cái gì thế này?
Tôi sắp sửa phát cáu thì Mông Nhân giật gấu áo tôi một cái, tôi cúi đầu xuống nhìn, ngón tay anh ta đang chỉ xuống dưới. Tôi nhìn theo hướng ngón tay, thấy lão Phó đang ngồi xếp chân bằng tròn, một bàn tay đặt ra phía sau từ từ phe phẩy...
Sau đó thấy ông già mỉm cười gật đầu, rồi nói đại ý là: những người cầu tiên ai cũng có tâm, nhưng người đắc đạo chỉ là số ít, thành tâm mới là gốc rễ căn bản để được hóa thành tiên. Tôi và Mông Nhân ngồi xuống hai bên lão Phó, rồi ông già ấy niệm một chập những câu gì đó tôi nghe không hiểu, nhưng, vẻ mặt lão Phó thì hết sức chân thành nghiêm túc, có vẻ như muốn cầm bút ghi lại bằng hết những lời ông già đang niệm.
Ông già niệm xong thì đứng dậy, nói với Dương Sạn: “Đệ tử à, sớm tinh mơ sáng mai, ngươi đưa các vị này ra rừng đào sau núi tìm ta; nếu ta có ở đó thì mấy người có hy vọng sẽ được điểm hóa, nếu ta không có ở đó, thì mấy người có lẽ không có hy vọng gì. Tất cả là tùy vào thiên duyên.” Nói rồi ông già bước đi. Dương Sạn lại hô to: “Tiễn tiên!” Bộ dạng anh ta cứ như một gã tâm thần phân liệt...