[1] Ý của mấy câu này, xuất phát từ nội dung bộ phim hành động (nhiều tập) của Mỹ “Men in Black” công chiếu trước và sau năm 2000
Sau khi mọi người chúng tôi ngồi yên vị, một anh áo đen đóng cửa lại rồi đứng ngay bên cửa, Thạch Bình Nhi bước lên phía trước mỉm cười, nói: “Chắc hẳn mọi người đều đã biết mục đích đến đây là gì rồi?”
Thạch Bình Nhi hỏi xong, chỉ có Lưu Siêu gật đầu, có lẽ anh ta không hề biết các sự việc chúng tôi và Thạch Bình Nhi trải qua trước đây, nên anh ta cho rằng mình đã hiểu rõ cả rồi. Kể từ lúc nhận được tờ thư mời, và nhận được mấy chữ Thạch Bình Nhi viết, tôi biết ngay là sự việc sẽ không hề đơn giản.
Thạch Bình Nhi mở laptop, sau đó cô cho chiếu ảnh lên phông trên tường. Đầu tiên là ảnh một quả núi. Cô nói: “Ảnh các vị đang nhìn, là ảnh Thuyền Sơn vào cuối thời nhà Thanh, sau đây sẽ là ảnh Thuyền Sơn hiện nay. Các vị có thể so sánh.”
Thạch Bình Nhi “mở máy nói” khiến tôi nghe mà ù cả tai, tôi ngoảnh nhìn khắp lượt, hình như ngoài tôi ra, ai cũng đang rất chăm chú nhìn lên màn hình. Tôi ngao ngán ngoảnh lại nhìn lên màn hình đã chiếu tấm ảnh thứ hai. Thạch Bình Nhi nói: “Đây là ảnh ngày nay, các vị nhìn xem có sự khác biệt gì không.”
Tôi nhìn kỹ, không nhận ra có điểm nào khác biệt cả. Lưu Siêu ngồi bên, một tay chống cằm, tay kia đang chỉ trỏ cái gì đó. Rồi anh ta lẩm bẩm: “Hình như núi dịch chuyển, có phải không nhỉ?” Tuy nói nhỏ nhưng vẫn bị Thạch Bình Nhi nghe thấy. Cô mỉm cười tán thưởng và nhìn Lưu Siêu: “Đúng! Núi đã dịch chuyển. Theo như công ty chúng tôi quan sát đo đạc nhiều năm, nhận ra quả núi này luôn không ngừng dịch chuyển, mỗi năm nhích về phía đông gần một centimet. Một centimet là quá ngắn, mắt thường không dễ nhận ra.”
Thạch Bình Nhi nói đến đây, hình như ông Chung Sênh định phát biểu gì đó nhưng lại thôi. Tôi bèn giơ tay hỏi: “Tôi muốn hỏi cô Thạch điều này được không: công ty các vị làm về gì? Tại sao lại nghiên cứu chuyện này?”
Tôi vừa nói xong thì Lưu Siêu ngạc nhiên nhìn tôi, cả ông Chung Sênh cũng thế. Họ ngạc nhiên vì tại sao tôi lại biết cô ấy họ gì; tuy tôi đã kể với ông Chung Sênh câu chuyện về Thạch Bình Nhi nhưng tôi chưa nói với ông rằng cô gái lúc nãy gặp ở ngoài quán trà chính là Thạch Bình Nhi.
Thạch Bình Nhi không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, cô chỉ nói lát nữa sẽ cho mọi người biết, hiện giờ cần tranh thủ thời gian để nói về mọi tình hình và về các tư liệu mà chúng tôi cần biết.
Tôi tạm lược bỏ một số tư liệu mà trước đó chúng tôi đã biết, tôi chỉnh lý các tư liệu mà Thạch Bình Nhi vừa cho biết trong cuộc họp này, như sau:
Công ty Mục Lâm đã tiến hành quan sát lâu dài, phát hiện thấy núi Thuyền Sơn dịch chuyển về phía đông với tốc độ một centimet mỗi năm, nhưng cứ cách 30 năm thì Thuyền Sơn lại lùi trở về 5 centimet. Tại sao lại như thế thì họ cũng không giải thích được. Thạch Bình Nhi còn cho chiếu ảnh do Phòng văn hóa địa phương chụp cách đây 30 năm cho mọi người xem, ghi rõ năm 1974 có một lão nông đang chăn bò ở trên núi, ngẫu nhiên phát hiện ra một sơn động ở mạn phía tây Thuyền Sơn; cửa động không lớn nhưng đủ để ba con bò đồng thời đi vào, cửa cao ngang lưng người. Bấy giờ ông ta rất sợ, vì ông hàng ngày vẫn thường xuyên đến nơi này thả bò mà không hề thấy hang động gì hết. Ông vội trở về thôn báo cho lãnh đạo biết. Lãnh đạo thôn đến tận nơi xem xét, cảm thấy khác thường: vì hình như có vụ nổ đã mở ra cái cửa hang này, họ lo rằng bọn đặc vụ nước ngoài chọn đây làm nơi ẩn nấp, bèn phản ánh lên các cấp trên. Cấp trên cũng rất quan tâm chuyện này, bèn cử dân quân đến bao vây quanh động và chờ cấp trên nữa cử người xuống. Nhưng hai ngày sau thì cái động ấy bỗng dưng biến mất một cách chớp nhoáng. Các dân quân có mặt ở đó đều nói, lúc chập tối của hôm thứ nhất, họ cảm thấy mặt đất rung chuyển, lúc đó họ tưởng bọn đặc vụ bên trong sắp chạy ra, dân quân lập tức tổ chức quan sát nhưng không phát hiện thấy gì lạ, cái động ấy vẫn “nghiêm chỉnh” như trước. Nhưng sang ngày thứ hai thì họ không trông thấy cửa động đâu nữa.
Công ty mà Thạch Bình Nhi làm việc nắm được sự kiện mà thời gian đó coi là “bí mật” này, họ nhận định rằng động ấy chính là động Tỵ Vân. Sau một thời gian dài quan sát, họ lại nhận ra có hiện tượng quả núi dịch chuyển, họ bèn tiếp tục thu thập các tư liệu từ trước năm 1974. Họ đặc biệt chú ý sự kiện này: năm 1944 ở đó cũng đã xảy ra hiện tượng tương tự. Nhưng năm 1944 là cuối thời kỳ chiến tranh kháng Nhật, các hoạt động nghiên cứu của chính phủ Dân Quốc hoặc của dân gian đều ngừng lại từ lâu, không có tư liệu có giá trị nào để lại. Công ty chỉ có thể tra cứu ra những nét văn hóa tập tục của dân chúng xung quanh núi Thuyền Sơn.
Năm 2003, có vị lãnh đạo công ty Mục Lâm ra ngoại quốc tham dự một hoạt động đấu giá, nhìn thấy một bức tranh sơn thủy của họa sĩ Thạch Đào sống ở cuối thời nhà Minh, do một nhà sưu tập người Anh đưa ra bán đấu giá. Bức tranh ấy xuất hiện, thì bị một chuyên gia giám định kết luận đó là tranh giả chứ tuyệt đối không phải tác phẩm của Thạch Đào. Ông ta căn cứ vào bài thơ đề trên bức tranh, suy ra rằng khung cảnh mà bức tranh thể hiện là miền đất Thục, cũng tức là Tứ Xuyên ngày nay, các tài liệu khảo cứu cho biết Thạch Đào chưa từng đến Tứ Xuyên bao giờ. Mặt khác, bài thơ trên đó câu chữ rất tầm thường vô vị chẳng khác gì thơ con cóc. Trong tranh còn vẽ cả rừng thông cùng tồn tại bên rừng hoa đào, là chuyện không thể có… Khi đó, bức tranh sơn thủy “của Thạch Đào” lập tức bị rút khỏi danh mục đem bán đấu giá. Sau đó vị lãnh đạo công ty Mục Lâm nhờ người tìm gặp nhà sưu tầm người Anh đó, nói mình sẵn sàng mua lại bức tranh giả ấy với giá cao, nhưng kèm theo điều kiện là đối phương phải cho biết nguồn gốc bức tranh ở đâu ra. Nhà sưu tầm người Anh thấy có người chấp nhận mua bức tranh với giá cao, đương nhiên rất mừng, ông lập tức mời vị lãnh đạo Mục Lâm đến nhà chơi, và sẽ cho biết toàn bộ lai lịch của bức tranh.
Nhà sưu tầm người Anh đó nói rằng, phụ thân ông ta đã được một người bạn Mỹ biếu bức tranh này, nếu không vì công ty của mình đang đứng bên bờ vực phá sản thì ông cũng không đem nó ra bán, ông cũng không ngờ nó lại là tranh giả. Người bạn của phụ thân ông vốn là một sĩ quan quân đội Mỹ, từng giữ chức tham mưu trong đoàn cố vấn quân sự Mỹ sang Trung Quốc giúp đỡ chính phủ Dân Quốc trong thời kỳ chiến tranh kháng Nhật và thời nội chiến sau đó. Vị lãnh đạo Mục Lâm hỏi tên của vị sĩ quan ấy, thì nhà sưu tầm nói ông không biết, chỉ nghe lại câu chuyện do người bạn của phụ thân ông kể là như vậy. Hồi đó, vị sĩ quan ấy đang phụ trách dàn xếp vấn đề quân Nhật đầu hàng, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc với tư thế của bên thắng trận cử một toán quân sang nơi đóng quân của Nhật để bàn việc, vị sĩ quan Mỹ ấy cũng là một thành viên trong đó. Phụ thân ông và vị sĩ quan ấy duy trì quan hệ và tình cảm lâu dài tốt đẹp. Nhưng vì ở Trung Quốc lại xảy ra nội chiến, nên chính phủ Dân Quốc cũng không cử sư đoàn 67 tinh nhuệ nhất của mình thời đó sang Nhật nữa, vị sĩ quan Mỹ cũng được điều động trở về Mỹ. Khi ông sắp lên đường, thì vị chỉ huy sư đoàn 67 biếu vị sĩ quan Mỹ bức tranh này làm quà kỷ niệm. Trở về Mỹ rồi, vị sĩ quan không may mắc bệnh hiểm nghèo, trước khi ra đi, ông đã tặng lại bức tranh này cho phụ thân của nhà sưu tầm.
Qua câu chuyện với nhà sưu tầm, vị lãnh đạo Mục Lâm chỉ biết viên sĩ quan Trung Quốc tặng tranh đã từng phục vụ trong sư đoàn 67 Quốc dân Đảng, các tình hình khác thì không biết. Mua lại được bức tranh rồi, vị lãnh đạo Mục Lâm đem về nước, mời nhiều chuyên gia danh tiếng đến nghiên cứu bức tranh, họ đều khẳng định nó không phải tác phẩm của danh họa Thạch Đào. Đầu năm nay, năm 2004, vị lãnh đạo Mục Lâm đã tiếp một người tự xưng là học giả được một nhà khảo cổ X ủy thác. Đến rồi, ông ta trải bức tranh lên bàn, và nói với vị lãnh đạo Mục Lâm rằng: sau ba ngày nữa, vào buổi chiều, ông sẽ được biết trong bức tranh này ẩn chứa điều gì. Vị lãnh đạo Mục Lâm rất lấy làm ngạc nhiên, vì lâu nay ông mời các chuyên gia đến là nhằm muốn biết tác giả của bức tranh là ai, chứ không hề nói rằng mình muốn biết trong bức tranh ẩn chứa bí mật gì. Tại sao người này lại biết?
Thực ra, vị lãnh đạo Mục Lâm đã sớm nhận ra bức tranh này vẽ cảnh núi Thuyền Sơn… bên dưới Thuyền Sơn lâu nay luôn là rừng hoa đào phủ kín, điều mà ông nghi hoặc là tại sao trong bức tranh lại vẽ cả rừng trúc? Chẳng lẽ, khi sáng tác, tác giả có nhìn thấy rừng trúc thật?
Ba ngày sau, trời mưa to, nhưng người này lại treo bức tranh ra cửa sổ mặc cho nước mưa xối vào, sau đó ông ta nhanh chóng hạ xuống, đặt lên mặt bàn bằng kính, lại bảo vị lãnh đạo Mục Lâm gọi người chuẩn bị sẵn máy ảnh. Sau đó ông ta úp mặt chính của bức tranh lên mặt kính, cầm một mảnh gỗ đã chuẩn bị sẵn đè lên bức tranh. Cuối cùng, ông ta nhấc bức tranh ra. Trên tấm kính mặt bàn, dần dần hiện ra bức tranh “y hệt” nguyên bản, tuy nhiên, có thể nhận ra ở phía đông núi Thuyền Sơn có một cửa hang, hình như trước cửa hang có một tấm bia đá… còn bài thơ đề trên bức tranh nguyên bản, lúc này biến thành hình dáng một con cá. Vị lãnh đạo Mục Lâm vô cùng kinh ngạc, vội cho chụp ảnh ngay lập tức…
Thạch Bình Nhi chỉ lên tấm ảnh đang chiếu trên phông, nói: “Đây là ảnh chụp lúc đó, chúng tôi kết hợp với các tư liệu đã tra cứu được, suy ra rằng đúng là ở Thuyền Sơn có một hang động, nhưng trong động có cất giấu châu báu không thì chưa thể biết.”
Tôi đang ngẫm nghĩ tại sao bức tranh kia dính nước rồi lại xuất hiện một thứ khác, miệng tôi lẩm bẩm thành tiếng, ông Chung Sênh ngồi bên nghe thấy bèn nói: những bức tranh như vậy không chỉ có một, ông từng nhìn thấy một bức tranh vẽ thất tinh, hễ bị dính nước thì bảy ngôi sao ấy dần dần ẩn khuất và hiện ra hình ảnh một nhân vật. Nhưng buộc phải dùng nước mưa, chứ không dùng nước bình thường, sẽ không có tác dụng. Tôi hỏi tại sao, Chung Sênh nói đã từng có người nghiên cứu nhưng không tìm ra nguyên nhân, họ chỉ đoán rằng có lẽ trong nước mưa có hợp chất chứa Ni-tơ, khiến cho bức tranh hiện lên các chi tiết khác. Và còn điều này nữa: phải là nước mưa trong khi có sấm sét, chứ nước mưa thông thường cũng không thể làm hiện lên các chi tiết ngầm ấy.