Nghe Trương Quân kể đến đây, tôi nghĩ bụng, đó chẳng phải là câu chuyện năm ngoái hay sao?
Nhưng nào ngờ, đưa Trương Ái Dân sang Úc chưa được nửa năm, thì cậu ta đã lò dò trở về; Trương Quân cũng không rõ người họ hàng kia đã đi đâu, không thể liên lạc được. Ông ta hỏi Trương Ái Dân, thì cậu ta nói “Chú ấy bảo con cứ tự trở về nước”, các chuyện khác thì cậu ta không rõ. Trương Quân nhận ra, khi Trương Ái Dân trả lời mình, cách nói năng và vẻ mặt của nó khác xa với trước khi nó đi nước ngoài, nhưng cũng không mấy bận tâm, ông ta chỉ chăm chú tìm việc làm cho đứa con mình, hoặc nếu nó muốn, thì ông sẵn sàng cho nó tiếp tục đi học. Nhưng Trương Ái Dân chỉ muốn ở nhà để phụ giúp công việc của bố.
Trương Quân vốn không muốn nó dính dáng vào các chuyện làm ăn phi pháp, nhưng lại nhận ra rằng kể từ khi Trương Ái Dân tham gia phụ giúp thì việc làm ăn của ông ta lại rất phát đạt, phát đạt một cách khác thường: chỉ cần dùng một lượng nguyên liệu có thể chế ra lượng sản phẩm nhiều gấp mười. Trương Quân nhiều lần hỏi Trương Ái Dân chuyện đó là thế nào, thì anh ta chỉ mỉm cười không đáp. Trương Ái Dân bắt đầu thích mua sách và đĩa DVD, gần như tuần nào anh ta cũng vào nội thành ôm về một chồng to tướng, sau khi làm hết việc nhà thì anh ta vùi đầu vào đọc sách và xem đĩa chứ không thiết gì khác. Trương Quân đã nhiều lần nghe thấy Trương Ái Dân nói mê trong đêm, hình như anh ta gặp ác mộng; nói lảm nhảm những gì thì Trương Quân không nghe rõ, nhưng hình như không phải tiếng Trung Quốc.
Kể đến đây, Trương Quân dừng lại xin tôi thuốc lá. Tôi nhìn anh cảnh sát vẫn ngồi bên cạnh, xem chừng anh ta nghe từ nãy cũng rất ngạc nhiên, bèn gật đầu đồng ý. Tôi bèn mời Trương Quân hút thuốc. Anh cảnh sát nói: “Kể tiếp đi!”
Tôi, Mông Nhân và Trương Quân cùng quay sang nhìn anh cảnh sát, có lẽ anh ta cũng nhận ra thái độ của mình “có phần thiếu nghiêm nghị”, nên e hèm giả vờ ho mấy tiếng. Trương Quân rít thuốc lá một lúc, rồi nói: “Chuyện còn lại, là nói về cái hôm các anh đến khám nhà tôi. Khi đó tôi cũng sắp dậy để làm việc như thường lệ - các anh cũng biết rồi: chúng tôi chuyên làm về ban đêm, không thể để lộ ra ngoài. Nhưng... tôi phải nói ngay điều này: đúng là tôi bán tiết vịt tiết lợn giả, nhưng những thực phẩm ấy ăn không chết người, không hề độc hại; vì chính nhà chúng tôi cũng ăn, nếu không tin thì các anh cứ hỏi người nhà tôi thì biết ngay.”
Tôi nhớ đến cái bóng đen trèo trên đỉnh tường. Bây giờ gần như có thể khẳng định bóng đen ấy chính là Trương Ái Dân. Tôi bèn nói ra cách nhìn nhận của tôi. Trương Quân gật đầu, nói: “Khi các anh chưa gọi mở cửa, thì Ái Dân đã bắt đầu bảo tôi hãy chạy trốn. Tôi không biết có chuyện gì xảy ra, chỉ thấy nó lục tìm đĩa DVD, tôi gọi nó nó cũng phớt lờ. Rồi nó gom những cái đĩa ấy lại... sau đó... sau đó...”
Trương Quân ngắc ngứ, nín lặng, không nói tiếp nữa. Mông Nhân thúc giục: “Sau đó thì sao?”
Trương Quân hít một hơi thật sâu, rồi nói: “Sau đó nó lại bảo chúng tôi chạy đi, còn nó thì đi ra nhảy lên tường rào.”
Tôi và Mông Nhân nhớ lại, bức tường ấy khá cao, bằng đầu người cao khoảng 1,75 mét, thế mà Trương Ái Dân có thể nhảy lên được? Lúc này anh cảnh sát bèn hỏi Trương Quân: “Hắn cứ thế mà nhảy lên à?”
Trương Quân gật đầu. Anh cảnh sát hít thở thật sâu, rồi lẩm bẩm: “Không thể!”
Tôi và Mông Nhân cũng biết đó là chuyện không thể. Dù là vận động viên nhảy cao, phá kỷ lục thế giới, cũng không thể nhảy lên cao như thế, trừ phi là nhảy sào. Nhưng Trương Ái Dân, chỉ tay không mà nhảy vọt lên tường!
Trương Quân nói tiếp: “Các chuyện sau đó thì các anh đã biết rồi.” Nói xong, ông ta gục đầu xuống bàn khóc thút thít. “Chẳng rõ kiếp trước tôi đã có tội lỗi gì, đã gây nên nghiệp chướng gì...”
Tôi và Mông Nhân thấy Trương Quân đã kể rõ mọi chuyện mình cần biết, bèn ra khỏi trại tạm giam, trở về. Một thời gian dài sau đó, chúng tôi không gặp lại ông ta nữa, vì ông ta không muốn gặp chúng tôi. Anh cảnh sát đã cùng chúng tôi ngồi nghe Trương Quân kể lể, nói với chúng tôi rằng Trương Quân không khai báo điều gì khác về Trương Ái Dân, mọi chuyện đều nhận hết về mình. Khi bị hỏi về nguồn gốc nguyên liệu, về cách gia công tiết giả với số lượng lớn như thế, Trương Quân chỉ trả lời mấy chữ gọn ghẽ: “Đó là bột tiết!”
Tôi và Mông Nhân đương nhiên hiểu rõ đó không phải là bột tiết gì hết, bèn đi hỏi anh Lý ở Sở công thương. Anh Lý nói, đã cho làm xét nghiệm rất tỉ mỉ cũng không rõ thực ra nó là chất gì, chỉ biết nó gần như không có hại gì cho sức khỏe con người. Vụ việc về Trương Ái Dân, rốt cuộc cũng không thành vụ án, vì trong toàn bộ sự việc, anh ta chỉ là một vai phụ, rất nhỏ, chẳng mấy can hệ gì. Cái túi của Lưu Cương cũng đã trở về, tuy thiếu mất tí tiền cũng chẳng sao; Lưu Cương chín bỏ làm mười, cho qua, không “truy kích” làm gì. Còn tôi và Mông Nhân thì hiểu rằng, phải tìm ra Trương Ái Dân thì mới hòng triệt để làm rõ câu chuyện là thế nào.
Nhưng, khi đã đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc Trương Quân làm giả tiết vịt tiết lợn, thì tôi và Mông Nhân đồng thời nhận được một tấm thiếp chúc mừng, viết một lô những câu tốt lành, bên dưới ghi hai chữ rõ to: Cảm ơn! Bút tích vẫn giống hệt chữ tôi, ký tên là Trương Ái Dân. Tôi và Mông Nhân bàn bạc một hồi, vẫn quyết định sẽ không điều tra làm gì nữa; thực tế là, năng lực của cả hai chúng tôi có hạn, khó mà điều tra nổi. Đành gác lại vậy. Chỉ hiềm, tại sao gã Trương Ái Dân lại gửi thiếp chúc mừng hai chúng tôi, việc này có ý nghĩa gì?
Một thời gian sau đó, tôi và Mông Nhân đến dự tiệc rượu do một người bạn tổ chức, gặp một anh cảnh sát tên là Trần Trọng. Anh ta lại nói về sự việc này với chúng tôi, và nói rằng lão Trương Quân trước khi chính thức vào nhà tù, nói rằng Trương Ái Dân con trai lão đôi khi mắc chứng mất trí nhớ đứt quãng, và mong anh Trần Trọng sau này nếu có thì giờ thì đến cái thôn ấy, nếu gặp Trương Ái Dân thì nhắn anh ta vào thăm bố.
Tôi hỏi Trần Trọng, sau đó anh đã đi chưa, anh nói mình đã đến đó mấy lần nhưng đều không gặp Trương Ái Dân. Còn ngôi nhà xưởng kia thì đã bị ông chú của Trương Ái Dân chiếm giữ, ông chú nói là vợ Trương Quân đã nhượng lại cho mình. Sau đó vợ Trương Quân đi đâu mất hút, cứ như là đã bốc hơi lên trời.
Nghe Trần Trọng nói thế, tôi đoán rằng chắc là Trương Ái Dân đã quay về đón mẹ đi khỏi thành phố C. Có lẽ Trương Ái Dân vẫn còn ở Trung Quốc hoặc đã sang Úc; hồi nọ anh ta mạo nhận là phóng viên là vì muốn gặp mặt người cha một lần.
À, còn điều này nữa: sau khi tôi và Mông Nhân đã gặp Trương Quân, cảnh sát cho biết một tin: họ đã tra cứu danh sách xuất nhập cảnh, thì cách đây một tuần, Trương Ái Dân mới về nước! Nghe tin này, tôi và Mông Nhân đều cực kỳ kinh ngạc, vì Trương Quân cha anh ta đã nói rằng con trai mình ra nước ngoài chưa đầy nửa năm thì đã trở về, vậy đâu có thể có chuyện cách đây một tuần anh ta mới về nước? Nhưng cảnh sát khẳng định rằng họ không nhầm, hồ sơ ghi chép xuất nhập cảnh tuyệt đối không nhầm lẫn.
Thế thì đây lại là một câu đố... đáp án nằm ở Trương Quân hay nằm ở Trương Ái Dân, tôi và Mông Nhân khỏi cần suy nghĩ cùng thừa hiểu rồi.
Khi hai chúng tôi chỉnh lý lại các tư liệu đã ghi chép, Mông Nhân nói rằng anh cảm thấy vị người nhà của Trương Quân, tức người đã đưa Trương Ái Dân sang Úc, có liên quan rất lớn đến vụ việc này. Điều quan trọng nhất là, nếu biết những chuyện về Trương Ái Dân xảy ra ở Úc thì sẽ biết được toàn bộ câu chuyện này là thế nào, tại sao Trương Ái Dân lại có thể thay đổi - đến mức trở nên giống người bình thường ở một số phương diện, tại sao anh ta lại mua nhiều sách và đĩa DVD? Anh ta muốn tìm ra thứ gì trong đó, hay là vì nguyên nhân gì khác?
Sau khi gặp Mễ Đâu, biết cô học ngành tâm lý học, tôi và Mông Nhân hỏi Mễ Đâu có biết trong bệnh học thần kinh có căn bệnh nào như thế không, cô trả lời rằng có căn bệnh này nhưng không đến mức thổi phồng quá đáng như vậy; có một số bệnh nhân chỉ hay bắt chước một cách đơn giản, nhưng rất vụng về chứ không như Trương Ái Dân mà chúng tôi nói - mô phỏng còn khéo hơn cả đối tượng bị mô phỏng.
Và thế là câu chuyện về Trương Ái Dân tạm dừng lại ở đây. Tôi và Mông Nhân đều thuộc nhóm những người nếu chưa tìm ra gốc rễ ngọn ngành sự việc thì chưa chịu thôi, điều mà chúng tôi không ngờ là chỉ ít lâu sau, Trương Ái Dân lại xuất hiện trước mặt chúng tôi một cách rất ly kỳ, và, anh ta đã gây ra cho chúng tôi rắc rối cực lớn. Tất nhiên, đó là chuyện về sau này. Theo cách viết bút ký phóng sự tuần tự theo dòng thời gian, thì khi thời gian đến, mọi bí mật sẽ đều được tháo gỡ.
Việc chỉnh lý của tôi đối với “Phục chế ký”
Từ sau khi Trương Ái Dân biến mất, tôi đã cất công tìm hiểu qua nhiều kênh khác nhau, thấy rằng các tình tiết mà Trương Quân người cha của anh ta kể, căn bản là đúng, không hề ba hoa nói vống lên. Tôi đã ghi chép đầy đủ các tình tiết, sau đó liệt kê ra các điểm còn nghi vấn, nhằm khi nào đó có được manh mối thì sẽ truy tìm đáp án cho mình.
Điểm thứ nhất: Trương Ái Dân có phải con đẻ của Trương Quân thật không?
Về điểm này, tôi rất nghi ngờ. Tôi đã đi hỏi một vị bác sĩ. Xét từ góc độ di truyền học, một ai đó có một biểu hiện đặc biệt, thì có khả năng rất lớn là bố, mẹ, hoặc đời ông, đời cụ đã từng có biểu hiện tương tự; có lẽ biểu hiện sẽ không thật rõ rệt như Trương Ái Dân. Tôi đã điều tra về cha và mẹ của Trương Ái Dân, thậm chí tìm hiểu cả ông nội ông ngoại anh ta, họ đều là những nông dân bình thường, không có gì kỳ lạ nổi trội. Tất nhiên cũng có thể là do tôi chưa điều tra triệt để, nhưng tôi vẫn rất nghi ngờ điểm này. Nguyên nhân là: khi tôi điều tra về Trương Quân - bố của Trương Ái Dân, thì ông ta chỉ cười chua chát chứ không nói gì cả; nếu hỏi lại lần nữa thì ông ta rống lên mắng mỏ tôi. Nếu Trương Ái Dân đúng là con trai ông ta, thì riêng chuyện anh ta mất tích cũng đủ để ông ta bồn chồn lo lắng. Tôi cho rằng ông ta phải lập tức phẫn nộ với tôi, chứ không phải là gượng cười chua chát cùng với vẻ mặt như đang hồi tưởng những chuyện xa xưa.
Điểm thứ hai: năng lực đặc biệt của Trương Ái Dân là gì?
Tôi cho rằng đó là mô phỏng. Tôi gọi nó là phục chế. Xét những hành động của Trương Ái Dân hồi nhỏ, anh ta không sáng tạo ra hoặc không chủ động làm một việc gì đó, mà chỉ sau khi người khác đã làm thì anh ta làm theo giống hệt, ví dụ, mô phỏng bút tích của tôi. Tôi rất nghi ngờ, tại sao anh ta có thể trong một thời gian rất ngắn làm ra thẻ công tác phóng viên giả mạo v.v... Dù làm giả những thứ như thế không khó lắm, nhưng vẫn phải khá tốn thời gian; anh ta có thể làm giả thành công trong thời gian cực ngắn, lẽ nào tất cả vốn đã nằm trong kế hoạch của anh ta?
Điểm thứ ba: có thật là Trương Ái Dân mắc chứng mất trí nhớ tạm thời không?
Tuy Trương Quân cha của anh ta nói rõ điều này, và khi Trương Ái Dân đến tìm tôi và Mông Nhân cũng thể hiện “sự quên” kỳ cục ấy, nhưng tôi vẫn chưa thật tin hẳn. Nếu Trương Ái Dân có bệnh mất trí nhớ thật, thì năng lực phục chế của anh ta cũng chỉ có thể là ngắn hạn, khoảng một hai giờ hoặc lâu hơn chút ít chứ không thể là quá lâu.
Điểm thứ tư: khi Trương Ái Dân ở Úc, đã xảy ra những chuyện gì?
Hoàn toàn không có chứng cứ gì về chuyện đó, tôi chỉ có thể suy đoán, rất có thể anh ta sang Úc chữa bệnh, hoặc điều trị thuốc men, hoặc vì nguyên nhân gì đó, dẫn đến năng lực của anh ta bỗng phát triển đột biến, nhưng không điều trị được bệnh mất trí nhớ tạm thời của anh ta. Tôi còn can đảm suy đoán rằng, rất có thể nhân vật họ hàng của cha Trương Ái Dân đã dùng Trương Ái Dân làm vật thí nghiệm, coi như chuột bạch! Xem ra, muốn triệt để điều tra rõ đã xảy ra những chuyện gì với Trương Ái Dân, vẫn cần phải gặp chính anh ta, hoặc gặp nhân vật đã đưa anh ta sang Úc.
Điểm thứ năm: thứ gọi là tiết bò ấy, là thế nào?
Trước hết, tôi loại trừ ý kiến nói là “bột tiết”. Là bột tiết, không thể cho kết quả xét nghiệm là tiết của cùng một con bò; vả lại, số lượng thì cực nhiều, khiến người ta kinh ngạc. Khi tôi đi gặp Trương Quân, ông ta chỉ lặp lại hai chữ “bột tiết”, ngoài ra chỉ lắc đầu nói rằng không rõ, tất cả là do Trương Ái Dân người con trai thực hiện. Mông Nhân từng nêu vấn đề: bò, có thể nhân bản được không? Tôi loại trừ điều này, vì ở cái xưởng bí mật ấy không hề có một thứ máy móc thiết bị kỹ thuật gì cả, một nhà xưởng vớ vẩn đâu có thể thực hiện nổi kỹ thuật nhân bản? Đây là một mớ bòng bong bí mật, rối tinh rối mù, khiến tôi không thể suy đoán nổi điều gì. Tôi không có nổi những tài liệu xét nghiệm tiết bò ấy, và tôi cho rằng có lẽ tiết bò không phải vấn đề chủ yếu. Vấn đề cốt lõi là: rốt cuộc Trương Ái Dân là gì vậy? Tôi không muốn gọi anh ta là “một người như thế nào”.
Điểm thứ sáu: tại sao Trương Ái Dân lại tìm gặp Mông Nhân và tôi?
Trong sổ ghi chép ban đầu, khi tôi viết đến chỗ này, thì bên dưới toàn bỏ trống. Tôi cho rằng khả năng anh ta đến tìm để xin đăng thông báo tìm người, chỉ không đến 10%. Các lý do khác là gì, tôi chịu không biết.
(Hết “Phục chế ký”)