người dịch: idlehouse
Phần 2 “Niên Thiếu”
Gió quyết định hướng đi của bồ công anh
Mà anh quyết định hướng đi của trái tim em
Trời đã sáng
Em cứ thế mà đi
Đi về hướng vĩnh hằng không sao tới được anh đã từng nhắc đến
—-trích từ blog của Mã Trác thuở thiếu thời, “Gió quyết định hướng đi của bồ công anh”
Mùa hè năm ấy, trên trời luôn gợn những đám mây như có như không, ve sầu không biết mệt mỏi cứ đúng tám giờ sáng là bắt đầu ồn ào cho đến lúc mặt trời lặn mới thôi. Dù mang tiếng là người miền thung lũng, nhưng đối với khí hậu mùa hè của miền duyên hải phía đông nam, tôi cũng không cảm thấy không thích hợp gì, tuy nơi này thỉnh thoảng nổi lên những trận gió lớn, khiến cho tôi có thể ngửi được mùi tanh ngòn ngọt từ biển.
Thật ra nơi này cách biển cũng một quãng khá xa, điều này khiến cho tôi cảm thấy hơi khó hiểu đối với xúc giác của mình, không biết có phải mình khác người hay không.
Vấn đề khiến cho tôi xoắn não hơn là, không biết vì sao, có một dạo tôi rất sợ nhìn vào gương, tôi sợ trông thấy mặt của mình, tôi hầu như đã giã từ khuôn mặt bầu bĩnh của tuổi thơ, đường nét trên mặt càng ngày càng rõ nét, đó khiến cho tôi nghĩ đến một số sự việc vốn đã chôn sâu dưới đáy lòng từ rất lâu nay, những con người đã sớm rời bỏ tôi mà ra đi. Tôi không tình nguyện đi đường với bộ ngực nhô ra, không tình nguyện nghe giọng nói bỗng dưng trở nên hơi chua chua ngọt ngọt của mình. Không tình nguyện nhìn thấy ánh nắng hoặc hoa tươi của mỗi mùa. Nói ra nghe buồn cười, sự trưởng thành mà tôi vẫn mãi mong đợi lại khiến cho tôi bất an, tôi tựa như có rất nhiều điều muốn nói, lại không biết mở lời như thế nào. Thế là tôi lựa chọn đọc sách. Tôi đọc văn học nước ngoài, những khổ văn tường thuật dài miên man khiến cho lòng tôi cảm thấy yên tĩnh hơn rất rõ ràng, quên đi quá khứ, hiểu cách ẩn nhẫn.
Trưa hôm ấy, lúc tôi cuộn mình trong ghế sô pha đọc một cuốn sách dày cộm cũ kỹ mượn từ thư viện huyện về thì nghe thấy ngoài cửa có tiếng xe gắn máy vang lên. Sau đó, A Nam như xông vào nhà, trong tay cầm một tờ giấy, hơi thở dốc nói với tôi: “Mã Trác, con đã thi đậu thủ khoa, được Thiên Trung nhận rồi!”
Tai của tôi bất chợt ong ong.
Cố gắng bao ngày, coi như đã không uổng phí. Thiên Trung, trường trung học Thiên Nhất, cần phải biết, ở huyện chúng tôi, là một nơi mà trẻ con trong huyện và khu vực lân cận đều mơ ước được đặt chân qua ngưỡng cửa của nó.
A Nam nắm chặt tờ giấy báo tin mỏng mỏng đó, lật qua lật lại nhìn tới nhìn lui. Có thể là do ảo giác, tôi thế mà lại trông thấy hốc mắt của ông hơi ươn ướt. Ông bước đến bên tôi, dùng tờ giấy mỏng manh kia vỗ vỗ lên đầu tôi nói: “Mã Trác, con thật cừ.”
Tôi cầm “Cuốn Theo Chiều Gió” trong tay mỉm cười.
“Ôi.” Ông tự rót cho mình một ly trà đá, ngồi xuống chiếc ghế sô pha cũ kỹ trong phòng thở dài: “Nếu như mẹ con có thể thấy được ngày này, thì hay biết mấy.”
Trong phòng khách treo một bức hình của mẹ. Bức hình ấy là giữ từ dạo bà chụp hình làm lại thẻ chứng minh năm 25 tuổi, dung mạo trẻ trung, là một tấm hình đen trắng. Chỗ của A Nam có nhiều hình đẹp hơn của mẹ, không biết vì sao, ông chọn lấy tấm hình này. Mẹ trong hình xinh đẹp, ngây thơ, tóc dài, áo sơ mi trắng, một đôi mắt to khiến cho người ta không khỏi thương xót. Tất cả mọi người ở đây đều tưởng bà là vợ của A Nam, tôi là con gái của A Nam. Ngay ngày đầu tiên tới thị xã nhỏ này, chúng tôi đã giữ bí mật này rất kỹ. Tôi lớn lên giống như bao nhiêu cô con gái được cưng chìu khác, tất cả những gì con gái nhà người ta có, A Nam đều cho tôi.
Tôi nhớ hồi còn học lớp sáu ở tiểu học, tôi thi đậu được vào trong trường cấp 2 trọng điểm của huyện, với thành tích hạng 3 trong toàn huyện, A Nam tới trường tham dự lễ ra trường, trong tay ông cầm giấy khen trường phát cho tôi, đứng chụp hình chung với hiệu trưởng, ông ấy đã giơ tấm giấy khen cao thật cao giống như một đứa trẻ, khoé miệng cố sức nhếch lên cười. Tôi rất ít khi thấy ông cười giống vậy, nghiêm túc một cách ngốc nghếch, khiến cho tôi cảm thấy có đôi chút tếu tếu, nhưng càng nhiều hơn nữa, là cảm khái. Có thượng đế làm chứng, bao nhiêu năm qua, điều tôi sợ nhất chính là làm cho A Nam thất vọng.
Tôi muốn trở nên niềm kiêu ngạo lớn nhất của ông. Đó là điều mà tôi đã hứa với sao trời trong cái đêm đầu tiên chúng tôi tới thị xã nhỏ ở Giang Nam này năm tôi 10 tuổi.
Đương nhiên, lời hứa dù chết cũng phải cố làm này, chỉ là bí mật của riêng tôi. A Nam xưa nay chưa từng bao giờ hay biết. Rất nhiều năm sau, tôi đọc được một câu văn trong một cuốn sách: “Người biết ơn mới là người có thể sống rộng lượng.” Tôi gạch một đường màu hằn đậm dưới dòng chữ ấy, nói với bản thân nhất định không được quên phải sống một đời rõ rộng lượng.
Đậu được vào Thiên Trung, chắc cũng là một móc xích không thể thiếu được trong lời hứa nguyện của tôi nhỉ.
“Vầy là phải vào ở nội trú trong thành phố rồi.” A Nam nói, “Con là con gái một thân một mình, ba cảm thấy có đôi chút không yên tâm.”
“Con ổn thôi.”
“Ba biết con ổn.” A Nam nói một cách đầy mong đợi, “Chắc có lẽ ba có thể đưa siêu thị vào tới trong thành phố để mở, chỗ mặt bằng ít hơn một chút cũng không sao, như vậy mỗi cuối tuần, con còn có một mái nhà để quay về.”
“Siêu Thị Quả Quả” của A Nam ở nơi đây đã có một chút tiếng tăm, lúc chúng tôi quay về mới chỉ là một tiệm nho nhỏ, sau càng lúc càng mở rộng, làm ăn càng lúc càng khấm khá. Đương nhiên, đây cũng là điều dễ hiểu, A Nam là một người rất cần cù, làm ăn lại đáng tin cậy, thêm vào đó bụng dạ tốt, tự nhiên sẽ có kết quả tốt.
Ba của A Nam vào năm tôi 12 tuổi đã qua đời. Mẹ của A Nam, cũng là bà của tôi, hiện giờ đối xử với tôi rất tốt. Bà rất nhanh nhẹn, cũng không có vẻ như người già, thật ra bà cũng không phải là không già, mà là bà không cho phép bản thân mình già đi. Mỗi khi tóc của bà chỉ lòi ra một hai sợi tóc bạc, bà sẽ nhất quyết phải nhuộm chúng đen cho bằng được. Trông bà hoàn toàn không giống với nội của tôi ở Nhã An chút nào, bà có rất nhiều sở thích, hát bội, rồi còn học đại học người già, mỗi ngày đều rất bận rộn. Nhưng, tình thương của bà dành cho tôi, thì cũng giống y hệt nội, thậm chí có lúc còn có phần hơn. Bà thích quét dọn, luôn dọn dẹp lau chùi nhà cửa sạch bóng, mà tấm hình của Lâm Quả Quả, bà ngày nào cũng phải lau, lần nào cũng không để sót hạt bụi, có khi còn khe khẽ thở dài. Mỗi lần tôi nghe tiếng thở dài ấy của bà, tim tôi lại run lên như bị kim rạch. Tôi cảm thấy rất có lỗi, cũng rất tự trách. Bởi vì chúng tôi đã gạt bà. Con người lương thiện là bà vẫn luôn tưởng rằng tôi là con gái ruột của A Nam, là do A Nam lúc không hiểu chuyện đã để lại một “món nợ,” tôi thật không dám tưởng tượng, nếu như có một ngày bà biết được chân tướng, không biết bà có muốn bóp chết chúng tôi hay không.
Bữa cơm chiều hôm ấy thức ăn vô cùng phong phú, A Nam còn đặc biệt dặn bà nấu canh gà, sau khi múc một tô canh đầy ắp đưa cho tôi, bà nói, “Mẹ nghĩ là trước khi vào trung học nên đổi tên lại đi, cứ theo họ mẹ hoài, Mã Trác, Mã Trác. Mẹ con bé đã không còn rồi, bạn bè thầy cô ở trường sẽ không hiểu rõ là chuyện gì.”
A Nam họ Trương. Tên của tôi là tâm bịnh của bà, nó là thứ mà bao năm nay bà đã nhắc tới không biết bao nhiêu lần rồi.
“Ăn cơm đi thôi, mẹ.” A Nam nói, “Con cái lớn rồi, không nên làm khó nó.”
“Theo họ của ba mình mà gọi là làm khó?” Bà nói, “Mẹ còn chưa từng nghe qua lý lẽ này.”
“Được rồi được rồi, để nói sau.” A Nam gắp một miếng đùi gà bỏ vào chén của bà. Bà liền gắp nó qua chén tôi, hỏi tôi: “Con nghĩ sao, Mã Trác?”
Tôi cắn đầu đũa im re.
Bữa cơm đó, bởi vì đề tài này, kết thúc có chút không vui. Buổi tối lúc tôi đang đọc sách trong căn phòng nhỏ của mình, A Nam đến gõ cửa. Ông đem vào cho tôi một ly nước sinh tố dưa hấu ướp lạnh, khẽ nói với tôi: “Bà nói gì con cũng coi như chưa nghe thấy, đừng để trong lòng.”
“Có thể đổi ạ.” Tôi nhìn ông nói một cách chân thành.
Ông nhìn tôi hơi mờ mịt.
“Con có thể theo họ của ba.” Tôi nói.
“Trương Trác, Trương Trác……” Ông vặn tay đọc lên cả mấy lần, nhăn mặt nói: “Không đổi nữa, ba cảm thấy cái tên Mã Trác này rất có khí thế!”
Ông là một con người như vậy, tốt bụng đến khiến người ta nao lòng.
“Đọc gì vậy?” Ông tò mò nhìn cuốn sách nằm trên bàn học của tôi, “Truyện mượn từ thư viện?”
Đó là cuốn “Mối Tình Đầu,” ba chữ đó in rõ bự trên bìa sách, tác giả có một cái tên ngoại quốc rất dài. Thật ra tôi cũng còn chưa tính mở ra. Nhưng tôi lấy cánh tay đè lên tựa đề của sách, không cho ông nhìn thấy. Có lẽ ông sớm đã nhìn thấy rồi, nhưng ông ấy không bóc mẽ tôi, mà chỉ ha ha cười rồi rời đi.
Lúc cửa khép lại, tôi mới mở cuốn truyện đã cũ kỹ đến độ giấy ngả vàng. Sách đã từng bị rất nhiều người mượn, trên mặt trang giấy đầu tiên, bị ai đó dùng bút bi viết một câu như vầy: Em yêu anh, mãi cho đến giây phút cuối cùng của sinh mệnh.
Tôi chợt nhớ đến rất nhiều năm về trước, A Nam từng nói với tôi một câu: “Chú là người yêu mẹ cháu nhất.” Câu nói này như đã được xâm vào trong tim tôi, tôi thậm chí còn có thể nhớ vẻ mặt của A Nam khi nói câu đó, với cả mỗi một giọng điệu của từng câu chữ. Tôi nghĩ, đến chết tôi cũng sẽ không quên được.
Rốt cuộc tôi cũng không đọc xong cuốn truyện đó. Tôi không cách nào thích ứng được với bản dịch dài dòng rắc rối của truyện, chỉ lật vài trang rồi đặt nó qua một bên.
Đêm hè dài đằng đẵng ấy bỗng dưng đổ cơn mưa to. Tôi đặt giấy thông báo của Thiên Trung bên cạnh gối, cuối cùng dũng cảm ôn lại những chuyện xưa, tôi nhớ đến sau khi mẹ chết, những ngày tôi bị đưa về lại nhà, khi ấy Nhã An đổ một cơn mưa lớn chưa từng có, mưa ầm ĩ đến độ cả hai tai tôi tựa như mất đi thính lực, tôi nhớ đến bộ dạng hung tợn và tiếng gầm thét như sấm của chú út ra lệnh cho tôi cút, nhớ đến cảm giác cô đơn khi tôi bị nhốt trong nhà không được đi học, nhớ đến buổi chiều u ám nặng nề lúc nội chết, mây từng tầng từng tầng chất trên mái nhà của tôi, tựa như đang chuẩn bị để bất ngờ cùng ập xuống.
Nửa năm đó như một cơn ác mộng, cuộc đời của tôi hoàn toàn mất đi phương hướng, cả người gần như biến thành một con khờ, ngay cả đến đau đớn cũng rất trì trệ và chết lặng. Lần đó sau khi tôi bị tống cổ ra khỏi cửa, hàng xóm đưa lại về nhà, chú út một mực không chịu nhận nuôi tôi, tôi ngây ngốc ở nhà hàng xóm ba ngày, mãi đến khi A Nam tới, nhân cơ hội đó dứt khoát quyết định đưa tôi đi.
Thủ tục nhận nuôi chỉ cần làm đâu đó nửa buổi. Chú út cắn răng ký, lấy nốt một ngàn đồng tiền mặt cuối cùng trong túi áo của A Nam, dùng giọng điệu tuy không rõ nhưng vô cùng quả quyết nói với tôi: “Cút đi, cút càng xa càng tốt!”
Năm tôi lên lớp 5, tôi học được một thành ngữ, gọi là “ngoảnh mặt nát lòng.” (1)
(1) nguyên văn “bất thậm hồi thủ” ký ức không cách nào chịu đựng được khi nhớ lại, những ký ức khi nhớ lại vẫn khiến người ta đau lòng, vì thế mà không dám nhớ lại.
Khi tôi đọc đi đọc lại ý nghĩa của nó trong tự điển, tôi cảm thấy cụm từ này quả là được tạo sẵn cho tôi. Tôi dùng nó để đặt một câu văn như vầy: Cuộc đời tôi, ngoảnh mặt nát lòng. Một câu văn già đời bà cụ non này, được tôi viết xuống một cách vô cùng trịnh trọng, đến độ nước mắt của tôi chực rớt ra.
Nhưng nhiều năm qua, cho dù tôi đã gói ghém hết quá khứ lại theo thói quen, dọn dẹp, nhét vào trong một góc không đả động gì tới nữa, nhưng đôi khi ngẫu nhiên nhớ lại, vẫn đủ khiến cho tôi nát lòng đến độ nghẹt thở.
Tôi thường thường tưởng tượng, nếu như không có A Nam, tôi bây giờ đã ra sao? Có lẽ đã sớm ở trong một quán ăn nào đó ở Nhã An bưng cơm rửa chén, bị thực khách sai khiến tới lui. Hoặc có lẽ trong thời tiết này, đang ở trên núi đào đất, thành thạo thu hoạch ngô khoai. Qua thêm vài năm nữa, sẽ lấy bừa ai đó, thậm chí, rất nhanh sẽ sinh con đẻ cái.
Mà giờ đây, tôi có được một lá thư báo tin đậu vào “Trường Trung Học Thiên Nhất” đủ để học sinh của toàn huyện đều hâm mộ đến hộc máu, tôi biết phải cảm ơn A Nam như thế nào, cảm ơn số mệnh như thế nào?
Trong trang nhật ký của ngày hôm đó, tôi dùng bút mực viết đậm một hàng chữ lớn” “Mã Trác, ngày mới đã bắt đầu rồi. Cố lên, phấn đấu!”