Không biết ông vua bố đã nói gì với thái tử con mà Trần Thuyên rất năng sang khu tôi ở đòi tôi kể chuyện cho nghe. Tôi được sắp xếp riêng hẳn một phòng, gần khu của các cung nữ. Đương nhiên tôi không bất mãn lấy nửa lời, dù sao đối với họ tôi cũng chỉ là một dân thường, có nơi để tránh mưa tránh nắng rồi được ăn no ba bữa là tốt lắm rồi.
Với giọng điệu dõng dạc, Trần Thuyên nói: "Không ngại tìm kiếm thêm tri thức chính là bậc quân tử!"
Sau đó cậu ta nằng nặc bắt tôi kể lại tất cả những gì tôi đã nói với Hiếu Hoàng. Tôi là người dễ dãi, thấy Trần Thuyên sai cung nữ đem đến nào bánh nào kẹo, nào hoa nào quả liền nhiệt tình một hơi kể lại.
Khác với một ông vua đa nghi, cậu bé lạnh lùng Trần Thuyên tin sái cổ tất cả những gì tôi nói.
Để tránh cho việc tạo dựng nên một tâm hồn khô khan, tôi bắt đầu kể cho cậu ta những câu chuyện tình yêu, chỉ mong cậu ta biết điều, sau này đối xử với vợ tốt một chút.
Đầu tiên tôi kể về Romeo và Juliet, cũng không phải tôi thấy câu chuyện này hay, mà nó đã trở thành kinh điển. Nhắc tới tình yêu là phải nhắc tới Romeo và Juliet. Ai ngờ Trần Thuyên lại buông ngay một câu: "Ngu dốt."
Tôi không tiện lườm thái tử của một nước nhưng nét mặt cũng không tốt chút nào.
Trần Thuyên vội vàng giải thích: "Lấy cái chết ra để giải quyết mọi việc chính là ngu dốt."
Sau đó, tôi lại kể chuyện Tấm Cám. Ý chính là, muốn để cậu ta thấy tình cảm của vị vua đối với Tấm như thế nào.
Cậu ta tiếp tục phun ra hai chữ: "Ác độc."
Tôi bắt đầu để ý, đối với những câu chuyện tình yêu mà tôi kể cho Trần Thuyên nghe, cậu ta luôn đúc kết lại chúng bằng những kết luận tiêu cực nhất. Không biết cái đầu cậu ta có chứa được cái gì lãng mạn không nữa.
Sau cùng tôi nổi đóa, quyết định kể cho Trần Thuyên nghe về Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài. Phải cho cậu ta bị nhấn chìm trong đau khổ!
Tôi lôi hết vốn từ của mình ra, kể lại câu chuyện bằng một giọng điệu dạt dào cảm xúc.
Tôi kể xong, len lén nhìn Trần Thuyên. Không biết lần này cậu ta sẽ bới lông tìm vết, chê bai thế nào đây.
Trần Thuyên cúi đầu im lặng một lúc lâu, rồi mới từ từ ngẩng đầu lên nhìn tôi. Cậu ta không cười, và lần này tôi không thể diễn tả nổi vẻ mặt của Trần Thuyên nữa.
"Chị sẽ không hóa thành bươm bướm rồi bay mất chứ?"
Được rồi, nghe hơi sến.
Nhưng tôi thật sự không ngờ, một câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt của Trần Thuyên cuối cùng lại biến thành một miền ký ức mà tôi không bao giờ có thể lãng quên.
Tôi như có ảo giác, Trần Thuyên bỗng chốc không còn là một cậu nhóc mười ba tuổi nữa mà đã biến thành một chàng trai với ánh mắt nghiêm nghị bức người. Bị thần thái của cậu ta lấn áp, tôi suýt chút nữa đã không chịu nổi mà quay đi.
Tôi ngồi thẳng lưng, giơ tay về phía Trần Thuyên rồi cười hì hì: "Tôi là người bình thường thì làm sao có thể biến thành bươm bướm được? Không tin thì thái tử cứ sờ thử xem tôi là thật hay giả?"
Trần Thuyên do dự đôi chút, ngập ngừng chạm vào tay tôi rồi rụt lại ngay lập tức. Tôi đưa mắt một cái có thể thấy được hai tai của cậu ta đang dần trở nên đỏ lừ. Suy cho cùng, Trần Thuyên cũng vẫn chỉ là một cậu thiếu niên thôi.
Cậu kín đáo thở phào một cái rồi nói: "Vậy thì tốt."
Tôi tít mắt nhìn Trần Thuyên, trêu đùa: "Sao thế? Thái tử không muốn xa cô dân nữ này phải không?"
Trần Thuyên đứng phắt dậy quát: "Nhảm nhí! Ta...ta... chỉ là.. là quan giáo thụ toàn kể những câu chuyện chán ngắt! Ta thích... nghe chị kể chuyện hơn."
"Vậy thì thần phải xem lại cách dạy học của mình rồi."
Nguyễn Tái đứng bên ngoài đình, vui vẻ nói vọng vào. Trần Thuyên chưng ra vẻ mặt hậm hực không thèm đáp.
Tôi thấy vậy liền đứng dậy, mỉm cười: "Chào học sĩ."
Nguyễn Tái bật cười nói: "Cách chào hỏi của tiểu thư thật thú vị."
Tôi kiêu hãnh nói: "Vốn bản thân tôi cũng hay ho đấy nhé!"
Trần Thuyên đứng bên cạnh, da mặt giật giật vài cái biểu tình.
Nguyễn Tái ngồi xuống ghế, sau đó Trần Thuyên cũng ngồi theo. Tôi tỏ vẻ hiền thục, rót cho mỗi người một chén trà rồi im lặng.
Nguyễn Tái bỗng nhiên nói: "Thái tử đã có lời khen ngợi, thực tò mò không biết tiểu thư Niệm Tâm kể chuyện hay tới thế nào?"
Tôi liếc nhìn, mặt y thể hiện một thứ thành ý rất chân thật, không hề có ý muốn mỉa mai. Tôi có cảm giác con người này học thức rất rộng, không thể đùa cợt như với Trần Thuyên được.
"Không có gì, chỉ là mấy chuyện vặt vãnh thôi."
Trần Thuyên nghe vậy, trà trong miệng phun hết ra ngoài: "Ý chị là trước giờ chỉ kể cho ta nghe toàn chuyện vớ vẩn sao?"
Tôi vội vã xua tay, chẳng biết nên nói thế nào. Tên nhóc Trần Thuyên này không hiểu được cái gì gọi là khiêm tốn hay sao?
Nguyễn Tái mỉm cười thưởng thức cảnh chúng tôi đấu khẩu.
Trần Thuyên ném cho tôi cái nhìn khinh bỉ, đoạn quay sang Nguyễn Tái: "Không đùa nữa. Học sĩ Tái, mấy ngày nay phụ hoàng bận rộn lắm sao?"
Tôi trợn mắt lên nhìn cậu, hóa ra nãy giờ là cậu đùa tôi à?
Nguyễn Tái cũng lập tức khôi phục vẻ mặt nghiêm túc, đáp: "Bẩm thái tử, chuyện của Chiêu Quốc vương vẫn khiến Quan gia phải suy nghĩ nhiều." (1)
Trần Thuyên còn chưa kịp cho ý kiến, tôi đã nói chen vào: "Chiêu Quốc vương là Trần Ích Tắc phải không?"
Hai con người cổ đại lập tức quay sang nhìn tôi với ánh nhìn không thể tin được. Sau đó họ lại tiếp tục bàn bạc, mặc kệ tôi tò mò. Tôi tự cho rằng không nói nghĩa là đồng ý.
Trần Thuyên lại trầm tư, khuôn mặt già đi cả chục tuổi: "Ta đồ rằng phụ hoàng lần này sẽ xử lý rất nghiêm."
Nguyễn Tái không đáp, vì căn bản y không có câu trả lời.
Tôi đã biết trước kết quả, liền nói: "Sẽ không đâu, Quan gia nhân từ, đến họ còn không bắt đổi."
Hai người kia bán tín bán nghi nhìn tôi. Tôi biết mình lỡ lời, liền cười cười lấp liếm: "Tôi chỉ suy đoán chút đỉnh mà thôi."
...
Sáng sớm hôm sau, Trần Thuyên xuất hiện trước cửa phòng tôi với khuôn mặt của một "cảnh sát hình sự".
Cậu ta nói liến thoắng: "Chị đoán đúng rồi, phụ hoàng đã ra chiếu từ giờ gọi vương là Ả Trần."
Tôi hỏi: "Không còn là vương nữa chứ?"
Trần Thuyên bặm môi, nghĩ ngợi rồi nói: "Dù sao người cũng lớn tuổi rồi."
Tôi liền cười, vỗ nhẹ vào vai cậu: "Quan gia và thái tử thật giàu tình nghĩa. Mà Ả Trần nghĩa là gì thế?"
Trần Thuyên nói, giọng đều đều: "Nhu nhược như đàn bà."
Tôi à một tiếng, im lặng.
Trần Thuyên lại sai một cô cung nữ đem vào một bộ váy màu tía. Cô gái này tên Hạnh, trong vài ngày qua đã theo lệnh của Hiếu Hoàng mà luôn ở cạnh tôi. Nói khó nghe thì là hầu hạ, nói dễ nghe thì là bầu bạn với tôi. Có vẻ như tính tình tôi khá dễ chịu nên cô gái này luôn miệng hỏi tôi có ở lại đây luôn không.
Vào phòng trong, Hạnh giúp tôi mặc từng lớp từng lớp một của chiếc váy, nào là giao lĩnh nào là viên lĩnh rồi đến thường quây khiến tôi toát mồ hôi hột. Chiếc váy rất đẹp, vạt dưới có thêu một bông cúc trắng nhỏ, trở thành điểm nhấn của cả bộ trang phục.
Không biết có phải trùng hợp hay không mà bộ đồ vừa như in, trong giây phút ngắm mình trong gương, tôi đã tưởng rằng nó hoàn toàn được may theo số đo của tôi vậy.
Cậu nhóc Trần Thuyên đúng là có con mắt thẩm mĩ không tồi.
Tôi thay xong trang phục, do tóc chưa đủ dài để búi lên tận đỉnh đầu nên tôi nhờ Hạnh tết lại gọn gàng. Tôi không quên thoa thêm chút son, "bẽn lẽn" xuất hiện ở cửa nơi Trần Thuyên đang đứng đợi.
Cũng không phải tôi mong đợi gì, nhưng đâu phải lúc nào cũng được ăn diện để đi chơi với thái tử của Đại Việt cơ chứ?
Nghe tiếng tội gọi, Trần Thuyên từ từ xoay người lại. Trong ánh nắng cậu ta như cao lên cả chục centimet, môi thoáng vẽ lên nụ cười tươi. Ối chao, đây mà là một cậu nhóc mười ba tuổi sao?
Tôi hắng giọng một cái, hỏi: "Chúng ta sắp sửa đi đâu đây?"
Trần Thuyên nửa cười nửa không trả lời: "Tới lò gốm."
"Thái tử!" Tôi ngơ ngác nhìn Trần Thuyên. "Thái tử cho tôi mặc đẹp thế này, để tới lò gốm sao?"
"Có gì không phù hợp à?"
Tôi nhún vai một cái, không tỏ ý kiến.
Chúng tôi đến lò gốm sau đó khoảng hơn một tiếng, đương nhiên là sau khi được ăn cả mâm sơn hào hải vị. Tôi lặc lè đi bên cạnh Trần Thuyên ở giữa lối vào, tất cả người làm đều đứng dạt sang hai bên cúi đầu rất thấp, vô cùng nghiêm chỉnh.
Tôi khều tay Trần Thuyên hỏi thầm: "Lò gốm hoàng gia?"
Cậu ta chỉ khẽ gật đầu một cái.
Tôi được Trần Thuyên dẫn đi thăm quan lò gốm, tôi cũng từng tới Bát Tràng chơi vài lần nên cũng không cảm thấy lạ lẫm quá. Những sản phẩm gốm ở đây được trang trí rất tao nhã, khác hẳn với thời hiện đại.
Tôi cầm một chiếc đĩa lên ngắm nghía, giả vờ tỏ ra hiểu biết: "Màu men ngọc xanh đều, nét vẽ thì thật tinh xảo. Đây có phải lá dương xỉ không? Hoa văn chìm thế này... thật kỳ công!"
Trần Thuyên đứng cạnh tôi cười, hỏi: "Đúng rồi, chị cũng thích đồ gốm sao?"
Tôi đặt chiếc đĩa xuống rồi lắc đầu: "Không, bố tôi thích sưu tập đồ gốm nên tôi cũng có một chút hiểu biết."
Cậu ta nhíu mày: "Bố?"
Tôi cười cười: "À, ý tôi là cha tôi. Cha."
Trần Thuyên cũng không gặng hỏi thêm.
Cậu ta dẫn tôi đến ngồi trước hai chiếc bàn xoay, nói rằng muốn cùng tôi làm lên vài món đồ. Tôi được một người thợ hướng dẫn cách dùng chân để xoay bàn, tay vuốt sao cho đồ gốm không bị méo mó. Vì tôi cũng đã được bố dạy và thực hành vài lần rồi nên không còn quá xa lạ với công việc này mà khá tự tin. Trần Thuyên thấy vậy thì khá hài lòng, hạ lệnh đuổi hết mọi người ra ngoài.
Xung quanh đám thợ đã không còn một ai, yên ắng vô cùng. Tôi vốn đã có kinh nghiệm trong việc này nên khi Trần Thuyên xong việc tôi cũng kết thúc theo, không kém tới nửa giây. Trần Thuyên yêu cầu tôi nặn một đồ vật, và chắc chắn cậu nghĩ tôi sẽ làm theo nên cậu khá bất ngờ khi thấy tôi nặn ra được "một đồ vật kỳ lạ tới như vậy".
Đáng ra ban đầu tôi cũng định làm theo Trần Thuyên thật, làm ra một chiếc bát hay chiếc đĩa nào đó, nhưng khi tôi đem thắc mắc tại sao lại phải làm mấy việc này hỏi Trần Thuyên thì cậu ta đã trả lời rằng:
"Ta có cảm giác chị không có thật. Mặc dù chị vẫn luôn đứng trước mặt ta như vậy, mặc dù ta vẫn có thể chạm vào tay chị nhưng dường như chị lại có thể biến mất bất cứ lúc nào. Vì vậy..."
Trần Thuyên nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nhẹ như chiếc lá rơi: "Ta... muốn chị tạo ra thứ gì đó mà ta có thể lưu giữ, để nếu có ngày chị đột nhiên biến mất, ta có thể dùng nó để chắc chắn rằng chị đã từng ở đây."
Vào giây phút ấy, tôi đã thực sự rung động.
Điều kỳ lạ là cả Trần Thuyên, Hiếu Hoàng hay Nguyễn Tái cùng tất cả cung nữ hay nội quan đều chưa một lần thắc mắc về cách ăn mặc của tôi, thắc mắc vì sao mái tóc của tôi lại kỳ quặc như thế, vì sao cách nói chuyện của tôi không được bình thường như vậy.
Thế nhưng điều mà Trần Thuyên lo lắng lại là việc cậu ta nghĩ tôi có thể biến mất bất cứ lúc nào, và cậu cũng đã ngầm khẳng định sẽ không thể giữ tôi lại, mà chỉ cần một kỷ vật của tôi.
Tôi nặn cho Trần Thuyên một chiếc cốc nho nhỏ, so với những cái chén mà cậu ta đã từng sử dụng thì hẳn là nó phải vô cùng đặc biệt. Tôi biết mình ích kỷ nhưng để một người có thể mãi nhớ tới mình, bằng cách này hay cách khác, thì đó cũng là một điều vô cùng tuyệt vời.
Khi Trần Thuyên đi phía trước, tôi lén lút đưa cho một người thợ tờ giấy nhỏ, trong đó có vẽ một bông cúc. Nét vẽ của tôi thô ráp, nhưng tôi không ngần ngại mà dặn người thợ sau khi nung thành vật chắc thì hãy sao chép lại y nguyên rồi đưa tới cho Trần Thuyên.
Tôi để lại cho cậu một bông cúc, trên bộ trang phục mà cậu ta dù vô tình hay hữu ý mang tới cho tôi cũng thêu một bông cúc trắng.
Điều tôi mong muốn chính là mỗi lần nhìn thấy hoa cúc, Trần Thuyên sẽ phải nhớ tới tôi.
Khi chúng tôi trở về cung Trùng Hoa thì cũng là lúc Hiếu Hoàng sai người tới gọi Trần Thuyên đi. Tôi đứng trong sân, nhìn theo bóng lưng cậu. Trần Thuyên đi được mấy bước thì quay lại nhìn tôi, ánh mắt sâu như hồ nước mùa thu, lại trong trẻo như bầu trời tháng năm của cậu khiến tôi ngừng thở trong giây lát.
Khi tôi vừa quay vào nhà thì nghe tiếng người gọi tên phía sau mình, tôi quay loại, thấy Nguyễn Tái đang đứng mỉm cười.
Y đứng giữa không gian rộng lớn, khí chất mạnh mẽ nhưng không thô lậu, vẻ mặt bình thản của y khiến tôi nhiều lúc lầm tưởng rằng y chẳng hề không quan tâm tới bất cứ chuyện gì xảy ra trên đời.
Tôi cũng cười tươi, tiến đến gần chào hỏi: "Học sĩ Tái."
Nguyễn Tái lộ biểu cảm hài lòng, gật đầu: "Tiểu thư đã dùng bữa chưa?"
Tôi thành thật lắc đầu: "Vốn là dùng bữa với thái tử, nhưng hồi nãy Quan gia đã cho gọi ngài đi rồi."
Chỉ sau một vài câu đơn giản như vậy mà suýt nữa tôi đã cùng với Hàn Lâm viện Học sĩ Nguyễn Tái ngồi tại phòng y, cùng nhau ăn một bữa trưa thân mật. Nhưng để tránh dị nghị, Nguyễn Tái đề nghị tôi cùng y ra khỏi hành cung, cùng "dạo phố trò chuyện".
Đương nhiên là tôi đồng ý ngay tắp lự. Mấy ngày vừa rồi giam mình trong cung, dù luôn có Trần Thuyên ở cạnh nhưng thực sự vô cùng buồn chán. Ở trong cung điện thứ hai của nhà Trần này, tuy được ăn ngon mặc đẹp, được chăm sóc tới tận răng nhưng cứ đi một bước lại có người bên cạnh, không thoải mái cho lắm.
Chuyện tôi cùng Hiếu Hoàng thân thiết tới mức cùng nhau đối ẩm đã trở nên vô cùng nổi tiếng tại Tức Mặc, các cung nữ nội quan không gặp thì thôi, nhưng đã gặp là sẽ lao vào làm quen lấy lòng. "Nhờ ơn" Hạnh, tất ả mọi người không một ai tỏ ra ngại ngùng sợ hãi khi gặp tôi cả. Hạnh đã đem danh tiếng "hiền lành thân thiện" của tôi truyền khắp hành cung Tức Mặc, cho tới tận mấy anh lính gác cửa khi thấy tôi cũng phải cười một cái.
Với chức vụ của Nguyễn Tái cùng sự với cái danh bạn thân của thái tử, khách quý của Quan gia mà chúng tôi đã thuận lợi rời khỏi hành cung. Nguyễn Tái nói, nơi này tuy được coi là kinh thành thứ hai của Đại Việt nhưng dù thế nào cũng chỉ là một hành cung, những quy tắc ở nơi này không quá phức tạp, các cung nữ và nội quan cũng sống thoải mái hơn những người trong phượng thành rất nhiều.
Nguyễn Tái tuy đã lên chức học sĩ của Hàn Lâm viện được vài năm nhưng đây mới là lần đầu tiên được theo xa giá quan gia về hành cung. Cũng bởi thái tử vẫn đang phải rèn giũa, không có thầy giáo đi theo thì không được. (2)
Tôi bước song song với y, nghiêng đầu hỏi: "Chẳng phải thầy dạy, à nhầm, quan giáo thụ của thái tử phải là ở Quốc Tử Giám sao?"
Nguyễn Tái gật đầu: "Đúng là như vậy, ta được quan gia ưu ái nên ngoài chức học sĩ còn kiêm nhiệm vụ quan giáo thụ riêng của thái tử nữa."
Tôi nghe vậy liền nheo mắt nhìn đánh giá y một hồi, mở miệng khiêu khích: "Học sĩ Tái hẳn là vô cùng tài giỏi nên mới được quan gia trọng dụng như vậy. Làm thử bài thơ cho tôi nghe được không?"
Nguyễn Tái mỉm cười, khiêm tốn nói: "Ta cũng chỉ là một kẻ tầm thường, cảm ơn cô nương đã khen ngợi."
Tôi nắm được câu nói này liền lập tức tung đòn: "Học sĩ tự nhận mình tầm thường, chẳng phải cũng chính là chê mắt nhìn người của Quan gia không đúng sao?"
Y sững lại nhìn tôi, không ngờ rằng một người như tôi lại có thể thốt ra câu nói "đáng sợ" tới như vậy. Nếu để hoàng đế nghe được thì y chắc chắn sẽ phải chịu tội. Một người thân là học sĩ của Hàn Lâm viện nhưng lại không biết suy nghĩ trước sau, cứ nghĩ rằng mình khiêm tốn nhưng cuối cùng lại trở thành nhạo báng hoàng đế.
Còn tôi... tôi chỉ muốn trêu đùa Nguyễn Tái một chút mà thôi.
Thực ra trước khi vượt thời gian tôi đã có một cuộc tranh luận nảy lửa với thằng Đạt về tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ở thời phong kiến. Vì kiến thức và khả năng biện luận của tôi không bằng nó nên tôi đã hoàn toàn đuối lý, trước khi hoàn toàn biến mất và trở về quá khứ, tôi đã hét lên với Đạt rằng nhất định tôi sẽ khiến cho người khác phải thay đổi cái nhìn về nữ giới. Nghĩ lại đúng là quá bốc đồng rồi.
Không biết tôi có gây ảnh hưởng gì cho Nguyễn Tái được hay không nhưng rõ ràng y đã bị choáng, phải mất một lúc mới "tỉnh" lại.
Y cười khan mấy tiếng, vội nói: "Ý của ta không phải vậy, một người vốn không bao giờ có có thể hiểu hết được bản thân mình nhưng Quan gia anh minh, lại có thể nhìn thấu một con người, thấy được những khả năng của người ấy..."
Tôi ngắt lời: "Vậy nghĩa là học sĩ đang tự nói mình có học thức vô hạn, chỉ là đang được dần dần khám phá?"
Khóe môi Nguyễn Tái giật giật, đôi mắt nhìn tôi đằm thắm như muốn nói: "Chúng ta có thù hằn gì sao?"
Tôi bật cười lắc đầu, lại nói: "Hoa cúc."
"Sao cơ?" Nguyễn Tái giật mình hỏi lại.
"Học sĩ Tái hãy làm một bài thơ về hoa cúc đi." Tôi mỉm cười làm hòa, tay chỉ về phía một chậu cúc bên đường.
Nguyễn Tái chăm chú quan sát, khóe miệng nhếch lên một nụ cười tự tin. Về sau đó y có nhờ Trần Thuyên chuyển đến cho tôi một tờ giấy có ghi lại một bài thơ. Trần Thuyên tỏ ra rất bực bội nhưng vẫn ngoan ngoãn giải thích ý nghĩa của cả bài cho tôi.
"Xuân lai hoàng bạch các phương phi,
Ái diễm liên hương diệc tự thì.
Biến giới phồn hoa toàn trụy địa,
Hậu điêu nhan sắc thuộc đông ly."
("Xuân đến trăm hoa đua sắc thắm,
Một thời hương sắc kém chi nhau.
Vườn thu tàn tạ ngàn hoa rụng,
Riêng cúc đông ly* vẫn được màu."
Bản dịch của Băng Thanh.
*Cúc đông ly là nói về những bông cúc ở vườn hoa phía đông, một điển tích Trung Quốc.
Bài thơ Cúc hoa kỳ 6 – Huyền Quang Thiền Sư)
Vốn là Nguyễn Tái cùng tôi đi qua một quán trọ lớn, trên cửa sổ còn để mấy chậu hoa đủ màu sắc. Không biết họ đã đặt chúng ở đấy từ bao giờ mà ngoài chậu hoa cúc, những loài hoa còn lại đều đã ngả màu héo úa.
Chúng tôi chọn một quán mỳ, ngồi đối diện nhau như bạn bè đồng trang phải lứa. Khi mỳ được bưng ra, cả hai đều cắm mặt vào ăn không nói một lời, không khí nhất thời trở nên hơi gượng gạo. Chỉ một bát mì thì sao có thể thỏa mãn cái bụng của tôi, nhưng vì để giữ thể hiện nên tôi chỉ tiếc nuối húp nốt nước dùng, tự dặn lòng khi trở về nhất định phải đòi Trần Thuyên cho người mang thêm đồ ăn tới.
Nguyễn Tái nhấp một ngụm trà, hắng giọng rồi nói: "Thực ra ta muốn ở riêng với tiểu thư Niệm Tâm là vì có lí do..."
Trà trong miệng tôi lập tức phun hết ra ngoài, cũng may tôi đã nghiêng đầu nên toàn bộ số trà ấy đều rơi xuống đất. Tôi lắp bắp hỏi: "Học sĩ, ngài muốn... muốn tỏ..."
Nguyễn Tái ho mấy tiếng, vội vã thanh minh: "Tiểu thư Niệm Tâm đừng nghĩ linh tinh. Đây là chuyện có liên quan tới Quan gia."
Tôi liền yên tâm uống nốt trà nhưng vẫn kịp để ý Nguyễn Tái đã dịch người sang một bên, thể hiện rõ niềm sợ hãi với việc phun trà của tôi.
Y quan sát, khẳng định đã tránh khỏi tầm phun mưa của tôi liền vào thẳng vấn đề: "Hơn mười năm trước, quan gia đã gặp một cô gái và có ấn tượng vô cùng đặc biệt với nàng. Cô ấy ấy có diện mạo rất giống với tiểu thư."
Tôi nhíu mày nhìn Nguyễn Tái, suy nghĩ giây lát rồi nói: "Thế gian rộng lớn, người với người không tránh khỏi việc có vẻ ngoài giống nhau. Hơn nữa mười năm trước tôi chỉ mới hơn mười tuổi, chắc chắn không phải là người mà Quan gia đã gặp đâu."
Y tỏ ra bối rối, không ngờ tôi phản bác nhanh tới như vậy.
"Quan gia và tôi cũng đã nói về chuyện này rồi, tôi có thể khẳng định người đó không phải tôi."
Nguyễn Tái gật gật đầu, cho là phải. Chúng tôi lại tiếp tục im lặng uống trà, không ai nói thêm gì nữa.
Thật không ngờ cả Hiếu Hoàng cùng Nguyễn Tái đều nhắc tới cô gái của mười năm trước kia, khiến tôi không khỏi tò mò. Phải là người thế nào mới có thể để lại ấn tượng sâu sắc tới vậy đối với Hiếu Hoàng, vị vua một lòng hướng Phật?
"Hai người các ngươi được lắm! Dám trốn ta ra ngoài này sao?"
Một tiếng quát lớn truyền tới từ phía sau Nguyễn Tái khiến cả quán mỳ lao xao. Tôi ngẩng lên, suýt sặc trà khi thấy Trần Thuyên với khuôn mặt đỏ bừng tức tối, không biết vì giận dỗi hay do chạy quá nhanh.
Nguyễn Tái và tôi bật dậy, trong khi tôi không thốt lên lời thì y vội vã cúi đầu:
"Cậu chủ!"
- ----
(1) Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc là con em trai vua Trần Thánh Tông, chú của vua Trần Nhân Tông – tức Hiếu Hoàng. Khi quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam lần thứ hai vào năm 1285, Trần Ích Tắc đem cả gia đình đi hàng giặc, mong được làm vua. Sau đó vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã phong làm An Nam quốc vương.
(2) Huyền Quang thiền sư: Tên thật là Lý Đạo Tái (có tài liệu ghi là Lý Tái Đạo). Ông đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ và được bổ làm việc trong Viện Nội Hàn của triều đình, tiếp sư Bắc triều, nổi tiếng văn thơ. Sau này từ chức đi tu, theo Trần Nhân Tông lên Trúc Lâm. Là một Thiền sư Việt Nam, tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử.
Theo sách Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1 có ghi: (...) Sau đó, những người họ Lý còn lại phải đổi sang họ Nguyễn, lấy cớ là kiêng tên huý Trần Lý. (...)
Khi mới viết về nhân vật Nguyễn Tái - cũng chính là Huyền Quang thiền sư, tác giả bị lấn cấn vụ này nên dứt khoát đổi từ Lý Đạo Tái sang Nguyễn Tái luôn.