Tôi dạo này luôn mang một bụng tâm sự, bỗng nhiên thấy mẹ ở ngay trước mặt lại càng không thể kìm được nước mắt mà ôm mặt khóc oà.
Đoàn Nhữ Hài nhảy dựng lên, nhanh chóng chạy đến bên tôi vỗ vỗ vào lưng, liên tục thì thầm hỏi tôi gặp chuyện gì.
Bà Thị Sinh – xin phép từ giờ được gọi bà là mẹ - chậm rãi đỡ lấy tôi từ tay Đoàn Nhữ Hài, ôm lấy vai tôi vỗ về: "Con gái mẹ đã phải chịu khổ cực rồi..."
Nghe mẹ nói, tôi lại nín khóc mà nhìn sang phía Đoàn Nhữ Hài. Cậu ta đang húp trà, thấy ánh mắt khó hiểu của tôi thì cười khổ. Thì ra trong lúc đợi tôi ngủ dậy, Đoàn Nhữ Hài đã rất "có lòng" mà tóm tắt cho mẹ nghe tất cả mọi chuyện xảy ra với tôi, kể từ thời điểm trúng tên.
Cậu ta còn không quên giải thích rằng thời gian tôi đi Lộ Bắc Giang cùng "Trần Thanh" (nhấn mạnh là Trần Thanh, không phải Quan gia) thì mẹ cũng chỉ lưu lại kinh thành có vài ngày nên cậu không kể được.
Bà Thị Sinh không ngờ lại rất thương con gái, cứ mãi ôm tôi như vậy. Tôi vừa nhớ nhà vừa tủi thân nên khóc rất lâu. Đoàn Nhữ Hài ngoan ngoãn trước mặt mẹ nên không trêu đùa tôi, tốt bụng gọi cái Tị mang lên vài phần bánh hấp nóng hổi cho tôi ăn sáng.
Tôi lau nước mắt rồi vừa nhai bánh, vừa tiếp chuyện hai mẹ con Đoàn Nhữ Hài.
Cùng họ hàn huyên tôi mới vỡ lẽ ra vài chuyện. Trước đây tôi luôn cho rằng bà Thị Sinh là một người phụ nữ cực đoan, trọng nam khinh nữ, con gái ốm đau cũng "sống chết mặc bay". Nhưng thực tế lại do chính tôi hiểu sai lời nói của Đoàn Nhữ Hài, tam sao thất bản thành một hình ảnh người mẹ đầy tiêu cực!
Đại khái khi xưa Đoàn Niệm Tâm qua lại với Trần Thì Công đã khiến mẹ không vui, nghiêm trọng hơn là bà luôn ra sức ngăn cản hai người. Lý do cũng không có gì mới lạ, Trần Thì Công là con của quan lớn, bà Thị Sinh cho rằng Đoàn Niệm Tâm đang trèo cao.
Chỉ có điều... có thể thấy Đoàn Niệm Tâm cũng không phải một cô gái dễ bảo, cô mặc kệ mọi khó khăn mà kiên cường với tình yêu của mình. Sau đó thì...
Đoàn Niệm Tâm ngã bệnh cũng là lúc bà Thị Sinh phải sửa soạn rời kinh thành đi buôn bán. Tôi trộm nghĩ nếu mẹ biết con gái thật sự của bà đã chết... thì mẹ sẽ đau đớn đến mức nào?
Mẹ rót nước cho tôi, rồi lại vỗ vỗ vào tay tôi tỏ ý thương yêu. Bên cạnh là Đoàn Nhữ Hài mặt buồn thiu, hẳn cậu ta đang rất nhớ chị gái mình.
Bữa cơm trưa vội vàng, cuối giờ Ngọ cả nhà không phân biệt chủ tớ, cùng xắn tay dọn dẹp và trang trí nhà cửa đón Tết. Đỗ Quân xin nghỉ nửa buổi, không nề hà mà trèo lên hẳn mái nhà quét xuống một đống lá khô.
Phận ăn gửi ở nhờ như tôi và Đoàn Nhữ Hài đương nhiên phải tỏ ra chăm chỉ bậc nhất, đến cổng tôi cũng tranh lau rửa.
Anh em họ Đỗ vô cùng khó xử nhưng bị tôi lườm xéo: "Không để tôi làm thì mẹ tôi sẽ làm đó!"
Vậy là họ đành lui lại phía sau, không giành khăn lau của tôi nữa.
Đỗ Quân dán một dòng chữ đỏ ngoài cổng lớn, thấy tôi chen ra nhìn liền đọc lớn: "Thần Trà Uất Luỹ".
Tôi biết điển tích này, tác giả Phan Kế Bính nhắc tới trong cuốn "Việt Nam phong tục" như sau:
Điển này do ở trong Phong tục thông có nói rằng: Ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai ông thần, gọi là Trần Trà Uất Luỹ, cai quản đàn quỷ. Hễ quỷ nào làm hại nhân gian thì hai thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dùng bốn chữ ấy, có ý để cho quỷ sợ mà không dám vào cửa.
Hai vị thần này cũng xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam, chính xác là "Sự tích cây đào". Thực ra đọc rồi mới biết, câu chuyện cổ tích này không nói về việc cây đào xuất hiện như thế nào, nguồn gốc xuất xứ ra sao mà nó giải thích lý do người Việt ta lại có phong tục sắm sửa trang trí cây đào trong nhà những ngày Tết đến xuân về.
Hai vị thần kể trên, một vị tên Trà còn vị kia tên Uất Luỹ trú ngụ trên một cây đào lớn, cành lá xum xuê ở phía đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt. Hai thần che chở bảo vệ dân chúng Đại Việt, đám quỷ dữ ma quái rất kinh sợ uy vũ sấm sét của hai thần, đến mức trông thấy cành đào thôi là phải túm váy chạy trốn thật nhanh.
Những ngày cuối năm thần Trà, Uất Luỹ phải lên thiên giới chầu Ngọc Hoàng. Vắng mặt thần một cái là lũ quỷ quái lại lộng hành phá phách nhân gian. Vậy là dân chúng đành phải bẻ một cành đào cắm trong lọ rồi để trong nhà, hoặc không kịp chuẩn bị thì dán tên dán hình của hai vị thần dán ở cửa để xua quỷ đuổi ma.
Đến chiều tối mới tạm xong xuôi mọi việc, đám gia nhân lại bận bận rộn rộn chuẩn bị hương án cùng mâm cơm cúng giao thừa. Đến khi cả nhà có thể ngồi lại quanh bàn ăn thì Đỗ Quân cũng phải quay trở lại cung cấm.
Nghe nói tối nay trong cung tổ chức một buổi đại tiệc, các mỹ nữ đàn ca sáo nhị, múa may quay cuồng tiễn năm cũ mừng năm mới. Đương nhiên những lễ tiệc kiểu này thì không thiếu hoàng thân quốc thích, các vị quan lớn đều tham dự.
Đỗ Quân là Ngũ đô chỉ huy sứ, trực tiếp chịu trách nhiệm bảo vệ Quan gia nên chắc chắn phải có mặt. Còn Phạm Bân tuy chỉ là một y quan nhỏ bé nhưng lại xui xẻo dính đúng ca trực đêm nay, qua tiệc mới được về.
Thế là trong bữa cơm tối ba mươi chỉ có Đỗ Chi là chủ nhà, còn lại là ba mẹ con chúng tôi và hai vợ chồng Dương Thu Nguyệt là sáu người.
Đám Tị Dần cũng tụ tập một bàn riêng, không ngồi chung với gia chủ.
Tính ra không có Đỗ Quân và Phạm Bân lại giống như thiếu đi cái gì đó để kết nối mọi người. Cả bàn chỉ trò chuyện xã giao vài câu rồi chỉ yên lặng ăn cơm, có chăng là hai vợ chồng Dương Thu Nguyệt thì thầm, hay Đoàn Nhữ Hài và tôi chăm chỉ gắp món ăn mời mẹ.
Gần nửa đêm, mẹ tôi đã có tuổi nên đi nghỉ sớm còn cả đám trẻ chúng tôi vẫn tụ họp ở gian chính, vừa bóc hạt ăn vừa chờ tới giao thừa. Gia nhân đứng ở cổng, tay cầm sẵn pháo đỏ.
Tên Đoàn Nhữ Hài thiếu kiên nhẫn, qua một chốc đã ngáp ngắn ngáp dài rồi xin phép lui trước. Dương Thu Nguyệt chỉ hơi nghiêng người kêu đau lưng là Đặng Công đã rối rít đỡ về phòng nghỉ ngơi.
Tưởng rằng cuối cùng ít nhất sẽ còn Đỗ Chi đón giao thừa cùng tôi, ấy vậy mà Phạm Bân lại chạy xồng xộc từ bên ngoài vào.
Thằng Sanh hớt hải hôm bộ "đồ nghề" phía sau, luôn mồm gọi cậu chủ đi chậm lại. Thì ra Phạm Bân lo lắng mình sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc giao thừa bên cạnh Đỗ Chi nên đã cố gắng sắp xếp, dù đại tiệc trong cung chưa kết thúc thì cũng được về nhà.
Chủ tớ chạy như bay trong đêm tối, thậm chí Phạm Bân còn vấp ngã tới hai, ba lần trên đường. Tôi vội quan sát, thấy vạt áo của hắn quả thật đã bị dính bẩn.
Đỗ Chi thấy hôn phu về, vội vã kéo vào phòng thay đồ và tới gian thờ để cúng giao thừa thay cho anh trai.
Kết quả, gian chính chỉ còn lại tôi, đĩa hạt trên bàn cũng hết sạch. Tôi xoa xoa tay rồi chùm áo lên đầu, chạy ra cổng với đám Dần Tị.
Dần thấy tôi liền cười hì hì, nhét vào tay tôi cây pháo nhỏ. Phía xa bỗng nhiên bừng sáng cả một góc trời, pháo hoa nổ liên hồi. Đám gia nhân cũng vội đốt pháo trên tay, luôn miệng nói năm mới vui vẻ.
Cây pháo của tôi cũng nổ bụp bụp trông rất vui mắt. Tị nói: "Khi pháo hoa rực rỡ thì cũng chính là thời điểm đất trời chuyển giao sang năm mới đó cô Niệm Tâm."
Pháo hoa này là từ phía nội cung của Đại Việt.
Tôi mỉm cười thì thầm: "Năm mới bình an."
Đã bước sang năm Kỷ Hợi (tức 1299) – Hưng Long năm thứ Bảy. Trần Thuyên lên ngôi trị vì đất nước được bảy năm rồi.
Được một lúc thì Tị xua tôi về phòng, nó phải dọn dẹp qua một lúc mới đi ngủ được. Tôi không từ chối, nói qua loa vài câu rồi lững thững trở về phòng mình.
Bỗng thấy gian phòng Đoàn Nhữ Hài vẫn sáng đèn, tôi quyết định ghé qua chúc mừng năm mới cậu em hờ của mình.
Đoàn Nhữ Hài ngồi lặng như tờ bên ngọn đèn, chăm chú đọc sách. Cậu ta nhập tâm đến nỗi tôi đã đứng ở cửa phòng một lúc lâu mà cũng không phát hiện ra, tay phải thi thoảng vẫn chấm mực ghi ghi chép chép.
Tôi đành hắng giọng một cái, Đoàn Nhữ Hài giật mình đánh rơi chiếc bút lông xuống đất. Nếu là bình thường thì cậu ta đã lên tiếng trách móc tôi rồi.
"Em trai, năm mới vui vẻ!" Tôi cười cười.
Đoàn Nhữ Hài từ tốn nhặt bút đặt lên bàn, đứng dậy đi về phía tôi.
"Mong chúng ta tất thảy đều bình an, không cầu giàu sang phú quý." Cậu ta gật đầu.
Tôi không ngờ Đoàn Nhữ Hài lại chúc thật tâm tới như vậy, nhất thời không biết phản ứng như thế nào.
Câu "không cầu giàu sang phú quý" kia lại là từ một danh thần nổi tiếng trong tương lai của nhà Trần nói ra, mà bản thân Đoàn Nhữ Hài không biết rằng mình về sau sẽ trở thành một trong những trụ cột dưới thời vua Anh Hoàng.
Em trai hờ Đoàn Nhữ Hài của tôi ấy mà, vừa có năng lực về ngoại giao lẫn nội trị, được Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và cả Trần Hiến Tông hết mực tin tưởng mà giao cho các chức vụ cao trong triều.
Đại khái có thể tóm gọn trong năm chữ: "Tuổi trẻ nắm trọng quyền". Nếu tôi không nhầm thì chỉ năm nay hoặc năm sau là cậu sẽ được bổ nhiệm làm quan lớn, rạng danh gia tộc.
Chúng tôi chỉ trò chuyện vài câu ngắn ngủi rồi ai về chốn nấy. Nằm trong chăn ấm, mắt tôi đã bắt đầu không chịu nổi mà díu cả vào.
Sau một thời gian sống tại triều Trần, tôi đã hoàn toàn quen với thời gian biểu của người xưa: Cuối giờ Tuất* đã thổi tắt đèn đi ngủ. Thật nhớ một thời oanh liệt chuyên thức tới hai ba giờ sáng xem phim, sáng vẫn có thể dậy sớm đi học như thường.
(*) Giờ Tuất: Từ 19h-21h tối, cuối giờ Tuất là khoảng gần 21h.
Đang mơ mơ màng màng, tôi giật mình tỉnh giấc bởi tiếng động kỳ lạ phát ra từ phía cửa sổ. Cả người tôi như nổi lên một tầng băng giá, nỗi sợ hãi lan dần.
Tay tôi lần mò trong bóng tối, cầm chắc được cây gậy gỗ để dưới gối liền thấy trái tim đang nhảy nhót liên hồi cũng tạm ngoan ngoãn.
Tiếng gõ cộc cộc lại vang lên giữa đêm khuya vắng lặng.
Tôi bình tĩnh xuống giường, hai tay nắm cây gậy gỗ giơ cao rồi tiến gần đến cửa sổ.
Là ma thì có thể bó tay chịu trói, nhưng đã là người thì ăn một gậy cũng đủ choáng váng, thừa thời gian để tôi gào lên cứu mạng. Tôi nín thở theo từng bước chân, chốc lát đã đứng sát bên cửa sổ.
"Niệm Tâm..."
Lại còn dám gọi tên tôi! Ký ức không mấy vui vẻ về người bạn cũ của Đỗ Chi khiến tôi sởn da gà.
Gậy gỗ giơ cao thêm một chút, tôi nắm chặt tay.
"Niệm Tâm... là ta!"
Trần, Trần, Trần Thuyên?
Cửa sổ bật mở, tôi thấy tên nhóc Trần Thuyên đang dựa vào tường, cả người mang dáng vẻ lười nhác rất dễ ghét.
Ánh trăng tạc rõ nụ cười mơ hồ trên gương mặt anh, tôi vội thu gậy vào sau lưng.
Còn chưa kịp lên tiếng anh đã thì thầm: "Có muốn đi dạo một chút không?"
Được rồi, nửa đêm tới gõ cửa gái nhà lành rủ đi chơi, sở thích của bậc đế vương đúng là rất kỳ lạ.
Tôi mím môi: "Bây giờ?"
Trần Thuyên gật đầu, khẽ nói: "Cùng ta đón năm mới."
Cơn buồn ngủ bay biến sạch sẽ, tôi không để lỡ phút giây nào mà khoác vội áo rồi trèo ra ngoài cửa sổ với Trần Thuyên.
Bờ tường vốn không cao, Trần Thuyên đỡ tôi nhảy qua tương đối dễ dàng. Chân chạm đất, Trần Thuyên lại lảo đảo ngã dúi dụi vào tôi.
Không thấy hương trà nhạt quen thuộc mà thay vào đó là mùi rượu thoang thoảng, tôi bỗng nhớ ra trong cung vừa mới tổ chức đại tiệc mừng năm mới, chẳng trách.
Tôi đẩy anh ra, giả vờ trách móc: "Năm mới năm me đã phải lén lút ra ngoài, thật không ra thể thống gì!"
Trần Thuyên nghe vậy liền bật cười: "Phải, không ra thể thống gì!"
Anh đứng thẳng người, vuốt vuốt lại vạt áo. Hoá ra Trần Thuyên cũng giống tôi, chỉ khoác hờ một chiếc áo dày phía ngoài. Bên trong anh vẫn mặc giao lĩnh vàng, đại đới thắt hông. (1)
Thấy tôi nhìn chằm chằm, Trần Thuyên liền giải thích: "Pháo hoa vừa bắn là ta cũng lấy cớ say để trốn khỏi tiệc rượu, Thành An đã mang sẵn áo khoác theo, chỉ việc rời đi mà thôi..."
"Thành An" mà Trần Thuyên vừa nhắc đến là một nhân vật không tầm thường – Nhất đẳng Ngân bài thị vệ.
Nếu nói Đỗ Quân là cánh tay phải thì Thành An chính là cánh tay trái của Trần Thuyên.
Theo hướng nhìn của anh, lúc này tôi mới nhận ra vẫn luôn có hai người đứng ở cách chúng tôi không xa, mỗi người đang cầm một chiếc đèn lồng.
Bách Chu đã có quen biết với tôi từ trước nên chỉ cúi đầu chào, tôi cũng vui vẻ chúc mừng năm mới cậu bé.
Thành An rất tự nhiên trao cho tôi chiếc đèn lồng, sau đó chắp thành quyền nói: "Thành An lần đầu diện kiến tiểu thư Niệm Tâm."
Trên mặt y có một vết sẹo nhỏ ở nơi gò má, nhưng nó không hề làm mất đi vẻ ưa nhìn của y. Dựa vào ngoại hình, tôi đoán Thành An cũng phải gần ba mươi rồi.
Không đợi Trần Thuyên ra lệnh, Thành An và Bách Chu tự động lui ra phía sau mất dạng như muốn tạo không gian riêng cho hai chúng tôi.
Trần Thuyên nhẹ nhàng thay tôi cầm lấy cán đèn lồng, tay còn lại lưỡng lự hồi lâu rồi quyết định chắp phía sau lưng.
Phố xá kinh thành im lìm sau khoảnh khắc giao thừa, nếu để ý kỹ vẫn còn ngửi thấy mùi pháo vấn vít.
Thiên hạ Đại Việt an ổn sau những trận đánh lớn, dân chúng được đón Tết trong yên bình, tôi đoán Trần Thuyên đang rất tự hào sau nụ cười mỉm cười kia.
Anh kể cho tôi nghe về ngày hôm qua của mình, từ việc phải làm lễ với các quan, xong xuôi thì bái yết Tiên Vương. Chưa kịp ăn uống gì đã phải dự lễ Khu Na xua đuổi tà ma của đoàn thầy tu, mãi đến gần giao thừa mới được miếng một miếng bánh.
Trần Thuyên than thở: "Mọi năm tưởng đã quen rồi, ấy vậy năm nay lại cứ thấy nóng ruột."
"Vì sao vậy?" Tôi liền hỏi.
Trần Thuyên lắc lắc đầu: "Không rõ, gặp nàng rồi mới đỡ được đôi chút."
Tôi dừng bước, đứng yên tại chỗ. Trần Thuyên đi lỡ thêm một chút rồi cũng dừng lại, quay người nhìn tôi thắc mắc.
Tôi nheo mắt, cắn môi: "Quan gia nhất quyết muốn gặp tôi vào lúc này, là vì sao?"
Trái với suy nghĩ, Trần Thuyên không hề tránh né cái nhìn của tôi.
Anh dịu dàng kéo mũ đội lên đầu tôi, cười cười: "Chỉ có nàng mới thắng thắn đến mức này, và cũng không chịu thể hiện bất cứ điều gì như thế này."
Tôi liền cười rộ lên: "Sao nào? Quan gia cùng tôi trèo tường ra ngoài vào đêm giao thừa chỉ để nói chuyện phiếm à?"
Đèn lồng đung đưa, trăng sáng vằng vặc.
Trần Thuyên hắng giọng.
"Trẫm muốn nàng dần dần, từng chút một cảm nhận được tâm ý của trẫm."
Trong lòng tôi... như có nham thạch trào dâng.
Khi nói những lời này, Trần Thuyên đang nhìn về phía xa xăm. Có nghĩa, đây là câu trả lời dành cho tôi và cũng là anh tự nói với chính mình.
Tôi vờ bình tĩnh, muốn đè nén cơn bão đang nổi lên trong lồng ngực: "Tâm ý gì cơ?"
Lần này, đến lượt Trần Thuyên không ngờ rằng tôi vẫn có thể hỏi một câu vô liêm sỉ tới như thế. Anh như bị đóng băng, biểu cảm chỉ một từ "đơ".
Anh trả lời tôi một cách đầy gian xảo: "Không nói cho nàng biết."
- ------
"Tôi thật sự rất muốn về nhà."
Trên thuyền lớn lênh đênh từ lộ Bắc Giang về kinh đô, tôi đã nói với Trần Thuyên như vậy. Khi ấy, vì cái chết của gia đình Hỷ mà tâm trạng tôi kém vô cùng. Tôi cùng Trần Thuyên uống gần hết một vò rượu, tửu lượng của tôi cũng khá tốt nên chỉ thấy hơi biêng biêng đầu óc.
Rượu vào lời ra, tôi đã muốn nói thẳng với anh rằng Niệm Tâm này chỉ là mượn xác hoàn hồn chứ không hoàn toàn là người con gái mà anh đã gặp mười năm trước nữa.
Nhưng đương nhiên, tôi cần phải giữ lại đường lui cho chính mình nên không dám quá đà mà chỉ nói một cách mông lung.
"Nàng muốn rời khỏi kinh đô?" Trần Thuyên đặt vội chén rượu xuống bàn.
Tôi lắc đầu: "Là rời khỏi thời đại này, về với gia đình thật sự của tôi."
"Nàng..."
"Quan gia nghe tôi nói đã." Tôi vội ngắt lời Trần Thuyên. "Tôi đã quen với cuộc sống an nhàn, ăn sung mặc sướng. Quen với chế độ một chồng một vợ, yêu nhau thì phải có thời gian tìm hiểu, phát triển tình cảm vài năm rồi mới lấy nhau..."
"Như thái y Bân và Đỗ Chi..."
"Bởi vậy cuộc sống ở đây khiến tôi thấy rất khổ sở. Tôi không thích phải suy nghĩ nhiều, không thích phải tranh giành mệt mỏi. Quan gia có hiểu không? Tôi không thuộc về nơi này!"
Trần Thuyên gỡ chén rượu ra khỏi tay tôi, vẫy tay ra hiệu Bách Chu tới dọn dẹp.
Tôi vẫn cố hỏi thêm: "Quan gia hiểu tôi muốn nói điều gì chứ?"
Ý tôi là nếu được thì xin hãy chu cấp thật nhiều thật nhiều tiền cho tôi, để tôi được sống cuộc sống dư giả thoải mái mà tôi hằng mơ ước!
Cái việc mượn rượu để nói lời thật lòng này ấy mà, lúc nào cũng hiệu quả hết.
Trần Thuyên gọi một cô nhóc tì giúp việc trên thuyền tới đỡ tôi về phòng, đến khi tôi chuẩn bị bước ra khỏi bậc cửa mới hồi đáp: "Ta hiểu."
Nghe vậy, tôi mỉm cười hài lòng.
- --
(1) Đại đới: "...dải đai thắt lưng, được làm bằng lụa, hai đuôi đai dài buông thõng." (Theo sách Ngàn Năm Áo Mũ của tác giả Trần Quang Đức).