Chàng ngoại quốc bức xúc kể lại rằng rõ ràng người phụ nữ vào trước anh chỉ để lại có mười đồng tiền, vừa kể anh ta vừa thọc tay vào túi trải ra đúng mười đồng tiền kêu lanh canh trên bàn, nhưng đã có thể mang đi một chiếc áo lành lặn mới cứng. Anh ta chỉ muốn mua một khúc vải có màu tương tự mà lão chủ tiệm này lại bắt anh trả những ba mươi đồng. Lời qua tiếng lại nhưng không hiểu nhau, cuối cùng cãi lộn ầm ĩ.
Tôi liền đem nỗi ấm ức của chàng trai ngoại quốc kể lại cho ông chủ tiệm, khiến mặt ông ta như dài thêm cả thước.
Chủ tiệm vải cười khổ nói với tôi: "Người phụ nữ ấy đem áo của chồng tới sửa nên tất nhiên chỉ mất có mười đồng, còn tên mặt đen này lại muốn mua một khúc vải mới, giá ba mươi đồng đâu có đắt!"
Tôi nghe chủ tiệm vải gọi anh chàng ngoại quốc kia là tên mặt đen mà bật cười, không nhịn được khen ông ta hai tiếng hài hước, khiến khuôn mặt dài thượt của ông ta đã xám ngoét nay lại trở nên tăm tối hơn.
Rắc rối đã được giải quyết, chàng trai ngoại quốc hào phóng để lại cho chủ tiệm vải hẳn bốn mươi đồng tiền, nhờ tôi xin lỗi.
Dĩ hòa vi quí, mọi người đều vui vẻ, một vài người trong đám đông còn dành tặng tôi đôi mắt ngưỡng mộ với khả năng chém gió thành thần với người ngoại quốc như khi nãy.
Đám đông tản dần đi, tôi nhìn thấy Trần Thuyên cùng Nguyễn Tái vẫn kiên nhẫn đứng chờ mình, sắc mặt không tốt cho lắm. Tôi vênh mặt đi về phía họ, nhưng chỉ mới bước được hai bước thì cả người đã bị kéo giật lại.
Là anh chàng ngoại quốc kia. Khi nãy anh ta có giới thiệu tên mình, là một cái tên dài bằng Hà Nội vào tới Đà Nẵng, tôi không ngần ngại bỏ qua mọi chi tiết rườm rà và gọi anh ta là Chân. Rất xin lỗi, nhưng đó là tất cả những gì tôi có thể đúc kết được sau khi suýt bất tỉnh vì cái tên quá độc đáo của anh, thật sự xin lỗi.
Chân lúng túng nói: "Tâm, cô... đi với tôi. Giúp... tôi...."
Tôi còn chưa kịp từ chối thì Trần Thuyên đã lao lên, khẽ gạt Chân ra rồi lạnh lùng nhìn tôi, nói như ra lệnh: "Trở về thôi."
Nhìn cậu nhóc nhỏ bé này đứng với anh chàng ngoại quốc to cao kia mà tỏ vẻ, tôi thật sự muốn xoa đầu cậu một cái. Tôi đâu có ngu, chạy theo tên ngoại quốc này để chịu khổ thay vì sống sung sướng bên cạnh thái tử Đại Việt? Thật hoang đường!
Tôi khẽ cười, lịch sự hướng đến Chân và giải thích: "Tôi là của cậu ấy. Cậu ấy không cho tôi đi đâu."
Câu nói này có chút mờ ám, tôi liền bổ sung: "Đây là cậu chủ của tôi."
Thấy thái độ dứt khoát của tôi, Chân cũng không nài nỉ thêm. Anh ta cười cảm ơn tôi rồi đặt vào tay tôi một chiếc vòng thổ cẩm, hình như vừa mới tháo khỏi tay.
Tôi không tiện từ chối, liền mỉm cười gật đầu, nhét chiếc vòng vào áo.
Chúng tôi chia tay nhau, Chân tiếp tục cuộc hành trình của mình, tôi lại cảm thấy hơi tiếc nuối. Trong thời đại này để có thể đi tới một quốc gia khác, lại mặc quần áo của họ, cố gắng giao tiếp với họ không phải là một chuyện dễ dàng. Giá mà tôi có thời gian nghe Chân kể chuyện thì hẳn là sẽ rất thú vị.
Trần Thuyên đi song song với tôi, nhăn nhó nói: "Sao chị cứ phải đi lo chuyện thiên hạ như vậy?"
Tôi hếch mũi hỏi lại: "Ý cậu là việc giúp người ngoại quốc kia?"
Nguyễn Tái nghe chúng tôi đấu khẩu, tỏ ra muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi.
"Cả hai vợ chồng khi nãy nữa." Trần Thuyên hừ giọng.
Tôi thở dài, lắc lắc đầu lầm bầm: "Chỉ sợ oan Thị Kính."
"Thị Kính cái gì?" Trần Thuyên tò mò hỏi.
Tôi thấy thương xót cho kiến thức hạn hẹp của Trần Thuyên, quyết định kể lại cho cậu ta nghe một đoạn trong câu chuyện Quan âm Thị Kính.
Trần Thuyên nghe xong liền bức xúc nói: "Sao lại có thể như vậy được!"
Nguyễn Tái gật gù giải thích: "Muốn tu thành chính quả phải trải qua rất nhiều kiếp nạn."
Tôi đi bên cạnh, chỉ muốn hú lên vàng tiếng cho vơi bớt uất ức. Chẳng trách người ta vẫn thường nói, để tìm được tri kỷ hiểu lòng mình thật sự rất khó khăn.
Tôi quay ngoắt lại hét vào mặt Nguyễn Tái: "Sai rồi! Sai rồi! Là nỗi oan, nỗi oan có hiểu không?"
Có lẽ mặt tôi khi ấy đáng sợ lắm mà khiến một Nguyễn Tái luôn tỏ vẻ bình tĩnh phải đổ mồ hôi hột, gật đầu như cái máy không dám kháng cự.
Tôi hài lòng quay trở lại với Trần Thuyên, cười nói dịu dàng: "Thái tử hiểu không?"
Trần Thuyên bình tĩnh trả lời: "Oan Thị Kính."
"Thái tử giỏi quá!" Tôi cười híp mắt khen ngợi.
"Còn chuyện sau đó thì sao? Thị Kính có được giải oan không?"
Tôi gãi đầu xấu hổ nói: "Thị Kính còn phải chịu nhiều nỗi oan khuất khác, đến lúc chết mới được giải oan. Chi tiết thì tôi không nhớ lắm, có dịp sẽ kể lại cho thái tử nghe."
Trần Thuyên cũng không hỏi thêm nữa mà chỉ gật đầu, khuôn mặt đượm vẻ thương cảm. Tôi tập trung quan sát cậu ta, nhận thấy cậu thực sự không chỉ là một người bình thường.
Tuy Trần Thuyên hay cằn nhằn, có khi nổi cáu với tôi nhưng lại có những lúc sâu sắc tới mức đáng sợ. Chỉ mới mười mấy tuổi mà đã bàn chuyện "quốc sự", nhưng vẫn là con người đó lại đòi ăn mỳ ở ngoài đường.
Tôi thầm nghĩ có khi nào cậu ta cũng "đa nhân cách" như mình không?
Nhưng dù thế nào thì Trần Thuyên cũng đang ở độ tuổi dễ uốn nắn, tôi phải tranh thủ truyền thụ cho cậu ta một chút kiến thức thời hiện đại, không thể làm xấu mặt hiệp hội những người vượt thời gian được.
"Vậy mới nói..." Tôi khẽ hắng giọng, giả bộ nói một mình nhưng vẫn cố ý cho Trần Thuyên nghe thấy. "Phụ nữ ở thời đại này thật khổ, vốn không có tiếng nói, nếu bị hiểu lầm cũng chẳng biết kêu ai. Sau này nếu ai đó lấy vợ thì cần phải đối xử với vợ mình tốt một chút, đừng để cô ấy phải chịu khổ."
Trần Thuyên trầm ngâm đi bên cạnh, rõ ràng là rất chăm chỉ tiếp thu lời tôi dạy.
Mãi sau đó tôi mới nhớ ra rằng tương lai của Trần Thuyên chính là ở trên ngai vàng kia, mà như thế nghĩa là sao? Tuy rằng không đến mức tam cung lục viện nhưng đã là hoàng đế cũng có không ít phi tần. Khi hoàng đế đối xử với hậu cung của mình ai ai cũng như nhau thì họ lại càng đấu tranh mãnh liệt để giành được sự sủng ái hơn cả. Nhưng dù sao nghĩ cũng chỉ là nghĩ thôi, chuyện này vốn đâu có liên quan tới tôi.
Nguyễn Tái ho khù khụ phía sau, không biết có ý gì nhưng tôi chắc chắn chẳng có gì tốt đẹp.
Tôi nhếch mép nói với y: "Học sĩ có biết cách tốt nhất để đối xử với một người con gái là gì không?"
Nguyễn Tái lắc đầu tỏ vẻ vô tội: "Là gì?"
Tôi liền cười đáp: "Chính là đừng có lấy cô ấy làm vợ."
Nói xong không thèm để ý tới y, tôi vui vẻ tiếp tục trò chuyện với Trần Thuyên. Lời nói đùa vô thưởng vô phạt của tôi, vốn cũng không có ác ý gì hóa ra lại trùng khớp với cuộc đời của Nguyễn Tái.
Có lẽ chỉ khoảng hai mươi năm sau, vị học sĩ này sẽ xuất gia, quy y cửa phật. Kể từ khi trưởng thành cho tới thời điểm gần đất xa trời, Nguyễn Tái không gần gũi với bất kỳ cô gái nào. Dù Trần Nhân Tông hay Trần Anh Tông đã nhiều lần gợi ý nhưng Nguyễn Tái vẫn kiên quyết từ chối.
Chúng tôi chỉ ở lại hành cung Tức Mặc thêm hai ngày, sau đó tôi nghiễm nhiên được sắp xếp một chân đi cùng xa giá trở về kinh thành. Tôi không có ý kiến gì, lẳng lặng nhét bộ váy hoa cúc cùng chiếc máy ảnh vỡ nát vào trong ba lô sau đó leo lên xe ngựa ngồi cạnh Trần Thuyên.
Quãng đường chim bay từ phủ Thiên Trường về tới Kinh thành Thăng Long có lẽ chỉ khoảng hơn tám mươi cây số nhưng giờ đây ngồi xe ngựa lọc cọc trên đường thế này tôi đảm bảo ít nhất cũng phải mất trên dưới một ngày mới về tới nơi.
Thấy tôi chán nản dựa vào thành xe, mặt mũi nhợt nhạt vì xóc lên xóc xuống thì Trần Thuyên cuối cùng cũng tiết lộ một chi tiết quan trọng: Chỉ một lát nữa là chúng tôi sẽ tới bến thuyền, con đường nhanh nhất để trở lại kinh thành là đi thuyền, khi ấy thời gian sẽ được rút ngắn đáng kể.
Nghe Trần Thuyên nói tôi mới nhớ ra rằng hệ thống sông ngòi thời phong kiến rất khác so với hiện đại. Trong thành Thăng Long thời bấy giờ có không ít sông hồ như sông Lô, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, hay hồ Bảy Mẫu, hồ Thuỷ Quân...
Với hệ thống sông ngòi thông thoáng như vậy cũng đã hình thành nên nhiều bến thuyền tấp nập thuyền bè vào buôn bán.
Đến bến thuyền, tôi thấy có hai chiếc thuyền lớn đang đậu, được trang trí hoa văn uốn lượn sặc sỡ. Nguyễn Tái đi tới bên cạnh nói, chiếc thuyền lớn hơn chính là thuyền ngự của Quan gia, chiếc còn lại dành cho thái tử cùng những người như Nguyễn Tái đi theo.
Hoàng đế thời Lý Trần thường có ý tách thái tử ra, rèn cho tính cách độc lập nên rất ít khi ở cạnh. Hình như tới cả Đông cung của thái tử cũng được xây bên ngoài cấm thành thì việc không đi cùng thuyền cũng không có gì lạ.
Thuyền lướt nhẹ trên mặt nước, không có cảm giác bị chòng chành khiến cái đầu đang quay mòng mòng của tôi đã có chút ổn định lại.
Trần Thuyên ngồi ngay cạnh chỗ tôi đang đứng, chậm rãi uống trà hít khí trời, khuôn mặt hưởng thụ vô cùng.
"Này, chân thái tử cũng có hình xăm à?" Tôi tò mò lên tiếng.
Nguyên là khi nãy tôi thấy một đám người cởi trần xắn quần tới đầu gối ở bến thuyền, ai nấy đều có hình xăm thú vật vào đùi, trônguốn lượn rắc rối nên chỉ với một cái nhìn thoáng qua tôi không thể biết được là loài vật nào.
Tôi vốn không tưởng tượng được ra Trần Thuyên với một hình xăm hầm hố trên người, nhưng trong đầu thật sự không nghĩ nổi chủ đề nào khác để bắt chuyện với cậu.
Cậu ta nghe tôi hỏi thì sặc cả nước trà, phải ho mất một lúc mới ngưng lại được. Cũng may chúng tôi vừa mới chuyển một gian phòng riêng, cách với gian ngoài là Nguyễn Tái cùng một vài vị quan khác một lớp cửa, không ai nghe được câu hỏi hỗn láo của tôi.
Trần Thuyên lấy khăn lau miệng, chậm rãi trả lời: "Vẫn chưa có."
"Vậy là sau này sẽ phải xăm à?" Tôi tò mò hỏi.
Cậu ta nhìn tôi như thể sinh vật lạ, miễn cưỡng gật đầu. Tôi dựa người nhìn ra ngoài cửa sổ, không hỏi thêm nữa. Đầu óc hơi choáng váng, tôi khẽ nhắm mắt vào, cuộc trò chuyện ngắn ngủi dừng lại ở đây.
Trong phòng chỉ có hai người có hơi ngột ngạt, nhưng Trần Thuyên biết ý nên không để bất cứ ai khác vào, tránh cho tôi khó xử. Thấy mặt tôi nhợt nhạt như vậy, cậu liền đề nghị ra ngoài lấy nước cho tôi uống.
Quả thật, Trần Thuyên rất xứng đáng nhận giải thưởng vị thái tử tính tình thoải mái nhất thế gian.
Trần Thuyên vừa ra ngoài được một lát thì chiếc máy đếm ngược trên tay tôi bắt đầu kêu lên từng hồi. Còn lại mười bốn phút năm chín giây. Mười bốn phút năm tám giây, năm bảy giây, năm sáu giây...
Phía gian ngoài xôn xao tiếng người, có lẽ tất cả ánh mắt đều đang đổ dồn vào căn phòng này. Tôi nghe tiếng bước chân dồn dập phía ngoài, biết chắc Trần Thuyên sắp trở lại, đầu óc trở nên càng rối loạn.
Tôi đẩy mạnh cửa sổ rồi trèo ra mạn thuyền, bên cạnh phòng là một hành lang rất hẹp chỉ đủ cho một hai người đi lại, vài bước chân bên phải là một người lính đang đứng nghiêm trang đang đứng.
Phía cửa phòng đã bật mở, Trần Thuyên xuất hiện, trên tay vẫn đang cầm một ấm trà. Rất nhanh, cậu nhìn thấy tôi hoảng hốt bên ngoài cửa sổ liền cất tiếng gọi. Đằng sau cậu là một đám người, ngay cả Nguyễn Tái cũng nhìn tôi với đôi mắt kinh ngạc.
Tiếng tít tít đếm ngược càng trở nên dồn dập, e rằng thời khắc biến mất không còn lâu nữa. Người lính phía mạn thuyền cũng đã chú ý, liền lập tức đi về phía tôi đang đứng. Trần Thuyên ném ấm trà xuống sàn thuyền, cũng đi thật nhanh ra cửa sổ.
Đúng lúc ấy một con sóng lớn đập vào thuyền khiến chiếc thuyền chao đảo. Tôi bị trượt chân, lại không thể bám víu vào bất cứ thứ gì, cả người ngã ngửa ra đằng sau. Trần Thuyên vươn người ra túm lấy tay tôi, ngón tay cậu chỉ mới chạm vào cổ tay tôi thì tôi đã ngã nhào xuống dưới nước.
Tôi còn chưa kịp cảm nhận được làn nước thì thân hình đã bắt đầu dịch chuyển, cả người run rẩy theo dòng điện đang chạy loạn lên trong lồng ngực.
Khi tôi đang dần biến mất còn nghe tiếng rất nhiều người nhảy xuống nước theo, trong lòng vô cùng xúc động, không ngờ cái mạng bé nhỏ này lại được quan tâm tới như thế!
Sự biến mất như vậy là quá hoàn hảo rồi, ít nhất không ai có thể thấy được cảnh tôi vượt thời gian, đây cũng là một thành công lớn. Hơn nữa, tôi không chỉ đem về cho thằng Đạt chiếc máy ảnh (đã dập nát) mà còn có hẳn hai bộ quần áo, tha hồ mà nghiên cứu.
Chỉ là, tôi hận mình không thể bình tĩnh mà để lại cho Trần Thuyên một câu nói sến súa đầy bi thương như kiểu "Xin đừng quên tôi" hay "Hãy giữ gìn sức khỏe nhé".
Lời cuối tôi dành cho cậu lại chỉ là một câu chửi thề vì bị hẫng chân ngã xuống nước.
Trần Thuyên, ba từ "mẹ nhà nó" ấy... xin cậu hãy quên đi!