Vận Quả Nhi kiệt sức quỳ rạp xuống bên cạnh hắn, Gia Khánh Tử vội bước lại đỡ ả, ả liền ôm chầm lấy Gia Khánh Tử nức nở khóc ròng, Gia Khánh Tử an ủi ả, nhưng chính mình cũng không cầm được rơi lệ, gia nô tì nữ còn lại trông thấy cũng ào ào quỳ xuống, bưng mặt khóc thương.
Thôi Bạch cùng ta đi qua đỡ Lý Vĩ, lo lắng gọi hắn, thấy hắn không đáp, hốc mắt cũng không khỏi rơm rớm, mặt lộ vẻ buồn đau.
Dương phu nhân có bệnh trong người, trước đó đại khái đang nghỉ ngơi trong phòng mình, lúc này trong vườn tiếng khóc dậy trời, kinh động tới bà, bà chống gậy lảo đảo đi ra, tóm lấy một thị nữ hỏi, biết Lý Vĩ uống rượu ngự Vương Vụ Tư mang tới, lập tức hiểu ngay nguyên do, nhất thời nước mắt đầm đìa, đầu tiên là ôm Lý Vĩ kêu mấy tiếng “Con ta”, sau đó giận tím mặt cầm quải trượng lên đi đánh Vương Vụ Tư, gào khóc: “Các ngươi giết con bà, bà đây liều mạng với các ngươi!”
Tiểu hoàng môn vội vàng ba chân bốn cẳng kéo bà lại, bà vùng vẫy, vừa khóc vừa mắng, Vương Vụ Tư lùi về sau hai bước, chỉnh lại ngay ngắn khăn chít đầu bị đụng lệch trong lúc né tránh trượng bà ban nãy rồi mới cười lạnh.
“Khóc cái gì!” Y nhìn mọi người chung quanh, cao giọng nói, “Rượu này không có độc!”
Người nghe kinh ngạc, tiếng khóc ngừng bặt. Vương Vụ Tư nói tiếp: “Rượu đô úy uống là rượu ngon hoàng hậu tự tay cất, tên là ‘Doanh Ngọc’, chưa từng bỏ thêm nửa giọt độc!” Đoạn, y chậm rãi đi tới trước mặt Lý Vĩ, cười nói: “Đô úy, vị rượu không tệ đúng không? Rượu của hoàng hậu không tùy tiện cho người khác, đến quan gia tới xin cũng chưa chắc người đã chịu cho đâu.”
Lý Vĩ kinh ngạc nhìn y, lát sau, hít thở sâu hai ba hơi, đại khái là không nhận thấy trong cơ thể có gì khác thường, bèn nghiêng đầu nói với Dương phu nhân và Vận Quả Nhi: “Ta không sao.”
Dương phu nhân kéo hắn nhìn trái nhìn phải, xác nhận hắn không có vấn đề gì, bấy giờ mới yên lòng, hay tay chắp thành hình chữ thập, bái tạ trời cao. Vận Quả Nhi cũng nín khóc mỉm cười, nắm tay Gia Khánh Tử thẹn thùng lùi ra sau lưng Lý Vĩ. Thôi Bạch nhìn Lý Vĩ, cũng cười nhẹ nhõm.
Lý Vĩ hồi thần, lập tức chắp tay với Vương Vụ Tư, nói ban nãy mẹ mình mạo phạm y, xin y lượng thứ. Vương Vụ Tư chỉ cười không tỏ ý kiến, chẳng để ý thêm nữa, xoay người gọi ta: “Hoài Cát, chúng ta đi.”
Trên đường về cung, y hung tợn phê bình hành động lỗ mãng của ta, truy hỏi ta vì sao hoài nghi trong rượu có độc. Ta đương nhiên không khai ra Đặng đô tri, chỉ nói mình vô tình nghe được một hai câu lúc y bàn bạc cùng hai vị nương tử trong gác. Y ngừng than thở, nói: “Cậu đã nghe thấy rồi thì ta cũng chẳng giấu cậu làm gì. Ban đầu đúng là Miêu nương tử muốn xin quan gia ban rượu độc cho phò mã, nhưng quan gia khó lòng quyết định, bèn đi thương lượng với hoàng hậu. Hoàng hậu nghe xong, nói: ‘Năm xưa bệ hạ là tưởng nhớ công ơn dưỡng dục của Chương Ý thái hậu, cảm thấy chẳng thể báo đáp nên mới nghĩ đến chuyện vinh sủng nhà cậu, để Lý Vĩ lấy công chúa, hôm nay sao lại nảy ra ý này? Nếu giết Lý Vĩ, tương lai yết kiến lăng tẩm biết phải đối mặt với hồn thiêng của Chương Ý thái hậu ở trên trời ra sao?’ Lúc ấy, Nhậm Thủ Trung hầu bên đế hậu, cũng xen lời: ‘Hoàng hậu nói chí phải. Huống hồ nếu phò mã chết vì bạo bệnh, chỉ e người đời sẽ sinh nghi, chúng ngôn quan cũng sẽ càng ầm ĩ gay gắt hơn.’ Quan gia nghe xong bèn từ bỏ ý tưởng ban rượu độc, ngay sau đó, hoàng hậu sai người lấy rượu Doanh Ngọc tới, bảo ta mang đi ban cho phò mã, cũng an ủi cậu ấy nhiều hơn, bảo cậu ấy kiên nhẫn đợi công chúa trở về. Ta mang rượu đi, đang nói chuyện với phò mã thì cậu lật đật chạy tới…”
Trở lại cung rồi, ta và Vương Vụ Tư kể lại chuyện xảy ra với đế hậu và Miêu hiền phi, ta cũng đưa bức tranh Lý Vĩ bảo ta chuyển cho công chúa cho họ xem, kim thượng cảm khái khôn xiết, có phần hổ thẹn, hoàng hậu trầm ngâm không nói, mà Miêu hiền phi khi nhắc tới Lý Vĩ cũng bớt phẫn uất hơn rất nhiều, chăm chú nhìn tranh Lý Vĩ vẽ, chỉ lắc đầu luôn miệng lẩm bẩm: “Ôi, oan nghiệt, thật đúng là oan nghiệt…”
Tình trạng của công chúa vẫn bất ổn, rất ít khi tỉnh táo, ta cũng chẳng dám cho nàng xem bức họa ngay, sợ nàng lại có phản ứng kịch liệt gì, bèn tạm thời cất đi, muốn đợi thời cơ thích hợp đưa cho nàng sau.
Ta vốn tưởng rằng mình sẽ bị phạt vì tự ý chủ trương chạy đến vườn phò mã báo tin, nhưng kết quả lại khác xa những gì ta nghĩ.
Hôm sau, đô tri Đặng Bảo Cát và Nhậm Thủ Trung song song báo tin vui cho ta, nói kim thượng vừa tuyên họ và nhập nội nội thị tỉnh áp ban, bảo họ bãi chức chủ quản phủ công chúa của Vương Vụ Tư, để ta theo công chúa về phủ làm nội thần chủ quản như trước, mệnh họ thu xếp tất thảy công việc tương quan.
Theo lệ, ta nên vào Phúc Ninh Điện tạ ơn, nhưng sau khi vào, ta lại xin kim thượng cho mình từ chối, nói mình là tội thần bị biếm trục, không nên quay lại đảm nhiệm chức vụ quan trọng, vẫn giữ Vương tiên sinh lại thì hơn. Song kim thượng lắc đầu, nói: “Vương Vụ Tư hành sự ngoan độc, không từ thủ đoạn, suýt nữa hại ta sa vào hố bất nghĩa, để hắn ở lại phủ công chúa, hắn ắt sẽ tiếp tục khích bác ly gián, gây ra nhiều rắc rối hơn. Mà ngươi tuy từng phạm sai lầm, song vẫn luôn giữ lòng mình thuần lương, rơi vào trạng huống như hiện nay cũng vẫn biết thương tiếc tính mạng phò mã, thế nên ta bằng lòng tin tưởng ngươi, tin ngươi về sau sẽ bảo vệ công chúa, đồng thời cũng tôn trọng phò mã, khuyên giải cả hai bên, thúc đẩy họ hòa thuận trở lại…” Thoáng dừng lại, ngài nhấn giọng hỏi ta, “Ngươi sẽ không phụ lời giao phó của ta đâu, phải không?”
Ta lặng thinh không đáp, một lúc lâu sau mới dập đầu bái lạy: “Thần lĩnh chỉ…”
Vế tạ ơn còn chưa nói ra, ngoài điện chợt vọng vào tiếng huyên náo nho nhỏ, như có ai đang tranh luận điều gì. Ta và kim thượng cùng đưa mắt ra ngoài xem, thấy một nội thị hấp tấp chạy vào, bẩm báo kim thượng: “Đồng tri gián viện Tư Mã Quang đang ở bên ngoài, xin được yết kiến quan gia.”
Kim thượng nhíu mày không vui: “Nói với y, hiện đã bãi triều, không phải lúc gián quan bẩm tấu, có chuyện gì đợi mai lên điện bàn sau.”
Nội thị thưa: “Thần đã nói vậy, nhưng y không chịu đi, kiên trì nói chuyện này không thể lần khân, nhất định phải diện thánh tiến ngôn trong hôm nay.”
Kim thượng hỏi: “Y muốn nghị chuyện gì?”
Nội thị trộm liếc ta, nhỏ giọng đáp: “Y nói, là chuyện quan gia cho Lương tiên sinh trở lại phủ Duyện quốc công chúa làm chủ quản.”
Nội thị còn chưa dứt lời đã nghe thấy tiếng Tư Mã Quang ở ngoài điện cao giọng: “Thần, Tư Mã Quang, có việc quan trọng cần diện thánh, khẩn cầu hoàng đế tuyên triệu.”
Đợi một chốc, không thấy kim thượng đáp lời, y lại lặp lại, liên tục nói đi nói lại câu này.
Kim thượng đỡ trán như nhức đầu không thôi. Tư Mã Quang tiếp tục thỉnh cầu không ngừng nghỉ, tiếng mỗi lúc một cao. Sau cùng, kim thượng chỉ vào màn che một bên ra hiệu ta lánh vào đó rồi bảo nội thị: “Tuyên y vào.”
Tư Mã Quang rảo bước vào trong, quy củ hành lễ rồi lập tức đi thẳng vào việc của ta: “Thần từng dâng tấu, nói nội thần chủ quản phủ Duyện quốc công chúa trước đây Lương Hoài Cát thân phạm trọng tội, xin đừng triệu về, nhưng bệ hạ không tiếp nhận. Chẳng ngờ hôm nay chúng thần lại nghe nói bệ hạ tuyên triệu nhập nội nội thị tỉnh đô tri và áp ban, cho Lương Hoài Cát quay lại phủ công chúa làm chủ quản. Tin tức truyền ra, bên ngoài xôn xao, không khỏi lấy làm quái lạ.”
Kim thượng cười khổ: “Các ngươi như có thuận phong nhĩ ấy nhỉ, tin tức linh thông quá chừng.”
Tư Mã Quang khom người, nói: “Quan tâm chuyện nhà chuyện nước của bệ hạ là bổn phận của chúng thần, chúng thần không dám lười biếng.”
Giơ cao triều hốt, y bắt đầu viện dẫn kinh điển, khuyên hoàng đế: “Thần nghe nói, thời Thái Tông hoàng đế, dực thiện (*) Duyện vương cung là Diêu Thản, hễ Duyện vương sai phạm, Diêu Thản tất sẽ tiến gián, xin Duyện vương cải chính, bởi thế nên Duyện vương và tùy tùng đều rất kiêng kị ông, sau đó, bọn tùy tùng xúi Duyện vương nói dối bị bệnh, hơn một tháng không lên triều yết kiến vua cha. Thái Tông vô cùng lo lắng, bèn triệu nhũ mẫu của Duyện vương vào cung, hỏi tình huống sinh hoạt thường ngày của Duyện vương. Nhũ mẫu nói: ‘Đại vương vốn không bệnh, chẳng qua Diêu Thản quản thúc quá nghiêm, đại vương hành động không được tự do nên buồn bực thành bệnh.’ Thái Tông nghe vậy nổi giận, nói: ‘Trẫm chọn người chính trực phò giúp Duyên vương là muốn dạy nó lương thiện, mà nay nó lại không chịu tiếp thu khuyên can, còn giả bệnh muốn trẫm đuổi chính nhân nghĩa sĩ đi hòng tùy tiện phóng túng, há có thể dung túng cho nó! Duyện vương còn trẻ, nghĩ không ra loại quỷ kế này, nhất định là các ngươi dạy nó.’ Đoạn, Thái Tông sai người kéo nhũ mẫu của Duyện vương ra vườn sau đánh hơn chục trượng, lại triệu Diêu Thản tới, thăm hỏi động viên. Thái Tông làm vậy chẳng lẽ là không thương con mình? Chính bởi thương con sâu nặng nên mới muốn nghiêm khắc với con, hướng con thiện lành. Nếu dung túng con muốn gì làm nấy, không nỡ khiển trách, kỳ thực chẳng khác nào hại con. Nay Duyện quốc công chúa bị nội thần ly gián, không hòa thuận với phò mã, bệ hạ cần noi theo Thái Tông, dạy bảo công chúa, nghiêm trị tội thần, mới có thể khiến công chúa tự biết ăn năn, yên bề gia thất.”
(*) Có thể hiểu là chức gián quan nhưng ở cấp vương phủ, phò trợ và khuyên can thân vương.
Kim thượng nói: “Duyện vương là nhi tử của Thái Tông, nếu hành vi không đoan chính, có khả năng sẽ gây ảnh hưởng tới xã tắc, đương nhiên phải dạy bảo nghiêm khắc. Nhưng công chúa tuy là ái nữ của trẫm, song cũng chỉ là nữ giới, dẫu có phạm sai thì cũng chỉ là tâm tính con gái, không tính là đại sự, trẫm sẽ tự tiến hành khuyên bảo. Khanh so với chuyện thân vương là có phần không thỏa đáng rồi.”
“Bất kể là thân vương hay công chúa cũng đều là con thiên tử, nhất cử nhất động đều được thiên hạ để ý, trong tương lai, hành vi của họ cũng sẽ được viết vào quốc sử cho hậu nhân đánh giá!” Tư Mã Quang phản bác, rất nhanh sau đó, y lại nghĩ ra một ví dụ khác, “Tề quốc Hiến Mục đại trưởng công chúa là con gái Thái Tông hoàng đế, em gái Chân Tông hoàng đế, cô của bệ hạ, có thể nói cao quý bậc nhất thiên hạ. Song Hiến Mục công chúa nhân hiếu khiêm cung, y như hàn tộc (*), phụng dưỡng một nhà phò mã Lý thị cũng trọn đạo làm dâu, kính trọng phu quân, không phạm đố kỵ. Đến nay người trong thiên hạ nhắc tới tấm gương phụ đức, ai cũng đặt Hiến Mục công chúa lên đầu. Hiến Mục công chúa không phải không biết thân mình cao quý, song lại quý mà không kiêu, thế nên mới giữ được phúc phần, hiền danh cũng có thể lưu truyền thiên cổ. Thần cho rằng, bệ hạ dạy công chúa nên noi theo Thái Tông hoàng đế; công chúa lấy lễ thờ chồng nên noi theo Hiến Mục công chúa. Như vậy, gia phong tốt đẹp của bệ hạ ắt sẽ rạng khắp tứ phương, mà tiếng tăm của bệ hạ và công chúa cũng sẽ lưu truyền hậu thế. Mà nay bệ hạ chiều ý công chúa, không quản thúc theo lễ pháp, dẫn đến công chúa không biết kính sợ, tính tình tùy hứng, thậm chí còn lấy tính mạng đe dọa quân phụ, khinh rẻ phu quân, không giữ phụ đạo. Nếu bệ hạ cứ mãi dung túng, sao đặng thúc đẩy tác phong nhân hiếu lễ nghĩa trong nước, làm gương sáng cho đời sau?”
(*) Ngược lại với quý tộc, chỉ dân thường.
Y dõng dạc hùng hồn nói hết những lời này, kim thượng vẫn trầm mặc không lên tiếng, Tư Mã Quang bèn tiến lên mấy bước, lại gần hạ bái kim thượng, một lần nữa nghiêm túc nêu thỉnh cầu của mình: “Quốc vương khác với người thường, hành sự lấy làm mẫu mực thiên hạ, cho nên gia đạo phải nghiêm, không thể phóng túng buông thả. Thần kính mong bệ hạ trục xuất Lương Hoài Cát, để hắn trở lại chỗ lưu đày trước kia. Nếu tùy tùng công chúa muốn làm bệ hạ triệu Lương Hoài Cát về, đó chính là muốn dạy công chúa bất thiện, cũng nên trị tội cả thảy, đuổi hết đi, chọn người cẩn thận hiền lương bù đắp lỗ hổng ấy.”
Kim thượng vẫn đáp lời khách sáo trì hoãn trước sau như một: “Ý của khanh, trẫm đã rõ, chuyện khanh nói, trẫm sẽ nghĩ lại. Mời khanh về trước, ngày mai lên điện chúng ta lại bàn.”
Tư Mã Quang vẫn không chịu thôi, nắm hốt một lần nữa vái lạy, khăng khăng đòi kim thượng ra quyết định ngay bây giờ: “Bệ hạ, thần nghe việc một lần nữa bổ nhiệm Lương Hoài Cát làm nội thần chủ quản phủ công chúa là vào hôm nay. Nếu bệ hạ chịu tiếp nhận lời can gián trung tâm của thần thì nên nhân khi còn chưa công bố sắc lệnh, tuyên triệu nhập nội nội thị tỉnh đô tri và áp ban, thu hồi khẩu dụ bổ nhiệm, bằng không một khi thánh chỉ ban bố, ắt sẽ kích thích trong ngoài triều đình bàn tán nhiều hơn, đến lúc đó lên triều tất chẳng tránh được lại thêm một hồi triều can.”
Kim thượng không vui, giọng điệu có phần bực bội: “Vì chút chuyện nhỏ này của nhà trẫm mà triều can, há chẳng phải chuyện bé xé ra to?”
Tư Mã Quang cao giọng đáp: “Nhà thiên tử không có chuyện nhỏ, chuyện nhà tức chuyện nước. Nếu bệ hạ chẳng thể tề gia thì làm sao trị quốc bình thiên hạ?”
Câu này làm kim thượng cứng họng, Tư Mã Quang lại dịu giọng, tiếp tục khuyên nhủ: “Bệ hạ nên nhanh chóng quyết định, nếu ngày mai lên điện nghị chuyện này, để ngôn quan luận chi tiết ngôn hành của công chúa trước mặt mọi người thì không hay.”
Đây đúng là một tình huống có thể làm kim thượng băn khoăn. Ngài suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng bất đắc dĩ thỏa hiệp với Tư Mã Quang, sai nội thị triệu đô tri và áp ban Hậu tỉnh tới, tuyên bố chuyện phục chức cho ta làm nội thần chủ quản phủ Duyện quốc công chúa còn cần cân nhắc thêm, tạm thời gác lại.
Tư Mã Quang nghe vậy lập tức bái lạy, tán tụng “Bệ hạ anh minh”, lại chuyển sang nói lời can gián cuối cùng trong ngày: “Mong bệ hạ răn cấm công chúa, luật pháp là thước đo của thiên hạ, công chúa nhiều lần làm trái chiếu lệnh, không tuân khuôn phép, tuy là con thiên tử, song bệ hạ cũng không thể thiên vị. Bệ hạ cần răn đe nghiêm khắc, làm công chúa về đúng đường ngay. Như vậy mới có thể giúp công chúa phúc lộc dài lâu, không mất danh thiện. Nếu không, miệng người đáng sợ, tôn nghiêm quốc gia, danh dự công chúa, ắt sẽ hủy trong tức khắc.”