Chuyện này giúp nàng duy trì tâm trạng tốt suốt cả ngày, đây là lần đầu tiên sau khi xuất giáng, nàng tươi cười vui vẻ đến vậy.
Buổi chiều, nàng triệu tập thị nữ mình mang từ trong cung theo đến trước mặt, nói với họ: “Các em hầu hạ ta nhiều năm, bây giờ đều đến tuổi xuất giá cả rồi, nếu có ý trung nhân thì cứ nói cho ta biết, ta sẽ thả các em về nhà lấy chồng, cũng cho các em một khoản hồi môn không bạc.”
Bọn thị nữ rối rít tạ ơn, nhưng tạm thời chưa có ai xin về nhà. Công chúa hỏi lại lần nữa, cũng chỉ có Hương Duyên Tử đứng ra, ấp úng thưa: “Nô tì không có ý trung nhân, nhưng cha mẹ trong nhà tuổi tác đã cao, nô tì lại không có anh em, chị gái đều đã xuất giá, thế nên…”
Công chúa tỏ tường, không đợi con bé nói xong đã nói: “Được, vậy em về nhà đi. Ta ban thưởng em thêm chút tiền, tạo điều kiện cho em mua vài thửa ruộng hoặc mở hàng buôn bán, sau này kén lấy một tấm chồng ở rể, phụng dưỡng cha mẹ cùng em.”
Hương Duyên Tử cả mừng, tạ ân không ngớt. Sau đó lại có hai cô bé tỏ ý muốn về nhà, công chúa cũng đồng ý thả người, thưởng hậu tiền của. Đợi đến lúc không còn ai bày tỏ thái độ, công chúa một lần nữa xác nhận ý muốn trả tự do cho họ, cũng hứa với họ một cam kết dài hạn: “Bất cứ lúc nào, chỉ cần các em tìm được người thích hợp, hoặc là nhớ cha mẹ muốn về nhà, đều có thể nói với ta, ta sẽ lập tức thả các em đi.”
Chúng thị nữ đều mừng rỡ khôn xiết, cùng nhau bái tạ, hết lời ca tụng công chúa nhân ái. Đợi họ lui xuống rồi, ta cười mỉm hỏi công chúa: “Công chúa thả hết chúng nó đi rồi, sau này còn ai hầu hạ công chúa đây?”
“Không phải vẫn còn huynh à?” Công chúa làm bộ nguýt ta, sau đó lại buồn bã thở dài: “Ta hi vọng mỗi người trong số họ đều có thể tìm được lang quân như ý, tương lai rời khỏi phủ công chúa, giúp chồng dạy con, sống đời vui vẻ, đừng như ta, bị vây hãm cả đời ở đây, không thoát thân được.”
Chẳng ngờ niềm vui hôm nay của nàng lại kết thúc bằng chủ đề về khốn cảnh này, nụ cười của ta cũng đông cứng lại theo đó.
“Nhưng huynh chẳng tốt số được như họ đâu.” Thấy ta lặng thinh không nói gì, nàng vờ tỏ ra thoải mái, dùng giọng vui đùa, trêu: “Ta còn lâu mới thả huynh đi. Ta mà bị nhốt ở đây cả đời thì huynh cũng phải ở đây với ta cả đời!”
Câu nói như cơn gió xuân thơm ngát, thổi vào lòng ta hơi ấm lan tỏa như sóng gợn. Ta chắp tay xá nàng một vái dài, nói: “Thần lĩnh chỉ tạ ân.”
Sau khi xuất giáng, thời gian công chúa cần ta bầu bạn nhiều hơn hẳn so với trước đây. Lúc còn trong cung, mỗi ngày nàng đều phải đi vấn an cha mẹ, hầu hạ dưới gối, bản thân cũng có rất nhiều bạn nữ, tỷ như nhóm con gái nuôi của chư hậu phi hay những tần ngự còn trẻ tầm tầm tuổi nàng như Thu Hòa, giao du với họ cũng đủ để lấp đầy khoảng trống rỗi rảnh nơi khuê phòng của nàng. Mà nay, nàng thân là nữ chủ nhân cao quý nhất trong phủ công chúa, không cần đảm nhận nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ chồng, huống hồ sau vụ việc Xuân Đào, Dương thị càng thêm không vừa mắt nàng, lảng tránh nàng khắp nơi khắp chốn, ngoài những lúc vấn an theo lệ và gia yến ra thì tuyệt không chủ động đến nói chuyện với nàng, anh em phò mã đều có dinh riêng, giữa chị em dâu cũng không qua lại thường xuyên, thế nên công chúa khá cô quạnh, ngoại trừ luyện không hầu thì cũng chỉ có thể mượn thú vui thưởng ngoạn giết thời gian, mà những lúc ấy, thông thường đều yêu cầu ta làm bạn bên mình.
Cảm giác xa lạ ban đầu đối với hoàn cảnh từ từ biến mất, hai ta dần thích ứng với cuộc sống hoàn toàn mới này, gảy đàn thổi sáo, đánh cờ đấu trà hoặc ngâm thơ điền từ trong tình huống ít ai quấy nhiễu, thi thoảng ta cũng sẽ chỉ điểm nàng viết chữ vẽ tranh. Hiện giờ đối với bút nghiên đan thanh, biểu hiện của nàng kiên nhẫn hơn hẳn thuở thiếu thời, không còn qua quýt nguệch ngoạc được hai nét đã muốn chạy ra ngoài chơi nữa, để hoàn thành một tác phẩm hài lòng, nàng có thể khóa mình trong thư phòng luyện cả ngày. Ta kinh ngạc trước thay đổi của nàng, hỏi: “Trước đây không phải công chúa nói luyện thư họa quá phí thời gian, chỉ có lão đồ gàn mới làm thế thôi sao?”
Nàng trả lời: “Đúng vậy. Nhưng huynh thấy rồi đấy, ta có quá nhiều thời gian, vả lại, người cũng già rồi.”
Tuy không sống chung song Lý Vĩ đến thăm công chúa khá thường xuyên, nhưng hai người nói chuyện với nhau rất ít, kể cả khi dùng bữa, Lý Vĩ cũng chỉ có thể tìm được vài câu vô thưởng vô phạt hỏi han công chúa, tỷ như món này món kia có hợp khẩu vị nàng không. Công chúa thường thuận miệng đáp qua loa lấy lệ, song mỗi câu nàng nói Lý Vĩ đều dụng tâm nhớ kỹ. Có lần công chúa chẳng qua chỉ bảo một câu rượu ngâm Giang Nam mùi vị không tệ, nhưng trong cung đã hết hàng tồn, hôm sau, trên mâm cơm của nàng đã có ngay một âu rượu ngâm Giang Nam, cũng chẳng biết Lý Vĩ tìm được từ đâu.
Vì muốn lấy lòng công chúa, hắn thể hiện vô vàn thành ý, nhưng nhiều khi lại đâm biến khéo thành vụng.
Hôm ấy tâm trạng công chúa không tốt, ở lì trong gác không ra cửa, Lý Vĩ vào vấn an, dè dặt kiến nghị nàng ra vườn hoa giải sầu, công chúa biếng nhác đáp: “Cái vườn chỉ to có chừng đấy, góc nào cũng đi cả rồi, có gì xem nữa đâu?”
Lỹ Vĩ nghĩ ngợi rồi nói: “Hôm trước ta đi Nghi Xuân Uyển, thấy cạnh đó có một mảnh đất hoang lớn, to phải hơn gấp ba cái vườn nhà mình. Để chốc nữa ta hỏi thăm xem mảnh đất ấy của ai, mua đứt về rồi xây một vườn hoa có đình đài lầu tạ cho công chúa dạo chơi.”
Công chúa từ chối: “Thôi, đợt trước xây phủ công chúa này đã tốn bao nhiêu chi phí công sức rồi, muốn làm vườn to hơn gấp ba, mua đất cất lầu đều sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền, hao tài tốn của, tiết kiệm đi thì hơn.”
“Không ngại,” Lý Vĩ lập tức tiếp lời, “Ta không thiếu khoản tiền này.”
Có thể hắn không có ý gì, nhưng đến ta nghe câu này còn thấy chói tai nữa là công chúa. Công chúa hơi nhíu mày, nhìn chòng chọc hắn một lát, sau cùng hờ hững buông lời: “Được, anh tự xem mà làm đi.”
Lý Vĩ tựa hồ vẫn chưa ý thức được công chúa không thích mình ở điểm nào, vẫn liên tiếp lấy tiền của mà mình không thiếu nhất ra dâng tặng công chúa. Thấy công chúa hay luyện bút nghiên, rất nhanh lại đưa một bộ dụng cụ thư phòng tới: nghiên mực mã não, bút cán ngà, tráp đựng nghiên bằng vàng và chặn giấy ngọc.
“Thật đúng là chỉ hận không thể lấy vàng lấy bạc ra làm mực.” Nhìn đống quà tặng lấp lánh lóa mắt, công chúa nhận xét, có phần khinh thường.
Không lâu sau, Lý Vĩ lại tặng một thỏi mực danh tiếng cho công chúa, tuy không phải bằng bạc vàng nhưng cũng tương tự những lần trước, chẳng thoát được kiếp biến khéo thành vụng.
Ngày đông chí, như thường lệ, thiên tử sẽ nhận bách quan chầu mừng, tất thảy quan viên có quan hàm trong kinh đều phải mặc triều phục đội mão tua vào cung tham gia triều hội, trang trọng như đại lễ tế tự, nghi thức này gọi là “bài đông trượng”. Sau khi bài đông trượng kết thúc, hoàng đế sẽ mở tiệc chiêu đãi quần thần, đồng thời ban thưởng cho họ quà các áo mới.
Phò mã đô úy Lý Vĩ cũng vào cung tham gia triều hội, tiệc rượu vừa tan, hắn đã hào hứng chạy về dự gia yến, bước chân vào cửa liền lập tức lấy một thỏi mực Đình Khuê ra dâng lên công chúa bằng cả hai tay: “Công chúa, đây là lễ thưởng quan gia ban hôm nay. Ta vốn muốn tìm một thỏi mực cổ cho công chúa từ trước nhưng mãi vẫn không tìm được thỏi nào thích hợp, bây giờ vừa may có cái bù vào.”
Lý Đình Khuê đất Hấp Châu là danh gia làm mực đời Nam Đường, mực ông làm có thể vót gỗ, rơi xuống mương một tháng cũng không hỏng, lại có hương thơm độc đáo, luôn được sĩ phu tôn sùng, hơn nữa mực Lý do Lý Đình Khuê tự tay chế tạo càng ngày càng hiếm, trong cung cũng chẳng còn tồn bao nhiêu, người đời ai cũng coi được ban thưởng mực Đình Khuê làm vinh. Thỏi Lý Vĩ dâng tặng hiện giờ có hình sống lưng đôi rồng, trên thân khắc hai chữ “Đình Khuê”, quả đúng là vật báu Lý Đình Khuê tiến cống năm xưa.
Công chúa nhận lấy xem, từ chối cho ý kiến, chỉ hỏi Lý Vĩ: “Cha thật sự ban cho anh thỏi này?”
“Cũng không phải.” Lý Vĩ thành thật trả lời: “Vốn quan gia ban thưởng cho ta thỏi khác, xem tên khắc trên thân thì cũng là do một người họ Lý chế tạo, tên là ‘Lý Siêu’, đại khái là hậu nhân của Lý Đình Khuê…”
“Ồ,” Công chúa mặt không biến sắc hỏi tiếp: “Thế sao anh lại cầm mực Đình Khuê về?”
“Sau, ta phát hiện ra các học sĩ bên cạnh đều được ban mực Đình Khuê, chắc là mực Đình Khuê còn lại không bao nhiêu, quan gia trước nay vẫn luôn kính trọng văn sĩ nên ban cho các học sĩ.” Lý Vĩ giải thích: “Ta mượn thỏi mực Đình Khuê của Thái Quân Mô Thái học sĩ ngồi cạnh xem thử, đại khái y thấy ta thích nên chủ động đề xuất trao đổi với ta…”
Công chúa không khỏi cười nhạt: “Thế nên anh đổi mực Lý Siêu lấy mực Đình Khuê?”
Lý Vĩ gật đầu, không quên tán thưởng Thái Tương: “Thái học sĩ bằng lòng buông tay món đồ yêu thích, thật đúng là hào phóng. Đương nhiên, ta không thể nhận không nhân tình của y vậy được, về sau ắt sẽ chuẩn bị chút lễ vật tặng y.”
Công chúa cạn lời, đặt thỏi mực Đình Khuê lên bàn, đẩy trả về trước mặt Lý Vĩ rồi đứng dậy, yên lặng rời đi.
Phản ứng của nàng tất nhiên không nằm trong dự liệu của Lý Vĩ, điều này làm hắn lúng túng hoang mang, đứng lên trân trân nhìn công chúa đi xa rồi mới quay lại ngó ta, bất an hỏi: “Lương tiên sinh, có phải ta nói sai điều gì rồi không?”
Ta đắn đo một hồi, cuối cùng vẫn quyết định nói cho hắn biết chân tướng: “Đô úy, Lý Siêu là phụ thân Lý Đình Khuê.”
Lý Vĩ sửng sốt, ngây ra như phỗng. Mà Dương phu nhân đó giờ vẫn bàng quan lúc này lại có hứng thú với mực cổ, cất tiếng hỏi ta: “Lương tiên sinh, thế mực của Lý Siêu chế tạo đắt hơn hay của con ông ta chế tạo đắt hơn?”
Ta trả lời: “Người đời thích cất giữ mực cổ, tinh phẩm của các thế gia làm mực, niên đại càng lâu đời thì số lượng còn lại càng thưa thớt, càng đắt giá hơn.”
Dương phu nhân nhất thời nổi cơn tam bành, dí trán con trai mắng: “Cái thằng phá gia chi tử này, ai lại cầm đồ tốt đi đổi hàng rẻ tiền thế chứ! Không biết làm ăn như vậy thì của cải có nhiều nữa cũng đến ngày bị mày phá sạch mất thôi, bảo sao công chúa chướng mắt mày!”