Mặc gió chớm xuân se lạnh thổi tay áo vòm rộng bay phần phật, họ đều dõi mắt thẳng ra trước, duy trì trạng thái lặng im dài dặc trong bầu không khí tựa như đang giằng co, thậm chí đến mi mắt cũng chẳng rung động mảy may.
Dưới bức họa tuyệt đẹp mà kỳ dị này ẩn giấu trận chiến Trương quý phi đánh đổi cả tính mạng dấy lên để tranh đấu với hoàng hậu.
Sau cái chết của Trương quý phi, kim thượng rất đau buồn, tuyên bố hoãn triều ngày hôm ấy, day dứt thương tiếc ở Ninh Hoa Điện, còn kể lại chuyện quý phi tới hộ vệ đêm giặc vào cung và rạch tay hiến máu viết sớ cúng đợt hạn hán năm nào với mọi người. Đề cử quan Ninh Hoa Điện, nhập nội áp ban Thạch Toàn Bân thừa cơ kiến nghị kim thượng phát tang cho Trương quý phi ở Hoàng Nghi Điện.
Quy chế lễ nghi quốc triều quy định, hoàng hậu hoăng mới có thể phát tang ở Hoàng Nghi Điện. Hành động này của Thạch Toàn Bân thực chất là kiến nghị kim thượng truy phong Trương quý phi làm hoàng hậu.
Tin tức truyền ra, đại nội xôn xao. Hoàng hậu còn tại thế mà truy tôn quý phi làm hậu chẳng khác nào ngang nhiên xúc phạm thể diện tôn nghiêm của quốc mẫu đương triều.
Hôm ấy hoãn triều nên tể chấp nhị phủ không thể vào cung, người có thể phát biểu ý kiến về chuyện này ngay lúc đó chỉ có hai quan viên trực đêm do có công vụ – hàn lâm học sĩ thừa chỉ (*) Vương Củng Thần và đồng tu khởi cư chú Phùng Kinh.
(*) Hàn lâm học sĩ thừa chỉ là chức quan đứng đầu hàn lâm học sĩ, không chỉ nhận nhiệm vụ thảo chiếu lệnh mà còn phụ trách việc cơ mật trong cung.
Trong số quan viên vì qua lại với Trương quý phi mà bị điều ra ngoài, chỉ có một mình Vương Củng Thần về sau được vời về kinh, nhậm chức hàn lâm học sĩ thừa chỉ. Mấy năm nay, Phùng Kinh vẫn nhậm chức trong quán các, một năm trước mới chuyển sang làm đồng tu khởi cư chú, theo hoàng đế ra vào, phụ trách ghi lại ngôn luận hành tung của hoàng đế, soạn thành ghi chép sinh hoạt thường ngày cung cấp cho sử quán biên thực lục và chính sử, đây là chức quan chỉ tiến sĩ cao đẳng, xuất thân khoa cử có danh vọng mới có thể nhậm. Chỉ từ hai điểm trên cũng có thể nhìn ra kim thượng đối đãi với hai vị trạng nguyên quả thật khác hẳn người thường.
Tin dữ về Trương quý phi truyền tới Hàn uyển, Vương Củng Thần lập tức dâng sớ yêu cầu truy tôn quý phi, mà Phùng Kinh đang trong Khởi cư viện nghe được tin này cũng tức khắc dâng sớ nói việc truy tôn là không thể. Kim thượng trở về Phúc Ninh Điện rồi, hai người đồng thời tới trước đại điện, thỉnh cầu hoàng đế triệu kiến riêng mình.
Ta nhận lệnh của Miêu thục nghi, lai vãng giữa chư các, giúp bà chuyển tin, đi ngang qua Phúc Ninh Điện đúng lúc ấy, vừa vặn bắt gặp cảnh giằng co giữa hai người.
Hỏi thăm hoạn giả trước điện, ta được biết tấu chương của họ đã được trình lên kim thượng từ sớm, nhưng chậm chạp mãi kim thượng vẫn chưa tuyên họ vào. Mà Phùng Kinh và Vương Củng Thần thì giống y như mỗi một ngôn quan của bản triều, chẳng thiếu gì kiên trì nhẫn nại, chia nhau thủ hai mé đông tây trước điện, giương cung bạt kiếm trong tĩnh lặng tuyệt đối.
Qua thêm một hồi lâu mới có nội thị đi ra từ trong điện, tuyên Vương Củng Thần vào yết kiến, còn với Phùng Kinh thì nói: “Khẩu dụ của bệ hạ: Hôm nay hoãn triều, không cần làm phiền Phùng học sĩ chấp bút, mời học sĩ về viện nghỉ ngơi.”
Phùng Kinh lại không nhận lệnh. Nhìn Vương Củng Thàn vào rồi, chàng chợt quỳ xuống trước điện, cất cao giọng dõng dạc từng chữ: “Thần Phùng Kinh khẩn cầu hoàng đế bệ hạ triệu kiến.”
Trong Phúc Ninh Điện lặng ngắt, không một hồi đáp.
Phùng Kinh tiếp tục quỳ đợi, ta rời đi rồi chàng vẫn chưa từ bỏ.
Sau khi trở lại, ta theo công chúa và Miêu thục nghi đến Nhu Nghi Điện thăm hoàng hậu, cũng nán lại đó chờ tin tức. Lát sau, Trương Duy Cát rưng rưng tiến vào, bẩm với hoàng hậu: “Quan gia tiếp nhận kiến nghị của Vương Củng Thần, muốn truy phong Trương quý phi làm hoàng hậu, đã lệnh y ngày mai bàn bạc với tể chấp rồi viết chiếu lệnh.”
“Sao có thể!” Công chúa đứng bật dậy, “Con đi nói với cha…”
“Huy Nhu,” Hoàng hậu gọi nàng về, lắc đầu, “Đừng phản đối. Đây là nguyện vọng lớn nhất của Trương quý phi lúc sinh tiền, cũng là chuyện cuối cùng cha con có thể làm cho cô ta, ngài sẽ không đổi ý đâu.”
Công chúa cau mày: “Nhưng, nương nương…”
Miêu thục nghi cũng xua tay với nàng, khuyên: “Chỉ là hư danh thôi. Người cũng đã mất rồi, hà tất phải so đo nhiều với cô ả.”
Ngay sau đó Trương Duy Cát lại nói với hoàng hậu, Phùng Kinh hãy còn quỳ trước Phúc Ninh Điện, nhưng trước sau kim thượng vẫn từ chối triệu kiến.
Ra khỏi Nhu Nghi Điện, ta rẽ sang điện Phúc Ninh, quả nhiên thấy Phùng Kinh vẫn quỳ ở đó, dưới ánh sáng dần tối, chàng như một bức tượng đá choàng đắp y bào.
Một chốc sau, có bóng dáng nữ tử chậm rãi lại gần chàng, áo xanh gấm lục, song bội bạch ngọc, Chàng cảm giác được, nghiêng đầu nhìn qua, lập tức xoay người lạy bái: “Hoàng hậu điện hạ…”
“Phùng học sĩ về đi thôi.” Hoàng hậu nói, trên mặt nở nụ cười nhẹ nhàng, “Nhiều lời tất đuối lý, chẳng bằng giữ trong lòng.”
Phùng Kinh lặng thinh. Lát sau, chàng một lần nữa hạ bái hoàng hậu: “Thần tạ điện hạ chỉ bảo.”
Lễ xong, rốt cuộc chàng cũng đứng dậy, từ từ lui đi.
Có lẽ là biết hoàng hậu đến, kim thượng đi từ trong Phúc Ninh Điện ra, bước chân chậm chạp khác thường. Đứng trước cửa chính, ngài từ từ đưa mắt nhìn hoàng hậu dưới thềm, thần sắc mệt mỏi, gương mặt ảm đạm rệu rã nom già nua.
Đế hậu nhìn nhau từ xa, cả hai đều không nói một lời. Nếu sự im lặng giữa Vương Củng Thần và Phùng Kinh ban nãy ẩn chứa ý đối kháng như giáo ngựa trên chiến trường thì thời khắc này, ánh mắt đế hậu lặng im giao hội giữa hai phương thềm, trong sân sâu trống trải chỉ in dấu cái bóng cô đơn của hai người, cảnh tượng sao đìu hiu điêu tàn, thê thiết bi thương.
Đêm ấy, ta tới Hàn uyển, còn đang lưỡng lự có nên vào hay chăng thì Vương Củng Thần bên trong đã trông thấy bóng ta, cao giọng hỏi: “Ai đang ở đó?”
Ta bước ra từ một khóm trúc xanh. Y thấy rõ dung mạo ta, nhận ra: “Thì ra là cậu, trung quý nhân!”
Ấn tượng ban đầu ta để lại cho y không tính là quá tệ, y ra đón, trong mắt lấp lánh tươi vui, thậm chí còn mời ta vào trong ngồi. Ta cười nhẹ, đáp: “Trung quan vào ngọc đường ngồi không hợp với lễ nghĩa.”
Nụ cười của y thoáng sững lại, trầm mặc.
Ta thấy trong tay y còn cầm bút, hỏi: “Tại hạ cả gan, xin hỏi Vương hàn trưởng, hôm nay đề xuất việc truy tôn là vì lễ nghĩa hay vì hoạn lộ?”
Vương Củng Thần quan sát ta, hờ hững hỏi: “Trung quý nhân nhậm chức trong điện hoàng hậu?”
Ta xua tay phủ nhận. Y cũng không truy vấn, đáp: “Ta cũng biết Trương quý phi vô đức, công tích kim thượng nêu ra không đủ phong hậu cho người, hoàng hậu tại thế mà đề xuất truy tôn là không hợp với đạo nghĩa lễ chế.”
“Vậy là vì hoạn lộ?”
Y chậm rãi lắc đầu, hỏi: “Trung quý nhân cũng cho rằng ta là hạng tiểu nhân chỉ biết hùa đón ý vua?”
Ta cười hờ không đáp, chỉ nói: “Vương hàn trưởng thông minh cơ trí, tất sẽ chẳng nhìn không ra chính cuộc sau này.”
Y cũng cười cạn mỏng, nói: “Trương Nghiêu Tá vô tài vô năng, sau cái chết của quý phi, Trương thị lụi bại là lẽ tất yếu. Kim thượng trước sau vẫn luôn chiếu cố hoàng hậu, hoàng hậu lại có Thập Tam Đoàn Luyện làm con, sau này ắt vững ghế hưởng phúc làm thái hậu.”
“Nếu là vậy, cớ sao Vương hàn trưởng còn muốn đề xuất truy tôn quý phi?” Ta hỏi lại y.
Y thản nhiên cho ta biết đáp án: “Để báo ơn hoa thụy hương của người.”
Thấy ta không nói gì, y tiếp lời: “Người muốn thứ gì sẽ nỗ lực cho thứ ấy, đạt được mục đích cho bằng được, ta rất bội phục người điểm ấy. Nửa đời trước của ta lúc nào cũng nhìn trước ngó sau, có thích thứ gì cũng chẳng dám cố gắng đến cùng, bởi vậy mà mất đi rất nhiều… Thế nên, hiện giờ ta bằng lòng thực hiện thay người, lấy danh vị hoàng hậu mà người mong ước kính cho lòng kiên trì của người.”
“Bất chấp phải trả giá bằng con đường trước mắt?”
Y đáp thế này: “Ta thường hay ra quyết định sai lầm vào thời điểm đối mặt với lựa chọn, cũng chẳng ngại gì thêm một lần này.”
Ta không nói nữa, cuối cùng cảm tạ y: “Đa tạ Vương hàn trưởng đã chân thành cho hay.”
Y tặng lại ta một nụ cười thân thiện: “Ơn nhặt hốt, suốt đời này Củng Thần cũng không quên.”