• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Ba ngày sau, Trương Thừa Chiếu đưa một tờ triều báo tới trước mặt ta, phấn chấn ra mặt nói với ta: “Quan gia đuổi Vương Củng Thần về Doanh Châu rồi.”

Triều báo là quyển tập tin tức do Tiến tấu viện biên tập, ghi lại chiếu chỉ gần đây, cuộc sống hằng ngày của hoàng đế, bổ nhiệm bãi miễn chức vụ của quan lại, tấu chương chiến báo của bá quan văn võ, sau khi được Xu mật viện xét duyệt, Tiến tấu viện sẽ sao chép rồi truyền báo cho thiên hạ và quan viên chư ty sở trong triều xem.

Ta mở phần của ngày hôm nay ra đọc, nhìn thấy tin thứ nhất được đăng về ngày hôm qua là: “Lễ bộ thị lang, hàn lâm thị độc học sĩ, Long Đồ Các học sĩ Vương Củng Thần rời kinh, tiếp tục giữ chức tri Doanh Châu kiêm Cao Dương Quan lộ an phủ sứ (*).”

(*) An phủ sứ là chức quan phụ trách quân vụ trị an các lộ binh mã địa phương, do tri châu, tri phủ địa phương đó kiêm nhiệm.

Điều này cũng nằm trong dự liệu của ta. Nếu kim thượng đã biết việc y dâng đồ sứ đỏ Định Châu biếu Trương quý phi thì dưới cơn thịnh nộ tất sẽ không giữ y lại làm quan kinh thành.

Quả thật đáng tiếc, thực ra y không hề có vẻ gì là giống một nịnh thần. Ta cảm thán trong lòng. Có lẽ trong tình huống tứ cố vô thân, thấy Trương quý phi chủ động giao hảo nên mới có qua có lại, huống hồ chắc chắn y biết chuyện trước đây sẽ để lại ấn tượng thế nào cho trung cung nên lấy một phần lễ hậu biểu lộ lòng mình hướng về chủ nhân hậu cung, tiếc là làm quá lộ liễu, phạm vào điều tối kỵ của kim thượng.

Tin tức trong triều báo vô cùng giản lược, tấu chương cũng chỉ lấy vài câu trọng yếu. Xem tiếp xuống, phần lớn là người nào bãi chức, người nào điều ra ngoài, người nào vào cung trả lời chất vấn, hơi đặc biệt hơn chút thì có tin tức về thi đình: “Kim thượng chọn ngày mồng ba tháng Ba thi tiến sĩ do Lễ bộ tấu danh (*) tại Sùng Chính Điện.” Bên dưới liệt kê danh sách mười tiến sĩ đứng đầu do Lễ bộ tấu danh.

(*) Trước kỳ thi đình, Lễ bộ đệ trình danh sách tiến sĩ muốn trúng tuyển lên cho hoàng đế xét duyệt thì gọi là “tấu danh”.

Trương Thừa Chiếu thò đầu lại, vừa xem triều báo vừa quan sát sắc mặt ta, một lát sau, nói: “Triều báo bây giờ càng ngày càng không ra sao, chuyện gì cũng vắn tắt, chẳng chi tiết gì cả. Nếu Tô Thuấn Khâm mà còn ở Tiến tấu viện, biên về vụ Vương Củng Thần rời kinh này nhất định sẽ viết thêm chuyện kim thượng tức giận đập đồ sứ đỏ Định Châu bên dưới. Phần tiến sĩ Lễ bộ tấu danh này quá nửa cũng sẽ thêm dăm câu giới thiệu kèm theo…”

Câu này hắn nói không sai. Năm đó Tô Thuấn Khâm chủ biên triều báo, đối với những sự kiện trọng đại đều tự thuật rất tường tận, ngôn ngữ ngắn gọn nhưng lại có thể giải thích đầy đủ tiền căn hậu quả, có lúc thậm chí còn thêm bình luận đằng sau, có điều, cũng bởi vậy mà bị tố là nghị luận xằng bậy trong triều báo, sau đó trên trình hoàng đế, dưới truyền tứ phương, biến thành tội vượt cấp, cũng có nghĩa mưu đồ đại diện quân chủ. Cuối cùng kim thượng lệnh Trung thư môn hạ và Xu mật viện định ra hình thức triều báo, Tiến tấu viện không được sửa đổi lung tung, thành thử triều báo trở nên đơn giản như bây giờ. Mà một trong số những nguyên nhân khiến Tô Thuấn Khâm bị mưu hại xóa tên, cưỡng chế đình chỉ công tác, rơi vào tình cảnh “vĩnh viễn không thể phục hồi”, cũng là vì khi y chủ trì công tác triều báo, tin tức tuyển chọn và nội dung tấu chương đều có khuynh hướng nghiêng về phái tân chính, do đó đắc tội không ít người.

Ta gác tờ báo sang một bên, hỏi Trương Thừa Chiếu: “Sao cậu lấy được triều báo hôm nay?”

Hắn cười hềnh hệch: “Hôm nay tôi có việc đi tìm một người anh em hầu hạ bên Tiến tấu viện, thấy hắn đang chỉnh lý triều báo, chuẩn bị gửi đến các ty. Tôi liếc thấy bên trong có tin về Vương Củng Thần, nghĩ cậu nhất định sẽ có hứng thú nên thuận tay lấy một tờ.”

Ta không kìm được bật cười, nhưng vẫn không quên nhắc nhở hắn: “Say này đừng tùy tiện lấy thế, bây giờ chúng ta làm việc trong hậu cung, bị người khác biết là xem triều báo cũng không hay.”

Hắn khoát tay: “Cậu yên tâm đi, thân thủ của tôi làm sao mà bị người khác phát hiện được? Chỉ cần cậu không nói…”

Lời còn chưa dứt, lại nghe một người đột ngột đẩy cửa vào, cất cao giọng cười: “Ta phát hiện được đấy!”

Chúng ta đều cả kinh, cũng may ngay sau đó phát hiện ra là công chúa.

Nàng đi tới trước mặt ta, chìa tay đòi triều báo: “Cho ta xem với, bằng không ta sẽ nói cho người khác biết.”

Ta đành phải đưa báo cho nàng. Nàng cụp mắt đọc, lập tức nhìn thấy tin về Vương Củng Thần trước tiên. Xem xong, nàng hỏi ta vẻ nghi hoặc: “Tay Vương Củng Thần này có phải người tốt không? Cha từng kể ta nghe chuyện y xin từ chối danh hiệu trạng nguyên, khen y trung thực không ngớt, nhưng y tặng Trương nương tử bình hoa đắt giá như vậy lại không giống việc quan tốt sẽ làm…”

Lòng người thói đời trong đôi mắt trong veo của nàng bây giờ chỉ có hai màu đen trắng, đối với sĩ phu trong triều, nàng cũng chỉ biết chia làm “quan tốt” và “quan xấu”. Thế nên câu hỏi của nàng làm ta hơi do dự, nhất thời khó mà tìm được cách nào giải đáp cho thích hợp.

Trương Thừa Chiếu lại mở miệng trước: “Công chúa, nghe nói hai ngày nay quan gia bảo người học thuộc ‘Nhạc Dương Lâu ký’ và ‘Túy Ông Đình ký’?”

“Phải đó,” Công chúa đáp rất chi buồn rầu, “Thật sự khó thuộc lắm lắm. Ta học cả một ngày, chừng như đã nhớ rồi, nhưng vừa hơi buồn ngủ một cái là phát hiện ra ‘Nhạc Dương Lâu ký’ trong đầu ta chỉ còn đúng một câu ‘Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau niềm vui của thiên hạ’. ‘Túy Ông Đình ký’ còn thảm hơn, chỉ nhớ mỗi ‘Thái thú vui đến vui đi’, còn sao lại vui thì nghĩ thế nào cũng không ra… Cha còn bắt ta ngày mai phải đọc thuộc cho cha nghe, làm sao bây giờ? Ta chỉ muốn đâm đầu vào tường cho rồi!”

Trương Thừa Chiếu khom người lắng nghe, không ngừng ra chiều thông cảm, nhưng lời nói sau đó đối với công chúa quả thực chẳng khác nào uy hiếp: “Công chúa bảo trọng, việc học thuộc không thể để chồng chất lên được, bằng không ngày mai sao học thuộc tiếp được ‘Thương Lang Đình ký’ đây?”

Công chúa kinh hãi: “Còn phải thuộc ‘Thương Lang Đình ký’ nữa?”

Trương Thừa Chiếu đáp: “Đúng ạ, thần suy ra được cách quan gia chọn bài cho công chúa học thuộc là như thế nào rồi.”

Công chúa vội vàng truy vấn: “Như thế nào?”

Trương Thừa Chiếu chỉ vào tên Vương Củng Thần: “Tay Vương Củng Thần này hại ai, quan gia sẽ bắt người thuộc bài của người đó.”

Công chúa ngạc nhiên, Trương Thừa Chiếu lại tiếp tục giải thích: “Năm đó Vương Củng Thần vạch tội Đằng Tông Lượng, bạn của Phạm Trọng Yêm, nói ông ấy tham ô tiền công sứ, khiến ông ấy bị giáng chức đi coi giữ Tam Lăng Quận, giày tới vò lui, cuối cùng cách chức cả Phạm Trọng Yêm đi Đặng Châu. Năm sau, Đằng Tông Lượng xây xong Nhạc Dương Lâu, đặc biệt mời Phạm Trọng Yêm viết ‘Nhạc Dương Lâu ký’. Sau đó Vương Củng Thần lại xúi giục thuộc hạ và bè cánh hặc Âu Dương Tu, một lần không được, lại làm lần hai, cuối cùng biếm y đến Trừ Châu, kết quả Âu Dương Tu viết ‘Túy Ông Đình ký’ ở đó… Thế nên kế tiếp, quan gia nhất định sẽ bảo công chúa học thuộc ‘Thương Lang Đình ký’, bởi Tô Thuấn Khâm chạy đến Tô Châu viết nên bài này, toàn bộ cũng do Vương Củng Thần ban tặng.”

Công chúa nghe xong, thở dài một tiếng: “Tay Vương Củng Thần này đáng ghét thật.”

Trương Thừa Chiếu lập tức gật đầu đáp: “Quả thật đáng ghét. Nếu y không gây ra lắm chuyện vậy thì bây giờ công chúa nào phải học thuộc mấy bài này đâu? Thế nên công chúa hẳn đã rõ y là quan tốt hay quan xấu rồi chứ?”

Công chúa cười nói: “Hại ta học lắm bài văn vậy, đương nhiên là quan xấu rồi!”

Lý do này làm ta nghe cũng không nhịn được cười, nhưng vẫn nói rõ với công chúa: “Công chúa, đại thần xấu hay tốt không thể dùng số bài người phải thuộc ít hay nhiều để phân chia được, người thiện hay ác cũng không phải chỉ cần một hai chuyện là có thể phán định. Huống chi người ác cũng có thể làm vài việc tốt trong đời, mà người tốt đời này cũng khó đảm bảo chưa từng làm chuyện gì hồ đồ gây thương tổn cho người khác. Vương Củng Thần chăm học, trung thực, đó đều là cái tốt của y, trước đây từng có vài chuyện được người ta coi là chiến tích, xin từ chối danh hiệu trạng nguyên và níu vạt áo hoàng đế tiến gián thậm chí còn được lưu truyền thành giai thoại, nhưng về sau lại công kích đại thần tân phái, nhất là vụ việc Tiến tấu viện, y làm rất quá đáng, là tranh đấu bè phái, cũng là để xả giận tư, hại rất nhiều danh sĩ quán các, hiện tại và tương lai đều sẽ có rất nhiều người mắng y vì lẽ đó.”

Công chúa tò mò hỏi ta: “Thỉnh thoảng nghe người ta nói tới vụ việc Tiến tấu viện, nhưng ta vẫn không biết rốt cuộc là xảy ra chuyện gì. Vương Củng Thần hại đám Tô Thuấn Khâm như thế nào?”

“Trước kia thần hầu hạ ở Tiền tỉnh, thường nghe văn thần nghị luận nên biết rất rõ chân tướng chuyện này!” Trương Thừa Chiếu không đợi ta trả lời, tức thì cao hứng bừng bừng nói với công chúa.

Công chúa cũng thuận thế bảo hắn: “Vậy ngươi kể đi.”

Trương Thừa Chiếu liền thuật từ đầu: “Năm đó Phạm tướng công thu hút sĩ tử tài tuấn một thời, tụ tập ở quán các… Công chúa biết quán các có chức năng gì không?”

Công chúa đáp: “Quán các chính là Sử quán, Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Bí các, người làm việc trong đó phụ trách biên sử, soạn sách và quản lý thư tịch văn hiến các loại, có đôi khi cũng sẽ giảng giải kinh nghĩa cho cha.”

“Không chỉ có vậy,” Trường Thừa Chiếu giải thích, “Quán các còn kiêm trách nhiệm dạy bảo học trò, là nơi triều đình trữ nhân tài đợi bổ nhiệm. Người nhậm chức ở quán các mấy năm sau thường đều làm việc ở lưỡng chế, làm tri chế cáo, trung thư môn khách hoặc hàn lâm học sĩ, có thể thăng lên nữa, còn có thể vào nhị phủ, làm tể tướng hoặc xu mật sứ. Cũng chính bởi vậy nên con đường vào quán các vô cùng gian nan. Bình thường sẽ lấy năm người đỗ đầu tiến sĩ, điều sang nơi khác làm quan mấy năm trước, ba cái tên đứng đầu hết một nhiệm kỳ sẽ được gọi về, đứng thứ tư thứ năm thì hai nhiệm kỳ, trở lại kinh thành, trải qua trọng thần triều đình tiến cử, lại qua hoàng đế hạ chỉ triệu thí (*), thi xong một trận, qua cửa rồi mới có thể vào quán các nhậm chức. Đương nhiên, ngoài những cái này ra còn có người vào được nhờ thưởng công hoặc đặc ân, nhưng văn sĩ lễ quyến bản triều, quan gia coi trọng nhất là khoa cử, hiện giờ không có xuất thân tiến sĩ thì không thể lên được chức cao, thế nên người trong quán các cũng chia đẳng cấp, người xuất thân tiến sĩ, lại trải qua triệu thí tự cho là mình cao hơn, thường kiêu ngạo hơn những người nhậm chức nhờ đặc ân.”

(*) Một phương thức tuyển chọn quan lại thời phong kiến, là hoàng đế gọi đến phỏng vấn trực tiếp.

Công chúa mỉm cười: “Đám Tô Thuấn Khâm nhất định là tiến sĩ đỗ đạt đúng không?”

Trương Thừa Chiếu gật đầu, kể tiếp: “Phải ạ. Tô Thuấn Khâm vốn là con nhà tướng môn thế gia, ông nội y Tô Dịch Giản là trạng nguyên thời Thái Tông, làm quan tới chức phó tướng tham tri chính sự, cha y Tô Kỳ làm quan tới Công bộ lang trung, mà ông ngoại y Vương Đán thì là tể tướng triều Chân Tông. Y vốn được ké cha bổ ấm một chức quan huyện úy, nhưng y coi rẻ chức quan này nhỏ nhoi, từ chức, tham gia cống cử, đỗ tiến sĩ. Sau lại được Phạm Trọng Yêm tiến cử, tham gia triệu thí giành được chức quan trong quán các, ngoài tập hiền hiệu lý ra thì còn làm giám tiến tấu viện. Sau khi vào quán các, bạn bè y kết giao đa số đều cùng một dạng, là người đỗ đạt có tài có tiếng. Những người này đều ủng hộ quốc sách của Phạm tướng công, tuy là đảng quân tử nhưng đã quen thói cuồng ngạo, chỉ điểm giang sơn, nhìn quyền quý bằng nửa con mắt, lại thường trào phúng quan viên Ngự sử đài văn dốt võ nát, càng ngày càng chọc giận Vương Củng Thần bất hòa với Phạm tướng công và Đỗ tướng công. Vả lại quán các còn là nơi trữ nhân tài, những kẻ sĩ đối đầu với y hôm nay rất có thể sẽ là trọng thần triều đình mai sau, thế nên y một mực muốn cách chức danh sĩ quán các trục xuất khỏi kinh, nhưng khổ nỗi chưa kiếm được đối sách, mãi cho đến khi Tiến tấu viện mở hội tế thần mùa thu…”

“Là cái lễ tế thần người kinh đô mở vào hai mùa xuân thu mỗi năm ấy hả?” Công chúa hỏi.

Trương Thừa Chiếu thưa: “Vâng. Người kinh đô mở tiệc tụ hội nhân dịp đó đã thành tập tục. Khi ấy, Tô Thuấn Khâm theo lệ cũ của Tiến tấu viện bán chút giấy cũ, lại tự mình bỏ ra một vạn đồng, chuẩn bị mở tiệc chiêu đãi đám bạn bè danh sĩ quán các kia…”

“Chỉ mời những người đỗ đạt thôi à?” Công chúa cười hỏi.

“Đúng ạ.” Trương Thừa Chiếu thuận thế nịnh nọt, “Công chúa thông minh thật đấy, đoán cái nào trúng ngay cái đó! Lúc ấy có một thái tử xá nhân (*), tên là Lý Định, cũng muốn tham gia vào hội tế thần của Tiến tấu viện, nhưng bị Tô Thuấn Khâm từ chối, còn cười bảo y: ‘Trên mâm cỗ đã chẳng có man la tất giáp thì lý nào lại có ghế cho quốc xá ngu bỉ?’, man la tất giáp là món bánh kẹp thịt dê lợn của người Phồn; quốc xá ngu bỉ chỉ bác sĩ Quốc tử giám, Thái tử trung xá, ngu bộ, bỉ bộ viên ngoại là những chức quan dùng để bổ ấm cho con em quan lớn. Ngụ ý là yến hội của bọn ta chỉ mời tao nhân mặc khách, cái ngữ con em quan lớn người ngợm chẳng khác gì món bánh kẹp thịt tạp nham của dân Phồn như ngươi miễn tham gia.”

(*) Là chức quan theo hầu làm bạn với thái tử, người được bổ nhiệm thường chọn từ con em thế gia vọng tộc, thuộc Thái tử trung xá.

Công chúa cười to: “So sánh người ta với bánh kẹp thịt của người Phồn, Lý Định còn biết giấu mặt mũi đi đâu… Y nuốt không trôi cục tức này, nhất định sẽ trả thù.”

Trương Thừa Chiếu vỗ tay: “Lại chẳng à! Lý Định ghi hận trong lòng, tuy không tham gia hội tế thần nhưng lại cài tai mắt nằm vùng trong yến hội. Đám danh sĩ quán các này cũng không cẩn thận, uống đến ngà ngà rồi, sử quán kiểm thảo (*) Vương Thù sai người cho gọi hai nữ kỹ vào ngồi chung mua vui, điện trung thừa, tập hiền hiệu lý Vương Ích Nhu càng thêm hăng hái, ngẫu hứng làm bài ‘Ngạo ca’, trong thơ có hai câu: ‘Say nằm Bắc Cực khiến vua dìu, Chu Công Khổng Tử lùa làm nô.’”

(*) Chức quan chưởng quản việc biên soạn sách sử.

Công chúa nghe xong nổi giận đùng đùng, mắng: “Muốn sai khiến hoàng đế đi dìu y? Hoang đường!”

Trương Thừa Chiếu lập tức tự vả mình một cái, nói: “Thần nhất thời vô ý, kể thẳng quá, xin công chúa thứ tội.”

Công chúa nghe câu này còn tức thì hoàn toàn có thể tưởng tượng ra tâm trạng của kim thượng khi nghe. Ta bèn cúi người, khuyên công chúa: “Đây chỉ là lời thiếu niên ngông cuồng của Vương Ích Nhu, vốn không phải cố ý.”

Cũng may công chúa nóng lòng nghe tiếp diễn biến về sau nên không tính toán gì nhiều, xua tay nói: “Quên đi, dù sao sau đó y cũng nhận trái đắng rồi. Thừa Chiếu kể tiếp đi.”

Trương Thừa Chiếu tuân mệnh, lại nói: “Tai mắt Lý Định nghe được câu ấy lập tức đi ra nói cho y. Lý Định tìm ngay tới Vương Củng Thần, thuận lại việc này. Vương Củng Thần nhanh chóng vào cung diện thánh, tố cáo chuyện Tiến tấu viện. Quan gia giận dữ, lập tức lệnh Hoàng thành ty tróc nã người tham gia yến hội. Khi đó trên đường phố Biện Kinh toàn là nội thị tay cầm binh khí, cưỡi ngựa phi phóng đi bắt người, thần dân không biết xảy ra chuyện gì, cả thành ầm ĩ nháo nhào, tiếng hô to gọi nhỏ đến trong cung cũng nghe thấy được.”

“Bắt được toàn bộ?” Công chúa tròn mắt hỏi.

“Tất nhiên rồi ạ,” Trương Thừa Chiếu hớn hở, “Đám kẻ sĩ quán các đó đều là thư sinh, sao có thể phản kháng! Chỉ một loáng đã bắt tất vào tù. Sau đó Vương Củng Thần suất lĩnh Ngự sử đài hặc Tô Thuấn Khâm tội biển thủ, Vương Ích Nhu tội phỉ báng Chu Khổng, đám Vương Thù và kỹ nữ ngồi chung, yêu cầu quan gia trừng trị từng người, thậm chí còn thỉnh quan gia tru diệt Tô Thuấn Khâm và Vương Ích Nhu. Mà Hàn Kỳ thì ra sức can gián, nói từ khi bệ hạ lên ngôi tới nay chưa từng làm chuyện tru diệt sĩ phu, một khi lỗ mãng, người nghe thấy ắt sẽ kinh hãi.”

Công chúa gật đầu: “Họ tuy có hơi ngông cuồng càn rỡ nhưng cũng không đến nỗi phải rơi đầu.”

Trương Thừa Chiếu nói: “Công chúa thật không hổ là con gái hoàng đế, nghĩ giống y hệt quan gia. Sau nữa, quan gia gạch tên giáng Tô Thuấn Khâm xuống làm thứ dân, các danh sĩ còn lại đều bị giáng chức điều ra ngoài, quán các nhất thời vắng tanh, trong một khoảng thời gian dài có muốn soạn sách, biên sử, giảng kinh cũng không tìm được ai thích hợp, triều báo cũng ngừng ra rất lâu. Bởi nhất thời không tìm được nhiều người siêu quần xuất chúng như vậy trong tiến sĩ để bổ sung vào quán các nên quan gia lại nảy ra ý định muốn trị cái tật ngả ngớn của bọn tài sĩ, bè cánh Vương Củng Thần bèn nhận ý chỉ, đề cử vài tay chất phác khuyết thiếu tài cán vào…”

Hai mắt công chúa chợt sáng bừng, hỏi: “Tay Dương An Quốc kia cũng được bổ sung vào khoảng thời gian ấy?”

Trương Thừa Chiếu cười gật đầu: “Đúng ạ, đúng ạ, cái tay dở hơi ấy được bổ sung vào quán các chính lúc đó.”

Ta nghe đến tên Dương An Quốc cũng muốn phì cười. Người này tài sơ học thiển, ngôn hành thô bỉ, mỗi lần giảng đọc kinh nghĩa cho kim thượng, lời nói đều lẫn tạp từ ngữ dân gian quê mùa, thế nên quan thần phụng dưỡng trong cung cứ thấy gã có cử chỉ gì là phì ra cười trước. Có một hôm, gã giảng giải “Một ống cơm một bầu uống” cho kim thượng, miệng chỉ toàn tiếng địa phương: “Nhan Hồi nghèo rớt mồng tơi, trong nhà chỉ có một tô kê ăn, một hồ nước uống.” Một lần khác, giảng tới câu “Chủ động tặng bó tu, ta bảo ban không từ” trong “Luận ngữ”, tu là thịt khô, mười miếng thành một bó. Người xưa gặp nhau tất sẽ mang vật làm lễ ra mắt, bó tu là cái lễ ít ỏi nhất. Câu này vốn là “Kể từ lúc lấy bó tu làm lễ mọn cầu thầy, ta chưa bao giờ không chỉ bảo dạy dỗ.” Kim thượng nghe vậy mỉm cười. Hôm sau ban thưởng rộng rãi cho ngôn quan, những người khác đều thành khẩn từ chối không dám nhận, duy chỉ có Dương An Quốc là thản nhiên nhận lấy. Việc này đã sớm truyền thành trò cười trong cung, đến kim thượng khi giảng “Luận ngữ” cho công chúa cũng từng ngậm cười nhắc tới.

“Kẻ nực cười trong đây không chỉ có mỗi Dương An Quốc thôi đâu,” Trương Thừa Chiếu lại nói, “Trong quán các còn có một Bành Thừa cũng là tay thần kỳ lắm đó! Sau vụ việc Tiến tấu viện, hàn lâm học sĩ thiếu một vị trí, quan gia muốn chọn từ đám văn thần trong quán các bổ sung vào, thực sự không tìm được ai đủ tốt, bèn chọn Bành Thừa lớn tuổi nhất. Sau đó ông ta thảo chiếu lệnh cho quan gia, câu cú từ ngữ còn buồn cười hơn nữa kia. Có lần một nguyên soái thủ giữ biên ải xin được vào triều yết kiến, quan gia gọi Bàng Thừa đến, nói với ông ta ý của mình, bảo ông ta thảo chiếu phúc đáp, sau đó Bành Thừa viết vào chiếu đáp rằng: ‘Chờ đến bận hiu hiu thì tà tà mà đi’.”

Công chúa lấy làm khó hiểu, nhăn mày hỏi ta: “Câu nghe tối nghĩa thế, ý là gì vậy? Hoài Cát, huynh hiểu không?”

Ta mỉm cười: “Thần cũng chỉ có thể suy đoán. Có lẽ ông ấy muốn nói, đợi bao giờ trời lạnh thì được phép khởi hành.”

Trương Thừa Chiếu cười nói: “Chính là ý đó đấy. Lời gốc của quan gia là: ‘Đợi khi nào vào thu mát mẻ, ông hẵng về.’ Chiếu thư này truyền ra làm vài hàn lâm học sĩ ngã lăn ra cười. Bành Thừa còn rất chuộng dùng kiểu câu này. Sau nữa thì đến vụ đại thần Điền Huống – tri Thành Đô Phủ, khi ấy Tây Thục gặp phải họa mất mùa, Điền Huống vừa vào Kiếm Môn Quan hiểm trở đã lập tức mở kho thóc cứu tế, sau đó dâng tấu chịu tội, Bành Thừa lại viết chiếu phúc đáp: ‘Mới qua hiểm lởm nhởm đã đổ nỗi bùi ngùi’, lại thành chuyện hài một thời. Năm nay Bành Thừa bị bệnh chết, đồng liêu của ông ta Vương Kỳ viết ai điếu cho ông ta, còn nhịn không được giễu ông ta một câu, viết trong ai điếu: ‘Nhất là câu hiu hiu, đố ai nối gió nổi.’”

Công chúa tựa vào bàn cười một lúc, mới nói: “Thì ra mấy năm nay trong hàn lâm học sĩ cũng trộn lẫn một đám ô hợp đến vậy. Xét đến cùng, cũng là lỗi của Vương Củng Thần.”

Cũng chính vì chuyện này mà Vương Củng Thần càng bị tài tử danh sĩ trong thiên hạ chỉ trích. Quốc triều rất coi trọng kẻ sĩ có học vấn văn chương, xét thấy trong quán các triều Chân Tông có không ít người học thức nông cạn, kim thượng còn đặc biệt chỉ thị: “Chức quan quán các là dành cho kẻ sĩ biết chữ nghĩa danh xứng với thực.” để nâng cao điều kiện vào quán các, có một thời người được tuyển chọn đều là tinh anh thiên hạ, thế nên nhân tài bản triều xuất hiện lớp lớp, rất nhiều đại thần đã sẵn có tiếng làm chính trị lại còn nổi danh tài văn chương, đủ để lưu danh thiên cổ, trở thành danh thần quốc gia. Mà vụ việc Tiến tấu viện dẫn đến thay đổi nguyên tắc chọn kẻ sĩ vào quán các, tuy tăng thêm người chất phác cẩn trọng nhưng đồng thời cũng rất thiếu năng lực, cứ hễ giảng kinh là chỉ biết giải thích đúng từ ngữ trong sách cổ, còn có những kẻ như Dương An Quốc và Bành Thừa trà trộn trong đó, cứ thế mãi thể nào cũng sẽ gây bất lợi cho giang sơn xã tắc.

Nhưng những lời này ta chỉ nghĩ trong lòng vậy thôi chứ không nói với công chúa, Nàng trò chuyện cười đùa cùng Trương Thừa Chiếu một hồi, chợt lại hỏi: “Nhưng vì sao cái tay Vương Củng Thần này lại có quyền lực to lớn vậy, muốn hại ai là hại người đó?”

“Bởi khi đó, y là ngự sử trung thừa, chính là chức quan phụ trách giám sát bách quan đó ạ.” Trương Thừa Chiếu trả lời, “Chức quyền của Ngự sử đài là duy trì trật tự bách quan, chỉnh đốn kỷ cương, khuyên nhủ hoàng đế, tham nghị triều chính và thẩm lý hình ngục. Triều đình còn có quy định, trong một trăm ngày mà ngự sử không chỉ trích được tình hình chính trị đương thời nào, lập tức biếm ra ngoài làm quan. Cho dù Vương Củng Thần không có thù riêng với quan khác thì y cũng phải tìm cho ra người mà vạch tội, thế nên đang yên đang lành nhất định đừng đắc tội với ngự sử… Nói đến quy định trăm ngày này, trong triều còn có một chuyện hài khác: Ngự sử tiền nhiệm Vương Bình sắp tròn trăm ngày mà vẫn chưa nói được chuyện gì, đồng liêu đều rất kinh ngạc, nhưng ngẫm nghĩ rồi lại bảo: ‘Có thể là Vương ngự sử đang đợi thời cơ, một khi dâng tấu ắt là đại sự.’ Một ngày nọ, rốt cuộc cũng nghe nói ông ta dâng trát (*) vách tội, cả đám vội báo cho nhau, cùng lặng lẽ tìm trát của ông ta, kính cẩn đọc mà học tập, chỉ thấy ông ta chỉ trích chuyện trong ngự thiện có sợi tóc. Trong bài chỉ trích ông ta còn viết thế này: ‘Trang dung nghiêm kính nhường nao, chợt thấy bóng hình xoăn cuộn.’”

(*) Tên một loại công văn quan lại phong kiến dùng để tâu lên cấp trên hoặc thông báo cho cấp dưới.

Vừa nói dứt lời, Trương Thừa Chiếu đã tự cười bò ra trước, công chúa chưa hiểu được hoàn toàn, vừa ăn mơ vừa hỏi ta: “Câu chỉ trích đó của ông ta là có ý gì?”

Ta tủm tỉm đáp: “Ý ông ấy là, hoàng đế đang chuẩn bị dùng bữa, ngự dung nghiêm túc trang trọng cỡ nào, không ngờ bỗng thấy một sợi tóc yên bình cuộn mình trong đĩa.”

Công chúa tức khắc há miệng ra cười, bất cẩn bị miếng mơ chưa nuốt xuống làm sặc, ho suyễn một tràng. Ta đang định đi qua chiếu cố, Trương Thừa Chiếu đã giành trước vỗ lưng cho nàng, còn bưng trà đưa nước.

Công chúa thở hổn hển, nói: “Trước đây người trong quán các nói đài quan không xứng chức, hóa ra cũng chẳng phải chỉ trích vô lý!”

Trương Thừa Chiếu tiếp lời: “Đúng thế đó! Nếu không phải quả thực đài quan có chỗ thiếu sót thì Âu Dương Tu và bạn bè quán các của y đã chẳng đem chuyện ấy ra nói hết lần này tới lần khác làm gì.”

Công chúa lại cười bảo: “Lại nói, chuyện Vân nương chăm nom cũng không khác Vương ngự sử mấy. Ta mà ăn cơm không ngoan, bà ấy sẽ dâng tấu tố cáo với tỷ tỷ ta. Đợi chút nữa, ta cũng bảo cha phong bà ấy làm ngự sử.”

Vân nương chính là nhũ mẫu Hàn thị của nàng. Tiếp đó nàng liên tưởng ngay sang Miêu thục nghi, nói: “Tỷ tỷ cũng thế, bà mà cảm thấy ta không nghe lời bà, sẽ tố cáo ta với cha hoặc nương nương… Nhưng mà chức quan của bà cao hơn Vân nương, phong bà làm ngự sử trung thừa đi.”

Ta nghe vậy cúi đầu cười, công chúa nhìn ta, cố ý ra vẻ nghiêm túc: “Huynh cười cái gì? Huynh cũng hay làm chuyện xấu, có lúc ta không muốn viết chữ đọc sách, huynh cũng sẽ đi mách với tỷ tỷ ta… Có thể coi là một thị ngự sử tri tạp sự.”

Ta thu lại nụ cười, kính cẩn lễ phép khom người với nàng, nói: “Công chúa, thứ cho thần nói thẳng. Thần thiết nghĩ, công chúa phong thần làm hàn lâm học sĩ sẽ thỏa đáng hơn.”

“Vì sao?” Công chúa hỏi.

Ta đáp: “Bởi vì thần phải sẵn sàng ứng đối với yêu cầu của công chúa bất cứ lúc nào, giảng giải kinh nghĩa cho công chúa, còn phải ngày ngày túc trực, thỉnh thoảng tuân mệnh thay công chúa nghĩ văn chương thi từ ‘thảo chiếu’.”

“Bộp” một tiếng nho nhỏ, là công chúa ném một quả mơ vào giữa hai hàng lông mày ta. “Huynh lại giễu cợt ta!” Nàng sẵng giọng, nhưng vẻ phẫn nộ giả bộ thoáng qua ấy nhanh chóng biến mất trong nụ cười má lúm ngay kế đó.

Ta xoa xoa ấn đường, chỉ cười. Nàng chăm chú nhìn ta một chốc, bỗng bảo: “Cơ mà, Hoài Cát, huynh học tốt như vậy, nếu không vào cung, năm nay huynh mười tám, cũng có thể đi thi trạng nguyên rồi nhỉ? Nếu đỗ tiến sĩ, muốn làm hàn lâm học sĩ quả thực cũng chẳng khó gì.”

Nụ cười của ta tan biến, trong lòng cảm xúc lẫn lộn, không phân rõ được là vui hay buồn.

Công chúa lại mở tờ triều báo ra, xem danh sách tiến sĩ tấu danh bên trên, mỉm cười nói: “Nhưng nếu như vậy, ta cũng sẽ không quen biết huynh, e rằng chỉ có thể trèo lên Thái Thanh Lâu nhìn huynh từ xa trong lúc cha triệu kiến tiến sĩ tân khoa ở Tập Anh Điện, nghĩ thầm trong bụng: ‘Anh chàng trạng nguyên này nom ưa nhìn ghê.’ mà thôi.”


Góc kể khổ: Ahuhu, chương này nặng thật sự luôn, không phải chỉ là dài mà còn nặng ngữ nghĩa câu cú nữa:(((((( Tất cả những đoạn trích từ tấu chương và những câu nói có thật của nhân vật đều là 100% văn cổ, trích nguyên từ bản gốc ra luôn, làm tớ vừa tra vừa luận nghĩa muốn nứt óc, lúc nào cũng nơm nớp sợ dịch sai (mà đúng là có những câu tớ không dám chắc thật, chỉ là chọn phương án lý giải có lý nhất mà thôi):(((((( Xong khúc cuối còn có mấy câu đã là văn cổ lại còn là văn ngớ ngẩn, quý dzị hiểu rồi đấy

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK