Trương Thừa Chiếu đánh mắt hướng Ninh Hoa Điện, nói: “Ắt là có người ghé tai ngài thổi gió thôi ạ.”
Miêu thục nghi hỏi lại: “Lần này toàn bộ quan viên đài viện có còn lên điện phản đối nữa không?”
Trương Thừa Chiếu xua tay: “Thần cũng muốn giúp nương tử xem, tiếc rằng vào đại điện từ cửa sau, mới tới gần bình phong đã bị nội thị điện đầu trông chừng ở đấy quát ra… Nhưng tiểu hoàng môn Trương quý phi phái đi lại đứng đó…”
Miêu thục nghi ngẫm nghĩ rồi bảo công chúa: “Huy Nhu, con dẫn Hoài Cát với Thừa Chiếu sang Thùy Củng Điện, đợi cha con bãi triều thì đón ngài qua đây.”
Công chúa ưng thuận, gọi ta cùng ra ngoài. Miêu thục nghi nháy mắt với Trương Thừa Chiếu, Trương Thừa Chiếu ngầm lĩnh hội gật đầu, khom người lui đi.
Ra tới sân rồi hãy còn nghe đằng sau có vị nương tử oán thán: “Lần này đừng có để ả được như ý thật đấy chứ. Bác trai ả mà làm tuyên huy sứ thì sau này chẳng phải chúng ta đến chọn ai sai bảo, điều chuyển ai đi cũng phải xem sắc mặt ả sao?”
Trước sau Thùy Củng Điện đều có cửa, sau ngự tọa có tường chắn, hai bên đặt bình phong, hoàng đế và nội thị trong điện ra vào cung cấm từ cửa sau. Công chúa dẫn ta và Trương Thừa Chiếu tới bên một bình phong đợi, nội thị điện đầu đứng trực thấy là công chúa nên không tiện ngăn cản, ngược lại, công chúa trông thấy tiểu hoàng môn của Trương quý phi canh tại đây, bất giác nổi xung, thấp giọng nạt: “Ngươi ở đây làm gì? Muốn dò la chính sự trong triều phỏng?”
Tiểu hoàng môn sợ hãi, đến nói cũng chẳng dám cất lời, vội vã lui ra ngoài.
Đúng lúc này, chợt nghe trên điện có người cao giọng: “Bệ hạ! Trương Nghiêu Tá bãi chức tuyên huy sứ mới hơn nửa năm lại vẫn ngồi yên trong kinh sư vốn đã bị người người chỉ trỏ, nay bệ hạ phục chức tuyên huy sứ cho ông ta, miệng tiếng thiên hạ sôi trào, nhiếc móc thêm nặng, thực thi theo lệnh ắt sẽ tổn hại đến thánh đức. Nếu bệ hạ không chấp nhận lời thỉnh cầu tận trung ái quốc của thần, nhất định phải lạm thưởng cái lễ kẻ cắp này cho Nghiêu Tá, thần lập tức cầu xin bệ hạ biếm thần ra khỏi kinh, lấy đó cảnh cáo những kẻ chính trực xuẩn ngốc không biết thế nào là kiêng kị.”
Y cao giọng nói lời này rất có khí thế hạ mình đòi vua. Công chúa nghe được sáp ngay lại gần bình phong, xuyên qua khe hở ngó vào trong, lát sau quay đầu nói với bọn ta: “Người đó là ai vậy? Còn bỏ mũ ô sa xuống thật luôn kìa.”
Ta và Trương Thừa Chiếu cũng nhìn thử, thấy người nọ tuổi ngoài bốn mươi, mặc phục sức ngự sử trung thừa, chắc hẳn chính là Vương Cử Chính. Lúc này, y đang quỳ trong điện, đã bỏ mũ ô sa ra, giơ cao khỏi đầu, nhắm mắt cúi mặt, yên lặng đợi kim thượng tỏ thái độ.
Mà kim thượng thì vẫn duy trì ngữ điệu ôn hòa, trấn an y: “Trẫm biết khanh hiền đức chính trực, nhưng có lời can gián thì thong thả mà nói là được rồi, hà tất phải như vậy. Chuyện của Nghiêu Tá ban nãy trẫm đã giải thích đi giải thích lại rồi, lần này tuy bổ nhiệm ông ta chức tuyên huy nam viện sứ, song đồng thời cũng điều ông ta ra ngoài tri Hà Dương, coi như tuyên huy sứ tại ngoại, chẳng qua chỉ là thêm cái chức khen thưởng cho công trạng của ông ta mà thôi, ra ngoài làm tri rồi cũng đâu thể can thiệp được vào sự vụ trong cung hay trong triều, các khanh có thể an tâm.”
Ngài vừa dứt câu, lại có một quan viên đứng dậy, cầm hốt khom người, nghiêm mặt: “Bệ hạ, chức vụ tuyên huy gần với nhị phủ, bất kể nội ngoại. Trương Nghiêu Tá cậy ân sủng dày nặng, lấy cách thức xúc phạm tổ tông mưu toan thứ chẳng thuộc về mình, nhiều lần xin chức cầu thưởng với bệ hạ. Nếu làm tuyên huy sứ tại ngoại, nay có ra ngoài lĩnh trấn thì tương lai tất cũng sẽ cầu được về triều hòng đảm đương chức vụ bản viện, ấy là trọng trách ngang ngửa sứ tướng, bệ hạ không thể không cân nhắc thật kỹ.”
Người này mặc công phục màu lục, hiển nhiên phẩm cấp không cao, tuổi cũng không lớn, xem chừng là một quan viên nhỏ thuộc Ngự sử đài. Vừa rồi Trương Thừa Chiếu đã nhỏ giọng giới thiệu Vương Cử Chính với công chúa, giờ công chúa hỏi sang tay quan viên áo lục này, Trương Thừa Chiếu lại cũng không biết, bèn quay người thỉnh giáo nội thị điện đầu đứng một bên. Nội thị điện đầu thoáng chần chừ, cuối cùng vẫn đáp: “Đó là điện trung thị ngự sử lý hành Đường Giới.”
Công chúa quan sát quan viên trên điện một lượt, lại hỏi: “Bao Chửng là vị nào?”
Nội thị điện đầu đáp: “Hiện tại Ngự sử đài không xin được ý chỉ của hoàng đế thông qua trung thư thì không thể toàn đài lên điện, chỉ có thể luân phiên theo ngày, nên Bao Chửng không lên điện cùng được ạ.”
Kim thượng trầm ngâm đôi chốc, sau đó trả lời Đường Giới: “Lần này dời chức, trẫm có bàn bạc trước với trung thư, tể chấp cũng thấy không phải là không thể.”
Đường Giới lập tức bước lên một bước, nói: “Trương Nghiêu Tá cậy có ân sủng cá nhân, càng ngày càng càng lấn lướt, nhậm chức vụ hiện tại đã là thái quá, nếu không ghìm xuống thì chỉ e về sau quốc triều cũng sẽ xảy ra họa Dương phi. Nếu dời chức là ý của tể chấp thì rất có khả năng họ không đếm xỉa tới tầm quan trọng của cơ nghiệp tổ tông, a dua chiều theo để củng cố ân sủng, đáng lý nên luận tội khiển trách.”
Thấy kim thượng nhất thời chưa đáp lời, Đường Giới lấy từ trong tay áo ra một cuốn tấu chương, hai tay dâng lên, nói: “Trước đó chúng thần có vào trình bày với trung thư, xin được toàn đài lên điện, tể thần Văn Ngạn Bác không cho phép. Thần tự xin cách chức điều ra ngoài, Ngạn Bác cũng không báo lên trên. Che đậy tai thánh như vậy là để cầu bo bo giữ mình, đủ thấy ông ta có bao nhiêu gian nịnh. Thần soạn lấy trát này, mời bệ hạ ghé mắt.”
Kim thượng ra hiệu bảo Trương Mậu Tắc hầu hạ bên người đi xuống nhận trát. Trương Mậu Tắc chuyển tới cho kim thượng, kim thượng mở ra xem, chợt nổi cơn thịnh nộ ném trát xuống đất, không đọc kỹ lại nữa.
Đường Giới không chút sợ hãi, tự đi lên nhặt trát, mở ra dõng dạc đọc: “Văn Ngạn Bác chuyên quyền, công tư bất phân minh, kết bè kết cánh với phường gian tà, trong khoảng thời gian tri Ích Châu đã biếu gấm hiếm điểm vàng vào gạ gẫm cung thất, nhờ đó mà được đề bạt chấp chính; sau đến Ân Châu dẹp giặc, thành công bắt hội với Minh Hạo, kế đó lên chức tể tướng; gian mưu đón hùa, công khai trọng dụng Nghiêu Tá, âm thầm cấu kết quý phi, hãm hại bệ hạ mang tiếng thiên vị hậu cung, thực tế là lo liệu kế sách cho mình…”
Kim thượng cao giọng quát ngừng, Đường Giới lại chẳng lý đến, một mạch đọc tiếp: “Kể từ khi Ngạn Bác một mình nắm giữ chính sách triều đình, các chức vụ được bổ nhiệm đa phần đều không qua bàn bạc tập thể, ân thưởng ban ra đều dính dáng đến hối lộ. Các chức vị quan trọng từ tam ty, khai phủ, gián quan, pháp tự, lưỡng chế, tam quán, chư ty, đều từ môn hạ của ông ta mà ra, tiến cử lẫn nhau, cậy nhờ thanh thế, lấy xuất thân mà làm mình làm mẩy, khiến người khác không dám ý kiến về lỗi lầm của mình…”
Kim thượng một lần nữa đập bàn quát: “Câm miệng!” Đường Giới vẫn làm như không nghe thấy, tiếp tục đọc từng câu rõ ràng: “Thần khẩn cầu khiển trách bãi chức Ngạn Bác, lấy Phú Bật thay thế. Thần và Bật vốn không quen biết, tuyệt không phải nâng đỡ tư nhân…”
“Lý hành” ý là thực tập, trung điện thị ngự sử lý hành tư cách thấp mỏng, luận phẩm cấp thì còn chẳng bằng tòng thất phẩm trung điện thị ngự sử. Phẩm cấp của Đường Giới thấp đến vậy mà lại chẳng sợ thiên uy, công nhiên chọc tức hoàng đế, biểu hiện thẳng thắn làm người trên điện trố mắt kinh hãi, ngay cả nhóm nội thị trong điện đã quen với ngôn hành kỳ quặc của đài gián cũng không kìm được hiếu kỳ, từng người tụ tập lại đằng này, tranh nhau dòm trộm vào trong điện.
Mà kim thượng thì đã tức đến độ hai bàn tay đặt trên bàn cũng run lên bần bật, chợt vung tay áo, trỏ thẳng vào Đường Giới, mắng: “Cái hạng đài quan tép riu nhà ngươi mãi một năm trước mới được điều từ nơi khác bổ sung vào kinh thành, ấy vậy mà lại dám tùy tiện làm xằng, công kích đại thần, gào rống trên điện, không sợ bị giáng chức đi lưu đày hả?”
Đường Giới không chút sợ sệt, ngẩng cao đầu chậm rãi đọc xong mấy câu cuối, thong dong gấp trát lại, rồi mới trả lời kim thượng: “Thần trung nghĩa công phẫn, dẫu cho tương lai có phải chịu hình vạc dầu cũng sẽ không tránh né, sao dám từ chối trách phạt biếm trục?”
Kim thượng lập tức gọi mấy vị tể tướng chấp chính ra khỏi hàng, mắt nhìn Đường Giới, nói với họ: “Đường Giới luận chuyện khác trẫm còn có thể tha thứ, nhưng giờ lại bảo Ngạn Bác nhờ có quý phi nên mới được chấp chính, nói cái gì vậy!”
Đường Giới không đợi tể chấp lên tiếng đã chỉ tay thẳng vào một vị bận áo bào tím, đeo đai vàng, buộc kim ngư trong đó, nói: “Ngạn Bác nên tự kiểm điểm lại đi, nếu lời ta nói là thật thì mời tự động giải thích với chúa thượng, không được khi quân dối vua!”
Vị đại thần ấy chính là Văn Ngạn Bác. Dung mạo ông trang nghiêm, mặt ngăm đen, trước kia cũng rất nổi danh làm chính trị, quả thật không giống phường tiểu nhân gian nịnh. Lúc này bị Đường Giới chỉ trích, không ứng tiếng ngay, chỉ cầm hốt cúi người bái tạ kim thượng.
Xu mật phó sứ Lương Thích nhìn không được bèn mở miệng quát Đường Giới: “Trên triều há lại có thể mặc ngươi hồ ngôn loạn ngữ! Lẽ nào chức tể tướng phải được ngự sử nhà ngươi tiến cử mới có thể làm? Còn không mau xuống điện ngẫm lại đi!”
Đường Giới vẫn kiên trì đứng trên điện không đi, trái lại còn quay đầu hùng hổ vặc trả Lương Thích: “Ta có nói thẳng phạm thượng thì ý cũng vốn là tận trung với nước. Mà đám tiểu nhân các người thì chân chính cùng một giuộc với Ngạn Bác, cấu kết hành gian, hùa ý đế vương để cầu sủng. Nếu thánh đức bị tổn hại, quốc gia xảy ra biến cố, ông có gánh vác được tội danh bậc ấy không?”
Công chúa xem mà líu lưỡi, thì thầm với ta: “Bây giờ chắc cha đang muốn đâm đầu vào cột rồng lắm đây.”
Đúng lúc này, chỉ nghe trên điện vang dội một tiếng giòn giã, bọn ta không khỏi kinh ngạc, vội quay đầu lại xem – hóa ra là kim thượng hất cái giá bút bằng sứ men xanh đặt trên bàn trước mặt xuống.
“Người đâu,” Ngài trấn tĩnh lại khỏi cơn thịnh nộ, giọng lạnh lùng: “Lôi Đường Giới xuống, điệu về Ngự sử đài xét tội.”
Hai gã cấm vệ hầu ngoài điện ứng tiếng đi vào, tới cạnh Đường Giới, định kèm hai bên lôi y ra ngoài. Đường Giới vung ống tay áo né ra, cười khẩy rồi tự xoay người sải bước ra khỏi cửa.
Vương Cử Chính trong điện như còn muốn biện giải thay y, song vừa mở miệng gọi “Bệ hạ” đã bị kim thượng giơ tay bảo ngừng, ra lệnh: “Ngươi cũng ra ngoài đi!”
Vương Cử Chính im lặng, đặt ô sa trong tay xuống đất, bái lạy rồi lui ra.
Văn Ngạn Bác đợi hai người đi rồi, lại xá kim thượng một lạy, nói: “Đài quan có nói gì cũng là chức trách của họ, mong bệ hạ rộng lượng với Đường Giới và Vương Cử Chính, chớ vì chuyện này mà thêm tội cho họ.”
Kim thượng không bằng lòng, nhìn trái phải nói: “Trung thư xá nhân trực hôm nay là ai? Mau gọi đến thảo chiếu cho trẫm: biếm trung điện thị ngự sử lý hành Đường Giới làm Xuân Châu biệt giá (*).”
(*) Chức quan phụ tá cho thứ sử một châu.
Xuân Châu thuộc Lĩnh Nam, là vùng đất khỉ ho cò gáy, quan viên bị trục xuất tới đó nhiều người đã chết trong thời gian nhậm chức.
Thái độ kim thượng lúc này rất kiên quyết, giận khó mà lường, quần thần cũng không giám xía vào can gián nữa. Một lát sau, quan viên biên soạn ghi chép hằng ngày ghi lại ngôn hành của quân thần ngồi trong một góc đại điện gác cây bút trong tay xuống, đứng dậy, chậm rãi đi vào giữa điện.
Người này dáng cao râu đẹp, cử chỉ trang nhã, ta vừa nhìn đã nhận ra y là Thái Tương từng gặp nhiều năm trước. Sau mấy năm bị điều ra ngoài vì làn sóng tân chính, y cũng giống như đa phần danh sĩ quán các bị trục xuất trong vụ án Tiến tấu viện trước đây, lại được vời về triều.
“Bệ hạ,” Thái Tương khom người thưa, “Đường Giới quả thực bộc trực ngông cuồng, ngôn hành hôm nay quá mức vô lễ. Nhưng dung nạp lời can gián tận tâm của thần tử là thịnh đức của đế vương. Bệ hạ vẫn luôn chịu nghe can gián, đối tốt với ngôn quan, vậy nên thần cả gan xin bệ hạ nương tay tha tội cho Đường Giới, xử trí nhẹ nhàng.”
Kim thượng cũng không muốn nhiều lời nữa, buông câu “Bãi triều” rồi đứng dậy vào trong.
Công chúa lập tức lùi lại, đứng ngoài cửa sau Thùy Củng Điện, đợi kim thượng ra ngoài thì tiến lên hành lễ vấn an nghênh đón.
Kim thượng thấy nàng, nhíu mày hỏi: “Sao con lại ở đây?”
Công chúa mỉm cười đáp: “Cha quên rồi ạ? Hôm nay cha đã nói là sẽ đi Nghi Phượng Các xem con gái tấu không hầu.”
“À,” Kim thượng nhớ ra, nhưng vẻ mặt chỉ toàn là mệt mỏi, “Có thể dời sang hôm khác được không? Cha rất mệt.”
Công chúa hơi thất vọng, nhưng vẫn gật đầu ưng thuận: “Vậy cha về nghỉ ngơi trước đi ạ. Khi nào muốn nghe thì lại bảo con gái.”
Kim thượng gật đầu, rảo bước đi về phía Phúc Ninh Điện. Công chúa nhìn theo ngài, bỗng lại cất tiếng gọi “Cha”.
Kim thượng ngoái đầu: “Còn chuyện gì nữa?”
Công chúa lấy tay xoa ngực, khéo cười duyên dáng: “Hít sâu.”
Kim thượng sửng sốt, chợt hiểu ra, nhìn con gái, sau cùng trên mặt cũng hé ra nụ cười.