“… Kính thiên văn Hubble vừa phát hiện một sao chổi mới cực kỳ đặc biệt. Sao chổi có kích thước ước tính xấp xỉ gấp đôi mặt trăng, màu đỏ máu, thám trắc cho thấy sao chổi có thể cấu tạo từ chất lỏng, quỹ đạo bay của sao chổi này rất bất thường có thể do cấu tạo của nó, dự kiến sẽ bay ngang qua Hệ mặt trời trong năm tới. Các nhà khoa học đặt tên nó là Sao chổi đỏ …”
“Tin thời sự: Hôm nay, ngày 15/09/2022, Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và bác toàn bộ kháng cáo của bị cáo Nguyễn Phúc Huy, cựu chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm phạt tử hình với các tội danh liên quan đến “tham nhũng”, “hối lộ”, “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” các tội danh liên quan đến buôn lậu và buôn bán ma túy… 37 đồng phạm có liên quan đến vụ án là …..
Trong một bản tin liên quan, Nguyễn Phúc Minh Khang con trai bị cáo Nguyễn Phúc Huy vừa bị hành hung và đang phải nhập viện. Vụ việc đang được điều tra làm rõ …”
“Phụp” Màn hình ti vi bị tắt đi. Trần Phương đặt chiếc remote sang một bên, đưa điếu thuốc lên miệng rít một hơi dài, bàn tay còn lại gõ gõ xuống tập hồ sơ cạnh bàn phát ra âm thanh khô khan trong phòng.
Đây là một căn phòng để hỏi khẩu cung, diện tích khá hẹp, được bố trí đơn giản. Tường gạch, cửa sắt cách âm, một chiếc bàn sắt và hai chiếc ghế đối diện nhau được hàn cứng xuống sàn.
Tiếng bước chân chậm rãi truyền đến. Cửa mở ra. Một thanh niên trong bộ đồ sọc trắng đen của phạm nhân bước vào cùng với một cán bộ công an áp giải bên cạnh. Người thanh niên có dáng người cân đối gọn gàng của một người thường xuyên tập luyện, gương mặt rắn rỏi, da hơi sạm đen do trải nhiều nắng gió nhưng vẫn khá điển trai. Gương mặt toát ra một vẻ nhẹ nhàng và bình thản. Bình thản tựa như hắn không phải đang đi đến phòng hỏi khẩu cung mà chỉ như đang đi dạo quanh nhà một vòng vậy. Kể cả khi đang mang trên tay chiếc còng số 8 và bộ áo tù kia, nhìn hắn vẫn không giống một tên tội phạm chút nào.
Đưa người này vào xong, người công an kia cúi đầu chào rồi xoay người bước ra đóng cửa lại.
“Ngồi đi” – Trần Phương dụi tắt điếu thuốc trên tay, chỉ vào ghế, nói.
Người thanh niên ngồi xuống. Trần Phương không lên tiếng chỉ yên lặng ngồi đánh giá người đang ngồi đối diện mình. Căn phòng yên tĩnh đến ngột ngạt, chỉ có tiếng ngón tay của Trần Phương đều đều gõ trên bàn. Đây cũng là một phương pháp để gây áp lực tâm lý. Đối với hầu hết tội phạm bình thường, phản ứng của bọn họ đa số sẽ là chột dạ, sốt ruột hoặc cố gắng tỏ ra bình tĩnh. Tuy vậy, người thanh niên kia vẫn không có chút nao núng hay né tránh nào cả, mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước, thần thái ung dung quan sát ngược lại Trần Phương, sống lưng thẳng tắp, biểu cảm khuôn mặt không có gì thay đổi. Có cảm giác như anh ta có thể giữ nguyên tư thế này cả nửa ngày mà không có khó khăn gì.
Trần Phương lật tập hồ sơ trong tay ra, lên tiếng:
“Tự giới thiệu. Tôi là Trần Phương, người phụ trách chính vụ án của cậu.”
“Tôi đã đọc bản lời khai. Khá thành khẩn và chi tiết đấy”
“Tôi thành khẩn để mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật” – Người thanh niên kia trả lời.
Nghe câu nói này, Trần Phương cảm thấy tức cười. Nhiều năm tra án, tiếp xúc đủ loại tội phạm, câu này Trần Phương đã nói đến mức quen miệng nhưng đây là lần đầu tiên hắn được nghe nó phát ra từ miệng của một tên tội phạm.
“Tôi sẽ đọc để xác nhận với cậu một lần nữa, được chứ?” – Trần Phương đặt một chiếc máy ghi âm lên bàn, bấm nút rồi nói.
“Được”.
“Hồ sơ cá nhân. Lê Minh Đức, hai mươi bảy tuổi, nguyên quán Bình Định. Thân nhân hiện tại một em trai, một em gái. Tốt nghiệp trường THPT Nguyễn Huệ loại giỏi. Thủ khoa đầu vào đại học kinh tế Tp. HCM. Không nhập học. Đi nghĩa vụ quân sự ở năm 20 tuổi. Tham gia lớp huấn luyện quân sự đặc biệt. Được đặc cách nhận vào đội dự bị của lực lượng đặc biệt ở năm 22 tuổi. Được tuyển lên chính thức sau sáu tháng. Thành tích huấn luyện thể lực, ngụy trang, cận chiến, sử dụng vũ khí nóng đều rất nổi bật. Được chọn làm tiểu đội trưởng đội đặc nhiệm số 7. Trong khu vực phía Nam, đội đặc nhiệm số 7 là một trong những đội đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của lực lượng đặc biệt.
Quá trình công tác, bảo mật. Thành tích hoạt động, bảo mật. Tuy nhiên, theo tôi biết được thì trong thời gian cậu còn công tác, thành tích của đội đặc nhiệm số 7 rất có tiếng. Triệt phá 5 đường dây buôn bán ma túy khu vực biên giới Tây Nam và khu vực Tam giác vàng, ngăn chặn và bắt giữ 25 vụ khủng bố và có liên quan đến khủng bố, trong đó có 5 lần là hoạt động khủng bố có tổ chức được tài trợ bởi nước ngoài, và đó chỉ là những vụ việc được công khai trong báo cáo nội bộ mà tôi có thể tiếp cận.
Nhận xét của cấp trên: Nỗ lực, kiên trì, tỉ mỉ, có trách nhiệm với đồng đội.
Chậc, phải nói là hồ sơ của cậu thực sự rất ấn tượng. Tôi có cảm giác như đang đọc về nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nào đấy vậy. ” – Trần Phương gõ gõ tập hồ sơ trên tay chặc lưỡi nói.
“Đáng lẽ cậu phải có một tương lai rất tươi sáng mới phải. Nhưng ở đây nói cậu đã rời lực lượng được ba năm. Lý do: Không rõ. Tôi có thể hỏi là vì sao không?”
“Nếu anh đã không biết tức là tôi có nghĩa vụ phải bảo mật thông tin.” – Minh Đức trả lời.
Trần Phương nhún vai:
“Cũng phải. Giờ nói đến vụ án của cậu.”
“Tội danh: Cố ý gây thương tích. Tối ngày 04/09/2022, cậu tấn công nạn nhân Nguyễn Phúc Minh Khang gây thương tích nghiêm trọng. Gây án trong tình trạng sử dụng rượu bia. Sau khi gây án đã chủ động gọi cứu thương và đến đồn công an gần nhất để đầu thú. Nguyên nhân vụ việc: Khai nhận có mâu thuẫn từ trước với nạn nhân.”
“Cậu có biết mức độ thương tích của nạn nhân không?” Trần Phương hỏi.
“Tôi không rõ” – Minh Đức đáp.
“Thương tích theo chẩn đoán của bác sĩ, lớn hơn 80%. Tổn thương cột sống, đốt sống cổ bị gãy, dây thần kinh bị tổn thương, xương sườn bị gãy hai cái, khớp tay và khớp chân toàn bộ bị đập nát, gãy cẳng tay trái, gãy cẳng chân phải. Gần như chắc chắn sẽ không thể đi lại được nữa. Nếu xe cứu thương đến chậm hơn rất có thể đã dẫn đến chết người. Cậu biết điều này có ý nghĩa gì chứ?”
Minh Đức bình thản trả lời:
“Theo điều 134, Luật Hình sự, tội cố ý gây thương tích gây tổn hại sức khỏe lớn hơn 61% hoặc dẫn đến chết người có thể nhận mức án từ 07 đến 14 năm tù giam. Trường hợp của tôi là không có đơn bãi nại của gia đình nạn nhân, không hòa giải, gây án trong tình trạng bị kích thích, không chuẩn bị hung khí và chủ động đầu thú, tôi mong mình có thể nhận được mức án công bằng trong khung hình phạt trên.”
Nhìn gương mặt tỉnh bơ của Đức, Trần Phương lắc đầu cười:
“Cậu nhìn không giống người có thể gây án trong trạng thái bị kích thích đâu”.
“Khi say rượu tôi không kiểm soát được hành động của mình”.
Trần Phương gật đầu:
“Giải thích hợp lý. Tuy nhiên, tôi có một giả thuyết khác”.
Trần Phương lấy trong tập hồ sơ ra năm bức ảnh, lần lượt đặt nó lên bàn trước mặt cậu ta, chậm rãi nói:
“Nguyễn Hữu Danh. Nam, 32 tuổi. Người nhà khai báo mất tích, sáu tháng sau tìm thấy thi thể trong một khối bê tông ở công trường Dự án X.
Trần Minh Nhật. Nam, 29 tuổi. Người nhà khai báo mất tích, thi thể được tìm thấy sau hai tháng dưới sông Sài Gòn, xét nghiệm ADN trùng khớp.
Lê Nguyễn Vinh Quang. Nam, 28 tuổi. Khai báo mất tích, thi thể được các công nhân vô tình phát hiện ở rừng cao su Biên Hòa.
….
Cả năm vụ án này được thực hiện ở các địa điểm khác xa nhau, cách thức thực hiện, phương thức phi tang thi thể không giống nhau, cũng không có nhiều liên quan, chỉ có một điểm chung thấy được từ xét nghiệm pháp y là bọn họ đều bị tra tấn rất nghiêm trọng trước khi chết. Cho nên, khả năng cao động cơ gây án là trả thù.”
“Có vẻ không liên quan gì đến tôi cả”. – Minh Đức nói.
Trần Phương cười nhạt:
“Ừ, có vẻ là vậy. Nhưng đến khi vụ án của cậu được đưa đến bàn tôi, tôi đã thấy vài điểm rất thú vị. Tất cả những người vừa rồi và người cậu vừa đưa vào viện có một điểm chung là họ có liên quan đến một vụ án cũ liên quan đến bạn của cậu. Vì vậy, tôi đã tiếp tục đào sâu thêm”.
“Nguyễn Trần Mạnh Dũng. Bị tấn công nhập viện, thương tích trên 80%, cột sống bị tổn thương, xương tay chân bị gãy, gãy xương sườn. Tử vong sau khi nhập viện ba tháng do tăng huyết áp. Đỗ Minh Tú, vợ chưa cưới của anh Dũng bị cưỡng hiếp cùng thời điểm anh bị tấn công và tự sát sau đó ba tháng. Hung thủ đã bị công an bắt. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân cho rằng không bắt đúng người nên đã khởi kiện yêu cầu điều tra lại, người họ yêu cầu điều tra chính là … Nguyễn Phúc Minh Khang, con trai ông Nguyễn Phúc Huy, cựu chủ tịch Tp. HCM. Năm nạn nhân tôi vừa nhắc đến là năm người cậu từng báo lên đội điều tra là có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên do đã có người đầu thú nhận tội và không đủ bằng chứng kết tội những người kia nên vụ án không được điều tra thêm”.
“Thêm nữa, chắc cậu cũng biết tôi là người tiến hành vụ án của ông Nguyễn Phúc Huy chứ?”
“Tôi có thấy tên anh trên báo”. – Minh Đức đáp.
“Thực ra vụ án đó không phải công của tôi. Tôi nhận được hồ sơ nặc danh tố cáo trong đó có bằng chứng vô cùng đầy đủ về tội trạng của ông ta. Tôi không biết ai là người gửi, nhưng giờ có lẽ tôi đã đoán được rồi”.
Nhìn thật sâu vào người thanh niên trước mặt, Trần Phương nghiêm mặt trầm giọng hỏi:
“Cậu trả thù tất cả những kẻ mà cậu cho rằng đã hại bạn cậu. Cậu lợi dụng tôi để triệt hạ Nguyễn Phúc Huy rồi hoàn thành công cuộc báo thù bằng cách tấn công con ông ta đúng như cách mà bạn của cậu ngày xưa phải trải qua, đến cả vết thương cũng tương tự như vậy”.
“Mọi thứ hiển nhiên như cậu cố tình nói cho tôi biết rằng cậu đã làm tất cả điều này vậy, kể cả trong lời khai của cậu cũng dẫn dắt tôi đến vụ án cũ của bạn cậu”.
“Nhưng có một điều tôi không hiểu. Nếu cậu đã đủ khả năng âm thầm thực hiện việc trả thù mà chưa bị ai phát hiện, tại sao vụ cuối cùng này, cậu lại làm nó lộ liễu như vậy? Tại sao cậu muốn tôi phải biết?”
“Hay cậu cho rằng mình đã làm mọi thứ quá hoàn hảo, pháp luật không thể trừng trị cậu được?”
Minh Đức mỉm cười, lắc đầu:
“Anh đánh giá thấp bản thân mình quá đấy”.
“Cái gì?”.
“Kể cả có bằng chứng đi nữa thì hạ bệ một chủ tịch thành phố cũng không phải việc đơn giản gì, phải đối diện với rất nhiều uy hiếp và áp lực, sao có thể nói là không có công chứ”.
“Vậy là cậu thú nhận”.
“Tôi thú nhận tôi đã phạm tội cố ý gây thương tích cho nạn nhân Nguyễn Phúc Minh Khang”.
“Còn về giả thuyết thú vị của anh, tôi không thú nhận gì ở đó cả. Anh hiểu rõ hơn tôi rằng trong một vụ án bằng chứng quan trọng hơn giả thuyết”.
“Mà kể cả là tôi thú nhận đi chăng nữa, anh vẫn phải cần bằng chứng. Nếu không, chủ mưu gây án chỉ cần kiếm một kẻ thế mạng đầu thú là có thể phủi sạch mọi tội danh, ung dung ngoài vòng pháp luật rồi”.
Sự mỉa mai trong giọng nói của hắn khiến Trần Phương trầm mặc, anh không phản bác:
“Cậu nói đúng. Lần sau gặp lại, tôi sẽ mang đến bằng chứng”.
Nhìn Trần Phương đóng tập hồ sơ, chuẩn bị đứng dậy, Minh Đức lắc đầu nói:
“Thật lãng phí”.
“Lãng phí?”
“Một cảnh sát có năng lực, có quyết tâm theo đuổi công lý như anh, đáng lẽ phải làm gì đó có ý nghĩa. Bắt giữ những tên tội phạm nguy hiểm, đòi lại công bằng cho người bị hại, chứ không phải bỏ nhiều thời gian và công sức đến như vậy chỉ để tìm kiếm công lý cho những tên cặn bã”.
“Mọi người đều công bằng với nhau trước pháp luật”. – Trần Phương phản bác.
“Đáng lẽ nên là như vậy”.
Im lặng một lúc, Đức lên tiếng hỏi:
“Sao anh lại lựa chọn công việc này?”
Trần Phương nghiêm túc trả lời:
“Bởi vì tôi tin vào công lý của luật pháp. Chỉ có nhà nước pháp quyền mới thực sự có thể đem lại sự an toàn và công bằng cho xã hội. Nếu tất cả mọi người đều muốn dựa vào ý thích của bản thân để thực thi công lý, kết quả cuối cùng sẽ chỉ là hỗn loạn”.
“Trả thù không phải là cách đúng đắn để thực thi công lý”.
“Tôi biết với cậu nó sẽ nghe rất sáo rỗng, nhưng …”
Minh Đức ngắt lời:
“Không, tôi đồng ý với anh. Xã hội pháp quyền là một lý tưởng tốt đẹp. Ở đó, người bị hại tìm được công lý, kẻ phạm tội phải đối mặt thẩm phán bởi tội ác của mình. Tôi khâm phục những người có nguyên tắc và nỗ lực vì một lý tưởng cao đẹp như vậy. Và tôi cũng muốn tin rằng có nhiều người tại đất nước của chúng ta, trong đó có cả anh đang cùng nỗ lực vì điều đó dù nó rất khó khăn.
Cho nên thật ra, ở một mặt nào đó mà nói, tôi rất tôn trọng và khâm phục anh.”
Trần Phương hơi bất ngờ trước phản hồi của Đức. Đáng lẽ những người trải qua cảnh bất công như cậu ta sẽ có xu hướng phản xã hội và không tin tưởng vào luật pháp mới phải. Giọng nói của cậu ta rất nghiêm túc không có chút mỉa mai, giễu cợt nào.
“Cậu hiểu rõ tôi sao?”
“Trung tá Trần Phương. Năm nay 34 tuổi. Gia đình truyền thống cách mạng. Ba đời là quân nhân. Tốt nghiệp bằng xuất sắc tại Học viện Cảnh Sát Nhân Dân. Đội trưởng đội hình sự đặc nhiệm số 9. Số vụ án đã phá được hiện tại đã hơn 137 vụ trong đó 13 vụ trọng án, nhiều vụ liên lụy rất rộng và chịu nhiều uy hiếp nhưng hầu như chưa từng chùn bước. Nhận xét cấp trên: Năng lực điều tra tốt, có nguyên tắc, kiên trì, gan dạ, táo bạo, liều lĩnh.”
“Tôi thực sự rất tôn trọng anh”.
“Có thể nói là tôi tôn trọng anh khoảng 95%”.
“95% ư, 5% còn lại thì sao?” – Trần Phương thú vị hỏi.
“Con người không ai hoàn hảo cả. 95% cũng là một con số khá lớn đấy. Anh thật sự muốn biết 5% còn lại sao?”
“Phải”.
Minh Đức đưa tay lên bấm tắt chiếc máy ghi âm đang hoạt động nãy giờ, nói:
“Vụ án khăn quàng đỏ”.
Sắc mặt của Trần Phương thay đổi:
“Cậu biết gì về vụ án đó”.
“Tôi biết kẻ bị bắt không phải là thủ phạm thực sự. Và tôi biết rằng anh cũng biết điều đó”. – Minh Đức chậm rãi đáp.
Trần Phương xiết chặt nắm tay, không phản bác.
Vụ án khăn quàng đỏ là một vụ án nổi tiếng cách đây khá lâu ở địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là một chuỗi án liên hoàn, nạn nhân là các cô bé nữ sinh cấp ba có ngoại hình xinh đẹp. Phương thức gây án của hung thủ là bắt cóc, cưỡng hiếp và sau đó giết chết nạn nhân. Sở dĩ gọi là vụ án “Khăn quàng đỏ” vì xác của nạn nhân thông thường được phát hiện trên sông với một chiếc khăn quàng đỏ quấn quanh cổ. Dư luận rất phẫn nộ, vì vậy áp lực lên cảnh sát đảm nhiệm vụ này cũng rất lớn. Sau nhiều tháng điều tra, cuối cùng hung thủ cũng bị bắt và chịu án tử hình.
“Nói tôi nghe, trung tá. Tại sao anh không tiếp tục điều tra?” – Minh Đức lạnh lùng hỏi.
Trần Phương im lặng, không phải không có lý do, nhưng anh cảm giác bất kỳ lý do nào nói ra cũng chỉ là mượn cớ mà thôi. Anh đã từng muốn lật lại vụ án, từng muốn tiếp tục điều tra, nhưng sự thật là đến giờ anh vẫn chưa làm được, mặc cảm tội lỗi với gia đình những nạn nhân kia khiến anh cảm thấy mình khó mà mở miệng để biện minh bất kỳ điều gì.
Minh Đức cúi người về phía trước:
“Nếu anh đã không biết nói gì thì để tôi nói cho anh”.
“Anh lúc đó chỉ vừa mới chân ướt chân ráo vào ngành, chưa có kinh nghiệm, chưa có chức vụ, lời nói không có trọng lượng, đúng không”.
“Trong khi đó thì vụ án lại chịu áp lực rất lớn từ xã hội. Vì vậy, khi án đã được phá, hung thủ đã bị bắt, lời khai, vật chứng đều có, tuy có vài điểm đáng ngờ nhưng chắc chắn chẳng ai phàn nàn gì cả, gia đình nạn nhân lại càng không thể biết được. Cả đội của anh đều được khen thưởng, thăng chức, trong đó có cả anh. Dư luận vui vẻ, tất cả mọi người đều hài lòng với kết quả đó”.
“Làm sao có thể lật lại vụ án được, đúng không? Lật lại vụ án, anh không chắc có thể phá được, không chắc có thể tìm ra hung thủ thật sự, nhưng nó lại khiến dư luận phẫn nộ, khiến cấp trên không vui, khiến người nhà nạn nhân tức giận, khiến cả đội của mình bị khiển trách”.
Điều đó chẳng khác nào làm một việc vừa vô bổ vừa đắc tội với tất cả mọi người. Đúng không?”
Trần Phương không nói. Những lý do đó đều đúng. Ở thời điểm đó anh phải đối mặt với những vấn đề như vậy, những câu nói này như chạm trúng tim đen của anh.
Im lặng một lúc, nhìn Trần Phương, Minh Đức lạnh lùng, nghiêm khắc nói:
“Những lý do đó … thật thảm hại”.
“Thật thảm hại so với cái lý tưởng cao đẹp của anh”.
Đối diện với cậu ta, Trần Phương có cảm giác không phải mình đang thẩm vấn tội phạm nữa, mà cứ như thể mình mới là phạm nhân đang bị thẩm vấn. Tệ hơn nữa là anh không tìm được bất cứ lý lẽ gì để có thể phản bác đối phương.
“Anh đã đọc hồ sơ của tôi. Vậy hãy để tôi kể lại câu chuyện của mình”.
“Dũng, nó là bạn tôi. Hai đứa sát nhà nhau, lớn lên cùng với nhau. Có thể nói, nó đã cùng tôi trải qua tất cả mọi chuyện. Nó là kiểu bạn sẽ sẵn sàng lao ra đỡ đạn cho tôi”.
“Thực ra thì nó đã từng đỡ cho tôi mấy cây gậy sắt phang thẳng vào đầu khi chúng tôi cùng đi gây sự choảng nhau với đám lớp trên hồi học cấp hai, máu chảy lênh láng, đầu phải may sáu mũi đấy”. – Đức chỉ vào trán mình, ánh mắt nhìn xa xăm như đang hồi tưởng.
“Lúc tôi nghỉ học để đi làm thuê nuôi hai đứa em ăn học. Nó trộm tiền ở nhà mang cho tôi. Tôi không nhận. Nó vì vậy mà đi làm thêm ròng rã mấy tháng trời, phụ hồ, trộn vữa, chạy xe ôm, ba mẹ can ngăn cũng không được. Tôi còn nhớ lúc nhận được tháng lương đầu tiên đưa tiền qua, trên đó còn nguyên dấu vữa chưa khô, nó nói: Nếu không muốn xem nó là bạn nữa thì đốt đi”.
“Nó vốn là con một, nhà khá giả chưa từng phải làm gì nặng nhọc, và đợt đó nó đã tự tay kiếm tiền để giúp tôi”.
Trần Phương im lặng lắng nghe.
“Sau này tôi vào quân đội, nó nghỉ học kinh doanh cũng trở thành một ông chủ nhỏ. Một ngày, nhân lúc tôi về nhà nghỉ phép, nó hẹn gặp tôi, rủ tôi đi ăn, giới thiệu với tôi bé Tú, vợ chưa cưới của nó. Hai đứa quen nhau ở dưới quê. Con bé xinh xắn, hiền lành, cả hai dự định cưới nhau vào cuối năm”.
“Tôi thực sự mừng cho nó. Nó đáng lẽ đã có một cuộc sống bình an, vui vẻ, viên mãn bên cạnh cha mẹ vợ con. Đáng lẽ phải là như vậy”.
“Tôi rất tiếc”. – Trần Phương khó khăn nói.
Đức lắc đầu, lạnh nhạt kể:
“Đêm đó có một đứa đến vỗ mông bé Loan lúc chúng tôi đang ăn. Đương nhiên, thằng Dũng lập tức đấm thằng đó ngã xuống sàn. Tên đó bỏ đi sau khi đưa ra vài lời hăm dọa. Chúng tôi chỉ coi đó là một việc không vui chứ không xem trọng lắm.
Ngày hôm sau, tôi nhận được tin, nó bị người đánh nhập viện, xương tay chân bị người khác đánh gãy, đầu bị đánh phải khâu mười hai mũi, gãy ba xương sườn, cột sống bị tổn thương. Bác sĩ bảo khả năng nó cả đời cũng không thể đứng dậy được nữa. Khi tôi đến, nó bảo người nhà ra ngoài và kể cho tôi nghe chuyện xảy ra đêm đó”.
“Nó bị năm thằng chặn đánh, đập gãy tay chân của nó, cưỡng hiếp bé Tú trước mặt nó. Người cầm đầu, chắc anh đã biết rồi. Anh có thể hiểu nổi cảm giác của thằng bạn tôi khi đó không, trung tá?”
Đức ngước lên nhìn thẳng vào Trần Phương. Trong giọng nói đều đặn trầm tĩnh đó, anh nghe ra được sự phẫn nộ của Đức. Đối diện ánh mắt đó, Trần Phương chỉ có thể im lặng.
“Cảnh sát vào cuộc điều tra, một thời gian ngắn sau đã có người đến đầu thú. Nhưng đương nhiên tôi biết, kẻ thực sự phạm tội vẫn đang nhởn nhơ ngoài kia”.
“Anh biết không, chúng tôi đã thử cách thức “đúng đắn” mà anh nói”.
“Bố mẹ thằng Dũng khởi kiện yêu cầu điều tra lại, tôi tự mình điều tra và đưa tên những kẻ đó cho bộ phận phụ trách. Anh biết họ nói gì không?” – Minh Đức nở nụ cười chua chát, hỏi.
Trần Phương lắc đầu.
“Không có bằng chứng”.
“Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của người phụ trách vụ án với tôi: Kể cả khi cậu biết ai là thủ phạm đi nữa, nhưng không có bằng chứng thì cậu cũng chẳng thể làm gì được. Vậy đó”.
“Khi tôi muốn tự mình điều tra tiếp để tìm ra bằng chứng. Các em của tôi nhận được thư đe dọa. Nhà của bố mẹ thằng Dũng bị người lén vào phóng hỏa, may mắn dập kịp thời. Bản thân tôi cũng bị người vu cáo cấu kết tội phạm buôn hàng trắng. Nếu không nhờ sếp Trung giúp đỡ, có lẽ tôi không chỉ đơn giản là phải rời ngành”.
“Báo chí, mạng xã hội bắt đầu xoi mói chuyện nhà chúng tôi, bắt đầu vẽ nên câu chuyện của một thằng nhóc bỏ học hư hỏng, bắt nạt bạn bè, một cô gái dâm đãng câu kéo tống tiền người khác và bị trả thù”.
“Lối sống suy đồi và hậu quả, bút danh Sự thật – Tôi còn nhớ tiêu đề của một bài báo đó. Những kẻ không biết chuyện cứ thế xông vào xỉ nhục Dũng và vợ chưa cưới của nó”.
“Không chịu nổi đả kích. Bé Tú tự vẫn, thằng Dũng biết chuyện cũng uất ức mà chết. Bác sĩ nói do tăng huyết áp và chấn thương quá nặng”.
Theo lời kể của Đức, một cái tên hiện ra trong đầu anh:
“Phóng viên Bùi Ngọc Danh, tòa báo X. Bị phanh phui chuyện tống tiền doanh nghiệp, nhận tiền viết bài và ngoại tình. Chết vì tiêm ma túy quá liều tại văn phòng. Là cậu làm?”.
Đức không trả lời, vẫn tiếp tục kể bằng giọng nói lạnh như băng:
“Ngày chúng tôi chôn cất thằng Dũng và vợ chưa cưới của nó. Một chiếc xe đến trước nhà của chúng tôi. Tôi nhìn thấy hắn, mở cửa xe nhìn chúng tôi, cười thách thức, bởi vì hắn biết tôi chả thể làm gì được hắn cả”.
“Trong cái ngày đáng lẽ phải là ngày vui thì là ngày gia đình chúng tôi phải đưa tang. Trong cái ngày bố mẹ thằng Dũng mất đi đứa con trai độc nhất, bố mẹ của bé Tú mất đi đứa con gái yêu. Trong cái ngày tôi mất đi thằng bạn thân thiết nhất của mình và hắn đến đó để cười nhạo chúng tôi”.
“Tôi đã thử cách “đúng đắn” mà anh nói. Và đó là những gì tôi đã nhận được”.
“Anh sẽ làm gì hả trung tá?”
“Anh có thấy những lý do biện hộ của mình thảm hại thế nào so với cái lý tưởng của anh chưa?”.
Trần Phương đờ đẫn, một cảm giác bất lực dâng lên trong lòng. Vụ án khi xưa anh đã từng áy náy, đã từng muốn lật lại. Nhưng đối diện với từng đó khó khăn, anh không dám, và rồi đã dần lãng quên nó cho đến tận hôm nay. Đã có lúc anh nghĩ rằng những lý do biện hộ ấy thật có lý, những khó khăn đó nào có mấy ai dám bất chấp tất cả để làm chứ. Nhưng bây giờ, đối diện với người thanh niên này, anh mới cảm thấy … đúng vậy. Nó thật là thảm hại.
“Tại sao lại là tôi? Cậu muốn gì ở tôi?” – Trần Phương hỏi lại.
Đức thở ra một hơi, mỉm cười:
“Anh hãy cứ làm bất cứ điều gì mà anh cho là đúng”.
“Tôi đã hoàn thành mọi thứ tôi cần phải làm. Tôi không muốn thêm gì nữa. Tôi sẽ chấp nhận bất cứ hậu quả nào đối với hành động của mình”.
“À, nếu được, tôi muốn được đọc sách, tôi sẽ tự mua chúng, dù gì thì sắp tới tôi cũng sẽ có rất nhiều thời gian rảnh rỗi. Coi như trao đổi với món quà tôi sắp tặng anh”.
“Quà gì chứ?” – Trần Phương ngạc nhiên hỏi.
“Đưa tôi cây bút” .
Trần Phương đưa cây bút và quyển sổ trên tay cho Đức. Cậu ta nhận lấy, viết một dòng chữ trên quyển sổ, đó là một dòng link drive. Viết xong, Đức đưa lại quyển sổ cho Trần Phương.
“Mật khẩu thư mục là sinh nhật của cô bé nạn nhân đầu tiên trong vụ án Khăn quàng đỏ”.
“Đây là …”
“5% còn lại”.