Hắn công khai thân phận của Triệu Nguyên Lãng, khiến thành trì sắp chìm trong vũng lầy tuyệt vọng này dấy lên một gợn sóng hy vọng. Những người vốn đang chờ chết dưới đao kiếm quân Khiết Đan hớn hở không thôi, chỉ mong có thể kiên trì thêm vài ngày nữa, giữ vững thành đến khi viện binh tới, liều mạng giành lấy một con đường sống cho chính mình và cả người thân.
Gió đêm phơ phất, ánh lửa bập bùng lay động, những người già thổi sáo trúc réo rắt du dương. Những binh sĩ ôm đao ôm thương cất lên giai điệu của quê nhà, những cô gái trẻ xoay tròn múa lượn. Đôi má bị gió rét thổi đỏ ửng bừng sáng lên ý cười, rực rỡ hơn cả son phấn.
Ta và Triệu Nguyên Lãng lặng lẽ nhìn bọn họ. Vị tướng trẻ tuổi này không còn vẻ kiêu căng khinh suất như thuở ban đầu, mà trầm ổn kiên nghị hơn hẳn, giọng nói chắc nịch:
"Bảy ngày! Bảy ngày sau ta nhất định sẽ mang viện binh quay trở về!"
Hắn làm được. Hắn đang cam đoan. Dù chỉ có một người nghe thấy, một người tin hắn cũng đủ rồi.
Nhưng kẻ duy nhất nghe được là ta lại chẳng hề đáp lời, mà chỉ xoay người bước đi, tung lên vạt áo, hòa mình vào điệu múa cùng mọi người.
Lão Hà từng nói, ta không nên ở đây mà nên đến Giang Nam, đến Kim Lăng, tìm một mái nhà. Dù là hai người cũng tốt, một người cũng xong, yên bình sống qua một đời đã đủ lắm rồi.
Những năm qua, ta đã vô số lần nghĩ đến lời khuyên của lão.
Trên hành trình lưu lạc và chinh chiến, ta học theo những cô nương chạy nạn mà may vá, mà ca múa. Nhưng bởi đã ở quân doanh chiến trường quá lâu, chưa từng có cơ hội thực hành.
Mãi đến hôm nay, giữa tiếng sáo trúc của Trung Nguyên, giữa giai điệu quê nhà, giữa một thành trì đầy binh sĩ già nua, bách tính yếu ớt co cụm sát nhau, ta xoay tròn vạt váy, muốn thêu lên giữa cảnh hoang tàn đổ nát này những đóa hoa chắp vá vụn vặt.
Triệu Nguyên Lãng không nói gì nữa. Hắn chỉ lặng lẽ nhìn ta.
Trẻ nhỏ ngây thơ ngâm nga, từng câu từng chữ vang vọng:
"Nước sông, núi non, cắm cờ trận,
Dân sinh làm sao mưu củi cơm?
Xin người đừng nhắc chuyện phong hầu,
Một tướng, một tướng..."
Đứa bé chau mày, cuối cùng cũng nhớ ra câu tiếp theo:
"Một tướng công thành, vạn xương khô!"
27.
Tương truyền một trận bách thần sầu,
Hai bờ hùng binh qua chẳng nghỉ.
Ai nói Thương Giang mãi vô sự,
Gần đây máu chảy chẳng từng ngơi.
28
"Triệu tướng quân, ta sẽ không đi cùng ngươi."
Vũ khúc vừa dứt, tiếng ca vừa ngừng. Hiếm hoi mới có khoảnh khắc yên bình, binh sĩ và dân chúng trong thành đều chìm vào giấc ngủ. Khi Triệu Nguyên Lãng và Vương thái thú chuẩn bị rời đi, ta đã nói với hắn như vậy.
Nói là rời đi, nhưng thực chất xung quanh đều có người canh chừng, chỉ sợ bọn họ chạy mất. Thành ra, trong đêm khuya tịch mịch tưởng như vạn vật lặng im này, chỉ một tiếng động khe khẽ cũng đủ khiến vô số người bừng tỉnh. Nếu không phải Vương thái thú quá hiểu bọn họ, tính toán kỹ càng, e rằng lúc này thật sự đã không thể đi được.
"Ngươi không tin ta?"
Sắc mặt Triệu Nguyên Lãng chợt biến đổi, hắn kích động, tựa hồ đã chờ đợi câu này từ lâu:
"Ta biết ngay mà, các ngươi đều không tin ta có thể mang viện binh trở về! Các ngươi cho rằng bản tướng quân chẳng khác gì đám công tử thế gia kia, lấy cớ đi cầu viện binh chẳng qua chỉ để bản thân có thể rời đi trong thể diện mà thôi!”
"Vệ Anh, có phải ngươi cũng nghĩ như vậy không?!
"Không, không chỉ có ngươi, các ngươi đều nghĩ như vậy, có phải không?!"
Hắn chỉ tay vào ta, lại chỉ sang Vương thái thú. Sợi dây căng cứng trong lòng hắn cuối cùng cũng đứt đoạn. Người đầy kiêu ngạo và tự tôn Triệu Nhị lang của Triệu gia, dù đã trải qua biết bao gian khổ trong những tháng ngày vừa rồi, nhưng hắn vẫn luôn hiểu rõ, dù ta và những người khác không thể hiện rõ bất cứ điều gì nhưng tận sâu trong lòng lại chưa bao giờ xem hắn là một phần trong đó, càng không tin những lời thề thốt của hắn là thật.
Phải nói rằng, hắn nhìn người thực sự rất chuẩn. Bị hắn chỉ vào mặt mà chất vấn, Vương thái thú vẫn giữ nguyên nụ cười cung kính, không chớp mắt lấy một lần:
"Đương nhiên lời tướng quân nói sao có thể là giả dối? Giờ khắc này rời đi, đương nhiên là vì đi cầu viện binh rồi.”
"Cho nên, chúng ta mau đi thôi."
Giọng điệu thành khẩn đến cực điểm. Sắc mặt Triệu Nguyên Lãng càng thêm khó coi. Cơn giận vừa dâng lên lập tức như bị xì hơi, hắn thất vọng thốt ra:
"Vậy nên các ngươi nghĩ về ta như vậy.”
"Vậy nên từ đầu đến cuối, các ngươi chưa từng tin tưởng ta. Các ngươi chỉ vì thân phận của ta, vì thế lực phía sau ta mà giả vờ hùa theo. Nếu không thì trong thành cũng sẽ không cắt cử người canh chừng ta suốt đêm, sợ ta bỏ trốn đến mức này."
Bằng không thì sao?
Chẳng lẽ lại để vấp ngã hai lần ở cùng một chỗ sao?
Bọn họ vốn muốn tin tưởng.
Lần đầu tiên có người nói như vậy, họ thực sự đã tin tưởng.
Lần thứ hai, họ vẫn tiếp tục chờ đợi.
Đến lần thứ ba, lần thứ tư, họ chỉ biết cười nói rằng mình tin rồi rút đao ra tỏ vẻ nếu còn để người đi, vậy bản thân chính là kẻ đê tiện.
Nhưng ta thì không phải không tin hắn. Bởi nếu hắn thực sự là kẻ chỉ muốn giẫm lên xác binh sĩ để thăng tiến thì hắn đã chẳng liều chết thủ thành khi quân địch phá cửa mà tràn vào.
"Vậy vì sao ngươi không chịu đi cùng ta?!"
Triệu Nguyên Lãng chất vấn. Ta xoay người, thuần thục cầm lấy trường thương, bình thản đáp:
"Bởi vì nhà của ta ở đây."
Thiếu thời đặt chân đến chốn này, ở lại suốt nhiều năm, một đường chém giết, một đường lưu vong. Mỗi một gò núi, mỗi một dòng nước nơi đây, ta đều thuộc nằm lòng; điểm yếu của chiến mã Khiết Đan nằm ở đâu, ta càng hiểu rõ như lòng bàn tay.
Vậy thì, cớ sao lại không thể gọi là nhà?
Nếu không phải nhà, vậy vì sao bao năm qua, ta đã thua bao nhiêu trận, đã chạy bao nhiêu lần, nhưng cuối cùng vẫn chưa từng rời khỏi biên quan này?
Mà nếu là nhà, thì làm sao có thể lui bước?
Nhưng Triệu Nguyên Lãng không tin. Hắn vẫn cho rằng ta cũng như Vương thái thú, chỉ vì thân phận của hắn mà nói lời khách sáo nịnh nọt. Cho nên, trước khi rời đi, hắn vẫn nghẹn một bụng tức giận:
"Vệ Anh, ngươi cứ chờ xem! Ta, Triệu Nguyên Lãng, nói được làm được! Ta không phải hạng người bỏ trốn khi lâm trận!”
"Bảy ngày sau, nhất định viện binh sẽ đến!"