Đã được thông tri trước, quan lại lớn nhỏ cùng bà con dân làng ra đình cung nghênh từ sớm. Tấm ngồi trong kiệu nhìn dân làng quỳ hai bên khẽ cau mày, cô biết chẳng qua đây chỉ là cách Vua tuyên truyền cho giai thoại dân gian đã từng tốn công bố trí.
Hẳn là lần này vai trò sủng phi của cô được nhiều người hâm mộ lắm. Thực ra, cô cũng cần như vậy. Thân là một thôn nữ nghèo khổ, thế lực đơn bạc, cô cố xoay xở cũng không thể bố trí được gì nhiều. Hậu cung triều Việt tuy phức tạp, cũng không đến độ động tay hại người dễ dàng như các sử sách Trung hoa thường miêu tả, có ganh ghét đấu đá nhưng chỉ ở mức độ nhìn rõ đơn giản. Tấm nghĩ, hẳn là nổi bật đến mức này rồi sẽ có người không thể nhịn được.
Theo đoàn hộ giá còn có vị thái giám tóc bạc, đây cũng là điểm khẳng định ân sủng Vua dành cho Tấm. Khi Tấm rời kiệu xuống thắp hương tại đình làng, ông ta là người ra đón tay cô. Nhìn thái độ các quan lại đối với ông ta rất cung kính, có thể thấy ông ta là tâm phúc theo hầu Vua thường xuyên trong những lần nhà Vua xa giá xuống dân gian.
Làm xong mấy thủ tục lễ lạt. Tấm lại được đỡ lên kiệu đi về nhà. Dì và Cám cũng trong số người ra đón, nhưng giữa đông người, lễ nghi không cho phép Tấm nhận thân. Chỉ đến khi mọi người tản về hết, Tấm mới có dịp chào hỏi hai mẹ con.
Trở thành người nhà phi tử của Vua, bộ dáng hai mẹ con cũng bớt lam lũ. Nhà cửa được sửa sang lại trở nên sạch sẽ, thoáng đãng.
Tấm ngồi giường trò chuyện, kín đáo quan sát sắc mặt hai người. Cám lớn hẳn lên, tính cách lại không đổi, vẫn lí lách như thế, tuyệt không hiện lên vẻ ác tâm. Dì thì tâm tình có vẻ phức tạp hơn, lúc nhìn, lúc tránh, khuôn mặt sắc nét có vẻ thảng thốt kỳ lạ. Tấm khẽ nhắm mắt, thật không biết nên vui hay buồn.
Giỗ bố Tấm vào hạ tuần tháng 3 - đương lúc mùa cau chín rộ. Hái một Chùm cau vàng óng với vài chiếc lá trầu xanh kính cẩn đặt lên bàn thờ người đã khuất , xanh vàng đan xen, hương khói nghi ngút là đã có thể khiến lòng mẹ góa con côi vừa rưng rưng vừa an bình.
Đây cũng là giỗ đầu của ông. Ngoài ước muốn thoát khỏi cung cấm, Tấm càng muốn thay thân thể này báo hiếu sinh thành. Vô ý chiếm đoạt thân thể con gái ông, lòng Tấm cũng chưa từng thảnh thơi. Cô trộm nghĩ, nếu lần này có thể thành công thoát khỏi cái lồng son Tử cấm thành vĩnh viễn, không thì cùng lắm là thoát hồn đầu thai cũng không uổng công cô nhẫn nhục chịu đựng mấy tháng vừa qua.
Tấm trong nguyên tác có thể chết đi sống lại, huyễn hoặc như thế, thần kỳ như thế. Còn thực tại cô đang sống, chỉ có máu và nước mắt, tất cả đều là hiện thực tàn khốc. Chết đi rồi sẽ chỉ còn lại nắm xương mục rữa.
Nhưng là chết ở nơi quê nhà, cô cam tâm tình nguyện.
Bữa cơm trưa, Tấm bình thản ăn món cá rán mà Dì bảo dành riêng cho cô. Sau khi ăn một lát, Tấm bỗng thấy đôi môi tê dần, cổ họng như thể bị bỏng nóng đến phát đau. Cô nhìn Dì, ánh mắt lặng lẽ mà chất chứa bi ai. Cám đang đi rửa bát ngoài sân sẽ không bao giờ biết được mẹ mình đang dồn chị gái vào chỗ chết.
- Tại sao???
- Dì lạy con - Dì đổ sụp xuống ôm chân Tấm, cố giữ giọng nghẹn ngào ở mức thấp nhất - Là quý nhân ấy bảo sẽ giết con Cám, đời Dì chỉ còn mình nó...
- Dì nghe này - Tấm gắng giữ đầu óc tỉnh táo - Cả đời con chỉ xin Dì duy nhất lần này...khi con chết rồi, xin Dì chôn con nơi phần mộ cha con, con cần Dì làm điều đó...
Tấm cố gắng nói trọn nghĩa, bụng đau quặn làm cô phải co cả người lại, cô nhìn quanh gian nhà lần cuối, trí nhớ bỗng vụt đến thời khắc cô xuyên đến đây. Nước mắt Tấm trào ra:
- Con cũng là con Dì mà...
Mặt Dì đang nhăn nhúm trong cảm giác tội lỗi, nghe Tấm thì thào lời cuối, bỗng đông lại, từng giọt nước lớn lộp độp rớt xuống.
- Không, con ơi, Tấm ơi...ai cứu con tôi với...
Có tiếng chân chạy vào, một lực thật mạnh đẩy bà ra một bên. Giọng ai đó gằn nhỏ bên tai:
- Là nương nương ngã cau qua đời.
Còn con gái ruột của bà đấy!
Nghe đến đó, Dì ngồi sững lại:
“Tấm ơi, tội nghiệt này Dì mang xuống mồ tạ tội cùng con”