Tôi đang vừa đi vừa bấm điện thoại. Tán gẫu cùng với những cô bạn gái trên mạng xã hội, trong câu lạc bộ, ngoài câu lạc bộ, cùng lớp, khác lớp... Vẫn như mọi ngày, cùng đôi giày cao gót và bộ áo váy liền màu hồng cực xinh xắn, chiếc túi đắt tiền trên vai, và tiếp tục nhắn tin với bạn bè. Kể cả khi đã bước vào khuôn viên bệnh viện rộng lớn. Một nơi chỉ toàn màu trắng và xanh. Thế là tôi nổi bật nhất chốn này.
"Ồ Duyên. Em lại đến tìm Tâm đấy à?"
Tất nhiên chị Nga điều dưỡng trực lễ tân nhận ra mình ngay. Không bao giờ lôi thôi, luôn luôn hoàn hảo, trong từng chi tiết. Đứng trước quầy tiếp khách, tôi nghiêng đầu hỏi chị:
"Anh ấy tối hôm qua không có về nhà..." Đôi môi thoáng chốc bĩu lên. "Anh em đang ở trong phòng làm việc chung ạ?"
"Có lẽ vậy." Nga ngó lên tường nhà để xem đồng hồ. Tôi cứ thế cũng nhìn theo chị. "Cũng sắp đến giờ đổi ca sáng rồi. Hai anh em nay cùng đi về nhà à?"
"Dạ hông." Khi lắc đầu tôi cùng hất mái tóc xoăn bồng bềnh. "Em chỉ đến gặp anh ấy chút xíu thôi."
Nghĩ đến dự định của bản thân, tôi thật sự chỉ muốn gặp anh trai của mình một chút, rồi lại rời đi ngay. Cứ như vậy, dùng cặp mắt long lanh nhìn theo Nga đi vào phòng làm việc chung của các bác sĩ. "Để chị đi tìm Tâm giúp em nhé."
Bấy giờ, nhìn chung quanh mình, bệnh viện lúc sớm không vắng vẻ mấy. Chẳng giống mình hình dung. Nhiều người bệnh đến đây từ rất sớm, để làm đủ thủ tục để đăng ký khám hoặc nhận điều trị... Bao nhiêu kẻ xếp hàng dài ngoằn, vì không đủ tiền sang chỗ tư. Như thế sẽ tiêu tốn hơn. Mà tiền nào của nấy hà. Tôi khá thực tế, tiền có thể giải quyết hầu hết vấn đề. Làm mọi thứ trơn tru hơn, đẹp đẽ hơn, đẳng cấp hơn. Trong lúc suy nghĩ như vậy, tôi cũng loay hoay thì một chỗ tàm tạm để ngồi xuống. Không muốn chiếc váy mới của mình bị bẩn. Cúi đầu tiếp tục nhắn tin với cùng một lúc cả chục người trên điện thoại, tôi đợi anh trai mình. Vì để kiếm thật nhiều tiền mà Tâm làm một lúc rất nhiều công việc. Vừa là trợ giảng tại đại học, vừa là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tại bệnh viện cũng cùng cái ngôi trường đó... dường như không lúc nào nghỉ ngơi. Anh là người thân duy nhất của mình. Từ bé đến lớn, chúng tôi sống chung nhà tại tỉnh Kiến Tường, một nơi vùng quê không mấy tự hào. So với quá khứ chẳng đẹp đẽ của mình, cuộc sống thành phố mới là bước ngoặt mới. Hơi tiếc nuối vì sao không sớm hơn? Dù sao thì, cuối cùng, vào năm mười một tuổi, tôi cũng đã chuyển đến Sài Gòn hoa lệ. Tận hưởng bầu không khí hiện đại hơn, hào nhoáng hẳn. Không còn những ngày nắng nóng oi bức hay nhàm chán chẳng biết làm gì, hay xấu xí... Tôi đã hóa thiên nga.
Vốn chỉ định ngồi đợi chờ anh nhưng tôi lại vô tình chú ý đến một thứ khác. Lộng lẫy, thu hút và nổi bật giữa chung quanh vốn tầm thường. Tôi ngẩng mặt lên, nhìn thấy anh chàng sở hữu cơ thể cường tráng. vừa cao lớn... Trông anh ta khác xa những gã mình đã từng hẹn hò. Ngay cả khung cơ mặt cũng rất cứng chắc. Nhìn cặp bắp tay đó kìa... Thậm chí nó còn quyến rũ hơn khi lấp ló có vết sẹo. Như thế, tôi biết những vết thương trên người anh ta, chắc chắn là do ẩu đả mà thành. Một người đàn ông rắn rỏi, sung sức, khỏe mạnh... Hẳn anh ta rất dồi dào sức lực, luôn có thể làm chủ được người phụ nữ trong tay, tất cả tình huống. Với thân thể cứng cáp mà áp đảo đối phương, chiều cao vượt trội... Tôi vẫn đang âm thầm ngắm nhìn khi anh ta không thấy. Dáng người này... chắc phải cao đến hơn 195cm. Còn cao hơn cả tên khốn Thiên Ân... Tôi hình dung ra cảnh anh ta bế mình trong tay, rồi làm đảo lộn cả căn phòng.
Dòng suy nghĩ bị gián đoạn khi nhìn thấy hai người lớn bước đến chỗ anh ta. Có vẻ như họ là phụ huynh vào thăm non con trai mình... Tôi nom trông người bố cũng có dáng dấp khỏe mạnh tương tự. Mà điểm đặc biệt, đáng chú ý hơn là, bộ cảnh phục của ông ta. Quân hàm trên cầu vai ba sao, hai vạch màu vàng thu hút ngay ánh nhìn. Lập tức, tôi có thể dò được thông tin trên mạng, đấy là cấp bậc Thượng Tá. Trích dẫn theo bộ luật Công An Nhân Dân, Thượng tá Công an nhân dân Việt Nam là sĩ quan cao cấp đầu tiên trong lực lượng cũng là cấp bậc cao nhất đối với sĩ quan công an chuyên môn kỹ thuật.
Ôi trời, anh ta còn thiếu gì nữa không? Cơ thể cường tráng bao nhiêu người mơ ước, có bố là Thượng Tá Công An... Trong phút chốc, người mẹ phủ lên người con trai mình lớp áo màu xanh lá đậm của quân đội. Vậy ra, cha nào con nấy! Mọi thứ đều hoàn hảo, khát khao.
Ôi, anh ta có thể là người mà mình sẽ yêu. Yêu điên cuồng, đến mức kết hôn cùng nhau. Và rồi tôi sẽ là cô vợ nhỏ của chiến sĩ công an Nhân Dân có bố là Thượng Tá. Quyền lực, giàu có! Chà, anh ta có thể là người tôi nên yêu đấy! Một đích đến hoàn hảo, cho bất kỳ cô gái nào muốn vươn đến.
"Duyên."
Tuy biết chị Nga đã vỗ vai mình nhưng, hai mắt tôi vẫn nhìn theo dáng dấp chàng trai đấy. Cho đến khi anh ta lẫn trong đoàn tùy tùng cùng bố mẹ mà rời khỏi cửa bệnh viện. Thật sự hùng hậu vô cùng. Tất cả những thứ hào nhoáng đấy đã choáng ngợp tôi. Bấy giờ, mới quay đầu sang,...
"Anh Tâm bảo em gặp mình trong phòng làm việc chung ấy."
Nghe chị nói, hai chân tôi đứng dậy trên đôi giày cao gót mà tay vẫn bấm điện thoại. Đã chụp hình lại rồi. Chỉ mất vài phút để truy ra xem anh ta là ai nữa thôi... Vừa bước theo chị Nga, mắt liếc xuống rồi lại liếc lên. Mạng trong máy khá chậm, khiến tôi nổi cơn bực bội liền. Cuối cùng! Tôi suýt thốt lên khi điện thoại hiện lên trang cá nhân ateM của anh. Võ Gia Bảo. Nhờ một cô bạn trong nhóm mà ngay lập tức có thể truy ra mọi thông tin về người đàn ông mình mới chỉ nhìn ngắm đây.
Ôi, anh ta hoàn toàn có thể là người mình yêu! Nhìn cái yết hầu lộ rõ trên phần cổ to, rắn chắc bằng cái bắp tay đó đi.
Nghe thấy tiếng cửa kéo ở phía trước, tôi vội vã cất điện thoại vào túi. Không nên để Tâm thấy việc mình vừa làm. Kẻo anh sẽ lại la rầy tôi. Nhưng trong thoáng chốc, khao khát vừa nổi bùng lên khó mà che đậy. Bất giác tôi liếm môi, giữ chặt đôi tay mình với nhau. Ở chiếc bàn trắng trước mặt, Tâm đang ngồi đấy. Anh trai tôi ngẩng mặt lên nhìn cô em gái. Và chị Nga đã ra ngoài.
Tôi cẩn thận kéo cánh cửa ở phía sau lưng, rồi tiến lại chỗ anh. Trong tâm thế cố gắng xua tan bao ảo vọng về sự quyến rũ mà mình vừa sa ngã. Đôi môi hồng xinh xắn nở nụ cười với người anh trai.
Chà, anh chàng kia đúng là có thể là người tôi sẽ yêu, sẽ cưới,
hoặc... là gã mà tôi đã quan hệ cùng một lần thôi.
Lúc này, khi Duyên ngồi xuống trước mặt, tôi lặng lẽ nhìn vào em. Hóa ra, thứ kết thúc một ngày làm việc điên cuồng là như thế này. Em gái đến tận bệnh viện để tìm mình,...
"Em đến đây để làm gì?"
Dẫu sẵn có cảm xúc rối bời, tuy nhiên thì tôi vẫn giữ được thái độ điềm đạm đối diện với em. Bởi lẽ, Duyên là em gái mình. Bấy giờ, ánh mắt em ngược lại trông về phía tôi. Hai tay đặt lên bàn, cả cơ thể bé nhỏ chồm về phía trước. Tôi nhếch lông mày khi giọng Duyên cất lên:
"Em biết là mình làm phiền anh... Nhưng mà, tại hôm qua anh không về nhà."
"Không sao." Tôi hít một hơi sâu, vẫn giữ tay mình tại tập tài liệu trên bàn. Bốn mắt anh em tôi nhìn nhau. "Em cứ nói đi."
Duyên bặm môi. Không lạ lùng gì, tôi biết em chỉ đang ra vẻ. Chuyện này đã xảy ra vài lần trước đây. Duyên luôn đến tìm anh trai mình ngay khi cần. Em không ngần ngại chuyện ấy. Em không cảm thấy lúng túng khi phải dựa dẫm hay nhờ vả vào ai. Mặt khác, tôi biết, thậm chí em còn nghĩ đó là bổn phận của tôi. Đúng vậy. Vì em là em gái tôi, tôi có nghĩa vụ phải chăm lo cho em. Đó là điều dĩ nhiên. Duyên biết mình xứng đáng được hưởng những điều đó. Và em đòi hỏi mọi người trao nó cho mình.
"Em có nhắn cho anh hôm qua rồi..." Duyên rốt cục cũng mở lời. Nhanh chóng, như tôi dự đoán. "Em cần gấp số tiền đó hôm nay."
Đôi khi, sự thẳng thắn của Duyên làm một vết cắt trong lòng tôi. Nhưng không phải là vì chuyện tiền bạc, mà là cách em cư xử như thế nào để có được nó. Vốn trước đây, tôi chưa từng nghĩ về điều này. Cứ ngỡ rằng, mọi cô gái trên đời đều giống như vậy. Như Duyên, biết khẳng định quyền lợi và ham muốn của bản thân. Không ngần ngại nói ra điều đó, đấu tranh vì nó. Và không bao giờ hoài nghi liệu mình có xứng đáng. Kể từ lâu, Duyên đã làm tôi nhớ đến một người, lại trái ngược hoàn toàn với em. Lúc này, Duyên có nghe thấy tiếng thở dài của tôi. Và nó cũng không khiến em ngại ngùng để chối từ khi nhìn thấy người anh trai mình rút chiếc bóp trong túi quần ra. Tay chạm vào những tờ giấy màu sắc, tôi ngước mắt lên trông khuôn mặt của Duyên. Vẫn đang ngóng trông ở tôi, chờ đợi ở tôi... Phút chốc, đột nhiên, mình lại khao khát ánh mắt dựa dẫm đó xuất hiện ở người khác. Một người mà điều đó chưa từng tồn tại. Tôi luôn sẵn sàng cố gắng và hi sinh vì những người mình yêu quý. Vì gia đình mình và vì em. Nhất là những chuyện không phạm pháp mà cũng không nằm ngoài khả năng của tôi. Đã từng một câu hứa tôi nói với Duyên lúc bé, vì chúng tôi đều là những đứa trẻ bất hạnh, chỉ có thể nương tựa lẫn nhau... Nếu em muốn trăng và sao trời, anh có thể lấy nó cho em. Phải chi, em cũng có sự trông đợi ở tôi như Duyên.
Sau khi đếm đủ, tôi liền trao số tiền mà Duyên cần cho em. Gần như là ngay tức thì, tôi có thể nhìn thấy đôi mắt long lanh ở kia lấp lánh lên. Bấy giờ, Duyên chỉ nở nụ cười tươi tắn khi đếm lại số tiền đã nhận. Em cúi mặt xuống, kỹ càng từng ngón tay nhỏ chạm trên xấp giấy polime... Duyên không nói cảm ơn tôi. Dù sao thì em cũng chưa từng nói. Và tôi cũng không bắt Duyên phải nói điều ấy, mỗi lần mình trao cho em thứ gì.
"Duyên này." Tôi nhìn cô em gái bé bỏng, với cặp mắt mệt mỏi sau gọng kính dày.
Thời điểm này, bất giác ùa đến tâm trí một suy nghĩ rất ngộ nghĩnh nhưng thực chất nó vô cùng hợp lý. Đúng ra, ngay từ dầu, tôi đã nên thắc mắc về điều này. Dẫu nó chỉ vướng bận mình tại phút chốc, rồi lại rời đi. Duyên ngẩng mặt lên nhìn tôi, tay bấy giờ cất nhanh những tờ tiền vào ví.
"Lần sau, anh sẽ chuyển khoản cho." Những lời này tôi tuôn ra đi cùng với tiếng thở dài. "Nên em không cần phải vất vả đến bệnh viện tìm anh nữa đâu."
Dĩ nhiên, Duyên liền gật đầu tán thành. Em không có lý do gì để không đồng ý với điều đó. Nhất là khi nó có lợi cho bản thân... Tôi hiểu em gái mình rất rõ, vì đã là người nuôi lớn em.
"Nhưng mà, em hãy dùng tiền bạc cẩn thận và khôn ngoan vào. Đừng phung phí nó."
Đừng hoang phí hay lạm dụng những gì anh cho em.
Vâng lời, Duyên ngoan ngoãn gật đầu. Đối diện lại, tôi nở nụ cười dịu dàng mình luôn dành cho em. Và với cô em gái bé bỏng trước mắt, nó sẽ luôn hiện hữu. Không lúc nào ngừng dùng ánh mắt hiền từ trao cho gia đình mình. Nếu có chuyện gì xảy ra với Duyên, thì đó đều là lỗi của tôi. Thật tệ rằng đã luôn phải quá bận rộn, để luôn dành thời gian với cho em gái mình. Công việc cuốn cuồn lấy cơ thể mệt mỏi như cơn lốc xoáy vũ bão, và những thứ như tiền bạc cùng danh vọng cứ như sóng thần, đánh ngộp tôi. Mỗi ngày, bất cứ khi nào nhớ về quá khứ, cảm giác tội lỗi dấy lên trong lòng xấu xé tâm hồn mình. Luôn luôn cảm thấy tội lỗi kinh hoàng. Đến mức đôi tay run rẩy. Tội lỗi vì đã để chuyện đó xảy ra, để rồi Duyên phải bơ vơ một mình ở thế giới rộng lớn ngoài kia... Tuy nhiên, cũng bất cứ khi nào nghĩ về Duyên và mẹ, tôi lại quên bẵng mất buồn bã hoặc sự rệu rã từ trong linh hồn. Chậm rãi, nó đã được thay thế bằng thứ khác. Gan dạ cùng lớn lao hơn.
Tôi nhìn Duyên, em đang niềm nở sự tươi tắn trên khuôn mặt xinh xắn. Được học tập ở ngôi trường tốt nhất thành phố, vận những bộ váy đắt tiền, lộng lẫy và yêu kiều... Là một người anh cả, tôi đã trao cho em tất cả. Chỉ là, đừng phí hoài hay lạm dụng chúng. Tôi biết rằng Duyên rất thông minh. Em hiểu tôi.
Cứ như vậy, tôi luôn tin tưởng em sẽ không làm những chuyện ngu ngốc. Nhất là, lợi dụng tôi.
"Thế em đi học đây nhé. Buổi chiều nay anh có phải trực không?" Duyên nói trong khi đứng dậy. Bên bàn tay em kéo chiếc túi xách kẹp vào ở trên vai.
Tại vị trí ngồi vẫn như cũ, tôi thu tay về, với ánh nhìn thẳng vào đôi mắt em: "Anh được nghỉ hôm nay."
Thoáng thấy em gái mình gật đầu, rồi cặp mắt đăm đăm nhìn theo bóng hình ấy rời khỏi căn phòng làm việc chung. Chỉ khi Duyên đã đi khuất xa, nhất là đã không còn nghe được tiếng gót giày của em trên sàn nhà, tôi mới ngồi thẳng lưng dậy. Mơ hồ cảm nhận được hàng tia nắng trắng của buổi sớm trải vào phòng, cả trên tập tài liệu tại bàn, đột nhiên lồng ngực mình thắt lại. Không phải cảm giác đau nhói thôi, kéo theo cả cơn rùng mình. Bất giác, tôi vô thức đưa hai bàn tay lên cao vuốt mặt. Một hơi thở lại được hít sâu vào trong lồng ngực trống trải. Cả cặp kính dày cũng được nhấc xuống, đặt trên bàn.
Lúc này, tôi xoa hai ngón cái tại sống mũi. Có thể đoán được rằng, gọng kính nặng đã làm hai bên cánh mũi đỏ ửng. Và rồi, trong phút chốc, khi nghe thấy tiếng mở cửa, đầu vô thức ngẩng lên. Dù cho hoàn toàn chỉ thấy được mơ hồ trước mắt... hình như, có ai đó vừa bước vào. Từ tốn, tôi trông người đấy tiến lại gần mình hơn.
"Anh Khiêm lại tới trễ nữa rồi ạ?"
Liền nhận ra đó là giọng của Hà, tôi chỉ thờ thẫn trả lời với em:
"Khiêm có nhắn anh sẽ trễ mười phút. Chắc cũng gần đến rồi."
Tôi nói kể cả thậm chí khi mình không biết rõ. Bên tai nghe thấy tiếng xê dịch ghế. Em đã đặt chiếc ghế trắng trước mặt tôi. Tuy nhiên thì chưa ngồi xuống ngay. Khá loay hoay thêm một chốc nữa, Hà đang làm gì đấy tại phía bên kia căn phòng, chỗ bình nước nóng lạnh. Trong khi tôi vẫn ngồi yên trên ghế, lờ mờ nhìn theo từng chuyển động của dáng hình em trước mắt. Như là nhìn qua một tấm gương bám bụi. Mọi thứ cứ mơ mơ hồ hồ. Và rồi sau khi xong xuôi, Hà mới ngồi trước mặt tôi. Giờ thì, khuôn mặt em đã rõ ràng trong mắt mình. Như thế, tôi lại không buồn đeo kính. Vì lúc này, với đôi mắt mơ hồ mệt mỏi, tôi lại trong lòng mừng thầm lẫn chỉ dấy lên mong muốn nhìn thấy rõ ràng mỗi em. Những thứ xung quanh, ví như trời xanh, mây trắng hay khóm hoa nở rộ... Hay bất kỳ ai, cũng không còn quan trọng nữa.
Ở phía đối diện, Hà nhìn tôi một cách kỹ lưỡng, trong im lặng. Hiện tại, chúng tôi đang ngồi ở ngay trước mặt nhau, gần sát với nhau.
"Hai bên cánh mũi của anh sưng lên hết rồi này." Giọng nói của em thật sự là thứ làm tôi yên tâm. Cả cái chạm nhẹ nhàng lên cơ thể mình. Hà đang dùng khăn lạnh xoa lên vết sưng. "Ngồi yên nhé."
Cứ như vậy, tôi nghiêng đầu để em có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn. Thật ra là tận hưởng nó, cảm giác được em quan tâm.
"Tài liệu ở trên bàn là theo dõi ca cấp cứu của em." Hít hơi sâu, tôi lại chậm rãi nói chuyện với Hà. "Anh chuẩn bị cho em hôm qua rồi đấy."
Hà gật đầu, mà tôi đoán ra em không quan tâm lắm. Có vẻ như là vậy, vì em vẫn đang đặt sự tập trung của mình ở tôi. Chiếc khăn lạnh vẫn chậm rãi chấm lên bên hai chỗ sưng. Cứ thế, sự im lặng được kéo dài trong một lúc lâu mà tôi với Hà cùng tận hưởng nó. Cho đến khi, em cất giọng nói hiền lành:
"Em có thể làm gì cho anh không?"
Câu hỏi Hà đặt ra thật ngây ngô và ngốc nghếch. Nhưng, cũng vì thế, tôi liền cảm nhận được sự chân thành đến từ trái tim của em. Hà sẽ không bao giờ làm vậy với ai khác. Sẽ không bao giờ nếu em không thật lòng muốn như vậy. Hà rất khác với cô em gái của tôi.
Theo thói quen, tôi chầm chậm đưa tay lên vuốt làn da mịn màng phía trước mình, tại đôi gò má bản thân đã mang lòng yêu mến. Những sợi tóc đen của em lọt vào kẽ tay tôi, mềm mại mà quyến luyến. Chỉ nở nụ cười trên môi, tôi không nói gì với Hà cả. Bởi lẽ, tôi không muốn bất kỳ âm thanh nào làm hỏng cảm xúc mà chúng mình đã dựng nên. Thông qua sự tĩnh lặng nhẹ nhàng, thấu cảm khẽ khàng kết nối cả hai. Tại khoảnh khắc bình yên, chúng tôi sâu sắc cảm nhận sự ấm áp nhờ từng nhịp đập từ trái tim đối phương. Giây phút ấy, tôi biết em hiểu lòng tôi. Tôi biết Hà biết mình có thể làm gì cho tôi. Rằng, em nên làm gì nếu như em muốn làm gì đó cho tôi. Hà thấu hiểu người trước mặt mình như lòng bàn tay của chính bản thân. Và nó đang nắm lấy tôi. Những kẽ tay chúng tôi đan liền với nhau. Và rồi, Hà chồm người đến. Tức thì, em liền ôm chầm lấy tôi. Không có tiếng nói nào được cất lên, giờ đây, cả hai chỉ để cằm tựa lên trên vai đối phương. Ở ngược lại với em, tôi yên lặng cảm nhận được bàn tay vỗ về lưng mình dịu dàng. Tuy chỉ trong phút chốc, Hà đã thu mình lại. Nhưng bàn tay em vẫn giữ chặt lấy tôi. Cứ nghiêng đầu nương theo những hành động của Hà, tôi ngồi yên khi em lặng lẽ chạm khẽ tại đốt ngón tay mình. Rồi lại dùng những đầu ngón tay xoa dịu ở đó. Thật dịu dàng. Dẫu không thể ôm lấy đối phương lâu nữa thêm vì đây là bệnh viện nhưng Hà đã học được cách thể hiện tình cảm của em kín đáo mà nhẹ nhàng hơn.
Và đó là điều em thể hiện rằng mình trân trọng tôi vì tôi là ai. Vì những điều tôi đã làm cho em.
Tôi không bao giờ yêu cầu sự cảm ơn, từ bất kỳ ai, các bệnh nhân, lẫn Hà hay Duyên. Tuy nhiên, hưởng thụ nó thì lại là chuyện khác. Xem ra, đấy là lòng tham của chính mình. Rằng tôi luôn thèm muốn cảm giác cũng được quan tâm cho.
Nhất là lúc, đôi môi mềm mỏng của Hà chạm lên trên các đốt ngón tay mình. Khi đấy, tôi biết bản thân đã rơi vào tình yêu.
Cho đến tận khi lái xe tới trước cổng trường thì trong tâm trí tôi vẫn bịn rịn những chuyện về chị hai. Vì đã thống nhất với nhau, nên tôi nhất định sẽ đưa Chi đến đối chất với mọi người. Tốt nhất là vậy. Đúng rồi, sao tôi lại không nghĩ ra sớm hơn? Lại đi tin lời của một người vừa mới quen quay về chất vấn chị gái mình... Mọi chuyện không hề rõ ràng. Có thể có uẩn khúc gì đó mà tôi không biết. Hay là điều hiểu lầm? Tuy nhiên, sự chật vật đột dưng làm rối tung tâm hồn tôi. Rằng, cho dù hiểu lầm như thế nào, thì một mạng người cũng đã ra đi. Rằng chị hai đã mất một người bạn thân, khi mới mười lăm tuổi. Đến đấy thôi, trực giác đã mách bảo tôi biết đây chẳng phải chuyện giản đơn. Nó rất có thể không hề dễ dàng mà là bí ẩn trập trùng bí ẩn. Mà tất cả tấn bi kịch ấy, chị lại giữ cho riêng mình. Không kể với ai. Có thể... có thể... do Vân đã bị ảnh hưởng bởi những lá thư tuyệt mệnh của cả bọn. Câu nói đó của chị hiện tại đã là thứ tôi suốt đời không bao giờ quên. Nhất định, những thứ trong chiếc hộp gỗ đó không phải chỉ là trò đùa như lời chị từng nói. Nó có sức công phá khủng khiếp hơn nhiều. Đó là mặt đen tối mà chị đã che giấu, mà tất cả bọn họ đã che giấu. Cả Thư, Phúc và Ân. Thứ vốn dĩ không được phép phô bày với ánh sáng, không ai được phép biết rằng nó có tồn tại. Vậy mà Vân đã biết. Và khi chiếc hộp Pandora được mở ra, bầy quái vật và thiên tai đã ùa tới. Hỗn độn càn quét khắp nơi. Không thể tưởng tượng được nổi sức nặng mà tấn bi kịch đã đổ lên người chị, khi còn rất bé. Như tôi đã từng hình dung bao bất hạnh ùa vập lấy chị, mà cũng luôn tự thắc mắc làm cách nào chị đã vượt qua được hết chúng? Khi không có mẹ hay ba ở bên cạnh? Chẳng lẽ là nó tựa như cái cách mà đôi mắt của chị luôn trừng về phía trước, eo hẹp và bí ẩn? Thậm chí, vô cùng đơn độc vậy sao?
Thể theo lời chị, điều tồi tệ mà hợp lý nhất có thể hình dung bây giờ chính là khi chuyện xảy ra, chị tôi đã đứng bên ngoài. Điều đó khiến Chi nghĩ rằng chị cũng nằm trong những kẻ bắt nạt xấu xa. Vì chị đã.không.làm.gì.cả. Biết sẵn bản tính của chị hai là sẽ không thường xen vào những chuyện chẳng phải của mình, đó là một giả thuyết đúng đắn. Rằng chị đã quá thu mình tựa vỏ ốc mà không bảo vệ cho cô bạn thân. Chị đã để bọn họ bắt nạt Vân, cùng sự im lặng bất lực của chính bản thân. Nếu đã là như vậy thì chị tôi cũng không làm gì xấu cả. Không phải ai cũng đủ bạo dạn để lên tiếng hoặc đấu tranh. Đó là lý do tại sao công lý tồn tại.
Chị yếu đuối, đó là lý do tại sao chị cần có tôi.
Duyên cớ thay, khi vừa chạy xe đến ở cổng trường thì tôi đã nhìn thấy Chi. Đang ngồi tại các bậc thang, cô bạn học vận một chiếc áo hoodie màu vàng đã bẩn. Cứ như vậy, Chi cúi thấp đầu, tập trung trên mặt giấy với màu vẽ nguệch ngoạc. Cô ấy không hề ngẩng mặt lên, cho đến khi tôi dừng xe trước và lên tiếng gọi:
"Chi."
Bấy giờ, tôi bước tới, trong khi Chi đang nhìn bằng đôi mắt mở to sau cặp kính.
"Tớ đã nói chuyện với chị hai... về việc cậu nói hôm bữa, tại siêu thị."
Đến đây thì Chi lại cúi đầu xuống, dọn cả bút lẫn giấy vào balo.
"Chị ấy bảo rằng... mình không làm gì cả. Rằng mình... không có hại chết chị Vân."
Khi đeo lại chiếc balo trên vai, đồng thời cô bạn trước mặt tôi cũng cất tiếng: "Tất nhiên là vậy rồi."
Ý Chi là sao chứ?
Nhìn thấy Chi sắp rời đi, ngay lập tức, tôi níu tay cô nàng lại. Bàn tay đặt ngay trên người Chi, ở bên bắp tay đã quay phắt mất khi tôi bám lấy ban đầu. Lúc này, với cô bạn học cùng trường trừng mắt nhìn lên khuôn mặt mình, sự kiên quyết dấy lên cao trong cơ thể.
"Nhưng... chị cũng có nói là... nếu muốn, Chi có thể đến và đối chất với mình."
Cơ thể của cô bạn trong tay tôi lúc này cứng đờ, kể cả đôi mắt vốn luôn u sầu sau cặp kính. Hiện tại, tôi chả thấy Chi run người lên hay nhỏ lệ. Đôi môi cô nàng cũng im bặt. Không có một âm thanh nào cất lên. Nín thin. Mười đầu ngón tay xuôi xuống, cứ trơ mắt ra nhìn tôi.
"Tớ nghĩ đấy là ý hay..." Tôi bấu chặt tay Chi. "Vì... như vậy sẽ tránh được hiểu lầm..."
Bất ngờ, Chi giật phăng tay mình ra khỏi tôi. Nhưng, không thể, bởi lẽ tôi đã níu rất chặt. Mọi lúc đều có người muốn trốn chạy khỏi tôi, khỏi sự thật. Những gì hỗn độn bên trong tâm trí lôi họ bỏ chạy bất cứ khi nào cần đối đầu. Đó là tật xấu của cả Chi và chị hai.
"Không..." Hai đứa chúng tôi giằng co với nhau. Tay tôi nắm lấy cổ tay Chi. Bấy giờ, cô nàng đang cố gắng sức vùng ra. "Mặc kệ chị ta muốn cái gì... tôi sẽ không bị mắc lừa đâu."
Tôi khó hiểu nói với Chi, "Lừa? Ai lừa gì cậu?"
Cứ như có thứ với tay kéo Chi ngoài tôi. Mơ hồ thế nào, tôi cảm nhận được bóng tối bao trùm lấy cô bạn phía trước. Rồi cứ thế, tất cả tà khí từ đó đã làm choáng ngợp Chi, khiến cho toàn bộ cơ thể ấy lật đật run rẩy. Mỗi khi Chi cố gắng vùng vẫy mạnh hơn, tôi lại càng chắc tay hơn. Đi kèm với hành động là giọng nói quả quyết:
"Tôi sẽ cũng ở đó với cậu. Nên không có gì phải sợ nếu như cậu nói sự thật, thì không có gì phải sợ cả."
Chi cúi đầu. Tôi thấy đôi môi kia đang mím chặt với nhau và cả lồng ngực phập phồng thở dốc. Sự rối bời Chi mang đến cho mình thật sự rất tiêu cực, mà cùng lúc thôi thúc tôi giải quyết nó ngay. Không còn chỉ là tò mò hay ham muốn nhìn thấu sự thật, tôi đang hành động cố chấp vì điều khác. Điều mà mọi kẻ luôn trốn chạy khỏi.
Vùng vằng, Chi bước lên bậc thang cao hơn rồi đẩy tôi ngược về phía sau. Ngay tức thì, lao đao đến suýt ngã, tôi khá tức tối, cũng đã trừng mắt lên với cô bạn. Mà hiện tại, người ở trước mặt mình sau sự va chạm lại đột nhiên đứng đơ mình, chân cũng không bỏ chạy nữa. Chi chỉ đứng đó, với hai tay tự ôm lấy bản thân. Hàm răng lúc đấy cắn lên môi, và hai mắt sưng tấy lên, nhìn vào tôi.
Tôi thấy Chi hít một hơi sâu, tay cứ giữ lấy trước ngực. Cô nàng thở hổn hển:
"Chị ta là kẻ giết người!" Và rồi những lời độc địa Chi tuôn ra với tôi. "Chị ta đã hại chết chị gái tôi! Bây giờ lại muốn giải thích hay chất vấn xem những lời của tôi là có thật hay không ấy hả?"
Cứ thế, Chi liên tục buộc tội chị tôi, ở ngay trước cổng trường:
"Chị ta!" Một hơi nghẹn ứ trong cổ họng Chi khiến cô ta bất thình lình nín bặt. Tại đôi mắt u buồn lúc ấy, tuôn ra toàn bộ những giọt giàn giụa. "Tôi thù ghét tất cả các người! Các người lấy cớ gì mà ngờ vực rằng lời nói của tôi là dối trá chứ?"
Đối diện với Chi lúc này, tay chân tôi tự dưng không nhúc nhích. Một khi để cô nàng thoát ra khỏi mình, thì ý nghĩ muốn níu kéo lại cũng bị diệt đi tong. Khó hiểu ở chỗ đó, là khi chứng kiến sự suy sụp tại tâm lý ở Chi, thì mọi cố chấp của tôi cũng theo thế mà buông bỏ. Có thể gọi là bất lực, tôi không biết nữa, nhưng nhìn vào biểu hiện cô nàng lúc bấy giờ, thì không còn chút lý trí nào để nói chuyện nữa. Tại phút giây ấy, tôi nhận ra, Chi đã bị nhốt bởi sự tổn thương của bản thân khiến không thể suy nghĩ được những phương án khác. Cô ấy khó mà chấp nhận viễn cảnh nào khác với cái thứ mà mình đã tin. Cứ như vậy, Chi sẵn sàng lăng mạ, sỉ nhục người khác, để bảo thủ giữ khư khư thứ độc hại vốn đã thành vũng lầy trong chính tâm trí mình.
Bần thần một lúc, tôi không có nghĩa vụ phải giải thoát cho Chi. Nếu như cô nàng còn không muốn làm điều đó. Chi không phải chị hai tôi. Nên vậy, đôi vai liền thả lỏng ra. Cứ thế, tôi xoay người bỏ đi.
Mà lúc này, khi vừa trèo lên xe, thì đột nhiên ở gần trước mặt tôi với Chi lại xuất hiện một người đàn ông. Cũng không có gì quá đặc biệt, dù ngoại hình ông ta luộm thuộm đến mức nào... Tuy nhiên, cái đáng chú ý nhất lại là chính ánh mắt đang hướng về cả hai. Ánh nhìn đó khiến tôi sững cả người. Ngơ ngác đối diện với sự ngóng trông của người đàn ông, về phía mình và cả Chi, tuy rằng đây là lần đầu gặp mặt. Đôi bàn tay bùn đất của ông ta nắm lấy nhau, mà hai mắt cứ trợn lên nhìn cả hai đứa trẻ. Một ánh mắt thôi mà chan chứa nhiều thứ không thể đếm xuể.
"Chi..."
Khoảnh khắc mà người đàn ông gọi tên mình thì Chi cũng tức thì trèo lên xe tôi. Cô ấy không muốn đối mặt với ông ta. Cơ thể bé nhỏ núp sau lưng cậu bạn thân. Bấy giờ, giọng nói vỡ ra khỏi sự ngột ngạt, kèm theo tiếng khóc thút thít: "Chạy đi." Tuy dồn dập cảm xúc của Chi trồi lên dữ dội nhưng tôi không nắm bắt được ngay, nên vẫn đứng sững ra, với tay đã đặt trên vô lăng. Cho đến khi, cô nàng phía sau thét càng lớn hơn, mà tay càng bấu chặt lấy hông người ngồi trước hơn:
"Chạy ngay đi!"
Như thế, tôi mới lái xe vụt chạy đi. Cứ vậy mà lao thẳng về phía trước, mặc dù tôi không biết phải chạy đi đâu. Chiếc xe chạy băng băng trên đường phố Sài Gòn tấp nập vào buổi sáng, đông đúc mọi người đi học đi làm. Mà Chi chẳng nói gì với mình, ngoài những tiếng khóc thút thít hoặc hít hơi sâu. Tôi có thể cảm nhận được lưng áo mình ướt đẫm nước mắt của cô bạn học, mà từng đầu ngón tay cứ bám lên cơ thể. Không biết tại sao, lúc này trong tôi mông lung lắm. Cái cảm xúc bất lực từ bỏ khi nãy vẫn còn đọng lại, rằng Chi đã chối từ lòng tốt của tôi. Cô ấy bị ngộp trong sự bất hạnh của bản thân mà không thể tự mình muốn vẫy vùng. Tôi... đâu có trách nhiệm phải đưa tay cứu một người không muốn thoát khỏi vũng lầy nhỉ? Vì Chi không phải gia đình tôi. Tôi đã quá tốt bụng rồi. Cảm xúc còn lại thứ hai chứa đựng trong tôi là sự hoang mang về chuyện đã xảy ra. Bấy giờ, mọi thắc mắc cứ đan xen thành cuộn chỉ rối bời. Có khúc mắc làm tôi bị giới hạn. Không thể gỡ được nó khiến bản thân bị ức chế. Với lại, sao tôi có thể quay lưng khi có ai đó cần giúp đỡ? Rằng nếu có bất công xảy ra trước mắt... đứng yên trái ngược với bản năng của tôi.
Tôi không biết Chi có cần mình giúp không. Nếu có thì tự cô nàng phải nói ra. Không thì, Chi không phải là người đáng phải bỏ sức vào. Đáng lý ra, tôi nên đến lớp rồi, như mọi ngày. Hoặc đáng lý ra, tôi nên nghỉ học ở nhà, chăm sóc cho chị hai chăng? Chị mới là người tôi cần quan tâm hơn là cô bạn học mới chỉ nói chuyện dăm ba đôi bữa...
Nghĩ như vậy, tôi bèn dừng xe lại. Gỡ tay Chi ra khỏi người mình, cứ thế, từ tốn nói ra:
"Tớ... cái lời đề nghị của chị hai..." Thật khó để truyền đạt hết tất cả những gì có trong đầu lúc bấy giờ bằng từ ngữ. Đôi khi, tôi ước gì mình có thể dùng hình ảnh chiếu thực tế điều gì đang diễn ra lúc đó. Như vậy sẽ dễ dàng mà hay hơn rất nhiều. "Tớ không thể giúp cậu nếu chính bản thân cậu lại chạy trốn khỏi nó..."
Giữa dòng người đông đúc, Chi im lặng. Chỉ thấy cô bạn nín thin, đôi mắt ươn ướt, đỏ hoe đối lập với mình.
"Hôm qua khi tớ về hỏi chị hai,..." Tay chân lúc này ngứa ngáy lắm. Tôi vẫn đang chất chồng tội lỗi bên trong mình vì hôm qua đã lỡ to tiếng với chị hai. Mà còn chẳng hề quan tâm đến chị, ngoài những ngờ vực, nghi vấn đổ đầy. Khó chịu, tôi đành buông tiếng thở dài: "Tớ chỉ nghĩ là... cả chị hai và cậu đều có quyền giải thích cho những suy nghĩ hoặc quan điểm của bản thân. Mà cả sự thật cũng thế."
Chính bản thân mình xứng đáng biết được sự thật.
Chi cũng xứng đáng có được sự chất vấn của mình đối với họ, những người cô ấy luôn nghi ngờ. Và cả chị hai cũng xứng đáng được quyền giải thích cho chính mình.
"Nên... nếu để khuyên thì tớ vẫn khuyên cậu nên đến gặp chị ấy để đối chất mọi thứ. Như vậy tốt hơn."
Đối diện với tôi, cô bạn lẳng lặng hít một hơi sâu. "Mà tớ cũng sẽ ở đó nữa. Nên cậu đừng có sợ."
Tôi buông một câu đùa để tháo gỡ sự căng thẳng của tình hình lúc bấy giờ:
"Đâu có ai sẽ làm hại cậu đâu mà lo."
Từ lúc nãy đến giờ, Chi hoàn toàn không nói gì hết. Nhưng, sau khi lắng nghe tôi bày tỏ hết lòng mình, cô bạn dường như đã có chút cảm động. Bởi lẽ, Chi lại vừa bám lấy cánh tay áo của tôi. Cứ như đứa trẻ bé nhỏ lạc đường, cô ấy thấp đầu, nói nhỏ:
"Thôi được... tớ... đồng ý."
Chi đã chịu lời đề nghị của chị hai. "Tớ sẽ đến gặp chị ấy... vào tối ngày mai... để làm rõ mọi việc."
Ngay tức thì, khóe môi tôi nở nụ cười mừng rỡ.
"Được. Để tớ nói với chị hai đã."
Đáp lại lời tôi, Chi gật gật đầu mà vẫn giữ khuôn mặt cúi xuống. Sướng vui vì nỗi khúc mắc trong lòng đã được gỡ gạc, khó mà thôi tươi tắn tại khóe miệng. Lúc này, tôi gò tay ga, cứ như vậy, tưng bừng ánh nắng, đưa Chi và bản thân trở về trường.
Có rất nhiều lý do mà Hà tránh không muốn là người phụ trách chính của ca bệnh nào. Nhưng, bây giờ đã là trách nhiệm của nó- điều trị và chăm sóc cho một đứa trẻ. Không khó để người ta đánh giá được rằng Hà không thích trẻ con. Có thể con bé chưa bao giờ bộc lộ ra điều đó, nhưng trông thái độ chán chường, không mấy hứng thú của Hà, tôi đã đủ hiểu. Đứa trẻ của tôi là kẻ lạnh lùng từ xương tủy. Không lo lắng cho ai ngoài bản thân mình. Mà nó không đắn đo khi làm việc đó. Với tập tài liệu trên tay, Hà lãnh đạm bước vào phòng hồi sức của em gái. Từ bên ngoài, tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt không chút biểu cảm gì, kể cả khi nhìn thấy bác sĩ Khiêm đi ra từ buồng phòng đối diện. Hai bệnh nhân, hai căn phòng mà cứ ngỡ như khoảng cách ở giữa là thung lũng sâu hun hút. Hiện tại, đứa trẻ của tôi nhớ rằng mình đã chọn cô bé gái thay cho cậu anh trai. Con bé chống lại sự sắp đặt ngẫu nhiên lúc trước. Mà vì lý do gì nó lại chọn đứa trẻ nguy kịch hơn với trọng trách nặng nề hơn? Hà tự nhủ với tôi là do bốc đồng. Tuy nhiên, tôi lại không nghĩ vậy. Quá trình nhìn ngắm đứa trẻ của mình lớn lên, tuy thông qua thanh sắt của cái lồng bé tẹo, tôi biết đó không phải do tự nhiên.
"Chào em."
Khi bước vào phòng, đứa trẻ của tôi cất chất giọng lãnh đạm. Bấy giờ, khuôn mặt được giấu sau lớp khẩu trang, dễ dàng hơn cho Hà không bộc lộ bất kỳ tình cảm nào. Nó cứ như vậy, ngồi xuống trước mặt cô em gái, còn đang nằm trên giường. Hai mắt cô bé lúc này mở thao láo nhìn Hà.
"Chị..." Hà khá ngập ngừng. Rốt cục, nó lựa chọn nói tiếp. "Là bác sĩ phụ trách chính của em. Nguyễn Hải Hà."
Tiếng máy điện tâm đồ tĩnh mịch vang lên giữa những lúc cả hai đứa trẻ im lặng. Suốt kể từ khi bước vào phòng, Hà không hề nhìn đến cô bé. Với cặp mắt vẫn đang dán vào giấy trắng tại tập bệnh án, nó cứ vậy mà lạnh nhạt nói chuyện với bệnh nhân:
"Em thấy thế nào rồi? Tình trạng của em?"
Tự Hà đánh giá mọi thứ đều ổn thỏa. Dựa trên hồ sơ theo dõi của Tâm và Thoa cập nhật cho mình, chẳng có gì đáng lo ngại. Thậm chí, tốc độ hồi phục còn khá tốt. Nếu không có gì thay đổi, Hà hoàn toàn không có gì phải hỏi han ai, cứ thế mà tiếp tục tập trung vào kế hoạch điều trị đã tính toán sẵn ra. Nên là, vốn các câu hỏi này, Hà chỉ hỏi cho có. Tôi biết chắc chắn, gói ghém trong chất giọng điềm nhiên đấy của nó, chẳng có sự thương cảm nào. Cô bé ở trên giường bệnh có thể hình dung rằng chính mình đang tiếp xúc với một khối băng. Cứ như thế, Hà hờ hững tiếp tục hỏi, với cây bút ghi nguệch ngoạc những dòng tính toán, dựa trên những thông tin trên máy ECG. Luôn là nó thà quan sát tiến trình máy móc, bệnh án, công thức thuốc, hồ sơ, hơn là trực tiếp quan tâm đến người kia:
"Nếu có cảm thấy khó chịu hay đau đớn chỗ nào, nên nói ngay." Hà liếc mắt lên trong phút giây ngắn ngủi. "Mà theo đánh giá của y tá trực... em không gặp vấn đề gì trong ăn uống nhỉ?"
Cô bé vẫn không trả lời gì Hà. Lạ lùng thay, hai chị em đồng bộ lạ kỳ. Một hỏi cho có, một không trả lời. Đối lập lại, hai mắt của cô em gái cứ nhìn chăm chăm vào khuôn mặt của vị bác sĩ trước mặt, dù chẳng cất một lời. Dẫu khi nó từ từ ngồi dậy, đã từ lúc nào mà Hà cũng không thấy.
"Em..."
Khi thấy rồi Hà mới ngừng hỏi những câu mà chính mình cũng không hề muốn nói ra. Bấy giờ, cả hai nhìn nhau trong im lặng, chỉ có tiếng máy móc đều đặn kêu lên từng nhịp chậm rãi. Không có gì chấn động mấy, Hà ngồi yên, kể cả khi con bé cứ nhìn nó bằng cặp mắt mà từ ngữ khó diễn tả nỗi. Đứa trẻ đối diện với Hà bấy giờ chỉ mới tám tuổi. Nó là một tờ giấy trắng tinh, thơ ngây, không tì vết, dù đã phải chịu tổn thương. Sau một hồi im lặng ngắn ngủi, bởi lẽ Hà đã không lên tiếng nữa thì đứa trẻ kia chỉ tay vào đống giấy trên đùi con bé. Chưa thấu hiểu được người đối diện muốn gì, chỉ thấy ánh nhìn cứ chăm chăm gửi đến mình,... Đứa trẻ của tôi vô thức phán đoán. Lẫn trong xấp giấy tờ, Hà lấy ra một cuốn tập trắng. Và rồi nó đứng dậy khỏi ghế, với tay đặt chồng hồ sơ xuống lại chỗ vừa ngồi. Bấy giờ, con bé thấy rằng đứa trẻ kia cứ nhìn vào mình chằm chằm, nhất là cuốn tập trắng trên tay. Đó giống như là sự chờ đợi. Và nó đã thăm dò chính xác. Nhấc chiếc bút khác màu trên ngực áo, Hà đưa cả hai thứ trong tay cho cô bé. Lúc này, với đôi mắt eo hẹp híp lại, nó thầm lặng quan sát bệnh nhân của mình. Hai tay Hà đặt vào trong túi áo blouse, đầu cúi xuống, trông theo từng nét cô bé đang vẽ lên mặt giấy. Là một đứa trẻ con, có lẽ nó chỉ muốn vẽ bậy thứ gì đó, cho đỡ chán chăng?
Không.
Khi những nét hiện ra toàn vẹn, đôi mắt phía sau tròng kính của Hà có thay đổi. Trong phút chốc, chúng mở lớn hơn. Và rồi hai cánh tay khoanh trước ngực, con bé thấp giọng lên tiếng. Nó hỏi nhỏ, khẽ khàng hơn những câu hỏi trước: "Tại sao?"
Hí hoáy, cô bé con lại lần nữa gắng tay viết nắn nót dòng chữ lên trang giấy tập trắng. Khi xong, đôi mắt long lanh trở ngược lại nhìn vị bác sĩ. Tận đến bấy giờ, nó mới lắp bắp lên tiếng, nói đủ đầy một câu: "Xin chị."
Ngay tức khắc, hai chân Hà chuyển động. Khác hoàn toàn với thái độ lạnh lùng mà đứa trẻ tôi mang từ ban đầu, giờ thì sự vội vã nóng nảy thấy rõ. Cứ thế, Hà nhanh nhẹn chốt khóa cửa phòng, cũng như kéo sát rèm tại cửa sổ trên tường. Căn phòng giờ đây đã tách biệt với thế giới bên ngoài. Chỉ còn mình loài chim tôi có thể nghe hay nhìn thấy chuyện gì đang xảy ra. Trở lại, Hà ngồi xuống trước mặt đứa trẻ. Một tay giữ trong túi trái blouse, tay còn lại, con bé dỗ dành sự nức nở đang tuôn trào ở trước mặt. Nó cúi thấp đầu, những dòng chữ của cô em gái như vậy mà in hằn trong tâm can. Khiến cho Hà nhức nhối. Trong không gian kín, chỉ có sự im lặng lắng nghe hai đứa trẻ, nhất là tiếng nấc nghẹn chen giữa câu nói: "Em chẳng muốn về nhà đâu..." của cô bé con. Nương theo đó, nét chữ chứa đựng sự sợ hãi cũng vấp váp mà run rẩy từng cơn. Hà im lặng. Nó đọc đi đọc lại từng dòng.
Em sợ anh hai lắm. Anh hai lúc nào cũng rủ rê em cùng chết cùng. Anh là người đã đốt em.
Em không muốn về nhà với anh hai. Chị ơi, cứu em.