Con người là loài bất thường, lố bịch.
Họ ân hận những chuyện tồi tệ mình đã làm, nhưng không nghĩ tại sao nó lại thành ra như thế. Đối với họ, dù chỉ một mạng sống cũng đã là quan trọng, nhưng cũng chỉ một khi không thể cứu chữa nữa thì mới thấy hối tiếc. Cứ như thế, phải chăng tất cả bọn họ đều là những kẻ đạo mạo giả dối. Chỉ biết... Chỉ biết suốt một đời day dứt một chữ nếu mà thôi.
"Tại sao lúc đó không kiểm tra nồng độ cồn hay xét nghiệm chất kích thích của thằng nhóc đó?"
Trong một phòng bệnh ngẫu nhiên ở bệnh viện Đại Học Y Dược, người ta đứng đông chật kín. Kỳ lạ là tất cả đều không phải là y tá hay bác sĩ. Cũng chẳng có ai nằm trên chiếc giường bệnh trắng cả. Chỉ là một toán những người đàn ông, với khuôn mặt thất thần lo lắng. Những bước chân trong cảnh rối ren đi qua di lại. Và rồi, họ lại tuyệt vọng nhìn nhau.
"Lúc đó không chỉ thằng nhóc mà con của bác, cùng mấy học sinh ở học viện công an cũng có mặt. Không biết vì sao chúng lại gây gổ rồi ẩu đả. Vì muốn giải quyết nhanh chóng nên chúng tôi đã thả người ngay..." Càng nghe lời cấp dưới nói, ngài Thượng tá càng đau đầu. "với lại đằng nào thì chúng tôi cũng phải thả người mà."
Sau khi câu nói kết thúc, người đàn ông liếc mắt về phía một kẻ khác, cố ý ám chỉ suy nghĩ của mình. Lúc này, kẻ đó đang ngồi ngả người cũng phải thẳng lưng dậy. Ngay lập tức liền buông một tiếng thở dài, hai mắt mệt nhọc ngước lên nhìn một loạt tất cả khuôn mặt đang có tại đây:
"Các ông định bàn lùi chuyện này đến lúc nào? Cho dù coi như bị bắt ép phải thả người thì cũng phải cử ai đó đưa nó về nhà để không xảy ra chuyện chứ. Bây giờ tai nạn tông xe thì lại ám chỉ đổ lỗi lên tôi sao?"
Những lời ông Đăng nói rất có lý. Chính vì vậy, ngay lúc này không ai dám cãi ngược lại. Cái miệng của tất cả mọi người dường như bị khóa. Bây giờ, màu trắng bao quanh họ thật tang tóc. Hơn thế, ở căn phòng lầu dưới lại cứ một hồi vang lên tiếng khóc thương tâm. Vậy mà không một ai nghe thấy, vì tất cả bọn họ đều trốn hết lên đây, bàn bạc làm cách nào để trốn tiếng khóc đau đớn đó vĩnh viễn.
"Nếu nạn nhân qua cơn nguy kịch và còn sống thì còn có hy vọng có thể giảng hòa..."
Hà liếc nhìn luật sư Chính ngay lập tức khi gã đang lên tiếng. Hiện tại, người đàn ông đó cúi đầu, tay xoa cằm, hoàn toàn chỉ có thể suy diễn ra một viễn cảnh ở trong mơ. Và, sau lúc ông Chính bỏ lửng câu nói mơ hồ của mình, những cặp mắt khác lại đổ dồn ngược lại về phía Hà. Như thể họ muốn tìm một tia hy vọng nhỏ nhoi. Nhưng, con bé mặc áo blouse trắng không nói gì hết. Chỉ khoanh tay lại và đứng yên tại chỗ, cả đôi mắt eo hẹp cũng chăm chăm nhìn xuống dưới chân.
"Nguyên nhân vụ tai nạn thế nào?"
Ông Đăng cất tiếng hỏi. Giờ thì mỗi câu từ đều khiến bản thân đột nhiên chột dạ, tay tự nắm vào lớp vải quần âu.
"Theo điều tra hiện tại, vì lái xe không chú ý tốc độ lẫn sự việc xung quanh nên khi chuyển làn, chiếc xe của con trai anh đã đâm vào phần đuôi xe của cô bé gái ấy. Từ đó tạo ra lực lớn, húc cô ấy lao về phía trước. Sau đó, có lẽ nạn nhân đã theo bản năng bóp thắng, dẫn đến ngã nhào ra khỏi xe. Khi ngã, tư thế của cô bé chúi xuống mặt đường. Bộ phận đầu và mặt va chạm mạnh. Đồng thời cơ thể cũng văng ra rất xa..."
Vị công an đang toan đọc tiếp thì bỗng nhiên phải dừng lại. Bởi lẽ, Đăng đã ra hiệu cho ông ta dừng lại. Những lời đau lòng đó đã khiến người đàn ông vô cùng giàu có phải khổ sở úp mặt vào lòng bàn tay. Vì vậy, chỉ mỗi Đăng không nhìn thấy ánh mắt ái ngại, ngập ngừng của vị công an. Dựa theo những gì ông ta vừa nói, mọi chuyện đã chẳng còn gì có thể cứu chữa. Không những chỉ là về phần đứa con trai mà ông ta hết mực thương yêu mà còn là địa vị và danh dự của bản thân. Mặt khác, chính vị Thượng Tá Võ Quốc Thống trong lòng giờ cũng như đang đốt lửa. Bởi lẽ,... tại sao không kiểm tra nồng độ cồn của thằng nhóc? Tại sao lại để nó về nhà một mình, mà còn là tự bản thân lái xe về? Trăm ngàn những câu hỏi như thế ngấu nghiến tâm can của ông. Tức và tiếc nuối, nhưng như thế thì có thể làm được gì? Ông ta buộc phải nghĩ ra cách gì đi. Nếu không một khi thằng nhóc kia bị lôi xuống địa ngục thì chính mình cũng không có đường thoát thân.
"Nếu chúng ta chi một khoản tiền đền bù rất lớn cho gia đình nạn nhân, tôi nghĩ là họ có thể đồng ý không kiện tụng." Tiếng thở dài não nề được đưa ra ngay sau ấy, điệu bộ của ông Chính đút tay vào túi quần trông thật chán nản.
"Bao nhiêu tiền không thành vấn đề."
Đúng là người giàu nói chuyện có khác. Nhưng giọng của ông Đăng cũng không hứng khởi hơn, "Nhưng có thể nghĩa là sao?"
"Như tôi đã nói thưa ông, đó là nếu nạn nhân còn sống."
Nếu như cô gái đó còn sống thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đúng là như vậy, loài chim tôi thấy Hà cũng thở dài và chắc con bé có cùng suy nghĩ với ông Chính. Nhưng, tréo ngoe ở đây là trong đầu nó, suy nghĩ đó lập tức bị xé nát rồi đốt trụi đi. Miệng con bé như bị bịt kín. Sẽ thật xui xẻo nếu Hà nói ra cái điều xui rủi, không ai muốn đó ra. Người ta sẽ nghĩ là nó xúi quẩy, nguyền rủa cậu ấm nhà họ Huỳnh. Mà... Hà cảm thấy thật vô vị. Tất cả đã được định đoạt hết rồi mà.
"Vậy bây giờ chúng ta chẳng làm gì được ngoài chờ đợi thôi sao?" Cấp dưới của vị thượng tá sốt sắng hỏi.
"Tạm thời bây giờ việc duy nhất chúng ta có thể làm là bên công an phải xuất trình giấy tờ xác nhận đã kiểm tra nồng độ cồn và chất kích thích của cậu Ân. Như vậy, bên kiểm sát viên sẽ không thể buộc tội các anh làm việc tắc trách. Như thế, cũng đỡ được một phần tội cho cậu." Ông Chính trả lời rành rọt.
Hình như, hy vọng le lói đã sáng lên. Có thế, vị Thượng Tá liền thấp giọng, ra lệnh với cấp dưới: "Đi làm ngay đi."
Rất nhanh chóng và quyết đoán, gã công an liền trở nên vô cùng trách nhiệm. Mỉa mai quá, ông ta ngay lập tức chạy đi. Cánh cửa mở rồi đóng lại trong chớp mắt, căn phòng lại trở về với vẻ im lặng căng thẳng vô cùng. Đối mặt với án tù bày sẵn trước mắt, Đăng ắt hẳn cảm thấy kinh hoàng. Mỗi ngón tay không ngừng miết lấy vải quần, sau đó lại đưa lên quẹt những giọt mồ hôi đầm đìa. Bấy giờ, các cặp mắt đang khoắc khoải chờ đợi tin lại nhìn nhau. Quá mệt mỏi, ông Thống ngồi xuống ghế mà răng tự động nghiến lên răng. Có lẽ, trong thâm tâm của người đàn ông bấy giờ cũng sinh ra bứt rứt cùng lo lắng tột cùng. Theo báo cáo, con trai mình cũng có mặt tại đó, còn liên quan đến vụ ẩu đả. Vốn chỉ là đánh nhau nhỏ giữa các thanh niên ngổ ngáo, rốt cuộc lại kéo theo một mạng người vô tội... Cứ thế, chuyện tồi tệ đổ chồng lên nhau như một chuỗi dây chuyền những cơn ác mộng. Càng truy càng vỡ tan tành ra.
"Hà."
Sự im lặng nuốt chửng bầu không khí đến ngộp thở bỗng nhiên bị phá hỏng bởi chất giọng của Đăng. Đứng gần với tập hồ sơ mà khi nãy của vị công an đã chạy đi, Hà im lặng, chỉ ngoái đầu lại nhìn. Nhưng, tôi quá hiểu để biết rằng bên trong nó đã giật mình thon thót. Nó liếc nhìn ông Đăng. Hóa ra cuối cùng cũng không thể né tránh được câu hỏi khổ sở đó... Tay Hà hờ hững chạm vào mặt trang giấy đầy những hình máu me.
"Nói cho bác biết sự thật. Cháu có nghĩ..." Hà biết Đăng muốn hỏi gì kể cả khi ông không nói. "...rằng cô gái ấy sẽ qua khỏi cơn nguy kịch không?"
Ngay tức khắc, trăm ngàn kỳ vọng liền đổ lên người Hà kèm theo tất cả những ánh mắt dòm ngó. Chồng chất nặng nề tới mức khiến con bé khó thở, không thể trả lời. Lúc này, Hà đứng cứng đơ người. Tuy không có biểu hiện gì trên khuôn mặt cả nhưng đó là do mọi thứ đang lạnh như bị đông đá. Bầu không khí căng thẳng của tội lỗi chồng chéo lên nhau thật sự khiến người ta không cách nào vùng vẫy. Với những người đàn ông còn chút tia sáng là hy vọng thì Hà đang chỉ thấy những sắc màu tối tăm. Kể cả màu đỏ máu đục ngầu. Hình ảnh khuôn mặt đã không còn nhận ra hình người của cô gái chỉ vừa mới mười bảy tuổi đó đã làm Hà không thể nhúc nhích môi. Ngay từ đầu, con bé đã biết không còn gì có thể cứu vãn được nữa. Toàn bộ phần đầu của nạn nhân đã bị hủy hoại nặng nề. Nếu có sống... cũng chỉ là đời sống vô nghĩa của thực vật. Thế chẳng khác nào cái chết. Cái chết, Hà chỉ muốn nói ra hai từ đó khỏi mồm để cho nhẹ nhõm. Nhưng nó không làm được gì cả, ngoài cúi đầu và lặng im.
"Cứ trả lời thành thật. Dựa những gì cháu nghĩ thì nạn nhân còn bao nhiêu phần trăm sống sót?"
Sự thật tàn nhẫn châm chích lên đôi môi con bé ngứa tới chết. Cuối cùng, nó hít một hơi sâu rồi cố gắng chậm rãi nói ra:
"Cháu không nghĩ rằ..."
"Chết rồi!"
Giây phút ấy, tiếng la lớn và âm thanh cánh cửa bật mở đã cắt ngang lời nói của Hà. Tuy nhiên, đó nói thay cho những gì đứa trẻ định nói. Vị công an hồi nãy vừa quay lại, phải báo tin ngay. "Chết rồi. Con bé ấy chết rồi." Ông ta nói thẳng thừng được một lần rồi giọng lại trở nên run rẩy lẩy bẩy.. "Nạn nhân... chết... rồi..." - người đàn ông lắp ba lắp bắp. Kể cả toàn bộ ngón tay ngón chân cũng không thể bình tĩnh đứng yên. Mồ hôi túa ra trên trán như phát sốt. Mắt trợn cả lên, tự nhiên thấy trắng dã, tựa như là gặp phải ác mộng. Và rồi, ngay lập tức, sự kinh hoàng tột độ truyền đến cho hết tất cả những kẻ đang có mặt trong phòng. Họ hoảng đến mức câm nín. Cả hai người bố trừng mắt nhìn lẫn nhau, bỗng nhiên thấy cả tay và chân mình đều trở thành dư thừa. Không thể nhấc mình lên nổi, ông Đăng bàng hoàng quay sang gã luật sư. Bây giờ, có cãi thành chiến thần đi nữa cũng không cứu được tội.
"Bây giờ làm sao đây bác ơi?" Tên công an sốt sắng hỏi cấp trên nhưng đổi lại, vị Thượng tá chỉ có thể tuyệt vọng lắc đầu.
Bóng tối của tuyệt vọng lẫn tội lỗi khiến cho chẳng ai đủ sức cất lời lên nỗi. Không đau thương nhưng sự nuối tiếc đã ăn mòn lý trí của tất cả bọn họ thành một đống bùi nhùi không rõ hình hài nữa. Trong phòng, tiếng thở của ông Đăng đã trở nên dồn dập, hổn hển. Không phải đến bây giờ ông ta mới biết có nhiều thứ không thể mua được bằng tiền... nhưng chưa bao giờ, bản thân lại vô dụng tới vậy. Cơn đau nhói vì vô vọng thể hiện rõ qua từng sợi mạch máu rộ lên trên làn da gân guốc. Một lần nữa, người đàn ông giàu có lại đưa tay vuốt mặt, nín lặng rồi thở hắt ra. Thôi rồi, Chính bối rối tới mức hai chân đứng trên sàn nhưng lại chênh vênh hơi khuỵu xuống. Làm thế nào bây giờ? Và những ngón tay chà sát lên nhau trong tình cảnh rối ren. Nhưng, cuối cùng, khi một tiếng nói dịu dàng cất lên, Chính đột nhiên sống trở lại. Không những thế, tất cả kẻ khác cũng đồng loạt như vậy. Tự dưng, mọi ánh mắt tưởng chừng như là tuyệt vọng lại đổ dồn về phía đứa trẻ của tôi.
"Cô gái không đội mũ bảo hiểm đúng chứ?"
Bấy giờ, Hà cầm một tấm ảnh trong vô vàn những tấm nằm la liệt trên bàn lên. Trên đó chụp rất rõ hình ảnh hiện trường. Hoàn toàn không có chiếc nón bảo hiểm nào, dù là lành lặn hay bị hủy hoại. Có thế, bỗng chốc trong đáy mắt tất cả mọi người đã lóe lên một tia như ánh chớp. Tàn bạo mà lại thắp sáng cả trời đen tối tăm. Tưởng chừng không còn gì có thể cứu vãn được nữa... Bây giờ, ông Đăng là người nhìn lâu nhất mà không dám chớp mắt dù chút phút giây nào.
"Nạn nhân không đội mũ bảo hiểm." Hà khẳng định như bản thân biết rành rọt. "Vì thế nên khi xảy ra va chạm, phần đầu đã bị tổn hại nặng nề, không thể cứu chữa. Nếu chiếu theo thực tế đó và luật pháp, chẳng phải cái chết đúng ra là do lỗi không đội nón bảo hiểm sao?"
Chớp ngay ý tưởng táo bạo đó, ông Chính liền đưa ra lập luận, "Đúng rồi... Nạn nhân đã làm trái với quy định của pháp luật, không đội mũ bảo hiểm cho nên mới dẫn đến tình huống tử vong."
Đúng là không hổ danh luật sư nổi tiếng tài năng, suy luận rất hợp lý. Bấy giờ, hai con người máu lạnh cứ luân phiên tiếp lời, nhanh chóng củng cố ý tưởng đổ lỗi của nhau:
"Đến tính mạng của bản thân còn không coi trọng, xảy ra chuyện đáng tiếc là cũng tự mình gây ra."
"Hà nói rất đúng." Ông Chính gật gù. "Không thể đổ lỗi toàn bộ cho cậu Ân được. Bởi lẽ nếu như cô gái ấy tự biết trang bị mũ bảo hiểm, tuân theo luật pháp... thì giả sử dù cho có xảy ra chuyện thì cũng không dẫn đến hậu quả tồi tệ như bây giờ."
Nghe những lời nói bênh vực vồ vập nhau đó, có lẽ ông Đăng thấy yên lòng hơn hẳn. Vì loài chim tôi thấy khuôn mặt căng thẳng khi nãy, bây giờ đã trở nên thư thái hơn hẳn. Không còn những tiếng thở hổn hển, dồn dập nữa. Tất cả trở nên bình yên hơn, có sinh khí hơn. Ngược lại, vị Thượng Tá lúc này đột nhiên tay siết chặt thành ghế ngồi. Và rồi, ông ta đứng bật dậy, quát tháo to:
"Các người có còn là con người không? Một mạng người đã chết mà vẫn còn tìm cách bênh vực cho thằng nhóc đổ đốn đó sao? Với cú va chạm như vậy, cho dù có nón bảo hiểm đi nữa cũng là tai nạn tới mức hủy hoại lên thân thể. Có sống thì cũng tàn phế."
"Còn đỡ hơn là chết."
Hà bình thản nói ra điều đó như thể là thứ nước lã vô vị. Ngay lập tức, con bé phải đối đầu cái liếc mắt đầy phẫn nộ của ông Thống. Mà, nó cũng có sợ hãi gì. Ngược lại còn vừa thản nhiên vừa vênh váo. Tuy không nói nhưng nhìn vào thái độ kênh kiệu là biết... Nó xem cái chết của người ta chỉ là chuyện xui rủi.
"Ông nói mà không biết ngượng mồm sao, ngài thượng tá?" Chính lên tiếng đối đáp. "Chẳng phải nguyên nhân việc tồi tệ này xảy ra đều là do phía công an làm việc ẩu tả, tắc trách sao? Là kẻ nào đã để cậu Ân nhà chúng tôi ra về một mình, mà còn tự lái xe trở về? Là kẻ nào vì chủ quan mà không kiểm tra nồng độ cồn và xét nghiệm ngay lúc đó? Bây giờ, ông còn tính đổ hết tội lỗi lên đầu chúng tôi. Chúng tôi chưa tính đến kiện ông là may. Chúng tôi chỉ không muốn nhận hết tội lỗi đổ lên đầu bản thân một mình. Chúng tôi không ngu như thế."
Bị vạch trần ra sai lầm của mình, Thống liền xấu hổ mà im lặng. Ông ta liên tục nghiến răng, vò nát nắm tay vì cơn nhức nhối. Hiện tại những lời nói trách móc đó còn nghĩa lý gì nữa? Kể cả việc tuyệt vọng nhìn ngược lại người đàn ông kia. Mà bây giờ, Đăng đã ngồi thẳng thớm dậy, đôi vai cũng thả lỏng nhẹ nhõm hơn.
"Ông Thống, nếu như ông muốn nghiêm túc xử lý việc này thì đổi ngược lại, lúc bị truy tố trách nhiệm thì ông cũng phải nghiêm túc thừa nhận sai lầm đi. Xét nông cạn thì là do cậu Ân và cả nạn nhân đều không may mắn nhưng sâu xa thì đến bản thân hay con trai ông cũng không thoát tội hình sự đâu." Chính nhắc nhở lại một lần nữa vết bùn dơ đen tối, không thể rũ sạch dù có như thế nào, "Ông hãy suy nghĩ kỹ lại đi."
Chuyện nào là chuyện có lợi, chuyện nào là chuyện còn có thể cứu vãn. Bị chèn ép bí bách tới mức đường cùng, Thống không còn gì để nói. Hằn học bởi uất hận, vị Thượng tá đùng đùng bước ra khỏi phòng cùng cấp dưới. Giờ thì đã không còn bóng áo xanh lá nào nữa. Căn phòng cũng vì thế mà sặc sụa những câu từ đáng nguyền rủa hơn.
"Nạn nhân không đội mũ bảo hiểm là do lỗi bản thân tự chuốc lấy. Vậy thì ta càng phải làm cho cái lỗi lầm ấy trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Càng là tính quyết định của sự sống còn trong vụ tai nạn ngày hôm nay."
Hai tay khoanh trước ngực lúc trầm ngâm suy nghĩ, Hà vô thức bặm môi. Và rồi sau khi đó, con bé bỗng nhiên cất chất giọng lạnh như băng: "Nếu chỉ là quên đội thì không có gì tệ hại lắm."
"Đúng vậy." Ông Chính đồng ý với đứa trẻ. "Phải là một lý do gì đó... mà càng có thể chứng minh con bé đấy coi thường pháp luật lẫn mạng sống chính mình."
Trong tích tắc, Hà đã nảy ra một ý cực kỳ thông minh.
Bởi vì tay con bé che ngay mồm nên không ai thấy được nụ cười đắc ý đó ngoài loài sáo tôi. Thật bỉ ổi. Thật trơ trẽn. Đến tôi cũng mắng con bé thậm tệ. Bởi lẽ, Hà không tiếc mọi thủ đoạn nào để thành công cái điều nó muốn. Bất chấp mọi thứ, kể cả giá trị lương tâm hay dối gạt tất cả kẻ khác. Nó muốn mọi người mù lòa và ngu ngốc. Thẳm sâu linh hồn con bé, bóng tối đã chiếm lĩnh sẵn. Cứ như vậy, không biết tự bao giờ sinh ra rồi nuốt chửng hết nhân tính. Và đứa trẻ của tôi thật tự tin, ngẩng cao đầu, rồi lên giọng thách thức: "Chuyện này cứ để cháu vậy."
Nó nhất định sẽ làm tốt. "Bác Đăng cứ yên tâm." Con bé an ủi ông Đăng.
Bấy giờ, hai người đàn ông tuy không thể đọc được suy nghĩ nhưng lại cùng nhau trở nên tin tưởng. Tuy chẳng ai nói với ai câu nào, đều im lặng, vậy mà trong cả hai ánh mắt hướng về Hà đều không hề có sự nghi vấn nào hiện ra. Sau đó, họ thở phào với bản thân khi nhìn theo từng bước chân con bé chậm rãi, thản nhiên đi về phía cửa rồi rời khỏi phòng. Khuôn mặt vô cảm của nó lãnh đạm, như chẳng có bất kỳ chuyện gì nhọc lòng. Cứ như thế, Hà lơ đãng trông thấy bình minh đẹp đẽ vừa hay đã khởi sắc. Trời sáng rồi, ánh nắng lại đến. Bắt đầu một ngày nhàm chán thường lệ, đầu tiên nên xuống khu phòng lạnh lẽo để thực hiện cuộc gọi quan trọng ngay. Dẫu vậy, từng bước chân Hà nhẹ nhõm, bình lặng và không có gì gấp gáp. Nó đi với cái cổ ngẩng cao kiêu ngạo, hai tay đút vào túi áo ung dung. Cứ thế hướng về phía trước, Hà phủi bỏ cái chết nặng nề vậy mà thật lẹ làng, nhanh chóng. Điệu bộ nhàn nhã đó của con bé giống như giọng dịu dàng sáo tôi đang hót vang. Ắt hẳn đâu cảm thấy gì dồn dập vồ vã? Dẫu những con người kia vừa rồi lo lắng, sợ hãi đến mức nhàu nát cả tinh thần lẫn nhân tâm.
Sao phải nặng nề? Tôi không hề có ý gửi gắm chút nhọc nhằn vào bất kỳ thanh âm nào đang phát ra cả. Vì có gì mà phải lo lắng? Chỉ cần một chữ ký thôi là mọi chuyện sẽ yên đẹp. Nên, dáng bộ Hà bình thản, giọng hót tôi êm ả, đều là chuyện hiển nhiên.
"Vâng là cháu, Hà đây ạ."
Phòng này lúc nào cũng lạnh nhỉ. Cô gái kia nên mang thêm nhiều chăn bông khi phải chuyển xuống đây.
"Đúng là đã lâu không gặp thật, bác sĩ Trọng."
Hà đã không gặp bố ruột của Sơn tận ba năm.
Đúng như đã hẹn, tôi đến cửa hàng vào sáng ngày hôm sau. Lúc này, trong lòng nơm nớp lo sợ lắm. Bởi lẽ đây là lần phỏng vấn đầu tiên của tôi. Không biết sẽ diễn ra thế nào nhỉ? Có khó không? Hôm qua, khi đọc trên mạng thấy có rất nhiều người khuyên nên mặc quần áo chỉn chu, thậm chí là tới thật sớm. Nhưng, có lẽ vì hồi hộp quá mà không ngủ được nên tôi đã đến trễ. Tới lúc thức dậy mới hoảng hồn vội vàng chạy. Còn quên mất bữa sáng. May thay, đêm qua chị hai không về nhà nên mình chỉ cần ăn nhanh hai ba lát bánh mì là xong. Sau đó, tôi liền phóng xe như bay tới cửa hàng. Suýt soát, vừa khít. Tôi đến trước cửa mà mồ hôi đổ rũ rượi. Thời tiết hôm nay thật nóng. Mới sáng đã nóng thế này... không biết đến trưa sẽ bị thiêu cháy đến mức nào nữa? May là chỗ này có máy lạnh, tôi mừng thầm. Thôi, không nghĩ nhiều nữa, liền bèn bước vào bên trong. Bấy giờ, buổi sáng nên cửa hàng vắng khách. Từ trong ra ngoài chỉ có một bạn nhân viên nữ đang xếp những gói đồ ăn vặt lên kệ. Tôi nên làm gì bây giờ? Thật bối rối. Nghĩ qua nghĩ lại cũng không được ích lợi gì, thôi đành tiến đến chỗ cô bạn ấy từ phía sau. Thoạt nhìn, cô ấy có vóc dáng thanh mảnh. Mái tóc đen dài trải theo dáng lưng được cột cao lên. Bộ đồng phục nhân viên trên cơ thể cô bạn gái, là màu đen phối với phần cầu vai là xanh nước biển cả cái mũ đen cũng có. Khi ấy, tôi vừa quan sát vừa nghĩ thầm... có lẽ sau này mình cũng trông thế này chăng?
"Bạn gì ơi?"
Nghe tiếng gọi, cô ấy liền quay người lại. Tôi chú ý đến bảng tên trên ngực áo đầu tiên, Mỹ Duyên, rồi mới nhìn vào mặt người phía trước. Điểm đáng chú ý nhất của Duyên là đôi mắt mở to lấp lánh. Tuy nhiên, tôi bất chợt nhận ra tất cả điểm đẹp đẽ trên khuôn mặt cô ấy đều là do trang điểm. Lý do tôi biết được là vì mẹ luôn là người phụ nữ lộng lẫy nhất trên đời. Hai mắt Duyên to tròn và lấp lánh là nhờ có lớp kính áp tròng. Hàng lông mi còn được chải chuốt cẩn thận. Cả da cũng đã đánh phấn. Duyên có lớp son màu hồng nhạt, khiến môi mình bóng bẩy. Dường như, không có điểm nào trên khuôn mặt Duyên là không được trang điểm kỹ càng.
"Cậu tìm gì?"
Giọng nói có chút gắt gỏng của Duyên bỗng vang lên.
"À ờm..." Phải mất vài giây ngưng đọng thì tôi mới thôi soi xét những điểm trên khuôn mặt Duyên. Không phải là cố ý nhưng nó cứ như là tờ đáp án được phô bày trước mặt, mắt không thể ngừng nhìn. "Tớ... hôm nay đến đây có buổi phỏng vấn."
Ngay lập tức, cô ấy đáp lại, "À. Anh Thoại có nói với tôi rồi. Cậu gõ cửa bên kia. Nghe tiếng trả lời thì đi vào đó nhá. Tôi còn phải trông cửa hàng."
Nói rồi Duyên chỉ tay vào một cánh cửa màu xanh đậm ở cuối dãy. Sau đó, cô ấy lạnh lùng quay trở lại tiếp tục công việc của mình. Ờm... Thôi thì nào mình đi vào nào. Bước thì không sao nhưng khi đưa tay lên gõ cửa thì tim tôi muốn nhảy ra ngoài luôn. Rất nhanh đã có giọng nói từ phía bên kia đáp lại. Cứ thế, tôi liền mạnh dạn đẩy cửa bước vào. Văn phòng là một căn phòng hình vuông, tương đối nhỏ, đặt một cái bàn ở giữa. Xung quanh là tủ đựng hồ sơ và một dãy các ô cửa khóa làm bằng sắt. Hình như, người ở trước mặt lúc này chính là anh Thoại. Khá hồi hộp, tôi liền vừa cúi đầu vừa bước vào. Mặt anh Thoại trông hơi ngái ngủ, mà đây là một trong những lần rất hiếm hoi tôi gặp một người đàn ông có đôi môi mỏng. Tóc Thoại cắt ngắn và hớt cao cũng như bao thanh niên bình thường khác. Tuy vậy, có gì đó ở Thoại khiến tôi càng nhìn càng thấy hơi kỳ quái. Có thể là đôi môi, cũng có thể là đôi mắt anh nhìn chằm chằm vào mình. Ở đó, đôi lông mày tự động nhíu lại, mà trán cũng có rất nhiều nếp nhăn.
"Em là Duy Phương hả?" Anh Thoại vẫn ngồi trên ghế với hai tay khoanh lại với nhau và cằm thì hơi hất lên cao.
"Vâng ạ." Tôi liền trả lời ngay lập tức. Liếc thấy tập hồ sơ trên bàn chắc có lẽ của mình. "Em... hôm nay có buổi phỏng vấn ạ. Anh là anh Thoại đúng không?"
Thoại gật đầu, "Em ngồi đi."
Cái ghế trước mặt nó nhỏ quá. Chết rồi. Tôi không thể ngồi một cách đàng hoàng lên cái ghế này được. Nó khá nhỏ so với cỡ người của tôi. Mà, hóa ra ở đây cái gì cũng bé dữ. Cả anh Thoại trông thật gầy gò, ốm yếu. Tôi cứ như người khổng lồ ngồi xuống cái ghế tí hon trong câu chuyện cổ tích hồi bé mà mẹ đã kể. Thật sự không thể vừa vặn.
"Anh không nghĩ là em cao đến thế này." Anh Thoại nói làm tôi ngượng hết cả mặt. Lúc ghi hồ sơ mình đã không nghĩ đến việc phải ghi cả chiều cao vào. Chẳng biết đáp lời thế nào, tôi bèn ái ngại cười trừ:
"Nhà em ai cũng cao ạ." Đâu có đâu, chị hai chỉ cỡ trung bình thôi.
Không cần nhìn đến hồ sơ, Thoại hỏi tôi. "Vậy em quyết định muốn làm công việc này hả?"
Dẫu hơi quái lạ nhưng mình vẫn tự nhiên gật đầu.
"Có hơi xa nhà một chút đấy. Em nghĩ kỹ chưa?" Những ngón tay này của Thoại nhịp đều trên bắp tay kia.
"Không sao ạ. Trường của em gần đây. Em định là sau khi tan trường sẽ đi làm. Như thế thì tiện hơn." Tôi vui vẻ nói.
Đến đây, anh Thoại cũng tỏ ra thoải mái. Lúc này liền ngồi thẳng người dậy, mà hai mắt lại mở to hướng về phía tôi: "Vậy cũng tốt. Chỗ anh đang cần người có chiều cao như em. Vì công việc nhiều lúc phải bốc hàng, xếp lên kệ... Ưu tiên các bạn nam có thể lực tốt."
Có lẽ vì câu nói này mà bây giờ tôi đã cảm thấy an tâm. Nghĩ cũng hợp lý. Trong cửa hàng hiện tại chỉ có mình Duyên. Những lúc khuân hàng nặng nhọc hay cần với tới chỗ cao chắc chắn sẽ vô cùng bất tiện. Nên để con trai làm thì hay hơn. Vì thế, bây giờ, tôi lập tức vui vẻ, mà thoải mái ngồi rung chân. Anh Thoại cứ nhìn hết mình từ trên xuống dưới một lượt lặp lại mấy lần. Có thể vì chưa bao giờ nhìn thấy ai cao như thế này. Tôi khá kiêu ngạo vì chiều cao của mình, nói thật đấy, bởi lẽ đó là một lợi thế đặc biệt vô cùng.
"À nhưng mà hiện tại, anh chưa thể chuẩn bị đồng phục vừa với em gấp được. Em cứ mặc áo thun màu trắng như hôm nay nhé. Ba bốn ngày nữa sẽ có đồ mới."
Tôi gật đầu dù lòng hơi hoang mang. Thế là được nhận rồi sao? Gì nhanh vậy?
"Em được nhận rồi ạ?" Vì quá khó hiểu nên tôi buột miệng hỏi.
Ngay tức thì anh Thoại gật đầu, "Đúng rồi. Em muốn bắt đầu khi nào? Ngay hôm nay hay ngày mai?"
"À thế hôm nay cũng được ạ." Mọi thứ thuận lợi quá khiến tôi chưa bắt kịp nhịp độ. Tuy vậy cũng vui, đã đậu phỏng vấn thì càng vui, có việc thì hứng khởi là phải. Tiện thể, hôm nay chắc có lẽ chị hai sẽ rất bận nên không cần phải về nhà sớm.
Bấy giờ, anh Thoại bỗng nhiên đứng dậy, rồi với tay lấy một tập hồ sơ đang nằm ngổn ngang trên kệ:
"Đây là hợp đồng. Em đem về mà đọc. Ở đó ghi rõ tiền lương, luật lệ hay trợ cấp..." Anh đưa nó cho tôi. "Đọc xong rồi ký vào. Ngoài hôm nay thì em còn làm được bữa nào nữa?"
"Ngày mai là thứ ba..." Tôi chậm rãi vừa nói vừa tính. "Rồi từ thứ năm đến chủ nhật ạ."
"Thứ tư không được à?" Anh Thoại hỏi.
Rất lẹ làng, tôi trả lời liền, "Thứ tư em phải về nhà ăn tối với mẹ. Em đã hứa nên không nuốt lời được."
Đến đây, anh ấy gật đầu. Sau đó, Thoại tiếp tục giải thích cho tôi về cái chuyện hợp đồng: "Vậy thứ năm em đưa lại cho anh hợp đồng nhé. Với lại, đưa cho anh thẻ học sinh để in ra. Cuối giờ, anh đưa lại được chứ?"
"Dạ được." Dĩ nhiên, tôi đồng ý. "Mà hôm nay em làm tới mấy giờ ạ?"
"À hôm nay, em làm 3 tiếng nhé. Là tới một giờ trưa. Được chứ?"
Tôi liền gật đầu. Kế đó, anh Thoại bảo mình để lại cặp sách vào ô tủ khóa. Ở phần chuôi của mỗi cái chìa đều dính với một cái buộc tóc, đeo vào tay rất tiện. Lúc này, tôi liền nhanh chóng bỏ túi vào trong rồi rút chìa, đeo ngay vào tay. Sau đó liền đi với anh Thoại trở ra bên ngoài. Bấy giờ, Duyên không còn xếp những bịch đồ ăn lên kệ nữa mà đang đứng ở quầy tính tiền. Chúng tôi được anh Thoại giới thiệu với nhau lại một lần nữa.
"Đây là Mỹ Duyên, bạn ấy sẽ hướng dẫn cho em các việc hàng ngày ở cửa hàng." Rồi anh quay sang Duyên. "Đây là Duy Phương. Sẽ bắt đầu làm việc từ hôm nay."
"Em biết rồi." Duyên đáp gọn ghẽ.
Bỗng nhiên, tôi thấy chột dạ. Đó là khi anh Thoại bỏ đi trở lại vào phòng với chiếc thẻ sinh viên mà mình mới đưa và Duyên liếc theo, y như lưỡi dao bén ngót. Tôi không hiểu, nhưng khóe mắt cô ấy cũng tự dưng xuất hiện vài nếp nhăn. Sau đó, Duyên ngước lên nhìn tôi, lại rất bất ngờ mà chuyển hóa thành nụ cười tươi tắn.
"Nè. Bộ ông không nhớ tôi hả?"
Lúc này, tôi hơi ngớ người ra. Chúng mình đã từng gặp nhau sao? Tôi không nhớ. Thế là cứ đứng ngây ngốc ra nhìn Duyên, cho đến khi cô ấy đánh lên bắp tay mình.
"Đúng là không nhớ. Ông còn nhớ Chi chứ? Cái đứa mà ông cứu nó lúc nó tự sát đó."
À! Tôi ồ rộ lên một tiếng. Giờ thì nhớ ra rồi. Duyên chính là cô gái đã cùng bị bắt nạt ngày hôm ấy ở sân thượng. Hiện tại, cô ấy thật khác với lúc đó. Hồi đó Duyên trông kiều diễm hơn nhiều, nên tôi không nhận ra. Nhưng, giờ thì tôi nhớ ra rồi. Và cũng nhớ rằng Duyên đã từng chửi rủa Chi nên đi chết đi. Ngay lúc đó, nếu Chi tự sát thì chính là do Duyên chứ không ai.
"Có vậy mà cũng không nhớ nữa hả?" Duyên trề môi. "Ông còn nói chuyện với nó không? Tôi sau hôm ấy giận nó lắm. Tới giờ luôn. Tại nó mà tôi bị hành hạ như vậy. Còn vỡ cả mấy cái đồ trang điểm trong cặp."
Trong lúc cô ấy tiếp tục nói thao thao thì tôi lại nhớ ra, Duyên và Chi từng là bạn thân. Đúng nhỉ? Vì lý do đó mà họ mới bị bắt nạt cùng nhau. Thậm chí đến bây giờ, Duyên vẫn đang đổ tội cho cô bạn thân của mình. Mà, tôi thấy giọng nói của cô ấy toàn sự chì chiết. Rồi đôi mắt to tròn giả tạo kia lấp lánh nhìn tôi:
"Ông tên gì quên rồi? Duy Phương? Cái gì Duy Phương cơ?"
"Ờm... Tôi họ Ph-"
Bất ngờ cắt ngang lời tôi là âm thanh từ bản tin thời sự buổi sáng từ chiếc tivi được gắn trên tường. Và nó cũng làm mình thót tim lo lắng, bởi lẽ người vừa được nhắc đến chính là ba. "Thủ tướng phê chuẩn ông Phạm Duy Tấn giữ chức Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Nguyễn Tất Thành, nhiệm kỳ thứ 2..." Bấy giờ, cả Duyên và tôi đều nhìn lên hướng màn hình sáng. Ba ở đó, như thường ngày vẫn nhìn thấy với bộ âu phục chỉnh chu, khuôn mặt lạnh lùng. Cứ như thế, tôi nhớ lại rằng bản thân phải giữ bí mật thế nào về chuyện mình là con của ông. Duyên đâu có biết vị chủ tịch mà cô ấy cả đời hiếm hoi được gặp thì lại ở rất gần đâu.
"Ầy." Duyên buông một tiếng thở dài rồi bấm nút tắt tiếng trên cái điều khiển. "Đâu? Ông tên đầy đủ là gì?" Cô ấy quay đầu lại với tôi.
"À... Bạn làm ở đây được bao lâu rồi?" Hoảng thế nào tôi lại đánh trống lảng đi.
"Cũng được sáu tháng..." Duyên lẩm nhẩm tính. "Trước đây hồi học cấp ba, tui cũng có làm rồi nên thạo việc lắm. Có gì không hiểu cứ hỏi."
Đáp lại, tôi liền gật đầu, "Tất nhiên rồi. Đây là lần đầu tiên tôi đi làm đó."
Đến đây đột nhiên Duyên lại liếc mắt nhìn tôi. Cái liếc của cô bạn này rất lạ thường. Mà tôi thì không hiểu nổi. Bộ có gì kỳ quái ở trên mặt mình sao? Không thể hiểu nổi. Ở nhà, chị hai đôi lúc cũng liếc mắt với tôi như vậy nhưng luôn có lý do. Và những ánh nhìn đó của chị thật hờ hững, lạnh buốt như băng. Ngược lại, ở Duyên, tôi cảm nhận được sự sắc bén. Có chút nóng nảy, vì hai bên cánh mũi cô ấy hơi nhăn lại. Dù vậy, mọi thứ chỉ diễn ra trong phút chốc. Sau đó, Duyên chậm rãi nói với tôi:
"Cái hợp đồng đó, ông về nhà phải xem kỹ vào." Giọng cô ấy không ngữ điệu. Nhưng lại cảm giác rất bực bội. "Ở đây có nhiều quy định lắm đó."
Tôi giật mình đáp lại, "Thế á? Thế có được phụ cấp hay thưởng gì không?"
Ủa tôi nói gì sai sao? Mặt Duyên lại đột nhiên chưng hửng ra rồi nhăn nhúm lại. Nè, nhăn nhiều làm mặt bị già đi đó... Tôi nghĩ thầm, nếu cô ấy quan tâm đến vẻ ngoài vậy thì đừng nhăn mặt nữa. Cuối cùng, sau cái bĩu môi, Duyên lại thở dài. Và rồi, cô ấy lần nữa dùng chất giọng tuy không ngữ điệu nhưng lại cọc cằn bảo với tôi:
"Không. Làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Còn cuối năm chắc có thưởng cho vui." Gì mà chán thế? "À nhưng mà có cái lợi..."
"Ể? Lợi gì thế?" Tôi reo lên. Đừng để mừng hụt nha.
Bấy giờ, Duyên chỉ tay vào hàng để những hộp đồ ăn hoặc bánh đã chuẩn bị sẵn. Cửa hàng tiện lợi nào cũng có một kệ to như vậy, chất đầy những hộp cơm đủ loại hoặc cơm nắm... kiểu giống trong mấy bộ phim Hàn hoặc Nhật Bản. Tôi thì chưa ăn thử những thứ đó bao giờ.
"Mấy cái đồ hết hạn thì ông có thể lấy về mà ăn. Chỉ cần là quá đát thì lấy bao nhiêu cũng được." Thật à? "Ví dụ như, cái hộp cơm ghi là 0 giờ ngày 12 hết hạn đi, thì cỡ 0 giờ 5 phút ông mở ra ăn là được miễn phí rồi."
"Ồ. Mấy cái đồ khác cũng vậy luôn hả?" Gì hay thế? Đúng là tiện lợi mà. Thế là đỡ lãng phí rồi.
Duyên gật gật đầu, "Ừa nhưng mà mấy cái khác hạn nó lâu lắm."
Lâu thì hề gì? Hà hà, cứ làm thôi. Khi nào hết thì mình lấy ăn. Một lúc nào đó tôi sẽ thử hết tất cả mọi thứ ờ đây. Cơ mà đợi làm gì, tôi cũng có tiền để mua những thứ mình thích mà. Cứ ăn thử những thứ bắt mắt đã... Cái gì miễn phí thì tất nhiên cũng lấy nốt. Vui quá trời. Tiện thế! Đi làm vừa có tiền vừa có đồ ăn. Mình thật sự rất hứng khởi. Phải gọi là hí ha hí hửng. Được ra ngoài hít thở không khí, cửa hàng cũng đủ việc để tôi chạy qua chạy lại đỡ buồn chán. Bớt nhàm hơn khi phải ở nhà bó buộc suốt ngày. Sao không ai kể cho tôi nghe là đi làm rất là vui nhở? Hay ho đến thế này cơ mà.
Biết thế tôi đã đi làm sớm hơn.