Thằng Xí
Lâm Gia Thái Bảo
---
Ẩn hiện trong những khu rừng cây âm u, quanh năm chẳng ra nổi một trái ngọt và vùng núi Xà Bàng là những căn nhà lá của người dân làng Trạm Phèn, nhà có trước hay cây um tùm trước chẳng ai biết được, đứng từ ngoài nhìn vào lâu lâu chỉ thấy những cụm khói bốc lên. Người từ xa đến hoặc chẳng may đi lạc cứ tưởng khu nhà này cho ma quỷ ẩn thân chứ không phải con người ở. Nhà của Hai Sung là một căn nhà lá ọp ẹp nằm kẹp bên con đường đất đỏ gồ ghề, nhà lão chỉ có hai nhân khẩu là lão và vợ lão, bà Hai Diệu, hay còn gọi là bà Hai Trời Đánh. Nghe đâu ngày trước bà Hai lên khu vực sườn núi Tây Bắc thì bị sét đánh, bà thoát chết nhưng từ đó về sau cứ điên điên khùng khùng, cái tên bà Hai Trời Đánh cũng từ đó mà ra.
Đã ba ngày rồi nhưng Hai Sung vẫn chưa về, bà Hai Trời Đánh cũng bắt đầu thấy lo. Thật ra, cũng đã có lần Hai Sung đi đâu đó không về, nhưng cùng lắm là hai ngày, khi về rồi mới biết thì ra lão đi coi đá gà bị công an rượt bắt, hoặc có lần khác thì đi nhậu say bét say bè, lúc về té xuống một cái hang rồi nằm ngủ ở đó luôn. Bà Hai Trời Đánh từ lâu đã không quan tâm đến việc chồng mình đi đâu, làm cái gì, chuyện mất tích một hai ngày là bình thường với bà, nhưng đến ngày thứ ba thì bà bắt đầu lo. Đến tối ngày thứ ba, Bà Hai Trời đánh bắt cái ghế đẩu ra ngồi trước hàng ba, ánh mắt nhìn dáo dác về phía con đường mòn đất đỏ, bà nghĩ bụng nếu đến sáng mai mà lão Hai Sung vẫn chưa về thì sẽ lên trình báo với công an xã.
Bà Hai Trời Đánh ngồi vắt một chân lên ghế đẩu, tay còn lại cầm cây quạt phe phẩy, trời hôm nay chẳng hiểu sao lại nực nội hơn thường ngày, không khí oi bức cộng với việc lão chồng biệt tích càng làm bà Hai thêm bực mình. Cây đèn cầy trong nhà quá yếu ớt, ánh sáng không thể nào rọi hết được cái hàng ba, nhưng do sống ở đây đã lâu nên bà Hai Trời Đánh cũng hình cảm nhận được nếu có ai đó đi lại trong nhà mình. Đang ngồi, đột nhiên bà Hai nghe tiếng sột soạt ở cái vách nhà bên trái, bà giật mình, chẳng hiểu sao da gà nổi lên, đúng lúc ấy một cơn gió lạnh ngắt lại thổi ngang, cả thân thể bà Hai như ngâm trong thao nước đá. Bà Hai mấp máy gọi: “Ai đó? Ông đó hả? Về rồi… Về rồi sao không vô nhà đi mà ở ngoài đó chi?”
Không có tiếng trả lời. Bà Hai Trời Đánh đứng dậy, chân khua vụng về như thế nào đó làm ngã cái ghế đẩu sang một bên, đánh “rầm” một cái làm da gà da vịt bà Hai nổi lên như rạ, chỉ muốn nhảy dựng lên rồi bỏ chạy. Bà liên tục gọi tên chồng mình trong vô vọng trong khi đáp lại bà chỉ là tiếng gió rít qua hàng cây xào xạc, không gian bên ngoài như đổ mực Tàu, đen một màu ma quái chứ chẳng thấy gì khác. Đột nhiên, sau lưng bà Hai vang lên tiếng động như có con chim gì đó vừa đậu lại, bà Hai lấy hết can đảm quay đầu nhìn thì hoảng hồn phải nhảy về sau rồi té luôn xuống hàng ba. Chồng bà Hai đã về, chính xác hơn là cái đầu của ông Hai Sung đã về!
Ông “Hai Sung” đứng trước mặt bà Hai Trời Đánh lúc này đã hóa thành một con cú! Không, nói vậy không đúng lắm, cái đầu của Hai Sung như được kết dính với thân thể con cú bằng phương pháp gì đó, thân thể con cú quá nhỏ so với cái đầu này cho nên từ cần cổ trở lên cái đầu bị ngoặc sang một bên, ngũ quan trên khuôn mặt vì thế cũng méo mó theo, trông con cú lúc này giống như tạo vật từ mười chín tầng địa ngục về bắt hồn bà Hai chứ chẳng phải là đức ông chồng của bà nữa. Khỏi nói cũng biết, ba hồn chín vía bà Hai lên mây cả, chưa dừng lại ở đó, con cú sau khi đậu xuống hàng ba thì bắt đầu dang cánh đập loạn xạ làm bụi đất đỏ bay lên mù mịt, vừa đập cánh nó nói như quát vào mặt bà Hai: “Tuấn Ngọn lừa tao! Tuấn Ngọng lừa tao! Cú! Cú!”
Bà Hai Trời Đánh tất nhiên chẳng thể nghe được những lời đó, tai bà cứ ù ù, tim bà đập như trống trận, tứ chi giống như đã đứt lìa khỏi cơ thể, cả khuôn mặt nóng ran lên vì sợ. Bà dùng hết sức bình sinh đứng bật dậy rồi chạy về hướng đồn công an xã. Cả khu làng Trạm Phèn chìm trong tĩnh lặng đột nhiên bị tiếng la thất thanh của bà Hai Trời Đánh đánh thức. Khi bà đến trình báo với công an thì bà đã quá hoảng sợ, nói tiếng được tiếng không, bà Hai Trời Đánh lại mang tiếng điên điên khùng khùng nên chẳng ai tin bà cả. Câu chuyện của Hai Sung cũng chìm xuống dần dần, chẳng ai thấy con cú mặt người đó hay Hai Sung trở lại làng Trạm Phèn nữa.
-0-
Xí là thằng đầu đường xó chợ, xã nào cũng có một thằng như thế, nó đi lang thang cùng làng cuối xóm, ai nhờ làm gì thì làm, làm xong muốn trả nhiêu trả. Xí đến làng Trạm Phèn lúc nào chẳng ai biết, người qua kẻ lại trong cái xã nhỏ xíu này thật ra không nhiều, nhưng vì thằng Xí lúc nào cũng dơ bẩn, bốc ra mùi như cả trăm con chuột chết nên chẳng ai đến gần để mà hỏi, người ta giao việc cho nó rồi cũng bỏ đi chỗ khác để nó tự làm. Đa số những lần nó được trả tiền nó đều đi mua thuốc lá và rượu đế, sau đó nó về căn chòi lụp xụp của mình chìm trong men rượu và khói thuốc cho đến khi ngất đi vì cơn say thì thôi. Cho đến một ngày, do rượu chè không tới, nó chẳng thể ngủ được nên đi phá làng phá xóm.
Số là cạnh căn chòi của Xí, cách khoảng năm mươi thước, có nhà của một hộ giàu trong vùng, ông Tư Điền. Con gái ông Tư Điền tên là Quỳnh Hương, đẹp như bước từ trong tranh bước ra, tóc Quỳnh Hương dài, óng mượt, mắt to, long lanh như mặt hồ phẳng lặng đêm trăng rằm, cả người cô gái lại tỏa ra mùi thơm như cả khu vườn hoa thơm bướm lượn. Khỏi phải nói cũng biết, trai tráng trong làng ai cũng chết mê chết mệt Quỳnh Hương, Xí cũng không ngoại lệ. Xí biết thân biết phận, chỉ dám ngắm nhìn Quỳnh Hương từ xa, đó là lúc nó không có men trong người, đến khi cửng cửng, lại đang mang cơn bực mình vì không còn rượu để uống, nó liền tìm đến nhà Tư Điền. Hôm đó, Quỳnh Hương ở nhà một mình.
Nhà Tư Điền mặc dù kín cổng cao tường nhưng vì được bao quanh bởi ruộng đồng cho nên có những chỗ có thể leo vào được. Xí mặc áo sơ mi trắng đã ố vàng, quần Tây lủng lỗ chỗ, chân đi dép tông tìm đến Quỳnh Hương. Nó đi khảo sát hết một vòng thì thấy Quỳnh Hương đang giặt đồ ở sàn nước sau nhà, cô gái mặc đồ bộ, thả rông phía trước, nhìn thấy cặp nhũ hoa trắng nõn lại làm thú tính trong người Xí trỗi dậy như vòi rồng phun trào. Xí len lén phía bên hàng rào, chỗ ấy gần một cây mận cho nên chỉ cần leo lên cây mận là phóng vào nhà được. Ai ngờ vừa leo lên cây mận nhìn vào bên trong thì nó thấy phía sau lưng Quỳnh Hương có một con mèo đen, Xí tá hỏa khi con mèo đen quay người lại, chỗ đáng lẽ là mặt mèo thì có một khuôn mặt người, là khuôn mặt của Tư Điền. Xí chới với suýt ngã, dù là đầu đường xó chợ nhưng Xí cũng có chút trí khôn, nó biết con mèo này chẳng phải điềm lành, định bụng nhảy vào trong ứng cứu Quỳnh Hương.
“Bịch.”
Tiếng chân tiếp đất của Xí đã đánh động Quỳnh Hương, cô gái quay lại, thấy thân hình dơ bẩn, lại bốc ra mùi rượu nồng nặc của Xí thì la lên thất thanh. Xí bước đi loạng choạng, cú phóng lúc nãy hình như đã làm cơn say ngày một tệ hơn, trước mặt Xí hình bóng của Quỳnh Hương đang nhòe dần nhòe dần, phía sau Quỳnh Hương là con mèo đen mặt người đang chờ chực nhảy bổ tới. Xí đưa hai tay về trước, mười ngón tay bóp bóp vào không khí, nhắm thẳng hướng Quỳnh Hương mà xông tới. Quỳnh Hương tất nhiên chẳng biết chuyện con mèo cho nên cô tưởng Xí đang có ý đồ đen tối với mình, cô lại hét lên, né cú chụp đó của Xí rồi chạy ra nhà trước. Xí vừa nhảy bổ tới thì con mèo liền phóng lên hàng rào rồi chạy mất dạng trong đồng ruộng bỏ lại Xí đang kêu lên ú ớ.
Quỳnh Hương chạy ra trước cổng, lúc ấy lại có một thanh niên khác tên là Khải đi ngang, cô gái kêu cứu thì Khải liền xông vào đánh cho Xí một trận rồi mới lôi lên đồn công an, chẳng thèm hỏi han xem sự việc đầu đuôi ra sao. Cũng dễ hiểu, thằng như Xí mà vào nhà Quỳnh Hương giờ phút này thì cũng chẳng ai thèm tìm hiểu làm gì. Rốt cuộc, Xí phải ở khám đập muỗi ba đêm, nhưng vì Tư Điền cũng không phải là dạng cường hào ác bá, cũng thông cảm cho tên lang băm này nên nói giúp nó vài câu. Xí được thả ra nhưng với điều kiện nó không được sống gần nhà Tư Điền nữa mà phải dời ra hạ nguồn sông Nhu Lợi, con sông cắt ngang xã Trạm Phèn mà sống.
Hạ nguồn sông Nhu Lợi là cái tên mỹ miều của người dân Trạm Phèn, hòng nói giảm nói tránh, chứ thật ra bãi nước này có tên là bãi “Ma Về”. Bãi Ma Về nằm ở cuối xã, men theo con sông Nhu Lợi sẽ đến một con đường kỳ lạ, đi hết con đường này sẽ đến bãi nước. Con đường dẫn vào bãi hai bên là hai hàng tre xanh rì, những tưởng bước vào sẽ cảm thấy vô cùng mát mẻ nhưng không, khi bước vào chẳng hiểu sao rặng tre bên trên lại biến thành màu đen, còn tỏa ra một làn khói rất mỏng. Con đường bên dưới được hàng tre dày đặc che đi gần hết nắng mưa thế nhưng lúc nào cũng ẩm ướt, trơn trượt.
Việc đưa Xí về đây chẳng khác nào việc người dân đang muốn đuổi cổ cái của nợ của xã hội, vì sự tồn tại của cái thằng sáng say chiều xỉn như Xí lúc nào cũng dấy lên một nỗi lo nơm nớp cho họ. Chuyện Xí nhảy vô nhà Tư Điền giữa thanh thiên bạch nhật, nếu muốn nói người dân đang trông chờ nó xảy ra thì không phải, nhưng nói không họ nhẹ nhõm vì cuối cùng Xí cũng hành đồng ngu ngốc như thế là sai. Tống cổ được Xí ra khỏi xã, người dân Trạm Phèn đã trút bỏ được cái gánh nặng to lớn nhất, giờ họ đã có thể yên tâm mà sống, cuộc sống chưa bao giờ đẹp hơn như thế, thậm chí có vài nhà còn mở sòng nhậu để ăn mừng.
Đối với Xí thì hoàn toàn ngược lại, nó ôm nỗi nhục quá lớn. Hôm đó, nó dọn đồ đạc chuẩn bị dời đến sống ở hạ nguồn sông Nhu Lợi thì nghe có giọng hai người đang lớn tiếng với nhau, quay lại thì thấy bà Hai Trời Đánh đang đứng cãi nhau với bà Ba Như, vợ của Tuấn Ngọng. Xí vốn cũng là dân nhiều chuyện nên đứng núp sau bụi cây mà lắng nghe, bà Hai Trời Đánh như muốn quỳ lại bà Ba Như: “Chị Ba ơi là chị Ba, chị làm ơn làm phước nghe em một lần đi, ông chồng em đêm nào cũng bay về nhà kiếm em, hai ba giờ sáng ổng đậu trên bậu cửa sổ kêu “Cú! Cú!” em không có ngủ được. Ổng đòi em qua đây đào mồ anh Tuấn lên ổng mới chịu kia kìa!”
Ba Như dễ gì chịu để người khác quật mồ chồng mình lên, hơn nữa lý do lại vô lý như vậy, thế nhưng từ sáng đến giờ Hai Trời Đánh cứ quỳ ở ngạch cửa năn nỉ, nước mắt nước mũi dàn dụa nên cũng có chút động lòng. Ban đầu, Ba Như còn lớn tiếng với Hai Trời Đánh, thế nhưng thấy phương cách ấy chẳng được nên đành xuống nước: “Hai ơi là Hai, mày coi, ông Tuấn nhà tao ổng chết thê chết thảm, mày còn không muốn cho ổng yên nghỉ hay sao mà còn đòi quật mồ ổng lên. Mày điên điên khùng khùng thì cũng vừa vừa thôi, chừa cho người khác với sao mà giành hết trơn hết ráo vậy?”
Hai Trời Đánh thấy quỳ không xong thì chuyển sang nằm xuống đất ăn vạ, khóc lóc hết sức thảm thiết: “Chị Ba ơi, em lạy chị, ông chồng em đi đâu ba ngày nay không thấy về, tự dưng có con cú mang bản mặt ổng bay về, em nói cỡ nào chị mới chịu tin em đây? Hay là, chị nghe em lần này thôi, ông Sung nhà em ổng nói không quật cái mả đó lên thì người tiếp theo là chị em mình đó. Chị không cho em nằm đây tới sáng mai sáng mốt luôn cho chị coi!”
Thằng Xí nãy giờ nghe không hiểu gì cả, tới đoạn con cú mặt người thì nó nhớ lại chuyện con mèo ở nhà Tư Điền lén la lén lút sau lưng Quỳnh Hương, nó khẽ rùng mình. Hai Trời Đánh nằm lăn lóc dưới chân Ba Như được một lúc, bỗng nhiên từ cành cây trên cao vọng xuống tiếng kêu làm cả ba người có mặt ở đó đều rợn gai ốc, là tiếng chim cú: “Cú! Cú! Cú!”
Cả ba lặp tức ngửa mặt lên, nhìn về hướng phát ra tiếng chim thì thấy chính xác là con cú mang khuôn mặt của Hai Sung đang đậu trên đó, nó đang đập cánh, cái đầu liên tục quay một trăm tám mươi độ. Thằng Xí vừa thấy con cú thì bao nhiêu ký ức trong căn nhà của Tư Điền ùa về, bất giác nó trượt chân rồi té sõng soài, chỗ ẩn nấp nghe lén cuộc nói chuyện của Ba Như và Hai Trời Đánh cũng bại lộ!
Ba Như và Hai Trời Đánh thấy thằng Xí thì không khỏi giật mình, thêm con cú ở trên cứ liên tục kêu lên như mười đời tổ tông nhà nó chết đến nơi, không gian rừng núi tĩnh lặng vì thế cũng bị xáo trộn, trở nên ma mị hơn bình thường. Thằng Xí vẫn không rời mắt khỏi con cú mặt Hai Sung trên kia, nó chạy lại chỗ của Ba Như và Hai Trời Đánh rồi bắt đầu giải trình về con mèo mặt người nó thấy trong nhà Tư Điền cho hai người bọn họ nghe. Đáng lẽ bình thường thì họ sẽ không tin, nhưng bằng chứng đang đậu sờ sờ trên cây như thế kia thì đường nào mà chối bỏ được. Ba Như nhìn sang Hai Trời Đánh thì thấy khuôn mặt bà Hai đầy vẻ van xin, trong phút chốc bèn đồng ý cho Hai Trời Đánh đào mả chồng mình lên, con cú nghe được vậy mới chịu bay đi. Hai Trời Đánh mới la toáng lên: “Đó! Đó! Chị Ba thấy chưa, em có dốc láo chị Ba làm gi?!”
Ba Như gật đầu lia lịa, đoạn nhìn sang thằng Xí, nói: “Mày nói mày cũng thấy con mèo mặt người đúng không? Nó không làm gì mày có khi mày được miễn nhiễm gì đó. Giờ mày đào cái mả lên cho tao!”
Xí liền khua tay liên hồi: “Thôi, thôi, tui không có làm đâu. Tự dưng kêu người ta đi đào mồ đào mả làm gì trời? Tui có liên quan gì đâu!”
Xí nói xong quay lưng bỏ đi, lúc ấy mới nghe tiếng bà Hai Trời Đánh: “Mày… Mày đào đi tao cho mày ba chục ngàn!” Xí nghe đến tiền thì từ từ quay đầu lại, ba chục ngàn không nhiều nhưng với thằng nghiện rượu như nó có thể mua ba lít rượu đế, tha hồ mà uống. Xí nghĩ tới chuyện đào mả cũng đâu có cực gì mấy, đào lên cho họ xong rồi bỏ đi, họ muốn làm gì kệ họ, nó có tiền mua rượu là được rồi. Nghĩ tới đó, nó mới khúm núm quay lại, đồng ý đào mả cho hai người đàn bà kia nhưng với điều kiện phải đưa tiền cho nó trước.
-0-
Tối đó, mười giờ, mây trên cao kéo đến rất nhiều, che đi chút ánh sáng còn sót lại của nửa vầng trăng vàng vọt, bên dưới có ba người đang đứng quanh một cái mả đất mới đắp lên vài hôm trước, mả của Tuấn Ngọng. Thằng Xí một tay cuốc, một tay xẻng, tay áo đã được xăng lên từ trước, chuẩn bị quật cái mả trong đêm khuya. Từ phía sườn núi phía Tây Bắc chẳng hiểu sao thổi về những trận gió ghê rợn, gió luồn qua kẽ quần áo của ba người làm da gà họ nổi lên như rạ, trời lạnh như thế nhưng chẳng hiểu sao hơi nóng cứ tỏa lên đầy mang tai. Bà Hai Trời Đánh liên tục thúc giục thằng Xí, nó nhìn vào cái mả đang bốc lên mùi sình non mà cũng có chút e dè, thế nhưng vừa nghĩ đến số rượu nó sẽ mua được thì bao nhiêu sợ sệt cũng tan theo đó. Nó nhổ nước miếng rồi bắt đầu đào, tiếng cuốc, tiếng xẻng vang lên “soạt soạt” hòa theo vũ điệu xào xạc của lá rừng, cảnh khu mả ma quái nhá nhem tối vì thế mà được nhân lên gấp bội.
Hai Trời Đánh lúc này mới nói với Ba Như: “Chị Ba, chị Ba nhảy xuống đây, đem theo cây đèn dầu luôn.”
Ba Như lúng túng: “Thôi, thôi. Mày muốn khám gì đó thì khám cho nhanh đi rồi đào đất lắp lại, kêu tao xuống đi làm chi?!”
Hai Trời Đánh cứ luôn miệng thúc giục Ba Như nhưng Ba Như dễ gì chịu, chuyện đào mồ quật mả rồi giở nắp quan ra ban đầu đều là lời Hai Trời Đánh van xin mà ra, Ba Như có hiểu vì sao Hai Trời Đánh lại làm vậy đâu. Ba Như có mặt ở đây cơ bản đã là tốt với hàng xóm láng giềng của mình lắm rồi, giờ có cho vàng cho bạc Ba Như cũng không xuống, nhất là trong cái không gian gió thổi lồng lộng, chó sủa ma, mèo kêu quỷ này. Hai Trời Đánh vẫn luôn miệng kêu Ba Như, đúng lúc ấy, một cơn gió mạnh, rất mạnh thổi xuống mộ huyệt làm tấm vải liệm che xác Tuấn Ngọng bị thổi tung lên, để lộ ra khuôn mặt bên trong. Không. Nói khuôn mặt là sai, xác của Tuấn Ngọn đang bắt đầu phân hủy, nhưng khuôn mặt đã biến mất. Chính xác là cặp mắt, lỗ mũi, cái miệng và hai lỗ tai giống như đã tan vào không khí, chỉ còn lại lớp da trơn nhẵn nổi đầy gân xanh!