Con đường vào Miếu Bà
Lâm Gia Thái Bảo
-----
Mười giờ năm phút tại nhà của Quỳnh Hương, ông Tư Điền, cha của Quỳnh Hương vẫn chưa về. Cô hết sức sốt ruột, cứ đi ra đi vào, mấy cái cây trước sân cô đã tưới không biết bao nhiêu lần, chủ yếu để giết thời gian, mỗi lần như thế thì cô lại nhìn về phía con đường mòn đất đỏ duy nhất cắt ngang xã, trông đợi một hình dáng quen thuộc, nhưng cha cô vẫn không thấy tăm hơi. Khải có vẻ thư giãn hơn, anh ngồi trên bộ ghế gỗ gọt mấy trái khế, được một dĩa đầy thì đem ra trước, Quỳnh Hương lúc nãy đã ngồi phịch xuống bậc tam cấp, không trở vô nhà nữa. Khải chấm một miếng khế mọng nước đưa cho Quỳnh Hương, cố gắng an ủi cô: “Chắc chú Tư đi tới xóm giữa rồi bị lôi vô nhậu chứ gì, ông Ba cũng dạng hũ hèm, hôm nay trời lại mát mẻ, ngồi làm vài cốc rượu trắng là hết sẩy.”
Quỳnh Hương cho rằng Khải nói cũng đúng, cha cô đúng là nhiều lần bị ông Ba xóm giữa rủ nhậu tới khuya mới về, điều làm cô lo âu chính là cảm giác bất an khó hiểu đang dâng lên trong lòng. Cô nhận miếng khế mà Khải đang dùng tay nhấc lên nhấc xuống đầy mời gọi, cắn hai cánh của thứ trái cây hình ngôi sao rồi nói với Khải: “Mà em thấy lo lo sao ấy anh Khải ơi, thường thì nếu có ghé nhậu thì cha sẽ nhờ thằng cu Định con chú Ba chạy về nói với em một tiếng. Chứ đâu mà đi mất biệt từ sáng tới giờ như vậy?”
Khải không gọt khế, nhai luôn phần vỏ chát, vừa nhai vừa nói: “Em cứ như vậy sao anh về được, hồi nãy mẹ kêu anh đem cái đầu bò qua cho nhà em rồi về liền, nhà bao việc kia kìa.”
Quỳnh Hương muốn cho Khải về lắm, nhưng chẳng hiểu sao sáng nay sau khi nghe xong cuộc hội thoại của mấy “bà tám” đứng trước cửa thì cô lại nghĩ khác, giờ đây cô bị cảm giác cơ bản và nguyên thủy nhất của con người khi bị bỏ một mình chiếm lấy mất rồi: sợ ma. Mà cô sợ đều có cơ sở, lúc nãy khi đi qua đi lại do sốt ruột, cô có bước ra nhà sau. Lúc trước, khi mẹ cô còn sống, bà rất thích trang điểm, ăn vận đồ đẹp, âu cũng là bình thường đối với phụ nữ, vì thế cho nên bà sắm một tấm gương rất to, dài chắc ba mét, cao gần hai mét, đặt ở nhà sau. Về sau, khi bà chết, ông Tư Điền cũng không dở nó xuống cũng vì muốn tưởng nhớ bà xã quá cố. Trở lại chuyện Quỳnh Hương ra nhà sau, lúc đi ngang cái gương, cô thề sống thề chết rằng cái bóng phản chiếu trong gương quay ngoắt cần cổ sang nhìn cô, lúc ấy cả thân thể cô da gà nổi đầy, toàn thân lạnh ngắt. Cô quay sang nhìn vào gương thì thấy ánh mắt của chính mình rất ngộ, chúng sâu như xoáy nước, đen như đỏ mình mực loang, nhất thời Quỳnh Hương nói chẳng nên lời, bước đi tiếp cũng không được.
Cho rằng mình lo lắng quá nên đâm ra suy nhược, Quỳnh Hương vô bóp dầu, lúc ấy thì Khải cũng đem đầu bò tới. Quỳnh Hương nhớ lại chuyện này đem kể cho Khải nghe, nghe xong thì anh bật cười một tràng: “Em đừng có thần hồn nát thần tín, suy nghĩ bậy bạ vậy không có tốt đâu. Trên đời này làm gì có ma quỷ tồn tại, em mê tín dị đoan mà tới tai chính quyền là hơi mệt đó, xã mình là xã công nghiệp mới rồi, người ta mới xây nhà máy nước nữa đó!”
Quỳnh Hương tròn mắt: “Nhà máy nước nào anh?”
Khải cắn thêm miếng khế, ngồi xếp bằng, quay cả thân người đối diện với Quỳnh Hương: “Nhà máy nước gần bãi Ma Về đó, em không biết hả?” Quỳnh Hương lắc đầu, vẻ mặt Khải khá bất ngờ, anh ta nói tiếp: “Gì kỳ vậy? Um sùm cả tháng nay mà em không biết? Trời ơi, đúng là tiểu thư đài cát, suốt ngày ru rú ở nhà, không chịu phổ cập kiến thức gì hết, như vậy sao tiến bộ được.”
Quỳnh Hương trề môi: “Em cũng học tới lớp mười chứ bộ, anh cũng vậy chứ có hơn gì em?”
Khải nói: “Anh biết được xã mình có nhà máy nước, vậy là hơn em rồi. Em biết nhà máy nước nó mặt mũi ra sao không?”
Quỳnh Hương đỏ mặt: “Thì… Thì… Nó giống như cái lu lọc nước mà bự hơn thôi chứ gì, ở trong để đá, cát, sỏi, than, như vậy là lọc nước được rồi.”
Khải bật cười ha hả, Quỳnh Hương thấy vậy thì tức người, vung tay đánh hận Khải ba bốn cái vì dám chọc mình, Khải giả bộ than đau vài tiếng rồi mới nói: “Cái này là nước máy công nghiệp, sạch hơn nước múc dưới sông đem lên lọc mà bà con mình xài nhiều.” Khải nói đến đó thì bắt đầu thao thao bất tuyệt cho Quỳnh Hương nghe về nhà máy nước mới này, Quỳnh Hương vì thế mà tạm quên đi chuyện ông Tư Điền vẫn chưa về.
Đột nhiên, một tiếng động kỳ lạ vang lên cắt ngang cuộc đối thoại ong bướm của Khải và Quỳnh Hương. Tiếng nhai rạo rạo, nghe như có ai cắn cây bông súng rồi ăn sống vậy. Cây bông súng. Quỳnh Hương giật thót mình, tiếng động phát ra từ vách nhà bên phải, bên đó đúng là có một ao bông súng. Không chỉ Quỳnh Hương mà Khải cũng nghe được, khuôn mặt Quỳnh Hương hiện rõ vẻ sợ sệt, Khải thì có phần trấn tỉnh hơn, anh ta nói với Quỳnh Hương có lẽ là con vật gì đó lẻn vào ăn bông súng, nhưng có con vật nào như vậy chứ? Khải biết rõ điều này, anh thận trọng tiến về phía cửa sổ rồi đưa đầu nhìn ra ngoài, vừa thấy được gì đó thì bước lùi về sau hai ba bước. Quỳnh Hương thấy sợ nhưng cũng tò mò bèn ngóc đầu lên coi, phía dưới là ông Ba giữa xóm đang lội ao, nhổ từng cọng bông súng lên ăn sống! Khuôn mặt ông ta trắng bệch, kẽ răng chảy ra từng dòng nước sình, thấy Quỳnh Hương thì kêu lên khè khè như mấy con rắn đang gặp nguy.
Còn chưa kịp phản ứng, phía trước nhà lại có tiếng chó sủa, cả chục con chứ không ít. Quỳnh Hương biết là có chuyện chẳng lành liền nấp vào góc nhà kêu lên oai oải. Chỗ hàng ba trước cổng, đám đàn bà nhiều chuyện lúc sáng đang quỳ bằng hai đầu gối, ngửa cổ lên trời sủa như loài chó!
-0-
Ông Hiếu nghe tiếng người ta đồn, nói thằng cu Gạo vừa đi về phía sườn núi Tây Bắc thì vừa hoảng hồn vừa tức trong mình, chẳng phải ông đã dặn không biết bao nhiêu lần là không được bén mảng tới chỗ đó sao, bộ mấy người trong cái xã Trạm Phèn này không hiểu được tiếng người à? Ông chợt rùng mình, có thể họ không hiểu được tiếng người thật, bởi vì họ bị ma quỷ dẫn đường. Ông nhanh chóng gạt phăng cái suy nghĩ mê tín dị đoan đó ra khỏi đầu, là một cán bộ xã mẫn cán và ngay thẳng, ông không cho phép bản thân mình tiêu cực như thế.
Tuy nhiên, ông cũng phải là một người cảnh sát với nghiệp vụ đầy đủ hay một thám tử với đầu óc nhạy bén, ông chỉ là một vị phó chủ tịch xã mà thôi, giờ kêu ông phải ôm hết trách nhiệm kiểu này ông làm sau mà xuể. Viên cảnh sát duy nhất là Kiên Lớn tạm thời không thấy đâu, ông Hiếu không làm thì không được. Ông ta nghiến răng ken két, ngậm ngùi chạy ra chỗ bà Phương Bò, mẹ của Khải, người đang cùng mấy “bà tám” khác bàn tới bàn lui vụ thằng Gạo. Phương Bò thấy ông Hiếu thì kêu í ới: “Trời ơi, cán bộ Hiếu, ông nghe gì chưa, người ta thấy thằng Gạo đi ra chỗ Miếu Bà kia kìa!”
Ông Hiếu bực mình nói: “Người ta là người ta nào? Mấy người không có chuyện gì làm hay sao mà đứng nay tụm năm tụm bảy vậy?”
Một người đàn bà trong nhóm làm vẻ mặt hình sự, lấy cái nón lá đeo đằng sau lên quạt rồi nói: “Cơm nước gì nấu xong hết rồi chú Hiếu ơi, mà chú làm cái gì mà nhăn mặt như khỉ ăn ớt vậy? Tụi tui nghe sao thì nói lại vậy thôi mà. Nghe đâu lúc đi, phía sau còn có hai cái đầu trâu, với đầu ngựa bay theo nữa!”
Mấy người đàn bà bắt đầu nhao nháo lên, ông Hiếu định lên tiếng mắng cho họ một trận, thế nhưng bà Phương Bò đã kịp chen vô: “Thôi đi bà ơi, thêu dệt thêm vừa vừa thôi, làm gì có con trâu, con ngựa nào, ý bà đang nói Đầu Trâu Mặt Ngựa đó hả? Đánh chết tui cũng không tin mấy cái thứ ma quỷ đó!”
Người đàn bà đáp: “Chị không tin thì kệ chị, chính mắt tui thấy đây nè, nói dóc trời đánh!”
Phương Bò trề môi: “Ủa, ủa? Nãy nói là nghe người ta nói rồi kể lại mà, sao giờ thành chính mắt nhìn thấy luôn rồi. Làm lố quá, coi chừng ông trời ổng đánh bà thiệt!”
Người đàn bà bị sửa lưng thì líu lưỡi, trong một khoảnh khắc muốn khoe mẽ mà lỡ lời, quê đỏ mặt, đứng cười trừ chứ biết làm gì nữa bây giờ. Phương Bờ vẻ mặt đắc ý, quay sang nói với ông Hiếu: “Chú Hiếu, chú làm cái gì trong nhà bà Ngân vậy? Thằng cu Gạo có ở trỏng không chú? Hay nó đi về sườn Tây Bắc như người ta đồn thiệt rồi?”
Ông Hiếu thật sự là không biết, nhưng trong bụng ông nghĩ nên trấn an mấy người nhiều chuyện, ăn cơm nhà lo chuyện người ta này trước đã, ông nói: “Chị Ngân có chút việc sổ sách nên nhờ tui qua coi thôi, không có gì, thằng cu Gạo chắc chạy đi đâu chơi rồi. Mấy người lo về lo cho chồng con đi kìa, ở đó mà một đồn mười, mười đồn một trăm. Xã Trạm Phèn công nghiệp mới rồi mấy người không nghe thông báo hả, ma với quỷ làm sao lại mấy cái máy. Thôi, về về về!”
Ông Hiếu xua đuổi cật lực, phải dùng hết lời lẽ trên đời thì đám đàn bà mới chịu tảng ra, ai về nhà nấy, ông thở hắt ra một hơi như cố trút đi gánh nặng trên vai rồi nhìn về phía con đường mòn dẫn ra sườn núi Tây Bắc. Không phải ông tin hoàn toàn vào mấy lời đồn này, mà nếu như thằng Gạo có đi về hướng đó thật rồi gặp chuyện gì thì, lỡ như trường hợp xấu nhất xảy đến, người ta tìm thấy xác thằng Gạo gần Miếu Bà, vậy thì cuộc gặp gỡ với mấy người đàn bà hôm nay lại trở thành bằng chứng cho sự tắc trách của ông Hiếu. Ông làm gì để cho mấy chuyện đó xảy ra được, đi tới chỗ Miếu Bà kiểm tra một cái cho chắc ăn.
Nghĩ là làm, ông Hiếu ba chân bốn cẳng nhắm thẳng sườn núi Tây Bắc mà bước. Đường lên núi quanh co khúc khuỷu khỏi bàn, có vài chỗ dốc lên hơn ba mươi độ, ông Hiếu tự hỏi một thằng nhóc gầy trơ xương gần như suy dinh dưỡng như thằng Gạo lấy đâu ra sức lực mà leo lên mấy chỗ này, ông cũng an tâm hơn phần nào. Càng đi vào sâu, cây trên cao ken dày đặc hơn, đan lại với nhau như hàng trăm cái mặt thúng tự nhiên, mỗi chỗ đan lại có chút ánh nắng nhễu xuống của buổi trưa sớm. Mồ hôi ông Hiếu ra ngày một nhiều, lát sau thì cái áo sơ mi đã ướt đẫm, ông thèm một hơi thuốc gì đâu.
Than khổ chưa được mười câu thì khoảng cắt của con đường đất đỏ và con đường mòn dẫn vào Miếu Bà đã hiện ra trước mắt, ông Hiếu chỉnh lại bâu áo, thân người hơi nhướng về phía trước, nhìn vào con đường mòn sâu thăm thẳm, trông nó giống như một cái ống nước làm bằng hai hàng cây bên đường mòn và cái vòm lá trên cao, thẳng tắp và âm u. Lúc này, một cơn rợn người chạy khắp thân thể ông Hiếu như muốn báo hiệu điềm dữ, chẳng hiểu vì sao vầng trán ông Hiếu lại chảy ra vài giọt mồ hôi, ông Hiếu biết mồ hôi này không phải từ chuyến leo núi vừa rồi, nó là mồ hôi lạnh, chẳng lẽ ông đang sợ hay sao? Cuối đường mòn có cái gì mà cơ thể ông lại báo động như vậy? Miếu Bà Chúa Xứ có ma quỷ như lời người ta đồn hay sao? Có đến năm người đã chết trong vòng hai ngày qua, chắc tin đồn không phải là thất thiệt đâu nhỉ?
Hàng trăm câu hỏi tràn ra ngoài như đàn kiến vỡ tổ, cơn mồ hôi lạnh kia chính là bàn chân đã đạp đổ tổ kiến, ông Hiếu chỉ muốn bắt từng con lại xem cho rõ mặt mũi chúng ra sao mà thôi.
Ông Hiếu lau trán, hít một hơi thật sâu rồi bước vào con đường, ngoài làng, một trận gió rất to thổi đến, nhưng con đường mòn lại hoàn toàn lặng thinh, cây lá cũng không kêu lên xào xạc, âm thanh to nhất mà ông Hiếu nghe được là tiếng tim mình đập lên thình thịch.
Người nam định trả lời gì đó, chưa kịp mở miệng thì vẻ mặt anh ta biến đổi kỳ lạ, anh ta quay phắt người lại, cả thân thể hút vào người phụ nữ, cả hai té nhào vào một sườn đồi thấp, tay trái người nam chặng ngang miệng người nữ, tay phải đưa ngón trỏ lên ý bảo cô ta im lặng. Người nam từ từ nhả tay ra, người nữ vẫn chưa hiểu chuyện gì cả, đột nhiên đằng sau vang lên tiếng động đinh tai nhức óc của một bầy khỉ. Người nam vẫn rất thận trọng, anh ta từ từ vạch đám lá ra, cả hai chỉ dám đưa một con mắt ra nhìn, cảnh tượng trước mắt không biết phải tả làm sao cho đúng.
Thằng cu Gạo đang quỳ gối, dập đầu, phía trước nó là một bầy khỉ núi đuôi dài, chân tay khua liên hồi, và chúng đều mang những khuôn mặt người. Mặt già có, trẻ có, nam có, nữ có, đủ cả, từ trong cửa họng lại kêu lên khèn khẹt chứ không nói tiếng người. Nói không biết phải tả làm sao nghĩa là ý muốn nói chuyện này từ trước đến giờ làm gì xảy ra, người nữ trợn mắt, vô thức nép vào sau lưng người nam, người nam bình tĩnh hơn, anh ta từ từ hạ cặp kính đen.
Đúng lúc ấy, từ phía Miếu Bà Chúa Xứ lại bước ra thêm hai bóng đen, đang ban ngày ban mặt, ánh sáng trên cao mặt dù bị lá cây che gần hết nhưng không phải tối đen hoàn toàn, thế nhưng hai người vừa xuất hiện như bị chìm trong bóng tối vậy. Thứ duy nhất có thể thấy được là hai cái đầu của hai người bọn họ, một cái đầu trâu và một khuôn mặt ngựa.