Lan Giác liếc nhìn một lượt, thấy một cái sọt nông đặt trên bàn, bên trong rõ ràng còn bốn năm quả trứng gà.
“Cho thêm một quả trứng luộc nhé, luộc chín một chút.”
Thanh niên ờ một tiếng, có vẻ không thích cho thêm trứng vào nhưng cũng chẳng muốn nhiều lời.
Cả dãy bàn thấp trống không cho thấy việc buôn bán của quán mì này không được đắt khách cho lắm. Lan Giác chọn bừa một cái bàn ngồi xuống, trên bàn có một lọ giấm, một đĩa ớt, còn có một đĩa nhỏ đựng mấy tép tỏi ngâm đường.
Lan Giác nói: “Anh chủ là người vùng Tây Bắc à, ở đó ăn mì lúc nào cũng thêm giấm vào, ở Kinh Thành rất ít khi ăn như vậy.”
Người kia ừ một tiếng, rắc bột mì lên thớt: “Người huyện Nam Trì quận Tây Xuyên.”
Lan Giác cười nhẹ: “Huyện Nam Trì, chính là nơi sản xuất trà Đại Diệp ấy hả? Nghe nói trà ấy đun trong sữa bò rồi thêm ít muối vào là ngon nhất, trước đây một số người Hồ rất thích cách uống như vậy đấy.”
Thanh niên kia cầm lấy cái chày cúi đầu cán bột, lạnh nhạt đáp: “Chỗ đó mùa đông rất lạnh, gió còn rắn hơn dao, uống loại trà Hồ đó có thể chống rét. Lúc lạnh nhất, còn phải thêm vài giọt rượu vào nữa.”
Lan Giác nói: “Đúng, rượu miền Tây mạnh lắm, không giống như rượu Kinh Thành chỉ được cái thơm thôi”.
Người kia không tiếp lời, cứ cúi đầu cắt mì, tiếng dao chạm xuống bàn nghe lạch cạch.
Mì vừa mới được cho vào nồi thì một cậu học trò vội vã chạy ập vào quán, kêu um lên: “Trương Bình của tôi ơi, huynh vẫn còn bán mì à. Đã nói hôm nay có chuyện hay ho muốn giới thiệu cho huynh mà, mau mau thu dọn đi, vẫn còn nửa canh giờ nữa, người ta sắp đến rồi đấy.”
Trương Bình rắc rau cắt thành sợi vào trong nồi, rồi lau hai tay vào tạp dề: “Đợi bán xong tô mì này đã.”
Cậu học trò kia lại kêu lên: “Đến nửa văn tiền huynh còn tiếc không nỡ bỏ à.”
Trương Bình thản nhiên: “Bỏ thì lấy gì mà ăn.”
Cậu bạn than thở rồi kéo một cái ghế đẩu ngồi xuống: “Vì mấy đồng bạc lẻ này mà huynh lại bỏ món tiền lớn, đó mới gọi là lợi bất cập hại đấy.”
Lan Giác ngồi kế bên nhìn ngó, đợi cậu học trò kia ngồi yên xong mới bắt chuyện: “Ông anh đây là…”
Vị thư sinh kia trưng ra một bộ mặt thân thiện dễ gần, lập tức chắp tay nói: “Cảm ơn đã quan tâm, tiểu đệ Trần Trù, dám hỏi họ tên huynh đài là gì, huynh cũng đến tham dự kỳ thi năm nay à?”
Lan Giác cười: “Đúng vậy, tiểu đệ Tào Ngọc, đến từ Quận Nam, vừa mới tới Kinh Thành không bao lâu.”
Kỳ thực Lan đại nhân cũng không còn trẻ nữa, nhưng do chăm sóc bản thân quá kỹ nên trong triều các đồng liêu cứ luôn khen y nhanh nhẹn như thanh niên đôi mươi, thành thử khi cùng tán chuyện với mấy cậu học trò non này, y tự xưng tiếng đệ cũng chẳng đổi tí sắc mặt nào.
Trần Trù quả nhiên không hề nghi ngờ, vui vẻ nói: “Thật là trùng hợp, không biết Tào huynh ở đâu. Tiểu đệ và Trương huynh đây là sĩ tử của quận Tây Xuyên, sau này gặp gỡ nhau nhiều, cùng bàn luận đạo lý văn chương nha.”
Lan Giác ngạc nhiên hỏi: “Hả? Ông chủ quán đây hóa ra cũng là sĩ tử à?”
Trần Trù sững lại, nhìn Trương Bình, sắc mặt lộ ra vẻ ngượng ngùng hết hồn: “À, vâng… gia cảnh Trương huynh nghèo lắm, cơ mà học vấn của huynh ấy rất cao, trong cuộc thi tuyển của quận Tây Xuyên chúng tôi huynh ấy đứng thứ ba đấy, có mấy người thường hay khinh huynh ấy, Tào huynh đừng tin nhé.”
Lan Giác nói: “Sĩ nông công thương đều là nền tảng của xã tắc, vốn không có địa vị cao thấp. Nghe nói mấy đại quan trong triều, lúc chưa giàu có đã từng bán chữ bên đường, ở trong miếu rách đình hoang. Bán mì và bán chữ có khác biệt gì đâu cơ chứ? Có rất nhiều người viết được chữ đẹp nhưng vẫn không làm được tô mì ngon như Trương huynh đây nè.”
Những lời nói này của Lan Giác phần nhiều đều là thật lòng, bởi trong số những người ngày xưa phải bán chữ bên đường kia cũng có y mà. Lúc trẻ Lan Thị Lang phải trải qua nhiều cơ cực thành ra bản thân cũng đồng cảm với mấy thanh niên nghèo khổ này. Đáng tiếc hiện tại nhiều người lại nói y nịnh hót, thật ra đều chỉ là hiểu lầm của thế gian thôi.
Trần Trù lại cười: “Đúng vậy đúng vậy, Tào huynh đây mới chính là hiểu biết nhất đấy, đáng tiếc là mọi người lại không thấu tình đạt lý như huynh.”
Lan Giác lại nói thêm đầy vẻ biết điều: “Đến thần tiên trong miếu còn bị người mắng, nói chi là kẻ phàm tục như tôi. Người ta nói gì cứ kệ đi, ai làm chuyện người ấy, thân ai người nấy lo.”
Trần Trù xoa tay gật gật đầu: “Tào huynh nói hay lắm!”, rồi gặp Trương Bình bưng tô mì nóng nghi ngút đến thì nhanh nhẹn né sang bên, “Đáng tiếc hôm nay tiểu đệ và Trương huynh có việc gấp nên không thể cùng Tào huynh nói chuyện lâu hơn. Nếu như Tào huynh rảnh thì đến con hẻm nhỏ tên Hao Tử, tôi và Trương huynh ở cuối tiểu viện có cửa hướng về phía Bắc ấy.”
Lan Giác gật đầu, cầm đũa lên nhưng bất giác không thể ăn.
Trần Trù đứng dậy, chắp tay nói: “Trương huynh, thời gian không còn sớm nữa, hay là tôi đi trước chờ huynh đến nhé, là quán trà trong ngõ hướng về Đông ấy, đã đặt phòng ở lầu hai rồi, huynh nhớ thay bộ đồ khác rồi mau đến nhé.”
Trương Bình cắm cúi nhặt rau, chỉ ừ một tiếng.
Trần Trù lại áy náy nhìn Lan Giác nói: “Tào huynh, thật xin lỗi, không có ý hối thúc huynh đâu, huynh cứ từ từ ăn nhé, tôi đi trước đây. Nếu như huynh thấy mì này ngon thì sau này nhớ đến ủng hộ Trương huynh…”
Người kia liên tục nói lời từ biệt rồi đi mất.
Lan Giác đứng lên tiễn, lúc ngồi xuống giả vờ vô ý, choang một cái, cả tô mì rơi xuống đất, nước lèo văng tứ tung, cả tô cũng vỡ thành mấy mảnh. Quả trứng luộc dính đầy đất cát, nằm lăn trên mảnh tô vỡ.
Lan Giác than thở: “Sao tay lại trơn thế này, phí cả tô mì ngon của Trương huynh, lại còn làm vỡ tô của huynh nữa, thật là ngại quá.” Y móc túi tiền ra, lấy bừa một nắm bỏ lên bàn.
Trương Bình không biểu cảm gì bước đến bàn, cụp mắt nhìn xuống đất, từ từ ngồi xuống, nhặt quả trứng lên.
Hắn cầm quả trứng bước đến thùng nước sạch, múc một gáo nước rửa thật sạch quả trứng rồi bỏ vào tô, sau đó lấy chổi hốt sạch mì và mảnh vỡ trên đất.
Đang lúc Lan Giác tính bỏ đi thì Trương Bình cầm hót rác đứng dậy, bất chợt nói: “Lan đại nhân, tô mì này không có độc đâu.”
Lan Giác dừng bước, quay người lại. Trong sắc tối, Trương Bình chống chổi đứng đó, giống như một nấm mộ giữa đồng không mông quạnh, một cây táo chua đơn độc, mang theo cảm giác mênh mông thăm thẳm, nhìn thẳng vào Lan Giác.
“Lan đại nhân, tôi đến nhà ngài không phải là do có thù với ngài. Người nhà ngài ăn mì của tôi không trả tiền nên hôm đó tôi đến đòi thôi.”