***
Qua ngày đầu tiên, bà lão nhà họ Trương cũng có bối phận cao, nên có không ít người tới túc trực bên linh cữu. Thức đêm hết sức hại người, trước nửa đêm thì còn dễ dàng một chút, nhưng sau nửa đêm thì tương đối khó khăn. Vì sau nửa đêm thì thời tiết vùng núi thường trở lạnh, hơn nữa lại phải ngồi bên quan tài, nên nhiều người cũng không muốn làm.
Khi đó nhà nước thực hiện tuyên truyền việc hỏa táng, bà lão này khi sống cũng tương đối cổ hủ, nói gì thì nói cũng không chịu chấp nhận việc hỏa táng. Nếu hỏa táng thì làm sao thân thể còn lành lặn mà đi gặp mặt tổ tiên, chồng mình dưới suối vàng được.
Trương lão hán thì vừa không muốn làm trái lời mẹ, vừa không muốn mang tiếng là nông dân kém hiểu biết, không tuân thủ theo cách mạng. Thành ra tình thế tương đối khó xử.
Người ngỗ được mời tới lập tức đưa ra cho Trương lão hán một gợi ý: Cho bà lão làm một quan trủng (mộ giả). Thời xưa thường có quân lính chết trận nơi sa trường, da ngựa bọc thây, được chôn tại chỗ. Người nhà vì muốn người chết được an lành, liền làm một thế thân rồi đặt vào trong quan tài, cứ thế mà hạ táng. Quan trọng là thế thân này phải được làm bằng rơm rạ, bên trên phải được viết bát tự và tên tuổi của người mất.
Biện pháp này ngược lại là biện pháp tốt, nhưng có một điểm quan trọng là người dù sau khi chết vẫn hoài niệm thân thể mình khi còn sống, nếu như muốn làm quan trủng, phải có một điều kiện. Đó chính là Dẫn Hồn!
Dẫn Hồn là sao?
Người ta sau khi chết, hồn phách không hẳn sẽ được quỷ sai lập tức đưa tới âm phủ, nhiều khi còn ở lại nhân gian vài ngày quỷ sai mới tới. Lúc đó còn phải nói với quỷ sai người giả kia cũng là thân thể của mình.
Sau này tới ngày Thất Đầu, hồn phách quay về thì quỷ sai sẽ chỉ dẫn cho quỷ hồn. Người giả làm bằng rơm rạ kia chính là thân thể của ngươi, chớ có đi tìm ở đâu khác nữa!
Người Trung quốc không chỉ có chú trọng lá rụng về cội, còn chú trọng hạ thổ vi an. Cho nên phàm là khi chọn đất để hạ thổ, nền đất không được có đá cứng, cũng không được lát xi măng. Nhất định phải là đất mềm, tốt nhất là đất nền màu vàng.
Đồ để Dẫn Hồn cũng như người giả thế thân đều phải là thứ có quy cách nghiêm ngặt, người ngỗ kia dĩ nhiên không thể làm được, nên chỉ còn cách đợi Tra Nghiêm Vân tỉnh lại mà thôi.
Không biết làm sao mãi tới chạng vạng tối ngày thứ hai Tra Nghiêm Vân thẳng mới tỉnh lại, hắn mơ mơ màng màng đi ra sân rửa mặt, chỉ nghe bên ngoài vang lên ba hồi pháo "Đùng đoàng! Đùng đoàng! Đùng đoàng!"
Ba tiếng pháo tre vang lên, sao trong khi có người chết lại đốt pháo?
Đó là vì khi trong nhà có người mất, phải mời người trong thôn tới dùng cơm, trước khi ăn cơm phải đốt pháo tre mời khác, đây cũng là một trong những tập tục địa phương.
Chưa kịp buông xuống cái khăn mặt, Tra Nghiêm Vân liền vọt ra khỏi sân, chỉ thấy ở phía đối diện đã treo đèn lồng trắng, có vòng hoa, người đến người đi tấp nập, bận rộn kinh khủng. Tiếng khóc xen lẫn tiếng mời cơm, tiếng trẻ con, người lớn đan xen hết sức ồn ào.
Tra Nghiêm Vân cau mày liền đi về nhà đó xem thử. Còn chưa đi qua cửa đã thấy giáo sư Hà ngồi cạnh một cái bàn trong sân, đang ghi chép cái gì đó. Quan sát kỹ hơn thì nhận ra, hóa ra là giáo sư Hà được mời làm người viết giúp.
Trong thôn có người mất, mọi người tới đều đem theo tiền phúng viếng, coi như chia buồn với gia chủ. Giáo sư Hà là một học giả, mọi người đều biết. Mặc dù vợ và cha vợ ông vừa mất, nhưng mọi người vẫn rất tôn trọng ông, mời ông viết hộ vài lời.
Tra Nghiêm Vân vừa bước chân vào tới cửa, khách chủ trong nhà đang nhiệt tình mời rượu, ồn ào huyên náo lập tức im bặt. Lễ vượt tiên kiều tối và dẫn hồn tối nay đều phải trông cậy vào vị đạo sĩ này, nhưng không hiểu tại sao khi hắn tới thì khuôn mặt lại đăm chiêu, tỏ ra lo lắng. Khiến mọi người cũng cảm thấy bất an.
Thấy vậy giáo sư Hà lập tức đi tới, vội vàng kéo Tra Nghiêm Vân ra một góc.
Mọi người trong sân lại chụm đầu ghé tai nhau xì xầm, không biết là tên bợm nào hô lớn: "Uống!"
Cảnh tượng náo nhiệt lại lập tức xuất hiện.
Giáo sư Hà kéo Tra Nghiêm Vân đi ra, vội vàng hỏi thăm tình hình sức khỏe của hắn. Tra Nghiêm Vân lắc đầu tỏ ý không có gì đáng lo, giáo sư Hà cũng kể lại đơn giản chuyện của nhà hàng xóm, lại gọi Trương lão hán đi ra gặp khách.
Trương lão hán bước tới trước mặt Tra Nghiêm Vân, lau nước mắt, nặn ra một nụ cười khó coi, khẩn cầu Tra Nghiêm Vân làm lễ cúng cho mẹ mình. Tra Nghiêm Vân suy nghĩ chốc lát, gật đầu một cái coi như là đáp ứng.
Trương lão hán mừng rỡ, vội vàng mời Tra Nghiêm Vân ngồi xuống dùng bữa rót rượu, dâng thuốc lá. Nhưng tất cả Tra Nghiêm Vân đều cự tuyệt, hắn chỉ lên tiếng cần một bát cháo trắng là đủ.
Ăn cơm tối xong, đàn bà trẻ con trong thôn phần lớn đều bị đuổi về nhà, việc dẫn hồn không phải người bình thường có thể ở lại. Vạn nhất xảy ra chuyện gì xui xẻo, không dẫn hồn được lên người giả, mà dẫn hồn nhầm sang người khác, vậy coi như là xảy ra chuyện lớn.
Tra Nghiêm Vân cũng theo lệ nói những người cầm tinh xung khắc với người mất không nên ở lại, những người còn lại tốt nhất cũng không thể đứng ở trong phòng, cửa phải để trống một khoảng. Ngoài ra máu gà trống, vôi, hương, giấy, nến, gạo nếp đều phải được bày trên bàn.
Nhưng trên bàn lần này cũng không được bày biện giống khi làm lễ “Vượt tiên kiều” lúc trước, không giống nhau ở đâu? Lần này có hai cài bàn, chia ra để cơm cúng và đồ cúng, trên đó bày hương, nến. Người giả bằng rơm kia thì được đặt trên cái bàn còn lại, trên đó có bày bài vị, hương, nến. Bên cạnh cái bàn này chính là quan tài của bà Trương.
Hai cái bài vị được bày ra cũng khác nhau, một cái được sơn kỹ lưỡng, đặt ở trước quan tài, cái còn lại không được sơn thì đặt trên bàn có người giả. Trường minh đăng (*) cũng được đặt bên cạnh quan tài, còn trên bàn thì không có.
Tra Nghiêm Vân lúc này bảo mọi người đứng ở phía ngoài, định chuẩn bị làm lễ thì hắn chỉ thấy trước mắt tối sầm lại. Tra Nghiêm Vân lắc lắc đầu, không biết do gần đây sức khỏe sa sút hay có nguyên do khác.
Ổn định trong chốc lát, Tra Nghiêm Vân cố gắng sốc lại tinh thần, bày trên đất bút, nghiên mực. Hắn chấm mực đỏ trong nghiên, họa lên mặt đất. Dẫn hồn trận yêu cầu từ khi bắt đầu tới khi kết thúc bút không được nhấc lên khỏi mặt đất, bút hết mực cũng chỉ có thể rót xuống từ cán cầm.
Dẫn hồn đại trận được bắt đầu từ cái bàn đặt người giả bằng rơm, kết thúc ở bên cạnh quan tài, cách nhau khoảng 3m. Tra Nghiêm Vân làm liền một mạch, không dừng bút một chút nào. Nét bút trên đất hiện lên uốn lượn, hào khí. Ngay cả người yêu thích thư pháp như giáo sư Hà trong lòng cũng phải bội phục nét bút của Tra Nghiêm Vân.
Mọi người đứng ở bên ngoài thấy Tra Nghiêm Vân họa trận, không khỏi khâm phục thêm vài phần với vị đạo sĩ này. Trương lão hán nhìn tràng diện này còn có chút đắc ý, trong đầu nghĩ quả thật đã tìm được một vị cao nhân tới.
Vừa họa trận, miệng Tra Nghiêm Vân vừa lẩm bẩm niệm chú, mọi người dĩ nhiên không hiểu hắn nói gì, nhưng đều biết hết sức quan trọng. Họa xong Dẫn Hồn trận, trên trán Tra Nghiêm Vân đã lấm tấm mồ hôi, giống như đã cố hết sức.
Dẫn Hồn trận này có xuất xứ từ Miêu Cương, ban đầu là phần không thể thiếu của lễ Dẫn Hồn, sau đó bị một số kẻ lợi dụng, dẫn hồn tu luyện tà thuật.
Phàm là việc dùng Dẫn Hồn thuật tu luyện đan dược và pháp khí đều ác độc vô cùng, từ triều Thanh đã bị triều đình cấm sử dụng, người trong chính đạo cũng ít người biết tới. Cho nên tới thời đó cũng đã gần như thất truyền.
Tra Nghiêm Vân chỉ đọc qua trong sách của sư phụ mà biết tới trận này, hôm nay coi như là lần đầu tiên dùng thử, cũng không biết lợi hại trong đó. Hắn chỉ cảm thấy họa trận xong mà toàn thân giống như mệt mỏi kiệt lực. Giáo sư Hà nhận thấy khác thường, liền tiến tới hỏi thăm Tra Nghiêm Vân xem thế nào.
Tra Nghiêm Vân vẫn khoát tay một cái, tỏ ý không có gì đáng ngại, giáo sư Hà cũng chỉ dặn dò vài câu rồi lui ra.
(*)Trường minh đăng: Đèn giúp người chết an nghỉ, trong lăng mộ cũng thường có. Đèn này trong bảy ngày không được để tắt, luôn phải cho thêm dầu. Tương truyền trong mộ cổ thường được cho mỡ của người cá nên không bao giờ tắt.