Tôi có tổ chức một nhóm nhỏ chuyên đánh phó bản, là đoàn ong thợ chuyên gom trang bị cho cả công hội, suốt ngày vì công hội – cũng tức là ong chúa – mà liều mạng lăn qua lăn lại các phó bản. Mà Lục Tử dạo này tự nhiên thân thiết hơn với chúng tôi, cũng bắt đầu tham gia vào công hội. Hơn nữa, khác với tầng lớp cùng đinh chúng tôi toàn là phải vất vả luyện account từ đầu, hắn rất thoải mái bỏ tiền ra mua một account trên mạng, thậm chí không hề biết một khái niệm nào để chơi game mà đã hùng hổ đi kiếm những người có đẳng cấp cao để gây sự lên mặt anh hùng, làm hại tôi lúc nào cũng phải ra mặt xin lỗi giùm, xấu hổ không biết để đâu cho hết. Thực sự tôi không có khả năng suốt ngày đi theo kèm hắn, cho nên nhân lúc đoàn ong thợ thiếu một chân, tôi bèn lôi ngay hắn vào trám chỗ trống.
Nhưng đó có thể coi là sai lầm lớn nhất của tôi cũng không chừng, khiến một bữa nọ tôi phát điên tới mức suýt chút nữa là giang tay đập nát cái máy vi tính của Bạch Dực. Tên Lục Tử khốn kiếp này đã đần tới một cảnh giới mà tôi không sao hiểu nổi, tên khùng đó, ai đời vất vả lắm mới đánh xong một con boss cỡ bự mà cứ đứng trơ ra đó nhìn, để một thanh bảo kiếm cấp anh hùng cứ thế biến mất trước mắt mọi người. Mặc kệ chúng tôi hò la gào thét thúc giục, hắn vẫn cứ giữ nguyên tư thế đánh boss mà không chịu nhặt đồ. Tôi bất lực hét to một tiếng trước cái máy vi tính, làm Bạch Dực giật nảy người phải chạy tới hỏi tôi có làm sao không.
Tôi ôm đầu, nhìn trừng trừng vũ khí cực phẩm kia vẫn ở lại phó bản, còn cả đội đều bị tống ra ngoài, sau đó không chờ nói chuyện với Lục Tử qua cửa sổ chat nữa mà trực tiếp lao tới điện thoại, điên cuồng bấm số, rồi điên cuồng gào thét: “Mẹ kiếp! Tên khốn nhà ngươi muốn đùa với bọn ông chắc?! Vũ khí cực phẩm tới mức đó có khi mấy tháng nữa cũng đừng hòng mà đào ra được… Sau này đừng hòng ông đây cho ngươi đi phó bản chung nữa!!!”
Lục Tử im thin thít bên kia đầu dây điện thoại hồi lâu, cuối cùng phun một câu: “Thì ai biết đâu, cứ tưởng đánh boss xong là xong luôn chứ, có ai bảo tớ đánh xong phải chờ lượm đồ đâu. Tại lúc đó tớ mắc quá, phải chạy vào toa lét gấp…”
Mắt tôi trợn to tới mức muốn lồi hẳn ra ngoài, một vũ khí cấp anh hùng đó nha, đó là thứ mà bao nhiêu người chơi đều mơ mà không có được đó nha…! Lúc này tự nhiên tôi cảm thấy cảm thông sâu sắc cho những người trong hiện thực vì một món vũ khí bí mật nào đó mà đánh nhau loạn xà ngầu. Vì lúc này tôi cũng đang điên tiết lên đây, chỉ còn thiếu điều thổ huyết nữa mà thôi.
Bạch Dực lắc đầu nhìn tôi, lạnh lùng nói: “Cấm thổ huyết ra tường, bằng không tự mà đi quét sơn lại!”
Tôi quay lại trừng mắt với anh ta, bên kia điện thoại Lục Tử líu ríu nói: “Ôi dà, cần gì phải điên lên như thế, chỉ là mấy thứ không có thật thôi chứ gì! Ở đâu có bán, tớ mua trả lại là xong, ha!”
Tôi cắn răng rít vào điện thoại: “Mua! Làm quái gì có chỗ nào bán mà mua, hả!”
Bên kia đầu dây im lặng một chốc, cuối cùng nói tiếp như chột dạ: “Hay vầy đi, tớ có hai phiếu nghỉ dưỡng ở khu du lịch hồ Thủ Nguyệt, bao ăn bao ở, còn câu cá miễn phí, ăn hải sản miễn phí, hơn nữa xung quanh hồ còn rất nhiều di tích lịch sử đặc sắc, nghe nói vẫn còn con hào bảo vệ thành từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cơ đấy. Tớ tặng cho cậu với anh Bạch Dực, coi như xin lỗi vụ này, OK?”
Tôi lúc này đang bốc hỏa, đâu có nghe vào chữ nào, thầm nghĩ chỉ bằng hai cái vé mà đòi bỏ qua? Cho nên quát vào điện thoại: “Tên khốn kia, ngươi cho là đây là chuyện cá nhân chắc? Có biết làm việc tập thể là cái gì không? Có biết vì thanh kiếm này mà bao nhiêu người chết trong phó bản, chỉ mỏi mắt trông chờ chúng ta đoạt được nó hay không?! Chỉ bằng hai cái vé đi hồ Thủ Nguyệt mà coi như là xong sao hả?!”
Nhưng khi tôi chuẩn bị ngắt điện thoại thì Bạch Dực đã nhẹ nhàng tiếp lấy ống nghe, nói nhỏ với Lục Tử cái gì đó. Tôi bực tức ngồi phịch xuống ghế, vừa nhìn thấy tin là công hội khác đã đoạt được thanh kiếm kia thì lập tức tắt màn hình.
Sau đó quay lại hỏi Bạch Dực: “Tên ngốc kia nói gì với anh đó?”
Bạch Dực bình thản đáp: “Tôi nói với hắn là hai cái vé chúng ta nhận, hai ngày cuối tuần sẽ đến đó chơi.”
Vừa nghe thế, tôi đã nổi trận lôi đình với Bạch Dực: “Ai cho anh nhận! Anh đi thì đi, tôi thèm vào! Chỉ cần nhìn thấy thằng ngốc đó là lại cảm thấy tức cho thanh kiếm rồi…”
Bạch Dực mặc kệ tôi tự khóc tự rống một hồi, cuối cùng mới nhàn nhạt cắt ngang chỉ bằng một câu: “Chỉ vì một thanh kiếm giả mà khóc lóc lăn lộn, có điên không? Chẳng thà tới chỗ đó câu cá, tuần sau có cá ăn dần còn thực tế hơn!”
Tôi day day trán, nghe tới đồ ăn thì cơn tức cũng xẹp đi quá nửa, liền hỏi anh ta: “Vậy anh biết câu cá không?”
Anh ta khẽ nhếch miệng cười: “Chút chút.”
Ha, chỉ mới xem phim thôi chứ gì, vậy mà đã khoe khoang với tôi rồi, để tôi chống mắt lên xem “chút chút” của anh là thế nào!
Thứ bảy hôm ấy, khí trời tươi tắn khác thường, bầu trời trong xanh cao vời vợi chỉ gợn vài đám mây nhỏ. Hồ Thủ Nguyệt rất lớn, mặt nước trong suốt, nhìn ra xa có thể trông thấy từng cánh chim chao nhanh trên mặt nước bắt cá. Đây là một hồ nước ngọt, cho nên cá tôm rất dồi dào lại to ngon, có thể coi là một chốn đất lành “hồ rộng tám trăm dặm, tôm cá bắt không hết”.
Ở đây đời đời đều sống dựa vào hồ, nuôi cá nuôi tôm vẫn là nghề chính của cư dân nơi đây, làm du lịch chỉ là một ngành phụ mà thôi. Tôi không biết hóa ra Bạch Dực lại thích câu cá như vậy, hay nói đúng hơn, hình như mọi sở thích của anh ta đều có hơi bất thường. Bất quá nếu anh ta cam đoan có thể câu đủ cá ăn cho cả tuần sau thì tôi cũng mở to mắt mà trông chờ, nếu không được thì càng có cơ hội chọc anh ta một phen chứ gì!
Thật không ngờ tên khốn Lục Tử cũng dám vác mặt tới, vừa nhìn thấy hắn thì mắt tôi đã trợn lên tức giận, đối với tôi, hắn coi như đã trở thành tội nhân thiên cổ từ lâu, thấy hắn cười cầu tài chạy tới, tôi chỉ hận không thể lấy cần câu đâm cho hắn mấy nhát. Nhưng mà vé là vé của hắn, tiền là hắn bỏ ra, tôi cũng chỉ có thể nhịn. Vì thế đành xách cần câu quảy giỏ theo sau Bạch Dực, không thèm nhìn tới hắn nữa, dù sao thì bữa trưa nay cũng là hắn mời.
Thật ra câu cá là một loại hình giải trí rất thích hợp để rèn luyện tính kiên nhẫn, cực kỳ phù hợp cho những người cả ngày chỉ thích ngồi một chỗ trầm tư không cần nhúc nhích. Truyền thuyết kể rằng Ngũ Tử Tư đời Xuân Thu đặc biệt thích câu cá, từ câu cá mà lĩnh ngộ ra không ít mưu lược binh pháp. Nhưng ngoài ra thì ngày xưa, câu cá vẫn chỉ được coi như là một nghề như bao nghề khác, trông chờ vào sự độ lượng của ông trời để kiếm tiền độ nhật.
Đó chính là những suy nghĩ của tôi khi mặt trời dần dần đứng bóng, tôi buồn chán ngồi nhấp nhổm trên cái ghế tựa nông choẹt chỉ ngồi được nửa cái mông, nhấp nhấp cần câu, ánh mắt dần đờ đẫn cả ra. Về sau thì cả cái cần câu cũng lặng đi không nhúc nhích được nữa. Ngồi đồng suốt cả một buổi sáng mà tôi chỉ câu được vài con cá nhép đáng nhét kẽ răng èo, không có lấy một con nào xứng đáng được coi là “có thu hoạch”.
Tôi chống cằm, khẽ lắc lắc cái cổ mỏi nhừ, vô tình liếc sang xô đựng cá của Bạch Dực ngồi cạnh bên, lập tức hiểu ngay tại sao trong xô của mình chỉ có mấy con cá mini như vậy, là vì bao nhiêu cá to đều chui hết vào xô của anh ta rồi, trời ạ! Tôi hừ một tiếng đảo mắt nhìn anh ta một cái, anh ta liếc sang cái xô của tôi, khóe miệng nhếch lên một chút, không nhầm vào đâu được, là một nụ cười khẩy tự kiêu tự đại.
Tôi nhất thời mất hoàn toàn hứng thú ngồi câu cá, vì cho dù có ngồi thêm nửa ngày nữa chắc cũng chỉ được mấy con cá èo ăn là cùng, chẳng lẽ phải làm giống như tên ngốc giàu có Lục Tử, ra chợ mua vài con cá thật to về nhét vào xô để cứu vớt thể diện?
Mà nhắc tới Lục Tử mới nói, tên khốn này căn bản không tới đây để câu cá mà là để câu gái! Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ ngắn ngủi mà đã làm quen ngay được với một cô em bốc lửa ngồi bên bờ sông trò chuyện, cần câu gác thẳng lên ghế, trong xô nước trong leo lẻo, cả một con cá con èo ăn như tôi cũng không có. Dù sao vé câu cá lần này là hắn mua, tôi cũng không cần tiếc tiền, không muốn câu cá thì thôi, đi dạo quanh hồ một chút. Lúc này đang là tiết Vũ Thủy, tuy cây cối vẫn còn chưa nảy mầm hết, nhưng một số loại cây cũng đã bắt đầu đâm những chồi non mịn màng đầu tiên, trong không khí tản mát một mùi hương tươi mát của buổi đầu xuân. Lạnh thì vẫn còn lạnh, nhưng lại khiến người ta cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, như vừa hít đầy buồng phổi hương bạc hà mát lạnh vậy.
Bạch Dực thấy tôi đứng lên, liền cười hỏi: “Không câu nữa à?”
Tôi lắc lắc hai chân tê cứng, xua xua tay với anh ta: “Cá to cá nhỏ đã chui hết vào xô của anh rồi, tôi còn câu cái gì? Anh cứ tiếp tục câu, tôi đi dạo một lúc.”
Bạch Dực gật đầu, lại chuyên chú ôm cần câu, vừa lúc tôi nói dứt lời thì anh ta lại giật lên một con cá bông lau to nữa. Nhìn thấy thế, những tay câu cá lão luyện ngồi bên cạnh cũng giật mình, đứng bật dậy bưng xô của mình đi chỗ khác. Tôi âm u nhìn anh ta, lòng thầm nghĩ: lẽ nào là thần câu cá tái thế?
Khi tôi lấy lại tinh thần chuẩn bị đi, Bạch Dực chợt lên tiếng: “Lúc đi dạo nhớ đừng tới quá gần hồ. Ở đây… hình như không sạch sẽ lắm.”
Tôi quay lại ngờ vực nhìn anh ta, rồi lại nhìn ra mặt hồ phẳng lặng xa xa, hệ sinh thái ở đây rất tốt, cảnh sắc tứ bề liễu rủ hoa mọc, bốn phía là nhà cửa của nông dân, khói bếp lượn lờ, mặt nước phản chiếu ánh sáng lung linh, khoe màu xanh trong suốt. Gió nhẹ khẽ thổi, mặt nước khẽ gợn. Một quang cảnh tràn đầy tình thơ ý họa như vậy mà anh ta bảo là không sạch sẽ?
Thế nhưng ở chung với nhau bao nhiêu lâu như vậy, tôi bắt đầu biết chú ý tới những điều Bạch Dực căn dặn, vì tuy những gì anh ta nói không bao giờ mang bằng chứng khoa học mà toàn là những chuyện quái dị ma quỷ không, nhưng những loại chuyện này xuất hiện ở chỗ chúng tôi cũng chẳng phải mới ngày một ngày hai. Vì thế tôi cũng bất giác mà lâm vào suy tư, tâm cũng trầm xuống lo lắng.
Bước trở về bên cạnh anh ta, tôi ngồi xuống hỏi: “Lão Bạch, anh nghĩ chỗ này có thứ gì đó… không bình thường sao?”
Cơ thể anh ta vẫn duy trì một tư thế câu rất thả lỏng, đôi mắt chăm chú quan sát cần câu, chỉ có cái miệng khẽ động: “Đúng vậy, nhưng chỉ cảm thấy một loại oán khí u uất không thể giải thích thôi. Tuy nó rất nhạt, nhưng mà… tôi cũng không biết nữa…”
Tôi lắc đầu đứng dậy, nếu Bạch Dực không cảm thấy rõ ràng, thì có lẽ lần này là thần hồn nát thần tính rồi. Phỏng chừng là do lão Phan hói dạo này bắt anh ta phải chủ nhiệm một lớp, cho nên làm anh ta phiền muộn một thời gian dài, tâm tình cũng không được tốt lắm, nhìn cái gì cũng thấy oán khí…
Anh ta quay lại nhìn vẻ mặt nghi ngờ của tôi, cười cười: “Cứ đi dạo đi, lúc này là ban ngày chắc cũng không có gì lạ lùng đâu. Tôi câu thêm một lát, tuần sau có thêm đồ ăn.”
Nghe anh ta nói thế, tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn, vẫy vẫy tay tiến về phía bờ hồ phía tây.
Hai tay đút túi áo, tôi đi dạo lăng quăng dọc theo bờ hồ thoai thoải, chợt nhận ra từ lúc vào đại học dường như chưa hề có thời gian dạo mát thư thái thế này. Ban đầu tôi còn tưởng khu này giống như những khu du lịch sinh thái khác, nhưng tới rồi mới biết, làng này vẫn là một làng làm nông chính hiệu. Nghề chính của dân trong làng vẫn là đánh cá nuôi tôm. Nhưng chỉ vì dạo này mô hình “làng du lịch” đang thịnh vượng, nên cán bộ trong thôn cũng hô hào vận động mọi người biến làng thành khu du lịch, chứ thực ra, gần như toàn bộ làng vẫn giữ nguyên những nét vốn có của nó, thậm chí còn có nhà cuốc vài khoảnh ruộng nhỏ, trồng rau củ quả nữa. Có thể nói, ngoại trừ dịch vụ cho câu cá và ít nhà trọ quán ăn ra thì còn lại đều không có gì thay đổi. Đương nhiên, loại khu du lịch nguyên sơ này giá tiền cũng dễ chịu hơn rất nhiều so với những khu du lịch chuyên nghiệp khác.
Tuy nói là nói vậy, nhưng đi bộ giữa một vùng không gian quê kiểng thân thuộc, cộng với tiết trời mát mẻ thanh tân buổi đầu xuân, cho nên ngược lại khiến người ta cảm nhận được cảm giác vui vẻ nhẹ nhàng của cái thuở “tháng hai nước hồ xanh, mọi nhà chim xuân hót” xa xưa. Tôi hít sâu đầy lồng ngực, ngẩng đầu nhìn những cành liễu xanh rủ xuống sát mặt nước hồ, chim én có lẽ cũng sắp về, nhắc đến chim én, lại nhớ tới bác Tôn trong căn biệt thự cổ kia, không biết mùa xuân năm nay, hương hồn của ông ấy và tiểu thiếu gia nhà ông ấy có thể nhìn thấy chim én hay không?
Tôi chậm rãi đi hết con đường ngoạn cảnh, thấy phía trước còn một con đường trải dài típ tắp hướng vào rừng, nhưng lại bị mấy bức tường bằng nhựa ngăn lại. Tôi nheo mắt nhìn sang, xuyên qua tầng tầng cây rợp bóng phía trước dường như nhìn thấy một loại bia đá nào đó, màu đá xám trắng loang lổ ẩn dưới tàng cây xanh mướt trông có vẻ cực kỳ huyền bí, nếu không phải thị lực tôi vốn hơn người thì đã không trông thấy rồi. Đột nhiên nhớ tới lời Lục Tử nói ở làng này có nhiều di tích lịch sử lâu đời, vì thế tôi bèn ôm lòng hiếu kỳ, quyết định phá rào, vượt qua bức tường chắn mà bước sâu vào trong rừng.
Tôi cúi lom khom người cố vượt qua những bụi cây um tùm dày đặc để tiến đến bên cạnh tấm bia, phát hiện nó đã sứt mẻ gần hết, trên mặt bia có thể thấy mơ hồ vết khắc, còn lại đều mờ mịt, kể cả con thần thú khắc trên đỉnh bia cũng trông không ra là con gì. Tôi dùng tay xoa xoa mặt bia, một vài hàng chữ khắc hằn vào đá hiện ra, nhưng hình như là văn tự cổ, tôi nhìn không hiểu, hơn nữa chỉ có vài hàng ngắn ngủi, xem chừng cũng không phải là người nào quan trọng. Trải qua bao nhiêu năm tháng như vậy, có lẽ cả dòng họ của người này cũng đã quên mất sự tồn tại của tấm bia rồi. Cũng cảm thấy có chút bi thương, nhưng quả thực, không phải mộ của hào kiệt anh hùng, thì không hoa dâng cũng chẳng rượu cúng. Tôi dạo qua phía sau tấm bia, bất chợt phát hiện trên mặt bia có rất nhiều vết cào của dã thú, dường như là động vật linh trưởng, vết tích rất sâu, giống như có rất nhiều loài thú hoang cùng tới đây cào móng vậy. Trừng trừng nhìn những vết cào hồi lâu, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng: chẳng lẽ ở đây có dã thú thường lui tới? Vậy mà còn dám hình thành khu du lịch? Không sợ khách du lịch gặp tai nạn chết người sao?
Ngay khi tôi đang cảm thấy lo lắng cho vấn đề an toàn ở khu du lịch này, đột nhiên từ phía sau lưng truyền tới những tiếng khóc than đau khổ bi ai, dường như là từ bờ sông cách đó không xa. Tôi cau mày, thầm nghĩ chẳng lẽ vừa nhắc Tào Tháo Tào Tháo tới liền sao, thực sự có người rơi xuống sông?! Vì vậy cũng nhanh chân bước vội ra phía bờ sông đàng trước xem thử. Tôi đưa tay gạt cành cây chắn lối, bước tới một chỗ bờ nước cạn, nhìn thấy rất nhiều dân làng đang vây thành một vòng tròn chật cứng, có vài người đang đỡ một thiếu phụ trung niện đang khóc lóc kêu gào tới mức muốn lả đi, tiếng khóc la rợn người lúc nãy là từ bà ta. Tôi hiếu kỳ xen vào đoàn người, dường như bọn họ đang cực kỳ hoảng loạn nên thậm chí không hề nhận ra là tôi là người lạ, không có ai tới ngăn cản tôi cả.
Tôi cúi xuống thoáng nhìn, sau đó lập tức giật nảy người kinh hoàng, hóa ra là một xác người chết đuối, mà không ngờ chỉ là một đứa bé con. Không biết lúc còn sống đứa bé này trông thế nào, nhưng lúc này cái đầu của nó đã trương phồng lên bằng hai đầu người bình thường, da đã chuyển thành màu tím đen, mắt mũi đều biến dạng không còn trông ra hình người nữa, dường như khi chết nó rất sợ hãi hay rất kinh hoàng về cái gì đó; vẻ mặt của nó cực kỳ dữ tợn, giống như đang cố hết sức mà hít lấy không khí. Hai bàn tay nắm chặt như thể đang muốn giữ lấy vật gì đó, tay chân đều cong lại cứng ngắc. Thân thể của nó cũng phồng to ra, y phục tả tơi lại gần như bị thân thể trướng lên xé rách hết. Có lẽ đã chết được một thời gian khá lâu rồi, toàn bộ thi thể như một miếng bọt biển hút nước căng phồng, tỏa ra một mùi tanh lờm lợm.
Dù sao tôi cũng không phải pháp y, đang đi dạo lại tự nhiên gặp phải một thi thể đáng sợ như vậy, đương nhiên không kịp chuẩn bị tâm lý, dạ dày lập tức cuộn lên, tôi hấp tấp bịt chặt miệng, luống cuống lui lại phía sau vài bước, trong lòng tuy không phải không cảm thấy thương tiếc cho đứa bé bị tai nạn, nhưng cũng không khỏi cảm thấy có hơi… xui xẻo, vì sao lại gặp phải loại chuyện này vào cuối tuần. Khi tôi đang gấp gáp lui bước, chân chợt đạp lên một cái gì đó cồm cộm khiến cả người thoáng chốc lảo đảo. Tôi vội vàng bám lấy cây cối xung quanh, cúi đầu nhặt một thứ từ dưới đất lên, nó là một thứ trông có vẻ rất cổ quái, dường như là một thứ đồ bằng đá có hình chữ nhật hơi cong lên quanh mép, trông có vẻ xưa cũ lắm rồi, bên trên nhìn kỹ còn có một ít hoa văn hình mây cuộn, có vẻ là một loại đồ cổ nào đó. Nhưng một thứ thế này vì sao lại rơi bên hồ? Có quan hệ gì với đứa bé đã chết hay không? Tôi lật qua lật lại nó trên tay, dùng ngón chà chà mặt trên, có thể trông thấy trên mặt khối chữ nhật có hai chữ triện nho nhỏ. Tôi không phải chuyên gia về lãnh vực này, nên quyết định mang về cho Bạch Dực và Lục Tử xem thử. Một người là giáo viên lịch sử, một người là dân buôn bán cổ vật chuyên nghiệp, chắc chắn sẽ biết đây là thứ gì.
Ngay lúc tôi chuẩn bị đi, chợt vô tình liếc nhìn qua bờ hồ, bất thần phát hiện trong bụi cỏ lau dày bên hồ có một thứ gì đó đang động đậy, bởi vì vừa bị dọa cho sợ phát khiếp nên tôi cũng không chắc có phải mình hoa mắt hay không, bèn dụi dụi mắt nhìn kỹ lại, quả thực giữa đám cỏ lau có một đôi mắt hung ác đang trừng trừng nhìn sang, một thứ gì đó có gương mặt đầy lông đen thui đang lạnh lùng nhìn tôi chằm chằm, nó khẽ lay động theo dòng nước, cứ như đang nổi lềnh bềnh trên đó vậy. Thoáng chốc tôi cảm thấy sợ run cả người, nhưng vẫn không dám chắc, liền kéo kéo mấy người đứng gần đó nhất mà hỏi: “Các vị nhìn coi, có phải trong đám cỏ lau có cái gì đó đang chuyển động không?”
Bọn họ ngẩng đầu nhìn về hướng tay tôi chỉ, nhưng nhìn một lúc vẫn không thấy con quái vật lúc nãy đâu, quả thực giống như tôi đã nhìn thấy ảo giác vậy. Vì thế mọi người đồng loạt quay lại nhìn tôi, ánh mắt căm tức như thể vừa bị trêu chọc, dường như đứa bé đã chết là thân thích của bọn họ, bọn họ đang thương xót lại đột nhiên bị một người xa lạ như tôi chen vào chọc tức, vì thế bao nhiêu tức giận đau thương đều chuyển hết lên người tôi, có vài người đã bắt đầu hầm hè xông tới, tôi sợ hãi lùi lại, thật sự nếu không mau chóng giải thích thì có khi đám người này sẽ xông vào đánh tôi một trận cho hả dạ mất.
Tôi vội vàng hoa chân múa tay, dùng mọi khả năng mình có để miêu tả lại thứ vừa nhìn thấy lúc nãy, vừa nghe tôi kể lại đầu đuôi, những người đó chợt thay đổi hẳn sắc mặt, ánh mắt căm tức bất chợt hóa thành một loại vừa kinh hoàng vừa lo sợ. Tôi ngơ ngác dừng tay nhìn bọn họ, lòng nghĩ sao những người này có thể thay sắc mặt còn nhanh hơn cả Jim Carrey[1] thế không biết? Vì thế có chút chột dạ mà e dè hỏi: “Tôi… tôi nói sai cái gì sao…?”
Người phụ nữ đang khóc thê thảm trên mặt đất chợt choàng dậy kéo tay tôi, kích động kêu gào: “Cậu chạy mau! Đừng tới đây nữa! Chạy đi! Nếu không cậu sẽ bị khỉ nước lôi đi bây giờ! Giống… giống như con tôi vậy… Thủ hồ gia gia ơi! Xin ngài thương xót… đừng… đừng kéo người xuống nước nữa…!” Nói xong bà lại giãy mạnh thoát khỏi tay những người dân làng đang giữ chặt mình, chỉ thẳng vào mặt bọn họ mà mắng: “Chỉ tại các người! Các người bị tiền làm mờ mắt! Thủ hồ gia gia đã không muốn cho bất kỳ ai được tới mé tây hồ, vậy mà các người còn đòi mở cái khu du lịch chó má này! Giờ thì hay rồi, Thủ hồ gia gia nổi giận rồi, sớm muộn gì ngài cũng lôi cả cái làng này xuống hồ, đi làm khỉ nước hết!!!”
Nói xong lại giậm chân khóc lóc thảm thiết, tôi vội lùi về phía sau mấy bước, ngạc nhiên nhìn bà ta, một đám người nhanh chóng kéo bà ta ra chỗ khác, lúc tôi còn nghi hoặc bất an nhìn theo thì một người đeo kính, ra vẻ là cán bộ thôn đã tiến tới vuốt mồ hôi trên trán mà nói với tôi: “Cậu đây đừng sợ, thím hai nhà họ Trương là mẹ của đứa bé vừa mới mất, cho nên tinh thần có hơi kích động chút thôi.”
Tôi ngoái nhìn người phụ nữ nọ, bà vẫn sụp người bên cạnh xác chết, cái đầu lắc qua lắc lại theo một cách thật điên cuồng, lại nhớ tới thứ quái vật nấp trong bụi lau lúc nãy, tôi chợt cảm thấy có một cảm giác thương xót kỳ lạ đối với đứa bé nằm chết ở kia: “Sao đứa bé này lại tự nhiên chết đuối được, hay là tại công tác giữ an toàn của các vị còn chỗ hở?”
Vừa nhắc tới vấn đề an toàn, ông ta lập tức trở nên khẩn trương, vội nhìn tôi mà xua xua tay: “Không có không có, làng này sống dựa vào hồ lâu nay kia mà, chỗ nào dành cho khách du lịch tham quan đều có lan can phòng hộ hết, còn chỗ này vốn chỉ là chỗ cho ngư dân neo thuyền đánh cá thôi…” Sau đó ông ta nhìn tôi chằm chằm, nghi ngại hỏi: “Mà cậu đây… hổng phải phóng viên chớ?”
Hóa ra ông cán bộ này sợ phóng viên đăng chuyện có người chết đuối ở chỗ này lên báo, nên tôi lập tức lắc đầu: “Tôi không phải phóng viên, chỉ là du khách tới đây tham quan thôi.”
Ông ta an tâm gật đầu, sau đó thở dài nói tiếp: “Mà đám trẻ con ở đây, có đứa nào không biết bơi đâu chớ, sinh ra bên hồ, lớn lên trong hồ mà. Nhất là thằng con này của thím hai nữa, bơi giỏi như cá vậy, chúng ta ai cũng gọi nó là con rái cá con[2] Tiểu Trương Thuận. Vậy mà một đêm mấy bữa trước, nó thay ba nó đi thu lưới cá, tới giờ chưa thấy về. Ai mà ngờ lại chết đuối bỏ mình chớ, mãi tới hôm nay nó nổi lên mới biết… chắc là do thủy triều đánh dạt vào đây.”
Tôi vẫn còn hơi lấn cấn về cái tên “khỉ nước” mà lúc nãy người phụ nữ kia nhắc tới, liền hỏi thăm: “Vậy hai cái tên ‘khỉ nước’ với ‘Thủ hồ gia gia’ mà thím hai họ Trương nhắc tới là cái gì vậy?”
Ông ta cười khẩy trả lời: “Ôi dào, toàn là mớ mê tín dị đoan của đám ngư dân ven hồ thôi ấy mà! Nói cái gì mà người chết đuối đều biến thành thủy quỷ, tìm cách tha người khác xuống sông chết thay để bản thân được đi đầu thai vân vân. Còn ‘Thủ hồ gia gia’ gì đó cũng chỉ là truyền miệng mà thôi, gì mà như là đại yêu quái thống lĩnh đám thủy quỷ ở trong hồ này vậy đó! Hà hà, cậu đây người thành phố, chắc cũng không tin ba cái thứ nhảm nhí này đâu hả!”
Tôi cũng cười cười gật đầu, nhưng trong lòng thì cực kỳ sợ hãi. Thực ra cái tên “khỉ nước” tôi cũng từng nghe qua, là cách gọi dân gian của thủy quỷ, hay có nơi còn gọi là móc câu nước. Người Trung Quốc không thích nhắc tới từ “quỷ”, nên dùng những cái tên giàu hình tượng khác để thay thế, ví dụ như khỉ nước, là vì bề ngoài của loại quỷ này cũng lông lá đen thùi như khỉ thật vậy, nhưng thực ra là do linh hồn những người chết đuối biến thành. Theo ghi chép trong “U minh lục”[3], thứ này thời cổ đại gọi là “thủy trùng”, có nơi gọi là “thủy tinh”. Chúng có khả năng biến hóa, có thể biến thành đủ thứ khác nhau, dụ dỗ những người không phòng bị ra sát mép nước, sau đó nắm cổ chân họ kéo thẳng xuống đáy sông hồ, mạnh không thể chống lại nổi. Chỉ cần bước lên bờ là bọn chúng lập tức hóa thành yếu ớt, còn không bằng một đứa bé. Nhưng khi ở dưới nước, thì chúng là những u hồn lệ quỷ thuộc loại kinh khủng nhất. Lúc này tôi chỉ nghĩ, đừng nói là nó đã “chấm” tôi, chọn tôi làm người chết thay đó nha…
Cán bộ thôn thấy tôi không phải phóng viên, cũng chẳng giống công an, huống chi tôi chết hay sống hoàn toàn không liên quan gì tới ông ta, mà ông ta cũng là loại người chẳng thèm tin có thần có quỷ, cho nên cũng không thèm quan tâm gì tới tôi nữa mà quay lại lo trấn an dân làng. Tôi liếc mắt nhìn thím Trương, thấy bà ta đang nhìn tôi một cách cực kỳ sợ hãi, làm như tôi sắp chết giống như con bà ta rồi vậy. Tôi bị ánh mắt đó làm cho rùng mình, xương sống lạnh cứng, liền rủa thầm một câu rồi lập tức rời khỏi bến nước, trong lòng cực kỳ hối hận vì đã đến đây.
[1] Diễn viên hài hình thể người Canada.
[2] Nguyên tác là “giống như cành cây trôi trên sóng”, ý là bơi giỏi và tự nhiên, cho nên Lục Mịnh chuyển thành thế này cho dễ hiểu.
[3] Là tập tiểu thuyết thời Nam triều Tống (420 ~ 589) kể lại những chuyện quái dị. Bao gồm 20 cuốn, do Lưu Nghĩa Khánh (403 ~ 444) biên soạn.