• Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

Khi tôi trở lại khu câu cá, Bạch Dực đã đứng lên xếp cần câu, nhìn xô cá đầy nhóc, tâm tình tôi mới thoải mái hơn một chút, vì chí ít Bạch Dực có thể nấu mấy món rất ngon với đám cá này. Tham ăn có thể nói là tật xấu lớn nhất của tôi, chỉ cần nghĩ tới đồ ăn là không còn lo lắng như lúc nãy nữa. Anh ta vẫy vẫy tay với tôi, ý bảo tôi tới giúp, tôi liền xắn tay áo tiến tới định giúp anh ta xách xô cá, nhưng vừa tới gần thì anh ta đã bịt mũi nhíu mày nhìn tôi: “Tiểu An, đi đâu về mà cả người lại có mùi tanh tanh thế?”

Tôi kéo góc áo lên mũi ngửi ngửi, quả nhiên nghe thấy mùi đất ngai ngái, tôi ngạc nhiên suy nghĩ, rõ ràng sáng nay mới tắm, sao cơ thể lại bốc mùi… đành vùng vằng cãi lại: “Cả người anh cũng đầy mùi cá đó thôi, ai mà nhận ra anh làm nghề giáo viên nữa, chẳng thà xuống đây đổi nghề làm ngư dân cho rồi!”

Anh ta không tin, bèn dí sát mũi vào cổ tôi ngửi ngửi. Lúc này Lục Tử đang cao hứng bừng bừng trở về, nhìn thấy hai chúng tôi, tự nhiên mặt lại nghệt ra như vừa nhìn thấy phim người lớn không dành cho con nít vậy, quay đầu lập tức đi thẳng. Tôi vội vàng hét lên sau lưng hắn: “Lục Tử, chạy đi đâu đó! Quay lại mau!”

Hắn vừa nghe tôi gọi liền do dự một chốc rồi mới quay lại, lúc tới cạnh chúng tôi còn cợt nhả một câu: “Ây da, người ta sợ làm phiền hai người mà!”

Tôi càng nghĩ càng cảm thấy tên ngốc này dường như đã hiểu nhầm cái gì đó, liền liếc hắn nói: “Quấy rối cái gì, tôi còn sợ quấy rối cậu kia… người đẹp kia đâu?”

Hắn không mang người đẹp về, dừng tay giữa chừng? Hình như có hơi không giống tác phong trước giờ của Lục Tử lắm. Nhưng hắn chỉ xua xua tay nói: “À, về với chồng người ta rồi! Còn để lại cho tớ số điện thoại của cô ta nữa cơ, để tớ lúc nào rảnh rỗi thì gọi.”

Tôi rùng mình hỏi: “Phụ nữ có chồng mà nhà ngươi còn dám động thủ? Không sợ chồng người ta tìm tới đánh cho què chân à?!”

Hắn đáp như đùa cợt: “Yên tâm yên tâm, tớ tự biết chừng mực. Thôi đi ăn cơm đi, coi như tớ tạ lỗi với các anh em. Tớ đặt bàn sẵn luôn rồi.”

Lục Tử vươn người tới định kéo chúng tôi tới nhà hàng, nhưng vừa dí sát mặt tới gần người tôi thì đột nhiên cau mũi hỏi: “Tiểu An, bộ vừa đánh rắm hay sao mà thối quá vậy?”

Tôi lập tức đập cần câu lên đầu hắn, phẫn nộ nói: “Có mà nhà ngươi đánh rắm ấy, ăn nói gì mà thô bỉ thế hả!”

Lục Tử lại vươn người tới nghe nghe, sau đó sờ sờ mũi nói: “Không phải… trên người cậu đúng là có một mùi hôi hôi… nhưng mùi này tớ đã ngửi thấy ở đâu rồi ấy nhỉ…”

Mắt Bạch Dực chợt lóe lên, đột nhiên hỏi: “Có phải cậu đang cầm cái gì đó không?”

Bọn họ nhắc tới tôi mới nhớ ra, trong túi còn cục đá kia còn gì. Vì thế vội vàng lôi nó ra, cặp mắt Lục Tử vừa nhìn thấy nó lập tức đã trợn to lên, nhìn chằm chằm vào khối đá mà hít hà: “Oa, cừ thật! Đây hình như là một khối kiếm cách[1] bằng ngọc đó nha!”

Nói xong lập tức nhét lại cục đá vào túi tôi, nhìn trước nhìn sau một hồi không thấy có ai để ý tới, mới thì thầm: “Tiểu An, đây là đồ cổ đó, cậu kiếm đâu ra được vậy?”

Tôi kể lại sơ lược chuyện lúc nãy cho bọn họ nghe, nghe xong, cả hai đều hơi cúi đầu như suy nghĩ, sắc mặt Bạch Dực càng thêm nghiêm nghị khác thường, đây cũng chính là nguyên nhân làm tôi cảm thấy sợ. Vì mỗi lần anh ta tỏ ra căng thẳng, là câu chuyện lại có xu hướng phát triển theo hướng xấu ngay.

Cuối cùng cũng chính Lục Tử là người phá vỡ sự im lặng nặng nề giữa chúng tôi, hắn cắn cắn môi dè dặt nói: “Kỳ lạ thật… một vật thế này sao lại xuất hiện trong một làng chài bình thường như vầy được? Nếu nó đúng là bảo vật văn hóa thì sẽ không bị đối xử lạnh nhạt thế này đâu… Nếu không phải tớ nhìn cổ vật quen rồi thì căn bản nhìn không ra nó là một khối ngọc nha… Thôi bỏ qua đi, đi ăn trước cái đã. Ở đây tai vách mạch rừng, nếu có người biết chúng ta tìm được thứ quý giá như vậy thì coi chừng bị bắt nộp lên bây giờ.”

Tôi nhìn sang Bạch Dực ra ý hỏi, nhưng thấy anh ta vẫn cau mày im lặng, trong lòng tôi vẫn cảm thấy lo âu, nhưng ít ra ngay lúc này cũng chưa có chuyện gì quái dị phát sinh, nên cũng gật đầu mà đáp: “Đúng vậy, đi ăn cái đã. Lúc về phòng rồi sẽ từ từ nghiên cứu lại sau.”

Nhà hàng thực ra cũng là chỗ chúng tôi ở trọ, nói cho đúng ra là một biệt thự nhỏ của một hộ nông dân. Tầng dưới cùng dùng làm nhà ăn, mấy gian phòng trên lầu cho khách du lịch thuê. Có rất nhiều hộ gia đình ở đây chọn cách kinh doanh này, vừa phục vụ chỗ nghỉ vừa phục vụ cơm nước, đồ ăn thì đều là những món ăn làm từ chính nông sản địa phương, ví dụ như canh gà ta, cơm chiên tôm, cá hấp vân vân. Ăn xong rồi khách có thể lên lầu nghỉ ngơi, rất tiện lợi. Gian phòng của chúng tôi ở vị trí tốt, mở cửa sổ ra có thể nhìn thấy mặt hồ trước mặt.

Nhưng bao nhiêu tâm tư của chúng tôi đều để hết ở chỗ khối ngọc và chuyện quái dị lúc nãy, nên không còn lòng dạ nào thưởng thức hương vị của món ăn. Hơn nữa trên người tôi vẫn bám theo cái mùi khó ngửi đó, cũng không muốn ở lâu trước mặt người khác để người ta phải dị nghị, cho nên cả ba vội vàng ăn cho xong bữa cơm, sau đó lập tức lên lầu. Vào phòng đóng cửa lại rồi, Lục Tử húng hắng vài tiếng rồi nói: “Tiểu An, đem thứ kia ra đây xem nào.”

Quả thực mùi hôi kỳ lạ kia toát ra từ chính khối ngọc, còn phảng phất một mùi máu tanh rất nặng hòa cùng mùi đất gai gai mũi, thực sự rất khó nghe. Lục Tử lấy ra một cái hộp nhỏ, bên trong có vài cái bàn chải nhỏ và khăn lau, là thứ mà hắn thường dùng để chùi con dấu. Hắn vừa cẩn thận nâng niu khối ngọc trong tay vừa nói với chúng tôi: “Đây đúng là cái mùi đặc thù của đồ cổ. Nhất là ngọc, để càng lâu thì ngọc càng tỏa ra một mùi hôi khó ngửi, cho nên rất nhiều kẻ làm giả cổ vật thường ném những khối ngọc còn mới vào bồn cầu để làm giả thành ngọc xưa. Nhưng loại thủ pháp vụng về đó thường không qua mắt được dân chuyên nghiệp.”

Tôi thử để sát mũi vào ngửi ngửi, hèn gì mà Bạch Dực vừa nghe đã biết tôi đang giữ cái gì trong người. Quả nhiên thứ này có vẻ rất nhiều tuổi đây, chờ Lục Tử lau sạch nó xong là có thể biết nó là cái gì.

Lục Tử cầm bàn chải nhỏ, tỉ mỉ chải từng chút một dọc theo những vân hoa văn. Bạch Dực cũng ngồi bên cạnh chăm chú nhìn, vừa khi một góc hoa văn lộ ra là anh ta đã lặng lẽ nói: “Thứ này thuộc thời Ngô quốc.”

Lục Tử làm việc rất cẩn thận chu đáo, trong lĩnh vực này hắn quả thực là chuyên gia. Hắn nhìn qua hoa văn, cũng gật đầu: “Đúng vậy, khối kiếm cách bằng ngọc này là của Ngô quốc. Hoa văn này đúng là loại hoa văn thịnh hành thời cuối Xuân Thu, đầu Ngô. Cái âu khai quật được trong kho tàng Tư Đồ ở thành phố Đan Dương tỉnh Giang Tô năm 1976 cũng mang những hoa văn đan chéo nhau phức tạp giống thế này.

Hắn dùng bàn chải chải sạch khối ngọc xong, rồi dùng vải mềm chà nhẹ qua, khối ngọc liền hiện ra ánh sáng nguyên bản của ngọc cổ, đó là một màu giống như màu đá Moldavite[2], giữa sắc xanh lục sậm vằn vện những vằn màu đen mảnh, hình chữ nhật bo tròn ở hai đầu. Một đầu có đục lỗ, dùng để tra chuôi kiếm vào, chính giữa mặt ngọc có khắc hai chữ triện “Câu Nguyệt”, nét chữ mạnh mẽ khí khái. Nếu có thêm cả chuôi lẫn lưỡi kiếm, chắc chắn không phải là một thanh kiếm tầm thường. Nếu có thể cầm trong tay một thanh kiếm như thế ra trận, thì quả là một hình ảnh cực kỳ oai phong!

Lục Tử đặt khối ngọc lên bàn, Bạch Dực lập tức cầm lên, lấy tay miết nhẹ lên chữ khắc trên mặt ngọc mà kích động thì thầm: “Trên này khắc hai chữ ‘Câu Nguyệt’ này! Chẳng lẽ đây chính là thanh kiếm ‘Câu Nguyệt cổ kiếm’ đã thất truyền từ lâu của Ngô quốc hay sao?!”

Lục Tử vừa thu dọn mọi thứ đi ướng nước, nghe Bạch Dực nói thế thì lập tức phun hết nước ra mà ho khan, tôi sợ hắn phun nước lên khối kiếm cách, vội vàng kéo hắn lại. Hắn kích động nắm chặt hai tay tôi mà phun nước bọt như mưa lên mặt tôi: “Có lầm không vậy chứ!! Chẳng lẽ… chẳng lẽ chính là thanh kiếm lưỡi vàng chuôi ngọc mà Ngô vương Phù Sai đã dùng để bức tử Ngũ Tử Tư hay sao?!!!”

Hắn vừa nói thế, tôi cũng lập tức sợ ngây người, quên mất cả nước miếng phun phèo phèo trên mặt mình mà ngây ra nhìn khối kiếm cách bằng ngọc trong tay Bạch Dực. Tục truyền Ngô vương có một thanh “Câu Nguyệt cổ kiếm”, cùng với thanh “Vương giả chi kiếm” của Việt vương Câu Tiễn hợp thành một đôi hi thế bảo kiếm được xưng là “Thiên hạ xưng bá thành vương”. Thanh kiếm của Câu Tiễn được gọi là “Thành vương”, còn Câu Nguyệt được gọi là “Thủ quốc”. Ngô vương Phù Sai dùng nó để bức tử Ngũ Tử Tư, sau đó khi Việt quốc tấn công Ngô quốc thì bóng dáng của Câu Nguyệt cũng theo loạn lạc mà bị phủ mờ trong suốt chiều dài lịch sử, không còn ai biết tung tích. Nghe kể rằng những bậc vương giả có được thanh kiếm này trong tay, sau khi chiếm được thiên hạ rồi, sẽ được kiếm phù trợ cho được thiên hạ thái bình, thịnh thế muôn đời, thiên thu vạn đại.

Ba người chúng tôi đều lặng người đi bàng hoàng, cuối cùng vẫn là tôi e dè lên tiếng trước: “Thứ này… thực sự là một bộ phận của thanh cổ kiếm đó sao? Nói vậy thì phải chăng… thanh kiếm vẫn còn lưu lạc gần đâu đây?”

Bạch Dực đẩy gọng kính, nheo nheo mắt nhìn khối kiếm cách mà trả lời: “Cũng khó nói, nhưng tôi có cảm giác cái này và tấm bia đá cậu nhìn thấy cùng với chuyện khỉ nước nhất định có liên quan. Thế này đi, Lục Tử, cậu ở đây giữ kiếm cách, Tiểu An, dẫn tôi ra chỗ tấm bia đá xem sao.”

Tôi lập tức gật đầu, nghĩ ở một làng chài bé nhỏ hẻo lánh như thế này mà lại có thể có một phát hiện chấn động đến thế, cũng thực sự có chút hứng khởi. Nhưng bên cạnh đó là một loại bất an không gạt đi nổi, trực giác nói cho tôi biết, chuyện này không đơn giản như vậy.

Còn Lục Tử trước hết vẫn là một thương nhân, hắn lập tức suy nghĩ theo góc độ của một vụ buôn bán, vừa nghe tới tấm bia đá đã lập tức nói: “Hai người đi xem đi nhé, có thể tấm bia đó cũng có giá trị, nếu thực sự có liên hệ với thanh kiếm này là tôi lập tức gọi người tới bán liền, tới lúc đó không quên tiền hoa hồng cho hai người đâu!”

Khi chúng tôi quay lại bên hồ, trời đã ngả về chiều, khu du lịch đầy những đôi trai gái nắm tay nhau đi dạo quanh hồ ngắm phong cảnh, nhưng chúng tôi không còn lòng dạ nào ngắm hoàng hôn, chỉ mải miết đi về phía tây. Quả nhiên khu vực đó là một “điểm mù” an ninh của khu du lịch này, cho tới bây giờ vẫn không có ai tới canh gác. Chúng tôi cúi gập người chui vào bụi cây, từ đây có thể thấy rõ chỗ nước cạn nơi phát hiện xác chết ban ngày. Thi thể đã được đem đi, nhưng theo tập tục của ngư dân ở đây, vẫn để lại một cây nến sáp ong, bốn phía bày đầy những vật dụng lúc sinh tiền của người chết, với ý nghĩa là để dẫn hồn phách lưu lạc trong nước quay về, tránh cho người chết biến thành khỉ nước.

Hồ nước róc rách tiếng nước triều đều đặn dâng lên rồi lại hạ xuống, nghe như hơi thở của thiên nhiên. Triều dâng rồi triều dạt, có lẽ tấm bia đá kia đã chứng kiến cả ngàn năm thủy triều lên xuống thế này rồi nhỉ. Tôi nhìn mặt hồ một cái, sau đó quay đi bước theo Bạch Dực tới chỗ bia đá. Đột nhiên nghe anh ta khẽ hô lên một tiếng: “Thấy rồi.”

Tôi bước nhanh tới, quả thực là tấm bia đá vô danh tôi đã nhìn thấy ban ngày. Bạch Dực phủi hết lá cây bám trên mặt bia, quan sát một lúc rồi nói: “Quả nhiên là đồ có từ thời nhà Ngô.”

Tôi hỏi: “Trên đó viết những gì vậy? Sao chỉ có vài dòng ngắn ngủi thế?”

Bạch Dực mím chặt môi nhìn tấm bia một lúc lâu khiến tôi càng tò mò, giục anh ta mau nói.

Ánh mắt Bạch Dực có hơi kỳ lạ, anh ta quay sang tôi lặng lẽ nói: “Tấm bia này thực ra là do người chết làm cho chính mình.”

Tôi ngẩn người ra, cái gì cơ? Tự lập bia ình? Kẻ đó biết mình sắp chết nên tự lập bia ình sao?

Tôi gãi gãi đầu chỉ vào tấm bia: “Thì trước hết anh cứ dịch tấm bia này ra cho tôi nghe xem nào, sao kẻ đó chỉ ghi lại cho chính mình có vài hàng như vậy? Cổ nhân luôn luôn coi trọng hậu sự, một tấm bia sơ sài thế này không hợp với lễ giáo lúc đó chút nào!”

Bạch Dực vuốt dọc những dòng chữ khắc mà khẽ đọc: “Nó viết là ‘Sĩ vi tri kỷ giả tử, thiên cổ nhất hận, duy hữu thủ nguyệt’.”

Văn học cổ luôn luôn là điểm yếu của tôi, suy nghĩ mãi mà tôi vẫn không biết tấm bia nói thế là có ý gì, đành quay qua hỏi Bạch Dực: “Anh hiểu kẻ này muốn nói gì không? Tôi chỉ biết câu ‘Sĩ vi tri kỷ giả tử, nữ vi duyệt kỷ giả dung’[3] thôi à…”

Bạch Dực khẽ cười cốc đầu tôi một cái: “Bậy bạ, cái gì mà ‘nữ vi duyệt kỷ giả dung’ ở đây? Câu đầu đúng là có ý là ‘kẻ sĩ chết vì tri kỷ’. Còn ‘thiên cổ nhất hận’, tôi cũng không biết là hận gì, ‘duy hữu thủ nguyệt’ có hai cách hiểu, cách thứ nhất là chỉ cái hồ Thủ Nguyệt này, cách hiểu thứ hai là chỉ thanh kiếm Câu Nguyệt.”

Người thời cổ thường lời ít mà ý nhiều, phần nhiều là để cho người nghe tự suy ngẫm, dựa vào chính khả năng của mình mà lãnh hội. Nếu có ngộ tâm, tất sẽ tự hiểu người ta đang nói cái gì, còn nếu không có ngộ tâm, thì xin lỗi, có nhìn đám chữ đó tới mức thổ huyết cũng đừng hòng hiểu ra. Tuy không thể hiểu hết câu này có ý gì, nhưng xem ra chắc chắn có liên quan nào đó tới Câu Nguyệt cổ kiếm.

Bạch Dực thấy đám chữ này cũng không cung cấp được thêm cái gì cho chúng tôi, liền bước ra phía sau tấm bia xem thử. Tôi càng không hiểu gì, vì thế liền quay ra phía sau lưng nhìn lại chỗ nước cạn nơi thi thể được tìm thấy, nhưng lại đột nhiên phát hiện ngọn nến sáp đã… biến mất, chỉ để lại những vệt sáp trắng nhạt. Trên mặt cát lưu lại một loạt dấu chân ướt sũng, nhìn là biết tuyệt đối không phải dấu chân người, mà cứ như những dấu chân vịt khổng lồ vậy.

Tôi cảm thấy mặt mình tê rần lên, vội vã xoay người gào lên với Bạch Dực: “Lão Bạch lão Bạch, ngọn nến mất tiêu rồi!”

Bạch Dực ngẩng đầu lên khỏi mặt sau tấm bia, đột nhiên anh ta cũng trừng to mắt, thoáng cái kéo lấy tay áo tôi giật mạnh lại, kéo tôi về phía sau tấm bia. Vì lực kéo quá mạnh, mặt tôi liền đập thẳng vào mặt đá, tôi chỉ cảm thấy mũi đau thốn lên, đau tới mức rên rỉ: “Anh bị mắc cái chứng gì vậy, mũi tôi bị đập gãy bây giờ!”

Nhưng Bạch Dực không thèm để ý tới, chỉ nhanh như chớp nhảy phắt ra chặn trước mặt, kéo tôi ra phía sau lưng mình. Tôi bưng chặt mũi nhìn lên, vừa kịp thấy một cái bóng đen nhoáng cái chui vào trong rừng cây dày đặc, tốc độ cực nhanh. Bạch Dực chỉ cẩn thận quan sát bốn phía, âm trầm nói với tôi: “Chỗ này không an toàn, về thôi!”

Không cần anh ta phải nói tôi cũng biết chỗ này lành ít dữ nhiều, thứ đen thùi lúc nãy rất có khả năng chính là vị khỉ nước ban sáng, đúng là bám dai như đỉa vậy. Tôi bỏ bàn tay đang bịt mũi ra, nhìn thấy một màu đỏ ghê người của máu tươi, nghĩ thầm, Bạch Dực đúng là ra tay quá mạnh, nếu anh ta mà cố tình một chút thì không chừng cả cái mặt tôi cũng dẹp lép mất rồi. Anh ta nhìn gương mặt của tôi, cũng có hơi hối hận, liền lấy trong túi quần ra một cái khăn tay chuẩn bị giúp tôi lau mũi. Nhưng tôi vội vàng ngăn bàn tay anh ta lại, cầm lấy cái khăn tự mình lau. Anh chàng này mạnh tay như vậy, bây giờ mà lau một cái dám cái mũi của tôi cũng rớt ra theo quá. Tôi lườm anh ta một cái, bưng mũi nói: “Về trước cái đã, hiện tại không phải là lúc quan tâm tới vấn đề mặt mũi, có xấu đi chút cũng còn hơn là xuống hồ làm khỉ nước!”

Trên đường trở về tôi vẫn bưng chặt mũi, Bạch Dực lẽo đẽo theo phía sau. Những người trên đường nhìn mặt tôi, tưởng tôi vừa bị ai “dạy dỗ”, đều chỉ trỏ thì thầm với nhau. Tôi cúi thấp đầu, thầm mắng cả mười tám đời tổ tông nhà Bạch Dực tơi tả.

Một người đàn ông trung niên tiến tới từ phía xa, tôi nhận ra ông ta là một trong số những ngư dân ban sáng. Ông ta tiến thẳng tới trước mặt tôi, thấy phía sau tôi còn có thêm một người, hơi ngây ra một chút, thế nhưng lại lập tức đi tiếp. Trên thắt lưng của ông ta có cột một sợi dây xô gai màu trắng, bởi vì người chết là đứa nhỏ trong nhà, nên người lớn không cần mang vải tang màu đen mà chỉ cần cột một sợi dây trắng bên hông, biểu thị trong nhà có trẻ con qua đời là được.

Ông ta vội vàng nói với tôi: “Cậu nhóc, đừng ở lại đây nữa, sớm muộn gì cũng gặp xui cho coi. Tui biết cậu không tin, nhưng khỉ nước ở chỗ này khá với những chỗ khác, có thể lên tận trên bờ mà tha người xuống nước đó, tất cả những ai đã trông thấy nó đều sẽ bị nó kéo xuống nước hết đó!”

Tôi nhìn ông ta, cảm thấy có thể tìm hiểu được nhiều điều từ người này, bèn lén nháy mắt với Bạch Dực một cái rồi làm ra vẻ ngây thơ nói với ông ta: “Đại ca, không phải tôi không tin, nhưng mà anh nói chuyện cũng mập mờ quá đi. Tôi không hiểu gì hết, mà khỉ nước là cái gì?”

Ông ta nhìn chúng tôi một chút rồi thở dài: “Hai người không phải người trong thôn, không biết khỉ nước lợi hại tới mức nào đâu. Thằng con nhà tui trước khi gặp nạn cũng nhìn thấy khỉ nước, sau đó mới bị nó lôi xuống hồ. Nhất là những lúc thủy triều, đám khỉ nước ở đây cứ như trúng ma, đều chực chờ bên mặt nước, thấy ai là kéo người đó xuống hồ cho chết đuối liền. Những lúc thủy triều lên xuống, làng này không ai dám ra hồ bắt cá cả. Ai… chúng ta đều biết, bị khỉ nước lôi đi rồi là thế nào cũng phải trở thành một trong số chúng… thương cho con tui…”

Bạch Dực đứng bên cạnh chăm chú lắng nghe, tới đây đột nhiên chen vào hỏi: “Vậy vùng này có truyền thuyết gì về cái hồ này không? Càng xưa càng tốt!”

Ông ta suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Những chuyện cổ ở đây nói chung đều là về cái hồ này, nhưng chuyện xưa nhất… có lẽ là chuyện kể là ngày xưa đã từng có một quý tộc nhảy xuống sông tự vận, không ai biết lai lịch của người đó ra sao, nhưng nghe đồn ông ta biết pháp thuật, tự sát rồi cũng không có cá tôm nào dám rỉa xác của ông ta, hơn nữa… hình như là ông ta còn ôm theo một thanh kiếm nhảy xuống hồ nữa.”

Tôi và Bạch Dực quay phắt lại nhìn nhau, cảm thấy có đầu mối, vì thế hỏi ông ta kể chi tiết hơn. Người đàn ông gãi gãi tóc suy nghĩ rồi kể: “Ông nội tui bảo, thân thế của người này rất đặc biệt, nghe nói ông ta chết rất trẻ, lúc chết lại ôm oán hận quá lớn, oán khí không tan nổi, cho nên biến thành Quỷ Vương của thủy quỷ, mà cả thanh kiếm của ông ta cũng rất đáng sợ. Thủy quỷ đều phải nghe lệnh ông ta, mà cái vị ‘Thủ quốc gia gia’ này đặc biệt không thích người ta tới mé tây hồ, kẻ nào dám tới lập tức sẽ bị khỉ nước bắt đi hết. Cho nên chỗ đó biến thành chỗ cấm của làng này. Nhưng sau thời cải cách văn hóa, khách du lịch bắt đầu tìm tới, ban ngày chúng tui cũng bạo gan vài lần tới câu cá. Nhưng gần đây thì đám khỉ nước càng lúc càng hung tợn khác thường, hình như là do oan hồn của vị gia gia này quấy phá, tụi tui cũng cúng cho hồ rất nhiều lần, nhưng không ăn thua gì. Thằng con tui tối bữa trước ra mé tây hồ rồi cũng không còn trở về nữa…”

Bạch Dực hỏi tiếp: “Vậy các vị có biết người này là người thời nào, tên gì không?”

Ông ta chậc chậc lưỡi đáp: “Cái đó thì không biết, nghe nói là người trước cả thời Tần Thủy Hoàng, tên gọi… không biết tên là gì, nhưng tụi tui đều gọi ông ta là ‘Thủ quốc công’, những cái khác… quả thực không biết.”

Tôi xem chừng không còn hỏi thêm được gì nữa, bèn chào hỏi qua loa rồi cùng Bạch Dực về phòng trọ. Dọc trên đường, Bạch Dực đều rất trầm tư như đang suy nghĩ rất lung, lúc chúng tôi vào phòng, thấy Lục Tử vẫn đang nghiên cứu khối kiếm cách bằng ngọc kia. Chúng tôi vừa vào cửa, hắn đã đứng dậy hỏi có thu hoạch gì không.

Tôi tự rót ình một ly nước, kể lại chuyện ông ngư dân kia đã nói cho hắn nghe. Hắn gõ gõ lên bàn, thở dài: “Tư liệu như vậy vẫn còn quá ít, chẳng biết thêm được gì cả.”

Bạch Dực lắc đầu: “Chưa chắc, hai người suy nghĩ thử xem, Phù Sai bức tử Ngũ Tử Tư rồi, sau đó bảo kiếm có thể rơi vào tay ai? Một thứ quan trọng như vậy, Ngô vương Phù Sai có ngốc đến mấy cũng không thể giao vào tay người ngoài. Cho nên chắc chắn lúc đó giữ kiếm phải là thân tín, hoặc là trực hệ của Ngô vương.”

Chính xác, nghe rất có lý. Tôi gật đầu, đồng ý với ý kiến của Bạch Dực: “Nói đúng lắm, vậy người nào có thể vừa là thân tín của Phù Sai lại vừa biết pháp thuật nhỉ?”

Lục Tử cắt ngang: “Không thể tin theo lời ông ngư dân kia nói mà nghĩ rằng người đó nhất định phải biết pháp thuật, làm sao có chuyện hoang đường tới mức đó được. Người thời cổ thường cho những hiện tượng tự nhiên dị thường đều là pháp thuật cả, nếu cậu bây giờ mà quay vể thời cổ đại móc ra một cái bật lửa là lập tức tất cả mọi người, coi chừng cả lão hoàng đế cũng phải quỳ xuống trước mặt cậu nữa là.”

Tức là, ngoại trừ khối kiếm cách cộng với một câu chuyện truyền khẩu không đầu không đuôi thì chúng tôi không có gì khác trong tay cả. Kỳ thực, điều làm tôi quan tâm nhất chỉ là làm sao để không bị khỉ nước lấy mạng mà thôi, vì nếu như lời ông ngư dân kia nói là thực, bất kỳ ai nhìn thấy khỉ nước đều phải chết, vậy chẳng phải tôi chết chắc rồi sao?

Bạch Dực nhìn thấu lo lắng trong lòng tôi, liền vỗ vỗ vai khuyên nhủ: “Tôi cảm giác chuyện này vẫn chưa ngã ngũ, hơn nữa chỗ này cũng xa hồ, khỉ nước không thể nào dám tới tận đây mà tìm cậu được đâu, cùng lắm thì mai chúng ta về thành phố, lẽ nào nó có thể đuổi theo cậu tới tận đó?”

Nhưng lần này thì ngay cả những lời bảo đảm của Bạch Dực cũng không làm tôi bớt lo hơn chút nào. Trong lòng dường như luôn luôn có một tảng đá khổng lồ đè nặng, không sao nhẹ nhõm được. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã tối đen lại, mặt hồ ánh lên một sắc xanh sẫm pha đen huyền ảo, một vầng trăng tròn trặn lửng lơ giữa bầu trời không gợn áng mây. Một khung cảnh tĩnh tại đẹp đẽ đến thế, vậy mà lúc này nhìn lại không hiểu sao cứ cảm thấy có hơi quỷ dị.

Chợt từ xa truyền tới từng đợt thanh la xập xòe cộng với tiếng tụng kinh đều đều của hòa thượng. Ngoài bến sông, ngư dân đang tổ chức lễ cúng cho đứa trẻ vừa chết, bọn họ đốt một đống quần áo mà nó thường mặc khi còn sống bên bờ sông, từ xa vẫn có thể nghe thấy mùi cháy khét lẹt.

Tiếng khóc của người phụ nữ ban sáng lại lần nữa vang lên thảm thiết. Tôi bắt đầu thực sự phát sợ, tay run run vội vã đóng cửa sổ lại, bất an quay lại ngồi lên ghế, ỉu xìu nói với hai người còn lại: “Tôi mặc kệ hết, sáng mai chúng ta về đi! Bọn khỉ nước này thực sự quá đáng sợ mà, tính mạng quan trọng hơn thanh kiếm kia nhiều!”

[1] Kiếm cách là một khối (thường là) hình chữ nhật nằm ở vị trí giữa chuôi kiếm và lưỡi kiếm, có tác dụng bảo vệ tay.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK