- Đây là Jeremy, phải không?
- Đúng! Đó là con trai tôi! Anh nhìn thấy thằng bé rồi à? anh hỏi, lòng tràn trề hy vọng.
Người đàn ông này có vẻ không giống những kẻ bán hàng rong kia. Sơ mi sạch sẽ, áo com lê, tóc tai gọn gàng, giày cũ nhưng đánh xi tươm tất. Bất chấp tính chất cực khổ của công việc, gã vẫn chăm chút giữ gìn một vẻ ngoài không chê vào đâu được.
- Tôi tên Youssef, gã giới thiệu. Tôi đến từ Tunisia.
- Anh nhìn thấy con trai tôi rồi à?
- Rồi. Tôi nghĩ thế. Hai ngày trước…
- Ở đâu?
Gã đàn ông người Tunisia liếc ánh mắt ngờ vực quanh anh.
- Tôi không thể nói với ông lúc này, gã nói tiếp vẫn bằng tiếng Anh.
- Xin anh làm ơn! Chuyện này rất hệ trọng.
Youssef tuôn một tràng chửi rủa bằng tiếng Ả Rập với hai gã “Đồng nghiệp” mon men tới gần nhìn gã.
- Ông nghe đây… gã do dự. Ông hãy đến chờ tôi tại quán Móng ngựa. Đó là một quán cà phê nhỏ trên phố Belhomme, cách đây một trăm mét, ngay phía sau tòa nhà Tati. Nửa tiếng nữa tôi sẽ đến gặp ông ở đó.
- Đồng ý, cảm ơn anh! Cảm ơn anh!
Sebastian rốt cuộc cảm thấy hy vọng trở lại. Anh đã đúng khi cứ cố làm như vậy! Lần này, anh đã tóm được cái gì đó. Một hướng đi thực sự.
Anh băng đường sang đại lộ Barbès rồi đi dọc theo mặt tiền một cửa hàng lớn có logo kẻ ô vuông màu hồng: Tati. Cơ sở tiên phong trong việc giảm giả mạnh khiến khu phố này luôn náo nhiệt từ hơn năm mươi năm nay. Truy tìm các món hời, đám khách hàng lục lọi trong các thùng nhựa to đặt san sát trên vỉa hè. Đầm, quần, áo sơ mi, túi xách, đồ lót, đồ ngủ, bóng, đồ chơi… Các thùng đồ đầy ắp mọi thứ và mọi chủng loại: hàng lẻ size, xả hàng, hàng ế hay “Đợt giảm giá thế kỷ”.
Phía trên vỉa hè, những gã bán hàng rong khác đã kiếm được chỗ bày hàng, những người này thì bán túi Vuilton hay nước hoa giả.
Sebastian tiếp tục đi vào phố Bervic để sang phố Belhomme. Barbès thật mạnh mẽ và sống động. Đám đông chen chúc, những cuộc trao đổi ồn ào, nhưng khiến người ta ngạc nhiên. Các hình ảnh, sự năng động, sự sôi động không ngừng của khu phố khiến một người Mỹ như anh thấy hoang mang. Thậm chí các phong cách kiến trúc cũng tồn tại song hành cùng nhau: chỉ trong một khối nhà, các mặt tiền phong cách Haussmann liền kề với các ngôi nhà bằng đá vôi và những khu nhà ở xã hội.
Cuối cùng anh cũng đến trước quán cà phê mà Youssef đã nói. Một quán rượu mặt tiền khá hẹp, khép mình giữa một hiệu áo cưới hạng xoàng và một tiệm làm tóc của người châu Phi. Quán vắng tanh. Một thứ mùi nồng của gừng, quế và rau luộc bao trùm căn phòng.
Sebastian ngồi xuống một cái bàn gần cửa sổ rồi gọi một tách cà phê. Anh chần chừ không biết có nên gọi cho Nikki không. Anh rất muốn báo cho cô biết phát hiện của mình, nhưng lại quyết định chờ xem sau đây có biết thêm được gì không để tránh làm cô mừng hụt. Anh uống một hơi hết tách espresso, nhìn đồng hồ đeo tay rồi căng thẳng gặm móng tay, cảm thấy thời gian dài lê thê. Trên cửa sổ dán một tờ quảng cáo mời chào dịch vụ bùa ngải.
Tiến sĩ Jean-Claude
Làm phép giải bùa
Hàng phục những kẻ hai lòng
Vĩnh viễn trở lại là người yêu thương trong gia đình.
Thứ đó có lẽ rất hữu ích cho mình, anh mỉa mai nghĩ trong khi Youssef tiến vào quán rượu.
- Tôi không có nhiều thời gian, gã đàn ông người Tunisia cảnh báo trong lúc ngồi xuống trước mặt anh.
- Cảm ơn vì anh đã đến. Sebastian vừa nói vừa đặt tấm ảnh của Jeremy lên bàn. Anh chắc là đã gặp con trai tôi chứ?
Youssef chăm chú nhìn bức ảnh.
- Tôi chắc chắn. Đó là một cậu bé người Mỹ tầm mười lăm hay mười sáu tuổi tự xưng là Jeremy. Tôi đã gặp nó vào tối hôm kia ở chỗ Mounir, một trong những “chủ ngân hàng” của chúng tôi.
- Chủ ngân hàng ư?
Youssef nhấp một ngụm trong tách cà phê mà gã đã gọi.
- Mỗi ngày có hàng trăm bao thuốc lậu được bán ở ngã tư Barbès-Rochechouart, gã giải thích. Việc bán thuốc lá lậu cũng có hệ thống y như buôn ma túy. Những người bán buôn mua hàng từ các chủ cung cấp người Tàu. Sáng sáng, họ mang hàng đến địa điểm rồi giấu vào một chỗ bất kỳ: các thùng rác, xó xỉnh, khe các sạp hàng, cốp xe đỗ tại các địa điểm xung yếu. Sau đó đến lượt chúng tôi đi bán thuốc lá trên phố.
- Thế còn các “chủ ngân hàng”?
- Họ là những kẻ đi thu tiền.
- Nhưng Jeremy làm gì ở chỗ gã Mounir đó?
- Tôi không biết, nhưng thằng bé không có vẻ gì là bị giữ lại một cách miễn cưỡng cả.
- Gã đó sống ở đâu?
- Phố Caplat.
- Có cách đây xa lắm không?
- Không xa lắm.
- Có thể đi bộ tới đó chứ?
- Có thể, nhưng tôi phải ngăn ông ngay. Mounir không phải một kẻ dễ tính và…
- Tôi xin anh, làm ơn hãy dẫn tôi tới nhà gã đó! Tôi sẽ đi nói chuyện một mình với hắn.
- Không phải là ý hay đâu, tôi can ông đấy!
Rõ ràng là gã người Tunisia đang khiếp hãi. Sợ bị mất “việc”? Sợ khiến đám người không mấy dễ chịu kia quay lưng lại với mình?
Sebastian cố lấy lòng tin từ gã.
- Anh là một người tốt, Youssef. Hãy dẫn tôi tới chỗ Mounir. Tôi phải tìm lại con trai mình.
- OK, gã nhượng bộ.
Họ ra khỏi quán cà phê để sang khu Barbès theo phố Sophia. Đang là hai giờ chiều và mặt trời đã lên đến đỉnh. Vẫn là cảnh náo nhiệt, đại lộ nhung nhúc người. Trẻ, già, thị dân… Một số phụ nữ đầu trùm khăn, số khác lại diện mini-jupe.
- Anh học tiếng Anh ở đâu thế, Youssef?
- Ở đại học Tunis. Tôi vừa mới học xong khóa thạc sĩ văn học và văn minh Anh ở đó thì phải trốn chạy khỏi đất nước, cách đây sáu tháng.
- Tôi tưởng mọi thứ ở Tunisia đã khá hơn rồi…
Youssef lắc đầu.
- Chế độ Ben Ali sụp đổ và cuộc cách mạng Hoa nhài không tạo ra được việc làm bằng phép màu được, gã cay đắng giải thích. Tình hình vẫn hết sức khó khăn. Ngay cả có bằng cấp rồi thì thanh niên cũng chẳng có mấy tương lai. Tôi muốn thử vận may của mình ở đây hơn, tại nước Pháp.
- Anh có giấy tờ không?
Gã lắc đầu.
- Chẳng ai trong chúng tôi có giấy tờ cả. Tất cả chúng tôi đều đến đây qua đường Lampedusa vào mùa xuân năm ngoái. Tôi đi tìm một công việc tử tế, nhưng thật không dễ dàng gì khi chẳng có giấy tờ trong tay. Tôi không hãnh diện về công việc này, nhưng bán lẻ hàng lậu như thế này, đó là tất cả những gì tôi tìm được. Ở đây, mọi thứ đều phải tự xoay xở lấy, mỗi người vì chính bản thân mình. Anh phải tìm được vị trí của mình giữa các việc móc túi, bán ma túy, chứa chấp đồ ăn cắp, giấy tờ giả, bán thuốc lá…
- Còn cảnh sát thì sao?
Gã người Tunisia cười khẩy:
- Để tỏ ra mình làm việc mẫn cán, bọn cớm tổ chức truy quét mười ngày một lần. Anh sẽ bị tạm giam một đêm, trả tiền phạt và hôm sau, anh lại có mặt ở vỉa hè.
Youssef rảo bước, vội vã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Sebastian khó khăn lắm mới bắt kịp gã. Càng đi, anh càng cảm thấy bất an. Toàn bộ chuyện này chẳng phải có vẻ quá thuận lợi đến mức khó tin hay sao? Tại sao con trai anh lại có thể lạc vào lãnh thổ của một tên buôn lậu thuốc lá mờ ám cách New York đến sáu nghìn cây số chứ?
Lúc hai người đến một quảng trường nhỏ rực rỡ ánh nắng, người đồng hành với Sebastian giữ khoảng cách với anh khi đi vào một con ngõ chật chội và tối tăm dẫn đến đại lộ Chapelle.
- Tôi xin lỗi, Youssef vừa xin lỗi vừa rút từ trong túi ra một con dao.
- Nhưng…
Gã Tunisia huýt một tiếng qua kẽ răng. Tức thì, hai gã đàn ông xuất hiện phía sau Sebastian.
- Lúc nãy tôi đã cảnh báo anh rồi mà: ở đây, mỗi người đều vì chính bản thân mình.
Sebastian há miệng định nói, nhưng một cú đấm thô bạo giáng thẳng vào bụng anh. Anh cố gắng đánh trả; Youssef nhanh hơn anh: một cú đấm móc trúng giữa mặt khiến anh ngã gục xuống đất.
Đồng bọn của gã đàn ông người Bắc Phi dựng anh dậy rồi giữ ngang lưng anh. Khi ấy màn tra tấn thực sự mới bắt đầu: những cú thúc cùi chỏ vào bụng, những cú đá rồi tát, những lời thóa mạ. Không thể tự vệ được, Sebastian nhắm mắt chịu những cơn mưa đòn không dứt. Anh đã chịu một trận đòn như sự chuộc tội, như con đường sám hối cực nhọc. Trận đòn này, đó là Via Dolorosa của anh…
Anh đã tự chuốc khổ vào thân như một tên ngốc. Khi moi nắm tiền của mình ra với vẻ ngạo nghễ như thế, anh đã nhận về mình hình phạt đích đáng. Lẽ đương nhiên là gã Tunisia chưa bao giờ gặp Jeremy. Có lẽ gã đã nghe thấy tên thằng bé khi Sebastian nhắc đến nó trong cuộc nói chuyện với ông chủ sạp báo. Khi đó anh còn bất cẩn lôi ví ra nữa… Youssef đã lợi dụng tính cả tin của anh, còn anh, Sebastian, anh không đáng được tha thứ. Anh chẳng hề chứng tỏ được chút bình tĩnh nào, cũng chẳng thèm suy nghĩ. Anh cứ cun cút lao đầu vào miệng sói! Với tập tiền trong tay, trang phục và cái vẻ khờ khạo của người Mỹ, làm gì còn con mồi nào trên đời ngon ăn hơn anh.
Sau khi đã đánh đập và trấn lột của anh, Youssef ra hiệu cho hai tên đồng bọn. Hai tên thuộc hạ nhất loạt buông con mồi rồi chạy biến.
Cung lông mày toạc máu, hai môi phồng tướng, mí mắt sưng húp, Sebastian khó khăn lắm mới lấy lại được thần trí. Anh cố mở một mắt ra. Anh lờ mờ phân biệt được tiếng ồn ào của đám đông ở phía xa hơn, dòng xe cộ nối đuôi nhau không dứt chạy trên đại lộ. Anh khó nhọc đứng dậy.
Anh lấy tay áo vest chùi những vết máu chảy ra từ miệng và mũi.
Chúng đã cướp đi của anh tất cả. Ví, tiền, điện thoại, thắt lưng, giày. Thậm chí cả chiếc đồng hồ phiên bản hạn chế mà anh được thừa kế của ông nội.
Những giọt nước mắt tủi nhục và bực bội ngân ngấn trong mắt anh. Anh sẽ nói sao với Nikki bây giờ? Sao anh lại có thể cả tin đến thế? Và bất chấp ý chí của mình, liệu anh đã thật sự có đủ năng lực cần thiết để tìm lại được con trai?