Một đêm vắng lặng trên con đường 126. Trăng vẫn sáng trên những ngọn cây khộp, nằm dưới hố cá nhân mới đào khi chiều, nhìn vầng trăng… trăng đêm nay hình như cũng buồn… những lá khộp cuối cùng rơi lác đác, lá đã lìa cành…
Mấy anh em đặc công cũng tốt bụng thật. Đêm nay, họ không cho anh em trinh sát gác, vì họ cũng thông cảm cho nỗi buồn còn ẩn uất trong lòng, qua một ngày quần với giặc, mất đi những người anh em, mà mới đây bên bờ sông Srepok vẫn còn chung nhau một điếu thuốc, một chuyến đò ngang vượt dòng sông.
Sáng nay, nhóm trinh sát xuất phát với mười bảy gương mặt còn lộ rõ niềm vui… giờ đây chỉ còn năm… tám anh em đêm nay nằm một mình lạnh lẽo ở Đức Cơ, không có hơi của đồng đội, trong những tấm nilon dày màu trắng đục, giữa nghĩa trang còn bụi mù đất đỏ, và có thể đêm nay hay ngày mai, các anh em vĩnh viễn nằm dưới lòng đất mẹ, những hình hài không còn hiện hữu trên cõi đời này. Tội nghiệp anh Tâm già (Đan Phượng – Hà Nội) nhận thư con gái viết những nét đầu tiên, bằng cây bút máy Hồng Hà, bố mua cho trong dịp cùng với mẹ vào thăm bố nơi huấn luyện... những nét chữ ấy ngày mai, ngày kia em sẽ viết cho ai... Anh chưa kịp hồi âm cho con, vì còn đang trên đường chiến dịch. Anh Chín trinh sát d1 (Cam Tân – Cam Ranh) bị người yêu giận mấy hôm, chưa kịp làm lành, ngày ra đi, cô nàng cố chấp không ra bến xe đưa tiễn, nhưng khi xe rời khỏi Ủy ban xã, chỉ nhìn thấy cô nàng hốt hoảng nhìn nghiêng nhìn ngửa tìm anh… nước mắt lưng tròng… bàn tay chới với vẫy vào không gian… nhưng còn kịp đâu… và mãi mãi không bao giờ kịp nữa rồi… Bốn anh em khác, đêm nay không biết ở viện Pleiku hay 17 Đà Nẵng, vết thương tấy lên nhức nhối, có ai an ủi động viên không? Cầu trời cho các anh gặp người con thương, để anh em được an ủi phần nào, khi biết rằng các anh là những người cùng chiến hào với con… Thương cho anh Hùng khi tỉnh dậy biết mình đã mất một chân… sau này có còn được đi cùng người yêu bách bộ dọc biển Trần Phú - Nha Trang dưới những đêm trăng và sóng lặng hay không?
Còn mình…
“… Em cùng mẹ anh đi gánh nước trên đồng, giữa đường gặp anh giao liên đưa thư của xã, anh đưa cho em một lá và mẹ anh một lá thư của anh gửi về. Lá thư có lẽ anh viết trong một hoàn cảnh quá thiếu thốn, phong bì và lá thư là một mảnh giấy láng, trên mặt là những dòng chữ bằng tiếng ngoại quốc (vỏ của lon thịt gà Hà Lan loại 1,3 kg. Tôi chú thích), em nhìn những nét chữ ‘thiên thần’ của anh mà chạnh lòng. Mẹ anh ngồi xuống bên vệ đường, bảo em đọc ngay, không chờ về nhà nữa, em càng đọc… nước mắt mẹ anh chảy như suối đổ… Tội nghiệp con tôi! Lời cuối cùng em nghe mẹ anh nói như vậy.
Trong vòng một tuần, tin tức từ chiến trường gần như ở xã ai cũng biết, anh em ở thôn mình cùng đơn vị với anh, bị thương đang nằm ở Pleiku, Đà Nẵng báo tin về, gia đình họ lên thăm, mẹ anh lo lắm, vì họ nói rằng anh là lính trinh sát, gian nan nguy hiểm hơn họ nhiều. Mẹ anh khóc nhiều lắm, nhiều lúc em động lòng cũng khóc theo…
Gia đình anh và cả em đều biết anh nói dối, để em và gia đình an tâm, những người thăm con về, họ nói chiến trường Campuchia khốc liệt lắm, nhưng sao anh vẫn thấy bình thường là sao? Nhiều lúc em cũng giận anh ghê, sao anh không nói thật để em cùng chia sẻ với anh, những gian nguy của chiến tranh lửa đạn, em không giúp gì được cho anh, nhưng tình yêu của em dành trọn cho anh, như dòng suối mát, chảy trong hoang địa và sa mạc, như lời anh nói khi chia tay với em khi nào kia mà?
Mổi lần nghe tin có thư anh, bác Cảnh chủ tịch xã đều xuống nhà, xin lá thư của anh, để đọc trên hệ thống truyền thanh của xã, động viên tinh thần của thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự…”
Tôi dựa lưng vào hố cá nhân ngửa mặt nhìn trời, ánh trăng sáng vời vợi, dìu dịu rọi qua những thân cây khộp trơ trọi… những cơn mưa lại đến và sức bật của mầm xanh trỗi dậy… đời vẫn là màu xanh dù cho lửa đạn em ơi. Người lính em yêu, sẽ trở về với em, với dòng sông hoa trắng của quê mình.
Đi vào giấc ngủ chập chờn, hình bóng anh em lại hiện về… tất cả anh em dường như vẫn còn quanh quẩn đâu đây. Đêm nay sao dài vô tận!