Thiết lập
Thiết lập
Kích cỡ :
A-
18px
A+
Màu nền :
  • Màu nền:
  • Font chữ:
  • Chiều cao dòng:
  • Kích Cỡ Chữ:

ĐÊM GIAO THỪA MẬU NGỌ - KỈ MÙI.

(Post từ khách sạn Quỳnh trên đường Trần Phú – Nha Trang).

Có những đơn vị trong f307 thì mùa xuân năm 1979, là mùa xuân đầu tiên trên đất nước Chùa Tháp, nhưng đối với anh em e95 thì đây là mùa xuân thứ hai, vì có những thế hệ anh em nhập ngũ năm 1977 trở về trước, đã một lần ăn tết trên đất bạn năm 1978, khi đánh giải vây cho đồn biên phòng 23 Đức Cơ. Năm 1979 ngày mùng một tết hình như là cuối tháng 1/ 1979, chứ chưa bước qua tháng hai dương lịch, và đây là thời điểm tàn khốc nhất của những tháng mùa khô, ai đã trải qua sẽ không bao giờ quên trong đời của mình.

Qua đợt truy quét đầu tiên, chúng tôi về lại SCH Sư đoàn, nằm trên giao lộ 120 đi lên chùa Preah Vihear và 69 đi về Phum Kamtuot – Anlongveng. Sư bộ nằm trong một khu rừng bằng lăng khá đẹp và lí tưởng, cạnh một dòng suối vẫn còn nước chảy róc rách ngày đêm. Báo cáo tình hình với Ban Tham Mưu sư đoàn xong, Trung tá TMT sư đoàn trao cho tôi quyết định bổ nhiệm Trung đội trưởng, và quyết định thăng quân hàm từ Hạ sĩ lên Thượng sĩ vừa kí ráo mực, tôi về Ban Trinh sát và nhận nhiệm vụ phối thuộc cùng d3 e95, xây dựng tuyến phòng thủ dọc biên giới từ chùa Preah Vihear đến chân Núi Cụt. Nghỉ lại f bộ một đêm, (chờ các bộ phận của sư đoàn chuẩn bị cho công tác chiến đấu của e95) một đêm không lo nghĩ gì về chiến tranh, thanh thản tâm hồn, đi lòng vòng các đơn vị đóng quanh f bộ, kiếm trà lá điếu đóm cho vui, và đến khuya nghỉ đêm với anh em pháo 37 li.

Một đêm để nhìn lại cả một chặng đường chiến dịch, nhìn lại chính mình, suy nghĩ về vai trò của mình trong chức vụ mới, mà tuổi đời, tuổi quân còn quá non nớt về mọi mặt. Bên cánh võng, một đêm giữa rừng cùng anh em trong đơn vị pháo 37, với tách trà nóng và những phong lương khô tiết kiệm được trong đợt truy quét, hình ảnh những gương mặt khi còn ở Đức Cơ, cứ hiện về trong từng câu chuyện, nhiều anh em đã nằm lại trên mọi nẻo đường chiến dịch… tuổi mười tám, đôi mươi đã nằm trong lòng đất mẹ… những người con mãi không trở về, những sinh viên sẽ không còn trở lại trường Đại học, những ước mơ cháy bỏng, những cuộc tình tuyệt đẹp đã không còn được thăng hoa trên cõi đời… Chiến tranh đi qua chỉ còn lại nỗi đau trong lòng mỗi con người.

Một anh lính pháo nào đó hát khe khẽ bài hát “Lá đỏ” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ từ thơ của Nguyễn Đình Thi… khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tưởng rằng chiến tranh chỉ còn lại trong kí ức… những vần thơ đẹp về một thời đạn bom, một thời lửa cháy, ngỡ rằng đã lùi xa vào dĩ vãng, và tồn tại trong tâm thức của những người lính đi qua trên mọi nẻo đường Trường Sơn.

Nhưng không phải như vậy… hôm nay đây, cũng giống như rừng Trường Sơn đại ngàn, giữa mùa trở gió năm nào, rừng khộp mùa khô Campuchia gió vẫn ào ạt thổi… hàng ngàn, hàng vạn vô số kể, những chiếc lá trút xuống đỏ rực trời. Vẫn còn đó những đoàn quân điệp điệp trùng trùng hối hả ra trận, bước chân đi mạnh mẽ rung chuyển cả núi rừng, bụi đỏ bay mờ mịt nhòa trong trời lửa mùa khô… đâu đó vùng Konhek, anh em e94 và cả f309 đang phải chịu đựng, giành giật sự sống với khí hậu khắc nghiệt của vùng Đông bắc… Một quang cảnh, một không khí thật hào hùng và kì vĩ chẳng khác năm xưa trên đường Trường Sơn.

Những thế hệ chiến sĩ mới sau chiến tranh, của các tỉnh duyên hải miền Trung, cùng với những anh em đất Hà thành, có mặt trên cánh quân Đông bắc này, cũng ra trận mang theo nỗi nhớ quê hương và tuổi trẻ của họ.

Năm xưa trên đường Trường Sơn điểm hẹn là Sài Gòn, còn hôm nay chỉ biết rằng đó chính là tổ quốc.

Sáng hôm sau, cùng theo xe của Sư đoàn về d3 e95, cách chân chùa vài kilômét, dọc đường thấy các đơn vị đóng quân trong những khu rừng xanh dọc suối, tập trung công sức vào công việc hầm hố, giao thông hào, bộ phận công binh của f đang hoàn tất những cây cầu nhỏ bắc qua những con suối, để giao thông được dễ dàng, thỉnh thoảng có vài cây mai rừng, những cành lan đuôi chồn, lan Bát treo ở các hầm của đơn vị công binh, để chuẩn bị đón Tết.

Đêm giao thừa… cùng đón khoảnh khắc của mùa xuân cùng anh em c9 d3, mỗi người đều có những tâm sự riêng, không ai ngủ, tất cả đều chờ nghe chương tình phát thanh QĐND lúc hai mươi mốt giờ, nghe đọc danh sách các đơn vị được Chủ tịch nước tặng lẵng hoa, trong đó có f307 và e95, đón nghe lời chúc tết của bác Tôn… trở lại hầm anh em cũng thao thức nói chuyện cho đến sáng.

Đêm giao thừa… đêm Trừ Tịch… đêm ba mươi… nhớ ngày xưa khi học tác phẩm “Tối ba mươi” của nhà văn Thạch Lam, thầy Hồ Phú Quế với tâm hồn lãng mạn của người con xứ Huế, giảng rất hay về khoảnh khắc giao thừa của hai nhân vật Liên và Huệ…, bối cảnh cuộc đời khác nhau hoàn toàn… nhưng nhớ nhất, là đoạn thầy viết tổng kết, thầy khuyên học thuộc, để mai kia trên đường đời, mỗi người sẽ có một kỉ niệm về đêm ba mươi… “Rất nhiều đêm qua đi để có một đêm ba mươi, rất nhiều đêm ba mươi qua đi, để có một đêm ba mươi Tết. Và cũng phải có nhiều đêm ba mươi tết qua đi, mỗi con người sẽ có một tối ba mươi xúc động tâm hồn…”

Vâng, thưa thầy… đêm ba mươi xúc động là đêm nay đây, con đang cảm nhận niềm xúc động khi nhớ về những mùa xuân qua đi trong cuộc đời con… những mùa xuân thanh bình nơi quê hương Mỹ Cát bao quanh đầm Đề Gi, với những bãi cát vàng tuyệt đẹp, với sóng biển dào dạt êm đềm cuộn vào bờ, với tiếng reo vi vút ngút ngàn của rừng dương, với từng đoàn người ra biển trong đêm giao thừa… và những năm trọ học ở Quy Nhơn, do chiến tranh lan rộng, không về nhà ăn tết cùng gia đình, chiều chiều ra biển khu Hai, dọc đường Nguyễn Huệ nhìn biển cho đỡ nhớ nhà… và hôm nay giữa rừng sâu của miền cực bắc Campuchia, trong muôn nỗi nhớ về thời gian… thời gian đã đi qua đong đầy bao kỉ niệm, khi năm tháng lùi xa, kỉ niệm cũ lại quay về…

Thời gian ơi! Hãy cho tôi và đồng đội tôi, được trở về sống với những đêm ba mươi thanh bình, hạnh phúc bên những người thân. Xin hãy bay đi màu mây trên tóc những người mẹ chiến sĩ, để trên cõi đời này… những người mẹ chiến sĩ vẫn sống mãi bên con cái mình… dù rằng đã có nhiều người con mãi không trở về bên mẹ được nữa. Những đứa con của lòng đất mẹ Việt Nam trung dũng kiên cường “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa…”

Tết năm đó, xuân Kỉ Mùi 1979, do đường vận chuyển chưa thông, nên quà Tết đến trễ cả tuần.

Cuối cùng, xuân đã về… đã về trên biên giới Thái Lan – Campuchia, thay cho pháo hoa, là những chùm pháo sáng máy bay Thái Lan thả suốt cả đêm, dọc theo dãy Dangrek.

Danh Sách Chương:

Bạn đang đọc truyện trên website TruyenOnl.COM
BÌNH LUẬN THÀNH VIÊN
BÌNH LUẬN FACEBOOK